Wednesday, January 4, 2017

Tình Lặng - Hoàng Lan Anh


Tình lặng

 


 

Mẹ ngồi khuất sau cánh cửa. Mắt bà đục đi trước rá gạo. Từng hạt gạo nhỏ vỡ vụn tơi tả sau đôi mắt kèm nhèm đầy đau khổ. Hai bàn tay bà run run run như cành cây khô trước cơn bão, chỉ chực gục ngã. Tôi đứng sau mẹ từ lúc nào mà bà không hề hay biết. Cánh cửa mở nửa vời tạo nên một khoảng tối ngột ngạt. “Mẹ…”. Mẹ không ngước mắt lên, hỏi khẽ: “Xuyên đấy hả? Đi học về rồi ư?”. “Vâng”. Tôi đỡ rá gạo trên tay mẹ. “Chị Hương đâu mà mẹ phải làm thế này?”. “Đi rồi, ới một cái là đi với thằng Quang”. Tiếng thở dài của mẹ hiu hắt trong tiếng gió như yếu ớt và tuyệt vọng. “Mẹ - tôi đứng dựa lưng vào tường nói khẽ - Biết đến bao giờ cuộc sống của mẹ mới thay đổi đây?”.

Đêm muộn màng của mùa thu. Tôi đi ra cửa hóng trăng, chị Hương vẫn chưa về. Tôi không biết chính xác bây giờ là mấy giờ, chỉ cảm thấy những giọt sương rơi trên cánh tay mình đẫm ướt. “Vào ngủ đi Xuyên. Muộn rồi”. “Vâng, con đợi chị Hương thêm chút nữa”. “Kệ nó”. Tôi đóng lại cánh cửa, dặn chị Trang ngủ ở phòng ngoài: “Lúc nào chị Hương về, nhớ mở cửa hộ em nhé”. Nghe tiếng “ừ” một cách khó chịu và cáu bẩn của người bị đánh thức lúc nửa đêm. Tôi bước chậm chạp lên cầu thang, nghe tiếng chuông đổ dồn ngoài cổng, vội vàng quay người xuống. Nụ cười của chị Hương thấp thoáng ngoài cổng, trông thấy vẻ hạnh phúc của kẻ đang yêu. Chỉ có điều vừa bước qua cánh cổng, nụ cười ấy vụt tắt, thay vào đó là một khuôn mặt khác, nhăn nhó và bực bội. “Sao về muộn thế, chị Hương?”. “Có việc gì đến mày không, nhóc?”. Tôi nhún vai: “Cùn lắm!”. “Chị bất cần: “Bao nhiêu phần sắc tao cho mày đấy”. Tôi lật đật leo lên gác chui vào màn, nghe tiếng mẹ thầm thì: “Chắc tao hết phúc rồi. Con với cái, chẳng dạy được đứa nào cả”. Tôi im lặng, không biết mình phải bắt đầu như thế nào. An ủi mẹ là một điều quá khó đối với tôi, người già thường khó tính, dễ tủi thân và mặc cảm. Trên tường chỉ chú thạch sùng tặc lưỡi như cảm thông. Tôi biết mẹ đang khóc!

Chị Trang đi làm từ năm giờ sáng. Nơi làm việc của chị là một trường đại học lớn, cách nhà độ ba, bốn kilômet, khoảng mười lăm phút đạp xe. Trước đây, công việc phục vụ ăn uống cho lũ sinh viên như một nghĩa vụ. Cơm đỏ ngầu và sạn nhiều như vãi. Dăm ba miếng thịt lèo tèo, nổi lên những mỡ là mỡ. Nay đổi đời, phần thịt mỡ, cơm sạn biến đi, nhường lại cho các căntin phục vụ sinh viên hệt những thượng đế nhỏ. Chị Trang khá từ ngày ấy, mỗi tháng kiếm vài triệu đồng, đời sống bắt đầu sung túc hơn, sắm được cái này cái nọ. Chị Trang là chị cả của gia đình, một đầu tàu kéo ba chị em còn lại đi theo hướng nào đó. Tôi biết mẹ nhiều đêm khóc vùi vì chị, như là nỗi ám ảnh cho cả gia đình!

Chị Trang lấy chồng năm hai mươi mốt tuổi. Chồng chị là sinh viên văn khoa, quê ở một tỉnh miền biển. Mẹ tôi không phải là một người duy tâm, cũng không xem tướng số trước khi cưới chị. Mấy bà hàng xóm bảo: “Con Trang tuổi hổ, thằng Khải tuổi lợn, làm sao mà hợp nhau”. Mẹ tôi gạt đi: “Chúng nó cứ yêu nhau là được”. Năm đó mẹ còn trẻ, vẫn còn tin đời và năng động. Trước khi cưới chị, bà còn lặn lội về quê thăm bà thông gia già gần như mù hai mắt. Con đầu cháu sớm, mẹ lại đưa cả hai mẹ con chị Trang lên tận Cao Bằng thăm con rể, vốn được phân công lên dạy ở vùng cao. Được gần chục năm, anh rể xin chuyển về quê dạy học, chăm sóc mẹ già. Chị Trang từ nhỏ đã được chiều, lại sống ở thành phố nên không muốn về quê. Khi anh rể đi, chị trở về với bố mẹ tôi, chiếm một phòng trong căn hộ tập thể không lấy gì làm rộng rãi và đẹp đẽ. Hai năm sau, anh rể đưa đơn xin ly hôn. Chị không chịu. Mấy lần có giấy gọi của tòa, chị vẫn nhất quyết không đến. Lúc đó chị còn yêu anh Khải, mà anh lại đã yêu người khác, và sắp có con. Chị Trang ký toẹt vào cái đơn ly hôn khi biết chuyện đó. Chị chuyển từ con người tình cảm sang con người lý trí trong khoảnh khắc. Sau này, mỗi lần anh rể đến thăm Tuấn, chị nhất quyết không cho nó về quê. Mẹ tôi nhắc chị nhiều lần về điều đó, nhưng luôn luôn chỉ gặp câu trả lời khô khốc: “Bố nó không xứng đáng được gặp nó. Mẹ không thấy con đã khổ như thế nào ư?”. Mấy chị em ôm nhau rơm rớm khóc. Mẹ cũng khóc, những giọt nước mắt già cả và đầy đau khổ. Mỗi lần thằng Tuấn có điều gì không phải, chị lại bắt con úp mặt vào tường, quát lên như khóc: “Mày mà hư, tao cho mày về với bố mày để con Chín nó nuôi. Tha hồ đi giặt tã lót với chăn trâu nhé”. Tôi nhìn đôi mắt ngơ ngác của Tuấn, bảo chị: “Thôi mà, chị Trang”. Chị gục đầu vào vai tôi, nức nở: “Chị buồn lắm, dì út ạ”.

Chị Trang lấy chồng đầu năm, cuối năm chị Quỳnh cũng lấy chồng. Mẹ tôi cười: “Một năm hai con vịt bay”. Có lẽ chỉ thời gian ấy, tôi mới thấy mẹ hay cười. Theo thời gian, nụ cười cứ rụng đi, mất dần. Lúc cưới chị Quỳnh, bụng chị Trang đã to lùm lùm, tôi còn nhỏ hay gọi đùa là bụng trống. Chị Quỳnh lấy chồng sớm, ăn hỏi từ năm mười tám tuổi. Bố mẹ chồng chị với bố mẹ tôi là chỗ bạn bè. Anh rể thứ hai của tôi tên Vũ, là người tôi quí nhất trong mấy anh rể cả chính cả hụt. Anh Vũ và chị Quỳnh yêu nhau từ ngày còn đi học, lúc mới mười lăm, mười sáu tuổi. Thường lúc nào sang nhà anh Vũ, chị cũng đem tôi đi, cho ăn vài cái bánh kẹo của thời bao cấp. Chị Quỳnh xinh đẹp. Cùng với anh Vũ, cũng không ít người ngấp nghé hỏi chị. Ngày chị Quỳnh lấy chồng, cánh thanh niên trong khu đứng xem mặt cô dâu, thở dài vì mất hoa khôi của xóm. Bố chồng chị Quỳnh là vụ trưởng, ai cũng bảo chị “chuột sa chĩnh gạo”. Chỉ có mẹ tôi hiểu con gái mình như thế nào. Trong ánh mắt bà đôi khi có những nỗi buồn không thể nói ra.

Tôi học lớp năm, chị Hương tốt nghiệp trung học. Mẹ chạy hai chỉ vàng cho chị đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Hầu như tuần nào chị Hương cũng gửi thư về nhà, nhớ bố mẹ và chị em lắm lắm. Lâu dần, dường như quen với nuớc Nga, chị càng ít gửi thư về. Chị Quỳnh bảo mẹ: “Hương nó có người yêu rồi đấy, mẹ ạ”. Mẹ tôi ngạc nhiên: “Sao mày biết”. “Nó mới gửi thư về cho con hôm qua. Nghe nói người yêu nó cũng ở Hà Nội, tận tình lắm”. Tôi lén lấy lá thư trong túi xách của chị Quỳnh, trốn ra ngăn cửa nhỏ: “Chị Quỳnh, em không hiểu tình yêu là cái gì, nhưng thấy đến với em dễ dàng quá. Trước kia em cứ nghĩ nó phải cao xa lắm, nhưng khi Minh đến với em, mọi thứ chẳng có nghĩa gì nữa. Chỉ một lần bị ốm, người ta chăm sóc em, vậy đã thành tình yêu được rồi…”. Tôi cất lại lá thư trong túi chị Quỳnh, suốt đêm không ngủ được. Lúc đó tôi đã chớm thành thiếu nữ, thấy lòng mình xốn xang.

Chị Quỳnh lấy chồng ít lâu cũng xin đi Nga. Bé Dương, con chị, lúc đó đã bốn tuổi, xinh xắn và ngoan ngoãn. Tôi thường đến chơi với bé Dương và anh Vũ, quấn quít với hai bố con. Hình như trước khi chị Quỳnh đi, hai  người đã có lục đục. Anh Vũ không bao giờ gửi thư cho chị Quỳnh, chính xác hơn là không gửi. Mẹ tôi quí anh Vũ, coi như con đẻ của mình. Đôi lúc tôi bắt gặp mẹ và anh ngồi uống rượu với nhau, hình như cả hai đều sắp khóc.

Trước khi chị Quỳnh về hai tháng, anh Vũ mất. Đột ngột trong một tai nạn giao thông. Không có ai nhận ra anh, không có ai đi tìm anh. Không có một thứ giấy tờ nào hết khi xảy ra tai nạn. Đêm hôm anh mất, tôi mơ thấy con rắn cắn vào bàn chân mình chảy máu. Chiều, tôi nhận ra anh trong chương trình nhắn tin của đài truyền hình… Ai là thân nhân của nạn nhân, đến trụ sở cảnh sát giao thông quận Ba Đình… Quan Thánh để giải quyết. Hình ảnh cuối cùng của anh trong tâm trí tôi là một khuôn mặt méo mó và bê bết máu. Đám tang đưa vào hôm sau.

Chị Quỳnh về nước vào tháng mười. Mùa thu. Tôi không nhận ra chị trong khổ người nhỏ nhắn và đôi mắt cũ. Tôi nghĩ, tất cả phải đổi khác, chẳng hạn như khi chị Hương về. Chị Quỳnh vẫn giống như xưa, tất cả, kể cả bộ quần áo chị đang mặc trên người. Chị từ nhà chồng trở về thăm bố mẹ đẻ, mẹ tôi khóc để đón chị trong niềm vui sướng. Ít lâu sau khi trở về, mẹ tôi lại đón chị Quỳnh trong vòng tay. Lần nào chị Quỳnh về mẹ cũng khóc. Trong số bốn chị em, chị Quỳnh là người được mẹ yêu quí nhất. Những giọt nước mắt của mẹ chuyển từ sung sướng sang xót xa. Đôi khi trong tình yêu, người ta trở thành những con thiêu thân mù quáng. Mà chị Quỳnh lại xinh đẹp thế, chị không thể sống một mình. Mẹ tôi khuyên chị Quỳnh trở về nhà nội, nhưng chị không nghe. Mọi lời khuyên đều trở nên không có nghĩa lý gì. Mẹ tôi không biết trước đó chị đã có một tình yêu, đến lúc biết đã thành quá muộn. Chị Quỳnh lao theo con đường của mình, mặc cho mẹ tôi dọa sẽ từ chị. Chị ra đi theo một tiếng gọi mà tôi không thể giải thích nổi. Anh ta không phải người có tài, cũng không giàu có, chỉ là một nông dân thuần chất đã có vợ con. Mọi người chép miệng, chắc chị Quỳnh bị bỏ bùa mê mất rồi. Bố tôi không nhìn mặt anh ta, mẹ tôi than thở: “Nó xinh đẹp thế, nào có kém cạnh ai mà sao ngu đến thế là cùng. Người ta thì lấy chồng xuôi, còn nó lọ mọ lên tận miền ngược”. Ngày chị Quỳnh đi, mẹ tôi khóc dấm dứt, hai mắt đỏ hoe, bảo: “Quỳnh, mẹ hỏi con lần cuối, có thật con nhất quyết phải ra đi không?”. Chị Quỳnh như một kẻ mê muội, đôi mắt chẳng còn chút thần khí nào: “Vâng, con phải đi. Để giữ lấy hạnh phúc của mình”. Mẹ tôi giũ tay áo lên nhà trên, không nói thêm lời nào nữa. Chị ra đi trong sự sững sờ của cả nhà. Mẹ cho chị mang theo mình tất cả những gì chị mang về và mẹ đã cho chị. Những ngày chị Quỳnh đi, nhà như có đám tang, đêm nào mẹ cũng khóc. “Hòn vàng thì mất, hòn đất thì còn”. Mấy chị em còn lại không biết phải làm gì, cứ ngơ ngơ ngác ngác. Tuy mẹ nói từ chị, nhưng tôi hiểu lúc nào mẹ cũng quí chị Quỳnh nhất. Chị Trang ôm vai mẹ: “Mẹ đừng giận con Quỳnh. Dẫu sao cũng là con mẹ đẻ ra, chị em một nhà cả”. Mẹ quì trước bàn thờ tổ tiên, tấm lưng như còng xuống. Cơn mưa ập đến trút đầy lên vai bà những điều phiền muộn và khổ đau.

Chị Trang trở về sống với mẹ. Mua sắm đồ đạc đều đều, chất đầy căn phòng nhỏ xíu. Ngôi nhà đã nhỏ lại bị đến mấy tầng síết, ngột ngạt như người bị bóp cổ. Chị Trang không có ý định lấy chồng. “Một người là đủ lắm rồi, cần gì phải thêm nữa. Cứ tự do sống theo mình là hay nhất”. Chị cặp với người bạn đã có vợ và hai con. Đôi lúc tôi hỏi: “Chị không có ý định lấy chồng nữa sao?”. “Không”. “Thế đi lại với người ta làm gì?”. Chị cười lớn, cốc vào đầu tôi đau điếng: “Cô còn ngốc lắm, bây giờ chẳng thằng nào đi với bồ mà lại nỏ bỏ vợ đâu. Mồm thì vẫn gia đình anh không hạnh phúc, anh bị khổ sở… Nhưng đố mà dứt được ra đấy”. Chị cười lớn, nước mắt long lanh trong mắt. Mẹ tôi thấy chị Trang cứ đi đi về về đâm ngứa mắt, nói mãi chị không dứt khoát. Chị Trang cũng giận mẹ, không còn hay chuyện trò với bà như trước nữa. Mẹ tôi thường than cái nhà này như bị ma ám, lúc nào cũng chập chà chập choạng. Thêm chị Hương từ ngày đi Nga về vẫn ở vậy, mà tuổi thì đã lớn, hai sáu, hai bảy rồi còn gì. Mối tình đầu ở tận nước Nga xa xôi của chị Hương quá sâu sắc, đến nỗi không còn yêu ai được nữa. Chị sống trong ký ức của quá khứ, trong những cơn mê sảng ám ảnh không nguôi. Những đứa con bé bỏng của chị chẳng bao giờ nhìn thấy ánh sáng của cuộc đời. Chúng chết đi khi còn quá nhỏ bé, khi chỉ là những hài nhi trong bụng mẹ. Đêm đêm những đứa con gào thét bên chị, không hình thù, chỉ có đôi mắt chòng chọc, lóe sáng. Chúng đòi chị trả lại quyền được sống, quyền được làm người. Chị như miên man trong nỗi khiếp đảm của những phút giây bị kết án, bị phụ bạc bởi mối tình đầu. Người chị mềm oặt sau những cơn gió, những trận ốm liên tiếp làm người rạc đi. Nhiều năm, khi những chuỗi hình ảnh ghê rợn đó lắng dần, chị như được hồi sinh, trở lại với cuộc sống bình thường vốn có của mình. Chị bắt đầu hiểu được sự cô đơn, bắt đầu cần cho mình một người đàn ông để được che chở. Nhưng những người chị yêu thì không yêu chị, những người yêu chị thì chị lại không yêu. Mẹ tôi luôn vun đắp cho chị đến một trạng thái cân bằng nào đó nhưng không bao giờ thực hiện được. Mà chị luôn ý thức là mình xinh đẹp và thông minh nên những gã đi theo chị chỉ là những kẻ tầm thường lớp dưới. Chị yêu những cái bóng mà mình luôn phải chạy theo, luôn quị lụy và si tình như một con ranh ngốc nghếch.

Tôi biết mẹ đã kiệt quệ cả về sức lực, tinh thần. Khi tôi nhận ra bà lọt thỏm trong chiếc ghế bành nhỏ, hai mắt nhắm nghiền mệt mỏi và mái tóc muối tiêu bay lòa xòa trong gió, bàn tay rã rời. Tôi hiểu bà đã đau khổ thế nào khi mình bị đánh cắp những đứa con. Bà không dám bộc bạch cùng ai, thậm chí không dám sang hàng xóm chơi vì sợ bị thóc mách. Đáng lẽ tuổi của mẹ cần được nghỉ ngơi, được con cái chăm sóc, gần sáu mươi rồi còn gì… Nhưng số phận nghiệt ngã, cứ tước đi của bà từng đứa con, từng đứa cháu, để lại trơ trọi những nỗi đau. Mẹ luôn luôn nhắc bà chỉ còn tôi, với một ông chồng suốt năm công tác biền biệt và đàn chó nhỏ. Mẹ tôi đòi về quê, về với căn nhà lợp ngói cũ kỹ của bà ngoại. Nơi mẹ đã sinh ra, đã lớn lên, đã nuôi nấng các chị tôi những ngày sơ tán. Về quê. Có lẽ mẹ sẽ bớt đi buồn đau và tủi cực. Ở đó không có ai biết được chuyện của bà, không ai hỏi bà những câu khó trả lời, không ai có quyền chất vấn. Về quê. Niềm hi vọng của mẹ bị bẻ gãy khi nhìn lại ngôi nhà ngổn ngang. Mẹ phải ở lại để nuôi dạy tôi, để chăm sóc chị Hương, để đợi những lá thư ít ỏi của chị Quỳnh. Tôi thương mẹ. Nhưng có lẽ bàn chân lại đặt trượt con đường mà mẹ đã chọn cho tôi. Tôi không si tình như các chị, có lẽ thế. Nhưng tôi chôn mình trong những quán cà phê mệt mỏi, ám ảnh bởi những khúc nhạc của Richard Clayderman đến không thể nhấc chân lên được. “Xuyên, sao mày cứ tiêu phí đời mình trong những trò vô bổ thế. Không có gì hơn cho mày à?”. Mẹ đập bàn giận dữ, những chiếc tách trên bàn run lên bần bật. Tôi ngồi im nghe tiếng chị Hương xào rau sột soạt trong bếp, không biết phải trả lời thế nào. Tan học, tôi đạp xe thật chậm qua quán cà phê, nhìn vào chỗ mình vẫn ngồi. Rồi phóng xe một đoạn xa, thấy như tiếng đàn đuổi theo mình, văng vẳng: “I’ve been alone inside my mind. And in my dream. I’ ve kiss your lips a thousand times. I some time see you pass outside my door. Hello”. Lại không cưỡng được lòng mình, tôi đạp xe trở lại. Ngồi vào chiếc ghế quen thuộc, vọng vào trong một ly nâu quen thuộc.

Mẹ bảo mấy hôm nay lòng dạ cứ bồn chồn, nóng như có cái gì đang thiêu đốt. Mẹ lại thơ thẩn nhắc lại chuyện xưa, nuôi nấng từng đứa con như thế nào, vất vả đến cùng cực với những thùng lương khô dự trữ. Chị Hương xì một tiếng rồi đi ra ngoài. Mẹ kéo ghế ra ngoài cửa, hướng mắt ra phía đường lớn. Bà như thể bất động suốt buổi chiều, mặc cho cơn bão xoáy lông lốc. Gió gào và rít. Mưa như điên dại, như than khóc và quở trách. Tôi dìu mẹ vào giường, thấy rơi ra hai bức thư từ túi áo nhỏ. Bức thư thứ nhất của chị Quỳnh, đề ngày ba mươi tháng chín:

“Mẹ yêu thương, Con gửi mẹ lá thư này trong sự hối hận và tủi hổ. Nhưng con đã bước chân ra đi, không thể trở về với mẹ được nữa, dù con biết mẹ rất thương con. Cuộc sống của vợ chồng con ở đây rất khổ cực, số tiền hàng mang về đã hết. Chúng con ở đây lại không biết làm gì. Con không biết nên nói thế nào để hiểu, con cũng không dám xin mẹ. Nhưng nếu mẹ vẫn còn thương con như ngày xưa, mẹ hãy gửi cho con một ít tiền, chúng con đang cần lắm…”.

Tôi giở lá thư thứ hai, đây là lá thư của mẹ. Dường như nó vẫn còn là một trang giấy trắng, ngoài một dòng chữ đầu trang run rẩy: “Quỳnh thương yêu của mẹ…”.

HOÀNG LAN ANH
304Đen - Llttm

No comments: