Sunday, November 30, 2014

Bát Bún Riêu - Tuấn Huy


 Bát Bún Riêu   

 


    Từ Seattle theo đường liên tỉnh I-90 ngược lên mạn East là Salon Springs thì rẽ phải theo hương lộ P nhỏ hẹp ngoằn ngoèo lăn mình giữa những khu rừng phong ngút ngàn trùng điệp, tiếp tục thêm vào dăm vòng qua những lưng đồi thoai thoải dốc là tới thung lũng Nivagamond, trạm đặc khu của người da đỏ. Trời vào thu, rừng phong đã thay chiếc áo choàng mầu hồng lựu. Hơn ½ giờ xe, không một bóng người ngoài tiếng gió thở dài, tiếng lá khô sào sạc, tiếng rừng cây trăn trở, không còn một âm thanh nào khác. Tôi cảm tưởng như lạc vào 1 hành tinh xa lạ không sinh vật. Ðồi lại đồi liền liền tiếp nối nhau sau cùng tới Nivagamond. Nơi đây có viện dưỡng lão Lakeview mà theo lịch trình thì mỗi năm tôi phải đến 1 lần để thanh tra y vụ.

    Lần đầu tiên đến đây nên tôi không khỏi ngỡ ngàng tưởng dù hẻo lánh đến đâu ít ra cũng có xóm làng, một giáo đường nho nhỏ hay vài ngôi nhà be bé xinh xinh nhưng tuyệt đối không. Ngoài rừng phong đỏ lá chỉ có hồ nước trong veo xanh ngắt mầu trời. Trung tâm an dưỡng Lakeview như tên gọi ẩn mình dưới tàng cây rợp bóng trên khu đất rộng. Quay lưng vô rừng thông nhìn ra mặt hồ phẳng lặng như gương tôi ngẫm nghĩ, nơi đây có thể là điểm nghỉ ngơi lý tưởng cho những người quanh năm lao lực hoặc những ai muốn tìm sự quên lãng, còn chọn làm viện dưỡng lão thì hơi tàn nhẫn. Tuổi già vốn đã cô đơn mà nơi đây lại hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Trừ y tá, y công và vài chuyên viên dịch vụ thì chẳng còn ai, người nào cũng bận bù đầu, rảnh rỗi đâu mà tán gẫu với những người già. Nhất là sau buổi cơm chiều khi hoàng hôn buông xuống, ai nấy đều đã về nhà thì bóng đêm chắc phải thật dài. Vừa đẩy cửa bước vào tôi đã giật mình vì gặp một hàng 6 chiếc xe lăn đang dàn chào. Trên mỗi xe là 1 lão ông hoặc lão bà độ 7, 8 mươi, mái tóc bạc phơ, mắt hom hem sau làn mục kỉnh. Có người trông còn sáng suốt, người thì như xác không hồn. Họ chăm chú nhìn tôi từ đầu đến chân như quan sát một quái nhân đến từ hành tinh khác. Có lẽ vì tôi là người Á châu duy nhất tới đây chăng? Cô y tá hướng dẫn như đoán được cảm nghĩ của tôi bèn nhỏen miệng cười: ông ngạc nhiên lắm sao? Tôi ngập ngừng: bộ họ biết hôm nay tôi đến đây nên hiếu kỳ muốn trông thấy mặt tôi. Cô y tá khẽ lắc đầu, mỗi ngày đều như vậy, sáng nào họ cũng ngồi đó để mong chờ ông ạ. Chờ thân nhân tới đón? Dạ thưa không. Vậy hay là chờ bạn bè đến thăm? Cô y tá phì cười pha trò: ông nghĩ già ngần ấy tuổi mà còn hẹn bạn gái sao? Không, ý tôi là bạn thông thường đấy.

     Nếu những người bạn ấy chưa nằm xuống thì cũng đang ngồi xe lăn như họ tại một viện dưỡng lão nào đó thôi, rồi ngậm ngùi họ mong chờ những hình bóng không bao giờ đến, xa xôi trong ký ức. Rồi khẽ thở dài: tôi làm việc ở đây hơn 10 năm, đã chứng kiến nhiều hoạt cảnh, tháng nào cũng có người mới tới và cũng có người vĩnh viễn ra đi. Chắc ít nhiều, lòng cô cũng có phần nào sao xuyến, phải không cô? Thật tình mà nói lúc đầu thì có đấy, nhưng mà bây giờ tôi đã quen rồi. Tôi nghĩ là cô rất mẫn cảm? Chỉ là do tập luyện thôi chứ bằng không thì sẽ ngã quỵ đó ông! Chúng tôi vào thang máy lên tầng trên, một cụ già chống gậy tập tễnh vô theo. Cô y tá nhìn ông ta và hỏi: ông đi lên thang máy hay là đi xuống? Cụ đáp như cái máy, giọng nói khò khè yếu ớt khó nghe. Ði..đi xuống, rồi đi..đi lên, rồi đi..đi xuống, đi lên. Tôi nhận thấy ông ta chẳng nhìn ai cả, ánh mắt không hồn đang hướng về phương trời vô định. Dường như quá quen thuộc với những hiện tượng này, cô y tá thản nhiên nói: vậy thì xin ông bước ra chờ chuyến sau sẽ có người đi với, chúng tôi đang bận. Cô bèn nắm tay dẫn ông cụ ra ngoài rồi lạnh lùng khép cửa. Tôi thắc mắc: nếu ông ấy lại tiếp tục bấm nút thang máy thì sao cô? Chúng tôi đã lượng trước được điều ấy cho nên tất cả nút cắt điện trong viện đều gắn rất cao người già không thể với tới. À thì ra vậy.

     Công tác xong trời cũng về chiều, tôi từ giã, cô y tá tiễn tôi ra cửa. Ðoàn xe lăn vẫn còn dàn chào. Chợt trông thấy trong góc tối 1 ông lão độ trên dưới 80 đang cô đơn ngồi bất động trên xe lăn như pho tượng cũ. Ðiểm khác biệt khiến tôi chú ý là ông ta không phải người da trắng và cũng không hoà nhập vào toán dàn chào. Da ông mầu đồng nâu có nhiều vết nhăn đậm nét thời gian hằn trên mặt. Mái tóc bạc phơ rủ lòa soà trên trán, vóc người bé nhỏ, mắt hom hem trân trối nhìn tôi như muốn nói điều gì. Tôi đoán chừng ông là thổ dân da đỏ. Hiếu kỳ tôi hỏi cô y tá: và vị dưỡng lão này cũng là người Indian hở cô? Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của chính phủ liên bang chứ? Cô ta ngạc nhiên, uả sao ông lại hỏi vậy? Tôi trỏ ông lão ngồi xe lăn, vậy không phải Indian là gì? Cô y tá phì cười, ông ta là người Á đông đó ông ạ. Tôi giật mình: người Á đông? Dạ phải, dường như là Việtnam đó.

     Thêm một lần kinh ngạc, tôi không ngờ nơi vùng đất hẻo lánh đìu hiu lạnh lẽo này cũng có người Việt định cư. Tôi bèn hỏi dồn, sao cô biết ông ta là người Việt. Dạ thưa ông hồ sơ có ghi đó ông ạ. Vậy thì ông ấy vào đây lâu chưa cô? Hơn 10 năm. Rồi cô khẽ lắc đầu: tội nghiệp, ông ta rất hiền lành dễ thương ai cũng quí mến cả. Nhưng hiềm chẳng nói được tiếng Anh cho nên suốt ngày cứ thui thủi một mình không có bạn. Vậy thân nhân ông ấy có thường xuyên tới thăm ông ấy không? Một lần cách đây lâu lắm, hẳn có uẩn khúc gì đây. Không cam tâm làm ngơ trước người đồng hương đang gặp cảnh bẽ bàng nơi đất khách, tôi tự giới thiệu: tôi cũng là người Việtnam.

    Cô ta trố mắt: ồ, thế mà tôi cứ đinh ninh ông là người Trung Hoa. Tôi cười: trong mắt người Tây phương, thì bất cứ ai da vàng cũng là người tầu. Cô ta pha trò: cũng đâu phải lạ, nhiều anh tầu nhan nhản khắp nơi. Ngay trong xóm da đỏ hẻo lánh tít mù trên miền bắc cũng có. Lần nào qua đó tôi cũng ghé mua cơm chiên, chả giò vừa ngon vừa rẻ nhưng phải cái là... Tôi nhoẻn miệng cười: mỡ dầu và bột ngọt hơi nhiều phải không cô? Cô ta cười xoà: phải nói là nhiều quá mới đúng. Khổ công tập thể dục cả tháng, ăn 1 bữa cơm tầu là đâu vào đấy, có khi còn thặng dư là khác.

      Tôi quay lại vấn đề: tôi muốn tiếp xúc với ông lão người Việt để mà chào hỏi làm quen, có thể ông ấy cũng đang cần nói chuyện vì lâu lắm chưa có dịp. Cô y tá mừng rỡ: hay lắm, đó cũng là điều tôi mong muốn. Vùng này hẻo lánh quá nên không tìm ra người thông dịch, nhân tiện nhờ ông hỏi xem ông ấy có nhu cầu hay đề nghị gì hầu chúng tôi đáp ứng không? Vâng, tôi sẽ cố gắng làm điều đó cô. Thấy tôi đi tới ông lão ngước lên, nhíu đôi mắt hom hem nhìn chầm chập, vừa ngạc nhiên vừa thoáng chút ngại ngùng. Tôi gật đầu chào: dạ thưa chào cụ ạ. Nét mặt rạng niềm vui, giọng nói run run vì xúc động. Dạ chào, chào thầy, thầy là người Việt à? Giọng ông hơi nặng và chân thật. Tôi thân mật nắm tay ông. Thưa cụ cháu cũng là người Việt như cụ đấy ạ. Ông lại nghẹn ngào: cảm ơn Thiên chúa, cảm ơn Ðức mẹ từ bi đã cho tôi gặp được ông. Tôi kéo ghế ngồi bên cạnh và bắt đầu trò chuyện. Thưa cụ, vì sao cụ cho là cuộc gặp gỡ hôm nay là do Thiên chúa và Ðức mẹ sắp đặt. Tại đêm nào tôi cũng cầu nguyện ơn trên cho tôi gặp được người đồng hương. Có chuyện gì khẩn cấp không thưa cụ ? Ðể được nói chuyện bằng tiếng Việt mình thôi. Cụ thở dài: lâu lắm rồi tôi chưa được nói hay là nghe tiếng mẹ đẻ. Nhức trong tim, tôi bùi ngùi thương cảm, một ước mơ thật đơn giản mà sao quá xa vời.

     Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Ông kể: tên tôi là Tỉnh, Nguyễn văn Tỉnh, trước kia ở Bình Tuy, làm nghề biển, có thuyền đánh cá. Tuy không giầu nhưng cuộc sống cũng sung túc. Tôi có vợ, 3 con trai, đứa lớn nhất còn sống thì giờ này cũng đã gần 50. Năm 75, cộng sản tràn vào, cả nước kéo nhau chạy nạn, sẵn phương tiện trong tay tôi chở vợ con vượt thoát, nhưng chẳng may là sau 3 ngày lênh đênh trên mặt biển thì gặp bão lớn tầu chìm. Tôi và đứa con út lên 6 được may mắn đã gặp tầu Mỹ nó vớt, còn vợ và 2 đứa con lớn thì mất tích thầy ạ. Sau đó thì tôi được bảo trợ về Louisiana, nơi đây có đông người đồng hương nên cũng đỡ buồn. Tôi bắt đầu tái tạo sự nghiệp, hùn hạp với bạn bè mua tầu đánh cá làm việc ngày đêm, trước là để vơi buồn, sau là tạo dựng tương lai cho thằng Út, giọt máu cuối cùng còn sót lại của tôi. Tôi ước mong thằng bé sẽ theo cha mà học nghề biển nhưng nó thì không muốn. Nó chỉ thích làm bác sĩ, kỹ sư ngồi nhà mát thôi chứ không chịu dãi nắng dầm mưa như bố, thế nên thầy biết không, vừa xong trung học là nó quyết chọn trường xa để mà tiếp tục theo đại học.

     Ông ngừng lại 1 chút để dằn cơn súc động rồi ngậm ngùi kể tiếp: tôi chỉ có mình nó, không thể sống xa con, nên quyết định là bán hết tài sản để mà dọn theo, bạn bè ai cũng ngăn cản thầy ạ, nhưng tôi quyết giử lập trường, mang hết tiền dành dụm đến cái tiểu bang này mua 1 căn nhà nhỏ ở ngoại ô, còn chút ít thì gửi vào trong quỹ tiết kiệm lấy lời sống qua ngày. Hai cha con đùm bọc nhau, cuộc sống tuy chẳng sung túc nhưng chẳng nhẹ nhàng. Tuổi ngày một già thì sức khỏe càng yếu, năm ấy trời mưa đá, tôi bị ngã gẫy chân thầy ạ. Bác sĩ cho biết xương già thì không có lành được và phải vĩnh viễn ngồi trên xe lăn. Thằng Út ra trường có việc làm tốt ở Nữu Ước.

     Tự biết là khó có thể theo con và không muốn làm trở ngại bước tiến thân của nó nên tôi xin vào viện dưỡng lão. Tôi lên tiếng trước thầy ạ cho nó khỏi bị khó xử. Nó giúp tôi làm thủ tục và hứa là khi nào làm ăn yên ổn nó sẽ đón tôi về. Các viện dưỡng lão tương đối khá đều hết chỗ, may thay trong lúc đang bối rối thì có anh bạn học người da đỏ mách cho tôi nơi này. Thấy con tôi buồn tôi bèn an ủi nó: nơi nào cũng là quê người, cũng giống nhau thôi, thỉnh thoảng con về thăm bố là bố vui rồi.

     Thế là cả ngôi nhà lẫn tiền dành dụm phải trao hết cho viện dưỡng lão, dĩ nhiên là tôi được nhận. Ánh mắt xa xôi nhìn về phía chân trời đang có đàn chim chiều đang soải cánh ông chép miệng: chà nhanh quá, mới đó đã 10 năm rồi. Thưa cu, thời gian qua chắc là anh Út vẫn thường xuyên về thăm cụ chứ? Ừ, một năm thì nó cũng trở lại, nó khoe tôi hình cô gái Mỹ và nó nói, dâu tương lai của bố đó. Rồi thầy biết không, từ đó biệt tăm luôn. Cụ hoàn toàn không biết tin tức gì về anh ấy sao? Không, mà thật tình tôi cũng không muốn biết nữa. Tại sao, anh ấy là con trai duy nhất của cụ mà? Cháu sẽ giúp cụ tìm anh ấy nhé? Ông lão rơm rớm nước mắt: tôi sợ lắm, thầy ơi, thà biền biệt như thế mà tôi vẫn tin tưởng là nó đang sống tốt với vợ con ở một nơi nào đó trên quả đất còn hơn là biết tin buồn. Quả tình tôi không kham nổi.

     Tôi nghẹn lời nói không được, lát sau qua cơn xúc động, tôi bèn hỏi: giờ đây cụ có còn ước nguyện gì thì cụ cho cháu biết, cháu sẽ hết lòng giúp cụ với tất cả khả năng của mình thưa cụ. Ông lão thở dài, già rồi còn được mấy năm trước mặt hở thầy? Ánh mắt chợt linh động, ông nhìn tôi và chép miệng : à, mà tôi thèm một bát bún riêu quá.

     Hai tuần sau vào ngày Chủ nhật, tôi nhờ chị bạn thân nấu dùm 2 bát bún riêu cua, bún nước để riêng, có đầy đủ chanh, rau, nước mắm, ớt hiểm tươi còn đặc biệt có thêm lọ mắm ruốc thật ngon. Tôi cho tất cả vào túi xách đem vào viện dưỡng lão Lakeview. Mất hơn 4 giờ đường, sau cùng tôi đã tới. Như lần trước, ông lão vẫn ngồi trên xe lăn gần cửa sổ cuối phòng. Bất ngờ trông thấy tôi ông mừng rỡ kêu lên: ồ kìa thầy, thầy lại về đây công tác hở thầy? Tôi chạy tới nắm tay ông. Dạ thưa lần này thì cháu chỉ đến đây thăm cụ và cháu có một món quà đặc biệt mang biếu cụ đây. Lộ vẻ cảm động ông cụ nhoẻn cười đôi mắt nhăn nheo. Bầy vẽ làm chi hở thầy, đến thăm tôi là quý rồi thầy ơi.

      Tôi xin phép ban quản lý đưa cụ ra vườn vì thức ăn nặng mùi mắm ruốc nên tôi phải mang theo 1 lọ cồn nhỏ để đun nóng ngoài trời. Cụ chăm chú nhìn tôi bỏ bún ra tô, trộn rau ghém, nêm mắm ruốc, chan nước dùng nghi ngút bốc hơi, rắc chút tiêu thơm trên lớp gạch cua nổi vàng trên mặt. Nặn hai lát chanh tươi và sau cùng là ba quả ớt hiểm đỏ thơm nồng cay xé lưỡi. Không nén được thèm thuồng, chốc chốc cụ lại nuốt nước bọt. Tôi đặt tô bún riêu trước mặt và mời cụ cầm đũa. Cụ run giọng: cám ơn thầy, không ngờ hôm nay tôi còn được ăn bát riêu cua. Mời thầy cùng ăn cho vui ạ. Cám ơn cụ, cháu đã ăn xong ở nhà, xin cụ dùng tự nhiên, bún riêu còn nhiều, hết tô này cháu sẽ hâm tô khác cho cụ. Cụ trịnh trọng húp từng muỗng súp, gắp từng đũa bún, cắn từng miếng ớt cay ngon lành như chưa từng được ăn ngon, chốc chốc cụ dừng tay để lau mồ hôi và luôn mồm khen tấm tắc: trời ơi, bún riêu ngon quá mà mắm ruốc thơm quá thầy ơi. Tôi cảm động đặt tay lên vai cụ. Thưa nếu cụ bằng lòng nhận cháu làm con, cháu sẽ thay anh Út và thường xuyên thăm viếng cụ nhé. Cụ sững sờ nhìn tôi thật lâu như không tin ở tai mình rồi hai dòng nước mắt từ từ lăn dài trên đôi má hóp. Trời ơi, sao tôi có được diễm phúc như vậy sao trời! Tôi yêu cầu ban quản lý ghi tên tôi vào danh sách thân nhân, và dặn dò khi có chuyện cần thì cứ gọi.

    Năm sau, còn một ngày nữa là Tết, tôi đã chuẩn bị xong quà cáp có cả trà thơm, mứt ngọt dự định sáng hôm sau mồng một đầu năm sẽ mang lên Lakeview mừng tuổi cụ. Ðang ngon giấc, chợt có chuông điện thoại, tôi nhấc ống nghe, bên kia đầu giây tiếng cô y tá trực của viện dưỡng lão Lakeview. Dạ thưa hỏi, có phải ông là ông Trần không? Dạ vâng ạ, là chính tôi đây. Dạ thưa ông, cụ Tính đau nặng. Tình trạng thế nào có nguy không cô? À, đang nằm phòng hồi sinh bệnh viện ở thành phố đó thưa ông. Cám ơn cô rất nhiều, ngày mai tôi sẽ đến cụ. À ông nên đi sớm hơn đi là vì sợ không còn dịp nữa. Tôi rụng rời, ngoài trời tuyết rơi càng lúc càng nhiều, trời trở lạnh, gió giật từng cơn, hoa tuyết bay nghiêng như ngàn vạn mũi tên bắn vào kính nghe rào rào như vãi cát. Không gian mờ mịt, rừng phong trắng xóa một mầu, tuyết phủ một lớp dầy trên mặt đất. Tôi rà thắng cho xe chạy chậm để khỏi rơi xuống hố. Sau cùng cũng tới được bệnh viện Hayward. Cô y tá nhìn tôi ái ngại. Thưa ông, suốt đêm qua ông ấy cứ gọi tên một người nào đó. Không biết có phải là ông không ạ. Cô còn nhớ là ông ấy gọi tên gì không? Chỉ một tiếng duy nhất, dường như là work hay út gì đó. Tôi đã hiểu là thằng út.

     Tôi hé cửa lách vào trân trối nhìn ông rồi ngồi xuống bên giường, người ông khô đét, hai mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên vầng trán nhăn nheo. Ông chợt cử động rồi thều thào.. út.. út. Nước mắt chực trào ra, giờ phút này tôi cần phải làm một điều gì để giúp ông được mỉm cười khi vĩnh biệt. Tôi bóp nhẹ bàn tay già gầy guộc và nghẹn ngào: thưa cha, con đã về đây thưa cha. Mi mắt ông động đậy, cố nhướng nhìn lên. Rồi kiệt sức nên từ từ khép lại nhưng môi còn mấp máy: út.. út, út con. Phải thưa cha con là út đây cha. Con là đứa con bất hiếu đã quay về bên cha để xin cha tha thứ cho con. Tôi cảm được các ngón tay khô gầy đang bắt đầu cử động trong lòng tay tôi, cố nắm giữ đứa con yêu đừng có xa rời. Nước mắt tôi vô tình rơi xuống làn môi khô nứt nẻ đang hé một nụ cười.

     Gia tài ông để lại là một bọc vải nhỏ trong ấy có một tượng chúa Giê su bị đóng đinh trên cây thập giá và tấm hình đen trắng đã trổ vàng chụp gia đình 5 người đoàn tụ, đứa nhỏ nhất còn bế trên tay, tôi đoán nó tên là Út.

 

Tuấn Huy

 
 
(304Đen – lượm lặt)

 

 

Những Chuyện Ngắn Thật Hay - 304Đen


Những Chuyện Ngắn Thật Ngắn Hay

 

 

1- Nồi cá bống kho tiêu


Ba mươi tuổi đầu, lận đận chiến chinh, chưa kịp lấy vợ thì trời sập. Đi tù . Mẹ thăm nuôi 6 tháng một lần .Quà chỉ có nồi cá bống kho tiêu và nước mắt thương con. Được 3 năm thấy mẹ già đi, tóc bạc phơ. Thương mẹ, hắn bảo mẹ đừng lên thăm nữa. Nhưng đến kỳ thăm lại đi ra đi vào ,trông ngóng mẹ. Suốt hai năm không thấy mẹ lên thăm.
Được thả, về nhà mới hay khi mẹ về gặp mưa bị cảm nặng trong lần thăm nuôi sau cùng và đã qua đời hai năm rồi. Giỗ mẹ, hắn đi chợ mua cá bống về kho tiêu. Giỗ xong bưng chén cơm và đĩa cá bống kho tiêu cúng mẹ xuống ăn, hình như có vị mặn của nước mắt.

 

2- Tình đầu


Mười tám tuổi, yêu tha thiết, tỏ tình. Nàng chu mỏ: học trò ,nhỏ xíu, bày đặt.
Hai mươi hai ,Thiếu úy Sư Đoàn 18 ,về phép đến thăm ,nàng lạnh lùng: Sợ làm góa phụ lắm.
Hai mươi sáu, Đại úy Trưởng khối CTCT Trung Đoàn, xin bỏ trầu cau Nàng ậm ừ để suy nghĩ lại đã. Tháng 4/75 chạy giặc, lạc mất nhau. Ở tù ra, gặp lại. Nàng đã có chồng, hai con. Buồn và mặc cảm, thôi cứ ở vậy không lấy ai. Ba mươi năm sau , lận đận quê người, gặp lại. Nàng chồng chết, các con trưởng thành ra ở riêng. Mừng rơn, mời nàng đi ăn cơm tối nhà hàng. Tỏ tình. Nàng thẳng thừng: Già rồi bận bịu nhau làm gì, ở một mình cho khỏe.

 

3- Hai chị em


Chị quen anh Hân, trung úy phi công. Anh đến nhà chơi, thấy em gái quấn quýt Hân, chị nhường. Hai người tổ chức đám cưới, chị gom hết tiền để dành tặng đôi vợ chồng mới. Em có thai đứa con đầu lòng được 6 tháng thì Hân đi tù cải tạo. Chi thương em đang có con dại, thay em đi ra Bắc thăm nuôi Hân. Con được hai tuổi, em đi buôn hàng chuyến, lỡ có thai với người tài xế. Chị tiếp tục đi thăm, dối Hân em dẫn con đi vượt biên rồi. Thấy Hân mừng cho tương lai vợ con mình, chị xấu hỗ, tủi thân, âm thầm khóc lặng lẽ trên chuyến tàu lửa từ Hà Nội về lại Sài Gòn. Hân về, biết sự thật. Buồn, dẫn con gái đi vượt biên .Nghe tin hai cha con chết trên biển, chị lập bàn thờ. Lấy tấm hình Hân đứng bên cạnh chiếc máy bay phản lực F5 Hân tặng chị hồi mới quen rọi lớn ra, bỏ vào khung đặt lên bàn thờ, chị khóc gọi Hân ơi…

 

4- Trả hiếu


Thằng Út đói bụng, tìm Lan. Chị ơi nấu cho em gói mì .Từ sáng đến giờ hai chị em chưa ăn gì cả. Nhà hết mì gói ăn liền lại hết cả gạo.Lan dỗ dành, ba đi thồ về thế nào cũng mua bánh mì cho em. Trời tối dần vẫn không thấy ba về, Lan dẫn em ra đầu hẽm nơi anh Tư sửa xe gắn máy, ngồi đợi. Tư và Lan thương nhau đã hơn hai năm. Tư đang cố dành dụm ít tiền để sang năm làm đám cưới. Trời tối hơn, chú Bảy xe thồ chạy về báo tin ba bị xe đụng gãy chân rồi. Bệnh viện đòi 5 triệu mới chịu bó bột. Lan về nhà thay áo, chạy vội ra nhà dì Năm đầu phố. Dì ơi con bằng lòng. Đêm bán trinh cho ông Đài Loan ,Lan khóc lặng lẽ. Anh Tư ơi, cho em xin lỗi…

 

 

5- Khói thuốc


Năm thứ hai ở Đại học CTCT Đà Lạt, Duy quen Trinh ,học năm thứ nhất ở Đại học Chính Trị Kinh Doanh. Hai đứa yêu nhau tha thiết, thề hẹn sống chết với nhau. Tốt nghiệp, Duy về Sư Đoàn 5 bộ binh, hành quân liên miên Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Đêm hành quân giăng võng nằm trong rừng cao su Đồng Xoài, Duy mơ có dịp về phép Đà Lạt, cùng Trinh tay trong tay dạo khắp Thành Phố Sương Mù, rồi vào Cà phê Tùng gọi một gói thuốc Capstan, một tách cà phê sữa, một ly sữa đậu nành nóng, cho ấm. Trinh ra trường về nhà ba mẹ ở Sài Gòn. Duy xin phép thường niên được 7 ngày, ghé thăm. Trinh báo tin ba mẹ gả em cho anh giám đốc Trung Á ngân hàng. Cưới xong chắc em cũng vào làm ở đó luôn cho tiện. Mẹ bảo em hãy quên ông Trung úy đó đi. Hai tháng sau Duy bị thương về nằm Tổng Y Viện Cộng Hòa. Anh lính đơn vị cử đi theo chăm sóc chạy về báo tin hôm nay đám cưới cô Trinh, thấy nhà trai tới với nhiều xe hơi sang trọng lắm. Duy chống nạng ra ngồi trước hiên ,châm điếu thuốc. Thẩm quyền ! bộ ông đang khóc đó hay sao? Không phải đâu, chỉ là khói thuốc lá cay cay làm chảy ra nước mắt…

 

6- Chồng xa


Tin vào chủ trương của lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện, cha Hạnh bỏ lúa đổi sang nuôi tôm xuất khẩu .Vay của ngân hàng nhà nước 3 tỷ bạc. Tôm chết trắng ruộng, lỗ nặng. Đến hạn trả nợ, không trả được bị ngân hàng hăm tịch thu nhà. Vịnh, em trai đang học lớp 10 muốn bỏ học đi làm thuê. Hạnh khuyên em cứ tiếp tục học lên đại học, mong sau nầy đổi đời. Nợ nần của gia đình để chị lo. Nuốt nước mắt vào lòng, Hạnh lên Sài Gòn tìm mối lấy chồng Đại Hàn. Được ba tháng chị gọi phôn về thăm Vịnh, dặn dò em cố gắng học và chăm sóc cho cha. Tiếng chị nghèn nghẹn như đang khóc.Thương chị, Vịnh nghẹn ngào hứa vâng theo lời chị dặn dò . Hai tuần sau, tòa lãnh sự Đại Hàn mời gia đình đến
nhận bình đựng tro cốt của Hạnh. Họ giải thích tại chị nhảy lầu tự tử… Trên chuyến xe đò từ Sài Gòn về Long Xuyên, xe chạy qua những cánh đồng lúa bạt ngàn tận chân trời, Vịnh thút thít khóc gọi chị Hai ơi …

 

 

(Lượm lặt từ các trang Blogs khác – 304đen)

Saturday, November 29, 2014

Lỡ Mai Anh Về Tây Ninh - Thuyên Huy


Lỡ Mai Anh Về Tây Ninh

Để tặng đám bạn cùng lớp ngày xưa và riêng cho người phụ tình một người, ở ngả ba trường trung học tỉnh, từ những ngày nhập học đầu thu một chín sáu tám.

 


Lỡ mai anh về lại Tây Ninh
Phố bên này vẫn phố buồn tênh

Trơ gan mấy nhịp cầu Quan cũ
Anh biết không tôi vẫn một mình

 
Đường đi núi Bà thoáng  bụi xưa

Công viên đầu dốc hoa  lá thưa
Khúc sông cuối chợ  mùa nước đục

Nơi  đứng chờ nhau đêm cuối mưa

 
Ngày đó có lần qua Thương Binh

Bắp non ngọt ấm chuyện chúng mình
Anh bỏ Tây Ninh Thu tàn sớm

Tôi buông đời theo sóng lênh đênh.

 
Cổng khép hồn mơ áo trắng bay

Trường xưa nắng vẫn ngập sân đầy
Tôi cố mà quên chiều Giếng Mạch

Cái thuở đầu đời tay nắm tay

 
Sân giáo đường xưa ngày cuối đông

Bảo nhau ừ đêm thánh vô cùng
Anh đi từ độ chuông buồn đổ

Tôi dấu tình riêng trong trống không

 
Vàm Cõ ngập ngừng mưa Cẫm Giang

Chuyến xe chiều đuổi  ánh trăng tan
Tây Ninh tôi đó buồn hiu hắt

Còn nổi đau nào hơn  phủ phàng.

 

 
Thuyên Huy

Không Trách Mắng - 304Đen


  Không Trách Mắng
   
 


    Tôi quen gia đình nhà White khi mới vào đại học. Họ hoàn toàn khác gia đình tôi, mặc dù vậy ở bên họ, lúc nào tôi cũng cảm thấy hết sức thoải mái. Jane White với tôi thoạt tiên là bạn trong trường, rồi kế tới cả gia đình đón tiếp tôi - một người ngoài - như thể đón một người em họ mới tìm ra.
    Ở nhà tôi, mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra, luôn luôn nhất thiết là phải tìm cho ra thủ phạm để trách mắng.
    “Cái này là ai làm đây?”. Mẹ tôi sẽ hét lên như thế trong nhà bếp hỗn độn như bãi chiến trường.
    “Đó là tại con đó, Katharine!”. Cha tôi sẽ đay nghiến mỗi khi con mèo biến mất hoặc cái máy giặt không làm việc.
    Ngay từ khi còn nhỏ, anh chị em chúng tôi vẫn hay nói với nhau là trong nhà mình còn một người nữa là ông Trách Mắng.
    Mỗi tối ngồi vào bàn nhớ dọn cả cho ông ấy một phần ăn!
    Nhưng gia đình nhà White lại không bao giờ quan tâm đến ai vừa gây ra việc gì, họ chỉ thu dọn những mảnh vỡ và tiếp tục sống vui vẻ. Tôi chỉ thực sự hiểu hết nét đẹp của nếp sống này vào mùa hè mà Jane qua đời.
    Ông bà White có sáu người con, ba trai, ba gái. Vào tháng bảy, ba người con gái nhà White và tôi quyết định làm một chuyến đi từ Florida đến New York. Hai cô lớn nhất, Sarah và Jane đều là sinh viên. Người nhỏ nhất, Amy, thì vừa mới có được bằng lái xe. Tự hào vì điều đó, cô rất mong đến chuyến đi để được thực tập.
    Hai cô chị chia nhau lái suốt chặng đầu của chuyến đi, đến một khu thưa dân cư họ mới cho Amy lái. Thế rồi cô bé đột nhiên đi lạc vào đường ngược chiều, đã vậy mà Amy vẫn tiếp tục cho xe chạy băng băng không dừng lại. Một chiếc xe tải đã không kịp dừng lại nên lao thẳng vào xe chúng tôi.
    Jane chết ngay tại chỗ.
    Khi ông bà White đến bệnh viện, họ thấy hai cô con gái còn sống sót của mình nằm chung một phòng. Đầu Sarah thì quấn băng còn chân Amy thì bó nạng. Hai ông bà ôm lấy chúng tôi khóc buồn vui lẫn lộn khi gặp lại các con. Họ lau nước mắt cho các con và thậm chí còn trêu Amy khi thấy cô bé học sử dụng nạng.
    Với cả hai cô con gái, đặc biệt là với Amy, họ nói đi nói lại:

-“Bố mẹ mừng biết bao khi thấy con còn sống.”
    Tôi vô cùng kinh ngạc, không có kết tội, không có trách mắng ở đây.
    Về sau, tôi hỏi ông bà sao lại không có một lời kết tội nào đối với việc Amy đã đi vào đường cấm.
    Bà White bảo:

-“Jane đã mất rồi và chúng tôi thương nhớ nó kinh khủng, nhưng nói hay làm gì thì có mang Jane về được đâu. Trong khi đó Amy còn cả một cuộc đời trước mặt. Làm sao nó có thể sống một cuộc đời hạnh phúc nếu cứ cảm thấy rằng chúng tôi oán trách nó vì nó đã gây ra cái chết của chị gái?”
    Họ nói đúng, Amy tốt nghiệp đại học và lấy chồng vài năm sau đó. Cô trở thành mẹ của hai bé gái, và bé lớn nhất tên là Jane.
    Tôi đã học được từ gia đình White một điều thực sự quan trọng trong cuộc sống: Trách mắng quả thật không cần thiết, đôi khi đó còn là một việc hoàn toàn vô ích.

(304Đen lượm lặt - Không rõ tác giả)

 

Friday, November 28, 2014

Cái Khó Khi Làm Thơ Đường - Nguyễn Cang


 
 CÁI KHÓ KHI LÀM THƠ ĐƯỜNG
 
 

MỞ BÀI  

    Hiện tại, có nhiều người trong nước cũng như hải ngoại, làm thơ Đường. Bỗng dưng nó trở thành cái mốt, mà có mới mẻ gì đâu thể loại thơ nầy? Nó được các vua quan nước ta đưa vào quy chế trong các cuộc thi tuyển lựa nhân tài ra giúp nước, từ mấy thế kỷ trước.Ở hải ngoại cũng như trong nước nhiều câu lạc bộ, hội  thơ Đường được thành lập,nhỏ hơn một chút thì có vườn thơ Đường, góc thơ Đường, chùm thơ Đường v.v.  Đặc biệt có sự tham gia của các bạn trẻ làm thành phong trào giống như phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945 vậy.Tôi không rõ do đâu mà phong trào lên nhanh, có thể do nhàn hạ sau khi "tang bồng trang trắng vỗ tay reo" thì các cụ muốn tìm thú vui giải trí vừa thanh tao vừa luyện cho trí não khỏi bị suy thoái, Bạn mình làm được bài thơ hay bèn khoe cho bạn khác biết tạo  thành luồng điện lan nhanh. Còn các bạn trẻ thấy cha mẹ làm thơ cũng bắt chước làm thử, đọc lên nghe được bèn làm tiếp, nhưng cũng có thể do bế tắc trong cuộc sồng nên tìm quên lãng trong tiếng thơ .Có thể nói bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật là thể thơ khó làm nhất ví nó có nhiều luật lệ ràng buộc mà nếu ta không nắm vững thì sẽ bị thất luật, thất niêm , biến thành thơ cổ phong hay thơ tự do và bị xếp vào loại non nớt, ấu trĩ. Bài thơ hạn định trong 8 câu, mỗi câu 7 chữ,nghĩa là có tất cả 56 chữ thôi nhưng mỗi chữ phải được đặt ở một vị trí nhất định theo đúng luật bằng trắc. Có thể sánh những chữ trong bài như một quân cờ trong bàn cờ thế . Quả thực nó khó làm, nhưng khó nhất là điểm nào?

VÀI ĐIỀU CĂN BẢN   

    Có những điều căn bản sau đây mà ta cần nắm vững trước khi giải quyết vấn đề. Trong thể loại thơ thất ngôn bát cú Đường luật có thể nói là một sự kết tinh thống nhất kỳ diệu giữa ngôn  ngữ và âm nhạc, giữa tình và lý giữa nghệ thuật và khoa học thể hiện đồng thời trong năm yệú tố sau đây:niêm, luật, vần, đối và kết cấu. Trong 5 yếu tố đó thì "đối" là quan trọng nhất. Mỗi âm tiết đều mang dấu giọng cao thấp nên người ta chia ra hai loại là thanh trắc và thanh bằng. Thanh trắc là những tiếng có dấu sắc ( hỏi, ngã, nặng ). Thanh bằng là những tiếng có dấu dấu huyền ( gọi là trầm bình thanh) hoặc không dấu (gọi là phù bình thanh). Vần là những chữ có cách phát âm gần giống nhau ( gọi là vần thông  ) hoặc giống nhau ( gọi là vần chính). Vần thông , thí dụ: nga ,moa, sà,...Vần chính, thí dụ: lính, tính, dính.. hoặc: la, ba, nga... Một cách tổng quát, vần có thể gieo ở cuối câu hoặc giữa câu. Trong bài thơ thất ngôn bát cú , vần được gieo ở cuối câu. Khi chữ gieo vần mà mang dấu sắc (hoặc hỏi , ngã , nặng) thì ta gọi nó là vần trắc , còn nếu nó mang dấu huyền (hoặc không dấu) thì  gọi là vần bằng.

    Niêm , luật , vần là ba yếu tố căn bản quy định phép tắc làm thơ ta chỉ cần nắm vững là được . Còn "đối" và "kết cấu" mới là quan trọng, nó đòi hỏi khả nămg trí tuệ , kiến thức cao để làm cho nghệ thuật thăng hoa, giàu tính biểu cảm.

KHẢO SÁT VỀ PHÉP ĐỐI   

    Bây giờ xin đi vào vấn đề chính là phép đối  ngẫu trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, Vậy định nghĩa đối là gì? Đối là những câu văn đi sóng đôi với nhau từng cặp. Xét 3 phép đối căn bản được áp dụng hiện hành, những cách  phân loại khác khá phức tạp như: liên châu đối,song nghĩ đối,sự đối v.v. ta không bàn ở đây, các bạn có thể tham khảo ở sách báo hay trên internet. Ba phép đối căn bản là đối thanh , đối ý và đối từ. Cái khó khi làm bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật là bạn phải đạt 3 yếu tố cơ bản trên đồng thời phải giữ đúng luật bằng trắc theo quy định của thơ Đường trong mỗi câu mỗi chữ của bàì thơ. Mà việc chọn ý lựa vần đã là khó huống chi phải sắp xếp như thế nào để có đối nữa. Nhưng một khi bạn quen tay rồi thì nó trở nên dễ dàng, đó là điều chắc chắn!

  Trong bài thơ thất ngôn bát  cú Đường luật thì 2 câu thực (3&4) và 2 câu luận(5&6) bắt buộc phải đối, còn cặp đề (1&2) và kết (7&8) không bắt buộc. Quy định như vậy ta phải theo để có một bài thơ Đường đúng luật, còn hay hay dở là vấn đề khác. Một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật mà không có đối thì kể như hỏng, dù bài thơ đó ý có hay cở nào cũng bị loại chẳng khác nào ăn phở mà thiếu ngò gai!

Tóm lại đối là đặc điểm để nhân biết một bài thơ Đường luật, cũng là  tinh hoa của thơ Đường và sau cũng là tiêu chuẩn để đo trình độ làm thơ Đường của tác giả.

Xin lưu ý trong hai câu đối thì  câu trên câu dưới phải có số chữ  bằng nhau, nghĩa là câu trên có 7 chữ thì câu dưới cũng phải 7 chữ, chứ không thể câu nầy 7  chữ câu kia 6 chữ được.

Đối thanh: tức đối về luật bằng trắc , thì mỗi chữ tương ứng với vị trí câu trước và câu sau, nếu chữ của câu trên mà bằng thì chữ của câu dưới phải trắc, và ngược lại.Ví dụ:     

       Có phải thuyền em e bến lạ

       Hay là trần thế vắng người quen.

*"phải" ( trắc) câu trên, đối với" là"(bằng) câu dưới.

*"em" (bằng) câu trên, đối với "thế" (trắc) câu dưới

*"bến lạ" (trắc) câu trên, đối với "người quen" (bằng) câu dưới...

v.v...

Trong câu đối 7 chữ, chữ cuối vế trên là thanh trắc thì chữ cuối vế dưới phải là thanh bằng. Như vậy câu đối 7 chữ cũng có 2 bảng luật trắc và bằng như sau:

           * Bảng luật trắc:      

           T-T-B-B-B-T-T

           B-B-T-T-T-B-B

Thí dụ:

          Ngũ phụng thư danh lưu sử sách

         Thập cơ bát thạch giúp giang sơn

           *Bảng luật bằng:

          B-B-T-T-B-B-T

          T-T-B-B-T-T-B

Thí dụ:

          Sau nhà chậu cúc vừa đơm nụ

          Trước ngõ cành mai mới trổ hoa.

Chú thích :+ Các chữ 2,4,6,7 phải theo đúng luật bằng trắc. Nếu tiếng thứ 2,4,6 câu trên mà bố trí B-T-B thì chữ thứ 2,4,6 tương ứng câu dưới phải làT-B-T và ngược lại, nếu chữ 2,4,6 câu trên được bố trí T-B-T thì chữ tương ứng của câu dưới phải là B-T-B. Còn chữ thứ 1,3,5 thì sao? Chữ thứ 1,3 nói bất luận thì được chứ chữ thứ 5 mà nói bất luận thì dễ rơi vào khổ độc  (khó đọc).Do đó nếu tiếng thứ 7 thuộc nhóm trắc thì tiếng thứ 5 phải thuộc nhóm bằng và ngược lại để cho lúc nào tiếng thứ 5 và 7 cũng phải đối nhau qua tiếng thứ 6, Chỉ khi nào đối mà làm hại cả câu thơ thì lúc đó ta mới sử dụng luật "bất luận" chữ thứ 5 nầy, nghĩa là bằng trắc gì cũng được, nhưng  những  tiếng đáng trắc (chữ thứ 5  của  những câu có vần)   mà đổi ra bằng thì được , còn những tiếng đáng bằng (chữ thứ  5 của  những câu 3,5,7) mà đổi ra trắc thì không nên vì dễ bị rơi vào khổ độc như đã nói ở trên. Thí dụ cho trường hợp thứ nhứt nói trên: "Giữa núi non nầy ai cố tri?"

    [(chữ "ai"( bằng) đối với "tri" (bằng) qua chữ thứ 6 là "cố". Chữ "ai" là chữ thứ 5  (câu có vần) theo lẽ thanh trắc mới đúng, nhưng ở đây áp dụng luật "bất luận", biến trắc thành bằng].

      [Tới đây tôi xin mở dấu ngoặc để giải thích thêm về trường hợp thứ hai nói trên. Chữ thứ 5  (câu khôngcó vần) là thanh bằng thì không nên ( chớ không phạm luật vì chữ  1, 3,5 cho phép tùy chọn) đổi sang thanh trắc. Tại sao luật "bất luận" cho phép mà bảo là không nên? Vì đổi như thế sẽ dễ  rơi vào khổ độc ( khó đọc).Vài bạn làm thơ Đường lâu năm mà vẫn lấn cấn chỗ nầy. Bạn cho rằng thanh bằng nầy không thể chuyển sang trắc vì chuyển như vậy là phạm luật! Phạm sao được khi luật "bất luận" cho phép thì tự nó hóa giải được rồi.Khi rơi vào khổ khổ độc thì khó đọc nhưng vẫn chấp nhận được. Trường hợp nào cho phép ta làm như vậy? Đó là khi gặp tên riêng, hoặc địa  danh v.v.Xin đưa ra một ví dụ để minh hoạ cho trường hợp nầy.

                         Mùa xuân mới

                 1, Mậu Thân đón Tết chốn quê nhà             (v)

                2.  Đất nước Thanh bình ước hiện ra            (v)

                 3. Cửa cửa chưa mời Hạnh phúc đến

                 4.  Đường đường đã thấy chiến chinh qua   (v)

                 5.  Pháo xuân thưa tiếng đì đùng nổ

                  6. "Pháo chuột" mở mùa tành tạch ca            (v)

                  7. Xuân mới cái chi? Xuân mới lạ

                  8. Bao giờ xuân mới thật đơm hoa                   (v)

                                                      ( HD)

   Trên đây là bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật, luật bằng vần bằng.

     Xét chữ thứ 5 câu 3 (câu không có vần): "Cửa cửa chưa mời Hạnh phúc đến", chữ "Hạnh" theo lẽ phải thanh bằng nhưng ở đây tác giả đổi thành trắc ( xử dụng luật "bất luận") vì muốn nhấn mạnh Hạnh phúc thì không thể nói "Hành" phúc được.

      Xét chữ thứ 5 câu 5 (câu không có vần): "Pháo xuân thưa tiếng đì đùng nổ",chữ "đì" thanh bằng tác giả giữ nguyên.

      Xét chữ thứ 5 câu 6 (câu có vần): "Pháo chuột mở mùa tành tạch ca", chữ "tành" theo lẽ thanh trắc nhưng đổi thành bằng ( áp dụng luật "bất luận") , vì tác giả không muốn dùng điệp từ "tạch tạch", mà dùng từ láy "tành tạch", đọc lên, âm điệu nghe hay hơn.

  Kết luận bài thơ nầy không sai luật.]

  Đối ý : nghĩa là ý câu trên và ý câu dưới hoặc là chống đối nhau hoặc bổ sung ý nghĩa cho nhau, hoặc  khác nhau . Ví dụ:

     *Ý chống nhau:

                Đi đầu năm chốt bò từng bước

                Cản hậu hai xe tiến tới sang

       *Ý bổ sung nhau:

                Tường rào nghiêm gác chòi dăm trạm

                 Bờ lũy giăng gai thép mấy vòng 

          *Ý khác nhau:

              Lìa Ngô bịn rịn còm mây bạc

              Về Hán trau tria mảnh má hồng

                (Trích bài xướng của Tôn Thọ Tường)

Đối từ loại:

 Danh từ đối  với danh từ: danh từ riêng-----danh từ riêng, danh từ chung-----danh từ chung; tính từ đối với tinh từ; động từ ----động từ; trạng từ----trạng từ; số lượng -----số lượng; tên người -----tên người; tên nước ----tên nước; từ Hán Việt -----từ Hán Việt; từ nôm ----từ nôm v.v...

           Ví dụ danh từ riêng đối với danh từ riêng:

                  Liễu Thăng tặc tướng, đầu sa ngựa

                  Phương Chính hàng quân, lũ mất hồn

    Đối từ loại, thoạt trông có vẻ đơn giản nhưng thực tế nó rất phức tạp và khó làm . Cần nhớ nếu mỗi chữ câu trên  là  danh từ thì câu dưới, tương ứng với vị trí, cũng phải danh từ ( không thể tỉnh từ hay động từ), thông thường là chiếu thẳng từng  từ, từ ngữ, trên xuống dưới. Một vài trường hợp đặc biệt ta sẽ nói sau.

    Lấy ví dụ 2 câu đối của Bà Huyện Thanh Quan:

        Lom khom dưới núi tiều vài chú

        Lác đác bên sông rợ mấy nhà

"Lom khom" đối với "Lác đác" ; "dưới"----"trên" ; "núi"------"sông" ; "tiều"-----     "rợ" ; " vài"------"mấy" ; "chú" -----"nhà".

Đối như vầy thật chỉnh và điêu luyện.

**Vài trường hợp đặc biệt:

    *Chữ đồng âm dị nghĩa:

 Ví dụ:

                Hai mái trống tung đành chịu dột

                Tám giờ chuông đánh phải nằm co

                          (Tú Xương/ Hà nam tức sự)

Câu trên chữ "trống"nghĩa là trống trải, đồng âm với "trống" là cái trống để đối với chữ "chuông" ở câu dưới.

      *Phép đối lưu thủy:

 Ví dụ:

                Còn chăng lời hẹn bên trang sách

                Hay đã tàn theo ánh lữa đèn

Nếu theo cách chiếu chữ thì hai câu nầy bất đối, nhưng xét về cấu trúc ngữ pháp thì 2 câu trên đều có cấu trúc giống nhau, và nghĩa câu trên chảy một mạch tràn xuống câu dưới làm trọn nghĩa ý câu trên nên đối được.

    Vậy nếu câu trên là : còn chăng, nếu biết,..và câu dưới tương ứng là: hay đã, trời ơi....thì liên thơ đó đã theo phép đối trên .

*Phép "cú trung đối":

      Ví dụ:

          Màn trời chiếu đất con người khổ

          Nước vật thuyền xơ cá biển nghèo 

Nếu lấy câu trên câu dưới chiếu từng chữ lên nhau thì hai câu nầy không có đối. Nhưng xét nội bộ từng câu thì ta thấy từ ngữ "màn trời" đối với "chiếu đất", "nước vật" đối với "thuyền xơ", nhóm từ "con người khổ" đối với "cà biển nghèo" Như vậy lấy câu có nội đối để đối nhau thì rất cân bằng. Vậy chấp nhận có đối.

  * Phép đối chéo.

        Ví dụ:

             Chân bước vững, đường chiều khấp khểnh

             Rừng cây rậm rạp, trúc vươn cao

  Nếu lấy câu trên câu dưới chiếu từng chữ lên nhau thì hai câu nầy bất đối, nhưng ta thấy nhóm từ "Chân bước vững" lại đối chéo  với "trúc vươn cao"; và "vườn cây rậm rạp" đối chéo với "đường chiều khấp khểnh". Kết luận cặp nầy đối nhau.

Cuối cùng xin trích ra hai bài thơ của bạn hữu để so sánh về phép đối từ đó rút kinh nghiệm khi làm bài thơ Đường luật sao cho có được một bài thơ hay.      

                         Hạnh phúc tuổi thọ

               "Nhân sinh thất thập cổ lai hy"

               Thấm thoát nào hay tuổi quá thì*

                Mái tóc chòm xanh chòm trắng bạc

                Hàm răng cái rụng cái  đen chì

                Ngày hai buổi hết ăn rồi ngủ

                Đêm chín giờ ôn phú tác thi**

                Ví  phỏng cuộc đời như thế mãi

                 Trăm năm hưởng thọ khó khăn gì!  

                *ghi chú: *thì: thời, ** tác thi: làm thơ 

                               ( Khánh Trần)    

                          Nam giớí thì thầm

                  Con cà chưa hết, tới con kê,

                  Lớn tuổi, lắm lời sợ bị chê.

                  Chức Nữ đòi chồng, xin xuất giá,

                  Ngưu Lang muốn vợ, cưới đem về.

                  Thấy bông không hái, người cho dốt,

                  Gặp gáí làm ngơ, họ bảo quê.

                   Bảy bó xuân tình đâu đã hết,

                   Làm sao tránh khỏi thú đam mê.

                                ( Nguyên Khôi)

**Nhận xét phép đối trong bài thơ của Khánh Trần:

          *xét 2 câu thực :              

                Mái tóc chòm xanh chòm trắng bạc

                Hàm răng cái rụng cái đen chì

 "Mái tóc" đối với "hàm răng"( rất chỉnh : danh từ đối với danh từ); "chòm" đối với "cái" ( danh từ đối với danh từ, chú ý "cái" là đại danh từ thay thế  "răng"); "xanh" đối với " rụng "( xanh: tĩnh từ ,rụng: động từ nên hai tứ nầy không đối với nhau được ); từ ngữ " trắng bạc" đối với  "đen chì" (rất chỉnh về ý và từ).

   Hai câu trên đối nhau rất chỉnh , nếu như không có sai sót, bất đối ở hai từ "xanh"( danh từ) và "rụng" (động từ).

         *Xét hai câu luận:

                Ngày hai buổi hết ăn rồi ngủ

                Đêm chín giờ ôn phú tác thi

"Ngày" đối với "Đêm " ( danh từ đối với danh từ); "hai"....."chín"( số từ đối với số từ); " buổi" ...."giờ" ( danh từ đối với danh từ); từ "hết"/"ôn" ( không đối về từ loại); "ăn"/ "phú"( không đối về từ loại);  "rồi"/ "tác"( không đối được về từ loại); " ngủ "/ "thi" ( không đối được về từ loại). Kết luận cặp nầy không đối.

    Tóm lại 2 câu thực,có đối nhưng không chỉnh. Hai câu luận hoàn toàn hỏng, đưa đến suy ỵếu cả bài thơ, khác với ý định ban đầu của tác giả là muốn phác họa ra một khoảnh khắc nhàn nhã hạnh phúc của một người cao tuổi, nay chính cách đối không chỉnh và sự dùng từ ngữ không khéo  đã làm bài thơ trở nên nhợt nhạt, bịnh hoạn, thiếu sinh khí, thật đáng tiếc.

**Nhận xét về phép đối trong bài thơ của Nguyên Khôi:

         * Xét 2 câu thực:

             Chức Nữ đòi chồng, xin xuất giá,

             Ngưu Lang muốn vợ, cưới đem về.

"Chức Nữ" đốí với "Ngưu Lang" rất chỉnh ( danh từ riêng đối với danh từ riêng); "đòi" ( động từ) đối với "muốn"( động từ); "chồng" đối với "vợ"( danh từ);"xin xuất giá" đối với "cưới đem về" ( rất chỉnh).

 Tóm lại 2 câu nầy đối rất chỉnh về thanh , ý, từ . Hai câu thơ tình gợi tả nhưng lại đằm thắm mà không sỗ sàng. KN xử dụng phép đối rất nghiêm để được hiệu quả.

        *Xét 2 câu luận:

              Thấy bông không hái, người cho dốt,

              Gặp gáí làm ngơ, họ bảo quê.

"Thấy"( động từ) đối   với "gặp"( động từ); "bông" ( danh từ, chỉ người con gái đẹp)-  ----"gái" ( danh từ); " không hái"-----"làm ngơ" (từ ngữ ) rất chỉnh;  "họ bảo quê"----"người cho dốt" ( nhóm từ) rất chỉnh.

  Hai câu nầy đối nhau  rất chỉnh về thanh , ý . từ. Cặp đối chính danh nầy rất chặt chẽ như thấy bóng dáng chàng trai đang chinh phục cảm tình cô gái vậy.

    Tóm lại NK sử dụng phép đối khá điêu luyện: đối chan chát , đứt khoát , tự tin .

    Một chút thô thiển bài viết, hy vọng sẽ đóng góp vào tài liệu tham khảo để các bạn nghiên cứu thêm hầu sáng tác được nhiều bài thơ hay, thất ngôn bát cú Đường luật.
Mong thay !!!

 
Nguyễn Cang

 

                  .

 

 

 

 

.