Chút Tình Sài Gòn Cho Người Hà Nội
Tin từ một người bà con ngoài Hà Nội nhắn vào cho biết,
ba của Linh qua đời vì bệnh cũ tái phát sau một thời gian rời bệnh viện. Hôm
ông vào thăm vợ chồng Bon trong Sài Gòn, ông có vẻ khỏe khoắn và vui vẻ hơn
xưa, có lẽ ông đã thấy được cái thành phố bằng xương bằng thịt, nơi “Bác” đã “ra
đi tìm đường cứu nước” và cũng là nơi tuy Đảng gọi là phồn vinh giả tạo, nhưng
không một người miền Bắc nào mà không muốn nhìn cho đuợc, dù người đó là thường
dân của rừng cao núi hiểm hay anh đảng viên của hồ Tây sương khói. Ngày ông vào
Sài Gòn bằng chuyến tàu tốc hành thống nhất Hà Nội Sài Gòn, Bon bận công tác
khẩn nên chỉ có Linh ra đón tại ga xe lửa Sài Gòn. Hai cha con ôm nhau rưng
rưng, không phải vì lâu quá mới gặp lại nhau mà chỉ vì, ông đã thoả mản ước mơ
nhỏ nhoi của cuối đời mình. Ông vào đây đúng ngày Tết, phố xá tưng bừng rộn rã
trong cái sống vội vã bất cần của người dân Sài Gòn, ngựa xe đầu đuờng như
nước, áo quần cuối ngõ như nêm.
Ông thấy lòng già chợt rộn rã theo từng
tiếng pháo, cành mai. Hai vợ chồng đưa ông đi đây đi đó, xem chỗ này chỗ nọ,
miệt mài mà ông không thấy chán, lần nghe lén đài phát thanh Sài Gòn, trong một
đêm mưa tháng bảy mấy mươi năm qua, hình như còn văng vẳng quanh đây, người
xướng ngôn viên giọng nam lấy tâm tình Sài Gòn, gởi người em Hà Nội qua dáng
dấp con đường lá me bay và áo dài thả gió. Tiếng ai đó hát bài Lá đổ muôn chiều
của Đoàn Chuẩn Từ Linh làm con tim cách mạng ông thầm khóc. Ông yêu Sài Gòn từ
đó, từ cái đêm mưa nghe lén, yêu trong lặng câm và dấu kín. Vợ chồng Bon ít có
bạn, đám quan chức như ông Hựu, Bí Thư quận 5, ông Trương Phó Chủ Tịch Thành Uỷ
thì quá bận rộn vợ con chè chén, hiếm khi rảnh rỗi tìm Bon trừ mấy lúc cần
việc. Nhóm cán bộ cao cấp của thành phố, nhất là bên kinh tế, thuế vụ thấy Bon
thì tìm cách thối thoát giao thiệp nhưng nói chung, Bon thấy họ sung sướng hơn
vợ chồng anh nhiều, ngay cả anh chàng công an khu vực của phường anh đang ở,
cũng xe honda mới tinh êm ả, sáng cà phê chiều cháo chè mọi thứ, không biết
người bí thư phường Đảng có ý kiến gì, khi đọc những tờ tự kiễm tự phê ở cơ
quan hay là ông Bí Thư bận biệu nhiều việc khác.
Linh bàn với chồng đưa ông già đến thăm vợ
chồng chị Trâm, Bon ngài ngại nhưng rồi cũng bằng lòng. Chưa kịp đi thì Linh
tình cờ gặp chị Trâm và hai đứa nhỏ ngoài chợ Bàn Cờ, lúc giữa trưa khi đưa ông
già đi tìm mua vài thứ lặt vặt để mang về ngoài Bắc. Hai đứa nhỏ khoanh tay cúi
đầu chào, chị Trâm vui vẻ nói ngay:
- Chừng nào Bác về ngoài ấy, con mời bác tới
nhà con dùng cơm, thấy ông già có vẻ ngần ngại nhìn Linh ngầm hỏi, chị Trâm
tiếp lời ngay:
-
Bác đừng ngại, coi con như con cháu trong nhà thôi, tụi con làm việc chung sở
mà.
Linh lúc này mới chậm chậm lên tiếng
-
Em cũng định đưa ông già đến nhà thăm anh chị trước khi về Hà Nội, nhưng may
quá, chưa kịp thì đã gặp chị ở đây.
Chị Trâm nhắc lại lời mời :
-
Em nhớ đưa bác đến nhà chiều na, tiện mình ăn cơm chiều luôn thể nghe, nhớ nói
với Bon là chị mời.
Linh cười gật đầu, chị Trâm nhắc hai đứa
con chào, Linh nắm tay ông già băng qua bên kia đường, ông già cứ quay đầu nhìn
lại, nét mặt ra chiều bỡ ngỡ. Chị Trâm nhìn hai đứa con cười vu vơ, rồi ngược
vào trong chợ mua thêm chút thịt chút rau. Trời hình như muốn mưa, nắng không
còn đổ gay gắt, khuất dần sau mấy cụm mây xám xịt. Hôm nay mùng năm Tết.
Hôm ông về Hà Nội, cũng bằng chuyến tàu tốc
hành thống nhất, có cả vợ chồng chị Trâm ra tiễn, ông già nắm tay anh Mẫn cảm
động cám ơn gói quà mà chị Trâm đã mua tặng, ba hộp sâm Cao-ly thứ tốt và cái
áo len đan bằng tay thật đẹp do một người quen từ Gia Nã Đại, đi vượt biên kịp
ngày 30/4/75 gởi về. Ông già khen lấy khen để người Sài Gòn, cái Sài Gòn mà ông
đã thầm thương từ những đêm nghe đài lén. Hai vợ chồng Bon, cũng ráng mua lấy
mua để thứ này thứ kia, chất chồng để ông già mang về biếu người này người nọ.
Không ngờ lần chia tay đó lại là lần gặp nhau cuối cùng.
Nhờ Hưng, một người bác sĩ của VNCH trước
đây, còn được lưu dụng tại bệnh viện Bình Dân, có lần Bon giúp cho về vụ tranh
chấp với phường khóm cái nhà của ông ngoại Hưng, trên đường Trần Qúy Cáp, nghe
tin, mua tặng vợ chồng hai cái vé máy bay đi Hà Nội, cho nên Linh đã về ngoài đó
ngay chiều ngày nhận được tin. Xác ông già được người cô xa ở tận Hà Đông mang
về tẩm lịm tại nhà, cái quan tài xác xơ nằm lẻ loi giữa căn nhà gạch cũ mèm,
không có mùi vôi trắng dù bây giờ là Tết. Đầu xuân, hoa mơ hoa mận nở rộn bên
đường, Hà Nội vẫn còn lành lạnh, phố xá xiêu vẹo mù mờ trong hơi sương, cũng
còn vài cơn mưa bụi nhỏ. Nhà vắng vẫn vắng, kể từ ngày Linh bỏ Hà Nội vào nam,
không mấy người tới thăm, ông già nằm một mình. May mắn là còn có chút nhang
đèn nên còn có được hơi ấm, nếu ông nằm xuống trước khi miền Nam thua cuộc, có
lẽ ông chỉ là cái xác lạnh câm vô nghĩa. Linh khóc buổi đầu, nhưng sau đó lặng
thinh cùng Bon đưa ông ra nghĩa trang, một cái nghĩa trang buồn hiu nằm ở ngoại
ô Hà Nội, chiếc xe tang lặng lờ đưa ông đi ngang đường Cổ Ngư, để ông nhìn lần
cuối cùng cái tháp Rùa rêu xanh trong hồ Hoàn Kiếm. Chôn cất xong, Linh giao
căn nhà cho người cô coi sóc, rồi vô lại Sài Gòn từ những ngày sau đó, đối với
Linh, cái Hà Nội 36 phố phường giờ chỉ là một chút gì để nhớ.
Chị Trâm đứng trầm ngâm, nhìn về phía mấy
người công nhân đang xếp lô vải màu in bị loang lở, không đúng yêu cầu, tại khu
bốc dỡ, cái máy nằm đầu cửa vào, ngó ra vòng rào đằng sau xưởng dệt, nơi mà
Phong thường lòng vòng ở đó khi mới vô làm. Chị chợt dưng thấy lòng mình buồn
vô hạn, mới đó mà Phong vượt biên cũng đã được hơn mười tháng rồi. Chị suy nghỉ
vẩn vơ, không biết bao giờ mới tới lượt mình. Lần gặp chị Huân, mẹ của Phong đi
bán hoa mai ở lăng ông Bà Chiểu, chiều hôm 29, chị Huân vui mừng báo tin Phong
đã lên trại tỵ nạn chính của Hội Hồng Thập Tự Mã Lai, chờ phái đoàn Mỹ phỏng
vấn nay mai. Hình như nụ cười của chị Huân trông còn tươi hơn những cánh hoa
mai mà chị đang bày bán.
Chị Trâm không giấu ý định ra đi của mình
khi chị Huân hỏi anh chị có tính gì nữa không. Khi chia tay, chị Huân tặng chị
một cành mai lẻ, khẳng khiu nhưng hoa nở đầy rực vàng như là một lời chúc lành
may mắn.
(Trích từ tập truyện Người Cộng Sản Cô Độc – “The Lonely Communist Man” I universe, New York 2009)
No comments:
Post a Comment