Monday, November 24, 2014

Tôi Làm Tôi Bỏ Đạo - Thuyên Huy


 

 
Tôi Làm Tôi Bỏ Đạo



Viết để nhớ để thương “Ông Sư Sáu” của chùa Bến Đình, vị sư đáng kính là sư, đã về cõi niết bàn từ lâu lắm rồi.

 

    Tôi sẽ khó trả lời cho đúng nếu có ai hỏi tôi theo đạo gì? Nhà nghèo, theo cha mẹ tha phương cầu thực, tôi về sống tại một cái ấp nhỏ nằm bên cạnh tình lộ đi lên Tây Ninh. Nói tới Tây Ninh chắc không ai xa lạ gì Tòa Thánh Cao đài ở Long Hoa với cái chợ tươm tất khang trang, nằm chính giữa những con đường bụi đỏ được làm nên theo hình bát quái đồ. Trong nhà tôi có bàn thờ Phật nhưng ba mẹ tôi lại thờ cúng theo tập tục đạo Cao Đài.  Hai ông bà thường dắt tôi lên tỉnh thăm Tòa Thánh hàng năm khi tôi còn học tiểu học trường làng. Tôi đã sống và quen với mùi nhang khói đó. Phía sau ấp chợ, đi ra khỏi cuối bờ ấp chiến lược một khoảng khá xa là đến bờ sông Vàm cỏ Đông. Ở đó, bên cạnh bến đò ngang với cái cầu nhỏ như cầu khỉ, thú thật tôi chưa thấy ai đi đò lần nào, là ngôi chùa nhỏ cũ rong rêu, xiêu vẹo nằm dấu mình đằng sau một cây đa lớn trên mô đất cao. Xung quanh chùa là mấy miếng đất khô năm nào cũng chỉ trống bắp, chưa thấy trồng lúa bao giờ. Lúc đó, năm tôi học lớp nhì lớp nhất, tình hình còn bình yên lắm. Sau giờ học bọn tôi tụ tập, đá banh bắn bi, chọi đáo trên miếng đất sát cạnh cửa sau chùa cho đến khi mệt đừ thì chạy vào hậu liêu tìm ông sư già xin nước uống.

Trong chùa, tôi không thấy ai khác hơn là ông sư già ốm người nhưng trông còn khỏe, ngày nào cũng thấy ông mặc bộ đồ màu vàng như bông vạn thọ tàn với vài chỗ vá qua vá lại. Những ngày Lập Đông, sáng sớm trên đường đến trường trong màn sương mơ mờ đục, tôi thường nghĩ tới ông, không biết giờ ông có lạnh không. Tôi thích nhất là được ngồi bên cạnh ông trong chánh điện, trước tượng Phật lớn, nghe ông hỏi chuyện học hành, chuyện cha mẹ anh em. Tôi thích cái xâu chuỗi đen bóng như hột trái nhản mà ông lần từng hột trong tay. Tôi nhìn nó say mê không biết chán. Ông thường bảo tôi nghe lời cha mẹ và chấp tay xá, xin đức Phật ban phước lành cho con học hành ngoan giỏi. Ông hiền lắm, tôi không biết tên ông mà chỉ gọi là “Ông Sư Sáu” như dân làng thường gọi.

Ba mẹ thấy tôi thường đi chơi dưới chùa, chớ không tụ ba tụ năm đánh đáo đánh bài như đám con nhà giàu nhà gạch đầu chợ nên mừng ra mặt. Đi đâu ông cũng đi bộ, trừ khi phải đón xe lam về chợ quận nhưng ít khi thấy lắm. Ông cũng có tài hốt thuốc Nam cho nên trong làng trong ấp, ai đau ai yếu bệnh hoạn gì, hơi hơi cũng đều gọi ông đến, ông đến ngay dù ban đêm ban hôm. Một năm, chùa có ngày vui nhất là ngày cúng Rằm Tháng Bảy xá tội vong nhân vì hôm đó, dân làng mang bánh trái xôi chè xuống chùa cúng vái. Chuông chùa cũng đổ nhiều lần hơn ngày thường. Tôi không biết ông có ăn hết những thứ đó hay không nhưng hai ba ngày sau tôi vẫn còn được ông cho mấy cái bánh bò đỏ rực. Tôi không biết đức Phật ra sao nhưng qua hình ảnh Ông Sư Sáu, trong trí óc non nớt của mình lúc bấy giờ tôi tin rằng đức Phật hiền và tốt bụng lắm.

    Giặc giã nổi lên dần từ ngày tôi thi đậu vào đệ thất trường công lập tỉnh. Súng bắt đầu nổ và có lần nhà trong ấp bị cháy. Ba mẹ tôi bảo là những người phía bên kia, thường về tấn công làng vào ban đêm là quân du kích Việt cộng. Tôi chẳng biết người bên kia là ai, họ làm gì nhưng tôi thường thấy mấy chú bác nghĩa quân, đêm nào cũng mang súng, đi canh giữ đường này ngỏ kia thấy tội nghiệp. Từ ngày lên tỉnh học, mỗi lần cuối tuần về thăm nhà là lần nào tôi cũng xuống chùa thăm Ông Sư Sáu cho được. Thường thì vào buổi trưa thay vì chiều tối như trước vì chùa nằm ngoài vòng đai ấp chiến lược, mà ngoài này thì không còn mấy an ninh như xưa. Ông Sư Sáu giờ cũng vậy, cũng ốm yếu, cũng bộ đồ màu vàng bốn mùa mưa nắng và cũng chén cơm nước tương rau muống luộc. Tôi kể cho ông nghe chuyện học chuyện trường, chuyện bạn bè phố chợ ngựa xe. Ông không quên vò đầu tôi khen ngoan và khuyên cố mà ráng học. Mấy trái bắp khô treo trên sàn ngang hậu liêu, hình như cũng còn đủ như trước kia. Như vậy là chắc ông ăn ít lắm. Rồi ngày tháng đi qua, nước sông mỗi ngày cứ hai lần nước ròng nước lớn, tôi mang cái hình ảnh Ông Sư Sáu hiền như đức Phật đó, theo mình trong kiếp đời ở trọ trên chợ tỉnh. Tôi theo thằng bạn thân vào gia đình Phật tử của ngôi chùa lớn trên đường Trần Hưng Đạo. Mỗi chiều sinh hoạt, nhìn ngôi chùa lớn, đèn điện sáng choang, nền gạch bóng láng bao nhiêu, tôi lại nhớ lại thương Ông Sư Sáu già quê mình bấy nhiêu.

Gần giữa năm đệ thất, trước ngày nghỉ Tết mấy hôm, về lại nhà, ba mẹ cho biết là Ông Sư Sáu đã chết. Tôi sững sờ chết trân khóc ngất. Ba me tôi dẩn tôi xuống chùa, cái chùa nhỏ đã sụp gần hết cho tới hậu liêu nơi ông thường nằm ngủ. Cây đa ngó ra sông cũng ngã rụi một phần. Tôi theo ba mẹ đến thắp nhang trước mộ ông, cái mộ còn thơm mùi đất mới. Theo lời ba mẹ tôi, đêm đó, quân du kích Việt cộng từ phía bên kia mật khu Bời Lời vượt sông sang tấn cổng trụ sở xã rồi đốt cháy chợ làng. Họ bắt vài anh chị lớn đi theo. Lính nghĩa quân và địa phương quân trong đồn lớn phản công, đánh bật ra khỏi chợ và đuổi họ xuống tận chùa. Quân Việt Cộng đã bắn mọt-chê và súng máy tới tấp lên chùa trước khi rút qua sông. Chùa sập và lửa cháy lớn quá, mấy người lính cùng dân làng xung quanh dập tắt được, thì không còn kịp cứu ông nữa rồi. Cả làng phụ nhau an táng ông ngay hôm sau. Làng đã không còn tiếng chuông chùa kề từ đêm hôm đó và cũng từ đó, từ ngày Ông Sư Sáu hiền như Phật mất đi, tôi bắt đầu thù ghét những người phía bên kia, những người mà dân làng gọi là du kích Việt Cộng cho đến bây giờ.

    Đất nước tôi ngổn ngang trăm mối, chiến cuộc tràn lan khắp làng khắp xã. Tôi may mắn đứng bên lề vận nước, tiếp tục học hành vì là con một trong gia đình, trong khi bạn bè đã nhập cuộc vào lính, chiến đấu quyết bảo vệ cho được quê hương Miền Nam. Có nhiều người đã nằm xuống khi tuổi đời chưa quá tuổi hai mươi. Trong những năm tháng này, thử đếm lại đầu ngón tay, có biết bao nhiêu chuyện xảy ra từ phía những người tu hành theo đạo Phật. Phật giáo xuống đường, sư sãi mang bàn thờ ra đường, biến động Miền Trung, tự thiêu vì đạo pháp, phía Ấn Quang gậy gộc gây hấn đánh nhau với phía Viện Hóa Đạo... Tên tuổi Thích Quảng Đức, Thích Trí Quang, Thích Tâm Châu, Ni sư Huỳnh Liên, Hòa thượng Tịnh Khiết, Trí Độ, Nhất Hạnh và còn nhiều nữa nổi như cồn, báo chí đăng hình trên trang đầu ngày một, kể cả báo chí phương Tây. Trong lúc tình hình miền Nam rối bời trăm mối, chánh quyền lo chống đỡ mọi bề, từ thù trong giặc ngoài thì những người này, những ông cao tăng này chẳng những không ra tay tế độ, cứu giúp chúng sinh bằng cách phụ đỡ chống giữ quê hương, mà còn cùng hùa nhau tranh quyền tranh lợi xé tan miền Nam thân yêu ra trăm mảnh. Cái hình ảnh Ông Sư Sáu, hiền như đức Phật mà tôi mang theo đời mình làm tôi chán ngấy và bất bình ra mặt nhưng chưa đến nổi thù ghét như tôi đã thù quân du kích Việt cộng của xã ngày đó. Miền Nam Tự Do yêu mến của tôi đã thật sự mất vào tay Cộng sản Bắc quân năm 1975. Tôi cùng gia đình bồng bế nhau vượt biển. Tôi vẫn mang hình ảnh Ông Sư Sáu theo mình từ ngày bỏ nước chạy thoát bọn cộng sản ra đi và tôi vẫn xem mình là người theo đạo Phật nếu có ai đó hỏi.

     Giờ thì chắc không ai còn lạ gì chuyện xấu xa, chuyện nhơ bẩn của những ông thầy, ông đại đức ông thượng tọa này kia ở nước ngoài từ Mỹ, Âu châu sang đến Úc châu vốn đăng hàng ngày trên báo chí người Việt từ báo giấy hay báo mạng điện tử của người Việt hải ngoại. Tên mấy cao tăng này, ai nấy đọc riết rồi cũng nhớ rành rành như nhớ lời của những bài hát của Trần Thiện Thanh hay Lam Phương. Hành động, mưu đồ tiếp tay kẻ thù cộng sản cướp đoạt quê hương không phải vì Phật dạy mà chỉ vì cái “mộng bá đồ vương thiếu lâm trường hận” của mấy ông cao tăng đã được phanh phui sáng rõ ra đó. Trí Quang đã làm gì và Nhất Hạnh ra sao, người ta không cần phải đi tìm bằng chứng ở đâu cho xa xôi. Hồi ký bút ký đủ loại thượng vàng hạ cám đều có cùng chung kết luận về họ. Đọc “giặc thầy chùa” của Đặng văn Nhâm sẽ ớn tóc gáy kêu trời, hỡi ơi đức Phật của tôi đâu có làm gì nên tội. Cho dù không có gì quả quyết là Đặng văn Nhâm nói đúng một trăm phần trăm, nhưng những chuyện có thật xảy ra tại hải ngoại, cho người ta tạm đồng ý là sách ông viết, theo xác xuất sai biệt khách quan, thì theo tôi chắc cũng có được mươi phần trăm là thật. Chưa thấy có bài viết nào đúng nghĩa phản đối kiểu ăn nói hàm hồ của Đặng văn Nhâm từ những cao tăng được nêu tên, tôi hy vọng có thể vì họ đã tu thành chánh quả cho nên chấp tay tha thứ phán đọc hai chữ “thiện tai.”

Nói về tà dâm, một trong những giới cấm của người tu hành thì cũng đã có bao nhiêu vị đã trở thành dâm tăng, xin cho tôi miễn nhắc tên họ. Còn tham lam thì cứ hỏi thật lòng mình đi, hình như ông thầy nào cũng chạy đôn chạy đáo xây chùa dựng miếu phải lớn hơn chùa ông khác. Tôi không biết mấy vị này cần nhiều tiền để làm gì vì sổ "băng" chùa nào cũng có con số nhiều hơn bốn năm số không cuối. Nếu kể cho trọn thì không bút mực nào viết cho hết. Hình ảnh một ông thượng tọa vào tiệm cho thuê mướn băng hình hỏi phim tình dục chút chút, một ông đại đức chủ chùa chỉ lo chăm chú chuyện tiền ra tiền vô, một bà sư cô lái xe hơi chạy ngang chạy dọc gom tiền hụi đầu trên xóm dưới, một ông sư khác lén ăn thịt gà sau hậu liêu và nhiều cái nữa so với hình ảnh Ông Sư Sáu già của tôi nghèo khó bữa đói bữa no mà tôi mang theo trên đường tha phương đã làm tôi không còn mấy tin vào đạo pháp nữa. Tôi khi dễ, tôi khinh rẻ bọn này, bọn đội lốt thầy tu lấy đời làm đạo. Bên cạnh đó, tôi cũng khinh khi bọn cận thận bao quanh, thất học hay trí thức, gọi dạ bảo vâng hầu kiếm chút bổng lộc, rồi kéo bè kéo lũ chúc cung tận tụy phá nát đạo hạnh, những người đã cố tình đi sai và làm sai lời dạy cao siêu của đức Phật và triết lý quý giá tột cùng của đạo Phật, vốn đã tế độ và cứu rỗi muôn vạn chúng sinh trong suốt mấy ngàn năm qua.

Đối với tôi, thầy tu nào, thứ cấp nào, trước đây đã tiếp tay, góp sức, nối giáo cho giặc cộng sản chiếm miền Nam, dù trực tiếp hay gián tiếp, tôi đều coi họ là kẻ thù. Là kẻ thù cho nên tôi không cần phải kính trọng dù có mặc bao nhiêu lớp cà sa vàng nâu thẳng nếp. Tu hành, là tăng sư, làm sao không biết rõ cái gì là “xân xi hĩ nộ ái ố, lục dục thất tình”, thế mà bọn này “xân xi hĩ nộ ái ố” gấp trăm lần người phàm phu tục tử. Ông nào cũng có hai chữ ham muốn to tướng trên đầu, là đại đức muốn thành thượng tọa, là thượng tọa thì muốn thành hòa thượng, rồi thì phải là chủ tịch này chủ tịch kia. Không có chùa thì muốn chùa, có một thì muốn hai, có nhỏ thì muốn lớn. Tôi chán ngấy khi trước mặt thấy họ, nếu tôi căm hận cộng sản bao nhiêu thì tôi khinh rẻ bọn tăng sư này bấy nhiêu.

    Từ đó, tôi tự thấy mình không còn đủ niềm tin với đạo pháp và tự thấy mình không thể nào gọi kẻ bị mình khinh bỉ là thầy là tăng được nữa, cho nên sau lần giỗ cuối cùng của Ông Sư Sáu già, với chén cơm trắng và mấy miếng chao mặn trong cái mờ mờ của khói nhang giống như màn sương sớm, mờ mờ trên đường từ chợ xã xuống chùa Bến Đình của mấy mươi năm trước đây, tôi cầu xin đức Phật từ bi tha thứ cho tôi được làm tôi bỏ đạo nhưng cho phép tôi được giữ mãi hình ảnh Ngài trong lòng và những lời dạy bảo của Ngài trong tâm cho hết đời này và ở tận kiếp sau. 
 
Thuyên Huy

 




 

 

No comments: