Con So Về Nhà Mẹ
Kính tặng hương hồn anh Thạch Lam
Trời đã về chiều. Gió thổi trên đồng lúa chín,
dạt dào nhẹ và khô. Bên kia đồng, tiếng hò đạp nước còn văng vẳng ran lên giữa
bóng chiều tàn sắp tắt. Tiếng hò rời rạc và buồn nghe như đàn ve xám thả giọng
ngân rền cuối hạ.
Cô Hoa đội một bó lúa nặng trên đầu đang từ từ
tiến về làng Mỹ Lý. Cô đi mót lúa về. Cô đều đều đếm từng bước một. Thỉnh
thoảng cô phải dừng lại đặt bó lúa xuống đất để thở. Rồi cô hấp tấp lên đường,
bước mau hơn lên. Đường về nhà cô còn xa lắm, mà cô có mang đã gần ngày sinh,
đi nhanh quá không được.
Vất vả như thế mỗi ngày chỉ đủ ăn. Trước cô còn
quanh quẩn đi mấy khoảng đồng ở làng. Ở làng họ gặt hái xong, cô phải đi xa
hơn.
Cô quê ở làng Hiền Lương, nhà nghèo và chị em
đông. Chồng cô cũng nghèo, nên cô an phận làm ăn không dám than trách gì. Ngày
thường cô gánh rau ra chợ Mỹ Lý bán, đến chiều tối mới về.
Chồng cô trước có làm xâu, nên người ta thường
gọi cô là chị Xâu. Cô nghe thế cũng hài lòng. Vì người vùng quê vốn sợ và muốn
tránh cái tên dân suông.
Qua tháng tư sau, cô Hoa có mang vừa đúng bảy
tháng. Cô không dám lội xuống ao hồ cắt rau nữa. Nhưng ở nhà cô lại thấy vô vị.
Vì cơm ăn bữa đói bữa no, cô nhịn thì được chứ thấy đàn con nhịn, lòng cô không
nỡ.
Vì thế, tuy mệt nhọc, cô cũng chịu khó qua mấy
làng lân cận mót lúa cho đỡ cơn nghèo ngặt.
Ở vùng quê đã có mùa gặt, thì cùng lúc ấy có mùa
mót. Vựa con nhà giàu đầy lúa thì nồi cơm nhà nghèo nhờ đó cũng được đầy cơm ít
nhiều.
Ai mạnh chân khỏe tay thi đi làm giúp. Ai yếu ớt
thì đi mót lúa. Phần sau này thường dành riêng cho đàn bà, con trẻ hay ông già,
bà lão nghèo đói.
Lúc đang gặt, bọn đi mót phải đứng chờ trên
đường giường. Họ gặt xong và bó lại xong xuôi, mới cho con kẻ nghèo xuống mót.
Kể ra lớp người đi gặt thuê cũng biết thương con
kẻ khó. Và cách gặt của họ cũng biết điều chứ không phải vơ vét hết sạch đâu.
Họ còn phải để lại ít nhiều cho người nghèo nữa.
Rồi đồng ruộng nào có người mót đông, người ta
cho điền chủ ấy là nhân từ và đến mùa gặt sau sẽ gặp nhiều điều may mắn.
Họ còn tin nơi nào con nhà nghèo đến mót đông là
nơi ấy vua Thần Nông sẽ dắt trâu thần ngự đến. Và mùa sau chắc chắn ở đó được
mùa.
Cũng nhờ đức tin ấy mà các điền chủ đua nhau mở
lòng, mở ruộng đón người nghèo khắp nơi.
Một câu ca dao ở miền Trung đã tả được tấm lòng
của người đi mót:
Tôi đứng trên đường giường,
Tôi trương mắt ếch.
Tôi đây sợ sệt,
Sợ họ gặt hết lúa đồng đi!
Tôi đến đây mót lượng từ bi!
Mót điều nhân nghĩa, chứ mót chi lúa ngài.
Cô Hoa vì thai nghén – “nhất có râu, nhì bầu
bụng” – nên được người trong bọn có ý nhường nể. Nhờ thế mà bó lúa của cô lần
nào cũng to và đầy. Và trên ruộng lạ người ta ít giành giật với cô. Người trong
làng đãi cô như khách. Họ tưởng không nên để người làng khác trách người làng
họ chật hẹp hay rắn lòng. Tuy là bọn khố rách áo ôm, họ cũng vẫn để điều nhân
nghĩa lên trên tất cả.
Cô Hoa rẽ qua xóm Lá thì gặp ngay chị Bình đi
bán rau ở chợ về. Cô đon đả chào:
– Chị Bình bán buôn ra sao? Tết nhất có phát tài
không?
Chị Bình mỉm cười:
– Phát tài thật! Từ tết đến nay lỗ ngót hai đồng
rồi đấy. Đó là chưa kể vừa rồi thằng Kết đi lính ở Lào gửi về cho ba đồng tiêu
tết, cũng bỏ vào chuyện buôn bán, cũng tiêu tán đi đâu mất.
Cô Hoa nhìn cái áo vải dù mới của chị Bình rồi
đùa:
– Đi đâu? Đi vào trong cái áo mới của chị chứ đi
đâu?
Chị Bình che miệng cười sung sướng rồi nói lảng
qua chuyện khác:
– Á này, tháng nào nằm nơi rồi đó?
– Tháng năm.
– Thế là một trai hai gái rồi phải không?
Cô Hoa buồn rầu đáp:
– Có một trai thứ nhì nhưng mất đi.
Thấy cô bạn có dáng buồn, chị Bình an ủi:
– Thôi chuyến này nhờ trời cho thêm một trai bù
vào, chuyện gì mà buồn! Đã là chuyện sinh đẻ tránh thế nào được chuyện “lót ổ”.
Người ta “lót ổ” đôi ba đứa mới nuôi được con thì sao?
Chị Bình nói thế để dỗ cô bạn chứ không biết
người ta là ai, và “lót ổ” vài ba đứa như thế có nhiều không. Vì chị ta chỉ đẻ
một đứa con rồi thôi không sinh đẻ nữa.
Đi gần đến am Thần Đá, lúc sắp rẽ vào xóm nhà,
chị Bình tự nhiên nói lớn:
– À thím Xâu, tôi còn nợ của thím hai hào phải
không?
– Hai hào rưỡi chứ.
– Vâng, tính tiền còn chịu năm bó rau nữa là vừa
đúng hai hào rưỡi. Nhưng cho tôi hẹn cuối tháng nhé.
Cô Hoa dừng lại:
– Làm việc làm công gì mà hẹn cuối tháng đầu
tháng. Có sẵn thì chị cho tôi để đong gạo cho mấy cháu. Tôi mấy lúc này không
bán được nên túng lắm.
Chị Bình biết gặp cô Hoa thế nào cũng nhắc đến
món nợ, nên tưởng nói trước thì hơn. Nhưng thấy cô Hoa đòi nhẹ giọng nên định
tìm cách khất:
– Hay tính thế này cho xong chuyện. Tôi trả cho
thím một hào. Còn hào rưỡi kia thím cho lúc đến mùa sen sẽ trả.
Cô Hoa biết cậy cũng không ra, nên bằng lòng đưa
tay ra nhận tiền:
– Vâng, cũng được. Nhưng chị nhớ khi nào có tiền
sớm thì cho trước nhé. À! Chị có cau tươi đó cho xin một miếng.
Chị Bình vừa mở múi khăn gói lấy cau vừa nói:
– Cau độ này đắt như vàng. Một trái hơn hai xu.
Cô Hoa không nói gì, nhận cau xong thì lững
thững đi về phía đình làng rồi tạt qua cầu tre.
Trời lúc ấy đã nhá nhem tối. Hai bên xóm người
ta đã lên đèn từ lâu.
Cô Hoa vừa đi vừa tính chuyện giấu hào bạc không
cho chồng biết. Cô định dành dụm ít nhiều để lúc sinh đẻ thì đem ra tiêu dần.
Vừa đi vừa nghĩ loay hoay, đến trước cổng nhà
lúc nào không biết.
Đêm hôm ấy trăng sáng vằng vặc. Ngoài đường xóm
những đêm tối trời hay những đêm mưa gió, vào lúc tiếng mõ điểm canh hai thì
không thấy một bóng người qua lại. Thế mà những đêm trăng sáng, người ta lại
tấp nập đưa nhau đi chơi và nói chuyện vang cả đường. Mấy con chó trong xóm cứ
đưa mõm ra đường sủa không ngớt.
Thấy ngủ trong nhà nhiều muỗi và nóng, hai vợ
chồng cô Hoa liền hì hục rinh chiếc giường ra đặt giữa sân.
Phía trước cổng, cách hàng rào tre thưa lá là
cánh đồng mênh mông chạy dài đến chân trời xa thẳm. Phía ấy trăng tuôn xuống
thảnh thơi và tràn ngập cả con sông đào đang uốn mình vươn qua đồng lúa ruộng.
Anh Lẫm – chồng cô Hoa – thấy người qua lại ngoài
đường còn đông nên chỉ ngồi ghé bên mép giường chứ chưa chịu nằm. Anh sợ người
ngoài đường trông thấy được thì ngượng.
Một lát sau anh nghiêng mình về phía cô Hoa nói
sẽ:
– Tôi qua sông tắm một chút đã mình nghe!
Cô Hoa lồm cồm ngồi dậy một cách mệt nhọc. Cô
cũng chưa ngủ được. Tối nay cô định nói với chồng về nơi “nằm bếp” nhưng thấy
chồng có vẻ nhọc nên cô do dự. Nhân thấy chồng muốn mở chuyện, nên cô thừa dịp
bàn đến chuyện nhà. Sau khi đã ngồi yên cô liền nói:
– Ra tắm sông làm gì cho đỉa cắn. Bên trái sẵn
còn lu nước đầy, mình ra đó tắm cũng được.
Anh Lẫm tưởng đi một lát cho ngoài đường vắng
người sẽ ngủ, chứ cũng không cần thiết đến việc tắm lắm.
Đêm càng khuya, trăng càng sáng, từ phía sau
vườn đưa ra mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt. Không biết nghĩ gì anh Lẫm quay lại
hỏi vợ:
– Thằng Hà đẻ tháng mấy nhỉ?
– Mười hai tháng năm. Nhưng mình hỏi để làm gì?
Anh Lẫm sau khi rình đánh được con muỗi đốt trên
chân, chậm rãi nói:
– Ban trưa gặp ông Bộ bảo phải khai sinh cho
gấp, chẳng không Nhà Nước phạt nặng lắm.
– Chuyện ấy đã đành.
Rồi đột ngột, cô bắt sang chuyện khác:
– À mình, năm nay tôi nằm bếp ở đâu mình nhỉ?
Anh Lẫm quay lại nhìn bụng vợ, hỏi với giọng lo
lắng:
– Còn mấy tháng nữa?
– Chừng non một tháng.
Ngẫm nghĩ một lát anh nói:
– Mình cố gắng được đến tháng sáu không?
Cô Hoa phì cười:
– Đúng ngày đúng tháng thì con ra. Gắng thế nào
được và gắng để làm gì?
– Nếu mình đẻ cuối tháng sáu thì tôi sẽ có tiền.
Và mình sẽ được no ấm hơn.
– Ấm thì chuyện đã đành phận rồi. Vì tháng năm
trời nắng như thiêu đốt, làm gì mà không ấm. Nhưng hỏi mình có chạy đủ tiêu
nuôi đàn con thay tôi không? Và cuối tháng sáu tiền đâu mà mình có được?
Anh Lẫm rung đùi ra vẻ đắc ý:
– Phải cuối tháng sáu Tây kia. Vì hôm trước ông
Lý có bắt góp cứ một người một đồng để đánh số Đông Pháp. Và cuối tháng sáu họ
xổ số. Biết đâu tôi lại không chia được một phần cái gia tài trời cho. Và năm
nay đi bói năm thầy bảy bà, họ đều bảo tôi sẽ phát tài lớn.
Cô Hoa mỉm cười hoài nghi, nhưng lòng cô cũng
muốn nhóm ít nhiều hy vọng. Và thấy chồng nói chuyện may rủi với giọng say sưa,
cô cũng không muốn đến gieo sự buồn nản.
Anh Lẫm thấy vợ có vẻ tư lự nên nói tiếp:
– Nếu mình đẻ sớm thì mình qua nhờ mẹ một phen
nữa. Tôi trúng được số sẽ mua thuyền chèo qua tận làng đưa mẹ con mình về.
Cô Hoa thở dài yên lặng. Cô biết mẹ cô nghèo,
làm lụng luôn tay mà không đủ nuôi đàn em dại. Và theo tục lệ thì chỉ đẻ con so
là về nhà mẹ thôi. Chứ cô sinh đẻ đã mấy lần cô cũng qua nhờ mẹ cả. Nói nhờ là
nhờ công thôi, chứ tiền bạc và cơm nước cô phải tự liệu lấy.
Cô đang ở giữa một cảnh rất thường tình nhưng
khó xử.
Trước mặt chồng, cô không dám tỏ thật nỗi cơ hàn
của mẹ cô. Cô sợ nhà bên chồng khinh. Và trước mặt mẹ cô, cô lại càng tránh nói
đến cảnh túng bấn của chồng cô. Cô sợ mẹ cô buồn. Người ta đàng hoàng nói đến cảnh
nghèo cho nhau nghe chỉ lúc một trong hai bên giàu sang, sung túc thôi. Chứ hai
đằng đều nghèo, thì kể cái nghèo ra không tiện và thêm tủi.
Và lúc nào qua nhà mẹ để sinh đẻ, cô cũng vịn
lấy cớ chồng cô khờ khạo, nên phải qua nhờ mẹ trông nom. Và trước chồng, cô lại
tỏ mẹ hiền đức lắm, lúc nào cũng muốn con gái qua đẻ ở quê nhà để mẹ được cái
sung sướng trông nom con cháu.
Kỳ thật mẹ cô cũng như chồng cô đều biết cái
nghèo lẫn nhau. Nhưng cô Hoa vẫn muốn giấu, và tưởng thầm đã giấu kín. Một lần
qua bên mẹ đẻ, chẳng may cô đã đắp mả luôn cho con ở bên ấy, thế mà chồng cô
cũng không biết. Và biết thế nào được. Đường xá cách sông trở đò, và người buôn
bán qua lại thì hiếm. Lúc về nhà báo tin cho chồng biết, anh Lẫm chỉ thở dài
buồn một chút, rồi hai vợ chồng lại cặm cụi làm ăn như cũ.
Nghe có tiếng nói giữa sân nhà, cô Lài, con gái
út ông trùm Lân, đứng dừng lại ngoài đường hỏi lớn:
– Hai vợ chồng anh Xâu to nhỏ nói chuyện gì đấy?
Cô Hoa ngước mặt, cười nói với:
– Nói chuyện trai gái cô Lài ạ!
Cô Lài thẹn đỏ mặt, cúi đầu đi thẳng.
Trời mới sáng tinh sương, cô Hoa đã gói ghém ít
nhiều quần áo rách đem về quê mẹ. Anh Lẫm ra vườn cắt hai trái bí ngô và đào
mấy vồng khoai, sắn, sắp đầy trong hai cái thúng lớn. Đoạn hai vợ chồng vội vã
đi về phía bến đò làng Thuận.
Con Thìn dậy sớm đòi đi theo mẹ đến bến đò,
nhưng anh Lẫm không cho, bảo ở lại ngó nhà và đợi hai em dậy. Nó mếu máo đứng
nhìn cô Hoa như để nhờ mẹ xin giúp. Cô đến thoa đầu nó, rồi dúi vào tay nó một
xu, nên nó hí hửng không đòi đi nữa.
Cô Hoa chỉ xách một trành cá mắm và một gói áo
quần thong thả đi trước. Còn anh Lẫm gánh khoai sắn và bí ngô đi sau.
Đến bến đò trời vừa sáng hẳn. Mặt trời đã lên
khá cao. Trên mặt sông Viêm đã in từng vầng nắng nhẹ lấp loáng đều đều theo
nhịp gió đưa.
Chị em buôn bán ở làng Hiền Lương thấy vợ chồng
cô Hoa đi đến thì vội vã người chuyển cái này, kẻ chuyền thứ khác xuống thuyền.
Rồi họ tíu tít vây cô Hoa để nói chuyện không ngớt. Riêng anh Lẫm không ai hỏi
cả. Anh thừa dịp dọn lại khoai sắn cho gọn trong mui thuyền.
Đoạn anh đến trước mũi thuyền ra sức đẩy. Lệ
thường người đi đò phải thân hành ra đẩy lấy. Nhưng lần này, anh muốn giúp một
tay nên không gọi ai cả.
Xong rồi, anh lên đứng trên đường cao nhìn xuống
thuyền đang từ từ quay mũi. Lúc chiếc thuyền đã theo được dòng sông, họ liền
đưa thẳng mái chèo đẩy mạnh.
Cô Hoa nhìn lên chồng cô có vẻ quyến luyến nhưng
không nói gì.
Anh Lẫm đi theo thuyền độ vài chục bước rồi đứng
dừng lại. Anh thơ thẩn nhìn con thuyền trôi xuôi theo dòng nước.
Như sực nhớ việc gì, lúc thuyền đi qua gần bến
Chùa, anh liền hấp tấp chạy theo gọi lớn:
– Mình ơi!
Cô Hoa đưa đầu ra khỏi mui nhìn chồng ra ý hỏi.
Anh Lẫm vừa thở vừa nói:
– Lúc cúng khẫm tháng cho con mình nhớ là tôi họ
Đỗ chứ không phải họ Ngô như mình lầm độ nọ đâu nhé.
Cô Hoa gật đầu mỉm cười.
Đến đây con thuyền từ từ rẽ dòng sông con làng
Thuận Xá. Bóng anh Lẫm đã bị bụi tre là ngà bên cầu che khuất.
Cô Hoa phần nhớ chồng, phần thương con, liền đưa
vạt áo nâu lên chậm nước mắt.
Thanh Tịnh
No comments:
Post a Comment