Saturday, November 26, 2016

Người Con Gái Bến Tre - Topa


Người Con Gái Bến Tre

 


    Ngày em mặc áo cưới là em đã chấp nhận rời xa miền quê hương Bến Tre thân yêu của em để về chung sống với người em tinh thần của tôi. Rất tiếc ngày hôm đó tôi không thể đến tham dự bởi lý do một số người không chấp nhận sự hiện diện của tôi trên quê hương Việt Nam. Em chọn người em của tôi là sự chọn lựa đúng đắn và rất khôn ngoan. Người em tinh thần của tôi là người chăm chỉ, vui tính, và có tình yêu thương, nên, tôi tin chắc hạnh phúc sẽ vững bền đến ngày cả hai cùng “đầu bạc răng long”, bởi cả hai đều hiểu biết và sùng đạo.

Tôi gọi em là em bởi vai vế trong gia đình của chồng em, chứ thật ra thì tuổi của tôi gần gấp ba lần tuổi của em. Em ra chào đời năm 1993, tức là em nhỏ hơn con của tôi mười bảy tuổi.

Em đẹp và có duyên lắm – em biết không? Em có nụ cười thật tươi và thật đẹp. Tính tình của em thật hiền dịu, và, điều này đã được xác nhận bởi những thành viên trong gia đình chồng em. Em hát thật hay nên mỗi khi em cất tiếng hát là mọi người phải im lặng lắng tai nghe. Tên em là Nhạn và em cũng có mái tóc thề nên khi em cất cao giọng hát bài “Nỗi Buồn Gác Trọ” đã làm cho tôi sống lại những năm tháng xa xưa khi tôi trưởng thành tôi đã được nghe “Con Nhạn Trắng Gò Công” ru hồn tôi… như hiện tại. “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa. Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa. Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt. Lá vàng nhè nhẹ đưa, tưởng như bước lê hè phố” … Người thanh niên miền Nam trong thời chiến – cũng là thời của tôi – không ai là không một lần được nghe qua bài hát thật lãng mạn này, cùng với tiếng hát của người ca sĩ khả ái đã làm khơi động tâm thức đến phải thổn thức, phải ray rứt, phải buồn đau… chỉ vì sự tàn phá và chết chóc quá dã man; để rồi tất cả cùng lên đường cầm súng chiến đấu chống lại sự xâm lăng từ miền Bắc; bỏ lại ngôi trường thân thương và bạn bè, bỏ lại người yêu, bỏ lại vợ con và người thân yêu nơi quê nhà… “Có người con gái buông tóc thề. Thu về e ấp chuyện vu quy. Khoác lên tà áo màu hoa cưới. Gác trọ buồi đơn côi. Phố nhỏ vắng thêm một người…” Khi em khoác lên người chiếc áo cưới thì vùng quê hương Bến Tre thân yêu của em cũng sẽ vắng thêm một người… đi theo chồng, đó là chuyện đương nhiên. Phải vậy không em? Tôi muốn hỏi em: Ngày em khoác lên mình chiếc áo cưới em đã nghĩ gì và cảm tưởng như thế nào? Tôi hỏi nhưng tôi lại không thể chờ em hồi âm nên tôi tự trả lời thay: Chắc chắn một điều là em vui sướng nhiều vì em đã tìm được hạnh phúc bên người em yêu và yêu em.

Mỗi một đời người con gái sẽ cảm thấy thật hạnh phúc và thật vinh dự khi được khoác lên người chiếc áo cưới. Đám cưới cũng là một trong những hình thức để hòa quyện niềm vui của hai trái tim đang cùng một nhịp đập tràn đầy sinh lực. Và, những gì tinh túy nhất của con người nằm ở phía sau nụ hôn ngày cưới!

Em nói rất đúng và rất hay nên tôi cũng muốn làm một việc như cố ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà để gọi tặng em một biệt danh từ một con chim quý nào đó của miền quê nơi em được sinh ra và lớn lên. Vùng quê em tuy có rất nhiều loài chim quý, nhưng, rất tiếc là không có loài chim quý nào có màu trắng, ngoại trừ… con cò trắng. Và, tôi gọi em là Người con gái Bến Tre. Em là người con gái quê tiêu biểu cho những người con gái quê có những đặc tính đáng trân trọng.

Mỗi khi em cất tiếng hát, em ngân theo dòng nhạc và lời ca tuôn ra làm cho tôi có cảm tưởng như cơn gió thổi trong mùa đông rét mướt, làm cho tôi cảm thấy như đang bị mất hết sức lực, chẳng thể nào thở nổi bởi hình ảnh của một người con gái Bến Tre từng là cô tiểu thư trong gia đình quyền quý thời chiến tranh… như đang hiển hiện trước mặt tôi. Người con gái bến Tre đó không được những may mắn như em vì, sau khi cuộc chiến tàn người con gái ấy đã bị cướp đi tình yêu và hạnh phúc để rồi gia đình của cô bị tan nát, bị chia ly, bị trù dập… chỉ vì có cha là sĩ quan cao cấp của quân đội miền Nam nên phải bị trả thù. Không lâu sau khi gia đình cô bị tan nát, cô gái Bến Tre thật dễ thương thật đáng thương và đài các đó phải ra… đứng đường làm gái, và, tôi đã quen cô gái ấy. Chuyện đau thương của người con gái tiểu thư vùng Bến Tre đó đã không bao giờ được vinh hạnh khoác lên người chiếc áo cưới… như em. Và, tôi cũng muốn chia sẻ cùng em câu chuyện đó để em thấy được cái hạnh phúc tuyệt vời khi em được đến sinh sống ở quốc gia có gia đình người em tinh thần của tôi – mà em luôn được gọi là chồng.

Bây giờ tôi kể em nghe câu chuyện tình của người con gái Bến Tre mà tôi gặp rồi tôi yêu… sau thời chiến tranh, em nhé.

 “Dưới gầm cây cầu dài và rộng là nơi trú ngụ của tôi từ vài tháng nay. Cây cầu này ban ngày lúc nào cũng rầm rập xe cộ qua lại làm bụi bay mù trời. Chính chỗ gầm cây cầu này là nơi ăn ngủ của tôi, người có số phận không may trong triệu triệu người miền Nam vào thời gian mới bị mất nước. Cách xa cây cầu khoảng ba mươi thước, tôi dựng một cái chòi nhỏ được che chắn bằng những thùng carton. Nơi cái chòi nhỏ đó tôi hành nghề sửa xe hai bánh từ sáng sớm tinh mơ cho đến tận khuya lắc khuya lơ… nếu vẫn còn khách. Sở dĩ tôi phải ở dưới gầm cầu là để không bị công an nghi ngờ và làm khó. Thời gian này những người đi kinh-tế-mới trốn về mỗi ngày mỗi đông và sống lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm trong thành phố nên nhà cầm quyền đành phải làm ngơ chứ nếu không lại phải tốn cơm nuôi.

Tôi cao một mét bảy mươi và gương mặt cũng coi được chứ không đến nỗi tệ lắm. Nhưng, nước da của tôi thì ngâm ngâm đen. Đó là kết quả của những ngày tôi phải ngồi bên lề đường đầy nắng gió và bụi bặm. Tôi làm việc lu bù không giờ giấc và làm liền tù tì bảy ngày một tuần dù trời có mưa hay trời có nắng nóng.

Từ ba tuần nay tôi để ý thấy một cô gái cũng có dáng vẻ cao ráo nhưng nước da thì trắng ngần, và, cứ trời vừa chập choạng là cô xuất hiện đến đứng sát bên gốc cây, cách chỗ cái chòi sửa xe của tôi khoảng hai mươi thước. Tôi tò mò muốn biết cô ấy từ đâu đến và đến với phương tiện gì. Nhưng, vì tôi luôn bận tay sửa xe nên khi tôi nhìn đến chỗ cái cây to lớn là đã thấy cô đứng đó từ lúc nào rồi. Sở dĩ tôi tò mò muốn biết những điều đó cũng vì cô gái ấy có vẻ nhút nhát chứ không phải là người hành nghề chuyên nghiệp. Cô có vẻ rụt rè e thẹn một cách chân thật mỗi khi có người đàn ông nào đến bên cô. Cô luôn có cầm một vật trong tay, khi thì quyển sách, khi thì tờ báo… như để không bị bối rối nhiều khi có người đàn ông nào đó tìm đến. Những ngày đầu tôi thấy cô, có khi vô ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, có khi cô ngồi đằng sau chiếc xe hai bánh. Và, cũng có hai lần cô ngồi trong chiếc xe mà người tài xế thì đội cái nón cối, mặc dù lúc đó trời đã tối và dĩ nhiên là không có nắng. Những người đội nón cối đi trong thành phố, đa số đều có dáng thô kệch… như chiếc xe cũng có hình dạng thô kệch. Chiếc xe Motolova là của một nước cộng sản lớn nhất hành tinh sản xuất và viện trợ cho những người xâm chiếm miền Nam của mình. Cô gái đứng bên gốc cây là một trong rất rất nhiều cô gái điếm mới hành nghề vì tình thế.

Một buổi trưa kia vì vắng khách nên tôi ngồi dựa lưng vô vách. Đôi con mắt của tôi được che chắn dưới cái nón lưỡi trai đã bạc phếch để được lim dim trong chốc lát mà không sợ bị ai nhìn thấy. Nhìn tôi lúc đó có vẻ mệt mỏi lắm nhưng không phải vì làm việc nhiều mà vì cái nắng nóng như thiêu như đốt giữa trưa hè. Trên mặt đường phía xa trước mặt tôi thường ánh lên một vùng sáng choang như ở đó có vũng nước. Từ chỗ đó đang bốc hơi lên ngùn ngụt… Tôi cứ ngồi như vậy cho đến khi có một bàn tay đặt thật nhẹ lên vai làm cho tôi giựt mình mở mắt ra. Đèn đường đã lên tự lúc nào rồi mà tôi không hề hay biết gì cả. Tôi đã ngủ một giấc thật ngon. Trước mặt tôi là cô gái mà tôi nhìn thấy mỗi tối đứng bên gốc cây từ ba tuần qua. Cô gái đang ngậm điếu thuốc chưa đốt và khi thấy tôi mở mắt, cô lấy điếu thuốc ra khỏi môi và nhoẻn miệng cười rồi hỏi:

– Anh cho em xin tí lửa.

Tuy đã biết cô gái đang làm cái nghề mà xã hội miền Nam trước ngày bị mất thường lên án, nhưng vì cô quá đẹp nên tôi… lúng túng mãi mới tìm ra được cái hộp quẹt. Cái hộp quẹt hiệu Zippo mắc tiền nhưng không còn nắp. Cô gái điếm ngậm điếu thuốc lại trong đôi môi đẹp được sơn son màu đỏ chót. Cô cúi xuống đưa điếu thuốc về phía ánh lửa từ cái hộp quẹt đang phát ra. Khói từ điếu thuốc thơm phả vô mặt tôi, cộng với mùi thơm nước hoa, mùi son phấn… làm cho tôi ngây ngất. Cô gái bỗng ho lên sù sụ từng cơn nhưng cùng lúc đó cô đưa bao thuốc lá về phía tôi:

– Mời anh hút với em cho… tỉnh ngủ.

Tôi thèm muốn chết cái khói thuốc lá thật thơm của cô gái nhưng tôi vẫn lắc đầu:

– Tôi… tôi có thuốc đây mà…

– Em biết anh có thuốc nhưng đây là em mời để… chuộc cái lỗi đã làm anh thức giấc.

Tôi nhìn cô gái và nhoẻn miệng cười rồi rút ra điếu thuốc và gắn lên môi đốt hút.

– Tại cái nón của anh làm em tưởng anh đang… cúi đầu nhìn xuống đất chứ không ngờ là anh đang ngủ.

Điệu bộ của tôi không được tự nhiên lắm vì tôi bị mặc cảm bởi bộ đồ tôi đang mặc trên người. Bộ đồ của tôi đầy dầu nhớt mà lại bị rách ở nhiều chỗ nên nhìn chẳng khác gì với người ăn mày. Cô gái vẫn ho lên từng cơn sù sụ làm cho tôi phải lên tiếng:

– Cô… đừng hút nữa. Để tôi lấy nước cho cô uống… thông cổ may ra sẽ đỡ hơn chăng.

Tôi bước nhanh vô trong chòi và khi trở ra tôi cầm theo chai nước nhỏ. Cô gái điếm nhận chai nước từ tay tôi và cô liền bỏ điếu thuốc xuống đất rồi lấy chân dí lên. Mọi động tác cô gái làm thật khoan thai.

– Em mới tập hút hai ngày nay thôi nên chưa quen.

– Hút thuốc hại lắm cô ơi. Như tôi đây… buồn quá không biết làm gì thì hút cho… vui chứ tôi đâu thấy ngon lành gì đâu.

Cô gái đưa cho tôi bao thuốc mới hút có hai điếu.

– Anh cầm lấy… hút dùm em đi. Em không bao giờ hút nữa đâu.

Lần đầu tiên tôi chạm mặt và nói chuyện với cô gái điếm mà tôi từng để ý theo dõi. Khi nói chuyện lời nói của cô phát ra rất rõ ràng, rất nhẹ nhàng và từ tốn. Có những đêm không có khách sửa xe tôi kín đáo nhìn về phía cô gái điếm đứng bên gốc cây trong bộ quần áo bà ba. Tôi thích nhìn những cô gái trong bộ đồ đầm vì vừa sang lại vừa đẹp. Nhưng, với cô gái này thì bộ bà ba đã làm cho cô vô cùng sang trọng vì cô có chiều cao. Nhìn cô đã gợi nhớ lại hình ảnh người con gái đầu đời mà tôi yêu và yêu tôi. Không biết bây giờ người tôi yêu đang ở đâu và có ở cùng với gia đình không. Hay cũng có thể nàng đang… Tôi nhìn cô gái đang đứng trước mặt và làm một cuộc so sánh. Cả hai đều đẹp và đều suýt soát tuổi nhau. Nghĩa là cũng chỉ khoảng hai mươi hai hai mươi ba tuổi thôi. Tuổi đang xuân và đẹp nhất của đời người con gái. Nếu không có một cuộc đổi đời oan nghiệt thì giờ này tôi và người yêu vẫn còn có nhau và, cô gái đang đứng trước mặt tôi có lẽ sẽ không phải có mặt tối nay tại cái chỗ tồi tàn này để xin lửa hút thuốc và… chờ người đàn ông xa lạ nào đó lát nữa sẽ đến đón đi. Những đêm trước khi có khách là cô lên xe và đi luôn cho đến tối hôm sau tôi mới thấy lại cô. Nếu không có chuyện xin tí lửa như hôm nay thì không biết đến bao giờ tôi và cô mới quen nhau. Có lẽ cô gái điếm thấy tôi không có vẻ lưu manh vì ánh mắt của tôi luôn nhìn ngay mắt cô mỗi khi nói. Tôi cũng không có cái nhìn chằm chằm vào thân thể những cô gái đối diện như thèm muốn mà những người đàn ông khác vẫn thường làm. Cô gái điếm tỏ rõ có cảm tình với tôi nên… chúng tôi quen nhau từ ngay buổi tối hôm đó.

  Chập tối ngày hôm sau trời mưa lớn và kéo dài… có lẽ đến sáng mới tạnh. Đêm nay tôi thấy trong người không được khỏe nên không muốn ngồi chờ khách đến sửa xe như mọi đêm. Tôi cảm thấy lạnh vì trời có nhiều gió nên muốn uống vài ly rượu cho ấm rồi đánh một giấc tới sáng cho khỏe. Đang lui cui dọn dẹp đồ nghề thì một chiếc xích lô đạp trờ tới. Như mọi hôm thì tôi rất vui khi có người đến sửa xe, nhưng đêm nay tôi cảm thấy thất vọng vì tôi không thể từ chối những người cần đến tôi. Người phu xích lô vội vã bước xuống xe và mở nhanh cái bạt che mưa ra một bên cho tôi thấy người ngồi trong đó. Tôi tươi tỉnh lại và nhoẻn miệng cười vì không ngờ là cô gái điếm ngồi trong xe. Cô cũng đang cười với tôi và ngoắc tôi lại gần.

– Anh Thuận ơi đi ăn với em đi. Đêm nay anh cho em ngủ lại chỗ của anh nhe. Em… thấy mệt nên không muốn… gì hết.

Những gì tôi suy đoán về cô gái điếm đều gần đúng cả. Cô gái này khôn ngoan nên ăn nói rất biết lựa lời. Cô không có những hành động hay lời nói của những cô gái điếm chuyện nghiệp mà tôi từng gặp qua. Cũng chiếc xích lô đó đã đưa chúng tôi đến một nhà hàng Tàu ở khu Chợ Cũ Sàigòn. Chúng tôi đã ăn thật nhiều món và uống thật nhiều rượu. Đêm đó cô gái điếm nằm bên tôi trong cái chòi dưới gầm cầu và chúng tôi cùng tâm sự. Tôi kể cho cô nghe câu chuyện về cuộc đời mình: “Quê anh thuộc vùng cao nguyên đất đỏ. Vùng đất mà thi sĩ Vũ-Hữu-Định đã viết: “Phố núi cao phố núi trời gần/Phố xá không xa nên phố tình thân/Đi dăm phút đã về chốn cũ…” Ngày chưa… đứt phim anh cũng đã từng lãnh nhận những công việc quan trọng. Dưới tay anh cũng có rất nhiều người phụ công việc cho anh. Anh còn độc thân và gia đình của anh thì không còn một người nào trên cõi đời này nữa.Vì chỉ có một mình và tiền kiếm được thì cũng nhiều nên anh luôn muốn chiêu đãi bạn bè nên từng được bạn bè tặng biệt danh : “Thuận công tử”. Có bao nhiêu tiền là anh vui thú với bạn bè hết. “Tao còn độc thân thì tụi mày cứ để hết cho tao… thầu. Mai đây nếu tao có gia đình và chẳng may bị… xuống chó thì tụi mày cho tao ăn lại chứ có gì mà tụi mày phải bận tâm.” Nghe anh nói như vậy nên bạn bè cũng chìu theo.Trong nhóm khoảng chục đứa thì chỉ có anh là được hoãn dịch vì công việc. Ngoài ra thì đều là lính cả, mà, lương Thiếu úy Trung úy thì có là bao.Tuy vậy chứ cứ mười chầu thì bạn bè cũng giành trả một… Cho đến ngày tất cả phải chia tay nhau để đi vào tù cải tạo. Anh không phải là “Ngụy quân” nhưng vẫn phải trình diện theo diện “Ngụy quyền”. Anh biết rất rõ là không bao giờ có chuyện dăm ba ngày hoặc nửa tháng rồi về, nên, anh quyết định không đi trình diện. Anh bỏ chỗ đang ở để ra sống ngoài đường phố. Ngày trước, dù anh có tưởng tượng cao siêu đến cỡ nào thì anh cũng không làm sao tuởng tượng nổi ra cái cảnh có ngày anh phải sống dưới gầm cầu bên con sông nước đen thui và thúi hoắc như hiện nay. Đang từ một người ngồi trên cao muốn ăn gì thì ăn, muốn ở đâu thì ở, muốn đi đâu thì đi… Chớp mắt một cái, anh bị dìm xuống tận cùng hố sâu thăm thẳm để không có cái mà ăn, không có chỗ để mà trú thân. Cũng may là anh từng có thời gian học ở trường kỹ thuật nên giờ đây anh mới có thể sống qua ngày với nghề sửa xe. Anh tin con người có số. Định mệnh của mỗi một con người đều đã được sắp đặt sẵn bởi bàn tay của Thượng-Đế. Có thể cuộc sống hiện tại của anh cũng chỉ là thời gian thử thách tạm thời mà anh phải trải qua. Nói theo tín ngưỡng của anh thì anh đang phải vác thập tự giá. Anh vui vẻ vác và tin tưởng cách mãnh liệt là rồi đây anh sẽ thoát ra khỏi cảnh khốn cùng này.

Cô gái nằm im ôm tôi và lắng nghe tôi nói. Bây giờ thì cô mới cho tôi biết tên và lý do tại sao cô làm nghề này:

– Em tên Loan. Quê em đẹp và nổi tiếng lắm. Nói đến quê em thì ai cũng biết Ông Đạo Dừa vì là xứ của những trái dừa. Từ lúc còn nhỏ em đã nổi tiếng khắp Bến Tre là đẹp. Cũng vì em là con một nên khi em được mười hai tuổi thì ba em cho em vào học nội trú trong một trường dòng ở Đà-Lạt, vì ba em đang làm việc ở đó. Và, khi thành phố Đà-Lạt phải di tản thì em cũng phải rời khỏi trường  và về sống với gia đình, lúc này má em đã dọn lên Sàigòn ở trong căn nhà to lớn ngoài mặt tiền đường Hiền-Vương Sàigòn.

Thế rồi trong khi ba mẹ em đang tìm phương tiện để thoát ra khỏi Việt-Nam thì chẳng may bị tai nạn và cả hai cùng qua đời khi chẳng còn bao ngày nữa thì Sàigòn mất. Vì từ năm em mười hai tuổi em đã đến ở trên Đà-Lạt nên em không có tên trong tờ khai gia đình chung với ba mẹ. Ngày tang thương của ba mẹ chưa qua thì tai ương kế tiếp lại đến và đổ ụp xuống tất cả mọi người dân miền Nam, và với em. Người của chế độ mới muốn chiếm đoạt căn nhà của ba mẹ em nên cố tình không đếm xỉa gì đến trường hợp của em.Và… em không  còn cách chọn lựa nào hơn là phải làm… như đang làm để kiếm sống qua ngày. Đó là chuyện thật của em mà em tâm sự với anh. Em chỉ mong anh… đừng… đừng khinh em… thôi.

Nói rồi Loan thút thít khóc và tôi thì vẫn nằm im lắng nghe từng lời tâm sự của người con gái có hoàn cảnh thật đáng thương. Tôi thương hoàn cảnh của Loan cũng như thương chính hoàn cảnh mình. Đồng bào miền Nam bây giờ đa số đều có hoàn cảnh cay nghiệt cả. Nếu ai cũng biết trước là sẽ có cuộc sống như thế này thì không bao giờ Việt cộng chiếm được miền Nam. Thỉnh thoảng tôi có thở dài nhè nhẹ nhưng không ngờ Loan đã nghe được. Loan ngẩng đầu lên nhìn ngay mặt tôi vì muốn biết chuyện gì làm cho tôi phải thở dài. Thấy tôi vẫn nằm im và hai mắt nhắm lại nên Loan tưởng tôi mệt. Loan nằm nhè nhẹ xuống thì bất ngờ tôi quay người qua và úp mặt vô cái ngực trần trụi của Loan, đồng thời hai tay tôi siết thật chặt lấy tấm thân không một mảnh vải của Loan. Một luồng nước nóng hổi từ hai con mắt của tôi chảy xuống ngực của Loan. Loan ôm chặt lấy tôi và để cho tôi khóc. Tôi cần phải khóc để vơi đi phần nào những bi phẫn đã quá lâu bị chôn chặt trong tôi. Loan nói, “em cũng thường khóc mỗi khi nhớ đến ba mẹ và hoàn cảnh hiện tại của mình. Em không bao giờ có thể ngờ là cuộc đời của em lại phải làm vợ khắp thiên hạ…”. Một lúc thật lâu sau, Loan vừa nói vừa lấy bàn tay xoa nhè nhẹ lên lưng tôi:

– Ngoài trời sau cơn mưa lớn nhưng vẫn cứ rã rích mãi. Mưa Sàigòn là thế. Mưa ở Bến Tre và Đà-Lạt cũng vậy. Quê hương miền Nam mình mưa thật dai thật dài nhưng tình tứ và lãng mạn. Những trận mưa lớn và những đợt mưa kéo dài nhiều ngày… Anh vẫn còn nhớ những ngày mưa ở Đà-Lạt chứ?

Tôi nghe rõ Loan nói và hỏi nhưng tôi vẫn nằm im, vẫn đang vùi đầu vô ngực của Loan mà không trả lời. Thấy vậy Loan nói tiếp:

– Nhớ lại đã có những lần khi trời đang mưa em mặc áo mưa chạy xe lòng vòng ngoài đường không có nơi đến và cảm giác thật thú vị làm sao! Cũng trong trạng thái đó, em chạy xe Honda đến hồ bơi như tìm được một người bạn để tâm sự, em vùng vẫy dưới nước thật thoải mái…

Tôi hôn Loan thật nhiều và thật lâu rồi nhìn ngay mặt Loan và nói như ra lệnh:

– Em nghe anh nói đây. Em chuẩn bị để chỉ trong nay mai thôi, khi nào anh nói đi là em phải đi ngay. Em phải ra khỏi chốn này càng sớm càng tốt.

Quá bất ngờ khi nghe tôi nói nên Loan lúng túng hỏi lại:

– Anh… anh có đi cùng với em không? Và… có… tốn nhiều không anh?

– Em không phải tốn đồng nào cả. Mọi chuyện anh lo hết rồi, nhưng anh thì chưa đi được. Anh còn phải ở lại giúp những người bạn của anh nữa. Anh sẽ rời khỏi chỗ này và không còn sửa xe nữa.

– Bộ anh… Hay là anh… cho em chờ đi cùng với anh được không?

– Em phải nghe anh và đừng hỏi nhiều, cũng đừng làm khác những gì anh đã tính. Nếu em đi không thoát thì còn có anh ở ngoài để lo cho em và tiếp tục nữa chứ… Hai đứa cùng kẹt thì ai lo cho mình.

– Dạ… em nghe anh. Anh nói em làm gì là em sẽ làm như vậy.

– Như vậy là em ngoan lắm! Thôi, bây giờ mình ngủ vì cũng sắp sáng rồi.

Tôi vừa nằm xuống lại thì Loan nói nhỏ bên tai tôi:

– Anh à… em muốn…

– Em không mệt à?

– Em… muốn với anh… đêm nay vì là đêm có mưa nên em sẽ không bao giờ quên được anh, cho dù anh có khinh…

– Anh không bao giờ khinh em mà trái lại rất quý em. Gần bùn nhưng em không hôi tanh mùi bùn…

Đôi môi của Loan đã áp chặt vào môi tôi. Bàn tay của Loan đang lần đến sợi dây thắt lưng quần của tôi. Trái tim tôi đập thật mạnh và thật nhanh. Tôi nuốt nước miếng nhiều lần. Tôi nằm yên không động đậy. Loan chồm người nằm trên mình tôi. Tôi nhắm mắt lại và để cho Loan chủ động mọi việc cho đến khi Loan và tôi buông nhau ra.

Trời sắp sáng. Trong xóm nghèo gần chỗ gầm cây cầu, chỗ ngủ của hai con người bị thất thế, tôi nghe tiếng rao hàng buổi sáng sớm nhưng tôi không thấy đói. Tôi ôm Loan  thật chặt vì không bao lâu nữa tôi sẽ rời xa Loan. Tôi thật sự yêu Loan vì Loan cũng thật sự yêu tôi.

***

Tôi nhìn theo người đàn bà tuổi trung niên đang nắm tay một đứa nhỏ cùng bước vô tiệm ăn Burger King tại thành phố Amsterdam. Tôi tin tôi không thể nhìn lầm được. Chắc chắn người phụ nữ đó là Loan. Tuy đã hai mươi sáu năm không gặp mặt nhưng dáng người đó, khuôn mặt đó vẫn không thay đổi nhiều thì làm sao tôi có thể không nhận ra được. Tôi bước ra khỏi xe và đi vô tiệm để gặp Loan thì vừa lúc đó, Loan và đứa bé, với một người đàn ông đang quàng tay qua vai Loan cùng bước ra. Loan nhìn ngay tôi và giật mình đứng khựng lại. Tôi cũng nhìn ngay Loan nhưng tôi bước đi tiếp vô bên trong. Tôi đã kịp nghĩ là không nên làm cho cuộc sống của Loan bị xáo trộn. Nhìn bảng số xe của vợ chồng Loan cho tôi biết là xe đến từ Pháp Quốc. Có lẽ vợ chồng Loan đang đi du lịch.

Tôi ngồi yên trong xe và hồi tưởng lại cái ngày của hai mươi sáu năm về trước. Ngày đó tôi đưa Loan đi là chuyến đầu tiên, và đã đi thoát.Trước khi Loan bước vô ngồi trong lòng chiếc ghe. Loan đã nói nhỏ – thật nhỏ – những lời âu yếm bên tai tôi:

– Anh ráng bảo trọng lấy thân và nhớ đi sớm nghe anh. Em mong mình sẽ gặp lại nhau dù thời gian có là bao lâu. Em… em yêu anh! Anh là người đàn ông đầu tiên mà em yêu. Anh đã đối xử với em thật tốt. Tiếc là thân em…

Tôi hôn lên môi Loan ngăn không cho nàng nói tiếp. Khi chiếc ghe sắp sửa chạy ra khơi để tìm đến một bến bờ tự do nào đó, tôi đã ôm ghì tấm thân nhỏ nhắn và hôn liên tục lên môi Loan. Lúc đó tôi tin là sẽ gặp lại nàng. Nhưng, không phải trong tình cảnh mà cả hai đều đang có bổn phận./.

ToPa ( Hòa Lan )

304Đen - Llttm

No comments: