Đánh lộn nằm vạ
Muốn bảo dân tộc ta là một dân tộc hung hăng táo tợn thì cũng không phải, vì có lắm điều tỏ ra là văn nhã nhu mì. Nhưng muốn bảo dân tộc ta là một dân tộc văn nhã nhu mì thì e cũng lại không phải nốt, vì có lắm điều tỏ ra là hung hăng táo tợn.
Trừ cái phần văn nhã nhu mì thật ra, không nói; còn trong sự hung hăng táo tợn hình như cũng có pha sự văn nhã nhu mì vào, vì cớ ấy không có thể lấy bốn chữ hung hăng táo tợn mà làm một cái trạng từ về tánh cách dân ta.
Coi một sự đánh lộn nằm vạ trong dân gian thì đủ thấy cái câu phê bình không dứt khoát ấy là không đến nỗi trái với sự thực.
Đánh lộn nằm vạ là sự luôn luôn xảy ra trong các nơi thôn quê khắp ba kỳ, đến ngày nay mà vẫn còn thịnh hành như ngày xưa, trừ ra chỉ mấy nơi thành phố lớn thì mới không có, ‒ không có nằm vạ.
Thi hành cái thủ đoạn ấy, đàn ông cũng có, nhưng phần nhiều là đàn bà. Đàn bà mà được người có chửa, nhất là có chửa gần ngày, để thi hành cái thủ đoạn nằm vạ, thì người ta lại càng cho là đắc sách lắm!
Lũ con bà Xã với lũ con bà Bá cãi nhau, hai bên cũng đều về nhà mách với mẹ cả. Vì cớ ai bênh con nấy, bà Xã, bà Bá hai người đổ ra xâu ẩu nhau: ban đầu tiếng nhỏ, sau tiếng to, rồi xông vào nắm tóc nhau… đánh lộn… nằm vạ…
Chị Trùm gặp chị Giáp ở dọc đường, đòi món nợ còn thiếu chỉ mấy hào. Chị Giáp đã chẳng giả cho, lại còn nói hỗn nữa. Chị Trùm ả lại, đòi lột áo để trừ tiền; chị Giáp tức mình, giá tay lên thụi cho một đấm, thế là hai bên áp lại nhau… đánh lộn… nằm vạ…
Đại để sự đánh lộn nằm vạ ở chốn thôn quê, nguyên nhân và hiện trạng là như thế. Biết thế rồi ta hãy xét đến cái bản tâm của những người đánh lộn nằm vạ ấy.
Trong khi họ đánh nhau đó có phải là người này cố ý đánh người kia cho bị thương hay là cho chết đi để đã nư mình đâu. Chẳng qua họ đánh sơ sơ chi đó rồi ngã ình xuống mà nằm vạ, vì cốt ý của họ là ở sự nằm vạ.
Nằm vạ, cũng có khi goi là "làm mạng". Làm mạng nghĩa là đem cái sinh mạng của mình tới, làm ra sự nguy hiểm, tức là làm ra sự chết để giá hoạ cho kẻ mà mình nhận là thù địch.
Cho nên, hễ nằm vạ thì thường không ăn không uống, trong mình dù không bị thương tích cũng làm ra cho có thương tích. Có vậy thì cái sinh mạng của người nằm đó mới trở nên nguy hiểm, bên địch mới sợ nhân mạng, sợ mang án giết người mà xin lỗi, mà chịu thú, chịu phạt, rồi bên kia mới được thắng.
Đó là cái tâm lý của bao nhiêu người nằm vạ xưa nay. Thật nó hèn quá! nó vô lý quá! chỉ là lấy cái liều chết của mình để dọa bên đối phương, như câu chữ việc quan thường dùng: "Dĩ mạng truật nhân" đó thôi.
Có phải đánh nhau thì cứ đánh nhau đi, ai mạnh nấy được, rủi có chết cũng còn tỏ được cái khí phách con người. Như người Tây họ thường đánh gươm với nhau đó chẳng được sao? Sao lại chỉ lấy sự "liều thân cố mạng" để hơn kẻ khác? Cho là hèn, đáng lắm! Cho là vô lý, đáng lắm! Mà cũng bởi thế, trên kia mới nói rằng trong sự hung hăng táo tợn có pha sự văn nhã nhu mì. Đánh với người ta xong rồi nằm xuống, thật không còn gì nhã hơn nữa! thật không còn gì nhu hơn nữa!
Một cái tục xấu xa, hèn hạ như thế mà từ xưa người trên cũng cứ để yên, không răn phạt cho chừa đi, lại còn theo mà phù thực nó nữa, mới đáng lấy làm lạ chứ! Trong luật, trong lệ cũ có chăng thì không biết; nhưng lâu nay thấy phủ, huyện, tổng, lý khi xử đám nằm vạ thường hay dùng câu "ngọa bất ly xứ" làm như một câu luật hay lệ. Câu ấy nghĩa là "nằm đâu thì để đó, không được dời đi chỗ khác". Vả lại còn lệ "thượng sàng" nữa, là "đặt người nằm vạ ấy lên nằm trên giường". Thế có phải là trợ trưởng cho cái tục xấu, cái thói hèn ấy không? Gặp đám nằm vạ nào, người có quyền phân xử cứ việc bắt dậy đi, việc phải trái còn có đó, cứ theo lý mà xử, nhất định đừng cho nằm, sao lại chẳng được? Đã chẳng làm thế, lại còn cấm không cho dời chỗ, lại còn đỡ lên giường cho chúng được nề mà nằm lâu thêm hơn, là sao?
Từ hồi có Bảo hộ đến giờ, những nơi nào quyền cai trị trực tiếp chịu của người Pháp thì cái tục ấy đã chừa hẳn. Bất kỳ khi nào có xảy ra sự nằm vạ, hễ khám có thương tích thì đem vào nhà thương, còn không thì giải về bóp, thôi hết nằm, hết lấy mạng nhát người! Khắp cả nước, dù những nơi quyền cai trị còn về quan ta, rày về sau, tưởng cũng nên làm như thế là phải.
Nằm vạ quả là một cái tục xấu mà chỉ nước ta mới có. Bên Tàu bên Pháp đều không có tục ấy cho nên trong tự điển Tàu và tự điển Pháp đều không có chữ gì nghĩa là nằm vạ. Quả thế, vì Tàu không có chữ nên từ lâu nay quan ta đã phải đặt ra hai chữ "ngoạ hoạ" 臥 禍 là giọng An Nam đặc, để chỉ nghĩa "nằm vạ"; cũng như gần nay trong án từ nào có chữ "nằm vạ" mà phải dịch chữ Pháp để tư Tòa sứ thì người ta không biết dịch ra chữ gì, có kẻ đã phải dịch bậy bạ đến nỗi là: "faire le mauvais scandale" làm cho quan Tây đọc đến phải ngẩn người!
Cái tục đáng nhờm đáng gớm như thế mà còn không bỏ đi, để cho dân thành ra kẻ liều mạng cố thân hết hay sao?
Phan Khôi (1887-1959)
* Ghi Chú:
Phan Khôi sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh
Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ
(con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu). Ông có quan hệ họ hàng với nhà cách mạng
Phan Thanh và Phan Bôi tức Huỳnh Hữu Nam. Ông học giỏi Nho văn và đỗ tú tài năm
19 tuổi. Sau đó ông gặp cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh và bị ảnh hưởng bởi
tư tưởng của hai cụ.
Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm, ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, tức vụ Trung Kỳ dân biến, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.
Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần Chung và Phụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm.
Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết.
Sau năm 1945, tức sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa, sau lại lãnh chức vụ chủ nhiệm Chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc dân đảng.
Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian.
Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-1957, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.
Khi mất, ông được chôn cất tại nghĩa trang Mai Động, sau đó, theo cơn biến động, các ngôi mộ buộc phải thuyên chuyển, bị san phẳng đi. Mộ ông Phan Khôi đã nằm trong những ngôi mộ vô thừa nhận không ai biết, đến nay ngay cả con cháu ông cũng không biết mộ ông nằm ở đâu.
Năm 1907, ông ra Hà Nội, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo. Khi tờ tạp chí bị cấm, ông về Nam Định rồi về Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông lén về Quảng Nam hoạt động trong phong trào Văn Thân cùng với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế, tức vụ Trung Kỳ dân biến, ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam đến năm 1914 thì được ân xá.
Ra khỏi tù, ông lại về Hà Nội viết cho báo Nam Phong. Vì bất bình với Phạm Quỳnh, ông bỏ Hà Nội vào Sài Gòn viết cho báo Lục Tỉnh Tân Văn. Năm 1920, ông lại trở ra Hà Nội viết cho báo Thực Nghiệp Dân Báo và báo Hữu Thanh. Năm 1928, Thực Nghiệp Dân Báo và Hữu Thanh bị đóng cửa, ông lại trở vào nam viết cho báo Thần Chung và Phụ nữ tân văn. Năm 1931, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho tờ Phụ nữ thời đàm.
Năm 1936, ông vào Huế viết cho tờ Tràng An và xin được phép xuất bản báo Sông Hương. Năm 1939, Sông Hương đóng cửa, Phan Khôi lại trở vào Sài Gòn dạy học chữ Nho và viết tiểu thuyết.
Sau năm 1945, tức sau Cách mạng tháng Tám, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời từ Quảng Nam ra Hà Nội tham gia kháng chiến với cương vị một nhà văn hóa, sau lại lãnh chức vụ chủ nhiệm Chi bộ Quảng Ngãi của Việt Nam Quốc dân đảng.
Ông ở Việt Bắc suốt 9 năm nhưng vì bị bệnh nên phải vào bệnh viện một thời gian.
Cuối năm 1954 hòa bình lập lại, Phan Khôi về Hà Nội cùng với các văn nghệ sĩ khác. Trong thời gian 1956-1957, là một trong những người thành lập tờ Nhân Văn và có các bài phê phán giới lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ, ông bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời năm 1959 tại Hà Nội.
Khi mất, ông được chôn cất tại nghĩa trang Mai Động, sau đó, theo cơn biến động, các ngôi mộ buộc phải thuyên chuyển, bị san phẳng đi. Mộ ông Phan Khôi đã nằm trong những ngôi mộ vô thừa nhận không ai biết, đến nay ngay cả con cháu ông cũng không biết mộ ông nằm ở đâu.
304Đen - Llttm
No comments:
Post a Comment