Tuesday, January 17, 2017

Người Cha - Trần Tiêu


NGƯỜI CHA

 



    Một buổi sáng về tháng sáu. Khắp các phố tỉnh Tuyên ngủ lịm trong sương mai. Năm thì mười họa mới thấy một cửa hàng hé mở như vừa ngáp dậy. Trên con đường theo giải sông Lô, vài ba chiếc xe tay lẽo đẽo đi bách bộ. Bên kia sông, xa xa, dẫy núi Tràng Đà hùng vĩ, ngọn phủ trong những đám mây trắng lơ lửng trên từng không. Dưới chân núi, rừng cây um tùm mờ mịt trong khói lam. Vài ba chiếc thuyền tẻo teo, chiếc lững thững trôi theo dòng nước đục lờ, chiếc quay mũi cho hành khách sang ngang.
Vắng vẻ, yên lặng...
Bỗng kẹt một tiếng. Hai cánh cửa của một nhà hàng trong dẫy phố quay mặt ra phía sông mở toang. Một người đàn ông ăn vận ta, tay khoác ô, tay xách va li ở trong tối bước ra, một thiếu nữ theo liền sau. Trông hai người trái ngược hẳn. Người đàn ông, nét mặt già dặn, da ngăm ngăm đen, tuổi trạc bốn mươi, vẻ lù rù như người nhà quê hơn là người thành thị. Người con gái, tóc để xõa, cài bím, nét mặt non nớt, nước da trắng hồng, mặc chiếc bom bay màu vàng nhạt và chiếc quần lĩnh trắng, tay xách cặp, trông rõ ra một nữ học sinh đặc tân thời. Song nhìn kỹ thì khuôn mặt của hai người cùng đầy đặn, hao hao giống nhau.
- Xe!
Mấy anh xe đương nghênh giời ngắm đất vụt chạy lại. Được một quãng, những anh chạy sau đứng dừng lại, nhìn một cách thèm thuồng và bực tức.
Hai chiếc xe cùng đỗ chụm càng vào nhau.
- Thầy đi hai xe.
- Không, một cái thôi.
Vừa dứt lời, người đàn ông bước lên một chiếc, ngồi sát vào thành dựa. Người con gái bước lên theo, ngồi ra mép đệm. Anh xe nâng đôi càng đi vài bước, rồi ngả người ra đằng trước, mau chân chạy. Anh bị ế, dắt xe không, đứng thưỡn ra nhìn, mồm lầm bầm nguyền rủa. Chiếc xe kia bon bon chạy. Người đàn ông quay ra phía sông, chăm chú ngắm cảnh như người mới ở nơi xa lạ đến. Phải, người ấy ở tận miền bể. Và cô nữ học sinh là con gái đến ăn học ở nhà ông bác hiện làm giáo thụ ở tỉnh lỵ.
Anh xe rẽ sang phố chính, qua dẫy tường công viên, qua trại lính Lê dương, qua cầu xi măng rồi đỗ phịch trước cái cam nhông mầu thiên thanh, hiệu "ngựa trắng", đứng sừng sững bên vệ đường xuôi Hà Nội đón khách. Người đàn ông vừa đặt chân lên bực xe, anh phát vé vội chạy lại ngăn cản:
- Thưa ông những chỗ này đã có khách lấy vé từ trước.
- Chúng tôi cũng lấy vé từ chiều hôm qua.
- Vâng, thế thì mời ông và cô lên.
Anh phát vé trả lời và nhìn khách lạ bằng con mắt ngạc nhiên. Trong xe, bao nhiêu chỗ ngồi hạng dưới đều chật ních và lô nhô những học trò suýt soát đầu nhau. Cậu đội mũ trắng, cậu đội mũ dạ, cậu để đầu trần, tóc chải mượt. Đủ vẻ mặt: vui vẻ, lo lắng, buồn rầu, lù đù, nhanh nhẹn, ngơ ngẩn. Đủ thứ tiếng: thanh, trầm, to, nhỏ. Nhiều cậu thi nhau nhả nhớt cười cợt, ồn ào như một lớp học vắng thầy giáo.
Thấy cô nữ học sinh, một cậu nhỏm người lên nhìn, rồi ngồi xuống bảo chúng bạn:
- Con Nga đến chúng mày ạ.
Một cậu nói giễu: "Hằng Nga giáng thế mà trượt oách thì đáng buồn lắm nhỉ".
Nga, cô nữ học sinh tên là Nga lườm cậu học trò hỗn xược, bĩu môi nguýt một cái, rồi lẳng lặng bước lên xe, ngồi sát cạnh người đàn ông, cặp mắt tư lự nhìn thẳng ra phía trước.

Một hồi lâu, hai chiếc xe nữa từ xa lại. Mỗi xe có hai người: một đàn ông vận âu phục và một thiếu nữ độ mười bốn mười lăm cùng trạc tuổi với Nga, và cùng ăn vận đặc tân thời, hai cô bước xuống nhìn thấy bạn, reo mừng hớn hở như thể vắng mặt nhau hàng năm, Nga cũng bỏ vẻ tư lự, cười nói niềm nở.

Chợt thấy người đàn ông ngồi cạnh bạn, Tuyết, cô nhớn nhất và đẹp nhất, nhí nhảnh, có duyên nhất, hỏi thầm: Ai đấy Nga?

Nga thẳng thắn trả lời thân mật:
- Cậu em đấy chị ạ. Hoài của, giá cậu còn làm giáo học.
Thấy mình nói vô lý, Nga bỏ dở câu. Hai cô lễ phép cúi chào. Người đàn ông sẽ nhấc mình lên chào lại. Hai người mặc Tây thấy thế cũng cất mũ chào theo. Các cô vào khuôn phép chưa đầy chốc lát, đã lại nhí nhảnh cười nói ríu rít như lũ chim khuyên. Một cậu, vẫn cậu hỗn xược ban nãy, thì thầm với chúng bạn: "Phải đấy! Các cô cứ việc cười cho giòn để ít nữa trượt, khóc bù lại là vừa".
- Còn anh trượt thì sao, cười phỏng?
- Cười lắm chứ lị!
- Phải, cười,... cười nửa miệng.
- Tức là mếu xệch, phải không chúng mày?
Cả bọn cười ồ. Các cô mải chuyện không để ý hoặc không thèm để ý. Còn các ông cha đối đãi lẫn nhau xem chừng đã thân mật, sự thân mật xuất tự lòng thân mật của các cô truyền sang.
Xe đỗ đã thấy lâu và cậu nào cậu ấy đã thấy bồn chồn nóng ruột. Một cậu nói với lên: - Này, bác tài, bác cho xe chạy thôi chứ! Muộn lắm rồi!

- Chạy thế nào được mà chạy! Còn phải đợi hiệu còi của ông Đội. Ông ấy ngồi trong hàng nước kia kìa.
Một cậu vươn mình ra khỏi cửa xe gọi to.
- Ông Đội ơi! Ông làm ơn cho chúng tôi đi kẻo nhỡ thi mất ông ạ!
Người Đội Xếp đứng dậy, giở đồng hồ ra coi, rồi ngửng lên cười, bảo cả bọn:
- Còn những năm phút nữa kia! Nhưng mà tôi cũng chiều ý các cậu. Cậu nào đỗ nhớ cảm ơn tôi nhé!
Đoạn người ấy huýt một tiếng còi lanh lảnh. Anh "ét" khom lưng xuống quay "ma ni ven". Tiếng máy hoạt động, rú lên mấy lần. Người tài xế sang "vít tét" nới dần chân "côn"; chiếc xe từ từ như kéo nặng rồi bon bon chạy trên đường nhựa, lượn lên lượn xuống giữa hai bên rừng cây rậm rạp. Chung quanh đồi núi xanh rì, trùng trùng điệp điệp dưới bầu trời bao la xanh biếc. Những luồng gió mát rượi tạt qua làm cho tâm hồn khách nhẹ nhàng, khoan khoái. Xe chạy hàng giờ mà tịnh không thấy một khách bộ hành qua lại. Luôn luôn độc những đồi cùng núi, những rừng cùng rừng, bát ngát. Năm chừng mười họa mới thấy có một vài nếp nhà ngói cheo leo tận đỉnh đồi, hoặc chen vào giữa những cụm chè tươi xếp hàng đều đặn trên khắp các sườn phẳng mịn như gọt xén. Đó là những trang trại của các chủ đồn điền dựng lên để tiện cho việc chăm nom giồng giọt...

Mặt trời lên cao. Sương mai tan hết. Chỉ còn khí núi bốc hơi trên các ngọn núi cao. Xe vẫn chạy đều trên đường nhựa vặn vẹo như dải lụa xám. Những cây gồi thẳng tắp vụt lên khỏi ngọn rừng với những chùm lá xòe ra hình dẻ quạt. Trái lại, những cây gồi mới mọc là là, cố lách khỏi bụi rậm để phô những tán lá xanh non, bóng lộn, giương lên, xòe ra như đuôi công trong lúc múa. Những khóm tre lưa thưa, thân trắng, ruột vàng ối như thân trúc mọc tỉa ra khỏi rừng như không muốn cùng với những cây tầm thường tham sống chen chúc, bắt nạt nhau để cố tranh cướp lấy ánh sáng và khí nóng của mặt trời...

Hầu hết học trò đều mỏi mệt. Một vài cậu dai sức, hãy còn tò mò nhìn ra ngoài ngắm cảnh. Phần nhiều ngủ gà, ngủ gật hoặc gục lên vai nhau mà làm một giấc dài. Nhất là các cô. Tuyết kêu nhức đầu chóng mặt phải thoa dầu. Mai đưa vạt áo lên che mặt để tránh hơi nóng của ét xăng và những hạt bụi cùng khí nóng theo gió tạt vào. Nga ủ rũ nằm gục xuống lòng bạn.
Xe đến Đoan Hùng, đỗ trước một quán nước, ông K. thân sinh cô Mai gọi đùa:
- Này này các cô! Dậy viết "đích tê" (dictée) mau lên!
Các cô giật mình tỉnh dậy, nhìn nhau cười khúc khích. Ông Tr. thân sinh cô Tuyết nói tiếp:

- Giờ này và lúc này mà các cô, các cậu phải đua tài đua sức thì cứ gọi trượt hết... Này bác T. (T. là thân sinh cô Nga), nói dại đổ xuống sông xuống biển, trong ba ta mà một anh trượt thì bác nghĩ sao?
- Thì ba ta sẽ buồn cả chứ sao! Vả lại chúng ta trượt thế nào được, vì ba cô của chúng ta cùng khá cả.
Ông T. trả lời và cười tủm tỉm. Các ông "cha" không ai bảo ai, tự tiện cùng đổi tiếng ông sang tiếng bác và đã bắt đầu gọi tên nhau. Đằng sau, cả một khoảng im phăng phắc như một lớp học đương mải làm bài thi.

Chả bù lúc ban sáng! Mười lăm phút nghỉ ngơi, xe lại bắt đầu chạy. Đồi núi, rừng rậm thưa dần... Bây giờ là những đồng cỏ khô khan, những vườn mía cằn cỗi, những vườn khoai những ruộng lúa sém vàng lẻ tẻ... Rồi những đồng ngô, đồng lúa mênh mông bát ngát, những làng mạc ẩn sau những lũy tre xanh rì... Rồi đến sông rộng. Nước phù sa đỏ ngòm cuồn cuộn chảy. Thuyền bè với những cánh buồm phình gió, xuôi ngược như lá tre... Rồi những dẫy nhà ngói san sát: Việt Trì! Nơi mà các cô các cậu sắp thi thố tài năng để giật lấy mảnh bằng xinh đẹp.

Xe đỗ. Các cậu chen nhau xuống. Một vài cậu vươn vai ngáp, ra vẻ sung sướng được thoát khỏi nóng nực và bụi bậm. Các cậu đi từng bọn từng tốp đến các nhà trọ trong tỉnh.
Ông K. tính nhanh nhẹn và hay giúp việc, khuân vác hành lý của cả bọn lên một chiếc xe tay.
-Cánh mình đến cả "ô ten" Nam Long? Anh T., anh Tr., các anh nghĩ thế nào? Biểu đồng tình cả chứ? Ô ten Nam Long ở ngay gần ga và to, rộng, mát mẻ nhất tỉnh. Thường các ông chấm thi vẫn đến đóng đô ở đấy.
Cả hai cùng trả lời:
- Vâng, xin biểu đồng tình.
Mai, Tuyết, Nga mỏi mệt, đi có vẻ thờ thẫn. Ông K. khơi mào:
- Này anh T. anh Tr., liệu trong hai anh, có anh nào quen thân cánh họ không?
Câu hỏi tuy không được rõ ràng mà hai ông kia cũng hiểu vì hai ông cùng một ý nghĩ. Yên lặng chốc lát, ông T. cất tiếng:
- Quen cả thì quen thế nào được. Nhưng mà một vài thì cũng có thể.
- Còn anh Tr.?
- Tôi ấy à? Ông Tr. cười nhạt. Tôi thì tôi đã "đê tát sê" (détaché) sang Canh Nông từ lâu lắm. Chắc chả quen ai.
- Thế là cánh mình chỉ còn hy vọng vào anh T. (Ông K. vừa rồi nói vừa cười).
Ông T. cũng cười, đáp lại: "Hy vọng một chút đỉnh... Một mảy may như sợi tơ trước gió, và có khi, và chắc là không có tí hy vọng nào cũng nên, vì tôi thôi giáo học cũng đã lâu lắm rồi.
Ông K. vui tính, cười xòa kết luận:
- Thế thì nhờ phúc nhân vậy. Học tài thi phận, thánh nhân đã nói.
Và ông chấm câu bằng một bài thơ cổ, ngâm bằng một giọng trầm đủ cho sáu tai nghe. Ông Tr. nói đùa:
- Nếu thi với thơ đồng nghĩa thì để nhà thi sĩ thi hộ, chắc thế nào cũng đỗ hết.
Cả bọn tay ba cùng cười vang, làm cho cái vui lây xuống bọn ba cô đi dưới, vì các cô cũng đương cười nói xôn xao, quên cả mệt. Đã đến Ô ten Nam Long. Cả bọn xách hành lý đi lên gác. Ông K. quen chủ, chọn được ở ngay đầu nhà hai phòng đối diện cách nhau bởi một cái "cu loa".
Ông T. giở xuống, đi vơ vẩn ngắm các gian phòng đầy bàn ghế. Ba người khách ngồi giải khát ở gian cạnh. Ông chú ý dò xét và ngờ là những tay chấm trường. Nhưng sau năm ba câu chuyện ông thất vọng, ra đứng cửa ngóng đợi.
Trên con đường từ ga lại, hai người Âu phục tay xách va li thủng thỉnh. Một người đeo kính trắng trông dáng quen quen. Ông nắc nỏm mừng thầm... Lại một lần thất vọng. Hai người cùng lạ cả.
Họ không để ý đến ông, đi thẳng một mạch lên gác, thản nhiên như vào nhà họ vậy.
Ông K. và ông T. xếp dọn hành lý, sửa sang chỗ ăn nằm, xem xét các phòng một lượt rồi cùng nhau giở xuống dò tin tức.
- Thế nào? May mắn chứ?
Ông K. cười hỏi. Ông T. thở dài:
- Chưa xơ múi gì cả. Có hai lão thì cùng lạ cả hai, và trông lão nào cũng có vẻ nghiêm khắc, nghiệt ngã lắm.
Ông Tr. an ủi:
- Mặt dữ nhưng lòng tốt, vả lại, thế nào mà chả có nhiều ông hiền lành dễ dãi.
Các ông ngồi giải khát, chốc một lại nhìn ra phía cửa như mong đợi ai.
Bỗng đi vào một ông bận Âu phục, thân hình vạm vỡ, nét mặt hồng hào, một tay khuỳnh ra nâng chiếc cặp phồng lên những quần áo.
- Kìa! Me xừ Độ. Lâu lắm không gặp. May mắn quá.
Ông K. vừa nói vừa đứng dậy nắm tay bạn giật mạnh mấy cái. Ông Tr. đứng dậy theo, vỗ vai bạn hỏi thăm, rồi giới thiệu với ông T. ngồi yên chỗ. Không ngờ Độ cũng quen cả T.. Độ cùng T. dạy học ở Nam Định đã hơn mười năm về trước. Bốn ông ngồi chuyện trò niềm nở một hồi lâu rồi cùng nhau lên gác...
- Nos enfants aspirantes. (Các con gái chúng tôi, nữ thí sinh) Ông K. xòe bàn tay giới thiệu. Ba cô đứng xếp hàng chắp tay cúi chào. Ông Độ tươi cười, hỏi han các cô về sự học, biết qua loa lực lượng của mỗi cô về từng môn. Ông đi lại bàn ăn, ngồi vào một chiếc ghế. Các ông và các người "cha" đứng quây quần chung quanh. Thoạt đầu, ông khuyên các cô đừng nhút nhát, phải mạnh bạo, nhất là phải yên tĩnh, đừng rối trí, dù bài khó mặc lòng, phải coi trường thi như trường mình và coi thường hẳn các ông giáo, đừng thấy họ quát tháo, dọa dẫm ra vẻ nghiêm khắc mà sờn lòng. Tuyết tươi như hoa, mỉm cười luôn miệng. Mai để mắt chăm chú vào những ngón tay ông gõ trên bàn, Nga đăm đăm nhìn cặp môi ông mấp máy. Chẳng cô nào để ý đến lời khuyên. Ông nói đến các bài thi, bắt đầu từ bài ám tả. Lần này các cô chăm chú nghe. Ông nói:
- Các cô phải biết, cần nhất bài "đích tê". Bài ấy mà kéo tới năm sáu phốt là đi đứt, dù các bài khác có trội hẳn lên. Vậy, trước hết, các cô phải lắng tai nghe người ta đọc lượt đầu để hiểu qua đi đã. Lúc viết, phải nghe cả câu rồi hãy viết. Tôi thấy nhiều người dại dội, vừa nghe được chữ đầu đã cắm cổ viết, đến những chữ sau quên tịt chẳng còn biết xoay xở ra sao, đành bỏ trắng từng quãng một. Những người ấy là cứ trượt đầu nước.

Ông giở đồng hồ ra coi rồi lại bỏ vào túi, rồi nói tiếp:
- Những chữ khó chưa viết bao giờ hoặc không nghe rõ chớ có loay hoay mất thì giờ, hãy để chừa đấy, chốc nữa hỏi cũng không muộn. Chữ nào dập đi hãy chữa lại, phải cho rõ ràng thẳng thắn, chớ có khinh thường những chữ dễ. Có nhiều thí sinh tưởng mình mất độ một hai phốt mà lỗi tới năm sáu phốt chỉ vì thế. Còn - ông vừa nói vừa cười - cô nào muốn cóp cũng được, nhưng mà chớ cóp những người ngồi cạnh, sợ liếc ngang người ta bắt được thì rầy. Nhìn lên người ngồi bàn trên rõ lắm - các cô nhìn nhau tủm tỉm cười - phải tính xem chữ mình muốn biết ở vào dòng thứ mấy, rồi cứ khoảng ấy mà nhìn thì nhanh chóng, dễ dàng hơn. Ông đổi sang bài luận, khuyên các cô nên xem đi, xem lại cho hiểu rõ hãy làm, chớ có hấp tấp mà bị lạc đầu đề.
Ông giở đồng hồ ra coi, rồi giật mình đứng dậy cáo thoái:
- Chết chửa, xin lỗi các bác, tí nữa thì nhỡ tàu.
Ba ông cùng ngạc nhiên, ông K. vội hỏi:
- Ô hay! Chúng tôi vẫn tưởng bác chấm thi ở đây?
Ông Độ cũng ngạc nhiên:
- Ô hay! Thế các bác cũng không biết tôi đổi về đây từ năm ngoái à? Năm nay tôi chấm thi ở Sinh Từ.
Ông bước ra khỏi cửa phòng rồi quay lại cười nói:
- Thôi chào các cô thí sinh. Các cô nghe lời tôi nói thế nào cũng đỗ. Chiều hôm nay các cô hãy ra thăm trường cho quen mắt để mai khỏi bỡ ngỡ.
Ông bắt tay các bạn một cách vội vàng rồi rảo gót bước mau như người chạy. Tuy vậy ông cũng ngoái cổ nói với một câu nữa:
- Lâu nay mới lại được thưởng thức đất Hà Thành.
Độ đi khỏi, ba ông nhìn nhau cười rũ rượi, vì không nói ra mà ba ông cùng tưởng vớ được dịp may mắn lạ thường. Cười chán rồi, một ông hỏi:
- Thế nào? Ta chịu bó tay thúc thủ ư?
Ông khác cười đáp:
- Nếu dịp may không gặp nữa thì chẳng thúc thủ cũng chẳng được.
Ông T. khôi hài bằng một câu kinh: - Tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở, cầu sẽ được. Vậy chúng ta cứ cầu đi, cầu Chúa Trời cho ba ta cùng đỗ.
- Anh cầu Chúa thì tôi cầu Phật.
- Anh cầu Phật thì tôi cầu Thánh, tất ba ta phải đỗ.
Đêm hôm ấy, ở phòng bên kia, chẳng biết Mai, Tuyết và Nga có ngủ ngon giấc không, nhưng ở phòng bên này, các ông trằn trọc mãi. Chốc một, ông K. lại vắt chân chữ ngũ nằm nhìn trần, ngâm những câu thơ cổ về thi cử đời xưa.
Ông Tr. bực dọc, gắt: - Thôi tôi van ông đừng ngâm vịnh nữa. Cố ngủ đi để mai cho trí nhớ được sáng suốt và tâm hồn được nhẹ nhàng khoan khoái.
Ông T. đương mơ màng bỗng phì cười:
- Anh làm như cánh mình phải đi thi...
Ông K. được thể, cướp lời:
- ừ nhỉ. Cánh mình có thi đâu mà phải ngủ cho trí nhớ được sáng suốt và tâm hồn được nhẹ nhàng. Vậy thì ta cứ ngâm khỏe để cho khỏi lo lắng và nóng ruột.
Nói xong, ông cất giọng ngâm luôn hai bài tứ tuyệt...
Năm giờ sáng hôm sau, các ông vẫn còn ngủ say tít, tuy cái đồng hồ mà các ông đã cẩn thận để trên chiếc bàn con ngay đầu giường rung lên một hồi thật dài.
Tiếng chuông chói óc vang sang tận phòng bên kia đánh thức các cô dậy. Các cô rửa mặt, chải đầu, trang điểm xong, ngồi đợi. Tuyết nóng ruột, rủ các bạn sang đánh thức thay cho đồng hồ. Ông Tr. mở mắt, choàng dậy giọng hơi gắt:
- Còn sớm lắm. Đã năm giờ đâu?
Tuyết mỉm cười, cầm đồng hồ giơ lên trước mặt cha:
- Cậu nhìn xem, mấy giờ rồi?
Ông Tr. cười gượng, quay sang cạnh, lay các bạn:
- Dậy! Dậy! Muộn rồi! Đồng hồ đánh thức từ nãy.
Ông K. vươn vai ngáp xong, súc miệng bằng hai câu thơ của Tú Đồng:
Đêm sao đêm mãi tối mò mò,
Đêm đến bao giờ mới sáng cho?
Ông quay ra phía cửa sổ nhìn;
- Ô! Mà sáng bảnh mắt ra rồi nhỉ.
Mai nhìn cha, cười:
- Vâng, sáng bảnh mắt ra rồi. Và nếu chúng con không sang đánh thức thì các cụ còn kéo dài cho mãi đến chiều tối.
Các ông rửa mặt, mặc quần áo vội vàng rồi cùng các cô điểm tâm, mỗi người một cốc cà phê sữa. Đoạn kéo nhau đi thủng thỉnh như đi hóng mát về phía sông. Nhân tiện trường thi cũng ở đấy. Cả bọn theo nẻo bờ sông đến một cái nhà vuông dựng ngay trước cửa đền.
Bên kia sông, sau những lũy tre xanh rì, phương trời vẫn chói lọi. Một vài mái ngói rải rác điểm những vệt đỏ vào khe những ngọn tre xanh. Những cánh buồm nâu hoặc trắng lấp loáng ánh sáng. Theo dãy bao lơn của chiếc nhà vuông, các cô xếp hàng đứng ngắm, vẻ bâng khuâng như mến tiếc. Các tà áo lụa màu phấp phới theo chiều gió, tô điểm thêm vào phong cảnh xa xa kết lại thành một bức tranh đẹp đẽ, mặn mà, vui mắt.

Trên đường đã thấy nhan nhản những thí sinh. Từng quãng một, dưới bóng những cây xoan tây, hoa đỏ ối, những hàng nước, hàng quà phô bày những đồ giải khát để quyến rũ khách đi lại...
Một hồi trống giục. Trước cửa trường, hai ông chánh phó chủ khảo, ba cô giáo, các ông Giáo chấm thi đứng xếp hàng trên các bực gạch. Chung quanh, những học trò, những cha mẹ, những kẻ tò mò đứng xúm xít đông như kiến. Bọn các cô đến sớm đã chọn được chỗ đứng ngay sát cạnh các ông giáo. Một ông cầm tờ giấy gọi tên từng thí sinh, theo thứ tự A, B, C...
Nhiều lần, ông phát gắt vì phải gọi đi gọi lại một tên và đợi mãi mới thấy thí sinh lách qua hàng rào người đến.
Đám đông thưa dần rồi sau hết chỉ còn toàn những cha mẹ và những kẻ tò mò đứng lố nhố. Trái lại các lớp ban nãy còn trống không, bây giờ đã chật ních những thí sinh. Theo lệnh các quan giám trường, hết thảy mọi người đều bị xua đuổi ra khỏi sân. Nhiều người tản mát về. Hơn chục người còn tiếc rẻ đứng ngoài chấn song nhìn vào. Ba ông cùng có mặt trong bọn ấy. Ông K. trỏ hai tên lính khố xanh và anh "loong toong" ngồi trên bục gạch nói khôi hài:
- Lúc này có phải các tiền để đổi lấy cái chức của mấy anh kia, mình cũng các. Trông họ đi đi lại lại mà thèm.
Một người đàn ông đứng gần đấy hỏi:
- Dáng chừng ông có con đi thi phải không?
- ý thế.
Ông chánh chủ khảo đi giám sát một loạt, đưa cho mỗi lớp một tờ đánh máy bài thi. Một lát sau, những tiếng ông giáo, bà Giáo đưa ra rõ mồn một: "La baie d'Along" (Vịnh Hạ Long). Ba ông chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối bài ám tả, rồi lắc đầu phàn nàn:
- Khó, khó chẳng kém gì bài thi "đíp lôm".
Ông Tr. thở dài oán trách:
- Họ ác quá. Họ chẳng thương hại đến lũ trẻ thơ. Họ coi chúng như bọn thông thái không bằng.
Mặt trời đã lên cao, đem ánh nắng chói lọi và khí nóng nung nấu gội lên cảnh vật. Mọi người đứng ngoài giậu sắt đã về hết. Ba ông vẫn đứng lì một chỗ. Trong khi các thí sinh cắm cúi viết thì ngoài này các ông cũng viết, viết trong tưởng tượng với tâm trí băn khoăn, rạo rực, chán nản, bực tức, khó chịu. Đến nỗi chữ khó hoặc mẹo mực lắt léo, các ông đâm chán kêu khẽ:
- Trời ơi! Thế thì chúng nó kéo sao nổi, hở các "Ngài chấm trường".
Tuy vậy các ông cũng cố theo mãi cho đến dấu chấm cuối cùng. Bây giờ trí được thả lỏng, các ông mới nghĩ đến nóng bức, đưa mùi xoa lên lau mồ hôi đầm đìa trên mặt, trên cổ.
- Bức quá và khát quá, các anh ạ.
- Tôi cũng vậy. Hay ta đến ngồi hàng nước dưới gốc xoan kia nghỉ mát và làm mỗi anh một cốc nước chanh cho đỡ khát.
- Và đỡ bực tức vì bài thi quá sức học trò.
Ông nào ông ấy mệt lả, chẳng buồn tưởng đến phong cảnh đẹp bày ngay trước mặt.
- Ta về thôi chứ?
- ừ, về thôi. Có đứng đây cũng vô ích. Bây giờ chúng nó đương làm luận Pháp văn.
Về đến ô ten, các ông băn khoăn, bồn chồn, nóng ruột, đi ra đi vào, ngóng đợi, tuy các ông thừa biết còn sớm. Sau cùng không thể được, các ông lại dắt díu nhau để ngồi thơ thẩn trong cái nhà vuông trên bờ sông và cùng cảm thấy thời giờ dài đằng đẵng, chốc chốc lại giở đồng hồ ra coi.
- Ngồi đây mát, nhưng mà nóng ruột lắm, các anh ạ. Hay ta đến đấy. Bức một tí nhưng đỡ phấp phỏng.
Ông Tr. bàn. Hai ông kia đồng ý. Các ông đi đến cửa trường thì vừa gặp ba cô trong bọn thí sinh tỏa ra khắp mọi chỗ.
- Thế nào, các cô? Bài vở có khá không?
Tuyết nhanh nhẩu đáp:
- Bài luận chúng con đã làm ở trường rồi. Tả cảnh "Un orage" (Một cơn giông tố).
- Bài luận, ông T. nói, cũng chẳng kém gì bào ám tả. Thế nào cũng có nhiều cu cậu lắc đầu để tả nhầm ra bão táp. Hình như bài này đã ra trong kỳ thi brevet năm đã lâu.
- Thế còn đích tê? Ông K. hỏi.
- Cũng khá. Độ hai phốt.
Ba cô cùng nói nhưng cùng cười ngượng nghịu.
Các ông không tin. Về đến nhà, các ông bắt đầu chất vấn. Thoạt tiên ông T. hỏi con:
- Le bateau aux rames cadencées. Cadencées, cô viết thế nào?
Con viết "ơ ắc săng tê guy" (é).
- Thế thôi?
- Vâng.
Ông T. không thể trấn tĩnh được, gắt:
- "Dốt như con cầy" aux rames cadencées thì chữ cadencées phải hợp với rames chứ! Phải viết e muet s. Dốt! Dốt! Thế mà cũng thi với cử làm gì cho thêm phiền.
Nga đỏ bừng mặt sắp khóc. Hai ông kia thương hại, bênh.
- Anh gàn lắm. Chữ ấy thì mấy đứa viết được. Anh tưởng bọn trẻ cũng giỏi như anh ấy.
Ông T. biết lỗi, ngồi lặng yên. Trong khi ấy thì ông K. hỏi con:
- Còn cô? Cũng nguội mất chứ?
Mai tươi cười đáp:
- Không, con viết được.
Ông K. đắc chí, cười khen và hỏi tiếp:
- Khá đấy! Còn chữ "pagaie" là cái bơi chèo cô viết có đúng không?
Mai ngạc nhiên đáp:
- Chết chửa! Con viết ra "pas gai" là không vui.
Ông K. đập bàn, gắt:
- Trời ơi là trời! Còn có ai dốt hơn cô Mai nhà tôi không? Phốt ngu ngốc ấy thì đánh gấp đôi gấp ba cũng còn là nhẹ. Thi thế mà mà cũng thi...
Mai bị cha mắng, tủi thân cũng sắp khóc. Rồi đến Tuyết cũng vậy. Rút cuộc ông nào cũng sẵn lòng tha thứ cho con người, và nghiêm khắc, nghiệt ngã với con mình. Thấy các cô buồn thiu, ba ông cũng hối hận và cùng tìm hết cách an ủi để làm phấn khởi lòng chán nản của các cô.
Buổi thi chiều, ông T. mệt lả nằm ngủ thiếp. Ông Tr. không quen nắng, kêu nhức đầu, chóng mặt. Ông K. bền sức, đi thay cho cả bọn... Khoảng bốn giờ, ông tất tả chạy về làm náo động cả phòng. Hai ông giật mình choàng dậy, hỏi:
- Cái gì thế, anh?
- Khó lắm! Khó lắm! Hai bài tính cũng khó. Tôi không làm nhưng tôi thấy họ la ó rầm lên. Cả hai bài tôi chép được đây. Các anh làm thử xem. Tôi thì tôi xin thú thực, tôi quên hết rồi.
Ông Tr. cũng thoái thác lấy cớ đã lâu không sờ đến tính. Ông T. chả nhẽ lại thoái thác nốt, ngồi loay hoay cộng cộng trừ trừ. Đến phép chia, nhiều con số quá, ông chia mãi không xong. Về sau ông cũng chịu, và cố chữa chạy bằng một câu:
- Chắc anh chép nhầm.
Ông kia cãi lại:
- Nhầm thế nào? Anh cóc làm được thì có. Các ông bàn đi tính lại, sau cùng đều công nhận là bài nào cũng khó. Và chắc các cô đều trượt hết. Ông T. thấy mỗi người có vẻ chán nản bèn lấy tín ngưỡng an ủi:
- Các anh cứ vững tâm. Đã có đấng Thượng đế.
Câu nói của ông chẳng thêm được chút hy vọng nào trong nỗi buồn của họ.

Một giờ sau ba cô trở về, nét mặt tươi tỉnh. Nga khoe Nga làm đúng. Tuyết khoe Tuyết làm đúng. Riêng có Mai là đúng một cái rưỡi. Ông K. không bằng lòng hỏi vặn:
- Đúng thì đúng cả chứ sao lại cái rưỡi là nghĩa lý gì?
- Vâng, vì con dại quá, làm cái khó trước. Đến cái dễ thì không kịp đành bỏ dở.
Chiều hôm ấy ba cô xin phép ba cho đi chơi mát để giải trí. Trên con đường dọc theo bờ sông, các cô thủng thỉnh bước một dưới rặng xoan đỏ ối. Cảnh hoàng hôn như ngụ một vẻ buồn man mác. Các cô yên lặng đi. Bỗng Tuyết cất giọng nhẹ nhàng:
- Các chị ạ. Em không muốn làm phiền lòng ba em. Chứ em biết trước thế nào em cũng trượt.
Mai ngạc nhiên:
- Kìa! Sao chị bảo: hai tính đúng cả?
Tuyết cười tươi như hoa:
- Vâng , đúng cả thực. Nhưng mà hỏng ngay từ bài đích tê rồi còn đâu.
Nga không tin, bẻ lại:
- Chị lại nói thế chứ khi nào chị trượt về đích tê. ở trường chị vẫn bắt nhất đấy nhé. Chả có lẽ.
Tuyết vẫn giữ nụ cười tươi tắn:
- ấy thế mà thực mới chết chứ.
- Không em nói thực đấy, hai chị ạ. Em tính nhẩm đã thấy mất tới năm phốt rồi. Chưa kể những phốt lơ đễnh. Mà... các chị đã biết, em vẫn bị cô Giáo và ba em trách mắng luôn về tội đãng trí.
Mai và Nga yên lặng đi và cũng tin là Tuyết nói thật. Các cô đến nhà vuông ngồi tựa lan can ngắm cảnh. Mặt trời lặn hẳn. Cảnh vật từ màu tím đã đổi sang màu đen thẫm dưới bầu trời lam tối. Đèn điện các phố bật sáng. Trên mặt sông mờ mịt, những điểm sáng trong các khoang thuyền lập lòe như đom đóm. Tuyết thở dài. Một vẻ buồn thoáng trên khuôn mặt trái xoan:
- Em chỉ thương hại em. Chắc ba em sẽ buồn. Ba em thương yêu em lắm cơ hai chị ạ. Tuy ba em thường gắt gỏng mắng nhiếc mỗi khi ba em săn sóc đến sự học của em.
Luồng gió mát từ mặt sông thoảng qua. Những sợi tóc và tà áo mỏng của ba cô lay động. Tuyết ngừng chốc lát rồi nói tiếp:
- Học tài thi phận, chẳng đỗ khoa này thì khoa sau, nên em cũng chẳng lấy thế làm buồn. Nhưng, hai chị ạ... Em sẽ buồn... buồn lắm, nếu ba em buồn vì em. Vậy hai chị cũng vì em mà nói với ba hai chị cố khuyên giải ba em. Ba em vui vẻ thì em cũng vui vẻ - Tuyết cười nụ - chẳng vui vẻ thỏa mãn được như hai chị thì cũng vui vẻ được như thường, như thường.
Tuyết vẫn giữ giọng khôi hài, giọng sở trường luôn luôn theo liền sau nụ cười tươi như hoa mới nở của Tuyết.

Trần Tiêu

Rút trong tập truyện ngắn Truyện quê,
Nxb. Lượm lúa vàng, Hà Nội, 1942

No comments: