Tuesday, January 24, 2017

Ván Cờ Khai Xuân - Phùng Cung


VÁN CỜ KHAI XUÂN

 


    Sáng nay mồng một tết. Trời bỗng đổ mưa rào, sân nổi bong bóng, chừng giập bã trầu thì ngớt và, chuyển sang lâm thâm nguyên đáng mưa xuân. Tiếng pháo mừng năm mới xa gần không được giòn giã. Hẳn bàn tay thiên nhiên quyết ghìm bằng được cái thời tiết bất kham phải theo đúng luật lệ khi mùa về. Từ cuối tháng chạp, người ta bấm lịch kháo nhau sang năm mới chỉ mỗi ngày mồng một tết là tốt nhất trong tháng, thành ra vội vã nhiều mặt, nhất là việc khai xuân làm ăn cho cả năm.
   
Sau bữa cỗ đầu xuân sáng nay đề huề đầm ấm rất nguyên đán của gia đình, riêng ông Ba Thiềng không được hoan hỉ. Trên thửa mặt chữ dụng của ông ưng ửng quấn quýt hai mùi, rượu từ da mặt, hương từ bàn thờ lan toả có mức độ. Ông Ba ngồi thu hai tay trong áo kép nhìn trời, khẽ lắc đầu than phiền một mình: “Năm nay làm ăn khó khăn đây, năm con gà mà!” Ông băn khoăn cho một dự tính cả năm. Ông chặc lưỡi mấy lần, như quyết đáp, như buông trôi rồi đâm ra buồn ngủ. Ông vào buồng, lên giường kéo chăn kín mặt, mang theo mọi suy nghĩ vào giấc ngủ. Chỉ sau một lúc, chừng đun sôi một siêu nước đã có tiếng ông ngáy trầm trầm trong chăn.
   
Ông Ba Thiềng là người khôn khéo, phải nói là quá khôn khéo. Xung quanh quí mến ông - bớt đi cái tên cúng cơm, chỉ gọi ông là ông Ba - Vùng này người ta hiểu sự khôn khéo là đạo đức! - Một thứ đạo đúc tân thời? Quý lắm!
Ông Ba cũng gốc gác người làng Việt này - Cái tên làng khá đẹp! - Làng tựa lưng vào một con đường quan báo, đồng ruộng không nhiều. Hầu hết bà con trong làng quanh năm đòn gánh trên vai, chợ xa, chợ gần tảo tần. Cung cách làng Việt na ná làng chợ Dầu - Từ Sơn. Người vợ phải để chồng ngược xuôi vất vả thì lấy làm xấu hổ thua kém chúng bạn. Bởi vậy các ông chồng chỉ ở nhà trông con, trông nhà, rỗi rãi, thậm chí lông nhông cờ bạc cò con - Nói là an nhàn sung sướng cũng được, nói là hèn, bám đòn gánh vợ cũng chưa sai.
   
Làng Việt cũng nhiều phen ly tán vì nạn vỡ đê, đói kém. Nhất là nạn đói từ khi lính Nhật đặt chân qua tỉnh, qua làng. Dân tình đói đứng, đói ngồi lại lâm dịch “nước nóng” - Vùng này người ta kiêng sợ tiếng dịch tả mà gọi trệch như vậy - Làng Việt mười phần chết quá nửa. Nhiều gia đình bồng bế tha phương. Thời buổi thiên hạ đâu đâu cũng nhao lên vì đói, chạy vòng quanh như đèn cù. Người làng Việt kéo đi nơi khác thì người nơi khác kéo đến trú ngụ.
Vận hội hồi sinh! Người làng Việt ít nhiều gia đình lại lục tục lần về quê cha đất tổ sinh sống. Làng vẫn duy trì được cổ lệ, mặc dù hôm nay tất cả mọi gia đình không phải ai cũng đều chôn nhau, cắt rốn ở đây - Một làng mà không ít những giọng nói nặng nhẹ khác nhau.
Ông Ba dạt đi từ bao giờ, làm gì, ở đâu, chẳng mấy ai biết. Người làng Việt chỉ thấy ông Ba bỗng nhiên xuất hiện ở làng từ trước ngày Nhật đảo chính Pháp chừng vài bốn năm. Khi ấy ông Ba đã bước sang tuổi già, nhưng còn tráng kiện lắm! Giọng nói của ông hơi lơ lớ hạ phang hoặc mán, Thổ. Người ta ai cũng nghĩ ông Ba có võ Tàu.
   
Nhà của ông Ba kề ngay đường quan báo, dưới bóng mấy cây quếch - một thứ cây lá rậm xanh thẫm, gần như không chịu đổi lá - Tán lá đan chen mát rượi bên cổng làng thẳng lối sang chợ Kiệu. Từ nhà ông đến chợ Kiệu cách nhau quãng nửa tầm mót đái, đi, về. Ông Ba vảy thêm một cái chái làm quán bán hàng, đón lõng những bà con đi chợ hay quên, đón lõng những ngày không có phiên chợ, đón lõng khách vãng lai - Nói theo thuật ngữ quân sự nhà ông chốt đúng trọng điểm - Việc làm ăn dựa vào quán hàng, ông chỉ là người cầm cương, không trực tiếp. Ông coi đó là việc của gia đình cũng như bao gia đình khác trong làng. Bản thân ông Ba muốn và đã được xung quanh hiểu ông là người chuộng thanh cao, giản dị.
   
Ông Ba thích quảng giao, thích gần gũi mọi người, mến trẻ con nhưng không muốn gần... Hàng bày bán trong quán cũng sơ sài, toàn là hàng khô: ít cân đậu, lạc, vừng, ít quả trứng vịt, và cũng có kẹo thì phải. Tóm lại không đáng bàn tính. Cái mà ông Ba đáng để tâm là ở những việc khác. Bên trong, ông Ba kê một phản con sớm, chiều pha trà ngồi uống để thêm thanh tâm, phần nào tạo phong cách. Bên bàn trà ông luôn bày sẵn một bàn cờ tướng. Ông thường bày thế chơi một mình. Chủ yếu là để luyện trí, mặt khác để khách vãng lai, loại khách ô, nón, râu ria thấy vậy tạt vào nghỉ chân, máu cờ gặp nhau, cùng ông chơi vài ván giao tiếp. Ngoài ra là để dạy cho thằng con út, thằng Văn, sau khi đi học về, sau khi làm xong việc vặt.
   
Thằng Văn là một đứa con thông minh, học bao giờ cũng đứng thứ nhất, thứ hai lớp, ít nói. Ông Ba tâm đắc với con lắm! Nó ngoan ngoãn, vâng lời, tôn kính ông là lẽ đương nhiên. Nhưng ông xem ý đôi lúc trên mặt thằng Văn biểu hiện buồn rầu. Phải chăng ông cho đó là cá tính. Thằng Văn mới tuổi mười hai, vào lứa tuổi đang sấc lấc, khác hẳn tụi trẻ trong làng.
Tụi trẻ trong làng luôn ồn ã dưới bóng quếch, nhất là về mùa hè. Chúng bẻ lá quếch gài thành mũ đội chơi, chúng nhặt hoa quếch đỏ như máu chó, xâu thành vòng đeo cổ - trông cũng đẹp - Đứa có tiền thì mua kẹo ăn, đứa không có tiền thì xin bạn, hoặc đứng xem bạn ăn kẹo. Mũ lá quếch, vòng hoa quếch cũng trở thành thứ hàng đối lưu với kẹo. Ông Ba luôn khuyên nhủ chúng dăm điều, những là thế này, những là thế kia, nghe có đầu có đuôi lắm! Lời ngon cũng có mà kẹo ngọt cũng có, dần dà trẻ con trong làng đứa nào mới nứt mắt cũng đã biết tiêu tiền. Tất nhiên các ông bố, bà mẹ đều bực mình nhưng chả ai nỡ nghĩ quán hàng nhà ông Ba, bản thân ông Ba đã tạo nên một lớp trẻ chưa sạch máu đầu đã biết đấu khẩu với người lớn, đã ăn cắp; dối trá, mất dạy!...
Ai là người chịu trách nhiệm cái hậu quả này? - Nói theo cách nói của đồng bào rẻo cao - Khắc nghĩ, khắc biết - khỏi phải nhiều lời.
Tụi nhóc hầu như đều có tâm lý hướng ngoại - sự răn đe, kèm cặp của cha mẹ đối với chúng - như cây non bị cớm bóng cây to. Lời cha mẹ thì tai này qua tai kia nhưng lời của người ngoài là chúng ồ ạt làm theo một cách hứng khởi. Chúng quần tụ bên cổng làng, dưới bóng quếch, quanh quán ông Ba. Kể ra cũng vui! Chả mấy đứa sán gần phía bàn cờ, bàn trà bên trong của ông Ba, của người lớn.
   
Không có ngày tháng để ghi nhớ sự tụ hội quanh bàn cờ của ông Ba. Nếu nhớ được vào hàng năm là cái kỷ niệm thiết tưởng cũng hay hay - Muốn thì ngày tháng nào mà chả được, dễ thôi, ông Ba mà phát lời thì răm rắp ghi nhận - Những lúc ông Ba tiếp cờ với khách vãng lai, sự dỗi dãi của đám trai làng men đến, xúm quanh bàn cờ. Họ cũng tập tọng đôi ba nước. Sự cao sang tìm lối nhiễm vào làng ham thích từ lúc nào không biết, nhiều người muốn học. Người muốn theo học có thể gọi là đệ tử được lắm chứ. Chân phương, mộc mạc khai tâm ngón phong lưu: “Mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách v.v...” lời chỉ bảo của ông Ba, chẳng mấy lúc đã trở thành phổ biến khắp làng Việt. Như dầu loang, như nước lũ, trong làng từ đáo tuế trở lên không mấy ai không biết chơi cờ, thậm chí cả trẻ con cũng nhiều đứa đã sạch cản. Trong làng không ít gia đình đua nhau sắm bàn cờ. Hễ có đám cưới, đám tang, mừng thọ cùng là đám giỗ, vượt thổ, lợp nhà, cứ có cỗ bàn, là có bày bàn cờ. Người ta túm tụm quanh bàn cờ, mách nhau nước đi, nước chiếu đến là náo nhiệt. Ngay cả các bà, các chị trong câu chuyện làm ăn, chợ búa cũng xen cả chuyện cờ, cũng đánh giá người này cao người kia thắp, kẻ hay xe, người giỏi pháo v.v... Làng Việt hôm nay có thể gọi là làng cờ. Tiếng tăm làng Việt, tiếng tăm ông Ba xa, gần đều ngưỡng mộ. Nghe đâu cũng có kẻ dấu mặt buông lời đố kị bài xích nào là ông Ba là một tay cờ gian có hạng, nào là con rơi, con vãi không ít và vân vân và v.v... Thực hư thế nào thì không biết, người làng Việt hầu hết không cần biết. Không vì thế mà danh ông Ba giảm thơm. Cái xứ này thằng chột đã lên ngôi thì điều dở cũng có thể chế biến thêm thắt để tạo thành giai thoại!
Không phải ngẫu nhiên, mà nghiễm nhiên ông Ba Thiềng là người đặt nền móng, là người giữ vai trò sáng lập nền kỳ tửu của làng Việt - nối dòng văn hiến!
Quán ông Ba thì chuyện lớn, chuyện nhỏ, chuyện cổ, chuyện kim, chuyện kín, chuyện hở từ làng Việt đến mấy làng lân cận. Thậm chí chuyện xứ Đông xứ Đoài tất tất đều va tai chạm miệng ông Ba...
   
Cứ xuân sang, đang độ sung mãn của cành đào, tấm bánh, làng Việt lại tổ chức đấu cờ thi tài. Trước ngày đấu cờ, ông Ba đều chọn ngày khai xuân một ván - tất nhiên ông Ba chỉ có thắng - làm điểm tốt cho cả năm. Cái đó đã trở thành bất di, bất dịch. Cũng phải nói thêm rằng ai dám thắng ông?...
Năm nay, sự thư thái của ông Ba bị chao đảo!
   
Trong chăn trùm kín mặt, nhịp ngáy của ông Ba vẫn lúc to, lúc nhỏ, lúc nổi lúc chìm. Ông mơ gì, nghĩ gì có thánh biết. Trong gia đình nền nếp không nhiều người này, biết ông đang ngon giấc không ai nỡ nói to, cười to, thậm chí khách đến mừng tuổi biết ông ngủ cũng một niềm tôn trọng lặng lẽ khi đến cũng như lúc cáo từ ra về, lòng vẫn đầy ắp mãn nguyện, đã làm trọn nghi thức cổ truyền.
Quãng cuối Ngọ, đầu Mùi gia đình bỗng nghe tiếng ông Ba cười to, tiếng cười quen thuộc mỗi khi ông gặp may hoặc có chuyện thật vui. Thằng Văn ngỡ bố mê ngủ. Nó nhảy vào buồng vừa cất tiếng khẽ gọi, ông Ba đã tung chăn, phắt dậy. Mặt mày ông tươi tắn, trông đẹp hơn ngày thường nhiều, biểu lộ một sự khoái trá tột độ. Cả nhà hớn hở vui theo. Cái không khí đầu xuân tràn ngập nhà không đủ chỗ chứa. Trên bàn thờ, vòng hương khiêm nhường đón chấm than hồng thầm lặng, quấn quýt bên mâm ngũ quả - cõi gia tiên thơm sáng. Ông Ba nhớ lại trong chiêm bao. Ông ngồi tiếp cờ với một khách lạ sang trọng. Cả hai ván ông đều đánh bại đối phương bằng thế pháo lồng, khiến đối phương phải quỳ vái tôn ông là bậc kỳ danh trong thiên hạ. Ông Ba lấy làm sung sướng, sướng từ trong chiêm bao đến khi tỉnh giấc vẫn còn dư âm chiến thắng.
   
Ông Ba hỏi thằng Văn trong lúc ông ngủ có ai đến không. Thằng Văn kể lại cho ông biết là nhiều người đến chúc tết. Các bác, các anh trong làng đều đến cả, và cũng muốn hỏi ông Ba xem ông định chọn ngày nào để tổ chức hội cờ của làng. Biết ông đang ngủ, ai cũng muốn để ông được no giấc. Ông Ba lắc đầu, trong lòng hơi bừng bực, để tuột tay mất cả một điều may lớn. Niềm vui trong ông đã bắt đầu tản mạn ít nhiều. Lẽ ra, trong số những người máu cờ, những người chịu học hỏi, hay quấn bên ông, đến mừng tuổi, ông sẽ chọn mặt làm ván khai xuân thì hay biết bao. Được hầu cờ với ông trong ván khai xuân thì sướng tỉnh người, số người này đều ước ao như vậy.
   
Một lúc sau, ông Ba lại trấn tĩnh nỗi bực. Ông đã khai thông được mắc míu, ông gật gật đầu nói một mình: “Cũng hay! Càng hay!”Ông Ba sai thằng Văn lau bàn và quân cờ cho thật sạch sẽ. Tất nhiên thằng Văn nhanh nhảu vâng theo ý ông. Trong đầu thằng Văn cũng gợn một thắc mắc: khách thì không có mà bố lại sai lau chùi cẩn thận đến vậy. Nó còn đang ngậm câu hỏi trong miệng, hai tay bưng bàn cờ đã quá sạch, hướng theo ngón tay của ông Ba, đặt ngay ngắn giữa giường bên cạnh, trên chiếu hoa mới, thơm phức mùi cói. Ông Ba, tay nâng một chén rượu, run run tưới khắp lên bàn và quân cờ, các hàng kẻ, đường ngang, lối dọc, từ dinh tướng đến hai bờ hà lênh láng rượu. Tướng sĩ, ngựa, voi, xe, pháo đều ướt lướt thướt, tắm rượu, tạo một khí thế đằng đằng trước giờ xung trận! Thằng Văn thấy việc làm của bố khác thường chưa hiểu nhưng trong bụng thinh thích. Nó cười. Ông Ba, cũng cười khà khà, tiện tay vứt cho nó chiếc khăn lau ấm chén bên bàn trà lại, lau khô cả bàn, cả quân. Ông Ba không nói, chỉ cười. Ông coi như là tiệc rượu quân trước lúc lên đường để làm nức lòng ba quân. Tưởng tượng quân tướng, xa mã đang rầm rập nhịp bước dưới quân kỳ!
Thằng Văn nhả lời khẽ hỏi:
- Khách nào đến đấy hả bố?

   
Ông Ba chưa trả lời, ông kéo vai nó lại gần, tay phải nâng cằm thằng Văn, ông ngắm nhìn kỹ mặt con như chưa nhìn thấy bao giờ. Ông đắc ý, vẫn bàn tay đôn hậu ấy vỗ vỗ nhẹ lên đầu nó:
- Khách quý là đây chứ còn ai nữa!
Được lời bố, thằng Văn sung sướng, xúc động! Tuy nó không máu cờ, cũng chưa một lần được ngồi tiếp bố, mà chỉ xem bố đánh với những khách vãng lai, nó không biết tên. Còn những chú trong làng mà bố thường ban khen: hay xa, thạo mã, nó cũng coi thường, để bụng. Đường tiến, thoái, ngang dọc của bố, nó đều làu làu. Đã nói nó là đứa trẻ thông minh mà - Cả đến những thế gỡ bí, bẩy, nhử, của bố nó tung thuật ra nhằm đánh bại đối thủ nó cũng không lạ...

Một ấm trà ướp nhài hảo hạng, ông Ba vừa pha mới nhấp chén đầu, thơm từ miệng qua lưỡi, qua họng thơm ruột thơm gan. Và ông đặt khéo ấm trong vỏ ủ, để lúc nào rót ra chén cũng bóng rãy, cũng ngào ngạt. Một điếu bát, thuộc loại gia bảo ông đã dày công tìm kiếm, điếu giống tam khí, quanh điếu có họa tích Hứa Do hay Sào Phủ tẩy nhĩ gì gì, chỉ riêng ông là sành. Không một gợn hoa, lá phạm diện, thế mới quý báu. Tất nhiên là điếu Tàu. Bên cạnh điếu lúc nào cũng một ngọn đèn Hoa Kỳ, đóm tre khuy túc trực.

Hai đấu thủ bắt đầu vào cuộc!
Hai bố con bắt đầu khai xuân!

   
Hai bên đối diện, đối nhãn, khoảng cách vừa một tầm tát với, giữa là một bàn cờ. Thật là vui hơn tết! Bàn cờ đóng bằng gỗ xâng chun, thứ gỗ này thì thời tiết mặc sức đổi thay, không vênh. Vân gỗ lượn lờ như mây bay, như sóng cuốn, duới lớp sơn quang dầu, đường kẻ long khéo son tầu. Quân cờ làm bằng một thứ gỗ giả ngà, nghe nói gỗ này chỉ ở rừng Ai lao Cao miên mới có. Quân nào cũng bóng, mười người thì chín người tưởng ngà voi thật. Quân đen thì kẻ chữ đen, quân đỏ thì kẻ chữ đỏ, chữ hơi luyến triện. Trông quân cờ tựa cái ấn. Cầm vào quân cờ đã thấy sướng tay.
Rít một hơi thuốc lào, từ từ nhả khói đậm đà mùi Tiên lãng. Trong làng khói đang rập rờn, ông Ba thốt lời:
- Xin mời khách bày quân! - Ông quên trước mặt ông là thằng Văn - hay có ý rót vui - hay thói quen trân trọng khi đang là đối thủ của mình bất luận là ai?
Quân tướng đã chỉnh tề đứng từng vị trí. Ông Ba vội xoay bàn cờ giành bên đỏ. Ông Ba vốn rất chuộng cái màu đỏ - vàng son, mật mỡ đã trở thành cửa miệng từ lâu - Ai chả thích. Nhưng với ông Ba lại thích màu đỏ như trẻ em thích kẹo. Ông nghiệm thấy mỗi lần vào cuộc mà nhận bên quân đỏ thì dù bất kỳ gặp đối thủ xa lạ nào ông cũng thấy có phần vững dạ, tự tin.
Hai bố con ra quân!
   
Ông Ba bắt đầu dẫn giải cho con những điều bổ ích trong việc chơi cờ. Ông Ba cũng chỉ liều lượng trả lời vừa đủ với cái đầu ghi nhận của trẻ con, chứ đi vào bài bản cổ kim thì chẳng bao giờ nói hết được. Những tình tiết hay, dường như ông đã kể với không ít người, mỗi khi ông ngồi vào bàn cờ. Trai làng sán quanh cũng được ghé tai hóng được ít nhiều. Tay ông chuyển quân, miệng ông rót lời khi khoan, khi nhặt. Ông Ba kể rằng: cội nguồn cờ tướng là của Tàu, nó có từ đại cổ, mà vua Đế Thích là bậc thánh giỏi cờ nhất trần gian... Trong sự giải thích thanh cao: cổ, kim, ông chỉ công nhận cầm, kỳ, thi, họa. Họa ông cho là khéo tay, cần mà không cần. Ông thay hoạ bằng tửu. Bốn thứ này các thánh hiền, vua, chúa, các vĩ nhân vén tay áo kinh bang đều rất hâm mộ. Cầm ông không quan tâm, thi ông cũng không ham, ông chỉ ham hai thứ: Kỳ là chính, tửu là phụ, tửu chỉ giúp cho kỳ thêm hưng phấn, và giúp sự tạo phong cách từng lúc, từng chỗ.
   
Thằng Văn không hề nói một lời, không nhìn bố, chỉ chăm chắm nhìn bàn cờ. Nó có nghe lời ông Ba hay không, chỉ có nó biết. Nói chính xác là thằng Văn chỉ để ý nhất cái bàn tay cầm quân của ông Ba. Ông Ba cũng muốn trao nốt cho thằng Văn một phương châm chiến lược của mình. Ông cho rằng cờ khi đã vào cuộc ví như cuộc chiến tranh đã bắt đầu tuyên chiến. Khi đã tuyên chiến chỉ được phép nghĩ đến hai điều: thắng hay bại. Có nghĩa được phép làm bất cứ một điều gì nhằm bẻ gẫy đối phương, để giành chiến thắng. Nghe nói câu ấy hình như của một tướng lĩnh phát-xít. Nhưng nghĩ cho cùng ông Ba thấy có lý và coi đó là một cẩm nang, mặc dù ông Ba cũng là người rất căm ghét phát-xít.
Cờ quyết thắng được dương cao, đang phần phật trong lòng ông Ba, sau khi hai đấu thủ mỗi người ra quân theo một lối. Cờ đang đi gần đến thời điểm sát phạt. Ông Ba tuyên bố tạm nghỉ tay. Lúc này, thằng Văn mới ngửng đầu, cặp mắt nó mới buông khỏi bàn cờ và bàn tay của bố.
   
Bên ngoài, mưa xuân đã ngắt giọt từ lâu. Trời cũng đã kịp thời thả gió đông non, hây hẩy. Xuân cảnh dậy thì! Thư thái từ chỗ bàn cờ nhìn hắt ra đường thấy bà con đi, lại tấp nập. Quần áo mới, gió đuổi theo lay tà, màu sắc lượn lờ. Cây cỏ cũng được gió lướt đi, lướt lại, biết chào hỏi nhau. Hương khói từ mọi bàn thờ, gom bay lan toả không gian thầm thoảng. Ngoài cánh đồng của hai bên lối sang Chợ Kiệu, các con chó đủ loại, đen, vàng, trắng, vện; nhưng số chó đen nhiều hơn - Ngày tết chủ của chúng dù giàu, dù nghèo đều nổi lòng kỷ xả, nên chúng được đẹp miếng hơn ngày thường. Chúng phởn, chúng phi ra đồng, chúng quần nhau, chúng tế lên như ngựa, băng băng gội gió. Thiển nghĩ nếu chúa xuân dễ tính hẳn cũng sẵn sàng ghi nhận sự hiện diện của lũ chó má này đang đóng góp thêm vẻ ngoạn mục trong cõi toàn xuân!...
   
Trong nhà, tiếng sát quân của hai bố con đang giòn giã. Dinh lũy của hai vị tướng đỏ, tướng đen cùng rung lên, bất an, đang được ẩn nấp sâu trong hai lớp lá chắn quyết tử của sĩ, tượng. Ông Ba, danh thủ không ngờ thằng Văn đã ba lần triệt mất cái thuật pháo lồng của ông, khiến ông băn khoăn về sự may mắn khai xuân - như đang muốn vượt ra ngoài tầm tay. Thằng Văn ngầm có nước hay, mà ông Ba không biết chăng? - Vẻ mặt nó tươi tỉnh háo hức chờ đợi. Ngược lại, lúc này ông Ba lại rất thong thả - Thong thả trong lo lắng đó cũng là một mưu mẹo, cũng là một trong nhiều cẩm nang ông có: “Lấy nhu thắng cương, lấy túy thắng nhu”. Muốn túy thắng nhu là phải cực kỳ khôn ngoan, không phải ai cũng xử dụng đuợc; chẳng những thế mà còn phải đúng chỗ đúng lúc. Những lần ông nói trước giàn đệ tử, họ đều há miệng nghe, như bị đưa vào mê hồn trận, chỉ còn ngơ ngác và bái phục!
Ông Ba thư thả đánh mắt qua thế trận của đối phương và cả của mình một lần nữa. Ông ngâm kín trong miệng như ngâm thơ phú, tiếng được, tiếng chăng lọt qua tai thằng Văn: “... Hai xe... Cái gì nữa rồi đến... một tốt cũng thành công”. Ông Ba thấy mắt thằng Văn cứ hau háu. Ông Ba không tiếc lời, kịp thời dạy nó một điều quan trọng, một điều cần nó ghi lòng, tạc dạ:
- Xem ý con còn xốc nổi lắm, còn hiếu thắng lắm! mà như vậy là vô cùng nguy hại con ạ! - Ông Ba vừa nói, vừa dò xét thái độ thằng Văn có chịu ăn lời không?
Thằng Văn không nói gì ngoài hai tiếng:
- Vâng ạ!
   
Ông Ba, bỗng thẳng thốt ngại ngần - nói là sợ thì đúng hơn - Sợ bất cứ ai, biết tỏng sự sai phạm cổ, kim mà mình đang dùng nó làm phương châm chiến thắng - “Thắng nhân tâm” - của lối nói một đường làm một nẻo!
Ông Ba thấy được trên mặt thằng Văn bày ra rõ rệt, không ăn uống lời dạy của ông. Trong cơ thể của ông bắt đầu tự tiết ra tất cả những thói quen khi bí nước, khi bị đối thủ triệt mẹo, ông hay hút thuốc, hay uống nước, đặc biệt là hay gãi, gãi gọ luôn tay, hình như cái ngứa nó chạy vòng quanh da, thịt, gãi chỗ này, ngứa chỗ kia, rấm rứt như chấu cắn. Đang ở cái thế ngồi xếp bằng, ông chuyển ngồi xổm, rồi lại trở về thế ngồi như trước - Ông lại phải dụng mẹo “ngâm quân” - cũng nằm trong triết lý nhu thắng cương - Đến lượt ông đi, ông chỉ cầm quân cờ nhắc lên rồi lại đặt xuống, đặt xuống rồi lại nhắc lên. Cái mẹo này bất đắt dĩ ông mới phải dùng đến. Thường khi gặp khách vãng lai đấu cờ, xà vào quán chơi với ông vài ván. Ông Ba ung dung, thư thái đưa khách vào ”bát trận đồ”. Tất cả các mưu mẹo vốn có sẵn, ông sử dụng, điều hành từng mẹo một, vần cho đối thủ đến bải hoải, rã rời, chịu thua, cắp ô, cắp nón lên đường. Vạn nhất gặp khách, thuộc loại đại cao thủ - qua vài nước bằng thước nghề, Ông Ba đã đo được, lượng biết sức mình không địch nổi, ông đành phải chuyển sang thế ngâm quân - Hàng nửa giờ mới đi một nước. Đã là khách vãng lai ắt phải có công có việc riêng, thì giờ đâu mà ngồi được. Họ đành phải bỏ cuộc - coi hòa. Tóm lại ông Ba bao giờ cũng chỉ có thắng, cùng lắm là hoà.
Thằng Văn đâu phải khách vãng lai. Ông Ba cũng không ngờ nó sắc nước đến như vậy. Ông Ba quyết ngâm, thì bổn phận nó sẳn sàng chờ đợi. Ông Ba luôn đổi thế ngồi. Cuối cùng ông đã phải ngồi xổm một lần nữa, và còn nhổm hẳn người. Ông đã nhổm lên là quyết liệt lắm. Có lẽ thằng Văn không biết. Nó làm sao hiểu nổi sự suy nghĩ sâu kín của ông Ba. Nếu là ngày thường thì ông đã vui vẻ chịu thua nó một ván để động viên thêm tinh thần nó. Măng mọc cao hơn tre là một điều mong muốn của người làm cha. Nhưng đây là ván cờ khai xuân, không thể chiều, nựng con không đúng lúc. Ông quyết hạ nó bằng được và cũng đồng thời kết hợp giáo dục thêm cho nó một bài học đầu năm. Hình như ông Ba cũng không thích sự thông minh của thằng Văn như thường ngày. Ông ngâm quân mà ông lại sốt ruột, hơn bao giờ, thậm chí hằn học. Âu cũng là máu me cờ quạt mà thôi!
   
Thằng Văn ngồi im, chỉ chờ đợi, hễ thấy ông Ba vừa nhắc quân lên khỏi bàn, nó đã thoắt nhấc quân theo, khiến ông Ba bối rối, ông lại đặt quân xuống tính kỹ thêm kẻo hở nước. Ông Ba bực mình, ông vặc thằng Văn:
- Làm gì mà cứ như là vồ lấy nuốt sống ăn tươi thế? Phải từ tốn! kẻo hối không kịp!
- Vâng ạ!
Hai tiếng đáp lại của thằng Văn, cũng không làm dịu lòng ông Ba - Bằng mọi thuật ông phải xoay cho kỳ được nước pháo lồng. Theo ông mọi nước ăn quân chiếu tướng, ông chỉ máu nhất nước pháo lồng - Kỳ thú! - Pháo lồng bén ngọt tay ông, nó cấp tập công phá, xung sát dữ dội như Quang Trung kéo đại quân vào Thăng Long vậy. Đối thủ, tối mắt, tối mũi, chỉ còn cách duy nhất là đầu hàng vô điều kiện! Trên chiếu xuân lúc này, cờ của ông Ba đang lâm vào thế bị kìm mã, rình pháo.
   
Thằng Văn thấy bố đứng dậy, với tay lên đầu bàn thờ, lấy bậm rượu. Ông Ba rót tràn một ly sứ nội phủ. Ông tóp đủ ba tóp, úp ly xuống, mủm mỉn cười. Thằng Văn thấy bố cười cũng mủm mỉm phù họa. Người tinh ý có thể đoán biết ông Ba đã tìm được mẹo mới chuyển bí thành thông, chuyển bại thành thắng. Ông Ba nghĩ trong bụng: “Chuyển bại thành thắng đương nhiên là phải mở đường máu! - Phải sử dụng tà thuật! - A-di-đà-phật” - Cũng là vạn bất đắt dĩ! Ông vững dạ tự tin hơn, ông ngâm lời bất hủ: cầm binh, trong tay chỉ được phép nói hai tiếng: thắng, bại. Ông quờ tay trái kéo điếu rồi vê thuốc lào, không tỏ ra vội vã. Tay phải cầm đóm giúi khéo trúng tim ngọn đèn con đang đẹp lửa. Ngọn đèn bỗng ung khói đầy bóng. Ông Ba “Chậc!” một tiếng nhỏ. Thằng Văn nhìn đèn. Ông Ba liền sai nó đi tìm bao diêm. Nó nhanh nhảu đứng dậy loanh quanh từ bàn thờ xuống bếp, một lúc mới mang bao diêm đến, nó quẹt diêm, tiếp đóm trả lại lửa cho ngọn đèn. Ông Ba hút thuốc xong, lại sai tiếp nó đi xúc ấm - Mặc dù ấm nước vẫn còn nguyên cốt, chưa chế nước hai - pha ấm trà mới. Thằng Văn lại cầm ấm bước ra quành phía đầu hồi. Ông Ba không quên nhắc theo cứ nên thong thả, không được hấp tấp, nhất nhỡ lại vỡ toang cái ấm. Vỡ ấm là mất ngay cái dùng đã vậy, vỡ ấm vào ngày đầu xuân là dở lắm, làm việc gì trong cái ngày này phải có ý, phải biết mà kiêng cữ. Thằng Văn dẫu là đứa trẻ thông minh, cũng vẫn là cái thông minh của trẻ con. Làm sao nó biết được việc sai bảo hôm nay, nó có một nghĩa riêng. Thằng Văn một mực vâng lời bố, làm việc đều trọn vẹn - Giả sử cái ấm quý kia có bị vỡ thì đối với ông Ba cũng không phải là dở - Ông Ba đã tận dụng cái khoảnh khắc cần kéo dài, nhờ thời gian phù hộ để thằng Văn khi ngồi lại vào bàn cờ cũng chỉ còn mang máng, ngờ ngợ.
   
Ông Ba thuốc, nước xong, cuộc đấu lại tiếp tục. Ông Ba cũng đã vãn hồi phong độ. Ông đưa tay khoan thai vuốt chòm râu - không nhiều - không dài - mà từ lúc bắt đầu vào cuộc đến giờ chúng không một lần được bàn tay chủ thể hiện sự trìu mến. Không khí đầm ấm lại đang hội tụ quanh bàn cờ. Ông Ba mượn giọng ngà ngà muốn thử trí nhớ của con bằng cách đổi lần đi:
- Đi đi thôi, đến lượt mày con, con ạ!
   
Thằng Văn không nói gì, chưa chịu chạm tay vào quân cờ. Nó sững sờ, cặp mắt tinh nhanh quét một lượt toàn bàn cờ, rồi lại đưa mắt nhìn lên ông Ba, nó không mang máng, ngờ ngợ gì cả. Bản chất nó là đứa trẻ hiếu kính nhưng không thể lấn án nổi sự nghi hoặc. Có lẽ nào quân cờ lại sai lệch chỗ đứng như thế này, nó đang ngần ngừ suy nghĩ, ông Ba lại giục tiếp:
- Đến lượt đi thì nhanh lên chứ!
- Đâu phải lượt của con! Đến lượt bố, bố quên đấy!
Bị triệt khoé! ông Ba chớp chớp mắt, đầu lúc lắc chậm chập, và chỉnh lại sự quên nhớ:
- À thế hả! - ông tỏ vẻ dễ tính - thôi cũng được!

   
Ý thằng Văn là muốn xếp sắp lại một vài quân về đúng vị trí cũ, ông Ba đã vội nhón quân xe đỏ của ông kéo thẳng vào trước tốt đầu định nêm vào ngòi pháo... Phải chăng vì máu ăn thua của nghề chơi, mà quên đối thủ đang là bố, thằng Văn bằng cái giọng bộp chộp của trẻ con nghe hơi hỗn:
- Bị xe bên này kìm, quân xe đỏ đã xuất nổi đâu mà đã kéo lên hà rồi!
Ông Ba đã thấy nóng ran trên mặt, ông nghĩ: mày cương thì tao nhu. Ông dịu lời ôn tồn:
- Mày quên rồi con ạ!
- Quên là thế nào? - Mắt thằng Văn như giội lửa trên tay ông Ba đang cầm quân xe đỏ.
Ông Ba càng ôn tồn:
- Xe của bố đã lên hà từ lâu rồi!
- Lên thế nào được mà lên, ai cho lên mà lên! ( Hay quá !)
Tay ông Ba run run, vẫn chưa biết đặt quân xe đỏ vào chỗ nào:
- Theo mày thì quân xe đỏ này phải đứng ở chỗ nào? Ông Ba nói xong còn đang chờ lời của thằng Văn - để biết cách ứng đối.
Thằng Văn không nói, mắt vẫn thôi miên vào bàn tay trong đó có quân xe đỏ. Ông Ba thở dài:
- Con hãy bình tĩnh nhớ lại mà xem. Bố tưởng cái đầu mày đâu đến nỗi mới nghỉ tay một lát, đã lú lẫn.
Thằng Văn cắt lời bố, tỏ vẻ giận dữ hơn:
- Lú lẫn thế nào được, ngay cả quân mã của con, mã giao chân để phá nước pháo lồng, mà tự nhiên mã lại... - Nó dừng lời nhìn lên bố.
Ông Ba vẫn quyết kìm hãm sự bực bội:
- Mày nói gì lạ vậy? Tất cả đâu vẫn đấy. Thôi cầm quân mà đi đi thôi!
Thằng Văn vẫn không chịu cầm quân mà còn biểu thị thái độ rất trẻ con, lạu bạu:
- Con chẳng đi đứng gì nữa. Thế này thì con đánh làm gì - Vừa nói, thằng Văn vừa định đứng dậy.
Sợ thằng Văn bỏ cuộc, ông ba nghĩ: mình càng nhân nhượng, nó càng lấn thêm, không chịu nổi nữa, bằng đôi mắt quắc sáng, của một ông bố bị con xúc phạm - Dẫu sao thì cũng cứ tạm coi là như thế - Không khí đầm ấm quanh bàn cờ đang muốn di tản. Ông Ba ném lời dữ dằn:
- Mày ăn nói với bố mày thế à?
Thằng Văn, vẫn chỉ cúi đầu, im lặng, hai mắt ngước nhìn trộm ông Ba, khiến ông Ba giận dữ hơn, ông nhổm người, trợn mắt, đang tay khoát một cái tát - thằng Văn kịp nánh người tránh cái tát.
- Thằng mất dạy này! Thằng khốn kiếp này! Mày cho là bố mày ăn gian à?
Thằng Văn, hoảng hốt định tháo thân, nỗi uất ức thốt ra miệng:
- Còn gì nữa!...
Ông Ba như bị ngã từ trên cao xuống, mắt ông tối xầm, ông quờ lấy bàn cờ, dơ lên, thằng Văn nhanh chơn thoát khỏi cửa. Ông Ba quăng theo - không trúng - Thằng Văn phóng thẳng ra đường.
Ông Ba gầm lên giữa đám quân cờ đỏ, đen vung vãi ngổn ngang.
   
Mẹ thằng Văn, cùng anh, chị nó đang trò chuyện ở dưới bếp, bỗng thấy ầm ầm, đều tất cả chạy lên nhà, đều không biết đầu cuối ra sao, đều ngơ ngác. Không có mặt thằng Văn, chỉ mỗi ông Ba đang lồng lộn trên phản gian giữa như đảo đồng miệng hô hoán: “Bắt thằng bất hiếu về đây! Bắt ngay thằng bất hiếu về đây!...” rồi ông tự đấm ngực “thùm thụp”, mắt đảo một vòng trên mặt những người đang vây quanh. Vợ ông ôn tồn hỏi ông, tìm hết lời khuyên nhủ, nhưng ông không trả lời, tự mình vật vã thốt lên những tiếng thiểu não cùng với hơi thở đứt quãng: “Tôi chết mất! Tôi chết mất”. Cả nhà hoảng hốt, im lặng, nhờ trí khôn mách bảo mọi người hiểu được rằng không có gì khác ngoài bàn cờ. Bản thân ông Ba, một con người khéo khôn, mưu mẹo, từng trải cũng ý thức được mình đang hành động trong cái vòng méo khép kín của thành ngữ “cào lồn ăn vạ!” Lời khinh rẻ rất bình dân đã tổng kết, chỉ mặt những kẻ cậy quyền lớn tiếng vu cáo - Ông Ba quyết không hạn chế tiến công theo kiểu ấy - không thể nào vô tư được - Vô tư lúc này là đồng nghĩa với thất bại - Thất bại không phải chỉ riêng bản thân hứng chịu!(?) - Mọi người trong nhà vẫn cứ muốn đóng cửa bảo nhau, chín bỏ làm mười, không nên quá giận mất khôn, vạch áo cho người xem lưng. Nhưng không ai dám mở miệng vì sự khuyên nhủ đối với ông có phần xúc phạm đến sự từng trải đường đời của ông. Vợ ông mới khẽ vỗ vào vai ông, truyền lời tình cảm qua bàn tay; tức thì ông Ba đưa tay hẩy bật tay vợ khỏi vai ngay. Ông Ba rất biết vợ con trong nhà đang lo lắng gì, đang sợ cái mặt trái của nơi ở, nó đang rình mở toang trước thiên hạ, hàng xứ những thứ cần đậy điệm. Cái ngã tư: trên xuống, dưới lên, trong ra, ngoài vào khốn nạn này đang hòng đón bao điều để chê cười. Ông Ba lại cho đây chính là dịp tốt nhờ đó nó phóng thanh mau lẹ những điều mình cần nói, cần cho họ nghe, phải biết đối đầu, biến rủi thành may!

Tin dữ lan truyền, trong làng, lốc nhốc kéo đến, trai tráng có, đứng tuổi có, tất
cả đều là học trò, là đệ tử của ông Ba. Sau khi biết rõ sự tình, người nào, người nấy nổi giận đùng đùng. Họ gần như đồng thanh buộc tội thằng Văn không phải chỉ đơn giản là bất hiếu, mà là quân phản bội!
   
Hành vi phá hoại thành quả, phá hoại nền văn hiến; hạ bệ thánh thần, thiêu đốt danh tiếng của cả làng! Toàn mặt đệ tử cố tình khoét sâu, mở rộng vấn đề, cố tình dấn thân vì ông Ba, vì đại sự. Còn ông Ba thì nửa mừng, nửa lo, mừng có đệ tử trung thành, lo thiên hạ, hàng xứ mỏng tai. Chính trực - mười người, trăm người lẽ đâu cả mười, cả trăm đều lầm hết.
Được một lúc, thời gian không quá một lần đi vệ sinh. Cũng vẫn mấy tay sừng sỏ trong giàn đệ tử đã tóm được thằng Văn, và đang xốc nách nó dẫn về. Chẳng ai biết nó đã hứng được bao nhiêu đòn ngầm, mà thấy chân nó bước khụng khiệng, dáng đau đớn, gần như phải kéo lê giữa hai người. Những lời thì thầm khuyên nhủ bên tai nó nên nhận là ăn cắp nước đi, bố khuyên, chót dại hỗn hào, mất dạy v.v...
Mẹ thằng Văn nhìn thấy, liền đánh tiếng vào tai chồng: “Nó về đây rồi” Bà ta còn ghé tai chồng xin van cho con:
- Dẫu sao nó cũng là trẻ người non dạ, nó là con mình chứ con ai!
   
Tai ông Ba không nghe thấy gì hết ngoài bốn tiếng: “Nó về đây rồi!”
Ông Ba bật dậy như thuở nhỏ gặp được chim sa bẫy. Thằng Văn hiện diện. Ông Ba tóm tóc dằn ngay nó xuống đất. Một chân ông đạp giữ gáy nó, mặt chịn đất. Chiếc xe điếu trúc, có gắn con thạch sùng rễ cây làm dáng, ông nghiến răng ra sức vụt lia lịa, từ vai trở xuống bất luận chỗ nào - Trong khi ấy bên cạnh có tiếng “phải thế mới được!” Mẹ thằng Văn rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy nó quặn quẹo dưới bàn chân ông Ba, mắt nó đỏ ướt nhìn mẹ muốn được cầu cứu. Tất cả đều không ai dám can tay ông Ba. Tất cả đều biết can ông Ba lúc này khác nào giội thêm dầu vào lửa.
Dốc sức, mỏi tay - con thạch sùng đã bay khỏi vị trí cố định - ông Ba mới chịu buông thằng Văn, và không kèm theo một lời giáo dục nào. Thằng Văn bị no đòn nhừ tử, tự ôm thân mình lảo đảo xuống bếp. Mẹ nó sót sa, buông theo một lời dằn vặt:
- Cho mày chết!
Bà nhìn theo con, âm thầm nghĩ đến sự thưởng phạt, miếng ăn kèm theo ngọn roi - tàn nhẫn, nát lòng - Bà cứ cảm thấy mình như có can dự một phần trong việc thằng Văn bị đòn, - một thứ ân hận vay, không mấy thông minh nhưng đáng quý của tấm lòng người mẹ - Trái tim to hơn khối óc! Bà ngậm ngùi thương nó vừa mới được ăn bữa cỗ ngon, cả năm ngõm ngọi, nuốt vừa khỏi miệng! Bà kéo vạt áo ngắn cúi đầu lau nước mắt, và luôn miệng ngán ngẩm oán trách: “Chẳng biết ai sinh ra cái thứ cờ bói, làm khổ người ta!”
   
Ông Ba lại vào giường kéo chăn phủ kín đầu, im ắng trong thắng lợi, hả dạ trong tối tăm, tỉnh táo trong bản tính, suy nghĩ trong rách rưới. Ông rạch ngược lại trong khoảnh khắc thấy mất mát hơi nhiều. Trước hết là cơ may mở đầu cho cả năm đã vỗ cánh khỏi tầm tay; hoạch định bị phá vỡ có tài thánh cũng không điều chỉnh được! Bao nhiêu mưu thuật ngấm ngầm bị bại lộ và tự trách để mất cảnh giác. Phải chăng bước suy vong đã mở cửa, từ ván cờ này, nó có khả năng tàn phá hết tất cả những gì mà cuộc đời đã tích lũy!...

   
Ông Ba rùng mình trong chăn ấm, ông hổ thẹn với xa vời mông lung. Cái để người ta quý mến, nay cũng đã bắt đầu de dọa xuống cấp. Ôi! thông minh. Một lưỡi dao sắc, tay điều khiển tùy tiện gây hiểm hoạ! Ông Ba đã hé thấy ánh sáng đang chui vào chăn - ánh sáng nhân tình - ông đã vỡ lòng một bài học phải trả giá khá cao! Cái tình cảm cha con được lách theo, khiến ông Ba động lòng thương con. Thương con lại thấy hổ thẹn về thua cuộc. Sự thua cuộc rộng hơn tình thương chăng? Ông Ba cân nhắc, so sánh kiểu nào cũng đều thấy hụt hẫng. Cái chưa cần, hay không cần thì quá thừa. Cái cần thì quá thiếu. Tóm lại là sự rủi ra bất hạnh đang bốn mặt vây rình ông. Ông Ba lại “chậc!” lưỡi, thốt “không được phép!” Tinh thần bách chiến, truyền thống bách thắng không cho phép ông chịu thua cuộc, chịu bại trận. Sự vong, bại phải là đối thủ, phải là thằng Văn. Thằng Văn nhừ đòn, âu cũng là một bài học cho những kẻ thông minh! Ông Ba phấn chấn hẳn lên trong thắng lợi! Ông Ba vịn vào thắng lợi, mạnh mẽ trong chăn nhỏm dậy. Ông Ba bình tĩnh trên gương mặt chữ dụng lấy lại vẻ khoan hoà vốn có - không nhiều - ông Ba lặng lẽ nhìn lên bàn thờ hương vẫn thơm, đèn vẫn sáng. Cả nhà đang chào đón phút lặng yên đang đến, khiến ông Ba vụt nghĩ: “Phải chăng chỉ là cơn ác mộng! - Thực hư xáo trộn!”
   
Ông Ba sai lấy rượu, rót uống suông. Qua ly thứ hai, mới ngẩm nghĩ đến lời của một người nào đó, ông đã nghe ở đâu đó: “Thứ cờ Tàu, cờ tướng nó thâm hiểm lắm Cho là thế - dẫu vượt ra ngoài giới hạn máu me - ông Ba vẫn thấy - Cả cuộc đời mình quỳ gối, thờ phụng thì không thể quay lưng được - Tất cả phải biết chắt lọc lấy điều hay mà dùng, đó vẫn là khôn ngoan nhất!” Ông Ba lại rót rượu tiếp, uống đủ ba ly. Không khí đang đầm ấm lại càng đầm ấm, chưa được đề huề vì thiếu mặt thằng Văn. Ông sai gọi thằng Văn.

   
Thằng Văn đã hiện ra trước cửa. Nhìn thằng Văn ông Ba bỗng thảng thốt - Con mình đẻ ra, mình nuôi nấng mười hai năm, mà như gặp lần đầu - xa lạ, gần gũi tranh chỗ trong cõi lòng người bố. Ông Ba nhìn nó đứng hơi khum khum, má bên trái nó sưng tím, sây sát, còn dính đất. Vai áo nó cũng bên trái, bị con thạch sùng mấu tre xé rách trong trận mưa roi và cũng dính máu. Tình thâm tìm lối vãn hồi. Nước mắt ông Ba rân rấn rồi trào xuống gò má, lã chã. Nghĩ gì thì thằng Văn chưa kịp, chỉ thấy bố khóc, thì nó oà khóc to!
Trong cõi tình cảm sâu nông, tình cảm cha con, đối thủ của cuộc chiến, đều thắng lợi và đều thất bại!
   
Cả hai nhìn nhau qua nước mắt đằm đìa, to ra bao nhiêu, mờ đi bấy nhiêu. Nó nói lên đầy đủ giữa thất bại và thắng lợi đối đầu, được chao qua chao lại theo mô hình con lắc.


PHÙNG CUNG
Rau Cốc - Xuân Đinh Dậu, 1958

No comments: