Saturday, November 19, 2016

Cảnh Và Tình Trong Bài Thơ " Chí Linh Sơn Phượng Hoàng Phong - Nguyễn Cang


CẢNH VÀ TÌNH TRONG BÀI THƠ "CHÍ LINH SƠN PHƯỢNG HOÀNG PHONG" của Trần Nguyên Đán ( 陳元旦

 
 

    Từ lâu nền văn chương cổ điển Việt Nam như bị lãng quên sau nhũng biến cố lịch sử trọng đại của đất nước. Nhận thấy nền văn chương quốc âm cần được duy trì để bảo tồn văn hóa dân tộc và cũng để phát huy những tinh hoa của văn học cổ điển qua đó chúng ra thấy đựợc lịch sử đấu tranh của toàn dân đồng thời thấy được công sức của tiền nhân ở thời kỳ lập quốc có những khó khăn mà dân tộc  phải tranh đấu để chiến thắng kẻ thù. Những bài thơ như: Bình Ngô Đại Cáo, Chinh Phụ Ngâm, Bắc hành tạp lục, Quốc Âm thi tập... có giá trị lâu dài cho con cháu về sau. Hôm nay nhân đọc bài thơ Chí Linh Sơn Phượng  Hoàng Phong, tôi nhận thấy bài thơ tả cảnh thật độc đáo nên muốn phân tích để gởi đến quí bạn đọc vài cảm nhận của tôi về bài thơ của nhà thơ kiêm quan Ngự Sử đại phu Trần Nguyên Đán đời nhà Trần.

 

Nguyên tác:   Phiên âm:

 
至靈山鳳凰峰    Chí Linh sơn Phượng Hoàng phong

雙鳳悠然望杳冥  Song Phượng du nhiên vọng liểu minh,

鳳凰萬古愛芳名  Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh.

麟峰塔倒如虹影  Lân Phong tháp đảo như hồng ảnh,

鱉水泉鳴作雨聲  Miết Thuỷ tuyền minh tác vũ thanh

危磴經年蒼蘚合  Nguy đặng kinh niên thương tiển hợp,

斷橋過雨黑芝生  Đoạn kiều quá vũ hắc chi sinh.

松風日晚喧空響  Tùng phong nhật vãn huyên không hưởng,

相似來儀奏九成  Tương tự lai nghi tấu cửu thành.

 (陳元旦)      (Trần Nguyên Đán)

 
Sơ lược tác giả:


Trần Nguyên Đán 陳元旦(1325-1390), cháu bốn đởi của Trần Quang Khải, nhạc phụ của Nguyễn Phi Khanh, ngoại tổ của Nguyễn Trãi. Hiệu là Băng Hồ (冰壼), quê ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, tỉnh Nam Định. Vốn dòng tôn thất, lại thông minh đức độ nên Trần Nguyên Đán được bổ đi làm quan rất sớm. Có công trong việc lật đổ Nhật Lễ (1369) nên được phong làm Tư Đồ Phụ Chính. Thấy Quý Ly âm mưu soán ngôi, giết Đế Nghiễn mà Thượng hoàng vẫn u mê, nên từ quan về hưu ở Côn Sơn.

Khi mất (1390) Thựơng hoàng đề thơ viếng, truy phong Chưong Túc Quốc Thượng Hầu.

Tác phẩm: Băng Hồ Ngọc Hác Tập đã bị Tàu đốt chỉ còn lại 51 bài thơ.

Chú thích từ ngữ:

Chí Linh sơn: 至靈山 dãy núi Chí Linh ở xã Kiệt Đặc, huyện Phượng Nhãn tỉnh Hải Dương.

Phượng hoàng: 鳳凰 là chim phượng hoàng, một loài chim thần thoại ,vua của các loài chim. Ở đây chỉ tên núi, nơi Chu Văn An ở ẩn những năm cuối đời khoảng 1358-1370 sau khi dâng thất trảm sớ, đòi chém đầu 7 tên gian thần đời vua Trần Dụ Tông nhưng vua không nghe.

Lân phong  麟峰:  một đỉnh núi ở Côn Sơn, Chí Linh,có nhiều am, tháp.

song phụng: 雙鳳 núi hai con phụng, ở đây chỉ địa danh.

du nhiên: 悠然 xa xa, thấp thoáng

minh: tối tăm, mù mịt

hồng: cầu vồng

Miết thủy: 鱉水 nước suối Miết Trì. Có lẽ do vị trí của suối ở gần ao nuôi ba ba (Miết trì) nên có tên gọi như vậy chăng?

tác: làm ra, tạo nên, sáng tác

nguy: cheo leo, ở nơi cao mà ghê sợ, không yên ổn

tiển: một loại rêu ( có bộ thảo trên đầu)

đoạn: đứt, gãy

quá: qua,đi qua, đã qua. Quá giang là qua sông

lai nghi: 來儀 lại để tiến dâng

 
Dịch nghĩa:

     
Đỉnh Phượng Hoàng núi Chí Linh.

 
Từ xa thấy thấp thoáng đỉnh Song Phượng mịt mù
Núi Phượng Hoàng nổi tiếng từ ngàn xưa.
Tháp trên núi Lân Phong nghiêng xuống như bóng cầu vồng,
Suối Miết Thủy chảy róc rách tựa tiếng mưa rơi
Bậc đá cheo leo lâu năm rêu xanh phủ kín
Chiếc cầu gãy sau cơn mưa nấm đen mọc đầy
Chiều tà gió thổi rừng thông, reo vang giữa không trung,
Tựa như chim phượng hoàng về chầu tấu chín khúc nhạc.

   
Phân tích và những lời bình ( Nguyễn Cang):

 Đây là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật , luật trắc vần bằng.

 Hai cầu đề (1&2):雙鳳悠然望杳冥 

                 鳳凰萬古愛芳名 

                 (Song Phượng du nhiên vọng liểu minh,

                  Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh).

Tác giả giới thiệu phong cảnh núi Chí Linh, nhìn từ xa, trông thật hùng vĩ, có đỉnh Song Phượng sừng sửng giữa khung trời bao la mây phủ mịt mù bao trùm cả đỉnh. Đứng trước cảnh hùng vĩ của đất trời, con người trở nên nhỏ bé lạ thường. Núi Phựợng Hoàng là một danh lam thắng cảnh của Việt Nam đã nổi tiếng tự ngàn xua vì vẻ đẹp của nó.

Về sau nhà thơ Huy Cận trong bài "Tràng Giang" cũng đã xử dụng ý thơ tương tự khi ông tả cảnh núi bạc mây đùn trong cảnh chiều tàn, đồng thời nói lên nỗi nhớ nhà khi khói hoàng hôn buông xuống: 

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

 Hai câu thực(3&4): 麟峰塔倒如虹影 

                   鱉水泉鳴作雨聲 

                   (Lân Phong tháp đảo như hồng ảnh,

                   Miết Thuỷ tuyền minh tác vũ thanh)

Hai câu thơ thật xuất sắc khi tả ngọn tháp Lân Phong cao vút  trong cảnh trời chiều, bóng nó nghiêng, đổ xuống như chiếc cầu vồng tuyệt đẹp của môt bức tranh thủy mặc. Nhìn xuống thung lũng thấy suối Miết thủy chảy róc rách tựa tiếng mưa rơi. Hai câu thơ vừa có hình ảnh vùa có âm hanh thật tuyệt vời. Nghệ thuật tả cảnh thật điêu luyện khiến người đọc cảm thấy như mình đang đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, tai nghe tiếng suối reo chảy quanh đây.

Tới đây xin được nói qua về thú hưởng nhàn của nhà thơ  Vương Duy 王維 (699-759) thời Thịnh Đường bên Trung Quốc khi ông từ quan về sống ẩn dật nơi quê nhà, vì cuộc đời ông nầy có nhiều điểm giống Trần Nguyên Đán. Trong một lần ngao du sơn thủy, ông băng qua sông Hoàng Hoa để tiến vào vùng suối nước Thanh Khê. Ngồi trên phiến đá phẳng lì, ông ngắm dòng suối trong vắt cạnh rừng thông vắng lặng, sâu hun hút trong màn sương rồi buông cần câu chờ thời vận, cũng để quên hết sự đời:

 
 


青谿 - Thanh Khê     Phiên âm:

   Thanh huyên loạn thạch trung,  
   Sắc tĩnh thâm tùng lý.    

  Dạng dạng phiếm lăng hạnh,
   Trừng trừng ánh giả vĩ.

我心素已閒   Ngã tâm tố dĩ nhàn.

清川澹如此   Thanh xuyên đạm như thử.

請留盤石上   Thỉnh lưu bàn thạch thượng,

垂釣將已矣   Thuỳ điếu tương dĩ hĩ.

 (Vương Duy)

 
Dịch nghĩa:

    
Suối Thanh Khê

 
Nước chảy róc rách trong đám đá lô nhô
Cảnh vắng lặng giữa rừng thông hun hút
Cỏ ấu rau hành dập dềnh trên mặt nước
Lau lách soi bóng nước trong veo

Lòng ta xưa nay vốn thích an nhàn
Mà dòng sông xanh lại yên tĩnh như thế
Xin ngồi nơi tảng đá lớn này
Buông cần câu xuống cứ thế qua ngày.

 
Chú thích: Thanh Khê, khe nước chảy vào sông Hoàng Hoa, khe lòng vòng chín khúc, dài mấy chục dặm.

   Qua trích dẫn một đoạn thơ của Vương Duy, so sánh núi non, khe suối hai nơi và cách hưởng nhàn của Vương Duy với Trần Nguyện Đán có gì khác biệt? Trần Nguyên Đán cũng ngao du sơn thủy, cũng ngồi trên tảng đá rong rêu phủ đầy bên khe suối Miết Thủy nhưng ông không câu cá đợi thời mà quyết chí từ giả chốn quan trường để sống thanh cao tự đắc, trái hẳn với Vương Duy và Lã Vọng.

Tâm sự của Trần Nguyên Đán cũng được cháu ngoại là Nguyễn Trãi lập lại bản sao khi Nguyễn Trãi từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn vui thú điền viên. Nguyễn Trãi(1380-1442), con của Nguyễn Phi Khanh(chịu ơn họ Trần), là một quan văn đời nhà Hồ. Sau khi quân Minh đô hộ nước ta Nguyễn Trãi theo phò Lê Lợi, khởi nghĩa chống quân Minh cho đến khi thành công. Ông lại được làm quan dưới đời nhà Lê.

Dưới triều Lê Thái Tổ (1428-1433) ông được tiến chức. Nguyễn Trãi hết lòng phò vua giúp nước nhưng bị bọn gian thần đố kỵ, xúc xiểm. Khi vua Lê Thái Tông lên ngôi(1433-1442), lúc 10 tuổi,  nhà vua lại tin theo bọn nầy. Do mất niềm tin với vua nên ông từ quan. Trong bài Côn Sơn Ca, Nguyễn Trãi tìm về với khóm trúc vườn xưa để giữ cho lòng thanh thản, trong sạch  và giử đạo cho thanh cao. Sống ở Côn Sơn ông khẳng định được cái ta trữ tình trước cảnh núi non hùng vỉ, suối khe chảy rì rầm như tiếng đàn của ai đó vang bên tai. Côn Sơn lại có đá phẳng lì, rêu phơi sương phủ, ông ngồi trên đá thật êm, ngước mặt nhìn trời, lòng nghe thanh thản:

Côn Sơn nước chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.

   
Trở lại bài thơ của Trần Nguyên Đán, ta xét tiếp:
Hai câu luận (5&6): 危磴經年蒼蘚合,

                    斷橋過雨黑芝生

                    (Nguy đặng kinh niên thương tiển hợp,

                    Đoạn kiều quá vũ hắc chi sinh).

 
Bên cạnh suối nước là những tảng đá dựng đứng, có tảng nằm ngang, rêu xanh phủ kín nhiều năm, như thách thức với thời gian và tạo hóa. Xa bên kia là chiếc cầu gãy tự bao giờ, đứng trơ gan cùng sương gió. Sau cơn mưa chiều hôm qua thì những cụm nấm rừng màu đen mọc đầy trên cầu.

Hai câu thơ tả cảnh thật tuyệt vời. Hình ảnh chiếc cẩu gãy bắc ngang qua khe suối tạo thành một cảnh thật đẹp, vừa thơ mộng vừa hoang sơ quạnh vắng. Với một bút pháp thần kỳ làm nổi bật hình ảnh thật của chiếc cầu bị gãy, nấm dại mọc đầy trên cầu sau cơn mưa đêm hôm trước. Đọc mà ngậm ngùi, thương cho hoàn cảnh tác giả vừa gợi nhớ dãy núi Chí Linh tươi đẹp, bây giờ còn không?

 
Hai câu kết (7&8): 松風日晚喧空響 

                   相似來儀奏九成 

                   (Tùng phong nhật vãn huyên không hưởng,

                   Tương tự lai nghi tấu cửu thành).

 
Chiếu xuống dần, gió thổi mạnh từng cơn, rừng thông reo vang tiếng nhạc vi vu trên không trung. Mọi vật như chìm lắng, chìm theo tiếng lòng của tác giả khi nghe tiếng thông reo mà nghĩ tới chốn triều đình ngày xua ông đã từng ở đó phò vua giúp nước mà nay chỉ còn là âm vang của tiếng thông reo như gọi chim phượng bòang về chầu, đợi lệnh tấu khúc hoan ca cho vua nghe ( Theo huyền thoại đời vua Thuấn mỗi khi tấu khúc Tiêu Thiều, chim phượng hoàng liền bay về chầu).

 
Vài nhận xét về thơ văn của Trần Nguyên Đán:

   Thơ văn của ông cũng như những quan văn vỏ trong triều, chủ yếu là giải bày tâm sự, thể hiện lòng yêu nước thương dân, và trung thành với vua . Ông vừa lo cho dân vừa lo cho mình nhất là trong lúc triều chính suy tàn, vận nước sắp hết. Những bài thơ hay mang chủ đề nầy là: Đề Huyền Thiên quán, Sơn trung tức sự, Dạ quy chu trung tác, Bất mị..Về mặt nghệ thuật thơ của ông thật đậm đà tình quê hưong, tha thiết với tiền đồ dân tộc. Phong cách đằm thắm, từ ngữ chọn lọc, diễn tả đủ yếu tố âm thanh, hình ảnh thật sinh động, chân thật. Hình ảnh đối lập thì mạnh mẻ làm nổi bật ý chính một cách rắn rỏi trung kiên, thí dụ trong bài họa thơ của Thái Thượng Hoàng đề ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, chẳng hạn, nội dung cũng để ca ngợi công đức của vua.

 
Dịch thơ:

 Bản 1

   
Lên đỉnh Phượng Hoàng núi Chí Linh

 
Song Phượng xa nhìn, mịt khói mây
Phượng Hoàng nổi tiếng tự xưa nay
Tháp Lân chênh chếch, cầu vồng rọi
Suối Miết rì rào, mưa gió bay
Bậc đá cheo leo rêu phủ kín
Tan mưa cầu gãy nấm giăng đầy
Chiều tà gió thổi thông vi vút
Phụng múa về chầu tấu khúc hay.

 
Nguyễn Cang

 
Bản 2

Lên núi Phượng

 
1.

Núi Phượng mây bay thiên vạn cổ,
Hương thùa thoang thoảng phấn thông xưa.
Tháp Lân trầm mặc trong mơ tưởng,
Văng vẳng ven đồi suối đổ mưa.

2.

Bậc đá cheo leo rêu phủ biếc,
Cầu nghiêng mưa tạnh nấm lan man
Gió chiều vi vút thông reo sóng
Từng đợt lưng trời,đổ nhặt khoan.

 
V.Ng

Bản 3

 
Song Phượng dập dờn thấp thoáng xa
Phượng Hoàng nổi tiếng tự ngàn xưa
Kỳ Lân tháp ngả như vồng bóng
Miết Thủy suối gào giống tiếng mưa
Dốc núi đá chồng rêu phủ lấp
Tan mưa cầu gãy nấm đen mờ
Chiều tà gió nổi thông reo hát
Như phượng hoàng về tấu cửu ca.

 
Đỗ Đình Tuấn

 
Nguyễn Cang (5/11/2016)

 

 

 

 

 

No comments: