Wednesday, January 4, 2017

Bay Đi Bụi Hồng Trần - Thuyên Huy



Bay Đi Bụi Hồng Trần

Để nhớ chị Nguyễn Thị B, người đã ngậm ngùi mang theo mình, kiếp đời “trời bắt xấu” nằm xuống tại Trà Võ, một ngày chưa cuối mùa hạ năm 1965

 
 


    Cha mẹ mất sớm, nhưng không biết mất khi nào, nhà nghèo, bà ngoại già yếu, thiếu ăn thiếu mặc, không kham nổi để nuôi nấng đứa cháu chưa đầy năm tuổi, bà mang Bê từ An Tịnh lên tới Lộc Giang, một cái xã nghèo, nằm ven bờ sông Vàm Cỏ Đông, cho gia đình ông bà tư Chánh làm con nuôi, sau khi nghe tin người quen nói lại, ông bà tư không giàu có nhưng tương đối cũng kha khá, có chừng mười mẫu ruộng nước và mấy miếng đất trồng đậu xanh đậu đỏ, hai vợ chồng cũng trên dưới năm mươi, không có con cái, nhà ông bà rộng, hai ba gian, mái ngói âm dương cũ, nằm một góc ngang chợ, bên cạnh con đường đất đi ra ngoài hội đồng xã, ngó qua bến xe lam về quận Đức Hòa, bà ngoại ở lại nhà ông bà tư, tối hôm đó, họ nói  với nhau thật nhiều, lâu lâu nghe có gọi tên Bê, nhưng không biết họ nói chuyện gì, hai bà cháu ngủ chung trên bộ ván gõ mun phía gian sau, trãi tấm chiếu bông đủ màu, sáng hôm sau, ông bà tư dắt tay Bê lúp súp theo ra tới bến xe, bà ôm Bê lên hôn thật lâu, nước mắt đầm đìa, bảo ngoại về An Tịnh vài bữa lấy đồ đạc rồi trở lên, trước khi lên xe lam, Bê đứng bên cạnh ông bà tư, òa lên khóc gọi “ngoại hởi ngoại ơi”, xe chạy khuất xa ra đường nhựa, ông bà tư cũng còn đứng nhìn theo, Bê sụt  sùi “ngoại ngoại”, gió lùa mùi khói xe ngược phía sau như khói bếp cơm chiều, bà đi và không trở lại Lộc Giang từ đó.

    Bê dễ dạy, siêng năng, thức khuya dậy sớm, cho nên được ông bà tư Chánh thương như là con đẻ, hai người lo lắng cho Bê từng chút một, không rầy rà la mắng, sáng trưa chiều tối, lúc nào cũng hai tiếng “con Bê” ngọt sớt. Ông bà tư cho Bê đi học ở trường tiểu học xã, nằm sau lưng chợ không mấy xa, từ nhà chỉ cần băng qua dãy hàng rào mồng tơi thấp thấp, của căn nhà thiếc có cái sạp nhỏ bán bánh kẹo là tới, có bạn có bè, cũng gọi nhau ơi ới, chân dép chân trần, đội mưa che nắng, hái hoa bắt bướm, rộn rã tới trường, chào thầy chào cô, cười với mùa xuân buồn theo mùa hạ, lên tới lớp ba thì Bê đã biết phụ bà tư nấu cơm, lặt rau rữa chén, biết buồn biết lo khi có con gà con nào đó trong đám bỏ ăn, bỏ uống, khi lùa vào chuồng mỗi khi chiều xuống. Bê cố gắng học giỏi nhưng có lẽ trời đất đã định sẳn rồi, năm nào Bê cũng có hạng gần chót lớp, thầy cô biết vậy thấy mà thương, cuối năm lớp nhất, ông bà tư Chánh vừa thương, vừa thấy tội nghiệp cho con nên không ép uổng, Bê thôi học, hai ba đứa cùng lớp, gia cảnh khá, học giỏi đậu vào đệ thất, bỏ làng lên tỉnh vào trường trung học, mấy đứa khác cũng như Bê, bỏ trường, bỏ tập vở, quên hồi trống vào lớp ra về, bắt đầu làm quen với ruộng vườn, bùn đất, con trâu con bò, con cá con lươn, bờ sông đường đê, chiếc xuồng cái lưới. Cũng năm đó, sau ngày Bê thôi học không lâu, có người quen với ông bà tư Chánh, biết tình cảnh của con nhỏ, là bạn hàng trái cây, trên đường từ An Tịnh về Củ Chi, ghé tạt qua thăm, báo tin bà ngoại Bê đã mất cở mấy tháng nay, được bà con ở dưới chôn cất đàng hoàng tử tế, ông bà tư cám ơn, hỏi thăm chi tiết mồ mả để mà lo liệu, nhưng hai người quyết định giữ kín chuyện này, chờ tới lúc Bê lớn chút xíu nữa mới cho biết, giờ thì tội nghiệp cho con, còn nhỏ quá.

    Mùa cấy mùa gặt mấy năm sau, ông bà tư cho Bê đi theo ra ruộng, xem đám người cấy, gặt, mướn từ các xã bên Rạch Nhum, An Ninh hay An Hòa Lộc Hưng, làm quen, để mai mốt biết công biết việc mà thay cho ông bà những khi hữu sự, tánh tình Bê vui vẻ cho nên không mấy chốc, tiếng chị tiếng tui, tiếng thiếm tiếng chú, tưởng như đã biết nhau từ lâu, mỗi lần nghỉ tay, cơm nước, ngồi từ đằng xa nhìn, họ, những người này tuổi chừng mười tám mười chín, tụm năm tụm ba, xúm xích bên nhau, dưới bóng cây, trên bờ đê đất, cười nói vang trời, chia nước uống miếng cơm, một cặp trai gái xem ra nhỏ tuổi hơn, che nón, trao khăn, lau mồ hôi, quẹt nước đọng trên mặt trên tay, Bê thấy mình lẻ loi quá, Bê muốn có cái gì đó, mà cũng chưa biết là cái gì, khác hơn hai ba tiếng  chào Bê” rồi thôi, Bê đã có những đêm nằm trằn trọc không ngủ từ dạo này.
 
 

    Đứng dưới bóng cây chùm ruột rậm lá, mùa này chưa ra trái, ngay góc rào sân nhìn qua bên kia con đường đất, hai nhánh dừa xanh, chẽ làm đôi, uốn cong hình vòng cung, cột lủng lẳng ba chữ “lễ thành hôn”, cao khỏi đầu người, đong đưa theo chiều cơn gió giữa trưa, dựng trước cái cổng vào nhà bà sáu Cần, trời chang chang nóng, người ra người vô, ồn ào cười nói, con chó mực, thản nhiên đứng ngồi, lặng im không sủa một tiếng như thường ngày, Bê chợt thấy buồn không ít, mười chín tuổi rồi, hai tiếng “lấy chồng” chợt dưng nghe đau nhói trong lòng, đám bạn gái quanh xóm, lần lượt có chồng từ lâu, hai ba đứa quen, con nhà bên kia phố chợ xã đi ngang qua, chỉ tay về hướng đó, gọi chào, Bê không buồn đáp lại, vuốt mấy sợi tóc lẻ bạn ươn ướt chút mồ hôi ngang mắt, một lần nữa cô nhìn theo, cầm cây chổi tre lên, thở dài, cũng tiếng thở dài trong những đêm lạnh vắng.

     Ông bà tư Chánh, thấy con buồn, dù không nói ra nhưng cũng xót xa lòng mình không ít, bà tư vài lần, làm bộ khơi chuyện tình cảm, thương yêu ai đó với Bê, nhưng cô nàng làm như không để ý tới. Tội một cái, dù tánh tình hiền hậu, Bê sinh ra quá xấu, so với đám con gái trong chợ xã, Bê người thấp lùn, chân tay to, da đen ngâm, mặt mài bặm trợn, tóc tai sợi dài sợi ngắn, khi bới khi thả, người quen trong chợ, ai cũng thấy như vậy, ông bà tư Chánh cũng thấy như vậy nhưng biết làm sao hơn. Đám bạn gái quanh chợ, cùng học tiểu học giờ đã hoặc lấy chồng hoặc cũng có người làng trên ấp dưới, đi tới đi lui, đám con trai, ngoài ba bốn anh còn đi học trên quận trên tỉnh thì không nói gì, mấy anh vào lính nghĩa quân xã cũng đã có cặp có đôi với người từ nơi khác, rốt cuộc, trong cái phố chợ xã Lộc Giang này, Bê một mình thui thủi. Mùa cấy năm Bê mười tám tuổi, ông bà tư không còn khỏe, lưng hơi còng, chân thường mỏi, giao mọi chuyện trông coi cho Bê làm, bà ở nhà lo cơm nước, ông ra ruộng, đứng ngồi đâu đó ngó nhìn qua lại vậy thôi, Bê một mình tháo vác, lăng xăng chạy tới chạy lui, đôn đốc mọi người từ ruộng ngoài ruộng trong, đám nhổ mạ, đám tay cấy tay trồng, không biết mệt, có một điều khác thường, Bê vui vẻ, cười nói nhiều hơn, không còn đăm chiêu, tư lự, lủi thủi một mình như những mùa trước, cũng những người quen từ mấy năm trước nhưng lần này, có thêm Chửng, người con trai duy nhất trong đám, là cháu bà con gì đó của thiếm ba Thơm, người mùa nào cũng qua làm cho gia đình Bê.

    Chửng lớn hơn Bê chừng một hai tuổi, từ miệt nào dưới Cái Bè về ở xóm ấp chợ Lộc Giang mấy năm nay, nhà Chửng, căn nhà tranh nhỏ, nằm xa cuối con đường đất tắt ngang xuống bờ sông, ở một mình với mẹ, bà con bạn dì của thiếm ba Thơm, sống nhờ vào việc giăng câu, thả lưới, Bê ít khi đi đâu về phía đó, nên chưa lần gặp mặt anh, lúc còn đi học cũng không thấy vì trường chẳng có bao nhiêu lớp. Chửng có tật từ nhỏ, tay trái bị hơi cong quẹo vào, ngắn hơn tay phải, một chân niễng đi cà nhắc, cẳng thấp cẳng cao, mặt mày trông sáng sủa nhưng cái miệng hơi méo chút xíu, cho nên nói năng đôi lúc cà lăm, vì vậy cứ lủi thủi ở nhà, làm bạn với hai ba con gà, bốn năm con vịt, quanh quẩn trên miếng đất xéo sau nhà, và bờ sông bờ ruộng, Chửng học hết lớp nhất dưới Mỹ Tho rồi bỏ học nên cũng biết đọc biết viết đôi chút. Trước ngày bắt đầu mùa cấy năm nay, thiếm ba Thơm có đến nhà, xin ông bà tư cho Chửng làm cùng với bà, kiếm thêm tiền, thiếm kể rõ hoàn cảnh mẹ con Chửng, cũng cho biết tình trạng tật nguyền, dù có chậm chập đôi chút nhưng siêng năng, hiền hậu, ông tư chợt nhớ ra, chắc là Chửng, là người đi gở câu mà ông có đôi ba lần gặp xa xa, khi ra thăm ruộng, ông bà tư vui vẻ nhận lời ngay, nhắc thiếm ba giúp Chửng một tay, Bê gặp thiếm ba hôm đó nhưng không hỏi gì và ông bà tư cũng không nói thiếm tới nhà để làm chi.

    Buổi sáng,  mọi người tụ tập trên khoảng đất trống, bên cạnh đầu đường đê ngoài cùng, có hàng cây bình bác, mùa này sai trái vàng hực, dấu chim ăn còn ướt sương đêm, nơi họ để cơm để nước và mấy thứ lặt vặt riêng, dưới gốc đám dừa cao già ít trái, chờ Bê phân chia công việc, ông tư ngồi nhìn, mĩm cười, phía xa hướng sông mặt trời hừng lên một màu đỏ hực, xong xuôi ai nấy sữa lại nón, quấn lại khăn, kéo dài tay áo, lần lượt đi ra hướng ruộng trống, nước lấp xấp đục, đám người lo bưng mạ cũng lăng xăng, gánh nhỏ gánh lớn, ồn ào bên đống mạ tươi, chất từng đống lớn ở một góc ruộng, thiếm ba Thơm dẫn Chửng tới giới thiệu với ông tư và Bê, ông tư tử tế cười rồi giao cho Bê sắp xếp, thiếm ba cúi đầu, vội vã theo đám người cấy vừa xuống nước. Chửng cũng cúi đầu nói nhỏ “cám ơn ông tư” rồi đứng khập khễnh chờ, Bê chưng hửng, ngượng ngập chưa biết tính sao, thấy con lúng túng, tội nghiệp, như hiểu ý, ông chỉ về hướng đống mạ “để thằng Chửng phụ chuyện bưng mạ cho người ta cấy đi con”, Bê “dạ” một tiếng cùng lúc Chửng cũng một tiếng “dạ”, rồi bỏ đi về hướng đó, còn lại, thay vì đi ra ruộng như thường lệ, Bê đội cái nón lá lên, kéo cái khăn rằn che quấn quanh cổ, chậm chậm theo sau Chửng, từ chỗ ông tư ngồi, thấy Bê nói gì đó với đám bưng mạ, ai nấy cười cười, Chửng thì cứ gật đầu hoài mà không thấy nói gì hết. Lúc nghỉ tay ăn cơm trưa, ngồi bên cạnh thiếm ba Thơm, bên Chửng, gói cơm nguội trộn cá khô hôm nay của Bê ngọt từng miếng một, nhìn trộm Chửng, Bê thấy đời mình bỗng dưng vui. Chiều xuống, trên đường từ ngoài đồng về chợ, người ta thấy Bê cười toe cười toét, nhập bọn, đùa giỡn với bọn nhỏ chăn trâu mà không tay bưng tay vác, bước nhanh bước vội như thường ngày.

    Sau mùa cấy, Bê không còn lầm lầm lủi lủi, mặt mày vui vẻ hơn trước, nhìn quần nhắm áo khi ra khi vào, chiều chiều, đôi ba hôm, sau khi lo cơm nước xong, cho gà vào chuồng, kéo nước đổ đầy lu nầy khạp kia, Bê lấy cái xe đạp cũ, xin phép ông bà tư đi đâu đó chút xíu về, gặp bà con hàng xóm chung quanh chợ, Bê chào thiếm chào chú luôn miệng, ai nấy cũng lấy làm ngạc nhiên, rồi thì mới biết, khi có người từ ngoài đồng về, thấy Bê đứng vịn xe đạp, nói chuyện với Chửng trước sân nhà anh ta, xem ra có vẻ tâm đầu ý hợp, nghe bà con nói lại, làm như không để ý tới, nhất là, có đôi khi, Chửng khập khễnh, tay xách đục cá trê, cá lóc, mấy trái bầu, trái mướp xanh tươi, đem đến, thập thò sợ sệt trước cửa nhà, tiếng mất tiếng còn “con biếu ông bà chút cá chút tôm mới bắt”, thấy Chửng tội nghiệp, nhìn Bê đứng khúm núm chờ ông bà lên tiếng, ông bà tư vui lây, có lẽ ông bà cũng đoán được phần nào, nhưng nếu thật là vậy, thì cũng mừng cho con, phần số trời đã định , cho tới mùa gặt xong, chuẩn bị ăn Tết, Bê thú thật với ông bà tư là cô và Chửng đã thương nhau, ông bà tư thở phào, hai người từ lâu, cũng đã chuẩn bị vài việc, nếu có chuyện này xảy ra. Rồi những ngày sau đó, người ở tại chợ xã và mấy ấp gần, ai ai cũng biết chuyện con gái nuôi ông bà tư Chánh thương thằng Chửng “cà nhót”, dăm ba người khó tánh, xầm xì chê hơn khen, bàn ra tán vào cái câu “nồi nào úp vung nấy”, số còn lại cảm thông nên thương không hết, thỉnh thoảng ra chợ, nghe nói qua nói lại, ông bà tư điềm nhiên, nghe riết rồi cũng quen, chỉ tội nghiệp con nhỏ, sợ nghe được nó buồn, nhưng trái lại, Bê vui vẻ an lòng với phận đời mình hơn là người ta tưởng.

    Ông bà tư đến nhà, thăm hai mẹ con Chửng, luôn tiện cũng nói một tiếng về chuyện hai đứa thương nhau, hôm đó có thiếm ba Thơm từ Lộc Hưng qua, mẹ Chửng ngại ngùng, giữ lễ giữ phận, nhà vỏn vẹn có hai cái ghế ngồi xiêu vẹo, nên ai cũng nhường ai, rốt cuộc ai cũng đứng, Chửng thập thò sau lưng mẹ mình, Bê bồi hồi, lo lắng sau lưng ông bà tư, ra về, mẹ Chửng theo ra tới đường, bà cúi thấp người, rươm rướm tiễn khách “mẹ con tui cám ơn ông bà đã thương tình cảnh nghèo hèn, chuyện tụi nó, ông bà tính sao thì tính, thương nhờ ghét chịu”, cả gia đình ông bà tư, đi khỏi một khúc đường về chợ rồi mà mẹ con Chửng và thiếm ba Thơm vẫn còn đứng đó nhìn theo, mắt đỏ hoe khóc, lũ chim hoang lượn lên lượn xuống tìm mồi trên đám ruộng trơ xác rạ, khô nứt mùi đất sau mùa gặt, rồi gọi nhau bỏ đi, trời buổi chiều không còn mấy nắng, có chút gió từ sông lùa về đâu đó, hai chị em thiếm ba Thơm lẳng lặng trở vào nhà, Chửng nhìn lên hướng chợ lần nữa, cười một mình.

    Đời vợ chồng của Bê và Chửng bắt đầu sau bữa cơm đơn giản, chút thịt chút cá, mấy miếng cau, vài lát trầu vườn, chừng năm ba người trong gia đình, không áo cưới, không trống kèn, vì chẳng có gì, như ông bà tư Chánh nói, mà phải kèn với trống, mẹ Chửng không màn chuyện làm dâu, ông bà tư cũng không cần phải ở rể, nhưng có một điều mà hai bên hứa với nhau là, sẽ cầu xin trời phật độ trì cho vợ chồng Chửng Bê được nhiều hạnh phúc, cái hạnh phúc của hoa đồng cỏ nội. Hai vợ chồng Bê, cất cái nhà lợp tôn nho nhỏ, trên môt góc miếng đất cao, của hai mẫu ruộng, gần phía đường cái, mà ông bà tư Chánh cho gọi là của hồi môn, cách nhà ông bà tư chừng nửa giờ đi bộ nhưng gần nhà mẹ Chửng hơn, cho nên chuyện đi về, chạy tới chạy lui, thăm hỏi không có gì lo lắng, Bê đem theo chiếc xe đạp cũ, để khi có việc cần gấp dùng, vì bỏ lại nhà thì không ai đụng tới, láng giềng, hàng xóm, kẻ chê người khen cũng đã nguội lạnh, gặp nhau trên đường ngoài chợ cũng một tiếng “con Bê thằng Chửng” quen ngày trước. Tới mùa cấy mùa gặt, Chửng hăng hái phụ vợ lo cho ruộng ông bà tư Chánh trước, rồi mới chạy về ruộng mình, người làm mướn dạo này có thêm hai ba cô gái mới, tội nghiệp thiếm ba Thơm, một tay cùng với mẹ Chửng lo trông lo ngoài đám ruộng nhà của hai vợ chồng, để Bê có thì giờ, dễ bề giúp ông bà tư Chánh.
 
 

    Chiến tranh, mấy lúc gần đây xem ra lan rộng và ác liệt hơn, nhất là tại các làng xã xa xôi hẻo lánh, đám du kích Việt Cộng giờ có thêm quân cộng sản miền Bắc vào hậu thuẩn, đã mở nhiều trận đánh lớn, không lẻ tẻ như trước, mưu toan chiếm giữ thêm làng này ấp nọ về tay mình, quân “khăn rằn áo bà ba đen” của cái “mặt trận giải phóng miền nam” thường xuyên di chuyển dọc theo vùng đồng lầy bưng lát, tấn công mấy xã nằm ven sông Vàm Cỏ Đông như Rạch Nhum, An Ninh, Lộc Giang hay Đức Lập, Mỹ Hạnh dọc theo kinh Thấy Cai, Kinh Xáng cũng sinh lầy không kém, và qua tận Đức Huệ nằm tận cùng phía tây bắc của tỉnh Long An, là phần đất bỏ ngõ. Sau ngày trường tiểu học Cai Lậy bị quân cộng sản pháo kích, giết gần ba mươi em nhỏ vài hôm, giữa khuya đêm trời mưa dầm, không lớn nhưng cứ lâm râm day dẳng, quân cộng sản, sau khi pháo kích nhiều đợt vào xã, du kích cộng với bộ đội Bắc Việt, chừng một đại đội, từ phía biên giới tung quân, vượt sông, băng qua dãy ruộng, tấn công vào xã Lộc Giang, trên đường tiến về quận lỵ Đức Hòa, lực lượng nghĩa quân và địa phương quân VNCH giữ xã, có hơi bất ngờ, ít người hơn, sau vài giờ kháng cự, theo đường bộ chính rút lui, làm phòng tuyến chận địch ngay ngã ba đường từ chợ, bên kia đám ruộng khô chờ mưa chưa cày đất, chờ quân tiếp viện trên Đức Hòa xuống, dân chúng tại mấy ấp chung quanh thất thanh hớt hãi, bồng bế nhau chạy ra đường về hướng văn phòng hội đồng xã, khu phía dưới nhà mẹ Chửng, lửa cháy mịt mù, đất cát tung lên cả một vùng. Nằm núp dưới nền nhà, sau cái mô đất dọc theo vách, nhìn qua khe hở, Chửng lấn bấn không yên, thấp thỏm nóng lòng, vừa lo cho mẹ, muốn chạy xuống dưới đó xem sao nhiều lần, cộng thêm vừa lo cho Bê, đạp xe đạp về bên nhà ông bà tư chánh từ chạng vạng tối, vì bà tư bị cảm nặng sao đó, chưa kịp về thì bị kẹt lại, nhưng quân cộng sản đứng ngồi đông nghẹt chung quanh nhà, trên mấy đám ruộng, hò hét vang trời, nên đành nằm im, cố nhướng mắt nhìn, chỉ toàn màu lửa, màu mưa mù, súng tứ phía vẫn nổ liên tục, trời cũng còn mưa như mưa từ hồi khuya.

    Gần sáng, có tiếng đại bác trên chi khu Đức Hòa bắn xuống, từng chập một, từ trên đường cái, quân tiếp viện VNCH phản công nhiều ngả, từng toán từng toán, lớp ẩn lớp hiện, lờ mờ trong mưa, nghe ngóng một hồi lâu, không thấy động tịnh, Chửng đứng dậy, chân thấp chân cao, lấy sức chạy một mạch khỏi nhà, mình mẩy ướt sủng, ra tới đường lộ. Sau một lúc lắng im, khi vừa tới gần cái lối mòn nhỏ, ngay đường vào nhà mình, cả vùng, lửa còn cháy sáng rực, súng lớn nhỏ nổ lên vang trời, tứ phía át tiếng mưa, từ phía trên chợ xuống, từ hướng dưới ruộng lên, quân tiếp viện của VNCH, dàn binh bố trận, từng nhóm nhỏ băng ngang qua đường đất, lờ mờ, khai hỏa tấn công, một đám chừng mươi tên du kích, vừa bắn trả vừa chạy thụt lùi về hướng ruộng, quân cộng sản ở đó, cũng dàn ra phản công dữ dội, mưa vẫn lất phất rơi, trời tối một màu sương sớm, Chửng ngã quỵ xuống đường, bị trái đạn B40 từ hướng nào đó bắn trúng, chưa kịp thấy rõ cái nhà tranh của mình, đã sụp xuống hơn phân nửa trong màn lửa, cột kèo khẳng khiu, lắc lư lên xuống, theo chiều gió pha chút mùi tro của rạ khô, âm ỉ cháy chưa tắt từ phía sông lên. Mặt trời ngấp nghé he hé ngoài xa, mưa cũng đã tạnh lâu rồi, không còn tiếng súng, lác đác, đầu trên, xóm dưới, dân trong chợ hối hả, từng nhóm hai ba người, túa ra gọi nhau ơi ới, trên mấy cánh đồng nơi quân cộng sản nằm phục ở đó từ lúc giữa khuya, lính VNCH, toán ngồi toán đứng, nói cười, quanh đây có mùi khói thuốc thơm, và xác chết của quân du kích Việt cộng rải rác, chỗ năm chỗ ba, bên này bên kia bờ đê ruộng. Rựng sáng, đâu đó tạm yên, một số người dân trong chợ Lộc Giang theo chân mấy anh lính nghĩa quân đi xem tình hình bà con quen biết ra sao, thấy Chửng nằm chết lạnh cứng tại khoảng đường lộ, cách nhà anh không bao xa và xác mẹ anh nằm nửa trên nửa dưới ngay cái vũng nước khô trước nhà, nám đen từ đầu tới chân.

     Ông bà tư Chánh cố gượng nhưng cũng không cầm được nước mắt, nhìn Bê gục đầu ôm lấy nấm mồ chôn Chửng vừa mới lấp xong, tức tưởi khóc gào thảm thiết “trời ơi anh Chửng ơi trời ơi”, kế bên thiếm ba Thơm ngồi nhìn trân trân cái mộ của mẹ Chửng, hai mẹ con chôn cạnh nhau,  thì thầm “chị ơi chị ơi” rồi quay qua phía bên này, tay đấm liên hồi trên đất, lắc đầu “Chửng ơi con ơi”, hai mắt bà đỏ hoe như người mất hồn, cắn chặt môi, lặng câm. Đám dân cấy mướn quen, mấy chục người, đến phụ đám tang, phụ đưa đi chôn cất, đứng tránh nắng giữa trưa, phía trong xa, cạnh bên hàng cây bình bác già, dọc theo con rạch nhỏ đục ngầu, nghỉ tay, ai nấy mặt mài buồn xo, trời không một chút gió, ở phía ngoài đầu đường nhựa về quận, hai ba chiếc xe lam chở quan tài ai đó, chắc cũng là người ấp chợ, chết trong đêm quân cộng sản tấn công làng, lắc lư nặng nhọc, rẽ vào, cái nghĩa địa nghèo của xã im vắng lạnh tanh, không người đi người đến từ lâu nay, giờ có thêm mười mấy cái mộ đất trộn bùn mới, thiếm ba Thơm, đứng dậy đi về phía Bê, kéo cái khăn rằn đội đầu, ngồi bệt xuống bên cạnh, đưa tay vừa vò đầu vừa lau nước mắt Bê, cái khăn tang trắng màu vải mới quấn trên đầu Bê thòng dài gần chấm đất, ướt đẩm từ bao giờ, bà rấm rứt “Bê ơi con ơi là con ơi”.

    Sau ngày lễ cúng bốn mươi chín ngày, Bê xuống tóc, thí phát quy y, ông bà tư Chánh dù có buồn bã suốt mấy hôm, cũng đành lòng không cản, cái chùa nhỏ hoang vắng rong rêu, nằm trên khoảng gò đất cao, lẻ loi ở cuối ngã ba, đường rẽ đi Đức Huệ, bà sư cô già, mảnh khảnh gầy guộc, không còn đi ra đi vào một mình thui thủi, tiếng mõ hồi chuông có thêm người đọc người nghe, chợ Lộc Giang giờ không còn “con Bê lùn xấu xí” ngày nào, mà có một ni cô trẻ, pháp danh “Diệu Chánh”, từ ngày đó, người ta nghe tiếng chuông của cái chùa không có tên gọi, ngân từng hồi dài hơn và sớm hơn những ngày tháng cũ, quyến luyến quẩn quanh đâu đó, trên hai nấm mộ quen ở lưng chừng nghĩa địa rồi man mác bay đi, theo chiều gió buồn thiu, xuôi về An Tịnh.

Thuyên Huy

   

  

 

 

No comments: