Đêm trên thung lŨNG
Xin cảm tạ Mai Phương và Trần Viễn Phương về những
kinh nghiệm sống ghi trên báo Đời.
Xin cảm tạ những người bạn đã từng tham dự vào trận Hạ Lào, và đã cung cấp cho tôi những chi tiết quí giá của cuộc giao tranh.
LỜI KHAI CỦA BINH NHẤT CỦA.
Xin cảm tạ những người bạn đã từng tham dự vào trận Hạ Lào, và đã cung cấp cho tôi những chi tiết quí giá của cuộc giao tranh.
LỜI KHAI CỦA BINH NHẤT CỦA.
Tôi tên là Nguyễn Của, binh nhất, số quân
69/506.632. Lý lịch chi tiết của tôi, quí vị dễ dàng tra cứu trong quân bạ. Tôi
xin lấy danh dự một người lính chiến, hằng ngày chạm mặt với cái chết, xin lấy
tình yêu của Trần thị Lan người tôi nguyện thương yêu suốt đời, và tính mệnh
đứa con trai hai tuổi (thằng bé Nguyễn Trần Cải) để thề rằng tôi viết ra đây
toàn sự thật :
… Tiểu đoàn chúng tôi hôm ấy được bỏ xuống một ngọn
đồi trọc. Phía đông dốc thoai thoải còn ba phía kia dốc khá đứng, xuôi tuột
xuống một thung lũng xanh già. Có lẽ mưa gió liên miên tháng năm đã xoi mòn
đỉnh núi cao, mang đất cát mầu mỡ về miền hạ lưu, nên sườn đồi chỉ toàn một
loại cây cằn thấp bé. Đã quen với công việc, chúng tôi lo hệ thống phòng thủ.
Một toán lo đào những giao thông hào chi chít ngang dọc ngoằn ngoèo. Một toán
lo di tản đạn dược để phòng bị pháo kích. Bấy giờ khoảng một giờ trưa. Trung
đội tôi yểm trợ cho một trung đội khác đi chặt cây lớn làm xà ngang cho mái
hầm. Phải chọn loại cây lớn nhất có thể tìm được, vì những cây đà nầy phải chịu
đựng hàng thước đất dày. Có như vậy mới chịu nổi xuyên pháo 122 ly của cộng
quân. Xa đỉnh đồi độ năm trăm thước, chúng tôi đã gặp dấu vết của địch. Đầu
tiên là những ngọn cây đọt cỏ ngọt dấu dao, nhựa thơm còn ướt. Chen vào những đọt
héo, vài đọt lá xanh. Dấu chân người dậm nát một khoảng đất lầy mầu cỏ úa,
thường thường nấp sau một khóm lá tươi. Xa hơn chút nữa, một khoảng đường mới
đắp còn in dấu vết xe vận tải. Bánh xe lún khá sâu trên nền đất cứng, chứng tỏ
trọng tải nhiều. Một người bạn của tôi hớt hải chạy từ phía trước lại :
– Có dấu xe gì lạ lắm. Không phải bánh cao su. Lại
đây xem.
Chúng tôi cẩn thận tiến lên, tay trỏ đặt sẵn trên
lảy cò. Người bạn đi đầu len lỏi khéo léo giữa các nhánh cây sà thấp. Đến nơi,
nhìn vết in trên đất, tôi biết chắc là vết tăng.
Tôi bảo :
– Không biết bộ chỉ huy biết chưa ? Địch dùng xe
tăng ở chiến trường nầy.
Tin ấy làm cho các sĩ quan trầm ngâm. Những ngày
sau việc bố phòng càng cẩn thận hơn. Giao thông hào đào thêm xuống đến triền
đồi. Bãi mìn và bom lửa dày đặt. Số người xuất trại ít hơn, chỉ đi khi thật cần
thiết. Tiểu đoàn lo gấp rút múc nước dự trử, chấm các tọa độ khả nghi trong
trường hợp địch tấn công. Pháo của ta bắt đầu nổ quanh đồi khi dấu hiệu địch
được các toán viễn thám phát giác không xa đơn vị mấy. Đôi khi sau một loạt
pháo, có nhiều tiếng nổ phụ. Đôi khi là một cột khói đen đùn đùn vươn lên cao,
nhập vào sắc mây ám.
Mức độ pháo kích và oanh tạc càng tăng khi dấu hiệu
địch càng hiện gần. Không khí trong trại căng thẳng, khẩn trương. Tiếng bom B
52 ầm ầm liên hồi, vang vọng qua mấy chặng thung lũng như một trận giông chưa
bao giờ có từ thủa khai thiên. Cobra khạc đạn giống như tiếng heo bị chọc tiết.
Phản lực F4 gầm gừ, mỗi lần rú xé mây là một lần chớp lửa để dội tiếng ầm về
đỉnh đồi, tung bay cát bụi lên những người lính đăm chiêu.
Tình trạng trên kéo dài suốt tuần lễ. Đến đầu tuần
thứ nhì thì pháo của ta nổ ngay dưới chân đồi. Phản lực như cắm sâu xuống lòng
hào, và chúng tôi vừa thấy chớp sáng đã nghe tiếng nổ xé.
Hôm ấy suốt ngày tạm yên, nghĩa là còn có thể đứng
trong giao thông hào nhai gạo sấy và ruốc. Đến chín giờ tối, địch bắt đầu tấn
công lên phía chúng tôi tử thủ. Bốn phương tám hướng đều có pháo địch rót về,
nào 82 ly, nào sơn pháo 57 ly, đại liên 32 ly… Chúng tôi không có thì giờ ngóc
đầu lên nổi. Nhưng qua khe mũ sắt và bờ hầm, ném nhìn xuống phía thung lũng
đen, ánh lửa đom đóm chớp lòe. Tiếng địch xung phong từ dưới vọng lên, từng đợt
tràn qua bãi mìn và lựu đạn bẩy. Mạn đông thoai thoải nên áp lực địch mạnh
nhất. Chúng tôi ghìm cây súng bắn liên miên không cần nhắm ra phía trước. Một
vài người bị đạn, rên la phía sau lưng. Một số đã nằm yên trong poncho. Tiếng
xung phong của địch càng gần. Lệnh trên cho hệ thống mìn nổ. Claymore hướng
xuống phía dưới, bật cháy các bom lửa. Ánh bom soi rõ từng đám địch lố nhố chạy
lên, mỗi tên đều cầm thủ pháo. Từng xác ngã gục dưới ánh lửa đêm thủ pháo nổ
tại chỗ.
Cobra và phản lực dập tắt dần các đợt xung phong và
pháo kích. Trực thăng võ trang bắn như mưa bão xuống sau lưng địch, ngay dưới
chân đồi. Mỗi lần bom đạn lóe sáng là một lần chiếu hắt ánh sáng xanh lên mặt
mọi người, tô đậm không biết bao nhiêu đụn khói cuồn cuộn. Mãi đến gần khuya,
áp lực của địch mới nhẹ dần. Tiếng súng thưa thớt. Bấy giờ chúng tôi mới cảm thấy
đói cồn cào, húp vội mấy lon trái cây hộp hay nhai cơm sấy. Tiếng thương binh
rên la rõ hơn, ma quái nhọc nhằn trong đêm rừng. Tôi vẫn đứng trong phòng tuyến
chăm chăm nhìn xuống khoảng đêm phía trước. Mấy người bạn đến đọc tên những đứa
đã vĩnh viễn nằm xuống, trong đó có trung sĩ Hạ, thượng sĩ Chất. Trung đội tôi
có bảy người bị thương khá nặng, trừ năm người chết, số còn lại tiếp tục đứng
chỗ cũ. Không ai nói với ai lời nào, gục đầu vào tường giao thông hào bập điếu
thuốc. Bên ngoài trời rả rích mưa. Tôi nhớ nhà da diết. Em lo lấy quần áo vào
kịp không hở Lan ? Có nhớ đắp mền lên ngực con không đấy ? Chúng tôi mệt quá
không ngủ được, ở trong trạng thái lơ lửng giữa mê và tỉnh. Hạ sĩ Bền đập vai
tôi :
– Tao nghe nói họ bỏ mình lên đây để nhử Việt cộng.
Như cột dê bắt cọp đó.
Tôi ậm ừ, giả vờ ngủ gật. Bền bỏ lại chỗ cũ.
Tình trạng chiên đấu đẫm máu giống vậy kéo dằng dai
hai ngày hai đêm. Chúng tôi vừa chợp mắt là đạn pháo kích lại dồn dập đánh thức
dậy. Khi nào có trực thăng hay phản lực, B52, chúng tôi mới có thể tạm dừng bắn
nghỉ ngơi chút ít để hút điếu thuốc thoa chút dầu nhai nắm cơm.
Sang tuần thứ ba có lệnh Đại Bàng cho rút quân sang
cứ điểm bên cạnh. Sĩ quan đại đội trưởng họp trên bộ chỉ huy tiểu đoàn. Binh sĩ
trông ngóng tin tức, lo âu về phương tiện di chuyển. Trung úy Hân về cho biết
đại đội phải chận hậu cho các đại đội khác lui binh.
Đại đội một xuống đồi trước, thận trọng mở đường.
Hai đại đội còn lại chia nhau khiêng poncho xác, băng ca thương binh nặng, cõng
hoặc dìu các thương binh nhẹ. Ba lô quần áo và đồ đạc cồng kềnh bị quăng cả
lại. Hầu hết anh em không nói gì, nhưng nhìn theo ngậm ngùi, băn khoăn. Cứ điểm
mới cách đồi chỉ 3 cây số đường chim bay. Khi ba đại đội trước rút binh an toàn
, phản lực và trực thăng võ trang sẽ yểm trợ, cho chúng tôi rút tiếp.
Tình trạng đại đội chúng tôi về sau quí vị đã xem
báo và nghe đài phát thanh tường thuật nhiều lần. Đại khái là áp lực địch mạnh
hơn, thời tiết lại xấu khiến không quân khó yểm trợ hữu hiệu. Do đó, chúng tôi
không thể rút kịp theo tiểu đoàn như dự tính. Chúng tôi bị vây chặt, trong khi
vòng phòng thủ không kiên cố như lúc đầu.
Đạn đủ loại của địch tiếp tục nổ trên đầu chúng
tôi. Để ngăn chặn các đợt tấn công của địch, chúng tôi chỉ còn một bãi mìn mỏng
và vũ khí cá nhân, đại liên. May mắn trong hai ngày kế tiếp B52 hoạt động mạnh
và Cobra xạ kích hữu hiệu. Tuy vậy không lực chỉ có thể ngăn phủ đầu các toan
tính xung phong tràn ngập đỉnh đồi, không thể làm tắt các họng pháo. Địch theo
dõi chúng tôi bằng viễn kính. Bất cứ lúc nào chúng tôi nhô người lên khỏi giao
thông hào là ít nhất có hai loạt đạn nhắm tới. Chúng tôi chỉ còn hy vọng ở trực
thăng. Thương binh được băng bó sơ sài, nằm rên la lăn lộn trên đất vì băng ca
đã đem đi hết. bạn tôi bị tươm cả đùi, cắn răng chịu đựng trong khi nước mắt
sống chảy ròng ròng. Một vài người bạn bị lòi ruột băng không kỹ, ruột phồng
căng khi thở. Hầu hết chúng tôi đều thất thần vì nhọc và mất ngủ, đó là chưa kể
sự căng thẳng do tiếng la hét của các bạn bị thương.
Trung úy Hân lâu lâu dùng vô tuyến xin trực thăng
tải thương. Sáng thứ ba hai chiếc bay đến sà vội vã, vừa đáp xuống một chiếc bị
bắn cháy, một chiếc bốc đứng vụt lên. Lửa tỏa trên bãi đáp, hai phi công chạy
nhanh vào giao thông hào, một xạ thủ bị kẹt trong phi cơ, một xạ thủ bị thương
nằm trân giữa bãi. Chúng tôi biết hai hoa tiêu là Đại úy Hường và Trung úy
Luyến. Đại úy hăng hái nói chuyện với trung úy Hân, rồi giật ống liên hợp gọi
tới tấp. Cuối cùng ông ta bỏ mạnh ống xuống, ngồi thừ nhìn mông lung.
Chiều thứ ba hai chiếc Cobra và ba chiếc F4 đến
oanh kích tàn nhẫn vùng quanh đồi. Một trực thăng tải thương nhân cơ hội từ
trên cao chúi xuống đáp an toàn trên bãi. Có lẽ trực thăng đã báo trước cho
trung úy Hân nên từ giao thông hào bên phải hai lính dù khiêng một thương binh
chạy nhanh ra. Hai lính khác vừa khiêng một thương binh nữa ló ra khỏi hầm thì
hàng tràng đạn pháo kích rơi dày trên bãi. Khói mù tỏa che lấp mấy người lính.
Trực thăng vụt lên cao. Chúng tôi lo cho số phận họ may không ai việc gì chỉ
trầy trụa sơ sài vì lăn trên sỏi cát. Trực thăng bay luôn không trở lại.
Tối thứ ba, chúng tôi nghe thấy lẫn trong tiếng
súng lẻ tẻ có một thứ âm thanh khác lạ. Không hẳn là tiếng máy phi cơ. Cũng
không hẳn là tiếng xe Molotova vận tải. Không ai nhận ra tiếng gì. Sáng hôm sau
vừa tinh sương, trung úy Hân tập họp cho toàn thể anh em biết hai điều : một là
có thể hôm nay địch tấn công đồi, hai là Đại Bàng cho biết không lực sẽ can
thiệp mạnh để trực thăng có thể đáp xuống di chuyển hết thương binh, hoặc nếu
được, toàn thể đại đội về.
Mọi người có vẻ mừng, hăng hái đi lo chuẩn bị chiến
đấu. Đạn chất cao quanh hai cây đại liên. Trong các hào sâu bên trong, chỉ còn
vài tiếng rên nhỏ, những thương binh nặng đều mê man không la hét nữa.
Cả hai điều trung úy báo trước đều đúng. Khoảng tám
giờ, xe tăng địch rầm rập xuất hiện, quay súng lên chúng tôi. Rồi cứ lừ lừ tiến
lên. Chúng tôi dùng súng chống chiến xa thụt xuống, nhiều quả trúng đích, nhưng
xe tăng vẫn tiến. Địch tự thị núp sau xe xông lên đồi. Vừa lúc đó phản lực cơ,
và trực thăng ào ạt bay đến, lồng lộn dữ dội. Tôi cảm phục tài ba các phi công
F4. Napalm đốt cháy số lớn xe tăng địch và thả bom chận đứng các đợt sóng người
núp sau xe.
Địch có lẽ đã núng, rút bớt vào thung lũng xanh
đen. Áp lực pháo cũng dịu bớt. Tin vô tuyến báo cho biết sẽ có một trực thăng
đáp xuống đồi. Đôi mắt mọi người rạng rỡ. Trung úy Hân ra lệnh cho toán tải
thương sẵn sàng, bắt mọi người xuống hết dưới công sự để ngừa pháo kích lúc
trực thăng đến. Phản lực vẫn nhào lộn trên khoảng rừng ngã đen thẫm, bom nổ
chát chúa và khói vươn lên trùng trùng lớp lớp.
Chiếc phi cơ tải thương hạ thẳng xuống, máy quạt
sàn sạt bốc bụi, một phi công chạy nhanh vào hào chúng tôi gọi to :
– Hường đâu ? Tao đến vớt mầy về. Còn chỗ cho vài
thương binh.
Trung úy Hân chạy ra, kéo phi công vào hào trong. Hai
người có vẻ tranh luận gay go, tay chân múa may. Một lúc sau trung úy ra lệnh
bốn đứa chúng tôi khiêng thương binh ra bãi đáp, theo thứ tự ưu tiên xếp sẵn.
Viên phi công mặt mày có vẻ bất mãn, đứng nói chuyện với phi hành đoàn trực
thăng rơi hôm trước. Khi toán tải thương chúng tôi chuyển được đến người thứ
chín thì pháo địch lại rơi dày trên bãi. Chúng tôi lăn mình núp dưới thân trực
thăng, quên rằng đây là mục tiêu ngon lành của địch. Lúc ấy tôi không chú ý sự
việc chung quanh diễn tiến ra sao. Tôi không hiểu viên phi công chạy ra lúc
nào, và ba người bạn làm gì. Riêng tôi, đột nhiên tôi da diết nhớ vợ nhớ con.
Tôi thèm được xa hẳn cái chốn hiểm nguy này, thèm được ôm Lan thật chặt, thèm
nựng đôi má thơm của bé Cải. Khi trực thăng bốc lên tôi ôm đại cái càng. Hai
người kia cũng làm vậy, một người khác chới với giữa bãi khói. Trực thăng lên
vút khiến lưng tôi bị kéo mạnh về phía trước. Tôi gắng lấy hết sức ôm chặt. Vừa
qua khỏi địa phận đồi, trực thăng bỗng nhiên nghiêng trái, quặt phải, nghếch
lên, chúc xuống. Mỗi lần như vậy, sức giằng rứt tôi ra khỏi thân phi cơ. Gió
lạnh cóng, hai tay và chân tê cứng. Tôi hãi hùng nghĩ đến cảnh rơi từ đám mây
nầy…
Trực thăng quật mạnh sang trái, một người rú lên
rồi rơi mất. Tôi chỉ nghe tiếng rú một thoáng, rồi gió tạt đi, đứt đoạn. Trực
thăng rướn mạnh lên cao, một tiếng rú khác.
Lúc về đến bãi đáp hậu cứ, tôi không tin mình còn
sống. Tôi đã gục đầu, ngồi ngay bên trực thăng và khóc nức nở…
2. LỜI KHAI CỦA TRUNG ÚY THỤC
Vâng, nếu quí vị giở lại quân bạ của tôi, trung úy
phi công Lê Trịnh Thục quí vị sẽ thấy Hường là người bạn thân nhất của tôi.
Trong khoảng hồ sơ đòi mỗi tân binh ghi rõ ba người bạn biết mình nhiều nhất,
tôi đã ghi tên Nguyễn Hường lên hàng đầu. Không cần suy nghĩ. Hai người kia chỉ
cốt lấp hai khoảng trống.
Chúng tôi cùng học chung với nhau từ thủa còn mài
đũng quần trên băng trường trung học Chu văn An. Quê tôi ở Qui Nhơn, còn Hường
người Bắc. Tôi chuyển từ trường Võ Tánh vào, dân ngụ. Còn Hường học Chu văn An
từ mấy năm trước. Tính Hường lém lỉnh, hoạt bát, hơi xạo một chút, giống y mẫu
người Bắc theo thành kiến dân Trung chúng tôi thường phác họa. Hường lại là dân
cựu, nên biết hết các ngõ ngách tập tục của trường. Riêng tôi, đây là lần đầu
bước chân vào thủ đô hoa lệ, hòn ngọc viễn đông. Lúc mới xách cái va li kẽm
bước xuống nhà ga Sài Gòn, tôi bắt chóng mặt vì cảnh xe cộ ngược xuôi tấp nập
và tiếng ồn ào. Tôi cảm thấy bơ vơ hơn, không biết phải ngủ đâu đêm nay. Ba tôi
cho địa chỉ chú tám Bình, ở miệt Phú Nhuận. Tôi kêu taxi, họ từ chối không đi xa.
Chịu đựng những lời hỗn láo thô tục của bác cyclo máy mãi cả giờ đồng hồ, tôi
mới tìm ra địa chỉ nằm sâu trong hẽm ngoắt ngoéo, để người chủ nhà mở cửa cho
biết chú Tám đã dọn đi nơi khác từ lâu. Chắc bấy giờ hình dáng tôi thảm não
lắm, nên bác cyclo đổi thái độ, nổi từ tâm, rủ tôi về ở tạm đằng nhà ở bến Vân
Đồn.
Bác tên Chín Đen, nhà cất trên vũng lầy ven sông
dưới hãng thuốc lá. Khi nước rút, rác rưới bùn lầy tỏa mùi hôi thối, khiến tôi
muốn ngạt thở. Lúc nước lên, không khí mát mẻ trong sạch hơn. Tôi điều đình với
bác Chín gái, xin kê cái ghế bố ngủ ở chái ngoài mé sông, móc ngược cái xe đạp
lên mái lá, kê sách lên giường ngồi bệt trên sàn gỗ để học, bác ăn gì tui ăn
nấy. Giá tiền mỗi tháng là bảy trăm đồng.
Bác gái bằng lòng. Ngay hôm đầu, bác Chín hỏi :
– Biết nhậu không cháu ?
Tôi lắc đầu. Bác chê :
– Dở ẹt. Thời buổi nầy, trai vô tửu như kỳ vô
phong.
Rồi kê tai tôi dặn nhỏ :
– Cháu ở nhà coi giùm, con mẽ có đi đánh bạc về mét
bác.
Đến Chu văn An tôi cũng gặp những may mắn tương tự.
Ngày đầu đến trường, tôi ngơ ngác không hiểu văn phòng nhận đơn chuyển trường ở
đâu. Thấy một học sinh có vẻ khả ái tươi cười, đứng hút thuốc, nói chuyện huyên
thiên với một đám ba bốn người bạn tôi rụt rè đến hỏi :
– Thưa anh, làm ơn chỉ giùm văn phòng nhận đơn ở
chỗ nào ?
Cả bọn ngưng nói chuyện, chăm chăm nhìn tôi. Có lẽ
bấy giờ tôi có vẻ quê mùa lắm. Người học sinh tôi vừa hỏi đứng ngay ngắn,
nghiêm nghị vòng tay lễ phép :
– Thưa em, văn phòng ở lầu hai, ngay phòng đầu tiên
bên trái đấy ạ.
Cả bọn ma cũ cười khả ố. Thấy vẻ bất mãn của tôi,
Hường đâm ra hối, ân cần dẫn tôi lên văn phòng, đem giấy tờ vào đưa thẳng cho
thầy giám học quen, và trong vòng mười lăm phút trở ra cho tôi biết hai đứa sẽ
học đệ nhất B sáu, thời khóa biểu thế nầy thế nầy…
Chúng tôi ngồi ở cuối lớp, thuộc xóm nhà lá. Lý do
: Hường hay nghịch sợ ngồi đầu bàn giáo sư dễ để ý, còn tôi mang đầy mặc cảm
dân ngụ. Có lẽ còn một lý do khác nữa, lý do kỹ thuật : tôi dốt toán nhưng khá
sinh ngữ triết lý, còn Hường dốt sinh ngữ lười nhai triết nhưng lại cừ khôi về
toán. Đó là chưa kể thứ tình bạn bè càng ngày càng gắn chặt cuộc đời hai đứa.
Cuối năm ấy, cả hai đều thi hỏng khóa đầu, tôi vì làm không ra bài toán và
Hường vì đã nguệch ngoạc những dòng triết lý bí hiểm đến độ giám khảo cho rằng
thí sinh cố ý hỗn xược phỉ báng thứ khoa học của tất cả mọi loại khoa học. Tôi
qua nhà Hường học suốt mấy tháng hè, khóa hai cả hai đứa đều đậu bình thứ. Đậu
xong, các trường cao đẳng chuyên nghiệp đều đã thi tuyển, nên chúng tôi không
biết làm gì hơn là vác hồ sơ ghi danh MPC. Bất cứ ở đâu, Hường luôn luôn đóng
vai trò anh cả : chen chúc cả buổi để xin đơn ở khoa học, lấn đến đứt hết nút
áo mồ hôi mồ kê để nộp lệ phí trên viện, đi sớm thật sớm để giành chỗ ngồi
trong giảng đường. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy bơ vơ, như bị đánh lừa, khi
bước chân vào Đại học. Tôi vốn không khá toán lắm, lên Đại học lại càng vất vả.
Hường dốt sinh ngữ, đọc mãi một tờ “cua” tiếng Pháp chỉ hiểu lờ mờ, huống hồ là
nghe một giảng sư người Việt giảng tiếng Pháp cho sinh viên Việt. Cuối năm,
chúng tôi không cần đi coi bảng cũng biết kết quả.
Năm sau tôi chạy qua Dự bị Văn khoa còn Hường sợ
sinh ngữ trôi giạt về trường Luật. Tuy vậy chúng tôi vẫn thường gặp nhau, nhiều
hôm bỏ học la cà trên phố, lang thang suốt ngày không biết làm gì, hút liên
miên hết điếu thuốc này sang điếu khác. Đó là thời kỳ Hường đổi tính, hết cả
hăm hở và hoạt bát. Hường đâm mê thi ca, triết lý, ông ổng ngâm mãi mấy câu của
Nguyễn Trãi :
…Đã buồn vì ngọn mưa rào.
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông.
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng.
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông.
Hoa trôi nước chảy xuôi dòng.
Chiếc thuyền hờ hững trên sông một mình.
Cuối niên khóa, Hường lại hỏng Luật I, còn tôi tuy
đậu dự bị nhưng quá thất vọng về mọi thứ văn chương trường ốc. Do đó, chúng tôi
mới rủ nhau vào không quân.
Mất đi một thiên thần hộ mệnh, tôi vất vả nhiều
trong binh nghiệp, chuyên ở những chỗ xấu và bị cấp trên trù. Hường lên đại úy,
tôi vẫn trung úy. Hường khá bằng lòng với đời sống nhà binh. Hường viết thư cho
tôi :
– Mày biết không. Tao vừa khám phá ra một thứ triết
lý. Trên đời, chỉ có hai loại người thực sự hạnh phúc : tu sĩ và quân nhân. Cứ
cuối đầu tuân theo thánh ý và lệnh thượng cấp, không thắc mắc băn khoăn gì hết.
Cuộc sống trở nên đơn giản trong sáng. Mày nên noi gương tao.
Có lẽ, Hường đã tìm ra chân lý thật. Trong các bức
thư gửi tôi, giọng Hường yêu đời. Hường tha thiết yêu một thiếu nữ miền Nam, và
dành cả một bức thư dài tám trang để tả cho tôi thấy hết vẻ đẹp đôi môi giai
nhân khi nói : Ngộ quá héng.
Tôi mong được như Hường. Nhưng không thể!
Cuộc chiến ngoắc ngoéo xếp đặt cho tôi gặp lại
Hường trong cuộc hành quân nầy. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, cảm động quá không
biết nên nói gì. Hường yêu đời nên trẻ hẳn, từ cử chỉ lời nói y phục đều ngay
ngắn thứ tự, cái thứ tự của người có vợ. Tôi bị chê già trước tuổi. Chúng tôi ở
chung với nhau một phòng trong căn cứ, và cố xếp đặt để bay chung trong một phi
đội.
Khung cảnh ở đây làm chúng tôi khó chịu. Thiếu hẳn
màu xanh, mà dư nỗi trống trải đìu hiu. Sự rộn rịp chát chúa. Bãi đáp luôn luôn
ngùn ngụt cát bụi, hơi không khí nóng bỏng, khét lẹt. Trực thăng lểu nghểu trên
khắp bãi đáp. Phi công Mỹ có vẻ uể oải, chưa có kinh nghiệm nhiều trên chiến
trường nầy. Cả chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã quen với những cánh đồng bát
ngát chằng chịt mương rạch, từ trên cao có thể nhìn thấu được suốt hai ba tỉnh
kế cận. Chúng tôi đã thuộc lòng từng con sông nước đục, từng nhánh lạch nhỏ
cong queo như những cộng rêu héo trên thảm xanh non, từng cụm cây mọc là trên
mặt nước thường là ổ ngụy trang của các khẩu 37 ly, từng khoảng cỏ cao lá lã
quị xuống run rẩy mỗi lần đổ quân.
Ở chiến trường nầy, mọi sự hoàn toàn đổi khác. Núi
lúc nào cũng muốn vươn lên ôm lấy hai càng, và vực sâu luôn luôn chờ đợi. Từ
buồn lái nhìn xuống, một bên là những thung lũng xanh già mây giăng ngút ngàn
chỉ hé lộ những đáy sâu thăm thẳm, quay nhìn bên kia sườn núi án ngữ ngay trước
mặt, sừng sững vòi vọi, rõ ràng từng cành cây khóm lá. Trực thăng phải bay
nghiêng nghiêng trườn lên cao cao mãi, và tầm mắt không thể nào trải dài trên
một khoảng rộng bao la, đàng giới hạn giữa hai đỉnh núi.
Chúng tôi phải kiên nhẫn len lỏi theo các sườn núi
quanh co, cố gắng cua qua quẹo lại lượn lờ ven khoảng mây để khỏi va vào đỉnh
cao hay rơi xuống vực sâu. Lúc chiến trường chưa sôi động, tôi và Hường cứ đều
đều chuyển quân và vũ khí như vậy từ hậu cứ đến các cứ điểm trấn thủ, từ bảy
giờ sáng cho đến chiều tối.
Nhưng càng ngày hỏa lực địch càng mạnh, các phi vụ
trở nên khó khăn. Chúng tôi vừa xuất hiện là đạn địch bắn lên như mưa : 37 ly,
50 ly, 23 ly. Bay cao trở thành nguy hiểm, nên chúng tôi áp dụng chiến thuật
bay thật thấp ngay trên ngọn cây rừng, lướt sát theo các dốc núi. Thà để thân
tàu lỗ chỗ dấu đạn AK còn hơn giơ bụng nhận đạn 37 ly. Với lối bay giỡn mặt với
vũ trụ đó, nếu không lanh tay lẹ mắt như một nhà ảo thuật, chúng tôi đã tự đè
bẹp thân xác vào vách đá núi. Vừa vụt qua một khóm kiến lửa nguy hiểm, chúng
tôi chúi đầu vào một khoảng mây mù. Chưa kịp định kiến, sườn núi đen đã lù lù
trước mặt…
Tuy thế, khó nhất là lúc đáp xuống. Pháo địch đã
điều chỉnh sẵn tọa độ bãi đáp. Vừa hạ xuống, đạn địch chụp lên tơi bời.
Trung úy Hiển ở phòng bên cạnh tản thương, vừa đáp
xuống, khiêng được một thương binh lên thì địch pháo kích dữ dội. Phải bay
nhanh lên nhờ Gunship làm im súng địch rồi mới hạ trở lại. Chờ mãi không được,
Hiển chỉ chở được một binh dù cụt chân về đây. Tôi dài dòng nói đến những khó
khăn của không quân, để quí ông thấy chúng tôi cần những phi công kinh nghiệm
biết chừng nào.
Bây giờ xin nói đến điểm các ông muốn hỏi.
Hôm ấy là thứ ba. Tôi và Hường có phận sự đến đồi
17 tải thương. Chúng tôi bàn định cách bay. Từ hậu cứ đến đó, phải bay sát trên
ngọn cây để tránh các ổ phòng không đặt trên các đỉnh núi. Nhưng đến cứ điểm
17, làm thế nào xuống được an toàn và bay an toàn? Hường đề nghị đáp theo lối
cũ. Chúng tôi đồng ý với nhau qua vô tuyến, rồi liên lạc với Cobra xin oanh
kích thật gắt để tụi nó lo núp không pháo kích lúc hạ cánh lúc hạ cánh. Chúng
tôi kéo cho trực thăng vút lên cao, rồi Hường cho nhào thẳng xuống trước. Pháo
địch từ trước đến giờ im tiếng, tự nhiên nổ ran. Tôi thấy trực thăng của Hường
có vẻ lắc lư chòng chành. Hường họi tôi :
– Tao bị rồi. gãy đuôi.
Trực thăng của Hường bốc cháy khi rơi trên bãi.
Bóng Hường và Luyến chạy vụt bên dưới, tiến tới phía mấy mô đất đỏ. Lửa dưới
trực thăng bỗng chớp sáng bùng lớn lên, khói đen bốc dần lên gần. Không còn cách
nào nữa. Tôi gọi phi cơ trinh sát :
– Sao tụi nó bắn dữ quá vậy? Tôi xuống được không?
OV 10 bảo thời tiết xấu, Mỹ chỉ yểm trợ ít phi cơ
võ trang, không đủ làm nghẹn hết mọi họng pháo. Hôm đó, tôi đành quay về. Vậy
là Hường kẹt lại đồi 17.
Chiều hôm ấy về phòng, quân bưu có mang đến hai lá
thư của vợ Hường. Tôi sợ căn phòng trống trải, bỏ ra phố. Tôi gọi rượu nốc hết
hết ly này đến ly khác. Hình như tôi có đập lộn với mấy thằng Mỹ đòi độc quyền
gái. Hình như tôi bị quân cảnh xúc đem về đồn. Tôi nói hình như vì sáng hôm sau
thấy mình vẫn còn trong trại, soi gương chỉ thấy vài vết bầm trên mặt. Hai lá
thư của vợ Hường làm tôi nôn nao. Tôi chạy ra bộ chỉ huy, tình nguyện trở lại
đồi 17. Lời tôi yêu cầu phù hợp với kế hoạch tải thương tiếp vận ngày thứ tư, sẽ
có hai chiếc đáp xuống đồi 17. Tôi một chiếc. Trung úy Lạng một chiếc. Đại úy
Tín đi với OV 10 của Mỹ hướng dẫn Coibra và phản lực oanh kích. Hôm ấy thời
tiết tốt, không lực Mỹ yểm trợ tối đa. Phản lực sẽ xới nát vùng thung lũng
chung quanh, vãi đạn tàn nhẫn để xạ thủ địch không có thì giờ câu pháo vào bãi
đáp. Trong lúc ấy, tôi và Lạng sẽ hạ xuống đem thương binh và Hường Luyến về.
Lúc ra đi Trung tá dặn :
– Cậu rán đem tụi nó về, cử cậu đi vụ nầy là phải
nhất. Đừng để cho chim kẹt dí dưới đất.
Gần đến 17, Lạng bị bắn rát, máy trục trặc phải lết
rán đến đồi 19. Chỉ còn có tôi đến 17.
Như lần trước, tôi kéo trực thăng vút lên cao, rồi
tắt hết tay ga cho phi cơ rơi như chiếc lá, đến gần sát mặt đất mới điều khiển
cho phi cơ vào bãi đáp. F4 nhào lộn chung quanh. Thấy đáp được dễ dàng, lại
không bị pháo kích, tôi ngạc nhiên. Tín vừa báo cho biết nên cẩn thận, địch vừa
dùng xe tăng cảm tử xung phong lên đồi nửa giờ trước. Thực vậy, vì bận lo đáp
tôi chỉ thấy những cột khói nghi ngút dưới thung lũng, quên suy luận xem có gì
vừa xảy ra.
Mặc kệ, tôi để cho trực thăng sẵn sàng, nhảy xuống
sân chạy vào giao thông hào. Tôi hớt hải gọi Hường. Tên chỉ huy dù chạy lại kéo
vào hào trung ương. Vừa lúc ấy Hường và Luyến cũng đến. Hường mừng :
– Mày đến được thật tài. Tụi tao về chuyến này chứ
?
– Ừ, còn chỗ tải thương. Vợ mày mới gửi thư ra.
– Trời, sao không mang cho tao?
– Chiều về đọc. Rõ lẩm cẩm. Nhanh lên.
Bấy giờ viên trung úy dù mới nói, giọng lạnh như
dao chém :
– Các ông ở lại đây. Phải dành ưu tiên cho thương
binh.
Tôi cãi lại :
– Lệnh của không đoàn là cho các hoa tiêu về. Sau
mới đến thương binh.
– Tôi chỉ huy ở đây. Chính tôi mới có quyền quyết
định. Các ông mạnh khỏe. Phải nhường chỗ cho những người cần cấp cứu. Họ sắp
chết nếu không được giải phẫu, tiếp huyết.
Hường và Luyến không nói. Tôi bảo :
– Chính vì cần tản thương gấp nên phải cho hoa tiêu
về trước. Chúng tôi cần những hoa tiêu giỏi để tránh được hỏa lực địch._
Viên chỉ huy dằn giọng :
– Không có thời giờ cãi vã nữa. Địch vừa định xung
phong lên đây. Các ông còn có thể cầm súng chiến đấu. Các ông không thể bỏ về.
Anh em dù sẽ bảo là các ông trốn.
Bây giờ Hường mới nói :
– Thôi, chờ chuyến sau đi Thục. Trung úy cho toán
tải thương làm việc nhanh nhanh lên. Mai mốt nhớ mang thư cho tao.
Tôi lớ ngớ không biết phải làm thế nào. Toán tải
thương đã khiêng thương binh ra gần đủ. Tôi chạy ra sân không nhìn lại phía
sau. Bấy giờ súng địch tự nhiên nổ ran. Có quả đạn rơi ngay phía trước buồng
lái. Không chần chờ gì nữa, tôi leo lên cho ngay trực thăng bốc thẳng khỏi vòng
nguy hiểm. Tôi không còn đủ bình tĩnh nhìn về phía giao thông hào, cũng không
đủ bình tĩnh để ghi nhận sự kiện lạ : Tự nhiên F4 bỏ đi hết để địch có thể pháo
kích bãi đáp trở lại.
Trong trường hợp nguy hiểm như bấy giờ, tất cả mọi
phi công đều áp dụng một lối bay độc nhất : tránh theo một phi đạo nhất định.
Tôi cho trực thăng vừa bay thẳng tới trước, vừa nghếch đầu chếch lên không, vừa
quặt mạnh về phía trái. Cho nên trực thăng phải chòng chành.
Nhờ ơn trời, tôi đã mang được chín thương binh về
hậu cứ bình yên. Xin lỗi, mười chứ không phải chín, vì khi đáp xuống, tôi mới
biết có người đeo cứng dưới hai càng.
3. LỜI KHAI CỦA ĐẠI ÚY TÍN
Tôi hoàn toàn không biết gì về trung úy Thục, ngoài
phi vụ yểm trợ tản thương hôm ấy. Cho nên tôi chỉ khai những việc xảy ra từ
sáng thứ tư mà thôi.
Tôi được lệnh trình diện gấp tại phòng thuyết trình
hành quân. Lúc tôi vào, hầu như tất cả những người cần thiết đều đủ mặt. Tôi
ngồi bên cạnh trung úy Thục. Dáng người cao lớn, vạm vỡ, nước da nâu, tóc cắt
kiểu bàn chải. Đôi mắt của trung úy làm tôi chú ý nhất. Sâu, sáng, buồn,cái vẻ
khổ não u uất như thường xuyên hiện ra ở đó.
Đôi mắt đặc biệt nầy làm tôi có cảm tình ngay với
ông từ lúc đầu. Chúng chứng tỏ sự xúc động vô cùng của ông trước hình ảnh chiến
cuộc diễn đều hằng ngày trên bãi đáp. Chúng tôi vẫn thường gọi đó là hai chuyến
khứ hồi : chuyến khứ mang anh em từ Nam ra : mạnh khỏe, hăng hái, tươi cười,
băng năng bô hô như gà mắc đẻ; chuyến hồi mang anh em từ phương Tây về : hốc
hác mệt mỏi, dãy dụa rên la trên băng ca hay nằm yên trong poncho.
Tôi càng cảm phục trung úy Thục hơn khi biết ông tự
nguyện xung phong thi hành phi xuất nầy. Chúng tôi ở hậu cứ, được đọc nhiều
nhật báo tuần báo tiếng Việt, tiếng Mỹ, nên biết tình hình hiện không thuận lợi
mấy. Đồi 17 đang bị nặng, đại đội tử thủ đang kêu cứu và chưa biết sẽ bị tràn
ngập lúc nào. Đồi 19 đang bị đe dọa. Thời tiết lại xấu. Phi công Mỹ có vẻ e
ngại thi hành những phi vụ quá sức hiểm nghèo, nhất là sau lúc họ vẽ nguệch
ngoạc khẩu hiệu “Peace now. Make love nót war” trên hông trực thăng.
Kế hoạch hành quân khá tỉ mỉ, chắc chắn thành công.
Tôi ngồi OV 10 của Mỹ để hướng dẫn F4 và phi cơ trực thăng võ trang oanh kích.
Nếu cần, có thể gọi pháo binh yểm trợ. Mục tiêu hành quân là ngăn chận cuộc tấn
công chiếm đồi 17 của địch, cứu thoát phi hành đoàn bị kẹt hôm trước và tải
thương. Qua một vài câu ngắn tôi biết một đại úy bị kẹt trên đồi 17 là bạn thân
của Thục. Tôi cảm phục ông hơn.
Chiếc OV 10 lượn qua chao lại như con diều trên
không phần đồi 17. Tôi ghi nhận các mục tiêu có thể ẩn dấu xe tăng và trọng
pháo địch, quan sát mọi phương để dự đoán hướng tấn công. Mạn đông nguy hiểm
nhất vì dốc thoai thoải. Sâu phía dưới cây cối um tùm, lại thêm mấy quả đồi rậm
nhìn thằng vào bãi đáp. Tôi gọi F4 thả bom các chỗ khả nghi. Lúc 8 giờ, địch
dưới đất bắt đầu tấn công. Các chiếc PT 76 lừ đừ bò khỏi rừng rậm leo lên sườn
đồi. Hoa tiêu Mỹ chúi đầu bắn một hỏa tiển khói ngay bên cạnh chiếc xe tăng. F4
nhào xuống, napalm trúng ngay mục tiêu. Khói lửa tỏa mù bên dưới. Địch chạy túa
ra chung quanh, giạt xuống chân đồi. Mấy chiếc F4 khác dùng bom bươm bướm thả
phủ xuống đàn kiến di động tơi tả, hoặc cày nát đỉnh đồi thấp và khoảng thung
lũng rậm.
Hỏa lực ào ạt khủng khiếp ấy làm địch im tiếng
súng. Bấy giờ trực thăng trung úy Thục cũng vừa đến. Tôi gọi cho Thục :
– Cậu coi chừng. Tụi nó vừa tấn công xong. Pháo của
địch còn mạnh lắm.
Thục cảm ơn, hỏi ý kiến về an ninh bãi đáp. Tôi bảo
:
– Các ổ pháo trên hai ngọn đồi thấp vừa im tiếng.
Không biết đã thực sự nghẹn chưa. Tốt hơn hết, cậu đáp theo kiểu lá vàng rơi.
Thực đồng ý, bắt đầu cho chúi xuống. Tôi điều khiển
các chiếc F4 và Cobra bắn rát hơn vào phía thung lũng và hai đỉnh đồi đối diện.
Thục đáp an toàn. Không thấy có pháo địch, chỉ còn những tiếng bom nổ dòn và
các đụn khói dâng cao đây đó trên thảm xanh đậm của rừng.
Bỗng trên tầng số cấp cứu có tiếng một phi công Hoa
Kỳ :
– Tôi bị rồi. Phi cơ sắp cháy. Tôi nhảy dù đây.
Nhìn sang phía phải, một chiếc F4 bốc khói đằng
đuôi, và hai chiếc dù trắng đỏ vừa nở. Tôi gọi cho mấy chiếc F4 :
– Coi chừng hai đỉnh đồi, có thể pháo địch chưa im
hẳn đâu. Làm ơn oanh kích rát hơn nữa.
Nhưng lần lượt tất cả mấy chiếc phản lực bay về
phía hai cái dù. Hốt hoảng, tôi nói với viên hoa tiêu OV 10 :
– Thôi, để tụi F4 lo. Mầy với tao ở lại điều khiển
Cobra.
Chiếc OV 10 bỗng nâng hẳn lên nghiêng mình bay theo
mấy chiếc F4. Tôi nói với viên hoa tiêu :
– Làm ơn quay lại đi. Địch có thể tấn công trở lại.
Làm ơn chút.
Tôi ràn rụa nước mắt. Nhìn ngoái lại đằng sau, pháo
địch bắt đầu nổ trắng trong khi trực thăng của Thục nghiêng ngã chòng chành
lánh xa. Đúng như các ông hỏi, dưới bụng trực thăng có mấy người ôm cứng hai
càng.
Chúng tôi về căn cứ khoảng bốn giờ. Thục đã về
trước đó ít lâu. Anh em trong căn cứ bàn tán xôn xao về những tiếng kêu cứu vô
vọng cuối cùng của đồi 17, về cái chết chắc chắn của Hường trên ngọn đồi bị
tràn ngập, về giọng nức nở của người lính ôm càng trực thăng về được đến đây.
Tại câu lạc bộ, tôi gặp Thục đang ôm đầu ủ rũ, mắt đỏ sưng.
Thục nói bâng quơ :
– Không biết nó chết hay nó bị bắt.
Tôi im lặng, hiểu rõ Thục đang nói đến ai. Đột
nhiên Thục hỏi tôi :
– Giá sử anh ở trong trường hợp nầy, anh xử trí ra
sao :
Anh đang lái một chiếc xe đầy nhóc anh em bạn bè.
Xe chạy ngon trớn. Đột nhiên anh thấy trước xe có một thằng bé chạy ra giữa lộ.
Phanh gắt, xe sẽ lật. Lái tránh sang mé đường chín mươi phần trăm chắc chắn là
xe sẽ xuống hố. Anh sẽ làm gì ?
– Cán bừa. Vì không thể tránh được nữa.
Thục nói :
– Tôi ước được như anh. Tôi đã rồ ga cán bừa, nhưng
ngay sau đó, lại hối hận tự hỏi sao không đưa chân dậm thắng. Biết đâu trong
mười phần trăm còn lại, đứa bé sẽ sống.
Hôm sau, Thục len lỏi ngược xuôi hỏi dò tên hai
người lính rơi trực thăng. Thục hỏi kỹ cả gia cảnh họ.
Cả ngày và suốt đêm ấy, Thục
không về trại.Tôi chỉ biết có bấy nhiêu, và viết hết bấy nhiêu.
Nguyễn Mộng GiácBách Khoa số 348, 1-7-1971
(Qui Nhơn, tháng 4-71.)
304Đen – Llttm - OVV
No comments:
Post a Comment