MÙA HUYẾT
Trời đổ cơn mưa lớn. Một người đàn ông to
cao, ngày trước vạm vỡ như một tên giác đấu, nay gầy guộc, lưng còng, người ướt
sũng, dựng vội chiếc xe đạp ở hàng hiên.
Buổi sáng Ông ra đi túi rỗng. Ngó quanh căn
nhà sa mạc. Còn một chiếc áo mưa loại poncho nhà binh Mỹ để che mưa, Ông mang
ra chợ trời chỗ Lăng Cha Cả bán được sáu đồng bạc. Uống ly cà phê đen năm hào,
mua bao thuốc rê năm hào. Vị chi mất một đồng.
Đói bụng dữ dội, nhưng Ông nghĩ là trong dạ
dày đã có cà phê, trong phổi có khói thuốc. Hạnh phúc chán. Hai món ăn chơi đã
có đủ. Vả lại thời bao cấp khan hiếm, trong ly cà phê đã có chín phần mười là
bắp rang đen trộn vào. Ngũ cốc chớ bộ. Rất đỡ đói. Ông rất thèm thuốc điếu
nhưng phải hít thuốc rê tự vấn. Thuốc điếu, nhãn hiệu Sao Mai, Lá Đỏ, chỉ toàn
lá đu đủ khô mà thôi. Hút vài ba điều thì cần cổ bỏ cơm, bao tử thôi bóp.
Vào nhà. Ông ta nhìn thằng Khúc. Chào chị vợ.
Trao cho vợ năm đồng bạc, rồi phán:
“Ngày mai trời lại sáng rồi.”
Vợ hỏi:
“Sáng làm sao?”
Người chồng nói nghiêm chỉnh:
“Ngày mai tôi đi làm lao công cho lò sát
sinh.”
Người chị vợ hỏi:
“Lý lịch dượng đen thui ai cho vào làm, dù đi
rửa nhà tiêu?”
“Làm nghề giết mướn mà chị.”
Người vợ e ngại than thở:
“Anh lại sát sinh hả?’
Người chồng giải thích:
“Anh có nhiệm vụ kẹp cổ con bò cho người ta
thọc huyết.”
Vợ lơ láo nói:
“Gầy nhom còm sức đâu?”
Người chồng an ủi vợ:
“Yên chí, hôm nay anh thử việc rồi. Bốn thằng
trai tráng kẹp bốn chân trước sau con bò, mỗi mình anh cầm hai cái sừng ghì
chặt con bò vào giửa hai cây cột dọc, bò không nhúc nhích nổi. Thọc một dao to,
sâu.”
Ông ta ngồi xuống vấn một điếu thuốc , ngó
mông ra nắng phố, rồi tiếp:
“Em đừng lo, thời buổi này người gầy ốm xuống
cấp theo cách người thì bò chó cũng còm nhom theo kiểu chó bò chớ. Có riêng gì
người. Thần thánh chó bò tiên nữ chúa phật cũng nhất trí trơ xương.”
Ông ta đi làm ở lò sát sinh được ba bốn ngày
bọn trai tráng đã khen đáo để nghệ thuật chặn cổ bò. Ông thấy làm việc này mỗi
ngày kiếm được một đồng rưỡi, khi công nhân viên nhà nước một tháng lương năm
chục đồng, cũng không đến nỗi bất công. Nhưng ngặt một nỗi, ở chỗ lò mổ bò Tư
Diêu, nay được đổi tên là Cơ sở GIẾT MỔ THANH NIÊN phục vụ thịt bò và xương
lòng bò tươi sống, chẳng là lò mổ này do Đoàn thanh niên phụ trách. Ông ta vừa
tởm vừa thương tâm cái cảnh tại lò mổ bọn trâu bò trào máu cổ, còn bọn trẻ nít
với đám bàn bà chen nhau hốt thứ huyết thừa đỏ hoét chảy tràn lan trên nền xi
măng pha lẫn đủ loại nước. Có khi nước kinh nguyệt đũng quần, nước đái
bò.
Đàn bà trẻ nít tranh nhau cái đo đỏ huyết bẩn
này đem về nhà nấu một nồi cháo huyết mang ra đầu hẻm bán cho dân lao động kiếm
đồng nát. Loại huyết bò pha lẫn với nước dội trên nền lò sát sinh này khi luộc
chín nó có màu nhạt nhạt, lại mềm nhũn chứ không săn đặc như huyết nguyên xi.
Đôi khi mùi thum thủm.
Chẳng sao. Là công dân hạng hai, một ông giáo
sư hôm trước hôm nay chạy xe ôm; một ông trung úy thương binh không phải vào
trại tù, đang cà niểng chân gỗ lượm ve chai; hai ba ông nhà văn họa sĩ trải vài
tấm khăn ni lông trên lề đường bán đồ lạc xon, tháo ráp xe đạp cũ, bán mớ sách
may mắn chưa bị văn hóa phường gom đốt; một vài nhà tư sản bị kiểm kê tịch biên
tài sản, buồn bã mang những vật sản cuối cùng ra ngồi với bạn bè nhìn lề đường
thời đại mới. Bọn họ, mỗi sáng lót dạ, có khi thay bữa cơm chiều, bằng một tô
cháo huyết bò pha lẫn kinh nguyệt năm mươi xu, cũng an ủi chán. Bọn công dân
hạng hai này rất cao ngạo, lại bình thản, không ân hận chi. Thế thôi, ở thiên
đình thì bè bạn với Nam tào Bắc đẩu, không may địa ngục phải thích ứng với quỷ
ma. Bình thường chuyện nắng mưa lịch sử.
Bọn hốt huyết thừa đều là chỗ vợ con hoặc
thân thuộc với bọn thọc huyết. Nên bọn nhân viên ở lò sát sinh thường tìm cách
hứng huyết vào chậu cho hợp tác xã nhà nước là ít, mà tìm cách cho rót đổ ra
sàn nhà là chính. Cái lai láng đỏ tanh tưởi trên sàn nhà mới là cái sống của lũ
con cháu nuôi dưỡng tương lai. Hốt đi con. Hốt lẹ lẹ rồi chuồn mau. Hôm nay mẹ
con chúng mày có bạc cắc.
Bọn nhân viên cắt chia thịt thường lén lút
ném những mớ thịt tươi ngon vào các thùng rác, thùng đồ dơ; sau đó vợ con nhanh
nhẩu lượm về bán cho các bệnh viện, hoặc các nhà hàng quốc doanh chuyên mua
thực thẩm chui.
Hôm nay trời nắng hay trời mưa đây? Mặc mẹ
trời.
Làm việc đến ngày thứ mười thì Ông ta suýt
lâm nạn. Một con bò đực đã thoát khỏi dây trói, húc Ông suýt phèo ruột non ruột
già. Vì lý do đó mà sau này bọn trai tráng vác búa đập chí mạng vào đầu con bò
cho nó gục mới chọc cổ lấy huyết.
Lúc con bò quậy phá,có một người đứng tuổi
than phiền với ông chủ nhiệm hơp tác xã:
“Sao không dùng cái ngòi điện như hồi chế độ
cũ, châm một phát là điện giựt con bò lăn quay, ôm vật làm chi. Ta thắng đế
quốc dễ dàng nhưng đâu dễ quật ngã một con bò điên. Bò- nguời biết ai thắng
ai.”
Chủ nhiệm tức tốc phê bình:
“Sai quan điểm rồi. Lại bày đặt trò tư bản.
Thành phố, nhà máy thiếu điện tràn lan, điện đâu ban ân huệ cho trâu bò. Chớ
sức lao động vinh quang của con người để mần chi.”
Nghĩ dưỡng thương vài tuần Ông xin vác xi
măng ở bến cảng Sài gòn. Vác ngày hai đồng. Ngày có ngày không, tùy lượng tàu
ghe cập bến. Ông đã từng thử sức mạnh vặn cổ một con bò – đương nhiên là bò
dạng hưu trí, thôi kéo cày ở các nông trường – thì bao xi măng ăn nhằm gì.
Nhưng ác nỗi, cái cầu nối từ thành ghe với cái bến sông không phải là cầu đúc,
mà chỉ là hai tấm ván nối lại dài chừng ba bốn thước. Tấm ván nhịp xuống phùng
lên, bề ngang chỉ ba bốn tấc, bên dưới là sông dài nước chảy, chỉ có chuyên
viên bốc vác mới qua được – thì Ông không quen.
Một chiều Ông trở về nhà người ướt sũng vì
không giữ được thăng bằng nên cái xác phàm cùng bao xi măng vác vai rơi tõm
xuống sông. Báo hại, bị đuổi việc, còn bị trừ lương đền bù vào bao xi măng chìm
lỉm hư hao.
Trong lúc thất nghiệp, một cái tin khá đột
ngột làm Ông quẫn trí. Ba tháng trước một người em ruột đề nghị:
“Anh cho thằng Phùng nó vượt biên với em.
Phải có một đứa thoát làm vốn. Thằng Khúc còn nhỏ quá.”
“Tiền của đâu? “
“Chỗ ruột rà em sẵn lòng giúp cho anh chị
mà.”
“Tiền tàu ghe, xăng nhớt, tiền hối lộ lo bến
bãi đâu phải ít, chú lo sao nổi.”
“Chu toàn cả rồi, anh chỉ cho tôi thằng Phùng
là đủ.”
Biển lặng. Nắng tươi. Tàu ra tới hải phận
quốc tế mọi người ôm nhau vui mừng thì bất ngờ gặp hải tặc. Vàng bạc bị lột
sạch. Đàn bà con gái bị hãm hiếp tàn nhẫn trước mặt người thân quen. Thằng
Phùng giống cha, nó nổi máu hào hiệp đánh nhau với bọn cướp. Có chút võ nghệ
Phùng đánh trả ra trò. Nhưng bọn cướp đã hành hình gã trai trẻ gan dạ ngay trên
tàu. Chúng chặt Phùng máu me ra làm nhiều phần rồi ném cả xuống biển.
Đêm đã trở nên dài dằng dặc. Hằng khuya Ông
ra khỏi nhà sau mười hai giờ đêm khi vợ con đã yên ngủ. Ông đi quanh quất trong
thành phố không bóng người, chỉ thỉnh thoảng một vài toán an ninh vác gậy gộc
đi tuần tra.
Sài Gòn tịnh vắng,
Sài gòn hòa bình,
Saigòn nhớ cha khóc mẹ.
Lại đứng dậy đi. Lại ngồi đầu ngõ một ngôi
biệt thự thân quen nay chủ khác, là gia đình kẻ ở ngôi, đã vào ở. Ông đi dọc
đại lộ Nguyễn Huệ, bước qua những viên gạch vỡ xưa kia bên trong Đêm Màu Hồng.
Tiếng hát Thái Thanh trong màu trăng, xanh ngọc. Ly rượu nồng thơm đã hóa kiếp
từ sau cửa khép. Ông ngồi bờ sông. Thủ thiêm bóng tối chìm.
Trong đêm thâu Ông nhớ con bò gầy nhom bị
thằng người gầy gò không kém, chặn hai cái sừng tội nghiệp cho người ta thọc
dao vào cổ. Nó rung chuyển thảm thương rồi ngã uỵch. Đầu óc ông sau cuộc vật
lộn với bò cũng đuối sức, tứ bề bỗng vàng tanh xây xẩm. Ông nhớ màu máu nhờn
nhạt, pha lẫn đờm giãi, nước kinh nguyệt từ những cái háng ốm o, loang trên nền
nhà, bọn trẻ nít dành nhau hốt vào cái thau nhôm méo mó.
Một lúc bọn nhỏ cũng hình người đỏ lòm, lem
luốc. Có thằng trượt ngã áo quần ướt đỏ trên cái nền Đỏ máu tưởng như mênh mông
đến cuối trời. Ngã. Rồi cả lũ bò dậy. Bọn trẻ tiếc máu, vội vàng cởi áo vắt vội
cái thứ máu bò lông cứt – như ta vắt cái áo ướt -vào chiếc thùng đựng máu.
Ít ra, với máu này, mẹ nó cũng nấu được vài
tô cháo huyết, kiếm đồng nát lúc cả thế gian quanh đây đói gầy.
Hằng đêm đi mộng du quanh quẩn, Ông trở về
nhà lúc rưng rưng chân trời màu hồng nhóm lửa. Ghé quán nước đầu hẻm uống năm
hào cà phê. Năm hào thuốc rê. Mua cho thằng Khúc vài củ khoai lang.
Thằng nhỏ luôn bụng rỗng. Nó thường thức dậy
rất sớm. Ngồi nhìn mông lung phố buồn, đợi vu vơ ở bậc cửa. Đôi khi nó gặm bàn
tay, nuốt thứ nước bẩn ngọt ngọt thay sữa.
Người mẹ còm nhom nhóm một bếp lửa nấu gì đó
tính sau. Đôi khi nước sôi, củi tàn mà Mẹ không biết mình có gì để nấu.
03
Đêm tới, lại rảo bước phố buồn. Ông nhớ vết
thương xưa hãy còn lưu dấu một vệt dài khâu vá, thịt tím tím như con rết trên
đùi vế. Ông vẽ ra một hình nhân anh hùng, nhưng cái huy chương vinh dự lại được
gắn ở chỗ gần bộ hạ. Huy chương hình rắn rít. Nhớ đồi nương hoang tàn những mái
tranh tro đen hóa thân trong chiều.Con suối mát đủ cho cơn khát và những bi
đông nuớc đong đầy. Những cụm khói trắng từ chiếc L19 nhả ra lơ lửng không
trung, báo hiệu những tràng pháo 105 ly sẽ bay tới mục tiêu. Đạn nổ chụp bung
trăm mảnh từ cao, trên một xóm làng bên dưới, trong đất đã cài đầy mìn bẫy. Đã
quen giữa mùa thù hận, những tín hiệu được báo, những tọa độ được xác định cần
hủy diệt, những căn hầm, cả nhừng mái lều trẻ thơ.
Một hôm đi quanh quất chỗ chợ trời Ông gặp
một người bạn trước kia là một giáo sư, nay có gian hàng bán đồ lạc xon. Thời
này khắp thành phố là chợ trời. Chỗ nào có thể tụ họp là có chợ trời hoặc hàng
quán cà phê lề đường. Ông ngắm trong la liệt những món hàng cũ có một con dao
găm trong một cái vỏ bằng bạc rất đẹp. Ông nhặt lên xem. Con dao găm sao mà
dài, cỡ ba tấc bằng thép sáng loáng. Cán dao bằng bạc có hoa văn hình rồng
giống như hoa văn trên vỏ bọc. Nó giống như một cây đoản kiếm. Ông hỏi người
bạn:
“Con dao như một báu vật vậy mà không có ai
mua hà?”
Nguời bạn cười trả lời:
“Ai mua cái ngữ này trong khi tiền không có
để mua gạo mắm. Mà thà tớ biếu không cho người sành điệu, chớ bán thì phải bán
giá theo giá đồ cổ thôi.”
Người bạn cười nụ, nhìn con dao lại nói tiếp
một cách đắc chí:
“Có thể đây là cái đoản kiếm của một tướng
lĩnh đi mở nước thưở nước non chúng ta còn bên Phiên ngung.”
Ông cười, nói phiêu phiêu:
“Không chừng cái ngữ này đã từng đính trên
thắt lưng của một tên Nhật lùn bên xác chết đói Bắc hà, hàng triệu xác xương la
liệt Thăng long.”
Sau cùng người bạn có đồng ra đồng vào chỗ
chợ trời đãi Ông một tô cháo huyết năm mươi xu.Và biếu Ông con dao quý.
Vừa húp cháo lõang, nhìn những miếng huyết
nhạt màu trong tô cháo, ông nói:
“Tớ biết trong cái tô cháo tanh loãng này có
máu kinh nguyệt của đàn bà. Ta đang nhâm nhi kinh nguyệt.”
“Nói kỳ?”
“Không kỳ quái chút nào. Tớ đã từng quần thảo
trên cái nền máu cùng đám con trẻ thời thế và lũ đàn bà có máu, bất cứ ngày hay
đêm. Con mụ đàn bà khi có kinh nguyệt, dù tắm rửa sạch sẽ cách nào, tớ cũng
nhận ra. Đó là cái mùi thần thánh. Nó ngai ngái, lung lung.”
“Thế Ông là Thánh trong nghề nhận ra
Mùi.”
“Phải đâu? Ta là sợi lông trong âm
hao.”
Lúc đó trong màu nắng tháng năm có dăm bảy
anh nhà quê đắc thắng đi tham quan chợ trời. Ăn nói khoác lác bi bô. Bọn thiếu
đói trong nhiều năm, rất lạ lẫm với máy móc, với xã hội vinh hoa, dừng lại
trước cửa hàng lạc xon. Thấy cái máy xay tiêu nho nhỏ, vỏ ngoài có nạm bạc
trắng xinh xắn, trên nắp có một cái tay quay i-nốc sáng loáng, rất lạ mắt, một
gã cằm bạnh răng vẩu hỏi:
“Cái máy này thu thanh à?”
Người lang thang chỗ chợ trời trả lời:
“Đây là cái máy xay tiêu cho thành bột mà
dùng.”
“Ối giời tiêu với tỏi thì bỏ mẹ nó vào cối đá
mà đâm chứ? Rõ tư bản bày đặt. Sao trong nam này nhiều cái máy tào lao thế
nhỉ.”
Húp hết tô cháo, lấy tay áo quệt ngang mồm
chùi miệng, Ông được tặng đoản kiếm chào cảm ơn. Người bạn chợ trời, trước kia
cũng đã từng đúng chỗ bục giảng trường đại học dặn dò:
“Một cái đoản kiếm giết thế đéo nào cho hết
bọn thú. Nếu hành sự phải làm một việc gì có ý nghĩa với con dao quý tộc này
người anh em nhé.”
“Trời đang mưa,
có bao giờ mưa kinh nguyệt.
Nhưng tiếng đàn bờ cỏ lối thơ
đã rẩy màu
Kinh và Nguyệt”
No comments:
Post a Comment