Wednesday, January 4, 2017

Thằng Chự Trâu Và Cái Trốt Cúi - Bs Nguyễn Phước Bảo Tiên


Thằng chự trâu và cái trốt cúi

 


 

...Trung cộng tung tiền nhiều quá, nó mua, nó gạt đủ thứ từ ngày kháng chiến đến nay. Mấy ổng hồi trước thì ngu ngốc ký nhượng đất đai hải đảo, đếch có cho dân biết. Bây giờ tin tức hé ra, thằng nào biểu tình phản đối thì cứ vào ngủ trong tù, hay sáng đi làm rồi "thăng" luôn chẳng trở về! Đậu xoay xoay cái ly rượu trên tay, trầm ngâm tâm sự, "Con không góp một bàn tay xây dựng đất nước khi khó khăn, vì thế không dám phê phán. Con biết đời sống dân mình sau chiến tranh rất đói khổ, nhưng con hiểu ra rằng ngày nào còn bị độc tài với cái Đảng của bố thì trăm năm dân mình vẫn u tối.”


*

Theo tiếng địa phương từ Huế đến Nghệ Tĩnh, người giữ trâu, thường được gọi chự tru, hay chự trâu là nông dân nghèo và chất phác. Riêng cái trốt cúi, hay trốc gúi là đầu gối ở chân. "Khi nói chuyện với người khác mà họ không hiểu, hay không chịu nghe, thì thà nói với cái đầu gối của mình còn khoẻ hơn." Ngụ ý, tùy theo quan điểm từng người, tác giả xin mời quý vị đọc câu chuyện với một tâm như huyễn, có mà không, không mà có, suy tưởng vui, và tích cực. 

 l. Ấy là năm 1953, trong một làng nhỏ vùng Quỳ Châu, Nghệ An đang sôi sục phong trào “Cải cách ruộng đất,” mấy ông cán bộ chỉnh huấn đêm nào cũng xôn xao họp hành. Một hôm, có ông Bí thư trên huyện “cưỡi" chiếc xe đạp của Trung Quốc về, bọn trẻ trong làng thấy lạ nên cứ bu quanh chiếc xe mà sờ sờ, ngắm ngắm, trầm trồ. Ông Bí thư cẩn thận khóa xe vào cột trụ trước mái hiên, “Thời buổi đói kém, trộm cắp chẳng chừa ai. Cẩn thận vẫn hơn.” Ông nghĩ, rồi đủng đỉnh bước vào hội trường. Cả hội đồng xã đang ngồi chờ ông. Sau khi dông dài cổ động phong trào, ông Bí thư chốt lại một cách đanh thép:

 - Phải nộp cho đủ số danh sách địa chủ để nhân dân xử!

 Xã trưởng gãi đầu; "Dạ thưa đồng chí Bí thư, đất đai ở đây cằn cỗi, dân tình khổ từ mấy đời nay. Cái nghèo cứ đeo đuổi, chẳng có ai giàu để được gọi là địa chủ, cũng chả có ai theo Tây cả ạ."

 Bí thư huyện nổi cáu:

 - Không cần biết! Chỉ tiêu ở trên đưa xuống rồi, thì phải tìm cho đủ!

 Một thằng du kích ngồi chồm hổm dưới đất buột miệng, "Căng quá!"

 Hắn, thằng bé 8 tuổi, chỉ nghe loáng thoáng, đếch hiểu địa chủ với cường hào ác bá là gì, nhưng người lớn đi họp, bọn nhỏ như hắn được tự do đi chơi đêm là thích lắm.

 Người ta bàn luận xôn xao, thấy mấy cán bộ tách riêng tới nói chuyện với những người đang ngồi họp ở ngoài sân. Bố mẹ hắn được một đồng chí chỉnh huấn hướng dẫn cách kể tội ông bà Thám - Người đã nuôi cả gia đình hắn mấy chục năm nay. Ông bà Thám không có con cái, hay giúp đỡ mọi người trong làng và thương bố mẹ hắn như người nhà; ông bà là người có chục mẫu ruộng, căn nhà ngói thừa tự và hai con trâu cho dân thuê cày cấy đầu mùa.

 Hắn nghe lén, bán tín bán nghi. Ông bà Thám cũng giống như ông bà Ngoại hắn, làm gì “có tội” để ba mẹ hắn “kể” nhỉ?

 Rồi mấy ngày sau, đó là một buổi sáng mùa thu, trời đang còn tờ mờ tối, cả làng tập trung ở sân đình nghe xử tội ông bà Thám. Sau gần hai giờ đồng hồ nghe đấu tố, ông bà Thám bị “Nhân dân" kết án: "Địa chủ phản động." Từ cái loa bằng lá nứa cuộn tròn người ta nghe “Tòa” tuyên án: "Tử hình!” Hắn thấy người ta bịt mắt ông bà Thám trói vào cái cột cuối sân đình. Tiếng súng nổ, rồi cơ thể của ông bà Thám giựt giựt mấy cái trước khi ngoẹo đầu, đổ gục xuống làm hắn điếng hồn! Dân làng đang trong cơn "say máu" họ la hét, cuồng nhiệt, khiến hắn cũng hùa theo, “Đả đảo địa chủ! Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo! Cách mạng muôn năm! Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!”

 Trưa về, trong căn nhà im lìm cửa đóng then cài, không một tia nắng lọt vào, tối thui tối mù, hắn thấy bố mình nằm oài người trên chiếc giường tre ọp ẹp, chốc chốc lại thở dài thườn thượt, còn mẹ hắn thì hai mắt đỏ hoe. Hắn xuống bếp lục tìm cái gì để bỏ trong bụng, “Đói quá!” Hắn hỏi “Mẹ ơi, có gì ăn không?”

 Mẹ đưa cho hắn củ khoai mì, "Liệu mà im cái mồm, mẹ lạy mày đấy.”

 Khuya hôm đó, hắn theo bố mẹ đẩy xe cút kít ra đình, lén lút đưa xác ông bà Thám đi chôn. Họ được bó trong hai chiếc chiếu cũ, túm hai đầu lại bằng sợi dây dừa như người ta cột lợn. Hắn giúp bố mẹ đào vội vàng hai cái huyệt trên miếng đất ngoài bìa rừng rồi chôn ông bà Thám xuống. Không một nén nhang, không một cái trứng, chén cơm để cúng!

 Hai ngày sau, cơ ngơi của ông bà Thám được lấy làm trụ sở hợp tác xã, bố mẹ hắn được hội đồng xã cho ở chái bếp sau vườn và chia cho một sào đất để cày bừa. Hắn, thằng bé tám tuổi, cũng như những đứa trẻ khác trong làng, được giao nhiệm vụ giữ Trâu. Buổi trưa hắn thường đem con Trâu ra bờ sông cạn cuối làng tắm; con Trâu già rồi, lười biếng, cứ nằm ậm ự dưới bùn, mặc lũ trẻ leo lên lưng rồi nhảy lùm bùm xuống nước. Từ đó hắn có cái tên mới, "thằng Cùng chự trâu.”

 ll. Đất nước đang có chiến tranh, đi đâu cũng nghe khẩu hiệu, “Tất cả cho tiền tuyến,” nên hậu phương như cái làng quê nhỏ bé của hắn không còn gì để ăn! Từ hạt gạo cho đến hột muối, cái gì cũng hiếm. Rồi nạn đói. Làng hắn đói, cả tỉnh đói, cả miền Bắc bị nạn đói hoành hành. Ấy vậy, nhưng chính ủy nói, “Nhân dân miền Nam còn khổ hơn Ta, vừa bị đói, vừa bị Mỹ Diệm tù đày, chém giết.” Chú Chí, em kế của ba hắn, trước làm nghề hớt tóc dạo, giờ là bí thư huyện ủy, đêm nào cũng tập trung dân làng ra đình để nghe chú đọc báo.

 Một buổi tối, đợi mọi người ra về hết, chú Chí kéo hắn ra gốc mít sau hè, nói khẽ, "Tau khai thêm cho mi hai tuổi để vô bộ đội, trước là có cái ăn cho khỏi chết đói, sau là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bố mẹ mi ở đây cũng được nhà nước quan tâm.”

 Hắn, thằng con trai 16 tuổi (1961), học hành lỏm bỏm chỉ đủ để viết thư, làm toán cộng trừ, nghe vậy thích quá, rối rít cám ơn, “Con cám ơn chú Chí.”

 Hắn vào bộ đội, gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Mấy tháng tập huấn thật là vui. Người ta phát cho hắn mọi thứ. Trong cái ba lô khi nào cũng lủng lẳng cái tô, cái thìa, và đôi đũa. Đến giờ vào bếp tập thể lấy phần cơm, ăn xong lấy bát múc tô nước trà đen, uống nửa còn một nửa dùng đũa quẹt quẹt, tráng luôn cái tô!

 Càng ngẫm nghĩ càng thấy chú Chí “nhìn xa trông rộng.” Vào bộ đội như hắn, đúng là một công đôi việc, coi như vừa hết đói, vừa được thỏa mãn tinh thần yêu nước. Sau khi tập huấn, hắn được trở về quê, hắn đoán chú Chí muốn vậy. Bây giờ chú làm lớn, ở tận ngoài Tỉnh ủy, đúng là số hắn hên!

 Có cây súng trên vai hắn thấy mình trở thành người lớn, chững chạc hẳn ra! Bọn trẻ con trong làng nhìn hắn nể phục hết sức. Mấy đứa con gái tuổi mười ba mười bốn, mông ngực đã nhấp nhú trái cau cứ liếc mắt ghẹo tình. Chẳng biết từ bao giờ hắn trở thành thần tượng của cả cái làng này! Có ai biết đêm đêm, trước khi chìm vào giấc ngủ, hắn thường mỉm cười sung sướng, cảm thấy hạnh phúc vô cùng, chẳng bận tâm tại sao tuổi thơ của mình và đám bạn cùng lứa lại quá bần cùng, gian nan.

 III. Một thời gian ngắn sau đó thì hắn được điều động vào chiến trường miền Nam, tiếp tục phấn đấu nên được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Lúc này, tình hình chiến sự rất gay cấn. Mỹ thả bom dọc tuyến đường mòn dãy núi Trường Sơn. Không may, nơi hắn trú quân bị trúng bom. Hắn bị thương ở chân, mất máu nhiều, gần hai ngày sau mới tỉnh lại.

 Tiếng súng nổ ngày càng gần hơn, rền vang cả một vùng khiến hắn vô cùng khiếp sợ. Tâm trí thì cứ u u mê mê vì hắn bị thêm sốt rét rừng, mỗi lần lên cơn sốt, người cứ như luỗi đi.

 Chính ủy ra lệnh: "Thương binh ở lại trạm về sau. Trên đã quyết bảo toàn lực lượng và đánh lạc hướng địch. Đêm nay ta rút.”

 Vậy là sư đoàn âm thầm rút đi, trạm xá dã chiến được nguỵ trang thật kỹ dưới các hầm giao liên, xuyên qua núi rừng, ở ngoài không cách gì nhìn ra được. Sức khoẻ hắn tốt dần lên, hắn đã có thể đi lại và giúp đỡ các bác sĩ, y tá cũng như các thương binh khác.

 Thời gian này, hắn học được nhiều “kiến thức” y tế. Khi thấy vết thương cẳng chân một thương binh đã thối, y sĩ phán: “Cắt”. Thế là hắn phụ y tá cầm cưa, chích thuốc, thay băng. Hết nước biển chuyền, y sĩ cho người trèo lên cây dừa hái trái non, chọc ống xi lanh vào cùi, xịt nước ra, cứ thế mà chuyền vào mạch máu, chẳng hiểu sao mà thương binh sống nhăn! Chiều tối, trạm xá thắp đèn dầu tù mù sinh hoạt, nghe tin tức Hà Nội từ cái đài cỏn con của chính ủy, đa số là tin quân ta thắng trận trăm bề, lòng dân phấn khởi, đất nước hồ hởi đến thế là cùng.

 Lúc này, hắn bắt đầu hút thuốc. Mỗi khi không có việc gì làm, hắn thường cùng các chiến hữu, nhâm nhi kéo điếu thuốc lào như mấy ông cụ non, đấu láo đủ chuyện trên trời dưới đất, đứa bảo nhớ nhà, nhớ con trâu, nhớ bố mẹ. Còn hắn, ngồi vác cả hai chân lên ghế, đầu gối kẹp lại, nửa đùa nửa thật, “Ngồi thế này mới giãn gân giãn cốt, mới có tác phong nông dân dẫn đường cách mạng cho cả nước chứ!”

 Ở trong chiến khu, thời gian thấm thoắt thoi đưa, bây giờ đã qua mùa mưa. Nghe đâu lính Mỹ không quen thời tiết ở vùng nhiệt đới như nước mình, nên tình hình chiến sự có mòi yên tĩnh hơn. Không còn những trận mưa bom hay pháo kích nữa. Dựa vào thương tích của hắn, chỉ huy cho hắn xuất ngũ với cái bằng thương binh kháng chiến. Người ta hỏi hắn có muốn gì nữa không? Hắn muốn đi học lớp trung cấp y sĩ, ngoài Hà Tĩnh.

 Học xong hắn về quê ở với bố mẹ. Một hôm bố hắn hỏi: "Con có muốn lấy vợ không?"

 Con bé Thắm, nhà ở cuối làng năm nay mười bảy mà người ngợm phổng phao như mít chín trên cành. Hắn đồng ý. Năm sau thì bố mẹ hắn có cháu nội, thằng bé tên Nguyễn văn Đậu. Đó là năm 1968, hắn tròn 23 tuổi.

 IV. Chú Chí bí thư năm xưa giờ đã về làm ở tận thủ đô, ngoài trung ương lận. Chú vẫn lo lắng cho hắn như thuở nào. Chú đưa hắn về làm ở Sở Y Tế. Hắn không thích lắm. Chú đưa hắn qua làm ở bệnh viện tỉnh, bí thư đảng ủy! Nghe cũng “vang” chán!

 Việc làm chính của hắn là quản lý tư tưởng cán bộ, bí thư đảng ủy phải hiểu là quan trọng hơn giám đốc. Việc thuốc men, mổ xẻ đã có y bác sĩ lo. Khi không có giám đốc, hắn phải chủ tọa giao ban buổi sáng. Nghe bác sĩ trực báo cáo có ca bệnh khó cần giải quyết thì hắn gật gù, nhìn quanh các trưởng khoa, rồi nói:

 - Tập trung dân chủ nhé. Hội chẩn. Các đồng chí có hướng điều trị thế nào?

 Lỡ vướng vào bệnh nhân nặng dễ chết, dễ mất điểm thi đua, ai cũng góp ý đoảng!

 - Nhất trí chuyển bệnh lên tuyến trên!

 Mà cũng phải thôi, “Dại gì, ách giữa đàng mang vào cổ?” Thật là tiện lợi, vừa bảo đảm tính mạng bệnh nhân, vừa đỡ lo ngay ngáy, nhỡ cái thằng này mổ xong bị nhiễm trùng, mình mang tiếng ác, mất mẹ nó lao động tiên tiến mười mấy năm liền. Há là chẳng bao giờ có sai sót trong bệnh viện ư?

 Đến một ngày kia, ông bí thư huyện ủy đi ăn giỗ về trúng gió ngã lăn đùng ngoài lộ, người dân chung quanh xúm lại giựt tóc mai, cạo gió, cấp cứu không được, đành phải để ông quy tiên!

Nhưng mà “Xui người, hên ta!” nhờ vậy hắn được tức tốc chuyển qua làm "Bí thư huyện ủy." Vợ chồng hắn nay được người ta một tiếng dạ, một tiếng thưa hẳn hoi, “Thưa đồng chí bí thư Cùng,” không thể gọi trống rỗng “Anh Cùng” được đâu nhé!

 Cái tên Nguyễn văn Cùng, hay “Thằng Cùng chự trâu," đã thuộc về quá khứ.

 V. Đầu năm 1975, tình hình chiến sự thay đổi, quân đội Mỹ ở miền Nam rút đi. Đảng dự tính phải một vài năm mới xong để thống nhất hai miền. Các đồng chí Chu Ân Lai, ông Nixon, ông Brezhnev đã đồng ý với nhau từ Paris, 1973 rồi, vậy mà đằng này mới hơn có bốn tháng đã xong. Bộ chính trị trở tay không kịp, cứ như nhà ba bốn đứa con gái chưa chồng có chửa cùng lúc. Hắn được điều ngay vào Huế. Các thành phố mới tiếp quản, bao nhiêu việc phải làm, nào là chỉ thị, tịch thu tài sản, học tập chính trị… Hắn làm ở ủy ban quân quản thành phố.

 Nhiều cái hắn cũng thấy ngờ ngợ, lạ lùng, hư thực mơ màng, đúng sai lẫn lộn. Bao nhiêu điều người ta dạy hắn về miền Nam khổ sở, đói nghèo, thì giờ mắt hắn thấy, tai hắn nghe hoàn toàn ngược lại. Kỳ cục! "Nhà nước ta nói dân miền Nam khổ lắm, sao ở đây nhà nào cũng có cái đài ra-dô, máy quạt, xe máy chạy tấp nập thế?” Hắn nghĩ.

Nhưng phong trào đang dữ dội quá nên hắn cứ bị cuốn đi với công việc, không kịp có thì giờ suy nghĩ, mà nghĩ cho cùng, Đảng đã nói thì không sai được!

Sau một thời gian thì hắn đưa vợ con vào. Hắn vốn tính hiền lành, thay đổi nhanh với cuộc sống. Hắn yêu miền Bắc, quê hương nơi chôn rau cắt rốn, nhưng hắn nhận ra sự khác biệt của người miền Nam, cởi mở, nhanh nhạy, dễ làm ăn.

 Thằng Đậu mỗi ngày mỗi lớn, hay thắc mắc, hay hỏi khó cho hắn. "Mình sinh con trời sinh tánh, nói gì nó cũng vặn vẹo, cãi bướng ngang ngạnh như cua,” đôi khi cũng bực mình.

Có buổi chiều ngồi ăn cơm, nó hỏi:

 - Cái cô hộ lý làm bệnh viện học lớp mấy bố nhỉ?

 Hắn ngừng đũa, ậm ừ cho qua chuyện, "Hộ lý chỉ làm vệ sinh, chùi nhà, đâu cần học."

- Thế sao Mẹ nói lương thực tem phiếu cũng bằng bác sĩ? Thằng Đậu cãi.

Hắn nói như trong sách đã học "Ấy, thế xã hội mới công bằng, ai cũng đồng đều như nhau."

Im lặng một lát, thằng Đậu lại cắc cớ:

 - Vậy sao bố bắt con phải học?

 Lần này hắn nổi nóng tam bành, "Mả cha mày, tau không học ở trường, nhưng tau học ở chiến trường trên bom dưới đạn, đảng đoàn bổ túc văn hóa cho tau. Mày chỉ có việc ăn ngày ba bữa xách đít đến trường, bày đặt hỏi cắc cớ, vớ vẩn. Nói chuyện với mày chán lắm, chẳng thà vén ống quần nói với cái trốt cúi tau."

 Thằng Đậu ngớ người:

 - Trốt cúi?

 Hắn thấy thương thằng con, nên hạ giọng. "Là cái đầu gối của tau. Hai lần bị thương, may mà không bỏ xác nơi chiến trường con ạ.”

 VI. Cứ tưởng nước nhà thống nhất thì nhân dân được hưởng hòa bình. Ngờ đâu, chỉ có mấy năm, súng đạn lại nổ dữ dội phía Tây Nam, từ Campuchia. Phía Bắc thì quân đội Trung cộng tràn qua. Thanh niên phải nhập ngũ, tổng động viên và nạn đói trở lại. Thiếu ăn thiếu mặc làm con người khô héo cả thể xác, cả trí thức tâm hồn. Bao nhiêu điều thánh thiện ông bà giảng dạy, không bằng bát phở khi cái dạ dày rỗng queo.

 Đầu năm 1985, lúc này thằng Đậu được 17 tuổi, một buổi tối hai vợ chồng ngồi ăn cơm, bà Thắm bảo:

 - Ông à, phải tìm cách cho thằng Đậu đi nước ngoài, tôi không muốn nó đi bộ đội đâu.

 Ông làm một ngụm trà Đức Thái, đốt điếu thuốc ba số, nhả khói, tay mân mê cái hộp quẹt Dunhill giám đốc hải quan biếu tặng hôm qua, "Ừ, bà nói đúng. Tuần sau tui ra Hà Nội nhờ anh em lo, chuyện nhỏ!"

 Thế là sáu tháng sau, thằng Đậu đã có mặt ở Đông Đức.

 Sự đời oái oăm, mấy tháng đầu Đậu vào lớp, nó chỉ được học ngôn ngữ khó như ma quỷ là tiếng Đức, rồi chính trị Marx Lenin ngán tận cổ. Vì thế nó đâm ra nản, nghi ngờ mọi thứ, cứ ngỡ ra nước ngoài thoải mái, ai dè đồng chí anh em dạy những bài xã hội chủ nghĩa giông giống nhau thôi.

 Từ đó nó ít nói, ít cười, mắt cứ nhìn đăm đăm suy tư về một thế giới khác, nó đọc nhiều báo, nghe bạn bè kể về Âu Châu, tam quyền phân lập. Nó cũng nghe nhiều về nước Mỹ tự do bầu cử, tôn trọng nhân quyền.

 Đêm mồng mười, tháng mười một, năm tám mươi chín, bức tường Berlin sụp đổ. Thằng Đậu là một trong hàng ngàn người đầu tiên tràn qua biên giới đến Tây Đức qua cửa khẩu Bornholmer, trong đó có bà Angela Merkel, bây giờ là thủ tướng. Cả một chân trời mới rực sáng trong đôi mắt, trái tim của Đậu, gã thanh niên lớn lên từ Việt Nam, một đất nước theo chế độ cộng sản như Đông Đức.

 “Công dân Đông Đức đã được người dân Tây Berlin đón chào nồng nhiệt. Phần lớn các quán bia gần bức tường tự phát cho uống không phải trả tiền, và trên đại lộ Kurfürstendamm là hằng đoàn ô tô bóp còi diễn hành, những người hoàn toàn xa lạ ôm choàng lấy nhau. Nước Đức tái thống nhất kể từ ngày 3 tháng 10 năm 1990.”

 Cách xa nửa vòng trái đất, ông bà bí thư nhìn nhau ngơ ngác khi đọc hàng tin trên qua báo. Thôi, thế là cái hủ mắm đầu giàn, thằng con quý tử bây giờ lang thang nơi nào?

 Vll. Đa số người Việt chạy tránh qua Tây Đức là lao động xuất khẩu, buôn bán mánh mung thuốc lá và rượu. Họ chỉ mong kiếm tiền và trốn tránh chế độ cộng sản, chẳng tha thiết gì đến tình hình xã hội, cuộc sống của đồng bào trong nước. Đậu là một trong những người hiếm hoi ý thức sự bất bình đẳng ở quê nhà, nhìn hai cảnh đời khác nhau giữa Đông và Tây Đức, hiểu được nền dân chủ Âu châu và sự khốn khó các nước xã hội chủ nghĩa, Đậu luôn ao ước làm một điều gì ích quốc lợi dân, anh tìm thấy chỉ có một con đường vươn lên là xách cặp tới trường trở lại.

Một buổi chiều thu rất đẹp, lá phong đỏ khắp các ngọn đồi thoai thoải bao quanh trường học, trong giờ giải lao, tình cờ Đậu bắt chuyện với một cô gái người châu Á. Cha mẹ cô là những người tỵ nạn gốc Việt, mẹ cô có một tiệm bánh Pâte Chaud, bố là một kỹ sư điện toán. Cô sinh ra ở Tây Đức, tiếng Việt không lưu loát nhưng hiểu được, tên là Kathleen, ở nhà gọi là Bé.

 Nhờ vào những lần đến thăm gia đình ngày cuối tuần, Đậu mới hiểu được lịch sử sống thực của những nạn nhân cộng sản, tại sao họ phải liều mình trên những chiếc thuyền mong manh bỏ nước ra đi năm 1975. Được khuyến khích và giúp đỡ của gia đình Kathleen, Đậu quyết tâm đi học mà không nghĩ đến chuyện gì khác, cuối tuần anh đi làm thêm ở một tiệm ăn kiếm chút tiền còm tiêu vặt.

 Phải mất ba năm Đậu mới được nhận vào học Vật lý trị liệu ở Heidenberg University ở Đức. May mắn vì anh có thêm quy chế tỵ nạn chính phủ. Cái bằng cao đẳng chỉ bốn năm nhưng là một cố gắng lớn đối với một kẻ giang hồ lang bạt như anh. Ơn trời, anh được làm việc chung với một nhóm giáo sư chuyên nghiên cứu tái tạo khớp xương giả, họ ứng dụng kỹ thuật tối tân bằng computer chip để kết nối dây thần kinh từ não bộ, xuống đến bắp thịt để vận hành động tác của khớp là đáng kinh ngạc nhất.

Từ những thí nghiệm ở bắp thịt lớn như Hamstring, Rectus femoris đến những cơ bắp nhỏ như Adductor, Piriformis. Các electro myogenic được kết nối dây thần kinh sensory chuyền vô tủy sống, lên não, rồi trở về mấy sợi motory khiến chín mươi phần trăm bệnh nhân có thể sai khiến các cơ phận khớp di chuyển theo ý mình. Các khớp giả này cần phải nhẹ, nhỏ, không gây tiếng ồn, và nhất là không quá đắt tiền.

Đậu thường được đi nhiều nơi chung với nhóm nghiên cứu này. Âu Châu thường có ý tưởng mới, nhưng để trở thành sự thực thì phải cần đến những softwares, những vi mạch điện tử của người Mỹ, và không đâu có thể thỏa mãn được những điều đó bằng Silicon Valley. Các công ty Ekso Bionics Holding, iRobot, Appleknee Rehab mời mọc nhóm anh hợp tác với những phòng thí nghiệm tối tân, hằng triệu dollars được đầu tư, hàng ngàn bệnh nhân cụt tay chân đi đứng leo trèo lại được, và dĩ nhiên, cổ phiếu của các công ty này vùn vụt tăng lên.

 Vlll. Sau khi chấm dứt những buổi seminar gặp gỡ doanh nghiệp tại Hà Nội, Sài Gòn, Đậu đáp máy bay ra miền Trung thăm nhà. Bố đã về hưu ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nhà cửa buồn hiu cô quạnh chẳng mấy ai lui tới viếng thăm. Khi có chức thì bè bạn rôm rả, khi có quyền thì ai cũng nhiệt tình hơn cả bà con láng giềng. Sự đời, khi mất hết những cái đó thì ông chỉ còn là củ khoai héo, trái mướp già, hay thậm chí là cái lạnh lùng trong ánh mắt người chung quanh.

 Bà Thắm mẹ anh đã ra đi vì đạp phải mìn nổ còn sót lại khi thăm bà con ở Gio Linh, Quảng Trị. Mất hai cẳng chân, mảnh đạn nhẫn tâm cắt vào bụng và tàn phá tủy sống khiến bà liệt hẳn từ lưng xuống, thê thảm hơn, lở loét ở vùng xương cụt ngày càng nặng. Bệnh viện chỉ chữa các vết thương lớn rồi cho về sau mấy tháng điều trị. Săn sóc người bại liệt là một nghiệp quá cay đắng; đau lòng cho bệnh nhân và người chung quanh. Đôi khi tỉnh táo, bà tự nhủ: "Nhân và quả, các ông bày trò chiến tranh, gài chông bẫy mìn, bây giờ vợ con ông lãnh hết. Người dân có tội tình gì với cả ngàn tấn bom mìn còn lại." Hai năm sau thì bà mất với những mũi morphine ân huệ cuối đời.

 Sau giây phút trùng phùng cảm động, không ai nói nên lời, có những giọt nước mắt lăn trên má bố anh. Nhớ bố thích rượu ngon, anh mở chai Cordon Bleu mang về rót ra ly mời, hai cha con cụng ly đối ẩm:

- Đất nước thay đổi nhiều chắc con thấy, nhà cao tầng, phố rộng, đường xanh. Nhưng tất đều do viện trợ của nước ngoài, cũng có nghĩa là đi mượn tiền, có vay thì phải trả. Ai trả, con biết không?

Làm thêm một hớp rượu nữa, ông chua chát: “Mẹ kiếp! Cả nước có năm thành phố lớn thuộc trung ương, các quan đẩy dân đi chỗ khác, bồi thường vài đô la cho mỗi mét đất, rồi bán lại hàng ngàn đô, bảo sao không giàu? Tham nhũng từ trên xuống dưới, tranh giành quyền lực, trên bảo dưới không nghe cứ ấm ớ chây lười. Đảng, chính quyền, thế lực thanh toán nhau lộ liễu hơn cả Mafia.”

Suy tư trong ánh mắt xa vời vợi của một người già ngoài bảy mươi, ông quay lại nhìn Đậu:

 - Bố thất vọng quá, xin ra khỏi đảng hơn mười mấy năm nay!

 Đậu hỏi: "Thế họ có làm phiền bố không?"

 - Dĩ nhiên là có, nhưng tau cáo bệnh không sinh hoạt được.

 "Con về Sài Gòn thấy lớp trẻ rất giỏi, kiến thức rộng nhờ internet, tiếng Anh trôi chảy, tài năng nhiều…” Đậu kể.
Ông đánh cộp ly rượu xuống bàn ngắt lời:

- ...Mà không kiếm được việc làm, chẳng được trọng dụng, phải không? Bố đã nói rát cổ họng, chẳng thằng đại biểu gật nào ở quốc hội lắng nghe.
Rồi lại hạ giọng, nhỏ nhẹ vừa đủ nghe:

- Trung Quốc tung tiền nhiều quá, nó mua, nó gạt đủ thứ từ ngày kháng chiến đến nay. Mấy ổng hồi trước thì ngu ngốc ký nhượng đất đai hải đảo, đếch có cho dân biết. Bây giờ tin tức hé ra, thằng nào biểu tình phản đối thì cứ vào ngủ trong tù, hay sáng đi làm rồi "thăng" luôn chẳng trở về!

Đậu xoay xoay cái ly rượu trên tay, trầm ngâm tâm sự, "Con không góp một bàn tay xây dựng đất nước khi khó khăn, vì thế không dám phê phán. Con biết đời sống dân mình sau chiến tranh rất đói khổ, nhưng con hiểu ra rằng ngày nào còn bị độc tài với cái Đảng của bố thì trăm năm dân mình vẫn u tối.”

 - Đúng, đã hơn sáu chục năm rồi. Ai cũng biết mọi kinh phí xây dựng đưa xuống tụi nó ăn mất hơn nửa, bao nhiêu cũng không vừa, lại đụng chạm con ông này cháu ông kia. Nay con về cá biển đâu còn nữa, mắm muối cũng không, miền Trung gạo thịt không nhiều, hàng ngàn người thất nghiệp, du lịch chẳng ma nào muốn đến, hàng quán bán buôn ngồi nhìn nhau ngắc ngoải, vậy là dân đói.” Ông nói.

Đậu nhắc, "Ngày xưa bố thích nói chuyện với cái trốt cúi hơn là nói chuyện với con."
Ông cười ha hả, quả thật lâu lắm mới được vui như thế này.
- Vâng, bố đã sai. Sai lầm khủng khiếp, rồi ăn năn mãi cho đến giờ phút này.

Thắp điếu thuốc nhả khói, giọng ông tiếc nuối. "Theo Đảng hơn nửa đời người để chỉ thấy tất cả đều chỉ là những cái trốt cúi lì lợm, không trái tim! À, mà nghe con nay học có nghề làm khớp giả, bố mừng lắm."

"Con đang hợp tác với tổ chức RENEW của Mỹ, MAG Anh quốc để gỡ mìn và giúp bệnh nhân vùng Quảng Trị này; trong chiến tranh họ không cần phải có trách nhiệm, nhưng họ có lương tâm khi muốn làm điều đó. Con sẽ về thường xuyên hơn.” Đậu giải thích.

- Ừ, giúp người thương tật chiến tranh đi đứng lại được, công đức con lớn lắm. Ngày xưa Bố thấy mà không nhiệt tình cứu giúp, bây giờ hối hận quá.
"Con vẫn hy vọng đất nước sẽ thay đổi, thế giới đang thay đổi từng ngày.” Đậu đáp.

- Nghe lời bố, bọn lãnh đạo này không thể mổ để thay trốt cúi được, phải chặt hết rồi thay chân mới như con đã làm, hy vọng nó mới cảm thấy cái khổ của dân nghèo, giảm bớt lòng tham!

Nhìn thẳng vào mắt bố, Đậu nói:

- Sửa một vài đôi chân giả không bằng giúp sửa cái nhìn. Nhìn thẳng. Ngửng đầu đứng dậy của người dân. Ngày nào đó, giới trẻ sẽ tự chọn cho mình giới hạn những thách thức, hay thách thức lại những giới hạn này." 
Nghe lời tâm huyết của con như thế ông gật gù mừng lắm. Tai yếu, mắt mờ, cuộc đời ông đã tiêu tan mọi thứ, có hôm đi thăm mộ vợ, gặp vị sư già ở một ngôi chùa vắng, sư nghe ông tâm sự rồi mĩm cười, “Tu là sửa. Đồ tể buông đao là đã thành Phật.” Ông suy nghĩ nhiều đêm về câu nói đơn giản đó.
Bây giờ ông chỉ còn giữ niềm tin nơi giới trẻ, những người sẽ quên mình dấn thân, những người không ngu ngơ bị xỏ mũi như con trâu và giống như ông ngày nào. Chự trâu và cái trốt cúi, ngôn ngữ mộc mạc đó có thể làm người khác chẳng có gì băn khoăn, nhưng thằng giữ trâu và cái đầu gối, hai điều giản dị ấy đã làm ông chết đi và sống lại biết bao lần trong chỉ một kiếp người.

 
Bs. Nguyễn Phước Bảo Tiên

Người chuyển bài - HV

 

 

No comments: