Wednesday, October 4, 2017

Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục - Thảo Trường


Viên đạn bắn vào nhà Thục

 
 


Từ ngã ba đi vào, cảnh tàn phá vì trận đánh lan rộng đến những con lạch nhỏ. Trước ngày Tết, đi qua khu phố này người ta chỉ nhìn thấy những dẫy nhà hai bên đường với những cửa tiệm buôn bán tấp nập. Sau trận đánh dẫy nhà bị cháy trơ trụi, những bức tường đổ nát lỗ chỗ những vết đạn, những mái tôn cháy đen xạm cong queo trên đống than. Một  vài chiếc xe chỉ còn trơ lại cái khung đen thui. Người đi qua con đường này bây giờ có thể phóng tầm mắt nhìn thấy những cây dừa nước hai bên bờ những con rạch nhỏ. Những cây dừa nước vài chỗ cũng bị cháy nám. Xa hơn nữa, người ta có thể nhìn thấy cánh  đồng mênh mông miền ngoại ô thành phố.

            Qua khu cháy vào bên trong, xóm nhà may mắn thoát được ngọn lửa thì cũng bị những vết đạn phá vỡ lỗ chỗ. Những tấm bảng hiệu bị dùi nhiều lỗ, chênh vênh treo trên những cây sắt, gió thổi lắc lư, như còn cố bám víu cho khỏi bị rơi.

            Nhà của gia đình bé Thục ở khu còn lại đó. Bé Thục đang cầm một cây đinh loay hoay xoi một lỗ đạn trên tường nhà.Thục hì hục nhẫn nại moi cái đầu đạn nằm trong đó. Thục đã mất cả giờ nhưng mới chỉ nhìn thấy cái đuôi viên đạn đồng đỏ lòm. Mồ hôi vã ra hai bên má. Thục quì gối tiếp tục xoi. Thỉnh thoảng mỏi tay Thục lại bỏ cái đinh trên vỉa hè rồi vẫy vẫy hai tay cho đỡ mỏi. Thục ngồi nghỉ rồi lại tiếp tục.

            Một người lính đi tới đi lui. Anh ta thuộc đơn vị trấn thủ khu này. Anh ta chú ý đến Thục và thả bước đến trước cửa nhà Thục. Người lính đeo khẩu súng lên vai rồi đứng tì tay vào hàng dậu gỗ nhìn Thục làm việc. Thục vẫn hăng say mải miết cầm cái đinh xoi lỗ đạn.

            Chợt Thục vùng đứng lên ném mạnh cây đinh ra góc sân. Thục nhìn thấy người lính rồi đưa mắt nhìn theo hướng tiếng leng keng của chiếc đinh va xuống nền xi măng. Thục nhìn lại người lính. Anh ta nhe răng cười Thục. Thục phì cười, hai tay quệt mồ hôi trên trán. Người lính hỏi:

            – Em làm gì thế?

            Thục chỉ lỗ đạn:

            – Tôi moi cái đầu đạn trong đó để làm kỷ niệm.

            Người lính hỏi:

            – Làm kỷ niệm, em cũng thích kỷ niệm?

            Thục gật đầu:

            – Tôi cần một đầu đạn giữ chơi. Mẹ tôi cũng có một đầu đạn như thế. Mẹ tôi cất trong sắc tay.

            Người lính nói:

            – Tôi có đạn đây, em thích tôi sẽ tháo cái đầu đồng ra cho em một viên.

            Thục lắc đầu:

            – Tôi muốn moi lấy cái đầu đạn từ trong lỗ kia. Tôi không thích cái đầu đạn chú tháo ra. Đầu đạn kia đã bắn vào nhà tôi. Chú biết cái đầu đạn của mẹ tôi lấy ở đâu ra không?

            Người lính lắc đầu, Thục khoe:

            – Cái đầu đạn của mẹ tôi lấy từ ngực ba tôi.

            Người lính ngạc nhiên:

            – Từ ngực ba em? Ba em ở đâu rồi?

            Thục ngồi xuống bờ hè:

            – Ba tôi chết rồi. Ba tôi là quận trưởng, ba tôi là đại úy chú là gì uý ?

            Người lính cười:

            – Anh là lính.

            – Chú là lính trơn à?

            Người lính lại cười gật đầu. Thục ngồi nghĩ rồi kể tiếp:

            – Ba tôi đi đánh giặc bị thương nơi ngực đưa về bệnh viện thì ba tôi chết. Nhà thường người ta gửi cho mẹ tôi cái đầu đạn lấy từ ngực ba tôi. Mẹ tôi gói nó cất trong sắc tay và nói “để làm kỷ niệm”.

            Người lính như chợt hiểu, gật gù:

            – Và bây giờ em cũng muốn moi cái đầu đạn trên tường kia làm… kỷ niệm?

            Bé Thục gật đầu:

            – Tôi chưa có chồng nên chồng tôi chưa chết. Tôi lấy viên đạn người ta bắn vào nhà tôi để cất đi làm kỷ niệm. Chú… bắn chết nhiều người chưa ?

            Người lính nhìn chằm chằm vào bé Thục rồi vung cánh tay lên trời phác một cử chỉ bâng quơ:

            – Nhiều.

            Bé Thục nói một mình:

            – Như vậy chắc nhiều người có đầu đạn kỷ  niệm, cứ gì mẹ tôi.

            Người lính kéo ống quần lên đến đầu gối rồi  chỉ một vết sẹo nơi chân cho Thục. Thục nghiêng đầu nhìn qua khe hai thanh gỗ hàng dậu xem vết sẹo của người lính.

            Thục hỏi:

            – Chú cũng bị đạn?

            Người lính gật đầu giơ hai ngón tay. Thục hỏi:

            – Hai lần?

            Người lính gật đầu lần nữa. Thục lại hỏi:

            – Đâu?

            Người lính cởi khuy áo ngực, vạch một bên cho Thục xem một vết sẹo trên vai.

            Thục lè lưỡi:

            – Ba tôi bị có một viên đạn mà chết. Chú bị hai viên đạn sao chú không chết?

            Người lính lắc đầu:

            – Tôi không biết.

            Thục chống hai khuỷu tay lên  đầu gối, cằm tì trên bàn tay yên lặng. Một lát Thục hỏi:

            – Viên đạn kỷ niệm của chú đâu?

            Người lính lắc đầu:

            – Tôi không có giữ. Tôi vứt đi rồi.

            Thục ngạc nhiên:

            – Sao chú lại vứt đi. Chú không thích kỷ niệm sao?

            Người lính gật đầu:

            – Tôi không thích. Đầu đạn bị vấy máu bẩn lắm, giữ làm gì.

            Thục lại yên  lặng. Thục nhìn người lính từ đầu đến chân.

         Người lính cười. Thục chợt hỏi:

            – Ai bắn chú ?

            Người lính trả lời:

            – Đứa mà tôi tìm bắn nó.

            Thục như chiều suy nghĩ rồi hỏi:

            – Địch quân ấy hả ?

            Người lính lại cười, gật đầu, rồi hỏi:

            – Tôi vào ngồi nói chuyện với em được không?

            Thục đứng lên ra mở chốt cánh cổng:

            – Được chứ. Ai cũng vào nhà tôi được. Hôm đánh nhau ở đây có hai người bộ đội cũng vào nhà tôi. Họ mở cửa vào tự nhiên và bảo mẹ tôi dọn cơm cho họ ăn. Họ có hỏi tôi đâu. Sao chú lại phải hỏi tôi?

            Người lính mở cánh cổng  gỗ bước vào sân, anh ta  đi bên Thục đến chỗ bờ hè. Ngồi xuống cạnh Thục, anh ta nói:

            – Có lẽ tại tôi thương em.

            Thục trề môi:

            – Không phải. Chỉ có mẹ tôi thương tôi mà thôi. Chắc chú là người lịch sự. Ở trường cô giáo bảo tôi thế.

            Người lính gật đầu:

            – Chắc vậy. Em học lớp mấy?

            Thục giơ bốn ngón tay. Người lính nói:

            – Lớp Tư?

            Thục gật đầu hỏi lại:

            – Chú học lớp mấy? Cô  giáo của chú cũng dạy chú muốn vào nhà người ta phải hỏi sao?

            Người lính gật đầu, trên môi anh ta vẫn nụ cười, đôi mắt trìu mến nhìn Thục. Thục rờ khẩu súng của người lính, hỏi:

            – Nhưng mà chú có súng, chú cần gì phải hỏi ai.

            Người lính ôm ngang vai Thục:

            – Cô giáo đâu có dạy thế.

            Thục nhoẻn miệng cười nhìn người lính gật đầu. Người lính chợt rút lưỡi lê ra khỏi bao, hỏi Thục:

            – Em có muốn lấy cái đầu đạn trong tường kia không?  Tôi lấy hộ.

            Thục khoanh tay trước ngực lắc đầu:

            – Không. Chú  đừng rỡn tôi. “Hôm đánh nhau ở khu này, hai người bộ đội mang súng vào nhà tôi ăn cơm, tôi có nhờ họ lấy hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên ở xó nhà.”

            Người lính hỏi tiếp:

            – Hai người đó ở đây lâu không ?

            Thục giơ ba ngón tay. Người lính nói:

            – Ba ngày?

            Thục lắc đầu:

            – Họ ăn ba bữa cơm.

            Người lính lại hỏi:

            – Họ có ngủ trong nhà em đêm nào không?

            Thục lắc đầu:

            – Họ  chỉ vào trong  nhà khi ăn  uống, xong họ  ngồi ngoài hiên, “họ ngồi chỗ chú đang ngồi”.

            Người lính nhìn xuống chỗ mình ngồi như tìm kiếm một dấu vết gì còn lại. Một lát anh ta hỏi Thục:

            – Hai người mang súng đó có hỏi chuyện gì em không?

            Thục gật đầu:

            – Có.

            Người lính:

            – Họ hỏi gì?

            Thục kể:

            – Họ hỏi ba tôi đâu.

            Người lính lại hỏi:

            – Em trả lời sao?

            Thục kể tiếp:

            – Tôi nói ba tôi chết rồi!  Ba tôi đi đánh giặc bị thương rồi chết. Ba tôi là đại úy. Ba tôi là quận trưởng.

            Người lính:

            – Em nói vậy hai người cầm súng có làm gì em không?

            Thục lắc đầu:

            – Không. Họ không làm gì tôi nhưng họ đứng rột dậy. Họ vào lục soát nhà  tôi. Họ bắt mẹ tôi phải mở tất cả các  tủ, các hộc bàn, các buồng cho họ xét. Họ trèo cả lên trần nhà nhưng không thấy gì cả.

            – Rồi sao?

            – Rồi họ lại ra “ngồi chỗ chú đang ngồi”.

            Người lính  cầm cái lưỡi lê cạo cạo bùn trên đôi  giầy của anh ta. Thục tiếp:

            – Đến tối họ vào trong nhà tôi bảo mẹ tôi đưa cái đèn pin của ba tôi cho họ.

            Người lính gõ gõ cái lưỡi lê vào đôi giầy cho đất rơi ra.

         Thục nhìn cái lưỡi thép nhọn hoắt ở tay người lính hỏi:

            – Chú đã đâm ai chưa?

            Người lính lắc đầu:

            – Chưa.

            Thục lại hỏi:

            – Thế cái đó để làm gì?

            Người lính nói:

            – Để đâm. Nhưng tôi chưa có dịp đâm  ai. Bây giờ tôi muốn dùng nó để moi cái đầu đạn kia cho em. Em bằng lòng không?

            Thục lưỡng lự:

            – Tôi phải hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi bảo đừng nói chuyện với những người mang súng mang dao. “Hôm đánh nhau ở khu này, hai người bộ đội cầm súng vào nhà tôi đòi ăn cơm, tôi nhờ họ moi hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên  ở xó nhà. Sau đó mẹ tôi bảo tôi đừng nói chuyện với những người cầm súng cầm dao”.

            Người lính lại ôm lấy vai Thục:

            – Thôi em đừng hỏi mẹ em nữa. Em đừng làm phiền mẹ em nữa, chắc mẹ em đang làm công việc trong bếp. Tôi muốn lấy hộ cái đầu đạn cho  em vì cô giáo tôi  ngày xưa có dạy phải  giúp đỡ những người già cả và những người còn trẻ dại.

            Thục  ngồi yên, đôi mắt nhìn ra thửa ruộng  đầy cỏ nước trước cửa nhà. Lát sau Thục nói lí nhí:

            – Nhưng mẹ tôi bảo như vậy. Tại chú mang súng mang dao.

            Người lính như ghì chặt Thục vào bên mình:

            – Tôi mang súng cũng như ba em ngày xưa. Tôi cũng như ba em mà thôi. Em có nhớ ba em không?

           Thục phóng tầm mắt đến một quận lỵ hẻo lánh. Thục đã theo mẹ đến chỗ ba Thục làm việc và đã sống ở đó một thời gian.

            Thục nhớ lại dẫy phố quận nhỏ hẹp, với một hàng  hủ tíu duy nhất mà mỗi sáng mẹ con Thục đi xe jeep của ba ra đó ăn. Thục nhớ rõ người chủ quán mỗi sáng cúi rạp mình chào mẹ mình là bà Quận. Thục cũng nhớ đến cái cột cờ giữa  ngã tư tỉnh lộ, hàng rào kẽm gai bao xung quanh ngôi nhà lớn, ở trong đó ba Thục làm việc và ở ăn. Thục cũng nhớ những buổi chiều đứng từ hiên ngôi nhà đó nhìn ra ngoài qua hàng rào kẽm  gai, ngôi trường cũ kỹ với những đứa học trò bằng tuổi Thục ra về. Những chiếc xe ngựa lộc cộc chạy qua trước quận, người đánh xe phải nhảy xuống dẫn bộ qua khúc đường đó. Thục cũng nhớ đã hỏi chú lính tài  xế của ba Thục tại sao họ lại phải nhảy xuống dẫn ngựa đi qua trước quận, chú lính bảo “để đề phòng việt cộng tấn công”. Thục không hiểu nhưng cũng lặng yên.

            Thục nhớ ba Thục cũng đeo súng và mỗi khi đi hành quân, ba đã hôn mẹ, hôn Thục, uống một ly rượu, rồi  cười ha hả trèo lên xe dẫn đoàn quân phóng chạy ra khỏi quận xả bụi mịt mù.

            Mẹ con Thục thỉnh thoảng đáp xe đò lên ở với ba  vài  ngày rồi lại về. Ba Thục làm quận trưởng một thời gian  thì xây được căn  nhà này. Trước kia  nó chỉ là một  nhà gỗ, sau được phá bỏ xây lại đẹp hơn và có lầu. Thục cũng được nằm giường đẹp hơn và có đệm. Thục được coi truyền hình và nghe nhạc nổi Thục đã biết tự mở máy truyền hình và máy quay đĩa. Thục hỏi người lính:

            – Chú có thích nghe nhạc không? Ba tôi thích cải lương như mẹ tôi. Tôi thì ghét. Tôi thích nghe hát tân nhạc. “Hôm đánh nhau ở khu này, hai người bộ đội vào nhà tôi đòi ăn cơm, tôi nhờ họ moi hộ cái đầu đạn, họ quát tôi bắt ngồi yên nơi xó nhaø”. Tôi có mở nhạc nghe. Nhưng một ông bắt tôi tắt máy còn một người bảo tôi cho ông ấy nghe một bài vọng cổ.

            Người lính hỏi:

            – Vậy em tắt máy hay để nhạc vọng cổ?

            Thục lắc đầu:

            – Tôi vẫn để bài hát tôi đang nghe, mẹ tôi la rầy tôi rồi tắt máy kéo tôi vào trong buồng. Tôi khóc  và mẹ tôi xin lỗi tôi, giỗ dành tôi, bế tôi nằm dưới gầm giường tránh đạn.

            Người lính xỏ lưỡi lê vào bao, hỏi:

            – Hôm đánh nhau ở khu này em có sợ không?

            Thục tròn xoe đôi mắt:

            – Sợ chứ. Mẹ tôi ôm chặt tôi nấp ở trong xó nhà.  Mẹ tôi lấy những tấm đệm cao su ghế bành chặn xung quanh tường để đỡ đạn. Hai mẹ con ngồi như thế và nghe tiếng nổ. Hai người bộ đội trèo lên gác đứng nhìn xuống đường.

            Thục đang kể chợt hỏi:

            – Hôm đó chú ở đâu?

            Người lính ngập ngừng:

            – Tôi… nghỉ phép.

            Thục lại hỏi:

            – Chú về ăn Tết với vợ chú à?

            Người lính lắc đầu:

            – Không. Tôi không có vợ. Tôi về ăn Tết với mẹ tôi.

            Thục ôm lấy đầu gối người lính và tì cằm trên đó:

            – Mẹ chú có thương chú không?

            – Có. Như mẹ em thương em.

            Người mẹ từ trong nhà bước ra kiếm Thục. Thấy người lính ngồi với con mình trước thềm nhà, bà ta nói:

            – Mời ông vào nhà ngồi ghế uống nước, ông có cần gì cứ tự nhiên.

            Rồi bà ta quay sang nói với con:

            – Thục, sao con không mời ông khách vào nhà  mà lại ngồi trước thềm vậy?

            Người lính lúc đó đã đứng dậy chào ba ta và nói lí nhí vài lời cám ơn. Tay anh ta cầm tay Thục và nói:

            – Bà cứ mặc tôi và cho phép tôi nói chuyện với cháu cho đỡ buồn. Cháu nói chuyện dí dỏm lắm.

            Bà mẹ lại mời người lính một lần nữa. Anh ta ngập ngừng bước vào nhà. Mẹ Thục lấy nước uống mời. Anh ta rón rén ngồi xuống chiếc ghế bành gỗ đã bỏ đi những tấm đệm. Anh ta uống nước và liếc nhìn người đàn bà. Một người đàn bà quá trẻ. Với đôi mắt u buồn, nhiều tư lự, những sợi tóc mai chảy dài xuống hai bên má, khuôn mặt ưu tư tội nghiệp, như có một nỗi buồn tiềm tàng tỏa ra từ đôi mắt lan tràn trên khuôn mặt. Người đàn bà ngồi trên một chiếc ghế và bế Thục trên lòng. Bà ta nhìn xa xôi ra ngoài thửa ruộng trước nhà.

            Im lặng khá lâu và người lính cảm thấy bầu không khí không tự nhiên, anh ta lên tiếng:

            – Mấy hôm đánh nhau ở khu này bà và cháu có chạy đi đâu lánh cư không ạ ?

            Người mẹ ôm Thục và kể:

            – Ngay bữa đầu tiên thì đâu chạy cho kịp. Sáng ra thức dậy đã thấy các ông bộ đội đứng đầy đường.  Trong khi đó thì hai bên đánh nhau ở phía đầu ngã ba vào thành phố. Tôi cũng định bế cháu chạy tản cư, nhưng ở đây chỉ có một lối ra duy nhất thì đã bị mắc kẹt rồi nên tôi đành ôm cháu núp ở nhà.

            Bà ta nhìn Thục và nói tiếp:

            – Có hai người bộ đội đứng trước nhà tôi mà con bé này nó chỉ định chạy ra ngoài. Tôi lo quá. Chúng  tôi kẹt ở lại đây cho đến ngày hôm sau thì lửa cháy ở phía ngoài. Cháu lại cứ đòi ra xem lửa.

            Thục nhìn người lính nói:

            – Tôi xem đám cháy và nhìn thấy ngọn lửa từ những căn  nhà ngoài kia. Chú có biết không ? “Lửa cháy làm nóng cả mặt.”

            Người lính nhìn Thục cười, bà mẹ cũng nhìn con cười với nó. Đoạn bà ta kể tiếp:

            – Ngày hôm thứ ba tôi mới bế cháu chạy ra ngoài phố được vì hai người bộ đội đã bỏ đi. Tôi ra nhà một người quen ở nhờ trong khi gia đình  nhà ông bà ấy cũng chạy đi ở nhờ một nhà khác họ cho là an ninh hơn.

            Thục nói theo:

            – Chú biết không? Khi mẹ tôi cõng tôi chạy vào thành phố, qua đám cháy kia tôi nhìn thấy nhiều người chết úp sấp và có cả xe tăng cháy thành than. Tôi còn thấy rõ những khẩu súng bên cạnh những xác chết đó. Họ có súng mà cũng bị bắn chết vì súng sao chú?

            Bà mẹ xoa đầu Thục như không muốn con mình nói nữa. Bà ta quay sang người lính:

            – Sáng nay tôi cho cháu trở về nhà. Chạy ra khỏi nhà mới hơn một ngày mà đã thấy khổ quá.Tôi nghĩ sống chết có số, nếu chết thì đã chết ngay cái hôm đánh nhau ở khu này. Bây giờ họ rút đi rồi mình cứ về đại nhà mà ở. May nhờ có các ông đến trấn đóng ở đây.

            Người mẹ kể đến đây thì ngừng lại và mời người lính uống nước. Anh ta nâng ly uống cạn rồi đứng lên:

            – Bà cho phép tôi moi hộ cháu bé cái đầu đạn ở ngoài bức tường kia. Cháu muốn có nó để làm kỷ niệm nhưng không lấy ra được. Tôi ngỏ ý moi ra hộ cháu thì cháu bảo là bà không chịu vì “tôi là kẻ mang súng  mang dao”. Tôi nghĩ  rằng bà sẽ cho phép tôi làm vui lòng cháu một chuyện nhỏ này. Tôi mang súng mang dao vì thời đại này không thể không cần  những thứ đó. Cũng như ông đại uý trước kia.

            Người đàn  bà cúi đầu. Bà  ta đưa bàn tay đẩy Thục ra với người lính. Người lính giơ tay nắm tay Thục  giắt ra cửa. Bà mẹ nói theo:

            – Con ra chơi với ông khách cho ông ấy vui.

            Thục đi theo người lính ra chỗ bờ tường có vết đạn. Người lính rút lưỡi lê cho vào cậy nơi lỗ đạn, lát sau lôi ra được một mẩu đồng nhỏ đã quăn queo.

            Thục cầm lên xem và hỏi:

            – Phe nào bắn vào nhà tôi?

            Người lính cầm cái đầu đạn xem xét một lúc rồi đưa trả lại cho Thục:

            – Đạn này nhãn hiệu Mỹ. Có thể bắn ra từ phe tôi, nhưng cũng có thể đã bắn đi từ phe hai người bộ đội. Vì phe nào cũng có thứ súng đó hết.

            Thục mân mê cục đồng nói bâng quơ:

            – Như thế thì cũng khó hiểu thật, chú nhỉ?

            Người lính nhìn vào trong nhà nói với Thục:

            – Khó hiểu thật. Nhưng cũng may là nó đã không trúng vào em hay mẹ em, như viên đạn đã trúng vào ba em./.

                                                   

Saigon, 13-10-1968.

Thảo Trường

304Đen - Llttm

 

No comments: