Bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát cùng nhan đề vào năm 1971, được nhiều ca sĩ lần lượt thể hiện, tạo sức lan toả sâu rộng. Cũng từ đó, đề cập đến nữ nhân vật trong tác phẩm Ngày xưa Hoàng Thị, vì lắm lý do, có những ngộ nhận đã xảy ra khá nực cười.
Thơ bay bằng cánh nhạc
Phạm Thiên Thư có họ tên Phạm Kim Long, chào đời năm Canh Thìn 1940 tại Hải Phòng trong một gia đình Đông y mà cha gốc Thái Bình, mẹ gốc Bắc Ninh. Giai đoạn 1943 – 1951, Phạm Thiên Thư sống ở Hải Dương, rồi theo gia đình vào Nam, cư ngụ tại Sài Gòn từ năm 1954. Lớp đệ tam (tương đương lớp 10 hiện thời), Phạm Thiên Thư học trường Trung học tư thục Văn Lang ở khu Tân Định, quận 1, chung lớp với một nữ sinh gốc Hải Dương là Hoàng Thị Ngọ tuổi Nhâm Ngọ 1942.
Phạm Thiên Thư kể:
-Hoàng
Thị Ngọ dáng người thanh mảnh, tóc thả ngang vai. Xếp hàng vào lớp, nàng đứng đầu
hàng nữ, tôi đứng cuối hàng nam. Vào lớp, nàng ngồi bàn đầu, tôi ngồi bàn cuối.
Ngọ học giỏi, còn tôi thì giỏi… đánh lộn. Thế mà tôi yêu nàng. Yêu đơn phương.
Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân. Nhà Ngọ ở đường Trần Quang Khải. Mỗi lần tan
trường, nàng ôm cặp đi bộ về nhà, tôi cứ lẽo đẽo theo sau.
Phạm Thiên Thư thi đỗ tú tài bán phần (1) rồi trở thành sinh viên phân khoa Phật
học thuộc Viện Đại học Vạn Hạnh (2). Từ năm 1964, Phạm Thiên Thư trở thành tu
sĩ Phật giáo với pháp hiệu Thích Tuệ Không, trải qua các chùa Kỳ Quang (3), Từ
Vân (4), Vạn Thọ (5). Mặc dầu ăn chay và khoác nâu sồng, những mỗi lần đi về
khu Tân Định, Phạm Thiên Thư lại bâng khuâng luyến nhớ mối tình đơn phương thuở
học trò. Xúc cảm, Phạm Thiên Thư sáng tác bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị,
âu yếm gọi rõ tên nàng trong khung cảnh mây đỏ, cây đỏ, hoa đỏ, bụi đỏ:
Em
tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn
(…)
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Phạm
Thiên Thư cho biết:
-Năm
1968, tôi ấn hành cuốn sách đầu tay Thơ Phạm Thiên Thư (6) với số lượng ít ỏi,
chỉ 500 bản. Lúc đó, tôi là tu sĩ, ngại bất tiện nên chỉ in bài thơ Ngày
xưa Hoàng Thị theo dạng trích. Đến năm 1971, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi
trao trọn vẹn bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị. Ít lâu sau, Phạm Duy phổ
bài thơ này thành bài hát. Năm 1974, tôi in đầy đủ bài thơ Ngày xưa
Hoàng Thị trong thi tập Ngày xưa người tình (6).
Phạm Duy viết trong hồi ký Nhớ (NXB Trẻ, 2005): “Sự gặp gỡ của
tôi với Phạm Thiên Thư – mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi với một đám mây – là
do hai chúng tôi vô tình cùng đi thăm một người quen đang nằm trong một bệnh viện.
Gặp Phạm Thiên Thư ở đó, tôi yêu mến anh ngay. Sau đó, thi sĩ luôn luôn tới nhà
tôi đàm đạo. Lúc bấy giờ, tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học
trò như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi. Đọc được bài thơ Ngày xưa
Hoàng Thị mà anh bạn trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin
phổ nhạc ngay.”
Trong “nhạc tập 2” Đưa em tìm động hoa vàng (NXB Trẻ, 2006),
trước ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, Phạm Duy ghi: “Sài Gòn 1971. Tôi
gặp Phạm Thiên Thư vào lúc tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học
trò như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi. Tôi được vị tu sĩ vừa cởi áo nâu
sồng đưa cho một bài thơ cũng nằm trong đề tài này để phổ nhạc, chỉ khác có một
điểm là cô bé trong bài thơ không mang những cái tên diễm lệ như Tuyết Nhung
hay Dạ Thảo, mà mang một cái tên rất bình dị là Ngọ, Hoàng Thị Ngọ. Tôi dùng một
âm giai ngũ cung và một thể nhạc kể truyện để đưa ra tình khúc rất bụi đỏ đường
mơ này.”
Ca
khúc Ngày xưa Hoàng Thị được Phạm Duy soạn nhịp ¾, tiết tấu
valse (7), âm giai chủ chuyển từ si giáng trưởng sang đô trưởng, tôn vinh kỷ niệm
tình yêu học trò tương ứng mạch thơ của Phạm Thiên Thư. Thế nhưng, khi trở
thành ca từ trong bài hát cùng nhan đề, lời thơ Ngày xưa Hoàng Thị của
Phạm Thiên Thư đã được Phạm Duy linh hoạt chuyển biến khá nhiều về từ ngữ và bố
cục.
Với ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị, thoạt tiên, Phạm Duy ghi: “Allegro”
(8). E rằng thuật ngữ tiếng Ý kia chưa diễn tả đủ sắc thái cần thiết, nên nhạc
sĩ chua nghĩa: “Nhanh mà buồn”. Sau này, nhạc sĩ chỉnh lý: “Kể chuyện”.
Giữa năm 1971, nhạc phẩm Ngày xưa Hoàng Thị liền được in rời với
bức ảnh Rừng thu của nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Tính, rồi tái bản
ngay với tranh màu nước tươi trẻ sinh động của hoạ sĩ ViVi (9). Năm 1974, Phạm
Duy ấn hành tập nhạc Con đường tình chúng ta đi (NXB Gìn Vàng
Giữ Ngọc) gồm 16 ca khúc, trong đó có Ngày xưa Hoàng Thị.
Cũng từ năm 1971, qua làn sóng phát thanh và truyền hình, đồng thời qua băng từ,
ca sĩ Thái Thanh ngân vang Ngày xưa Hoàng Thị. Sau đó, trên các nền
hoà âm phối khí khác nhau, Ngày xưa Hoàng Thị được lần lượt thể
hiện bởi bao chất giọng: Thái Hiền, Julie Quang, Thanh Lan, Sơn Ca, Hoạ Mi,
Hương Lan, Ý Lan, Ngọc Hạ, Quang Linh, Khánh Linh, Đức Tuấn, Quốc Đại, Nguyễn
Hoàng Nam, Thái Hạnh Quyên, Thu Hiền, Thu Thuỷ, Mai Hương, Quỳnh Hương, Đoan
Trang, Phương Vy, Kim Ánh, Thuỳ Dung, Mỹ Huyền, Thanh Ngọc, Thanh Thuý, Thanh Hằng,
Thanh Hà, v.v..
Đừng đổi thay nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ!
Tìm hiểu về nguyên mẫu nhân vật trong các tác phẩm văn nghệ (thơ, văn, nhạc, hoạ,
múa, điêu khắc, nhiếp ảnh, điện ảnh, v.v.) là nhu cầu của đông đảo công chúng
cùng các nhà nghiên cứu tự ngàn xưa đến mai sau. Tác phẩm càng nổi tiếng, nhu cầu
đó càng cao. Bài hát phổ thơ Ngày xưa Hoàng Thị được phổ biến
rộng khắp, trở thành “hiện tượng”, tất nhiên thiên hạ càng muốn biết nguyên mẫu
người phụ nữ mang họ tên mộc mạc chân chất Hoàng Thị Ngọ. Tôi hỏi:
-Hoàng
Thị Ngọ đang ở đâu?
-Nàng hiện định cư tại Hoa Kỳ, Phanxipăng ạ.
Phạm Thiên Thư đáp thế, đoạn tiếp:
-Báo
chí miền Nam trước đây, gồm tờ Bách Khoa và tờ Sống, đã thực hiện đề tài: nhân
vật chính trong Ngày xưa Hoàng Thị là ai? Hình như giai đoạn
đó, đồng bào quá hoang mang vì chiến sự ác liệt nên ít đọc, hoặc đọc xong thì
quên béng, bởi thế sau này mới xảy ra những ngộ nhận nực cười.
Hà Đình Nguyên ghi chép lời của Phạm Thiên Thư rồi đăng báo Thanh niên 6-6-2011,
sau đưa vào tập 1 Những bóng hồng trong thơ nhạc (NXB Thời Đại,
2011): “Sau khi bản nhạc ra đời, ca sĩ Thái Thanh là người hát đầu tiên. Không
những thế, bài hát còn lan rộng trong quảng đại quần chúng, đi đâu cũng nghe
người ta hát, nhất là trong giới sinh viên học sinh. Rồi có vài ba cô gái tự nhận
mình là cô Ngọ trong Ngày xưa Hoàng Thị. Nổi đình nổi đám nhất là
cô bạn gái của nhà thơ Du Tử Lê tên là Thảo nhưng nhất quyết “đòi” quyền làm…
Hoàng Thị Ngọ, đến đỗi nhạc sĩ Phạm Duy phải đến gặp tôi để hỏi cho ra nhẽ.”
Kỳ
thực, Thảo chẳng phải tên thật, mà tắt hoá bút hiệu / bút danh: Hoàng Dược Thảo,
chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Sài Gòn Nhỏ, toà soạn đặt tại California, Hoa Kỳ.
Hoàng Dược Thảo có họ tên tiếng Việt là Huỳnh Thị Châu, họ tên tiếng Pháp là
Brigitte Lauré Huỳnh. Năm 1971, tại Sài Gòn, học lớp đệ nhị (tương đương lớp 11
hiện thời), Châu lấy nhà thơ Du Tử Lê (10), rồi sinh 2 con. Năm 1975, Du Tử Lê
sang Hoa Kỳ. Năm 1978, nhờ có quốc tịch Pháp, Châu đi Pháp rồi qua Hoa Kỳ. Ly dị
Du Tử Lê năm 1980, sau đó Huỳnh Thị Châu mấy lần tái giá. Viết văn và làm báo,
Huỳnh Thị Châu ký các bút danh Hoàng Dược Thảo, Đào Nương, Thuỵ Châu, Nghé Ngọ,
v.v.
Dư luận gần xa vụt râm ran khi Hoàng Dược Thảo tuyên bố rằng bản thân mình
chính là nguyên mẫu nhân vật Hoàng Thị Ngọ trong bài thơ lẫn bài hát Ngày
xưa Hoàng Thị. Phản ứng với vụ việc này, tuần báo Việt (11)
số 24 phát hành ngày 9-7-2005 tại California, Hoa Kỳ, đăng bức thư của thi sĩ
Phạm Thiên Thư do nhạc sĩ Phạm Duy chuyển. Thư nọ cho biết: Hoàng Dược Thảo tức
Huỳnh Thị Châu chẳng phải là Hoàng Thị Ngọ.
Mọi chuyện tưởng đã hai năm rõ mười, ai ngờ vừa qua, tháng 3-2012, tập san Đồng
Khánh – Hai Bà Trưng do trường trung học phổ thông cùng tên ở Huế dịp kỷ niệm
95 năm thành lập cơ sở giáo dục này ấn hành có đăng bài Ngày xưa Đồng
Khánh của Bạch Lê Quang trình bày những suy tư quá ư sai lệch: “Không
hiểu sao, cứ mỗi lần nghe Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên
Thư – Phạm Duy phổ nhạc), tôi cứ nghĩ hình như khúc thánh ca tình yêu tuổi học
trò nầy là riêng dành cho Đồng Khánh, cho Huế và cho những ‘Áo tà nguyệt bạch’
của một thời niệm khúc ngày xưa. Nhưng cũng không thể nghĩ khác hơn. (…) Và nữa,
ngoài cái đường mưa nho nhỏ ướt rượt cả không gian Huế, lại còn ‘Áo tà nguyệt bạch
/ Ôm nghiêng cặp sách / Vai nhỏ tóc dài…’ Chao ơi, ai cũng có thể ôm nghiêng cặp
sách nhưng với style vai nhỏ tóc dài thì đó là hàng độc của một made in Đồng
Khánh ngày xưa trong tâm thức Huế. (…).
Rồi
thì, sau cái vai gầy rất Đồng Khánh kia đó là dáng. Dáng Ngọ. Ngọ của Phạm
Thiên Thư. Và Ngọ của Huế, của lau lách Vĩ Dạ buốt lạnh cả thơ Hàn trong một
đêm trăng sông mộng mị.
‘Anh
đi tìm Ngọ
Dáng lau lách buồn
Tay nụ hoa thuôn
Vương bờ tóc suối.’
(…)
Vâng,
đường mưa nho nhỏ, áo tà nguyệt bạch, vai nhỏ, dáng gầy lau lách… là hình, là
diện. Đồng Khánh nhất trong Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm là cái
tình ơi, tình ơi. Đồng Khánh là vậy. Tan trường, biết có người theo sau vẫn ‘Bước
em thênh thang / Áo tà nguyệt bạch’. Quá lắm là cả một lặng im với cái mím môi
rất chi là Huế.
‘Em
tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi! Vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mím môi cười
Anh mang nỗi nhớ’.
Biết
làm sao được. Hoàng Thị là vậy. Muôn đời vẫn có một Đồng Khánh ẩn mình trong
tâm hồn Huế để cho đời một thứ tình mà Hà Huyền Chi gọi là tình… nấp. (…) Chàng
Tư Mã họ Phạm (mà không riêng gì họ Phạm) trước thứ tình nấp đó chỉ biết ‘Anh
đi theo hoài / Gót giày thầm lặng’ rồi ‘Anh đi theo Ngọ / Dáng lau lách buồn’.
(…) Đến đây thì không thể nghi ngờ gì nữa, có một Ngày xưa Hoàng Thị dành
riêng cho Huế, cho Đồng Khánh.”
Nhắc một bài hát quen thuộc, nhưng Bạch Lê Quang không dẫn ca từ mà dẫn thơ,
trong khi hai khoản này có những khác biệt nhất định. Dẫu khác biệt, song nữ
nhân vật duy nhất trong thơ lẫn ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị vẫn
cùng một người là Hoàng Thị Ngọ. Oái ăm thay, với lối gán ghép cực kỳ khiên cưỡng
và trá mị của Bạch Lê Quang, nguyên mẫu Hoàng Thị Ngọ gốc Hải Dương ở Sài Gòn bị
biến thành nữ sinh trường Đồng Khánh có liên quan hoặc cư ngụ nơi thôn Vĩ, bây
giờ là phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Mà sao lại làng Vĩ Dạ, chứ không phải làng
Nguyệt Biều, bây giờ thuộc phường Thuỷ Biều, thành phố Huế, nổi tiếng với bao
giai nhân dòng Hoàng Trọng, nhỉ? Cụm từ “cái vai gầy rất Đồng Khánh” thể hiện
thói tật ba hoa một tấc đến trời. Vai nhỏ tóc dài há lẽ “là hàng độc của một
made in Đồng Khánh ngày xưa trong tâm thức Huế”, chứ không thể mô tả phần nào
vóc dáng nữ sinh của mọi trường trung học thuở trước lẫn bây giờ trên toàn đất
nước Việt Nam ư? Còn Tình ơi! Tình ơi! (ghi đúng theo nguyên tác của Phạm Thiên
Thư) chẳng chất chứa đặc điểm gì “Đồng Khánh nhất”, nếu gắn chặt với bài
thơ Ngày xưa Hoàng Thị chắc chắn phải “Văn Lang nhất”, bằng
không thì bất kỳ nơi chốn nào trong cõi-người-ta cũng được.
Tại quận 10, TP.HCM, đọc xong bài Ngày xưa Đồng Khánh, nhà thơ Phạm
Thiên Thư bị “sốc toàn tập”. Không thể kìm nén nỗi bất bình nên Phạm Thiên Thư
nói lớn giữa quán cà phê Hoa Vàng:
-Tập
san Đồng Khánh – Hai Bà Trưng ghi rõ rằng Bạch Lê Quang là
giáo viên tổ trưởng tổ Văn trường trung học phổ thông Phan Đăng Lưu, huyện Phú
Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thế thì đáng buồn thật! Chẳng rõ kiến thức đâu, tư
duy đâu mà Bạch Lê Quang đổi trắng thay đen, tán rằng Hoàng Thị Ngọ là nữ sinh
trường Đồng Khánh ở Huế, lại còn bốc rằng Ngày xưa Hoàng Thị dành
riêng cho Huế, cho trường Đồng Khánh, hả?
Phanxipăng
(1) Tú tài bán phần / tù tái đơn / tú
tài I thi cuối lớp đệ nhị / lớp 11. Tú tài toàn phần / tú tài kép / tú tài II
thi cuối lớp đệ nhất / lớp 12. Tại miền Nam Việt Nam, từ niên khoá 1971 – 1972,
Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định 939GD/KHPC/HV/NĐ bãi bỏ tú tài bán phần.
(2)
Là đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam, Viện Đại học Vạn Hạnh được Phật giáo
đầu tư và hoạt động từ năm 1964 đến năm 1975 do tỉ khâu Thích Minh Châu làm Viện
trưởng, tỉ khâu Thích Mãn Giác làm Viện phó. Mới thành lập, Viện Đại học Vạn Hạnh
tạm đặt tại chùa Xá Lợi và chùa Pháp Hội; tới năm 1966 thì dời đến cơ sở biệt lập
tại 222 đường Trương Minh Giảng, nay là đường Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM. Với chủ
trương “duy tuệ thị nghiệp”, Viện Đại học Vạn Hạnh thuở ấy có các phân khoa: Phật
học, Văn học và Khoa học nhân văn, Khoa học xã hội, Giáo dục, Khoa học ứng dụng.
(3)
Đây là chùa Kỳ Quang I, hiện có địa chỉ 22B Nguyễn Thị Huỳnh, P.8, Phú Nhuận.
Trên địa bàn TP.HCM còn có chùa Kỳ Quang II tại 154/4A Lê Hoàng Phái, P.17, Gò
Vấp; và chùa Kỳ Quang III tại 73 xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, Q.2.
(4)
Chùa Từ Vân còn được gọi chùa Bà Đầm, chùa Lý Dương Sanh, được Lý Thị Ly sáng lập
năm 1932. Chùa này hiện có địa chỉ 62 Phan Xích Long, P.1, Phú Nhuận, TP.HCM.
(5) Nằm bên bờ kinh / kênh Nhiêu Lộc, chùa Vạn Thọ hiện có địa chỉ 212/158 Nguyễn
Văn Nguyễn, phường Tân Định, Q.1, TP.HCM. Các vị hoà thượng trụ trì chùa này:
Thích Huệ Nhựt giai đoạn 1942 – 1951, Thích Thiện Tường giai đoạn 1951 – 1966,
Thích Bửu Tuyền giai đoạn 1966 – 1980, Thích Thanh Sơn từ năm 1980 đến nay.
Chùa Vạn Thọ đang đặt văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Q.1 và cơ sở chữa trị
bong gân, trặc khớp xương.
(6)
NXB Văn Chương, Sài Gòn.
(7)
Tiếng Pháp: valse. Tiếng Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Na Uy: vals. Tiếng
Bồ Đào Nha, Latinh: valsa. Tiếng Ý: valzer. Tiếng Hà Lan: wals. Tiếng Anh:
waltz. Tiếng Ba Lan: walc. Thuật ngữ này bắt nguồn từ Walzen trong tiếng Đức cổ
(tiếng Đức hiện đại ghi Walzer), nghĩa gốc là uốn, xoay, lướt đi. Tiếng Hoa: 圓舞曲
mà bính âm phát yuánwǔqǔ, âm Hán-Việt phát viên vũ khúc.
(8)
Theo Thuật ngữ và ký hiệu âm nhạc thường dùng do Đào Trọng Từ, Đỗ Mạnh
Thường, Đức Bằng hợp soạn (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1984) thì thuật ngữ tiếng Ý
allegro mang nghĩa: “Nhanh, vui, sôi nổi”.
(9)
ViVi là một nghệ danh của hoạ sĩ Võ Hùng Kiệt, chào đời năm Ất Dậu 1945 tại
Vĩnh Long; tốt nghiệp trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1968; vẽ
bìa, vẽ truyện tranh cùng minh hoạ trên các tờ Tuổi Xanh, Tuổi Hoa, Thiếu Nhi,
Ngàn Thông, Bạn Trẻ, Tinh Thần, Trái Tim Đức Mẹ, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Dân Chủ,
Độc Lập, v.v.; trình bày một số sách giáo khoa và vẽ tem bưu chính.
(10)
Du Tử Lê có họ tên Lê Cự Phách, chào đời năm Nhâm Ngọ 1942 tại tỉnh Hà Nam, di
cư vào Nam năm 1954, từng làm thư ký toà soạn nguyệt san Tiền Phong, được trao
giải Văn chương toàn quốc bộ môn thơ năm 1973, sang Hoa Kỳ năm 1975. Du Tử Lê
có nhiều vợ. Với vợ kế Huỳnh Thị Châu / Thuỵ Châu, Du Tử Lê từng sáng tác các
bài thơ Khúc Thuỵ Du (đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành ca khúc cùng
nhan đề), Khi trông thư Thuỵ Châu, v.v.
(11)
Việt Weekly
No comments:
Post a Comment