Thursday, January 12, 2017

Anh Bộ Đội Dưới Thời Lê Duẩn - Bùi Anh Trinh


 ANH BỘ ĐỘI DƯỚI THỜI LÊ DUẨN

Trích sách “Chuyện Nước Non Đau Lòng Tới Ngàn Năm” của Bùi Anh Trinh, do Làng Văn phát hành năm 2008

 
 

Nhật ký Nguyễn Văn Thạc

( Mãi mãi tuổi hai mươi )

Ngày 08-2-1967, Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư cầu hòa với lời lẽ thống thiết: “Thưa ngài, tôi viết cho ngài với niềm hy vọng là cuộc chiến Việt Nam có thể chấm dứt. Cuộc chiến này gây tổn thất nặng nề – về sinh mạng, về thương tích, về tài sản và tình trạng khốn khó của con người. Nếu chúng ta không tìm được một giải pháp hòa bình và công chính, lịch sử sẽ nghiêm khắc phán xét chúng ta” (Hồ sơ lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ. Tài liệu do Nguyễn Phú Đức trích lục, được Lê Xuân Khoa đăng trong tác phẩm Việt Nam 1945-1995, trang 526).

Bức thư được chuyển tới người cầm đầu quyền lực tại Hà Nội thời bấy giờ là Tổng bí thư Lê Duẩn. Ông thấy ngay đây là dấu hiệu mòn hơi, mõn sức của chính phủ Hoa Kỳ, họ không thể tiếp tục cuộc chiến tranh này với một mức độ như hiện tại; nhân dân Hoa Kỳ không đủ kiên nhẫn để tiếp tục hao phí tiền của và nhân mạng một cách vô ích tại Việt Nam. Vì vậy Lê Duẩn dùng lá thư của Johnson đi cầu viện Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh, quyết định mở một cuộc tổng tấn công để chiếm Miền Nam Việt Nam.

Cuộc tấn công diễn ra vào mùa xuân năm 1968, tức là Tết Mậu Thân. Tuy nhiên kết quả là tất cả các đơn vị quân sự của CSVN tại Miền Nam đều bị xóa sổ. Lê Duẩn phải tức tốc đưa thêm 500 ngàn thanh niên Miền Bắc vào Nam để hoàn tất cuộc “Tổng tấn công”. Nhưng một lần nữa cuộc tấn công đã bị bẻ gẫy. Trong nửa đầu của năm 1969, CSVN bị thiệt mất 500 ngàn quân mà không tạo nên được chiến công nào.

Sự hy sinh vô lý của hằng nửa triệu chiến binh đã khiến cho Đại tá nhà văn Xuân Thiều mạnh dạn hỏi thẳng ông Lê Duẩn vào một buổi trưa mùa hè năm 1984, nghĩa là sau khi nhân dân Việt Nam đã thấm thía cái giá đau khổ của cuộc chiến tranh thần thánh:

“Thưa bác, cháu định viết về tết Mậu Thân, có một điều xin bác chỉ giáo cho, hồi đó ta hy sinh nhiều quá! Những hy sinh to lớn ấy có tương xứng với kết quả không? Không phải chỉ hy sinh trong cuộc tiến công Tết Mậu Thân, cả thời gian dài sau đó cũng hy sinh quá nhiều…

Tổng bí thư đang điềm đạm bổng nổi giận, ông đứng dậy đi đi lại lại lên lớp cho hai nhà văn … Anh là cán bộ quân đội mà nói như vậy được à?…Hy sinh như vậy là xứng đáng, là cần thiết…Làm chiến tranh phải chịu hy sinh. Sợ hy sinh thì mất nước! Viết văn mà không hiểu điều đó thì viết cái gì? Cầu an và bảo mạng thì không làm cách mạng được…” (Bùi Tín, Mặt Thật, trang 178).

Ông Tổng bí thư thảy con người ta vào chiến trường như thảy củi vào lửa, ông không hề lý đến bao nhiêu thảm cảnh của hằng triệu gia đình chỉ vì tham vọng “làm cách mạng” của ông, tức là tham vọng làm chủ hoàn toàn đất nước Việt Nam.

Tuy nhiên ông chỉ thảy con của người khác vào cửa tử, chứ còn con trai của ông là Lê Kiên Thành thì lại được đưa đi du học tại Pháp. Mặc dầu sau vài tháng anh ta bị đuổi học vì không đủ khả năng và hạnh kiểm xấu, nhưng anh ta lại được lưu lại làm việc cho tòa Đại sứ Việt Nam Cọng sản tại Pháp; rồi sau đó trở về Việt Nam nhưng không phải vào lính, mà về để trị bệnh tâm thần.

Sau khi chiến tranh chấm dứt thì Lê Kiên Thành hết bệnh tâm thần và đi học tiếp, ngày nay không biết anh ta kiếm ở đâu ra được một mảnh bằng Tiến sĩ, nhưng không làm việc cho “cách mạng” mà lại mở hãng kinh doanh riêng. (Bùi Tín, Mặt thật, trang 293,294. Và phỏng vấn của đài phát thanh BBC, tháng 10 năm 2006).

Trong khi đưa con trai mình đi du học ở Pháp thì ông Lê Duẩn lại hô hào thanh niên Việt Nam: “Thanh niên hãy lấy sự hy sinh phấn đấu cho cách mạng làm hạnh phúc cao cả nhất của đời mình, đừng để cho tình cảm cách mạng nguội lạnh vì những tính toán được mất cho cá nhân”. ( Mãi mãi tuổi hai mươi, trang 133). “Thanh niên phải tắm mình trong ánh hào quang rực rỡ của tương lai” (Mãi mãi tuổi hai mươi, trang 103).

Sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân, lò lửa chiến tranh do Lê Duẩn phát động lại cháy bùng một lần nữa vào năm 1972 khi ông quyết định tung thêm 500 ngàn quân vào Nam để chiếm lấy tỉnh Quảng Trị, một tỉnh cực Bắc của Việt Nam Cọng Hòa.

Trong số 500 ngàn quân này có một người sinh viên tên là Nguyễn Văn Thạc, anh theo đoàn quân vào Miền Nam và bắt đầu ra chiến trường ngày 21-7-1972, nhưng rồi bị tử trận ngày 31-7-1972. Nghĩa là anh tham gia cuộc chiến vừa đúng 10 ngày. Trước khi vào Miền Nam anh đã gởi về cho gia đình một tập nhật ký dài 240 trang ghi lại những cảm nghĩ của một người sinh viên mới bước chân vào quân đội và chuẩn bị ra chiến trường. Tập nhật ký được gia đình lưu giữ hơn 30 năm thì được in thành sách .

Tập nhật ký đã lật lại sự thực của một thời được gọi là “Cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước”. Thanh niên Nguyễn Văn Thạc đã để lại cho đời một bằng chứng về một mãnh đời riêng trong số hằng triệu chiến binh Cọng sản đã ngã chết trên Chiến trường Miền Nam.

Rất tiếc là trước khi tập nhật ký được đưa ra trước công chúng thì đã được Đại Tá công an Đặng Vương Hưng và nhà xuất bản Thanh niên “biên tập”, nghĩa là cắt xén trước khi in. Dĩ nhiên người ta đã bỏ đi những câu, những đoạn tiêu cực và làm nổi bật những đoạn tích cực. Tuy nhiên dẫu sao gia đình của Nguyễn Văn Thạc còn đó cho nên người ta vẫn phải tôn trọng hầu hết những gì mà người quá cố đã để lại.

Người đa nhân cách

Nếu đọc lướt qua những giòng nhật ký của Nguyễn Văn Thạc thì nhiều người đâm bực cho những khẩu hiệu chan chát của chủ nghĩa Cọng sản mà ngày nay những khẩu hiệu đó đã trở nên lỗi thời và có ý nghĩa khôi hài. Nhưng nếu phân tích kỹ từng đoạn văn thì thấy Thạc đã giấu đằng sau những giòng chữ là những tư tưởng của riêng anh với những ký hiệu đặc biệt, nhưng người sành tâm lý có thể phát hiện được dễ dàng. Phân tích tâm lý của Thạc thì trong con người của anh có 3 con người khác nhau, đó là Nguyện Văn Thạc tuyên huấn, Nguyễn Văn Thạc mộng mơ và Nguyễn Văn Thạc đời thường.

Nguyễn Văn Thạc tuyên huấn là những khuôn cách sống mà đảng Cọng sản đã dạy cho thanh niên Việt Nam phải sống như thế nào. Theo như nguyên tắc của chế độ Cọng sản thì “Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý và Đảng lãnh đạo”. Có nghĩa là về vật chất thì Nhà nước quản lý mọi tài sản của nhân dân và về tinh thần thì Đảng bảo nghĩ làm sao thì người dân bắt buộc phải nghĩ làm vậy chứ không được suy nghĩ chệch hướng, tức là Đảng quản lý tinh thần của người dân.

Như vậy, trên Hiến pháp thì người dân bị Nhà nước quản lý về vật chất và bị Đảng quản lý về tinh thần. Nhưng trên thực tế thì Nhà nước chính là Đảng, cho nên cuối cùng là trong chế độ Cọng sản thì Đảng quản lý con người cả về vật chất lẫn tinh thần.

Để quản lý tinh thần của con người, Đảng đã đặt ra một hệ thống gọi là cơ quan tuyên huấn các cấp. (Tuyên nghĩa là tuyên truyền, huấn là dạy dỗ; tuyên huấn nghĩa là tuyên truyền và dạy dỗ; còn gọi là tuyên giáo). Các cấp tuyên huấn khống chế mọi sản phẩm tinh thần trong xã hội, kể cả những cuộc nói chuyện “ngồi lê đôi mách” trong quán cà phê hay trên vĩa hè, tất cả đều phải được nói trong khuôn khổ hay chủ trương của Đảng, hễ ai nói ra ngoài sẽ bị kết tội là “chệch hướng”, là “phản động”.

Nguyễn Văn Thạc mộng mơ là một Nguyễn Văn Thạc với tâm hồn yêu thương cảnh vật, yêu thương con người; tin tưởng nơi lòng người, tin tưởng nơi tình yêu, tình bạn; ghét cái ác, ghét sự gian dối. Ngoài ra là một trí tưởng tượng phong phú và hướng thiện. Trí tưởng tượng của Nguyễn Văn Thạc quá mạnh đến đổi nhiều đoạn nhật ký giống như hóa rồ, người ta có cảm tưởng như đang đọc Don Quijoté với anh chàng dở hơi đang hằm hè đánh nhau với cái cối xay gió. Tất cả mọi chuyện trên đời đều được Nguyễn Văn Thạc ghi nhận rồi phóng đại với một tinh thần mơ mộng, mơ mộng trong tương lai, mơ mộng trong tình người.

Nguyễn Văn Thạc đời thường là một Nguyễn Văn Thạc không có tuyên huấn và không còn mộng mơ. Lúc đó anh trở lại một con người biết khổ đau cũng như biết hạnh phúc, biết hy vọng cũng như biết thất vọng, biết suy nghĩ thực tế và biết tôn trọng nguyên tắc của lý luận. Người ta đễ dàng nhận ra Nguyễn Văn Thạc tuyên huấn khi nào anh xưng trong nhật ký bằng chữ “ta”, Nguyễn Văn Thạc mộng mơ khi nào anh xưng “mình” và Nguyễn Văn Thạc đời thường khi nào anh xưng “tôi”.

Trong khi Thạc tin rằng Đảng sẽ trọng dụng anh vì khả năng văn chương tuyên huấn của anh, và rồi anh sẽ dùng sự nghiệp văn chương để làm động lực tiến thân trong Đảng, giống như một thần tượng của anh là nhà thơ Tố Hữu. Thế nhưng thực tế đã khác hẵn, quy chế tuyển dụng cán bộ của Đảng đã ngăn anh lại ngay từ ngưỡng cửa bước vào Đảng bởi vì anh xuất thân là con nhà tư sản.

Anh bộ đội và đảng Cọng sản

Cha mẹ Nguyễn Văn Thạc là chủ một xưởng dệt, có thuê người làm công. Sau năm 1954 thì xưởng dệt được biến thành hợp tác xã. Khi Lê Duẩn phát động chiến tranh đánh vào Miền Nam thì hợp tác xã phải sơ tán, không có việc làm; mẹ của Thạc phải đi cắt cỏ bán lấy tiền ăn. Tuy nhà nghèo nhưng Thạc học rất giỏi. Nhờ học giỏi mà bước đường hướng tới tương lai của Thạc hoàn toàn suông sẻ trong những năm học trung học.

Cũng như bao thanh thiếu niên khác, Thạc nghĩ rằng hễ mình có tài thì Đảng phải trọng dụng. Và một khi Đảng muốn trọng dụng mình thì Đảng sẽ kết nạp mình vào Đảng, lúc đó mình sẽ trở thành Đảng viên và mình sẽ tiến thân trong Đảng bằng khả năng viết văn tuyên huấn của mình. Thạc biết rằng những cán bộ nắm chức vụ cao trong Đảng đều là những cán bộ giỏi tuyên huấn.

Vì vậy Thạc chỉ cần học thuộc những khẩu hiệu tuyên huấn và trổ tài cho Đảng thấy qua các cuộc thi văn thành phố Hà Nội hay toàn Miền Bắc. Quả nhiên bài văn của Thạc đã chiếm giải nhất với hằng lô hằng đống câu trích thuộc lòng những lời dạy dỗ của Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu, Chế Lan Viên. Thành quả này khiến Thạc càng đoan chắc rằng người ta đã chú ý và sẽ trọng dụng tài năng của anh.

Nhưng khi bước chân vào đời Thạc mới nghiệm ra sự cách biệt giữa mình và Đảng :

“Hôm nay, lần đầu tiên trong đời, mình cảm thấy hổ thẹn với mọi người, hổ thẹn với Paven, Pavơlusa thân yêu – Mình chưa phải là một Đảng viên! Buổi chiều, đang họp, anh Lộc gọi ra sân và hỏi mình có giấy cảm tình Đảng không. Lúc đó, chỉ hơi thoáng qua một ý nghĩ còn mờ nhạt. Sao tới giờ vẫn chưa thấy gần gủi với Đảng của Bác Hồ? Anh Lộc bỏ đi khi mình lắc đầu. Mình như có lỗi gì đó, cái lỗi rất lớn mà bấy lâu mình không biết”…

“Còn lý lịch nữa. Lý lịch phải trong sạch, mình không biết có sao không”…”Có phải vì mình thấy trước được những trở ngại không thể nào vượt qua được mà cảm thấy phiền lòng? Cảm thấy nhụt dần hứng thú hoạt động tập thể mà tuổi nhỏ rất nhiệt tình tham gia”… “Anh Thỏa hỏi mình trước kia có tham gia công tác Đoàn gì không? Mình lắc đầu, đoàn viên thường thôi” (Nhật ký ngày 24-12-71, trang 119 và 120).

“Ừ nhỉ, người ta bảo rằng: Không ai trong bụng mẹ đã hỏi được hoàn cảnh xuất thân của mình. Không thể hỏi được mình đã sinh ra trong gia đình thế nào, tư sản hay địa chủ, cường hào!”… “Từ rất lâu rồi, mình vẫn mơ hồ về gia đình của chính mình. Những người khác, những người bạn khác của mình họ thường tự hào về hoàn cảnh xuất thân của họ. Tự hào về các anh chị và các em, ông bác, ông chú xa xa, gần gần của họ”…

“Có đi trong quân đội mới cảm thấy nỗi khổ của những người không phải đỏ hoàn toàn. Không ở đâu có sự liên quan mật thiết về chính trị như trong quân đội cả. Nhiều khi mình có cảm giác bị bỏ rơi. Mình nhìn lại các bạn trong A dường như lý lịch của ai cũng có thể bảo đảm cho bản thân họ được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Riêng mình…(ba dấu chấm)” (Nhật ký ngày 7-5-71, trang 249).

“Cứ mỗi lần khai lý lịch, mình lại buồn, buồn tận sâu xa. Anh Thục cảm tình Đảng từ lâu rồi mà chưa được kết nạp. Và cứ càng về sau, nói chuyện với anh, mình lại thấy anh cứ đuối dần, cứ đuối dần. Anh cứ thất vọng dần” (Nhật ký ngày 7-5-72, trang 251)

“Thực tình, đã có dấu hiệu gì chứng tỏ mình “bị loại ra khỏi đội ngũ đâu”! Nhưng linh tính cứ cho mình biết rằng; Mình không thể trở thành một Đảng viên được. Mơ hồ thấy rằng, khó khăn sẽ đến với mình nhiều đây” (Nhật ký ngày 8-5-72, trang 252).

“Cứ mỗi lần giở lý lịch, mình lại thêm khẳng định trách nhiệm nặng nề của mình hôm nay. Hôm nay ra đi không phải chỉ là trách nhiệm của cá nhân mình cho trọn vẹn, mà mình còn phải làm cả phần gia đình, phần ông bà, phần cha mẹ. Có lẽ vì nghĩ như vậy mà mình không muốn ghen tị hay đòi hỏi gì dễ dàng về mình chăng” (Nhật ký ngày 24-5, trang 262).

Trang nhật ký này viết trước trang cuối cùng một ngày. Đơn vị của Thạc đã nhận được lệnh ra chiến trường. Trước những hiểm nguy và gian khó trước mắt, anh đành tự nhủ lòng rằng âu cũng là để đền tội tổ tông; ông bà cha mẹ của anh không có ai cống hiến gì cho cách mạng cả, trái lại cha mẹ anh từng là tư sản bóc lột giai cấp công nhân. Mọi người đã nhận được mọi thứ ưu tiên nhờ lý lịch, chỉ còn anh là phải chịu mọi thiệt thòi chỉ vì lý lịch của anh quá tệ, âu cũng là tội lỗi của ông bà cha mẹ mà ngày nay anh phải gánh.(!)

Cái lối căn cứ theo lý lịch để “phân công” của Đảng đã khiến Thạc phải suy nghĩ rất nhiều. Mặc dầu con người tuyên huấn trong Thạc luôn luôn tìm mọi cách để chống chế cho mọi chủ trương bất công và phi lý của Đảng, nhưng con người đời thường trong Thạc cũng phản đối lại bằng những nguyên tắc lý luận:

“Cũng phải thôi, vì bản thân họ được sống và sinh ra trong một gia đình cách mạng, cha mẹ, ông bà họ là những người đã đổ xương máu cho dân tộc, cho giai cấp. Và giờ đây, Đảng đặt lòng tin vào con em của những bậc tiên bồi cách mạng ấy. Chao ôi, bao nhiêu lần mình ao ước có được hạnh phúc xa vời ấy, được Đảng tin và trao cho những nhiệm vụ nặng nề. Có người sẽ bảo: Thì đấy, anh được đi bộ đội đó thì sao? Chẳng lẽ anh không được Đảng tin cậy mà lại trao nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc à? Không, đừng ai nói thế! Chuyện gì cũng có điều tế nhị của nó. Nói ra ư, không khéo lại trở thành phản cách mạng mất”. (Nhật ký ngày 7-5-72, trang 250).

Nếu lý luận cho ra lẽ thì sẽ lòi ra là Đảng đã dành ưu tiên cho phe đảng và bè phái, không phải chỉ những người phục vụ cho Đảng mà cả con cháu cũng được chiếu cố. Còn con cái của người dân thường thì dĩ nhiên phải nhận ưu tiên chót, tức là ưu tiên đi đầu ra chiến trường. Nguyễn Văn Thạc không nói ra vì anh sợ bị quy kết là phản động. Nhưng rõ ràng tư tưởng phản động đã nằm sâu trong đầu anh rồi.

Cơ chế lý lịch, tức là cơ chế phe đảng, đã bao trùm lên khắp mọi khía cạnh sinh hoạt của xã hội, từ cách phân bổ địa vị đưa tới phân chia giai cấp; từ cách phân chia nhu yếu phẩm cho tới việc phân bổ công ăn việc làm. Tính phe đảng đã tạo nên tâm lý có Đảng là có tất cả; mọi ước vọng, mọi hoài bão đều không qua khỏi ánh sáng của Đảng. Do đó người thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời nếu còn hy vọng vào được Đảng là còn có ước mơ nhưng hễ không có hy vọng vào được Đảng tức là đã tuyệt vọng.

Riêng đối với Nguyễn Văn Thạc thì niềm hy vọng của anh đã dần dần đi tới tuyệt vọng trong những tháng ngày chờ đợi người ta phân bổ các tân binh đi các binh chủng. Anh biết rõ người ta chọn con ông cháu cha vào binh chủng Không quân hay Phòng không để được nằm yên vị tại Hà Nội, bảo vệ thủ đô yêu dấu. Người ta cũng lựa con em gia đình trung thành với chế độ để đưa vào binh chủng Tăng, cũng nằm tại miền Bắc, khỏi phải vào Nam.

“Mới hôm nào nhập ngũ, hôm nay đã đến 3 tháng rồi. Đêm nay, trời sáng trăng mà lất phất mưa. Ngồi dưới ngọn đèn ba dây tù mù và suy nghĩ miên man. Sáng mai chia tay với Tế, Châu, Hùng, Thắng, Minh – Họ đi Phòng không, Không quân. Chia tay rồi, lại tiếp tục chia tay” (Nhật ký ngày 30-11-71, trang 86).

“Các anh lý 3 đi Phòng không – Không quân, một số khác đi Pháo binh và một số có lẽ vào Tên lửa. Sáng qua họ lên xe rồi, và vào giờ này, 10h20 sáng, họ đã đến nơi. Ở Bắc Giang hay Kiến An? Đâu mà chẳng đất nước mình” (Nhật ký ngày 2-12-71, trang 94). Câu “Đâu mà chẳng đất nước mình” che giấu một ý nghĩ chua xót nhưng thực tế rằng “họ” ở Bắc Giang hay Kiến An là gần Hà Nội và Hải Phòng, còn mình thì sẽ ở chiến trường Miền Nam. Cũng là đất nước mà một đằng sống thọ và một đằng phải chết.

“Sớm mai bọn lính xe tăng đi rồi. Lăng, N.Thanh, Thành đều đi cả. Mình vẫn theo tin vĩa hè là đi Đ.K.Z cùng Minh và Thìn. Bọn nó sợ lắm vì phải khiêng vác nặng. Khoản đó mình cũng hơi chờn… Thìn sợ chết nhỉ, anh ta chỉ thích đi xe tăng, vừa được ở ngoài này, vừa có vỏ thép dày che chở… Như vậy, chỉ còn khoảng 27 người chưa phân công đi đâu cả. Cán bộ khung về hết rồi” (Nhật ký ngày 4-12-71, trang 100).

Đi ĐKZ có nghĩa là vào đơn vị súng không giật 57 ly; thuộc Bộ binh, chuyên chống xe tăng và công đồn, phải mang vác đạn đi theo Bộ binh và rất dễ chết vì toàn là ở các điểm nóng của chiến trường; nhất là súng ĐKZ phải chờ xe tăng tới gần bắn mới trúng, nhưng dẫu trúng dẫu trật mà xe tăng chưa bị cháy thì người xạ thủ ĐKZ phải chết dưới hỏa lực súng máy của xe tăng.

“Cho tới hôm nay thì còn 3 đứa, Thìn, Đ.Minh và mình. Sợ quá, có cảm giác bị bỏ rơi. Cảm giác thôi, nhưng rõ ràng không tốt. Một nhóm sáng nay đi do Bộ điều động đến các binh chủng khác. Còn tụi mình, sư đoàn cứ giữ, cũng chẳng sao cả. Đâu mà chẳng bộ đội Cụ Hồ! Nhưng không khỏi suýt xoa, tụi nó “sang” quá. Mang danh lính của Bộ, “oai” ghê! (Nhật ký ngày 8-12-71, trang 109).

Cảm giác bị bỏ rơi khiến cho anh bộ đội tự hiểu rằng mình quá xa Đảng, nghĩa là quá gần cái chết.

BÙI ANH TRINH

304Đen - Llttm

 

 

No comments: