CÓ
NHỮNG MÙA XUÂN
Mặt
trời đã ngã về hướng tây, cơn nắng cuối mùa đông vẫn còn chập chờn trên cỏ cây
hoa lá, và ngọn gió lành lạnh làm giùn mình nổi ốc khi quét lên da thịt. Nhưng
cây cối ở vườn sau, ngõ trước đã nhú mầm để đâm chồi nẩy lộc khi tiết trời chớm
vào xuân. Mấy cây xoài năm nay trổ sớm đã có những trái non bằng đầu ngón chân,
bằng đầu ngón tay lẫn lộn với bông màu vàng nghệ. Những chùm cam sành đã mởn
da, sai quằn nhánh, cây bưởi thanh trà, cây quít đường sau nhà có những chùm,
da cũng đã thẳng. Có trái màu xanh pha phơn phớt vàng. Cây quít ta ở trước cổng
vào mới có trái chiếng. Mới lứa đầu nên quít không được nhiều, nhưng trái nào
trái nấy lớn gần bằng cái chén ăn cơm, vỏ màu vàng nghệ, nõn nà phơi phới nổi
bật, lồ lộ trong cành lá rậm rạp xanh biêng biếc.
- Bình An đâu rồi cháu? Chiều nay có đi lễ chùa
với bà không?
Tiếng
của bà nội từ trong nhà vọng ra. Con Bình An đang mê ngồi đánh búng hột me với
mấy đứa nhỏ hàng xóm ở ngoài sân. Nó vẫn không rời chỗ, mà lớn tiếng trả lời để
cho nội nó nghe:
- Dạ thưa bà có, mà chừng nào mới đi vậy bà?
Bà nội
bước ra hàng hiên, gom mấy tàu lá chuối xiêm phơi nắng dốt dốt để sáng sớm ngày
mai bà cùng con dâu gói bánh tét, bánh ít. Trước là cúng ông bà, sau cho con
cháu có ăn trong trong ba ngày Tết. Một năm chỉ có mấy ngày nên dù nghèo nhưng
cũng phải dành dụm gói ghém sao cho cái Tết được sum sê thì suốt năm mới được
dồi dào khá giả chớ. Sau cúng rước Ông bà là bữa cơm đoàn tụ của gia đình.
Trước khi chúng về, bà sẽ cho mỗi đứa vài đòn bánh đem về nhà để ăn Tết.
Bà nội
lên tiếng bảo:
- Vậy thì nghỉ chơi đi cháu, vào tắm rửa sạch
sẽ rồi đi kẻo trời tối.
Con Bình
An “dạ”, nhưng vẫn còn ngồi lì chờ cho hết bàn đánh búng với lũ bạn của nó rồi
mới chịu chạy u vô nhà.
Lọt lòng
mẹ mới có 3 tháng, Bình An được bà nội đem về quê ở làng Mỹ Đức Tây thuộc quận
Cái Bè (Cái Bè sau chia ra làm hai quận, làng Mỹ Đức Tây thuộc về quận Giáo
Đức) tỉnh Mỹ Tho, chắt chiu nuôi dưỡng. Bởi cô vừa bị sanh thiếu tháng, mẹ cô
lại nghe theo lời ông thầy bói ngồi dưới gốc cây bả đậu bên Giếng Nước (thành
phố Mỹ Tho), trên đường ra bắc Rạch Miễu để đi về chợ Bến Tre. Ông coi và nói
cho bà biết, hai mẹ con cô khắc tuổi với nhau phải sống xa, đến hết căn hạn mới
ở gần được…
Nhờ thế
mà Bình An mới được sống ở làng quê có cây lành trái ngọt, có dòng sông Mỹ Tây
êm đềm chảy qua đến ngã Ba Đình thì nhập vào sông Mỹ Đông cùng các nhánh sông
khác chảy vào Cửu Long Giang rồi đi ra biển Tân Thành. Nhứt là cô được ấp ủ
bằng tình thương yêu cưng chiều vô bờ bến của nội. Và cô được sống an an, bình
bình ở vùng quê Nam có nghĩa, có tình suốt quãng đời của thời thơ ấu.
Cho đến
mùa hè năm đó, ba mẹ đem Bình An về thành thị để sống chung với gia đình. Vì
tựu trường cô được vào học lớp 4, mà trường xã ở quê nội chỉ có từ lớp 1 đến
lớp 3 thôi.
Bình An khóc ròng,
dẫy dụa không chịu đi vì phải xa bà. Cô được bà nội dỗ dành cùng với lời hứa
hẹn của cha mẹ. Cứ vào những ngày lễ nghỉ, ngày Tết, hè (không đi học), thì
phải đưa cô về quê ở với bà nội. Mấy anh chị của Bình An thường hay trêu ghẹo,
xéo xắc, nhiếc mắng, háy nguýt bảo cô em gái nhỏ của mình:
- Mầy thiệt là ngu dại. Ngày Tết
ngày lễ ở thành thị vui và sướng hơn trong làng xã dưới quê nội nhiều chớ. Ở
dưới quê Tết có gì vui đâu mà ham về? Có năn nỉ cho thêm tiền tao cũng không
thèm… Tết ở đây bọn tao được ăn ngon, đi coi chiếu bóng, đi thăm vườn bách thú,
được mặc quần áo đẹp, và có lì xì…
Bình An không thèm trả lời anh chị mình mà trề môi liếc xéo lại họ. Rồi cô
nghĩ thầm trong bụng: “Vui cái con khỉ
khô á! Không biết gì hết trọi cũng nhiều chuyện! Chiếu bóng nói tiếng Tây,
tiếng u, cao bồi, đâm chém, hun hít… dù có phụ đề Việt ngữ nhưng cũng dở òm chớ
hay ho gì đó. Vậy mà cũng coi thiệt là uổng tiền! Còn ở vườn thú có mấy con khỉ
leo trèo, miệng khọt khẹt, ị đái tùm lum. Xí, bộ ở thôn quê không có lì xì sao?
Nội, cô, chú… họ hàng có lúa, có nếp, có trái cây bán đều đều nên cho còn nhiều
hơn. Mấy người bà con ở thành thị làm lãnh lương tháng, mọi thứ… cái gì cũng
phải mua có tiền dư đâu mà cho nên kẹo thấy mồ! Ngày thường không phải lễ, Tết
ở quê nội, trưa nắng cùng mấy đứa hàng xóm đi bắt chim, câu cá, bắt ốc… Chiều đi thả diều, bắt chuồn chuồn. Mưa giông đi
lượm xoài rụng, lượm cốc, mận… Ăn rau, cải, cá thịt tươi. Vào mùa lúa, đêm trăng
sáng bà nội, thím Hai nấu chè, nấu cháo ăn để đạp lúa trâu… Ôi biết bao nhiêu
cảnh êm đềm bao nhiêu thứ chỉ ở thôn quê mới có, chớ thị thành làm sao có được
đây?”
Cô tự cho mình nghĩ đúng, đắc ý khoái chí cười tủm tỉm một mình.
Trong
bữa cơm chiều hôm nọ, ba cô vui vẻ bảo cho cả nhà nghe:
- Tết năm nay nhà mình có mặt Bình An. Vậy mẹ
nó phải mua sắm thêm những món ăn Bình An ưa thích. Để nhà mình ăn mừng cái Tết
cả nhà được đoàn tụ...
Mấy anh chị vui mừng reo lên. Vì
những ngày Tết không phải học bài, sẽ được đi chơi, sẽ được mặc quần áo mới, sẽ
ăn được những món ngon… Cho nên chị nầy đòi may quần áo đẹp, anh kia bảo mẹ nấu
món mình ưa thích. Họ vui vẻ nói cười liếng láu với nhau
Riêng Bình
An không nói gì cả. Quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, và cơm vào miệng chan nước
mắt! Mẹ ngạc nhiên lính quýnh hỏi nhanh:
-
Tại sao con khóc, chuyện gì mà con khóc vậy?
Cô không trả lời lại khóc ồ lớn
tiếng hơn! Ba lấy làm lạ cũng hỏi vồn:
-
Tại sao con khóc? Mấy chị anh ăn hiếp Bình An của ba hả? Hãy nói để ba
đánh đòn chúng nó, nói đi con. Nầy các con, đứa nào ăn hiếp em?
Các anh chị mở to mắt ngạc nhiên!
Bình An tức tưởi, cô nói nhanh qua màn nước mắt:
-
Không ai ăn hiếp hết! Tết con phải về nội!
Con phải về quê nội ăn Tết. Con muốn ăn Tết với bà!
Mấy anh chị xì xò, háy ngúyt... Đứa
trề môi, kẻ méo miệng tỏ ý chọc ghẹo em mình. Ba cô hỏi:
-
Con đã ăn Tết ở quê nội bao nhiêu năm rồi. Năm nay ăn Tết với gia đình
mới vui con à. Nhứt là ăn Tết ở thành phố có chợ bán hoa, bán bánh mứt… Ngày
Tết có múa lân, đốt pháo bông, và còn nhiều thứ khác để vui xuân lắm…
Cô nhìn ba, phụng phịu cụt ngủn cắt
lời:
- Con muốn về quê ăn Tết. Tết ở thành phố không
vui chút nào hết!
Thấy con vẫn một mực đòi về quê ăn
Tết với mẹ mình, và ông cũng biết bà nhớ cháu lắm. Ba cô có ý nhượng bộ, ông
dịu giọng hỏi:
- Tết ở quê vui ra sao? Con kể
cho ba nghe. Nếu Tết ở thôn quê thiệt vui như lời con nói, thì ba sẽ cho con về
ăn Tết với nội.
Bình An
quẹt vội nước mắt còn đọng trên má. Nhưng nét mặt tươi rói, đôi mắt tròn xoe
sáng ngời nhìn cha, cô bảo:
- Ba có biết không? Mỗi năm từ mùng 8, mùng 9
tháng chạp là con theo chú Út đi lẫy lá các cây mai ở xa mương nước. Rằm thì
lẫy lá các cây sát mé nước. Như vậy nó sẽ trổ bông một lượt và đúng vào ngày
Tết đó ba. Bà nội cho giã gạo, xay nếp chứa đầy lu, đầy hũ từ cả tháng trước.
Con đi theo mấy chú tảo mộ ông bà. Nghĩa là làm cỏ và quét lá cho sạch sẽ để
ông bà dưới mộ mừng Tết đó mà. Sau khi cúng xong chú cho con hột vịt luộc cúng
trong bộ tam sên (gồm có 3 món: thịt ba rọi, tôm càng, hột vịt luộc chẻ hai).
Còn tôm và thịt thì đem về để bà nội trộn gỏi bắp chuối. Bà còn đặt bác Hai ở
xóm trên tráng bánh tráng nhúng nước, bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt. Quết
bánh phồng nếp, bánh phồng khoai. Nhổ cải bẹ xanh có ngồng trổ bong vàng trồng
ngoài liếp vô làm dưa. Sáng ngày 23 tháng chạp, bà nội hối thím Tư nấu chè, nấu
xôi… Chú Tư hái trái cây tươi tốt, đợi đến nước lớn chiều bà cúng đưa ông Táo
về Trời. Nhà nhà đều cúng! Mùi hương, trầm, nhang, hoa quả, thức ăn theo gió
phảng phất nồng nàn ấm cúng từ nhà nầy qua nhà khác, xóm nầy qua xóm khác, làng
nọ qua làng kia...
Bình An
thấy vui trong lòng, vì anh chị không chọc ghẹo mình nữa. Cô tiếp:
- Những ngày cận Tết từ đầu làng đến cuối thôn
mọi người quét dọn, sơn phết, trang hoàng nhà cửa từ trong ra ngoài sân sạch
sẽ, vẻn vang, mát mắt… Miễu thờ ông Thổ Thần bên vàm rạch được thay giấy hồng
đơn, vẽ chữ mới, cúng bánh trái, mứt, trà, rượu. Trong nhà cái bếp, hỏa lò,
nồi, cột nhà, lu, hũ, bàn, ghế, giường ngủ, cột nhà vv… Mọi thứ đều được bà nội
cho cắt giấy đỏ (giấy hồng đơn) hình vuông dán lên hết để mọi thứ đều được ăn
Tết. Ngoài sân thì các cây mận, xoài, cam, quít, bưởi, ổi, dừa, cau… Tất cả các
loại cây bên ngoài cũng đều được dán giấy đỏ, để ăn Tết như các đồ vật trong
nhà vậy đó ba…
Bình An
say sưa kể. Trong khi các anh chị nhíu mày, chu mỏ chú ý lắng nghe. Ba mẹ cô
nhìn nhau gật gù cười chúm chím. Cô hồn nhiên khua tay, đá chân, mắt ngời sáng
thao thao lấy giọng, tiếp:
- Ba mẹ còn nhớ chú Tám Kẹo không? Chú Tám khéo
tay nên bà nội năm nào cũng nhờ chú chưng dùm hai dĩa lớn trái cây (mâm ngũ
quả) có: Cầu, dừa, đủ, xoài, dâu, thơm… Nhưng không được cúng trong mâm ngủ quá
các loại chuối. Ba má có biết tại sao không? Vì chuối nhũi… năm mới không tốt
đâu đó!
Ba cô
đang hớp ngụm nước. Không kềm được trước những lời dí dỏm của con, ông bật cười
làm nước văn tùm lum. Ngại làm con gái mất hứng, má cô đỡ lời:
- Ụa bộ có vậy sao con?
Bình An mỉm miệng cười rạng rỡ, gật
đầu:
-
Dạ, đúng như vậy. Con thấy những nhà lân cận không ai cúng chuối trong
ngày Tết. Bà nội luôn dặn những người trong nhà ngày tư ngày Tết phải giữ gìn
lời nói bởi: “Lời nói không mất tiền mua,
lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Mặt mày phải vui vẻ, ăn nói ngọt ngào,
có tình có nghĩa để từ đầu năm cho đến cuối năm mới được an lành, may mắn. Ở
thôn quê người ta làm lạp xưởng, gói bì, gói nem, gói bánh tét, bánh ích chớ
không phải đặt mua như ở thị thành. Sáng 30 Tết bà nội kho thịt, cá, trứng với
nước dừa xiêm. Làm chả, trộn gỏi, chiên bánh phồng tôm “Sa Giang” ngon đáo để.
Bà cho nấu rất nhiều món ăn để cúng rước ông Táo. Cúng rước ông bà về ăn Tết
với gia đình, cháu, con…
Bình An
dừng lại, mặt đầy vẻ hân hoan:
- Ba à,
tối đêm Giao thừa con theo nội đi hái lộc ở chùa thật là vui. Chùa từ trong ra
ngoài rất đông người đến cầu phước, cầu an mong năm mới toàn gia được: “Tấn thời, tấn lộc, tấn bình an”. Bên
Công Giáo thì giáo dân đến giáo đường ở nhà thờ. Đúng giờ Giao thừa, tiếng
chuông nhà thờ, trống, chiêng, đại hồng chung, tiếng mõ, chuông… rền vọng khắp
chốn. Ôi! không gian trong giờ đón Giao thừa ở làng thôn thiệt là thiêng liêng,
ấm cúng vô cùng đó ba ơi…
Bình An
khi thấy anh chị mình chăm chú lắng tai nghe, phấn khởi trong lòng cô cười mỉm
chi:
- Từ mùng một Tết đến mùng bốn Tết. Chu mẻ mẹt
ơi, mọi nhà mỗi ngày cúng những món ăn ngon tuyệt trần:
*Mùng một Tết cúng
chay, nội làm gỏi cuốn chay, chả giò, đậu xào, canh chua, mì căn kho sả ớt, đậu
hũ chiên chua ngọt… Tất cả những món chay nội nấu cúng, ăn ngon vô cùng.
*Mùng Hai cúng bánh
hỏi, thịt heo quay nóng hổi da còn dòn khưu khứu và bánh bò đổ bằng đường cát
trắng tinh. Có cả cháo vịt luộc chấm nước mắm gừng nữa.
*Mùng Ba cúng gà xé
phai trộn gỏi bắp chuối. Chưn gà để nguyên phơi khô ra Giêng nội nhờ ông Ba
đoán quẻ ở làng bên coi nhà cửa, làm ăn, cây trái… trong năm có được tươi tốt
không.
*Mùng Bốn cúng Tất.
Các món ăn, cùng bánh kẹo được bày ra cúng ở ngày nầy.
Cô dừng
lại uống ngụm nước, liếc mấy anh chị mỉm cười:
- Ở thôn quê, những ngày tư ngày Tết con cháu
đưa gia đình đi thăm viếng ông bà, cha mẹ, họ hàng để đền ơn, đáp nghĩa. Họ
cùng vui xuân trẩy hội, ở chùa, ở đình, hoặc ở nhà thờ… Đó là tùy theo tôn giáo
của mỗi gia đình. Từng nhóm, từng nhóm trẻ, già, trai thanh, gái tú, áo quần
mới đủ màu đủ sắc: hồng, xanh, đỏ, tím, vàng… Tóc chải vẻn vang, trâm cài lược
giắt. Người nào mặt mày cũng tươi vui, hớn hở đi rải rác khắp các nẻo đường
quê. Gia đình nào đông con nít thì họ chèo ghe, hay bơi xuồng trên sông, trên
rạch… Gặp nhau ai nấy cũng vui vẻ hỏi chào. Tay bắt mặt mừng, dáng điệu tao
nhã, lời lẽ lịch thanh, và không quên chúc lành chúc phúc cho nhau từ đầu năm
đến cuối năm. Còn nhiều, còn nhiều lắm ba mẹ ơi… Con đã có những mùa xuân đẹp ở
quê nội. Nếu ai có thời sống trong làng xã ở thôn quê mới biết, mới hưởng được
cái đậm đà thắm thiết của những ngày Tết Nguyên Đán. Và chỉ ở thôn quê mới có
và thấy được mùa xuân rõ rệt.
* Trước
ngày Tết Nguyên Đán năm 1968, Bình An về nhận việc ở thành phố Mỹ Tho. Ôi, đó
là mùa xuân tang thương! Khi giặc tràn đến nơi nào thì nhà cửa đổ nát, tan
tành, thê lương! Nhứt là hai bên đường từ ngã ba Trung Lương chạy dài vào thành
phố.
Cô còn
nhớ mấy ngày trước Tết, nơi đây là những ngôi nhà khang trang, những ngôi biệt
thự có sân trước vườn sau trồng hoa thơm, kiểng lạ, cây ăn trái, và những hàng
quán bán buôn sầm uất dọc theo hai bên đường. Nhưng hôm nay mới mùng bốn Tết
Mậu Thân, đó là ngày cúng Tất! Trước mắt cô tiêu điều, hắt hiu, thê lương, ảm
đạm! Và ai đi qua chốn đó vẫn còn nghe khen khét mùi cây cột cháy xém, mùi heo,
gà, chó… gia súc bị chết cháy… Và biết đâu có cả thân thể con người bị cháy
trong đống than hồng còn âm ỷ, hay lẫn lộn trong đống gạch vụn đâu đây! Nhớ
đến, cô còn rùng mình sợ hãi tưởng chừng đã bỏ mạng trong những trận mưa pháo
dập vào thành phố tối đêm mùng một rạng ngày mùng hai Tết! Sau những tràng pháo
kích nổ long trời lở đất, rồi tiếng kêu la cầu cứu của những nạn nhân, hòa với
tiếng khóc thảm thiết của thân nhân người mới chết.
Trong
trận thảm sát Tết Mậu Thân, giặc đã giết biết bao nhiêu vạn người từ Bến Hải
đến Cà Mau! Gia đình Bình An đã chịu nỗi đau sầu về cái tang chung đó. Con bà
dì ruột của cô là giáo sư Tân và đứa con trai 2 tuổi cũng tử vong trong cái Tết
thê lương nầy.
* Bình An
kết hôn vào mùa xuân năm 1969. Phu quân cô là anh chàng lính chiến miền xa
thuộc Sư đoàn 21 Bộ Binh, có biệt danh là Sét
Miền Tây. Tiền đồn của chàng trấn giữ mãi tận Cà Mau, miệt rừng U Minh
Thượng, U Minh Hạ. Kể từ đó, cô mới biết, mới thấu hiểu thế nào là nỗi nhớ
thương của một chinh phụ lo sợ cho sự an nguy của chồng. Và sự trống trải quạnh
hiu của gia đình trong những ngày xuân chồng xa nhà!
* Mùa
Xuân năm 1970 bóng chồng vẫn miệt mày chốn sơn khê. Đến mùa thu năm đó, Bình An sanh đứa con gái đầu
lòng.
* Cuối
đông, đầu Xuân năm 1971 Bình An sanh thêm đứa con trai. Nàng được tin chồng qua
những cánh thư từ tiền tuyến đưa về. Lúc thì chàng ở Tịnh Biên, nay Châu Đốc,
mai Vị Thanh, Cờ Đỏ, Tháp Mười, Phước Thành… Vì Quê hương chinh chiến, mẹ con
nàng sống trong phập phồng âu lo cho sự an nguy của chồng của cha!
* Mùa xuân
năm 1972. Rồi vào hè năm đó, phu quân của Bình An và đồng đội kéo quân về giải
tỏa An Lộc. Chàng bị thương, và giải ngũ vào Tết năm 1974.
* Mùa Xuân
năm 1975. Sau ngày 30 tháng 4 miền Nam bị giặc cưỡng chiếm. Nước Việt Nam hoàn
toàn rơi vào tay Cộng sản. Cùng chung số phận những quân, dân, cán, chánh của
Việt Nam Cộng Hòa, chồng của Bình An cũng bị giặc đày vào tù, mà bọn chúng đã
đặt cho một cái tên hoa mỹ hay ho là “Học tập cải tạo” Sau nầy, có khi cô
nghĩ rằng suốt cả cuộc đời còn lại của chồng, của những người cùng chung số
phận bị giặc đọa đày. Khi nào đó vô tình nghe ai nhắc đến, hay bất chợt nhìn
thấy mấy chữ “Học tập cải tạo” là tâm
hồn họ sẽ nhức nhối, máu uất hận tràn dâng(?)
* Mùa
xuân năm 1979. Gia đình của Bình An gồm có chồng và hai con (một gái, một trai)
không đón, nhưng mùa xuân vẫn đến trên trại tỵ nạn Cộng sản Đông Nam Á Galang ở
Nam Dương quần đảo. Gió xuân phơi phới thổi qua vùng hải đảo có những người
Việt đi tìm tự do. Trại tỵ nạn có giáo đường trong nhà thờ vang vang lời cầu
nguyện và tiếng thánh ca. Trong chùa, nơi Phật đường tiếng mõ câu kinh, có lời
chân thành cầu nguyện quyện. Hương trầm nhang hòa theo gió bay cao.
Ở hải
đảo không chờ mà xuân vẫn đến. Họ đón xuân không có hoa cúc, hoa mai, không dưa
hấu, bánh tét, bánh ích, dưa cải, dưa giá, cá kho… Nhưng họ đón xuân bằng cả
tấm lòng! Ở trại có mấy chục ngàn người tỵ nạn, thì có bấy nhiêu nỗi thống khổ
của kẻ bỏ nhà, bỏ nước, liều chết vượt hiểm nguy trên biển cả để bôn đào.
“Phàm con người là thế
đó! Có tự do trong tay không biết giữ gìn! Để khi mất rồi phải chạy đi tìm có
khi bị mất cả tánh mạng!”
* Mùa xuân năm 1980, Chicago
là thành phố của tiểu bang Illinois thuộc về miền Trung Tây nước Mỹ. Và nơi đây
nổi tiếng là một trong những vùng về mùa đông lạnh nhứt nước nầy. Cái Tết đầu
tiên gia đình Bình An được tiếp đón bằng một trận bão tuyết kéo dài cả tuần lễ.
Các trường học, chợ búa đều đóng cửa. Chánh phủ chở đến từng thùng thức ăn, từ
đồ hộp, thịt thà, trái cây, rau cải… Để ở các ngã tư đường kêu gọi dân chúng
đến lấy về ăn.
Ngồi
nhìn tuyết rơi phai phái ngoài trời qua khung cửa kiếng. Bình An hồi tưởng về
những sự việc đã qua. Nhớ lúc giặc tràn vào, cô bị mất việc, nhà thiếu ăn, thêm
buồn rầu chồng bị cầm giam trong tù cải tạo. Cộng vào đó bị dồn dập nắng gió,
ốm đau, hãi hùng trên đường vượt biên bôn đào. Nỗi âu lo, sống thiếu thốn lây
lất những tháng ngày ở trại tỵ nạn nơi hải đảo. Nên sau gần 6 năm trời gặp lại
bà chị (đi du học trước ngày nước mất, ra đón ở phi trường) Hai chị em mừng tủi
ôm nhau khóc sướt mướt. Câu đầu tiên của chị hỏi cô em gái Bình An của mình
rằng:
-
Bộ bên nhà khổ lắm hả? Sao trông mầy teo nhách và như con gà tử mị vậy?
Mầy còn già hơn cả bà Sáu Lé gánh nước mướn trong xóm trước khi tao rời nước.
Chị của Bình An thật tình hỏi em!
Bởi bà Sáu Lé gánh nước 8, 9 năm về trước đã già cúp bình thiết, lưng khòm, ốm
tanh ốm hôi mà chị em cô thường gọi lén bà là bà Sáu Teo Héo. Nghe chị hỏi mình
như vậy, làm cô nàng tủi thân vừa khóc rấm rứt mà mắc tức cười. Cô gật gật đầu
trả lời chị:
- Khổ, khổ lắm! Không khổ thì làm sao phải trốn
chui trốn nhủi để liều chết bỏ nước mà ra đi cho đành?
Thân hình Bình An đã ốm còi, ốm cọc
như chị mình nói, mà gặp phải cơn bão tuyết có gió lạnh trừ 60, trừ 70 độ. Có
hôm trời lạnh trừ 20, trừ 30 độ F. Lò sưởi trong nhà chạy xầm xập 24/24 giờ. Eo
ơi, vậy mà vẫn lạnh tái, lạnh tê. Hồi tưởng những Tết Nguyên Đán nơi quê nhà, lòng
cô càng xao xác, nhớ thương.
Cộng Sản
cai trị cả nước Việt Nam đã mấy mươi năm rồi. Người Việt lưu vong cũng đã có
bấy nhiêu mùa xuân xa xứ! Theo dòng thời gian và vận nước nổi trôi, cô bé Bình
An năm xưa bây giờ đã đổi thay. Cô đã đổi thay dáng vóc, sắc diện. Cô có nét
nhăn trên vầng trán, mắt phải mang kính mỗi lần đọc sách hoặc nhìn xa. Mái tóc
bồng đen xõa quá bờ vai đã đổi màu… Nhưng tình quê hương vẫn nung nấu, nỗi nhớ
thương vẫn se thắt cõi lòng và đã bám theo cô suốt quãng đường lưu lạc. Những
mùa xuân xa xứ lần lượt trôi qua, vui ít, buồn nhiều. Bình An mơ ước có một
ngày quê hương tàn bóng giặc…
Tết năm
nầy cô không còn đón xuân ở vùng trời hắt hiu lạnh giá Chicago nữa. Vì lý do
sức khỏe của phu quân, gia đình cô đã dời về tạm cư ở vùng nắng ấm California.
Nhưng Bình An cảm thấy tâm hồn mình luôn xót xa, nhớ thương thắt thẻo. Vì “Nắng nơi đây vẫn là nắng ấm. Nhưng không
sao bằng nắng ấm quê hương…”
Tệ
xá Diễm Diễm Khánh An
No comments:
Post a Comment