CHUỒNG TRẠI MÙA XUÂN
Hơn vài thập niên sau vụ này, cuối thế kỷ Hai
mươi, báo chí Sài gòn có rầm rộ đăng bản tin một vụ giết người khác, do một
kiến trúc sư trẻ tuổi gây ra, khá man dã, ná ná vụ vụ án mà Khúc đã thấy thuở
bé. Nhưng lần này kẻ gây án thứ hai đã giết người tình còn rất son trẻ.
Như thế trong vòng tròn gần ba mươi năm, sau
mỗi mùa xuân, đã có hai vụ giết người rất giống nhau. Phong cách cũ hay mới, xã
hội Vàng hoặc Đỏ, chỗ lưỡng cực vẫn luôn tiềm ẩn một thứ tai nạn khó giải mã, rất
phi nhân văn : “Để thoát khỏi Xứ-Toàn-Chuồng, con người có một phản ứng tuyệt
vọng, như một hội chứng, rất mực phản kháng cái gọi rằng Khí-hậu-động-vật”.
Người ta dùng chính sinh mạng thân ái để giải quyết, chung chi cho một rủi may
lúc hỗn mang.
Trở lại cuốn phim cũ, là cuộc dĩ vãng, ngộ
vang trong tâm linh Khúc. Bờ tường thời gian đã cách âm, nhưng không ngăn được
hình ảnh, tuy hóa màu, trong trí nhớ của Khúc… Bấy giờ, người chồng một khuôn
mặt chữ điền gấy ốm chỉ còn cái khung; trên khung xương hai con mắt sáng rực,
nó như nơi hội tụ sau cùng của đau đớn lẫn hờn căm; đôi mắt sáng đã nhìn khắp
bốn phương không thấy một lối nhỏ trú ẩn; hai bàn tay to lớn nổi những đường
gân xanh; Ông làm việc giết chóc một cách chậm rãi; giáp mặt cơn rùng rợn thật
chậm rãi, như chúa sơn lâm no mồi, vừa thiu thiu ngủ, thỉnh thoảng choàng dậy
gặm một miếng máu.
Lại rất từ tốn như một anh thợ sửa xe rành
nghề, tuần tự tháo từng bộ phận chiếc xe. Tháo cái ghi đông ra. Yên xe ra. Hai
bánh xe rời bộ máy. Tháo xong, bỏ mỗi bộ phận vào một chỗ riêng biệt. Chỉ có
khác, là sau đó người thợ làm lành lặn chiếc xe, màu sơn mới, mọi bộ phận trở
nên hoàn hảo, rồi anh ráp chiếc xe, lại đâu vào đó. Người chồng này tháo người
vợ ra. Rã từng phần. Bỏ mỗi phần thịt xương vào mỗi chiêc bao tải nhỏ. Rồi tức
tốc phân tán những mảnh thân thể người vợ thân yêu khắp nơi trong thành phố –
trước cửa nhà hát, trong bãi cỏ xanh công viên, dưới chân một tượng đài, chỗ
bến đò đông người qua sông về bên kia vườn cỏ dại – theo cách riêng khá độc
đáo.
Một đặc điểm cần ghi nhớ, người đàn ông này
giết người vì lòng xót xa, vì tam muội đen, hoặc do kinh nguyện mở nguồn. Có
thể bảo ông ta điên. Dĩ nhiên có thể. Nhưng ông hành sự cùng lời chú trí
huệ:
“Có một cách tìm kiếm tự do mà không phải
vượt biển, hay mong đợi một chuyến bay nhân đạo nào. Đâu thể hóa phép cỡi mây
bay bổng như thần tiên, chúng ta dân đen trần tục mà. Chỉ bảo vệ nhau, gìn vàng
giữ ngọc, tuy tuyệt vọng, nhưng giúp nhau chọc cho hết huyết trong người, vẫn
là cách tự xử cần được tôn trọng.”
Trời hôm nay nắng hay mưa đâu là quyền của
nắng mưa.
Bây giờ mùa xuân đã qua. Nền Cộng hòa đã bị
xóa sổ.
Bây giờ chừng như mùa mưa miền Nam. Chen
trong nắng mềm là rắc hột hanh hao. Đường phố Sài gòn bỗng vắng vẻ lạ thường.
Cây lá buồn. Gạch ngói buồn hơn. Từng dòng người gầy ốm gò lưng trên yên xe đạp
dong ruổi. Chùa chiền, giáo đường vắng tín đồ, đúng nghĩa
Gíáo-đường-im-bóng.
Con đường Tự do, con đường cổ nhất và sang
trọng nhất của Sài gòn, nối từ nhà thờ Đức Bà ra bờ sông được đổi tên thành Đồng
khởi. Đường Công lý, con đường rộng nhất, dẫn ra phi trường Tân sơn nhất có tên
gọi mới là Nam kỳ khởi nghĩa.
Vì cái thói quý tộc, thời Cộng hòa con đường
Tự do cấm không cho xe đạp và xe ba bánh thô sơ chạy qua; đường Công lý xe chỉ
được chạy một chiều. Để mỉa mai chế độ Cộng hòa, công lý cũng như tự do chưa
tới bến, dân gian từng truyền tụng:
“Công lý một chiều, Tự do giới hạn”
Hôm nay nhân gian lại ví von sự đổi đời qua
câu ca cay mừng đắng:
“Nam kỳ khởi nghĩa tiêu Công lý,
Đồng khởi vùng lên mất Tự do”.
Buổi sáng, có một người chị từ Tự do đến thăm
người em gái Công lý. Ngồi một lúc với chén nước mưa không đun sôi, nhìn ngôi
nhà tàn tạ của cô em Công lý, người chị Tự do thở dài, nói:
“Đất nước đã hòa bình, nhưng thời thế đảo
ngược rồi em ơi. Là công dân hạng hai chúng ta lâm vào hoàn cảnh đốn mạt. Cả
nhà thất nghiệp. Tài khoản trong ngân hàng bị khóa lại, nhà nước tịch thu cả
rồi. Vợ chồng em mất công ăn việc làm. Nhà cửa trống hoang trống lốc thế này;
máy móc, xa lông, sách quý, thậm chí áo quần, tủ thờ ông bà ông vải cũng mang
cả ra bán chợ trời kiếm chút tiền độ nhật. Chao ôi rồi ra vợ chồng con cái em
sẽ sống làm sao đây. Chồng em dạo này tính khí bất thường. Dượng ấy điên rồi.
Có khi giết cả lũ nhà này…
Cô em lặng thinh khi nghe chị nói. Ý nghĩ
trong tâm não sao bỗng bay tan đi. Cô chỉ khóc nhìn đưa con tám tuổi. Thằng
Khúc nhỏ gầy ngồi chỗ hàng hiên cạo vỏ mấy củ khoai lang.
Hơn tháng nay các kho lương thực trong thành
phồ bất ngờ cạn sạch gạo. Cửa hàng hợp tác xã độc nhất phân phát thực phẩm chỉ
có thế thay thế gạo cho dân chúng, bữa có bữa không, bằng hạt bo bo, khoai
lang, bột mì Liên xô, những trái ngô ốm o chỗ nông trường…
Đây là thời kỳ tem phiếu, việc phân phát
lương thực thực phẩm hạn chế theo đầu người có trong tờ hộ khẩu. Không có hộ
khẩu thì không được cư trú và đương nhiên không tìm đâu ra cái ăn, không thể
tìm được việc làm. Không có thị trường tự do. Dân chúng không có điều kiện mua
thừa thực phẩm để dự trữ, nhưng cửa hàng có quyền bán thiếu tiêu chuẩn thực
phẩm theo đầu người. Mọi thứ khan hiếm. Mua nửa lít nước mắm cũng phải chờ có
phiếu phân phối. Phải đợi năm bảy ngày may ra có tin mừng hơn mẹ tái sinh: “Hôm
nay nước mắm về”.
Lại phải sắp hàng trong nắng mưa hàng vài ba
tiếng đồng hồ mới đến lúc mình được gọi tên, để mua một lít nước
vàng-vàng-mặn-mặn pha chín phần mười là nước muối; hoặc một vài lạng thịt cá đã
đầy ruồi nhặng.
Năm bảy ngày bếp nhà toàn muối với rau, hôm
nghe tin cửa hàng có thịt cá, người khu phố như nước từ suờn non đổ về dòng
chung; con suối người lơ láo ấy chảy tới chỗ ruồi nhặng. Sắp hàng trật tự. Chờ.
Chỗ khung cửa hẹp một cô phát thực phẩm gọi tên, nhận sổ, xem mặt người. Một cô
cân đong. Có được nạc, mỡ, chỗ ngon dở, phần tươi thiu, là tùy vào chỗ ưu tiên,
là anh Tám bác Ba, hay gia đình cái bọn hạng hai.
Một nền kinh tế quốc doanh lúc này cao vững
như thái sơn. Cả nước bị khoanh vùng, giới hạn mọi lưu thông kinh tế thương
mại. Mỗi tỉnh, mỗi thành phố là một vương quốc. Đúng ra một cái Chuồng. Tự lo
cái ăn cái sống trong vòng rào, nghiêm cấm hàng hóa ra khỏi tỉnh, thành. Ngồi
trên xe đò, trong túi xách của anh có vài ký gạo, hay một cân thịt là anh bị
kết tôi buôn lậu, gian thương.
Sài Gòn đói gạo nhưng miền đồng bằng sông Cửu
Long gạo thừa mứa nấu bớt cho heo ăn. Người miền núi thừa gỗ, chặt cả gỗ quý,
danh mộc như cẩm lai kiền kiền làm củi đun, trong khi dân miền biển dùng tre
nứa thay cho những công trình cần lâu bền. Ở thôn quê nông dân thừa sản vật
nhưng thiếu tiền mặt, thiếu thuốc chữa bệnh; không có điện, khan hiếm xăng nhớt
xi măng sắt thép, không tìm đâu giấy vở cho học trò đến trường.
Xã hội buổi này có hai loại thành phần, giai
cấp, tuyệt đối rạch ròi. Công dân hạng chiến thắng ngày ngày hát mừng, đi tiếp
thu nhà cửa gom nhặt tài sản máy móc của kẻ chiến bại. Toàn bộ còn lại, là công
dân hạng hai.
03
Thằng Khúc xanh xao đầu thai trong nhà công
dân hạng hai.
Khúc lên tám cạo cắt củ khoai làm sao cắt cả
vào bàn tay máu chảy ròng ròng. Nó đưa ngón tay lên miệng nuốt máu. Máu nhiều,
nó cởi áo, lấy vạt áo bụi bẩn quấn chặt bàn tay. Không có bông băng, không
thuốc tím thuốc đỏ, nắng ngoài kia rát bỏng, chỉ có thể làm thế thôi. Quấn chặt
một hồi rồi máu chỗ vết thương cũng ngưng chảy thôi.
Xã hội trong hầm chuột hun khói. Nhân ảnh dị
dạng. Mọi thứ bậc đổi ngôi. Cái gì lạ lùng quái gở nhất cũng có thể thường trực
xảy ra. Một người hàng xóm đau ruột thừa, thông lệ là mổ dễ dàng như mổ ruột
gà, nhưng bệnh viện được tiếp thu bởi các bác sĩ giàu tinh thần súng đạn hơn là
chuyên môn y khoa– các bác sĩ chế độ Cộng hòa, các chuyên viên giỏi đã đi tù
hoặc tự bỏ bệnh viện ra nước ngoài – đã để người hàng xóm chết queo. Bởi, thay
vì mổ ruột thừa bác sĩ đời mới chẩn đoán bệnh nhân bị sạn thận nên chưa cho vội
mổ. Một ngày sau ruột thừa vỡ, bệnh nhân trở thành nạn nhân của sự nhầm lẫn,
chết vì nhiễm trùng thối rữa cả ổ bụng.
Không có gì phải đau lòng, là đáng ngạc nhiên
cả. Đó là chuyện thường ngày trên một xứ Rồng Tiên mọi sinh họat xã hội đang
lật ngửa bỗng nhiên lật úp cái rụp. Bộ não đang dạng tươi, bỗng một chiều được
sấy khô giống nhau, trong cái lò bát quái. Một người đau răng hàm dưới bị nha
sĩ – từng có hơn ba cái bằng tuyên dương chống Mỹ số 1- nhổ một lúc sáu cái
răng hàm trên, cả răng cấm. Bệnh nhân trợn ngược mắt trắng, giãy đành đạch bất
tỉnh.
Lại một bác sĩ mổ người làm sao khi khóa ổ
bụng bệnh nhân mới nhớ là đã quên trong ấy một cái kềm. Một chị bị nhiễm trùng
âm đạo, khám thế nào lại mổ cắt mất tiêu cái tử cung. Từ đây thôi đẻ. Một loạt
học sinh mẫu giáo chủng ngừa siêu vi gan xong là lăn đùng ra chết tươi. Một
người bị chó dại cắn, chích thuốc ngừa trị thế nào, một tháng sau cơ thể bệnh
nhân bị phản ứng thuốc, nạn nhân bị lột da tươi, từng mảng da beo. Chết thối
tha trước khi chết dại. Một sinh viên bị viêm màng nhĩ, bác sĩ khám xong mổ cắt
mất tiêu cục a mi đan không cần thiết phải cắt. Thằng sinh viên hụt chết vì
bệnh máu chậm đông. Buổi sáng, báo đăng tin đàng hoàng, một cụ già, có tên tuổi
rõ ràng, đang nằm viện điều dưỡng bệnh trĩ, bị gọi lên cho bác sĩ gây mê để mổ
tim. Cụ Bệnh Trỉ vừa ăn sáng xong thì bác sĩ vặt đầu gây mê, cụ bị sốc phản vệ
chết toi… Cuộc sống nghìn lẻ một đêm là phối hợp tuyệt kỹ giữa thần tiên quái
ảo tây du ký với hợp tan lương sơn bạc, là hòa ngẫu cực kỳ lãng mạn hồng lâu
mộng với gian dâm có định hướng kim bình mai.
Người chị Tự do nhìn thằng Khúc Công lý nhăn
nhó vì mớ máu trong vạt áo bụi bẩn, căn nhà đối diện bọn buôn ve chai đang ngồi
định giá cả mớ vỏ đồng hồ, quạt máy, radio những cái ống vố loại xịn, mấy bộ ly
tách uống rượu tây quý giá; chúng ép giá rẻ mạt theo giá ve chai; chị chủ nhà
thay vì bảo chúng thêm tiền lại ngó quanh, cảm thấy xấu hổ cảnh nhà sa sút,
đành nói vội “ Bao nhiêu cũng được các anh hốt hết rồi chuồn lẹ cho”. Chị Tự do
nói với cô em:
“Em cho thằng Khúc chị đem về nuôi. Nó phải
được học hành, nó còn tương lai mà em. Trong cái lò thiêu xác này rồi ra nó
cũng hóa tro.”
Người em Công lý không nói được gì. Lại khóc
rấm rức. Cô còm cõi quá. Khóc rung chuyển e tan tành cái khung xương.
Chỗ hàng hiên có tiếng gọi lớn của Bác Năm tổ
trưởng:
“Thằng Khúc nhà chị hát hay quá. Lý lịch
thằng nhỏ đen lắm nhưng tôi tranh thủ, ưu tiên cho nó vào tốp ca nhi đồng. Ráng
phấn đấu nghe.”
No comments:
Post a Comment