Nước đời lắm nỗi
Mưa
Khi tôi ở Sài Gòn, nhân một đêm nhớ nhà,
chẳng biết làm gì cho vui, thẩn thẩn thơ thơ, dạo chơi trong phố.
Tiết thu lạnh lẽo, lác đác mấy hạt mưa sa,
hiu hắt hơi may, đầy đường lá cây rải rác. Đường sá đêm khuya vắng ngắt, trước
sau không thấy bóng người.
Than ôi ! Cảnh vật tiêu điều, càng khiến cho
tôi trăm phần ngao ngán…
Đi vơ đi vẩn, chẳng biết đi ngả nào, qua hết
phố này lại sang phố khác. Hồi lâu đến trước một nhà, ngó trong đèn lửa sáng
trưng, những người chật ních, mới sực nhớ ra là nơi tiệm hút. Tôi dừng chân
đứng lại thử bước vào xem; rồi đến ngồi bên một người đang nằm tiêm thuốc.
Người ấy trông chừng cũng đã nhiều tuổi, thấy tôi đến gần, vẫn nằm vắt chân
chéo khoeo, kéo một hơi thẳng, không thở tị tí khói nào. Tôi biết ngay va[1] là
tay lão luyện.
Tôi liếc mắt trông người rất là bẩn thỉu.
Móng tay đen sì, nước da xanh ngắt, đầu tóc bù xù, áo quần xốc xếch. Rõ thật
tồi tàn!
Va hút xong, ngẩng mặt nhìn tôi, thủng thỉnh
hỏi:
– Anh vào đây bao giờ?
Tôi ngạc nhiên trông. Va lại nói:
– Anh quên tôi rồi ư?
Tôi ngần ngừ đáp rằng:
– Vâng… Tôi quên, không nhớ là ai đấy.
– Đạo đây mà!
Tôi giật nảy mình. Té ra là anh Lương Duy
Đạo, bạn học cũ với tôi!
Tôi vội vàng nắm chặt lấy tay anh ta:
– Giời ơi! Anh đấy ư? Chết nỗi, thế mà tôi
không nhận ra, xin anh miễn chấp. Vậy chứ anh vào đây từ bao giờ?
– Đã lâu, ngót hai mươi năm nay rồi.
– Anh làm gì ở trong này?
– Chẳng làm gì cả. Chỉ phiện rền thôi.
Tôi chán ngắt.
Anh ta cầm tẩu, tiêm thuốc. Vừa tiêm vừa nói:
– Anh vào đây, làm chi?
– Tôi đi buôn.
– Buôn bán làm quái gì! Không thú.
– Thế thì anh bảo làm gì?
– Chẳng làm gì cả.
– Ô hay! Người ta ở đời cũng phải làm công
việc gì mới được chứ. Có lẽ đâu lại ăn không ngồi rồi ư?
– Anh tính người đời sống được mấy gang tay!
Tội gì vất vả cho khổ cái thân! Tôi đây chẳng thiết làm gì cả.
Anh ta giơ tẩu mời tôi hút. Tôi lấy tay gạt
đi. Anh ta kéo một hơi rồi lại đủng đỉnh nói:
– Thật tôi chẳng thiết làm gì hết. Chỉ cứ thế
này mãi, đến bao giờ già thì chết. Chẳng tiếc gì sốt, chỉ tiếc cái bàn đèn
thôi. Vợ con không có, chẳng lo phiền gì. Ấy thế mà hơn, anh ạ.
Tôi ngắm anh ta, trong lòng ngao ngán quá.
Bèn hỏi:
– Trước kia, anh có thế đâu?
Anh ta nín lặng, không trả lời. Tôi lại nói:
– Có lẽ nào anh lại không làm gì cả, không ưa
thích cái gì hay sao?
Anh ta lắc đầu đáp rằng:
– Tôi ngủ đến trưa thì dậy. Ăn xong, lại đây
hút, đến tối về ăn, rồi lại đây hút, cho đến sáng thì về ngủ. Hơn hai mươi năm
nay, ngày nào cũng thế, đêm nào cũng vậy, mà cũng chẳng thích cái gì cả.
Lại tiêm thuốc, mời tôi. Tôi từ chối. Anh ta
lại hút. Hút xong, ngồi dậy.
Tôi nói:
– Nhưng trước khi chưa vào đây, anh còn đang
ở Hà Nội kia mà?
– Phải, rồi sau tôi lại vào trong này.
– Tại làm sao thế?
– Chẳng tại làm sao cả.
– Không có lẽ… Năm nay anh bao nhiêu tuổi
rồi?
– Ba mươi tám. Nhưng trông người đến ngót năm
mươi, có phải không?
Tôi nhìn kĩ bạn học cũ tôi. Quả nhiên tóc
bạc, trán nhăn, mắt sâu, má hóp, mặt mũi hốc hác như thể ông cụ già. Tôi nói:
– Ừ, trông anh già thật. Chắc anh có điều gì
buồn bực, hẳn! Hay là nỗi riêng còn vướng mối tình chi đây?
Anh ta lắc đầu, cúi gầm mặt xuống, ngồi im,
không đáp lại. Tôi hỏi luôn:
– Anh Đạo ơi, anh có sự gì khổ tâm, xin cứ
nói cho tôi nghe, họa may tôi có khuyên giải được chút nào chăng? Vả lại nói ra
nó cũng nhẹ bớt gánh sầu, anh ạ.
Anh ta nghe tôi nói thiết tha làm vậy, bấy
giờ nét mặt ủ ê; ngồi lặng một lát, rồi ngẩng mặt nhìn tôi, thở dài mà nói:
– Anh ơi, hở môi ra cũng thẹn thùng; nước đời
lắm nỗi lạ lùng khắt khe! Bấy lâu nay tôi vẫn vùi dập mớ lửa sầu ở trong lò
khảm, bây giờ anh lại bới móc nó ra, thật là khổ quá!… Nhưng, anh nói cũng
phải. Nếu gặp được người tri kỉ, thở than nông nỗi, cởi mở ruột gan, thì có lẽ
cũng hả được cơn phiền não. Anh ân cần muốn biết tôi vì đâu nên nỗi nước này.
Vậy, tuy rằng cực trăm phần, tủi nghìn nỗi, song tôi cũng xin kể, để anh nghe.
Tôi gật đầu:
– Xin anh cứ nói. Họa may cái điều đau đớn
của anh có bổ ích cho đời chăng!
Anh Đạo uống một hớp nước, rồi thì nói:
– Năm ấy là năm 189… Tôi hãy còn nhớ rõ như
ngày hôm qua. Bấy giờ cha tôi làm thông phán ở tòa Sứ tỉnh… Quyền thế lẫy lừng,
ai cũng sợ nể. Cha mẹ tôi chỉ sinh được có một mình tôi thôi. Tính cha tôi thì
nóng nảy, dữ tợn và nghiêm khắc lắm. Mẹ tôi người hiền lành, thùy mị, nhưng mà
gan góc, lì lì cả ngày chẳng nói một câu.
Tôi yêu mẹ tôi lắm. Còn cha tôi, thì tôi sợ
hãi một niềm, không mấy khi dám dàn tận mặt.
Năm ấy tôi lên mười bốn tuổi. Đang độ vẻ vang
sung sướng, hớn hở tươi cười như thể cánh hoa non. Tưởng cuộc đời là nhất,
không còn gì vui thú cho bằng…
Cuối tháng Năm gặp kì nghỉ hè, tôi về chơi với
cha mẹ tôi. Bỗng một đêm, xảy ra sự ghê gớm, làm cho tôi suốt đời không lúc nào
quên được. Đêm hôm ấy, trời mưa rầu rĩ, gió thổi hắt hiu, cảnh vật tự hồ như
xui nhau mà làm cho cái bi kịch càng thêm thê thảm. Tôi vừa mới thiu thiu chợp
ngủ, thốt nhiên nghe thấy ở phòng bên cạnh là nơi cha mẹ tôi nằm, có tiếng ầm
ầm như thể hai người cãi nhau. Tôi bèn vùng quăng trở dậy sẽ bước xuống đất,
rón rén lại gần nghe, thì quả nhiên thấy tiếng cha tôi quát tháo rằng:
– Tao đã nói tao cần đến tiền, thì mày phải
đưa mấy cái văn tự ấy cho tao. Nhược bằng mày cứ khăng khăng một mực không đưa,
thì đừng có trách tao là người bội bạc nhé.
Mẹ tôi khảng khái đáp lại rằng:
– Văn tự ấy, có phải của thầy đâu, mà thầy
đòi tôi chứ? Chẳng qua là của riêng cha mẹ tôi để lại cho tôi, thì bây giờ tôi
lại giữ lấy cho thằng con tôi, để về sau nó khỏi liếm lá đầu chợ. Chứ chắc gì
vào thầy nữa bây giờ? Cơ nghiệp thầy đã phá tan nát cả rồi. Nay tôi còn chút
vốn riêng, để về sau mẹ con tôi nuôi nhau, thầy lại toan lột hết đem cho đĩ nốt
hay sao? Khi nào tôi có chịu! Thầy muốn làm gì thì làm. Tùy ý.
Tôi nghe thấy nói làm vậy, tưởng chừng sét
đánh lưng trời. Trong người tôi còn đương bàng hoàng như mê chưa tỉnh, phút
nghe tiếng “huỳnh huỵch” ở phòng bên. Tôi vội vàng mở hé cửa dòm sang, thì thấy
cha tôi một tay bóp cổ mẹ tôi ấn xuống giường, còn một tay thì đấm tát, tối tăm
cả mặt mũi lại.
Đầu tóc mẹ tôi rũ rượi, hai tay mẹ tôi giơ để
đỡ đòn, nhưng mà không lại. Còn cha tôi thì như người điên cuồng, cứ hăm hở bạ
đâu đánh đấy. Mẹ tôi ngã lăn từ trên giường xuống đất, mà không kêu không khóc,
chỉ thấy hai tay bưng lấy mặt nằm im. Cha tôi lật sấp mẹ tôi xuống, rồi thượng
cẳng tay, hạ cẳng chân, đấm đá mẹ tôi vô hồi kì trận, mãi mãi mà vẫn không
thôi.
Anh ơi, anh ơi, tôi trông thấy thế, hốt hoảng
kinh thần, tưởng chừng trời long đất lở. Tôi sợ hãi quá, bèn kêu lên một tiếng
to. Cha tôi ngoảnh lại, trông thấy tôi, liền buông mẹ tôi ra. Còn tôi khiếp đảm
tinh thần, ù té chạy trốn xuống bếp, ngồi cho đến sáng.
Hôm sau mẹ tôi băng huyết, thụ bệnh, trùm
chăn nằm ở trên giường. Khi tôi vào thăm, chỉ ôm đầu tôi mà nức nở khóc, chẳng
nói được câu gì. Còn cha tôi, thì lại cứ như thường, không nói năng gì đến
chuyện đó cả.
Cách mấy ngày thì mẹ tôi chết, nghe đâu như
có mang được hai ba tháng… Rồi sau hết hè tôi lại về trường học…
Thôi, anh ạ, từ đó tôi chán hết cả mọi sự ở
đời. Biết rằng toàn đảo điên điên đảo cả. Tôi đã một lần trông thấy cảnh thảm
dường ấy, thì thôi, tâm thần đổi hết, từ đây không hề ham muốn, ước ao cái gì,
hoặc yêu thương quý báu ai nữa sốt. Lúc nào cũng sực nhớ, tưởng tượng như còn
trông thấy ở trước mặt cái bi kịch: mẹ tôi nằm lăn dưới đất mà cha tôi thì tay
đấm chân đá chẳng thương xót cái người yếu đuối đã đem thân bồ liễu nương gửi ở
dưới bóng cây tùng… Giời đất ơi, cay nghiệt quá!… Mẹ ơi, con thương, con nhớ mẹ
vô cùng!…
Nói đến đó, anh Đạo nước mắt tuôn rơi tầm tã.
Tôi không cầm lòng được cũng khóc sụt sùi.
Rồi anh ta lại nói:
– Mẹ tôi chết được ít lâu, cha tôi lấy người
nhân ngãi là vợ Tây. Nghe đâu như bây giờ vẫn hãy còn sống cả. Từ thuở ấy tôi
không gặp mặt cha tôi nữa mà cũng chẳng rõ tin tức thế nào.
Anh Đạo nói xong, lại nằm tiêm thuốc, hút
luôn mấy mồi. Tôi trông nét mặt thảm sầu, không thể sao tả cho hết được.
Muốn nói vài câu vỗ về nhưng nghẹn ở cổ không
sao nói ra lời được. Tôi bèn đứng dậy, thở dài lắc đầu nhìn anh Đạo mà ngao
ngán trong lòng… Lúc từ giã bạn cũ trở ra ngoài mới than một câu rằng:
– Trời đất ơi! Quả nhiên nước đời lắm nỗi lạ
lùng khắt khe thật.
Rồi về nhà trọ suốt đêm hôm ấy không tài nào
ngủ được.
Phạm Duy Tốn
Tạp chí Nam Phong số 23,
phát hành tháng 5 năm 1919.
No comments:
Post a Comment