Saturday, January 14, 2017

Một Cành Mai - Hoàng Long Hải


Một Cành Mai

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Ðêm qua sân trước một cành mai”

Thiền sư Mãn Giác

Gởi Huỳnh Hữu Tuệ, Huỳnh Hữu Ủy để nhớ một thời niên thiếu.

 
 

Người chị con ông bác tôi, giống như nhiều người Huế khác, được đặt tên là Mai, Diệu Mai. Ðó là sự kết hợp lâu dài giữa Tam giáo đồng nguyên đấy.

Người Việt ta, cũng giống như người Tàu thường lấy tên hoa, trái đặt tên cho con gái. Mai, Lan, Cúc, Trúc, Ðào, Lê, Mận, Bưởi v.v…

Hơi quê một chút thì Lựu, Bưởi, Cam, Chanh còn văn minh thị thành thì Mai, Lan, Cúc, Trúc… với một tên đôi, thông thường nhất là một chữ Diệu ở trước: Diệu Lan, Diệu Cúc, Diệu Ngọc, thậm chí cả Diệu Trà, Diệu Lê nhưng không mấy khi có Diệu Buởi, Diệu Chanh. Cũng có thể là chữ Diệu với tên một con chim nào đó; loài chim đẹp và hót hay, như Diệu Quyên (chim Quyên) là vợ ông nhạc sĩ Trúc Hồ, hay Diệu Oanh, Diệu Yến; không thể có Diệu Quạ, Diệu Cú hay Diệu Ác-là, Chèo bẻo. Mấy con chim nầy vừa xấu vừa xui, người ta không lấy nó mà đặt tên cho con gái bao giờ.

Không khí Phật Giáo ở Huế ảnh hưởng đến cách người ta  đặt tên cho con gái. Ngay trong thành phố và cả một vùng phía tây nam Huế đồi núi chập chùng, đầy những chùa là chùa: Chùa Trà Am, chùa Tường Vân, chùa Từ Hiếu. Chùa Viên Thông xa tít trong núi, thậm chí cả chùa Thiên Thai, – đã đi tu còn muốn theo hai chàng Lưu Nguyễn đi tìm tiên nữ hay chăng?

Chùa lớn nhất trong thành phố là chùa Diệu Ðế – từ “Tứ Diệu Ðế” trong kinh Phật – Vua quan, các hoàng tử trai tráng mạnh khỏe thì ưa đi chùa xa, vừa đi chùa vừa ngoạn cảnh. Các bà hoàng, công chúa, liễu yếu đào tơ thì đi chùa Diệu Ðế cho gần gũi, khỏi qua đò, qua sông, đường sá xa xôi cách trở. Vậy chắc là từ “Tứ Diệu Đế” trong kinh Phật, từ chùa Diệu Ðế mà lắm bà, cô có tên với chữ Diệu ở trước. Phật, Nho và cả Lão nữa đấy, đều kết hợp chặt chẽ trong tên của họ: Diệu Lan, Diệu Trúc, Diệu Mai…

Bà chị tôi là Diệu Mai.

Ba chị Mai, ông bác tôi, là người thất chí. Nghe nói hồi trẻ ông học giỏi lắm. Giỏi như thế nào thì tôi không rõ. Có thể đại khái như chữ Nho thì ông cũng rành, chẳng riêng gì Tam Tự Kinh, Minh Tâm Bửu Giám mà cả Tứ Thư Ngũ Kinh, Mặc Tử, Hàn Phi tử, Lão Trang. Về văn nôm, bí câu nào, hỏi ông, ông giảng làu làu. Hôm tôi bí câu “tiếng buông xé lụa” trong “Tỳ Bà Hành”, tìm trong “Tầm Nguyên Tự Điển” của ông Bửu Kế không thấy, bèn hỏi ông. Ông giảng một thôi một hồi về câu chuyện vua U Vương nhà Châu mê Bao Tự đến nỗi mất nước, lấy chuyện xài phí xé lụa cho Bao Tự vui, đốt lửa trên Phong Hỏa Đài cho Bao Tự cười v.v…

Ra về, tôi mới sực nhớ một điều quên hỏi ông. Các ông vua ngày xưa thường mê gái. Tề Tuyên vương đấy, ông vua mê gái nỗi tiếng, sách sử còn ghi, đến nỗi ngày sau, hễ ai mê gái thì người ta gọi là mắc “bệnh Tề Tuyên” – (“Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng”. Cung Oán Ngâm Khúc – Ôn Như Hầu). Bệnh mê gái là bệnh u mê. Vậy thì chữ U Vương có mang nghĩa u mê hay không? Trong chữ Nho, chữ U cũng có nghĩa là tối – u mê tối dạ mới mê gái – u u minh minh. Rừng U-minh ở Cà mâu cũng có nghĩa đó vậy.

Chữ Tây, ông bác tôi cũng nói làu làu, “nói như gió”. Có nghĩa là “nói nhanh như gió”. Nhanh như gió thì ai nghe kịp, có thể là gió hiu hiu. “Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ thương” như chú Ba Hồ Dzếnh làm thơ vậy. Nói hiu hiu như thế, “thả giọng trầm nhiều nỗi mê man”, thì dễ làm xiêu lòng đàn bà con gái lắm đấy.

Trước 45, đậu bằng thành chung, người ta làm thông phán, ít ra cũng làm sở xe lửa thì ông chú tôi làm Công An Liên Bang (Surete Federale), là Công An của Tây, nổi tiếng độc ác. Tôi không rõ động cơ nào đưa ông vào đây, nhưng sau “Cách mạng tháng tám” người ta lại thấy ông ngồi ở Ty Công An Việt Minh. Người ta cần cái khả năng chuyên môn của ông hay ông bí mật hoạt động cho “cách mạng” từ lâu?! Ði kháng chiến mấy năm, ông về. Ông bị biên chế vì gốc “tạch tạch sè” hay vì ông có quá trình “theo Tây”?

Về “Vùng Quốc Gia”, ông xin “hồi ngạch” để lại làm Công An. Ðược ít lâu, ông bị nghỉ việc vì đã từng làm Công An Việt Minh. Phía này, phía kia, chẳng ai tin ông, chẳng ai dùng ông. Có lẽ ông cũng là người yêu nước đấy. Ông khoe trước 45, Lê Duẫn mấy lần bị bắt, được ông giúp đỡ; những người hoạt động cho Ðại Việt, Việt Quốc đều được ông che chở. Với ông cũng như mọi người, thuở ấy, những người bị Tây bắt là những người làm “cách mạng” cả, có nghĩa là người “vì dân vì nước”. Ông giúp đỡ họ vì ông cũng có lòng yêu nước. Ông đi kháng chiến cũng vì yêu nước. Ông bị loại ra ngoài lề xã hội này vì lòng yêu nước đã bị độc quyền mất rồi, ông không chen vào đó được.

Chị Diệu Mai lớn lên trong hoàn cảnh ba chị thất chí như vậy. Dĩ nhiên là chị buồn, chị đau khổ.

Trước hiệp định Genève, một hôm cận Tết, tôi đi lang thang trong vườn hoa phía tả ngạn sông Hương, sát đầu cầu Trường Tiền. Chỗ này là “chợ hoa ngày Tết”. Chợ Tết, chợ hoa, chợ hoa Tết cũng một nghĩa như vậy thôi. Dọc theo những lối đi rộng, người ta dựng vội mấy mái tranh mỏng manh, đủ che nắng mà không che nỗi mưa, vách là tấm phên tre oặt ẹo, cột bằng lạt tre vào mấy cây cột tre mới đứng vững được. Phía trước, trên mấy hàng kệ xộc xệch, trong những chậu sành cái còn nguyên, cái sứt mẽ, là những cụm hoa lan lá thon dài óng mượt, cánh hoa màu vàng màu tím tươi thắm rực rỡ. Hoa nào mà chẳng đẹp! Ðủ loại hoa trái: thủy tiên, thược dược, đào, mận và cả cúc vàng, cúc bạch, mặc dầu mùa thu qua đã lâu rồi, và ngày nay, lắm người còn đóng đồn, trấn lũy ngoài biên ải, trên núi cao, rừng rậm, ngồi trên chòi canh ở “ải xa…” đang “nương chốn hoàng hoa dặm dài” như trong Chinh Phụ Ngâm của bà Ðoàn vậy.

Tôi không thích các loại hoa kiểng ở đây. Và có lẽ ở đâu tôi cũng vậy. Tôi ưa cái gì tự nhiên, không thích cái gì cắt xén, bẻ cong, bẻ ngược. Cây là cây, cây vươn cao, tỏa rộng là vì tạo hóa sinh nó ra như thế, trong cái thế sinh tồn của Tạo hóa ban cho chúng; cây không thể là con thú, con rồng, con nghê… mặc dù tôi vẫn thầm phục sự khéo léo, công phu, kiên trì của người chăm trồng cây kiểng.

Thật vậy, chúng ta từng thích thú với bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” của Thế Lữ, và cũng đồng cảm với Thế Lữ khi ông gởi gắm tâm sự của ông cho con cọp trong cũi sắt:

“Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

Dĩ nhiên, tôi thích mai. Ở đây không có bạch mai, chỉ có hoàng mai. Ở trong Nam mới có bạch mai mà Tôn Thọ Tường gởi gắm tâm sự ông vào đó:

Cám cảnh cây mai đứng giữa đèo,

Cách trời mà chịu cảnh cheo leo.

Ðó là cây mai ở “đồn Cây Mai” trong Chợ Lớn, đường Hậu Giang. Có người cho rằng nó cũng không hẳn là mai mà là một loại cây mù u. Tội nghiệp ông Tôn Thọ Tường, tưởng là cây mai rồi đem tâm sự mà gởi cho cây mù u.

Chỉ có mấy cây mai được trồng trong những chậu lớn. Chắc phải khó nhọc lắm người ta mới mang chúng ra được chợ hoa. Ngoài mấy chậu đó ra, còn có mấy hàng đàn bà nón lá, áo tơi ngồi chồm hỗm xuống đất, tay cầm mấy cành mai nhỏ buộc lại với nhau, gộc xuống đất, ngọn lên trời, chờ khách đến mua.

Tôi gặp chị Diệu Mai ở chợ mai đó. Tôi hỏi đùa:

-“Chị là mai rồi, còn coi mai làm chi?”

-“Coi cho biết. Có điều chị thấy mai nào cũng không vui. Mai của mấy người đàn bà này là mai của người nghèo. Bán được tiền rồi về mua gạo, may ra còn dư chút ít mua vải may vội cho con cái áo tết.

Nghe chị nói, lòng tôi ngậm ngùi. Biết “mai của người” rồi, tôi không hỏi thêm về “mai của chị”. Ba chị ấy dang dở một đời như thế, hoàn cảnh của chị không vui, hỏi làm gì, chạm lòng người ta.

Một lúc, chị hỏi:

-“Chú có mai chưa?”

Chú là ông chú tôi, nơi tôi ăn nhờ ở đậu mấy năm nay để đi học. Dĩ nhiên, chú tôi, bác tôi là anh em, tuy không phải là anh em ruột.

Chị ấy biết tính ông chú tôi. Năm nào tết nhà ông cũng phải có hoa, không cần đào cúc mận gì hết mà chỉ một cành mai. Thế thôi. Năm đầu, mới ở nhà ông, tôi hơi ngạc nhiên về sự chọn lựa của ông. Tết là phải có hoa, đương nhiên, nhưng đào, cúc, lan.v.v… hoa nào chẳng được mà phải là mai. Lần hồi tôi mới thấy sự chọn lựa của ông là hợp lý. Chỉ có đào với mai mới có ý nghĩa đích thực ngày Tết. Nó mới chính là loại hoa của Tết. Nhưng đào là thú chơi hoa Tết của người Bắc; người Trung, người Nam thường ít chơi đào, vì khí hậu phía Nam không có cái se lạnh thích hợp với hoa đào chăng? Người ta chỉ chọn hoa mai cắm Tết. Nhà sang cả cũng mai, nhà bình dân cũng mai. Mai rất “phổ thông”. Giàu có thì một cành mai to tổ bự. Cành mai có to mới chứng tỏ được cái giàu, nghèo thì cành mai nhỏ bằng ngón tay cái, vài chục bông, cắm trong cái lọ sành từ đời ông cố hỉ nào đó còn sót lại hay cái bình đồng gò từ võ đạn “cà-nông”.

Những ngày cận Tết, có khi tôi và mấy đứa em con ông chú mệt vì cái thú chơi mai của ông. Chẳng bao giờ ông mua mai ở chợ hoa. Ông chê không đẹp. Anh em tôi léng phéng ở đó, có khi còn bị ông mắng:

-“Mấy đứa bây còn “dỏ” (nhỏ) mà coi hoa cái chi. Trai gái người ta lớn rồi, người ta muốn lấy vợ lấy chồng, ra chợ hoa để ngó “dau” (nhau). Bây còn con nít.

Anh em tôi nhìn nhau cười. Quả thật là ông nghi oan. Chúng tôi đi xem hoa là xem hoa thật. Còn hoa kia – hoa biết nói – thì chúng tôi gọi đùa là hoa giả. Gọi là hoa giả bởi vì chị Lài, sát cạnh nhà tôi, chị ấy “quá trời” lắm. Vậy mà có ai đến “coi mặt” xin cưới chị thì chị giả bộ ngây thơ, “rằng em còn bé lắm…”, khá buồn cười. Hoa thật không biết giả bộ như chị Lài đâu!

Năm ngoái, một người bà con ở quê nhắn lên nói sẽ cho ông chú tôi một cành mai cắm tết. Vậy mà mới quá ngày đưa ông táo, ông đã sai anh em chúng tôi về làng lấy cành mai. Dĩ nhiên ông chú tôi không về được, ông là công chức phe Quốc Gia mà làng quê tôi thì khá xa, khá quạnh quẽ, “Việt minh nhiều lắm”, làm sao chú tôi dám về. Chúng tôi thì về được. Vừa là học sinh, vừa là con nít, có bà con ở làng xác nhận tình trạng chính trị thì Việt Minh không bắt. Vã lại Việt Minh thì cũng dân trong làng chớ ai vào đó. Trước khi đi, ông chú tôi dặn kỹ càng:

-“Cành nào thẳng đuột thì đừng lấy. Thằng đuột là không ra mai. Võ có mốc xanh là tốt. Loại mốc này không làm hại cây nhưng làm cho cành mai lốm đốm, nổi hơn. Từ “bữa ni” (hôm nay) tới mùng một còn hơn một tuần, đừng lựa cành có bông nở hết, lựa búp vừa vừa, đầy mà chưa nứt tràng, tới ba mươi mùng một nở là vừa. Ði đường nhớ tránh gió, đụng mạnh là bông rụng hết. Chặt xong là đem về liền, để lâu mai mất sức.”

Làng tôi là một làng cổ, được hình thành đâu hồi thế kỷ thứ 15, đã bốn trăm năm, hồi chúa Nguyễn Hoàng mới vào Nam dựng nghiệp. Tổ tiên có lẽ là những lưu dân theo chân chúa vào Nam tìm đất sống. Từ đó đến nay, nhiều gia tộc đã vươn cao, nhiều dòng họ làm quan to trong triều, tới phụ chính đại thần.

Chú tôi bảo:

-“Hỏi chú Búa coi trên lăng họ Trương còn cây mai nào không hay “người ta” đốn hết rồi. Nếu còn thì chặt cho “bà dược sĩ” một cành. Lựa cành đẹp.”

Làng tôi là “làng thợ rèn” nên Búa, Ðe là tên thường đặt; có đứa còn bị đặt tên là “Thụt” nữa, chữ đầu của “thụt bệ” đấy. Bọn con nít hay đùa; hễ có đứa nào làm cái gì không nên trò thì bị chê là “thằng thụt bệ thợ rèn”. “Bà dược sĩ” là con gái cụ Án, cụ làm án sát hồi trước năm 1945, bà họ Trương nầy lấy chồng dược sĩ.

Họ Trương có nhiều người làm quan to trong triều đình, có người tới “quốc trượng”, có khu mộ riêng, có trồng mấy gốc mai. “Người ta” là Việt Minh, ghét họ Trương, cho là phong kiến nên Việt Minh thường phá phách những gì thuộc dòng họ này.

&

Tôi trả lời chị:

-“Chưa, có lẽ em phải về làng như năm ngoái.”

Chị Mai cười:

– Lặn lội chi cho xa, đạp xe đạp về làng cực lắm. Em là con trai mà cũng ốm yếu lắm, “mình hạc xương mai.”

Lời chị Mai làm tôi mắc cở. Con trai chẳng mấy ai ưa ẻo lã, như một cành hoa, xương xóc như con gái, như “một…cành mai” thì sống với đời thế nào được. “Mai cốt cách” là câu thơ Nguyễn Du tả chị em Kiều, “Phù dung như diện, liễu như mi” là câu thơ Lý Bạch ví von sắc đẹp của Dương Quí Phi, không phải tả hình dạng An Lộc Sơn.

Có khi hoa mai cũng là cái mốc thời gian:

Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió,

Hỏi ngày về, chỉ độ đào bông

Nay đào đã quyến gió đông

Phù dung lại nở bên sông bơ thờ

(Chinh phụ ngâm- ÐTÐ)

Ngày chàng (chinh phu) ra đi “mai chưa dạn gió” – ý nói mai chưa nở, xuân chưa tới – Hỏi bao giờ về, chàng hẹn “chỉ độ đào bông” – là khi hoa anh đào nở. Nay đào đã “quyến gió đông”, là hoa đào đã bay phất phơ trước gió Xuân rồi – theo kinh dịch mùa Xuân thuộc phương Ðông, Ðông quân, gió đông là gió mùa xuân – Hoa phù dung đã nở hết –“bên sông bơ thờ” -, mùa hạ tới rồi mà chưa thấy chàng về. Cũng như đời nay vậy, chàng hẹn “mai mốt anh về” nhưng chẳng bao giờ anh về.

Cũng hồi năm ngoái, sau khi tôi mang cành mai về rồi, bà thím tôi ra chợ hoa, mua về một xe ba gác nào lan, nào tắc, nào mận và cả hoa thủy tiên nữa chứ. Ông chú tôi không vui lắm – tôi đoán vậy – nhưng ông thông cảm vợ mà không nói ra. Nhà chú tôi bây giờ giàu có tiếng tăm vậy cũng là nhờ một tay bà buôn bán đảm đang tài giỏi. Dù sao thì bà cũng cần cho bà con xóm làng biết cái tài của bà một chút chớ, sao lại chỉ có một cành mai đơn sơ chưng trên tủ chè của ông. Bà mua một chậu thủy tiên về chưng bên cạnh cành mai và nhắc chú tôi gọt đẽo củ hoa sao cho nở đúng vào lúc giao thừa. Ông chú tôi ừ hử cho qua bởi tính ông cũng giản đơn, không thích những thứ lỉnh kỉnh cầu kỳ của thói nhà giàu.

Cũng vì cái sự giàu đó mà chị Mai mặc cảm, ít khi đến nhà chú tôi. Có vẽ như tôi là người được chị thông cảm và đôi khi chị bày tỏ vài tình cảm sâu kín của chị bởi tôi cũng là con nhà nghèo, tha phương cầu học và cũng không ít mặc cảm về sự nghèo hèn như chị.

Cầm cành mai, chị nói:

-“Chị muốn mọi nhà, nhà nào cũng có một cành mai cắm tết.

Rồi chị nhìn cái áo cũ tôi đang mặc, nói tiếp:

-“Trẻ em đứa nào cũng có áo mới mặc tết.

Hồi còn nhỏ, nhỏ lắm, tôi rất thích mai để cắm bình ngày tết. Nhà tôi nghèo, lại mồ côi cha sớm, chẳng năm nào mẹ tôi có tiền để mua một cành mai, dù nhỏ. Thế rồi có một năm, sau ngày tết Nguyên Tiêu mấy hôm, đi ngang ngôi nhà lầu ông P.Ch. Đông, tôi thấy có ông Tây, làm rể ở đây đem quẳng ra đường một cành mai nhỏ. Nhìn kỹ, thấy còn một bông chưa nở – chỉ một bông mà thôi – tôi bèn lượm về gọt lại cái gốc, cắm vào bình bông có nước pha với nửa viên aspirine. Mấy hôm sau, hoa nở, một bông hoa độc nhất còn lại trên cành hoa đã tàn. Vậy mà tôi vui lắm; một cành hoa mai độc nhất với một bông hoa độc nhất, lần đầu tiên xuất hiện trong nhà tôi.

Làng tôi, và cả dòng họ tôi nữa, nhiều gia đình rất quan quyền. Khi còn trẻ, cha tôi lưu lạc tỉnh xa, rồi cưới vợ sinh con ở đó. Khi tôi lớn lên, trở lại Huế để đi học, chú tôi thường bắt tôi phải có mặt tại nhà bà con những ngày giỗ kỵ để cúng lạy ông bà.

Vốn dĩ tôi đã không sinh đẻ tại Huế, lớn lên mới trở lại đây, thành ra những ngày giỗ kỵ ấy, khi ngồi vào bàn ăn, mấy bà bác, bà thím, bà chị vừa khoe tài nấu đồ ăn chay của họ – ăn chay mà cũng đủ món nem, chã, sườn, giò, “lòng trần chưa dứt”- vừa tỏ lòng thương hại tôi quê mùa, vừa tỏ sự chăm sóc con cháu:

-“Tội nghiệp nó (tức là tôi) không biết ăn chay đến nơi! Em phải trộn đồ ăn “như ri nì”, “làm ri nì”!

Sự “chăm sóc” của họ làm cho tôi tức mà không dám tức, giận mà không dám giận, muốn bỏ chén xuống mà về mà không dám về.

Sau những bữa ăn “tủi nhục” như thế, chị Mai bao giờ cũng kiếm tôi, tìm chuyện nói bâng quơ để an ủi. Và dần dần, chị trở thành “thần tượng” của tôi lúc nào mà tôi không hay. Chị là người tượng trưng cho lòng xót thương người nghèo khó, lòng từ bi chị học được ở chùa Diệu Ðế hay từ trong “Diệu” Mai tên chị, tôi không rõ; nhưng chị là biểu tượng của công bằng, sự bình đẳng giàu nghèo, sang hèn; ở chị không có ranh giới giữa quan quyền và dân giã, giữa người áo gấm và áo rách, giữa kẻ đi chân đất và người mang giày.

Tôi đang ngụp lặn trong những tình cảm cao đẹp đó thì bỗng nghe tin chị về quê và rồi theo Việt Minh tập kết ra Bắc ngay sau hiệp định Genève 1954. Chị theo Việt Minh, điều đó tôi không lạ. Ở thời kỳ đó, với tôi, Việt Minh vẫn còn là một cái gì đẹp đấy, là “độc lập dân tộc”, là “tự do”, là “ấm no hạnh phúc” cho mọi người, là mỗi nhà đều có một cành mai và trẻ em có áo mới ngày tết.

Tôi lớn lên ở Miền Nam, dần dần nhờ những kiến thức xã hội, lịch sử và chính trị mà trở thành người chống Cọng, thậm chí trở thành một “mầm non văn nghệ” trong làng báo chí chống Cọng ở Huế ngay khi tôi ngỡ ngàng bước chân vào trường đại học. Tuy vậy, mỗi năm, cứ ngày cận tết, tôi ra chợ hoa bên đầu cầu Trường tiền, vừa để xem hoa thật, hoa giả, hoa biết nói hay không, bao giờ tôi cũng nhớ tới chị Mai.

Bấy giờ, nhờ hòa bình, người dân Huế đã khá giả hơn nhiều, thành ra chợ hoa cũng mở rộng hơn. Chợ kéo dài lên tới gần Thương Bạc Viện, thêm nhiều loại hoa kiểng, cả những loài hoa giấy người ta làm một cách vụng về, những hoa ni-lông sản xuất ở Saigon, Hương Cảng. Hoa ni-lông mười cành giống nhau cả chục, không như mai thật, mỗi cành một vẻ. Nếu bây giờ chị Mai muốn mỗi nhà có một cành mai thì điều đó vừa dễ dàng vừa công bằng, cứ phát cho mỗi nhà một cành hoa ni-lông thì chẳng còn ai so bì nọ kia, cành to cành nhỏ, bông nhiều bông ít. “Cơ khí hiện đại”, “hiện đại hóa” đấy. Nó làm thui chột tình cảm và tư tưởng nghệ thuật người ta. Cũng may, mỗi người vẫn còn tên riêng của mình, chưa trở thành những hàng chữ số đơn điệu, vô duyên.

Khu hoa Mai bây giờ cũng phong phú hơn nhiều lắm, không những về lượng mà cả về phẩm, nhiều loại mai trước kia tôi chưa thấy: Mai tứ quí, mai năm cánh, bảy cánh, thỉnh thoảng có một vài cành mai bạch từ miền Nam xa xôi lạc lõng về đây, vài cành anh đào nội hóa, thay vì từ xứ Phù Tang sang đây thì nó lại từ Ðà lạt xuống theo những chuyến bay của hãng Hàng Không. Có điều lạ, sao có nhiều người thích mai đến thế. Chợ mai bao giờ cũng đông, nhất là mấy cô Ðồng Khánh, áo trắng, cặp da, trên đường đi học về ghé chợ xem hoa. Cũng giờ đó, nhiều anh “đón gió” ra chợ hoa, thay vì xem hoa thì lại xem người.

&

Tôi thì vẫn thơ thẩn một mình mỗi ngày trên chợ hoa, đến khu hoa mai, khó mà không nhớ tới chị Diệu Mai. Với Cọng sản Hà nội, tôi đã có lập trường chống đối, nhưng với chị Mai đang lưu lạc đâu đó ngoài Bắc, tôi vẫn thầm thương chị, người đã có chút tình thông cảm tôi trong cảnh học trò nghèo, người bao giờ cũng mong ước mọi người được bình đẳng, được no ấm như nhau. Không chừng, có khi tôi vừa thầm nghĩ tới chị vừa ngưỡng mộ Abraham Lincoln, vĩ nhân của Tự do và Bình đẳng.

Khi tôi vừa vào trại cải tạo thì chị Mai về Nam. Thay vì về Huế, chị vào thẳng Saigon. “Thành phố bác”, như chị gọi, là môi trường rộng để chị dễ hoạt động. Chồng chị là đại tá công an, đủ thế lực che chở chị buôn xe hơi, – cũ, dĩ nhiên – xe Honda, xe đạp từ Saigon ra Hà nội. Khi đã có cơ nghiệp vững vàng, nhờ “giải phóng miền Nam” chị thành lập một “hợp tác xã may mặc” – người Việt Nam thì may nhưng không được mặc, hàng chỉ để “xuất khầu” mà chị là chủ. Hợp tác xã đặt tên là “Chiến thắng” hay “Thắng lợi”, “Vinh quang” gì đó, y như kiểu Cọng sản sau khi “chiến thắng miền Nam”. Nhiều người bà con trong họ hiểu chị, gọi mỉa là “hợp tác xã” Thiên Tường. (1)

Chị ghé thăm mẹ tôi, và hỏi thăm tôi. Sau khi gở gần mười cuốn lịch, được tha về, rồi một dịp cận tết nào đó, tôi ghé thăm chị. Dù sao cũng phải một lần ghé thăm, đáp lại những tình cảm mà chị Mai dành cho tôi thuở xưa. Nhìn nhà chị ở, tôi đoán chắc chị cũng đã “quen nghề” như bà con bàn tán. Ngôi nhà lầu ba tầng trong một khu vực hầu hết là biệt thự. Nhà nầy là của một ông đại tá tỉnh trưởng chế độ cũ. Ông đại tá bị đưa ra Bắc cải tạo, bà vợ ông, theo một đường giây xuất cảnh chính thức, đã làm giấy bán nhà cho chị Mai với toàn bộ đồ đạc trong nhà mà không nhận một đồng xu để nhờ chị lo gấp giấy xuất cảnh.

Chị đón tôi trong phòng khách rộng và sang trọng với nụ cười không khác xưa lắm. Người chị phương phi đẹp đẻ, như mọi bà mệnh phụ thường thấy ở Huế xưa vậy.

Sau vài câu xã giao, chị hỏi:

-“Cậu đang làm gì? Gia đình có khó khăn gì không?”

-“Khó khăn thì không nhưng làm gì thì chẳng ai cho làm gì?”

-“Chắc ngày xưa, chế độ cũ, cậu cũng khá giả.”

-“Chị nghĩ là viên chức, sĩ quan chế độ cũ, tôi cũng như người ta, tham nhũng nhiều nên giàu có chớ gì. Không phải dzậy đâu! Chị lầm to đấy! “Bơ thừa sữa cặn”, làm sao mà giàu chị!”

Chị Mai có vẻ như không giận tôi câu nói mỉa đó, lại nói:

-“Thôi cậu, hơi đâu mà nghe “người ta” nói ngoài mồm. Tôi đã một thời dại dột.”

-“Ai mà chẳng dại chị. “Có dại mới nên khôn”. Tố Hữu làm thơ nói vậy mà. Nhưng ở đời, có những cái dại rất đáng yêu. “Mưa mãi mưa hoài, … tiếc thương đời trẻ dại”. Chị nhớ không, “Tiếc thương đời trẻ dại” mà. (2)

-“Tôi chẳng có gì tiếc. Ðời mở mắt mình ra rồi. Cậu thấy không, gia đình tôi là “gia đình cách mạng”. Nhưng “cách mạng” như thế này thì ai mà chẳng ham.

Tôi chỉ cành mai trong phòng khách, cười:

-“Hèn chi nhà chị có cành mai tổ bố này. Hết rồi, mỗi nhà một cành mai. Chị còn nhớ không?”

-“Có nhớ cũng chẳng muốn nhớ làm gì, cậu. Ai lo cho mình mà mình lo cho ai. Giả dối hết. Không ai thương mình bằng mình thương mình. Chị lo thương chị, thương con chị là điều trước nhất.

-“Thương con thì lo để đức cho con…”

Chị cướp ngang lời tôi:

-“Thôi, đừng phong kiến nữa cậu. Ðức nào cũng không bằng đô.”

Tôi như bị tạt nước vào mặt, không muốn ngồi lâu nhà chị nữa. Cái gì đã làm tâm hồn chị ung thối, tan rã? Xã hội Cọng Sản miền Bắc? Chủ nghĩa Mác-Lênin? hay cả hai đã kết hợp rất nhuần nhuyễn để triệt tiêu một tấm lòng cao thượng?

Tôi biết thế là hết, hết rồi. Phải chi tôi đừng tới thăm chị. Không tới thăm, một chút thần tượng … một cành mai chắc vẫn còn lại trong đáy lòng tôi, trong tiềm thức tuổi thơ của tôi. Tới đây rồi, thần tượng thuở niên thiếu của tôi hoàn toàn sụp đổ.

Không còn thần tượng, cuộc đời này thật vô nghĩa, còn ý vị gì nữa để mà sống cơ chứ.

Tôi tới thăm chị mà như thăm một nấm mồ lạnh lẽo giữa mùa đông giá vậy

hoànglonghải

(1) Tên một cửa hiệu lớn ở An Cựu (Huế). Nói lái là “Thương tiền”
2) Thơ “Mưa chi mưa mãi” của Lưu Trọng Lư.

304Đen - Llttm

No comments: