Tuesday, September 3, 2024

Ký Ức Trôi Theo Đồi Cù - Tôn Thất Long

 

KÝ ỨC TRÔI THEO ĐỒI CÙ

Người ta thường nói, ký ức đã mất thì chỉ còn lại là sự quên lãng. Vậy đó, với dân Đà Lạt ai đã từng sinh ra và lớn lên ở thành phố này thì đều biết và có ký ức về Đồi Cù. Nằm ở giữa thành phố, cạnh Hồ Xuân Hương, một bên đồi, một bên hồ như một cặp tình nhân thiên nhiên tạo ra cho người dân xứ này.

Tôn Thất Long


 

Có đến rồi mới thấy cảnh thơ mộng nó ra làm sao để làm nên một Đà Lạt mộng mơ, khó tả lắm nếu bạn chưa từng đến và nhìn thấy nó. Nếu ai may mắn đã từng lên đồi Cù chạy nhảy, picnic, hẹn hò hay cắm trại, thả diều hay chỉ nằm dài từ trên cao nhìn trãi dài ra bốn phương trời mới cảm nhận được điều này.

Lên Đồi Cù, từ nơi đó bạn có thể ngắm được rất nhiều cảnh không chỉ là thiên nhiên xung quanh mà còn hưởng cái không khí trong lành thoáng đãng, nó cho bạn cái cảm giác tự do, rộng rãi, hít thở những làn gió nhè nhẹ, tiếng thông reo, tiếng cỏ lay động xào xạt trong không gian. Mùi cỏ, mùi thông quyện vào nhau trong không khí mà không phải ở đâu cũng có hay tìm được. Tất cả không có sự bó buộc, mọi phía, mọi nơi đều mở rộng, ai đến cũng được đó là Đồi Cù của người dân Đà Lạt đã từng có. Mấy ai từng biết cạnh Đồi Cù còn có một hồ nhỏ nữa, hồ Tống Lệ cái tên nghe nhiều vẻ xót xa tiễn biệt với những giọt nước mắt rơi, mấy ai từng biết những bộ phim nổi tiếng của VN ngày xưa trước và sau 75 rất nhiều cảnh được quay trên Đồi Cù này. Đồi Cù chắc hẳn đã nhìn và giữ không biết bao nhiêu kỷ niệm của rất nhiều người. Đồi Cù là một phần thân thể của Đà Lạt, là nơi gìn giữ ký ức không chỉ của cư dân Đà Lạt mà còn kể đến cả khách vãng lai, những đôi tình nhân từng đặt dấu chân đến nơi này.

Đà Lạt vốn không phải là vùng đất ăn chơi hay trung tâm kinh tế, vốn dĩ nó từng được xem là một trong ba trung tâm văn hóa của miền Nam là Sài Gòn, Huế và Đà Lạt. Cư dân Đà Lạt vốn từ nhiều vùng đất nước về đây làm nên một Đà Lạt với nhiều ấp. Mỗi ấp là một nhóm di dân từ một vùng miền nào đó đến với những chuyên môn khác nhau, ngày xưa được đến Đà Lạt để được làm cư dân của Đà Lạt là một điều khó khăn không tưởng, không phải ai cũng đến được. Cũng giống như tình trạng hộ khẩu sau 75, vào thập niên trước 45 phải có sự bảo lãnh, quan hệ hay lao động tay nghề cao mới đến được Đà Lạt. Đà Lạt chọn người để giữ đất, giữ thiên nhiên, dựng lên một nếp sống văn hóa, văn minh mà khó có một thành phố nào ở Việt Nam có được.

Vậy đó, Đà Lạt được quy hoạch rất kỹ càng, không xây dựng lộn xộn, không xô bồ và phá cảnh quan. Đồi Cù và Hồ Xuân Hương như cặp tình nhân, là hai nơi mà từ khi có Đà Lạt luôn được giữ như vậy cho đến một ngày mà đồng tiền và những con người không có cùng ký ức đến rào lại và đào xới lên.

Đồi Cù vốn thuộc về cư dân Đà Lạt, nó là của chung biết bao thế hệ, nhưng giờ đây người dân Đà Lạt không có tiếng nói, Đồi Cù bị bắt cóc, xẻ thân ra và đem bán như những miếng bánh, ai có tiền nhiều thì mua nhiều, bán càng được nhiều miếng càng tốt. Những kẻ mua là những người không phải cư dân Đà Lạt, không cùng ký ức., không cùng chia sẻ niềm vui và kỷ niệm về Đồi Cù Những người Đà Lạt từng sống, từng biết đến một Đồi Cù tự do, một Đồi Cù không có hàng rào và người bảo vệ, một Đồi Cù của mọi người nhưng nó đã bị ép phải chết. Không chỉ Đồi Cù bị ép chết hay mất đi, thật ra Đà Lạt đã bị ép chết từ lâu rồi, Đà Lạt hay Đồi Cù chỉ còn là những bức ảnh trắng đen hay pha màu của ký ức mà thôi.

Có thể có nhiều người nói thời thế thay đổi, vạn vật thay đổi thì phải chấp nhận thôi. Nhưng đó là miễn cưởng, thật ra đi tới hay phát triển không phải là phải là phá đi, là xây thêm. Chắc chắn một điều những người mua bán Đồi Cù từng đã đi nước ngoài du lịch, họ chắc hẳn trầm trồ và ngưỡng mộ những vẻ đẹp cổ kính và phong cảnh thiên nhiên của Paris, Rome, Vienna, Prague, Sydney hay Melbourne …những nơi họ từng đi qua. Hẳn họ đều nhận thấy rằng cho dù những đô thị, những thành phố hiện đại gấp trăm ngàn lần Đà Lạt nhưng cảnh quan thiên nhiên không bao giờ bị chiếm dụng cho thương mại. Thay vào đó họ còn cấm xây dựng và phá bỏ cảnh quan xung quanh, họ bảo vệ thật tốt những gì thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đó. Họ biết giữ những ký ức tồn tại cho đến muôn đời thay vì xóa bỏ nó. Người dù đi xa đến đâu nhưng khi về nhìn lại cảnh cũ sẽ nhớ lại tất cả những kỷ niệm xưa, thật hạnh phúc khi tìm lại cảnh ngày xưa thay vì đau lòng vì cảnh cũ đã mất.

Có thể một ngày nào đó Đồi Cù biến mất nhưng ta sẽ khó quên đi một Đồi Cù từng tồn tại hàng trăm năm nhưng đã bị xoá bỏ. Xóa bỏ cảnh quan là chuyện dễ làm, nhưng xóa bỏ đi một ký ức để không ai còn nhớ về nó “Đồi Cù” thì là một điều khó khăn.

Tuy vậy, rồi sẽ có một ngày nào đó khi người Đà Lạt xưa nhắc về Đồi Cù và được một ai đó hỏi lại Đồi Cù là gì, nó ở đâu? Thật đau lòng biết bao vì ký ức đã bị xoá mất, tất cả không còn là gì nữa.

Tôn Thất Long

sgtc

 

No comments: