Wednesday, September 11, 2024

Rổ Ổi Ở Ga Giã - Trần Công Khanh

 

RỔ ỔI Ở GA GIÃ

Từ khi tôi biết cái ga Giã, nó chỉ còn trơ trọi cái mái đúc hình chữ “L” ngược gồm năm nhịp cột đà. Thổ dân người ta nói trong chiến tranh vào khoảng những năm 1950 máy bay ném bom sập hết nhà ga chỉ còn cái mái hiên quay ra phía đường tàu.

Trần Công Khanh

 


Ga Giã xây dựng vào khoảng những năm 1930.  Ngày 2.9.1936, người Pháp làm lễ khánh thành ga Nha Trang, đồng thời tổ chức lắp thanh ray khớp nối cuối cùng ở ga Hảo Sơn, Phú Yên và làm lễ thông đường sắt trên toàn cõi Đông Dương, từ Hà Nội vào Sài Gòn sang Nam Vang.

Sau 1954, Việt Nam chia thành hai nước lấy giới tuyến là sông Bến Hải. Con sông này trùng tên với thằng em kề cuả tôi.

Chiến tranh xìu xìu ển ển được một chút sau 1954. Ga Giã vẫn ôm tật nguyền dai dẳng. Ông Ngô Đình Diệm chủ trương giữ chiến tranh ở cấp tiểu đội, trung đội, để còn phát triển kinh tế. Ông đồng minh cỡ cố nội người ta tên là Hoa Kỳ không chịu và đạp đổ chế độ ông Diệm. Ông đồng minh bắt đầu can thiệp sâu, đẩy cuộc chiến lên cao.

Nhà ga nào cũng toát đẫm mùi vị ly biệt. Trong những chứng kiến ly biệt ấy, nó còn chứng kiến một sự tật nguyền 90% của tự thân nó. Một chứng kiến khác thực rùng rợn hơn cả.

Một buổi trưa nắng, hai cậu nhỏ chăn bò tinh nghịch, rủ nhau leo lên nóc nhà ga. Chúng nó đi lùa bò ra đồng bữa trước lượm được một đầu đạn M72, về dấu sau vườn, trong cái nọc rơm chỉ có tụi nó ngày ngày kéo rơm cho bò ăn. Bữa nay lùa bò nằm nhơi cỏ dưới cây bàng trước ga. Chúng lén giấc trưa có vẻ như cả thị trấn đã ngủ trưa, đem cái đầu đạn lên mái hiên thềm ga. Cu Tí và Cu Đỏ bắt đầu cưa cái đầu đạn…

Một tiếng nổ rung rinh mặt đất như hai từ “cách mạng” từng nổ. Mái hiên sân ga rung rinh. Thịt xương hai đứa bé văng tứ tung. Người nhà phải đi lượm lại từng miếng vụn.

Trước 1975 có một ngạch lính được nhiều người chọn đi. Đó là lính bảo vệ thiết lộ. Hai ông anh con ông bác sáu của tôi nhờ ông chú – ba của tôi – là sĩ quan ở Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế chạy cho đầu quân ở đơn vị bảo vệ thiết lộ. Đường sắt hay bị giựt mìn, nhưng nghề lính này vẫn an toàn hơn nghề lính nào khác.

Tôi và Hải cùng theo cha, thiếu tá Ánh hôm ấy đi xe lửa về Giã thăm ông bà nội. Xe lửa lúc này chạy luôn luôn được gắn phía trước đầu máy ba toa trần, không có thùng. Sau đầu máy ma nớp thêm ba toa chở đá giăm trống. Xe vừa sắp tới ga Hòa Huỳnh, bỗng nghe một tiếng nổ lớn. Hành khách trên tàu nhốn nháo tràn xuống cánh đồng, chạy về hướng Quốc lộ 1. Ba tôi bình tĩnh dắt hai đứa con ra đường Quốc lộ để đón xe về lại Đồng Đế. Ông không phải là lính quân trường mà trước đó từ Sư đoàn 7 bộ binh Việt Nam Công Hòa thuyên chuyển về như một đặc ân cho người lính xa nhà đã nhiều năm, được cơ hội gần nhà. Ông suýt chết ở trận Ấp Bắc – một cái ấp nằm phía bắc đi lên báo chí Mỹ thành tên riêng. Cũng giống như Chí Hòa bị người Pháp ghi lại thành Kỳ Hòa vì cho răng chữ “h” trong từ “chí” là “h” câm (h muet theo tiếng Pháp).

Tôi ngoái lại cánh đồng người nhìn về phía đầu máy xe lửa. Ba toa xe trống chở đá giăm chồng lên nhau. Số người chết trong vụ giựt mìn đó là ba đứa bán cà rem. Tụi nó chui lên toa trống đi cọp. Tới ga nào ngừng lâu thì xuống bán cà rem cho khách. Dân bán cà rem với bò xài cùng cái chuông lắc. Bò để khỏi bị người chủ lạc. Cà rem để tạo sự chú ý. Chỉ cần nghe tiếng chuông là biết có bán cà rem gần đó.

Sau năm 1975, đường sắt hoạt động trở lại nhộn nhịp hơn. Một nghề mới từ hậu quả thất nghiệp thời hậu chiến – nghề bán rong trên tàu bùng nổ. Dân ở Giã gọi là nghề nhảy tàu. Khách đi tàu cần gì, họ bán cái đó. Một số từ được đổi lại. Ví dụ, người ta không gọi là “bán nước” mà gọi là “đổi nước”. Tiếng rao “trà đá” có thể xác định là tàu đến đâu. Đến Giã, tiếng rao sẽ là “trè đé”. Đến xứ Quảng, sẽ là “trồa đốa”…

Là con một thiếu tá, dẫu đã về hưu từ năm 1973, tôi không được phép tiếp tục học đại học sau 75. Má mua cho tôi một chiếc ba gác máy. Chiếc ba gác được độ lại bằng cách gác một bộ máy Sachs của Tây Đức. Máy sang số bằng embrayge. Xe chỉ chở được vài trăm ký.

Xăng dầu thời hậu chiến trở nên khan hiếm và không bán tự do. Nhưng những chiếc ba gác máy vẫn hoạt động. Nó là phương tiện vận chuyển cơ động nhất của thị trấn Giã. Nó đi bắt heo. Nó chở hàng từ các bến xe. Nó chở dầu vượt biên đựng trong các giỏ cần xế trên có rơm và một mớ hột vịt.

Nhưng xăng lậu bán thiếu gì. Can nhựa 20 lít lưu thông khá lén lút. Ban đầu như vậy. Càng về sau càng không lén lút gì nữa.

Chiều về, tôi không đưa xe về nhà mà để xe bắt chuyến bên cây bàng trước nhà ga. Nhà ga được xây lại khang trang nhưng vẫn giữ mái thềm ga cũ. Lúc xây ga, người ta nói mái bị bom đã chồm tới trước một khoảng cách nhứt định.

Tiếng còi tàu trong đêm bao giờ cũng làm tôi trở giấc. Tôi thuộc lòng lịch tàu khách chạy. Nhà ở bên kia đường tàu, tôi lại nằm ngủ trước thềm. Hy vọng kiếm khách của tôi đặt vào những chuyến tàu chợ thường chạy ban ngày. Ban đêm tàu Thống Nhất họa hoằn mới có khách xuống. Nhưng cuộc đời trái tim lý lẽ mạnh hơn lý trí nên tàu Thống Nhất cũng lôi tôi thức dậy ra ga ngồi chóc mỏ chực như chó chực…

Mùa rau muống, rau trúng mùa. Má tôi quyết định gánh rau vào bán ở chợ Nha Trang, vì chợ Giã bán không hết. Má nhờ tôi móc cái gánh rau hai bên toa tàu dành cho khách ngồi bệt bằng hai cái móc sắt. Tôi phải theo má vào tận ga Nha Trang, tháo gánh rau xuống cho má. Rồi lén gánh ra ngả Mã Vòng. Đi cọp mà. Xong, từ đó má gánh xuống chợ hoặc bắt xe ngựa từ Thành xuống chợ. Tôi lại theo tàu chuyến sớm trở về Giã với chiếc ba gác còn lạ nước lạ cái của mình.

Một buổi xế, tôi bắt chuyến nhứt cho một tàu chợ. Không có khách. Tàu vừa giựt trớn chuyển bánh thì có tiếng la thất thanh. “Rớt tàu”. Nhiều tiếng la phụ theo. Tàu dừng bánh lại. Một cô bé chừng 10 tuổi, ốm tong ốm teo rớt xuống tàu. Rổ ổi của em văng tung tóe. Tàu hớt mất của em một cánh tay và một cẳng chưn. Một người ra vẻ hiểu biết chạy vội ra gọi xe tôi nhờ chở cô bé xấu số xuống bịnh viện. Người ta ẳm em lên sàn xe ba gác. Em vẫn còn quan tâm tới rổ ổi: “Rớt ổi của em!” Người ta gởi kèm theo cái cánh tay và cái chưn của cô đặt bên cạnh cô. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy xuống bịnh viện. Trên đường tôi không dám nhìn xuống cảnh tượng. Cô bé lịm dần đi. Tới bịnh viện, người ta khiêng nguyên tấm ván sàn xe đưa cô bé vào phòng cấp cứu.

Tôi nhận lại ván sàn xe. Thở ra một hơi. Quay xe không nở hỏi gì thêm…

Nhà ga nào cũng toát ra sức biệt ly dữ dằn. Bà chị Hai kêu ba tôi bằng cậu, cũng biệt ly ở đó một cánh tay. May mà còn mạng để về nhà.

Nhà ga ở đây còn là nơi nhận những người già cả quanh đó vào làm việc: ăn xin. Anh Rơi, người bị mất một cánh tay trong chiến tranh, em ruột bà chị Hai bị mất một cánh tay trong hòa bình, có lần gặp tôi xuống tàu ở ga Giã, đã quay mặt giấu chút sĩ diện còn lại của anh, kẻ cùng khổ lúc cuối đời vì mất sức. Anh đang làm nghề ngửa tay trước bá tánh lên xuống tàu, chúc họ thượng lộ bằng an. Cũng như lời chúc của thầy cả tôi hằng nghe mỗi chủ nhật trước khi tan lễ chủ nhật.

Trần Công Khanh

304Đen – llttm- sgtc

 

No comments: