Nguyễn Mạnh Côn, đem tâm tình viết lịch sử
Ngày 1 tháng 6 năm 1979,
ngày nhà văn Nguyễn Mạnh Côn tử tiết tại trại tù khổ sai Xuyên Mộc.Ông tuyệt
thực phản đối việc ông bị cầm tù quá lâu. Cai tù trại Xuyên Mộc không cho ông
uống nước và ông chết trong trại tù.
Nói đến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn phải kể đến những
tác phẩm như Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử, Lạc Đường Vào Lịch Sử, Mối Tình Mầu Hoa
Đào,… biểu lộ tâm cảm băn khoăn của một lớp tuổi trẻ thanh niên của những thập
niên 1940, 1950 trong ý hướng muốn đi tìm một con đường chỉ đạo cho công cuộc
giải phóng quê hương tìm độc lập tự do cho dân tộc và đất nước. Có những lựa
chọn ý thức hệ của những trí thức tiểu tư sản, từ Võ Nguyên Giáp đến Hồ Hữu
Tường, từ Vũ Khắc Khoan đến Lê Quang Luật, từ Nghiêm Xuân Hồng đến Nguyễn Mạnh
Côn…
Nhà văn Tuấn Huy đã viết về một người cầm bút đàn
anh của mình: “Khách quan mà nhìn nhận có
một luồng gió mới thổi vào văn học của chúng ta những năm giữa thập niên 1950
trở về sau. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, theo tôi, luôn luôn tên tuổi ông đi sát
với tên tuổi nhà văn Doãn Quốc Sỹ bởi những tác phẩm của hai nhà văn này gần
như trọn vẹn đều có những nhân vật đầy ưu tư trước những thăng trầm đổi thay
của đất nước. Họ là những người luôn luôn quằn quại thao thức vì bị lịch sử dày
vò.
Riêng Nguyễn Mạnh Côn, qua bút hiệu Nguyễn Kiên
Trung đã phơi bày một cách thật ẩn dụ tình cảm và tâm trạng của cả một thế hệ
thanh niên đã bị thất vọng sau cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ những nao nức
hăng say khi cuộc “cách mạng mùa thu” tràn đến rồi sự vỡ mộng ê chề khi thấy rõ
tuổi xuân và xương máu của mình đã bị một nhóm người lừa gạt. Từ “Đem Tâm Tình
Viết Lịch Sử” đến “Lạc Đường Vào Lịch Sử” đến “Hòa Bình…Nghĩ Gì… Làm Gì” nhà
văn Nguyễn Mạnh Côn đã mang hết cả những tâm cảm của ông để kể lể chuyện trò với
chúng ta về những suy tư về những khao khát của một con người. Một con người có
những dằn vặt có những vò xé có những đớn đau có những ước mong có những hy
vọng. Một con người đôi khi tưởng như lạc lõng tưởng như cô đơn tưởng như
nghịch lối tưởng như nghịch dòng. Nhưng là một con người thủy chung đi tới tận
cùng cuộc hành trình về tư tưởng mà chính mình phác họa.
Kể cả những thời điểm mà Sài Gòn đã có nhiều cán bộ
văn hóa Cộng sản xâm nhập, nằm vùng hay ngang nhiên thao túng; kể cả những thời
điểm mà cuộc chiến dằng dai đã khiến mọi người hầu như rã rời thấm mệt thì
Nguyễn Mạnh Côn vẫn hiên ngang đứng ở một chỗ cao, của một vị thế riêng, chống
lại Cộng sản. Và một điều đáng nói khác với những cây bút “chống cộng ồn ào”
khác, Nguyễn Mạnh Côn đã chống Cộng bằng tư tưởng và lý luận, bằng sự trầm tĩnh
và nghiêm trang, bằng sự hòa nhã và đứng đắn, bằng những gì phát xuất ở con tim
và bằng những gì phát khởi từ tấm lòng. Ông là nhà văn mà Cộng Sản coi là thù
nghịch nhưng vẫn phải nể trọng…”
Nguyễn Mạnh Côn đã mang vào văn chương những ý thức
chính trị. Những kinh nghiệm thực của cuộc đời ông được mang ra viết để thành
những cống hiến cho thế hệ đi sau. Ông sinh năm 1920, là thế hệ lớn lên và
trưởng thành trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước. Năm 1930, cuộc
khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng đã bắt đầu cho một thời kỳ khủng bố trắng
của Thực dân Pháp. Lúc đó, cao trào tranh đấu đòi độc lập tự do đang ở tột
đỉnh. Sau đó là thời kỳ suy vi của Đế quốc Pháp. Đức Quốc Xã chiếm chính quốc
Pháp và dựng lên chính phủ bù nhìn thỏa hiệp của thống chế Petain. Ở Đông dương
chính quyền thuộc địa đu dây giữa hai chính phủ một lưu vong và một ở chính
quốc và sau đó bị quân Nhật đảo chánh. Thế giới chiến tranh lần thứ hai vừa
chấm dứt và manh nha trên thế giới một cuộc chiến tranh lạnh tiếp theo. Việt
Nam, khi trước là thuộc địa Pháp sau bị Nhật đảo chính rồi bị chia làm hai vùng
chiếm đóng của quân Anh ở miền Nam và quân Quốc Dân Đảng Trung Hoa ở miền Bắc
vào tước vũ khí của quân đội Nhật. Quân Anh vào miền Nam mang theo quân Pháp
chiếm giữ các thành phố lớn rồi như vết dầu loang bành trướng các vùng chiếm
đóng. Ở miền Bắc, quân Tàu vào và với nhiều đổi chác rút ra để quân Pháp đổ bộ
lên Hải Phòng vào Hà Nội.
Chính phủ liên hiệp gồm Việt Cộng sản và các đảng
phái quốc gia tuy kết hợp với nhau trong mục tiêu chống Pháp nhưng ở bên trong
là những cuộc đảng tranh đẫm máu và khốc liệt. Nguyễn Mạnh Côn là một nhân
chứng, là một đại diện của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội trong quốc hội liên
hiệp đầu tiên. Ông đã có nhiều kinh nghiệm chua chát. Và tạo thành chất liệu
thực tế cho sáng tác.
Viết tác phẩm “1945. Lạc Đường Vào Lịch Sử” ông
giãi bày: “tuổi trẻ nào cũng có nhiều
phen sai lầm, tội lỗi và hoài nghi hối hận. Từ năm 1958 bắt đầu viết truyện này
cho đến năm nay tôi vẫn theo đuổi một ước vọng là làm thế nào cho các bạn thanh
niên hiện đại tin chắc rằng tuổi trẻ của chúng tôi không có gì hơn tuổi trẻ của
các bạn. Chúng tôi có thể là những anh hùng: anh hùng lạc đường một cách bất
đắc dĩ.
Và chúng tôi chỉ có nhiều đau khổ. Nhưng đau khổ,
sẽ đến như đã đến, với tất cả, Cuốn truyện này là bằng chứng, sự chịu đựng của
chúng tôi. Bây giờ đến lượt các bạn…”
Viết một tác phẩm khác: “Đem Tâm Tình Viết Lịch
Sử”, với những hồi ức đã có, đã sống, ông nhìn lại đoạn đường đã qua với nỗi
ngậm ngùi nhưng vẫn có nhiều hy vọng:
“Lòng hỏi lòng, tôi thấy mình như con ngựa mệt mỏi
dọc theo lối mòn kháng chiến quanh co, nay ra đến con đường mới vừa thẳng vừa
rộng, thốt nhiên đâm sợ. Sợ, nhưng cũng có mừng; đàn ngựa trẻ đương phóng lên
nước kiệu…Tôi linh cảm Việt Cộng lại đương nhầm, nhầm ở chỗ đánh giá anh em ta
quá thấp…”
Lúc đó, trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, cũng
có nhiều cố gắng để tìm một con đường thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc,
xây dựng đất nước đúng đắn nhất. Một thế hệ muốn tìm những kim chỉ nam hành
động. Có người chọn chủ nghỉa Mác, dùng đấu tranh giai cấp theo sự hướng dẫn
của Cộng Đảng Đệ Tam Quốc Tế Nga Xô Viết. Nhưng với Nguyễn Mạnh Côn ông đã chọn
con đường khác, tạo một ý thức hệ đối đầu với tư tưởng của Karl Marx. Và có lẽ
trong suốt cả cuộc đời ông, ông vẫn thao thức trong ý định đi tìm một con đường
tốt đẹp nhất cho dân tộc. Sự xa lánh ý thức hệ Mác –Lênin có lẽ từ suy nghĩ
tinh tế để có một nhận thức chính xác. Chống Marx và vượt Marx…
Với bút hiệu Nguyễn Kiên Trung ông đã viết, suy
nghĩ và tâm sự của mình, dưới hình thức những lá thư gửi cho bạn đang sống ở
Pháp. Tác giả thú thực đã hoàn tất xong tác phẩm khá lâu nhưng thật khó khăn
khi viết bài tựa để mang toàn bộ tác phẩm đi in. Ông muốn bài tựa ấy phải là
một bài tựa đầy tình cảm nhưng khi viết xong thì tình cảm đã lắng xuống đến nỗi
không có đến một rung động nhỏ. Và ông đã khám phá rằng vấn đề không thu hẹp
trong vấn đề văn nghệ hay kỹ thuật, vấn đề bao quát cả một niềm hy vọng tha thiết
của quốc dân năm 1945, cả một cuộc phản bội của Mặt Trận Việt Minh, với không
biết bao nhiêu người sống quằn quại, không biết bao nhiêu người chết thảm thê
vì sự phản bội ấy. Và ông không viết được bài tựa ấy cũng là hợp lý, bởi lẽ nào
mang chút tình cảm vụn vặt của mình làm mào đầu để khởi đi một giai đoạn lịch
sử cao quý, hùng vĩ của cả dân tộc…
Nội dung của “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử” là những
tâm sự của một chiến sĩ đang tranh đấu trực diện trong công cuộc giải phóng đòi
tự do độc lập cho đất nước trong những bức thư viết ở những thời điểm quan
trọng của lịch sử Việt Nam. Những không gian và thời gian như Hà Nội ngày 3
tháng 9 năm 1945, như Hà Nội, nội thành, Liên khu 1, ngày 26 tháng 12 năm 1946,
như Hà Đông ngày 3 tháng 2 năm 1947, như Phú Thọ ngày 29 tháng 11 năm 1952, như
Hải phòng ngày 19 tháng 7 năm 1954, là những cột mốc đáng nhớ của một thời đại
đầy biến động Việt Nam.
Ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, Việt minh cướp
chính quyền hớt tay trên các đảng phái quốc gia. Ngày 26 tháng 12 năm 1946 ở Hà
Nội, trong nội ô thành phố, Tự Vệ Thành đã nổ súng đánh Pháp bắt đầu cho cuộc
kháng chiến giành độc lập. Ngày 3 tháng 2 năm 1947 ở Hà Đông, Đảng Cộng Sản
Việt Nam chính thức thành lập và cuộc đảng tranh đẫm máu và gay gắt nhất đã tạo
những vết thương đau đớn cho dân tộc. Ngày 29 tháng 11 năm 1952 tại Phú Thọ là
ngày bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố để thực hiện đấu tranh giai cấp.
Ngày 19 tháng 7 năm 1954 tại Hải Phòng là ngày bắt đầu chia đôi đết nước ở vĩ
tuyến 17 theo hiệp ước Genève.
Từ thời điểm ấy, Nguyễn Kiên Trung kể cho bạn đọc
nghe về cuộc đời của mình và thế hệ mình theo ngõ đẩy đưa của thời cuộc. Và từ
đó như tấm gương phản chiếu thấy được sự bội phản lường lọc của những người
Cộng sản Việt Nam. Với kỹ thuật tranh đấu được huấn luyện từ hệ thống Cộng Sản
thế giới, họ áp dụng vào thực tế và đã thành công trong việc nắm giữ chính
quyền và thực hiện chính sách vô sản chuyên chính.
Tác giả “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử” đã “trút ngay lên mặt giấy một sự cần thiết phải gào
thét, phải nức nở cho số phận những người bạn tôi sắp phải chết, ngoài kia, bên
trên vĩ tuyến Bắc 17 độ. Nói là bạn, nhưng chỉ có một số nhỏ là bạn của tôi
thật, còn nhiều người mới quen biết sơ qua trên con đường kháng chiến, nhiều
người chưa hề được gặp mặt, nhiều người tôi đáng tôn lên là bậc thầy, Phan
Khôi, Đào Duy Anh, Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trương Tửu, Trần Đức Thảo,
Nguyễn Mạnh Tường, những người ấy sắp bị Việt Cộng mang ra xử án…
Họ, như Phan Khôi, Đào Duy Anh, Hoàng Cầm chưa hề
bao giờ là những người Cộng sản. Nhưng cùng nhau, họ đã chống lại Việt Cộng.
Điều cần biết, đối với tôi, là trong hàng ngũ duy vật, một sự nứt nẻ trầm trọng
đã được xác nhận. Một điều cần biết nữa, là thực tế đang chứng minh rằng những
con người ấy, vốn dĩ Cộng Sản hay chỉ đầu hàng hoặc thỏa hiệp với Việt Cộng,
cuộc tranh đấu của họ gần đây là cuộc tranh đấu tiểu tư sản. Dưới bất kỳ một
nhãn hiệu chính trị nào do họ tự nhận lấy hoặc bị kẻ khác gắn cho họ, họ quả
thật là những người tiểu tư sản, trí thức tiểu tư sản. Những người trí thức
tiểu tư sản trong hòa bình và vì lý tưởng dám liều mình chống lại cường quyền
và bạo lực, đó là câu kết cho cuốn “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”, câu kết tôi
muốn viết mà trước kia không dám viết, e ngại rằng chưa đủ bằng chứng cho chúng
ta tin cậy, thì bây giờ, những nhà trí thức của Hà Nội, của Hồ Gươm, và của Hồ
Tây không bao giờ phai nhòa trong tâm tưởng kẻ lưu vong, những nhà trí thức anh
dũng ấy, bằng tai nạn của họ đã cho phép chúng ta nói một lời quyết định…”
“Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử” được viết cách nay nửa
thế kỷ và xem ra tới bây giờ, vẫn còn nhiều suy nghĩ đáng chú ý. Lịch sử, đã bị
chế độ hiện hữu bôi xóa và những bài học để thế hệ sau hiểu biết chứa đầy những
giả trá. Từ năm 1945, tới nay không xa, khoảng cách lịch sử vẫn còn gần để nhận
thức, thế mà đã có nhiều sai lạc. Thậm chí, có những người được gọi là trí thức
như Đặng Tiến, cũng viết phê bình văn học, cũng là người tự cho mình là người
thông hiểu văn chương lịch sử, mà trong một buổi phỏng vấn của Đài BBC gần đây
đã bóp méo lịch sử, ca tụng Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, với việc giết hại
những chiến sĩ thuộc các đảng phái quốc gia. Thậm chí, ông ta còn cho rằng Đảng
Cộng Sản đã phải chiến đấu với thực dân Pháp, quân phiệt Nhật, Quốc dân Đảng
Tàu và các đảng phái quốc gia theo chân quân Tàu Tưởng. Ông ta gom gọn làm một
các lực lượng quốc gia với cái nhãn hiệu là theo chân quân Tàu. Nếu Đặng Tiến
đã đọc sách và viết phê bình về hai mươi năm văn học miền Nam thì chắc phải đọc
“Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử” Không hiểu ông ta có gặt hái được suy nghĩ nào
chính xác hơn không sau khi đọc tác phẩm này?
Một tác phẩm khác “1945, Lạc Đường Vào Lịch Sử”
cũng lấy thời gian và không gian của những năm bắt đầu cuộc kháng chiến chống
Pháp với các nhân vật bị đẩy vào cuộc một cách bất đắc dĩ. Họ hoạt động trong
những sự sắp xếp của các thế lực quốc tế thông qua các đơn vị tình báo của các
cường quốc liên hệ đến tình hình htời sự Việt Nam. Có nhiều nguyên ủy để họ
tham gia chính trị. Có thể vì bị lôi kéo vì tình cảm như Tuyết Lan, như Quang,
như Trọng. Có thể vì thi hành những công tác tình báo như Tôn Xương Linh nhân
viên OSS của Mỹ mang bí số SA 141 hay ông Tiến, một lãnh tụ quốc gia, cha của
Tuyết Lan mang bí số SA 72. những nhân vật ấy có đặc tính cá tính riêng, như
Trọng là một người con trong gia đình quan lại với suy nghĩ và hành động đặc
sệt tiểu tư sản, như Tôn Xương Linh, người Tàu nhưng mang dòng máu của một qaun
đại thần triều Nguyễn lưu vong Việt và có suy tư của người Việt Nam bị đẩy vào
trong một vai trò tình báo quốc tế thành viên của phái đoàn OSS của đại tá
Patti. Từ hoàn cảnh cá nhân riêng đến cảnh ngộ chung của dân tộc, mọi nhân vật
đã đi vào trong những con đường bị làm tay sai cho các thế lực ẩn mặt của các
siêu cường. Có thể họ có tâm tính của cách mạng lãng mạn như Trọng nhưng họ
cũng có thể có cái máu lạnh lùng vô hồn vô cảm của Lâm Trọng Ngà, một chỉ huy
công an Cộng sản. Những nhân vật ấy, trong những khúc quanh khốc liệt của lịch
sử đã được mô tả với tư cách chứng nhân cho một thời kỳ mang nhiều bí ẩn và
những hiện tượng khó có thể giải thích nhưng đã xảy ra.
Viết về những chặng đường mà tác giả đã sống,
Nguyễn Mạnh Côn mang những kinh nghiệm của chính bản thân để gửi một thông điệp
cho các thế hệ sau về những lỗi lầm của những người đi trước đã tạo ra những
hậu quả về sau nghiêm trọng. Cái lạnh lùng vô cảm của những người theo chủ
nghĩa Cộng sản duy vật có thể giúp họ chiến thắng
trong đoản kỳ nhưng sẽ là cội nguồn thất bại về sau trong trường kỳ.
Khi miền Nam Việt Nam bị sụp đổ vào năm 1975,
Nguyễn Mạnh Côn bị chế độ hiện hữu trả thù, bắt giam và ông chết trong tù sau
khi bị hành hạ vô cùng dã man về cả tinh thần lẫn vật chất. Khi chống lại chế
độ Cộng sản, ông là một người tiên đoán khá chính xác sự sụp đổ của chế độ ấy
nhưng đáng tiếc là ông không còn sống để chứng kiến sự sụp đổ ấy trên toàn thế
giới. Suốt cuộc đời ông, mải miết đi tìm con đường lý thuyết làm chủ đạo cho
công cuộc tranh đấu từ những kinh nghiệm của mình. Chủ nghĩa Cộng sản không thể
chấp nhận được vì với biện chứng pháp con người không còn là một con người nhân
bản nữa mà chỉ là một phương tiện để vận động cho một mục đích không tưởng.
Một tác phẩm khác của Nguyễn Mạnh Côn cũng gây được
sự chú ý của văn giới. Đó là “Kỳ Hoa Tử”, câu chuyện tình của một cô gái người
Nhật Bản yêu một chàng trai Việt Nam đang lưu lạc ở Trung Hoa. Kỳ Hoa Tử theo
người yêu về Việt Nam trong lúc đang có cuộc kháng chiến chống Pháp. Bề ngoài
thì tất cả lực lượng quốc dân đều tham gia vào cuộc chiến giành độc lập tự do
cho đất nước nhưng thật sự bên trong thì những người đi theo chủ nghĩa của những
người quốc tế vô sản đang nắm quyền lực và dùng đủ mọi phương cách để thực hiện
cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp. Trong âm mưu ấy, họ phải quét sạch những
người mà họ cho rằng sẽ làm trở ngại cho công việc mà họ đang thực hiện. Một
chướng ngại cản đường ấy là Hồ Tùng Mậu và quyết định phải giải quyết bằng mọi
giá. Họ kết tội phản động và tạo dựng những chứng cớ buộc tội. Một nhân chứng
dùng để vu khống và kết tội là chàng trai yêu nước đó. Là một đảng viên trung
kiên, chàng không thể nào trái lệnh dù biết rằng công việc ấy không hớp lý và
vô đạo đức. Kỳ Hoa Tử thấy những hành vi như vậy và tình cảm thay đổi theo. Thế
là cuộc tình bị tan vỡ. hai người xa nhau với tất cả nỗi đớn đau. Những tâm
tình lãng mạn thơ mộng đã được thay thế bằng những tình cảm hận thù. Và, kết
cuộc là tang tóc, đổ vỡ, chia ly…
Viết Kỳ Hoa Tử, ông cũng dùng những sự thực trải
qua trong đời để tạo cho câu chuyện kể có sự sinh động và hợp lý. Tuy có lúc
mang suy nghĩ chủ quan của mình vào trong sự kiện làm cho truyện chậm lại nhưng
lại chuyên chở được những trao gửi kèm theo. Kỳ Hoa Tử là một cô gái Nhật và
yêu một chàng trai người Việt trên đất Trung Hoa. Cô theo người yêu về nước và
tham gia kháng chiến chống Pháp. Nhưng, định mệnh xui khiến, lúc đó Cộng Sản
đang xúc tiến kế hoạch cách mạng vô sản bằng đấu tranh giai cấp và bằng mọi giá
phải dẹp tan tất cả những người có thể là chướng ngại vật cho kế hoạch ấy. Một
người cần phải dẹp bỏ là Hồ Tùng Mậu mà đảng coi là chướng ngại nguy hiểm nhất.
Cộng đảng bèn ngụy tạo ra tội phản động và gán cho Hồ Tùng Mậu. Chàng trai Việt
bị bắt buộc đứng ra tố cáo trước tòa án. Vì là một đảng viên trung tín nên phải
tuân lệnh. Vì thế, cuộc tình trai Việt gái Nhật tan vỡ với bao nhiêu tang tóc
thảm kịch.
Nguyễn Mạnh Côn là người có sở học rộng nên ông hay
tìm kiếm những đề tài gây bất ngờ cho độc giả. Ông viết huyền truyện phối hợp
vời truyện giả tưởng để đào sâu vào cõi tâm linh con người.
“Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn” là một
truyện khoa học giả tưởng mà tác giả đặt trên căn bản của thuyết tương đối của
Einstein về kích thước thứ tư của không gian. Ông giải thích theo lập luận của
ông: “cái nhầm của cổ nhân coi vạn
vật chỉ có bề dài, bề rộng, bề sâu, tức là chỉ có ba kích thước mà không biết
rằng sở dĩ người ta chỉ trông thấy ba kích thước ấy là nhờ có ánh sáng. Tùy sức
ánh sáng đi nhanh hay chậm, tùy con đường từ ta đến cảnh vật xa hay gần mà ta
tức khắc trông thấy vạn vật hay chỉ trông thấy dần dần… Cảnh vật chung quanh ta
tưởng rằng nhất định như thế mà thật ra có thể đổi khác (thấy không khác vì vận
tốc ánh sáng ở cõi ta là một hằng số không đổi). Einstein đã biết rằng khi một
vật di động càng nhanh càng tới gần tốc độ của ánh sáng thì thời gian và không
gian hỗ tương ảnh hưởng vào nhau sẽ uốn cong lại chung quanh cái vật di động
kia. Sự uốn cong này chính là cái kích thước thứ tư…”
Nhân vật trong truyện là bác sĩ Mai, nữ trợ tá Kiên
Trinh và hạ sĩ Khang thuộc binh chủng nhảy dù trong một phi vụ ở gần biên giới
Trung Hoa thì máy bay bị bắn hạ và đâm nhào xuống đất. Trong giây phút ấy họ bị
bất tỉnh và tình cờ lọt vào một vùng không gian năng lực phi thường với vận tốc
cao gần với tốc độ của ánh sáng. Và như vậy họ lọt vào vũ trụ có kích thước thứ
tư. Ở nơi chốn này họ gặp Lưu Thần và Nguyễn Triệu của truyện tích từ ngàn năm
xưa cũng vì một cơn bão có tốc độ khủng khiếp thổi tới và cùng lạc vào vũ trụ
có không gian bốn chiều như ba người lính nhảy dù này. Và chốn này có thể gọi
là Thiên Thai, với thời gian đứng im bất động và cảnh sắc thì có nét của miên
viễn nên rất tuyệt vời. Ở đây có những bộ máy kỳ diệu có thể điều chỉnh tốc độ
ánh sáng để đưa con người vào quá khứ hay tương lai.
Bác sĩ Mai và nữ trợ tá Kiên Trinh muốn ở lại Thiên
Thai trong khi hạ sĩ Khang thì muốn trở về qúa khứ. Anh trở lại thế kỷ thứ 18 ở
thành Thăng Long và tình cờ cứu sống Vua Quang Trung. Sau Khang giúp Vua Quang
Trung đánh quân Tàu đòi lại Lưỡng Quảng hai tỉnh. Với kiến thức của thế kỷ 20
đối đầu với quân tàu ở thế kỷ 18 nên Khang đã giúp vua Quang Trung chiến thắng.
Nhưng quân dân Tàu áp dụng tiêu thổ kháng chiến cũng như du kích chiến nên
chiến thắng không toàn vẹn và Khang thấy rằng tham vọng đất đai là mù quáng.
Khi tỉnh dậy, thì Khang mới biết rằng chỉ trong
giây phút ở vũ trụ của không gian bốn chiều nhưng là mấy đời sống ở trần thế…
Kiên Trinh cũng có lúc tìm về dương trần nhưng vô cùng đau khổ khi biết người
chồng là hạ sĩ Khang đã lấy công chúa Ngọc Chân em công chúa Ngọc Hân. Bác sĩ
Mai thì nhớ quê hương, tưởng vọng về những nơi chốn của Hà Nội đất Bắc xưa. Cả
ba người lính nhảy dù này sống lạc lõng bên lề cuộc sống.
Trong truyện, Nguyễn Mạnh Côn đã dùng rất nhiều
kiến thức về khoa học, về toán học, về lịch sử, về triết lý. Chính vì vậy,
thành ra tác phẩm đâm ra nặng nề, nửa biên khảo nửa tiểu thuyết. Vì chứa đựng
qúa nhiều chi tiết, dù rằng đã cố gắng dung hòa giữa khoa học và văn chương,
nhưng bố cục truyện hơi nặng nề và diễn biến câu chuyện cũng ít có chất tự
nhiên.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn còn có tham vọng lập
thuyết, dùng văn chương để chuyên chở ý tưởng. Ông nghĩ về thuyết Tân Trung
dung, viết “Mối Tình Mầu Hoa Đào” và “Hòa Bình… Nghĩ gì? Làm gì?”
“Mối Tình Mầu Hoa Đào” là truyện chàng thanh niên
đi tìm lý tưởng say mê như tìm một người yêu quàng khăn mầu hoa đào. Chàng đi
tìm mầu hoa đào trong mọi người và mọi cảnh. Thất vọng ngoài kháng chiến chàng
về vùng quốc gia, để rời khỏi đơn vị của người Pháp. Công việc tìm kiếm vẫn
tiếp tục. Chàng vào Nam, gặp người bạn trẻ, bàn luận chuyện lên đường. Những
câu đối thoại, như một chia sẻ giữa hai thế hệ để gợi ý về những hành trang
mang theo khi khởi sự đi vào con đường suy tưởng.
Mối tình mầu hoa đào tưởng chỉ giản đơn trong biên
giới của địa lý hay những phạm vi thực tế gợi ra từ đời thường. Nhưng Chàng
muốn đi xa ra khỏi những khuôn khổ chưa bao la ấy thành ra thất vọng và cô đơn
đã dần dần chiếm lĩnh tâm hồn. Ngôn ngữ, có khi để biểu tỏ ý tưởng nhưng sự
diễn dịch sai nên lời nói nhiều khi bị hiểu chệch hướng và không giúp gì cho
cuộc đối thoại để tìm chân lý. Có lúc Chàng nói chuyện với tiếng vọng, không
biết xuất xứ từ đâu để quên đi những rối loạn và cô đơn khi đối thoại với con
người. Nguyễn Mạnh Côn lập thuyết như Hồ Hữu Tường lập thuyết, có phải tận dụng
những kiến thức khoa học và toán học để mong lý giải một cách có hệ thống những
quy luật của cuộc sống hầu có thể áp dụng để tạo một đường hướng chủ đạo cho cuộc
sống. Xem ra, cũng chỉ là một cố công…
Viết “Hòa Bình… Nghĩ Gì? Làm gì?” để phổ biến lý
thuyết Tân Trung Dung cũng là một cố công khác với những tượng hình lý thuyết
có vẻ nhiều chất lãng mạn mà ít chất thực tế. Đem một lý thuyết để áp dụng vào
thực tế Việt Nam khi chiến tranh vẫn còn ác liệt và hòa bình chỉ là những hình
tượng giả tạo, là một sửa soạn cho một cuộc chiến cuối cùng khốc liệt. Và ông
cũng chưa làm cho độc giả hiểu rõ rệt và mạch lạc lý thuyết Tân Trung Dung như
thế nào dù ông đã viết trong đoạn cuối của “Hòa Bình… Nghĩ gì? Làm gì?”: “Như vậy, bạn đọc dù không đọc được cả phần lý
thuyết thì ít ra cũng kiểm chứng được qua những căn bản về Trời, Đất, về Cha,
Mẹ, về đào tạo lương thực, về cách kết hợp lứa đôi và nuôi dạy con cái, về sự
xây dựng sự nghiệp bằng cách trau dồi kiến thức không ngưng nghỉ về nghệ thuật,
khoa học và kỹ thuật, về suy tư triết học và xây dựng tương lai…”
Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979) mất ngày 1 tháng 6 năm
1979. Cộng sản đã hạ đòn thù và hành hạ ông cho tới lúc chết. Nhà văn Nguyễn
Triệu Nam đã kể lại về cái chết của ông:
“Trước hết nhà văn của chúng ta đã không đáp ứng
đúng yêu cầu của Cách mạng(?) Anh chỉ ôn lược những việc đã làm. Kể lại nội
dung từng sáng tác. Chớ không tự lên án mọi hoạt động nói chung của mình. Có
nghĩa là anh không nhận tội. Một tên quản giáo nó hỏi anh: “Mày viết phản động
đến như vậy mà còn cho là không có tội ư? Vậy mày có biết rằng Cách Mạng chỉ
giam giữ mày một thời gian nào đó thôi rồi tha cho mày về hay không? Chứ giữ
mày ở lại làm cái gì cho tốn cơm tốn gạo “Vậy các ông muốn tôi phải làm cái gì
đây?”- Sẽ có người hướng dẫn cho mày. Y nói xong là bỏ đi. Hôm sau có một tên
làm dịch vụ đả thông. Nom lạ hoắc. Không biết gã ta làm nghề ngỗng gì ở ngoài
đời. Gã cầm trên tay một bịch ni lông trong suốt. Cố ý giơ lên cho đối tượng
nhìn thấy bên trong có những gói mỏng nhỏ. Thì ra là thuốc phiện quết, cô lại
như thế thuốc cao. Chỉ nuốt chửng, xài đỡ khi thiếu bàn đèn. Gã lải nhải bên
tai nhà văn một chập lâu. Đại ý thuyết phục như vầy: “Anh nên thành khẩn viết
một bài kiểm điểm nhận mình có tội. Giờ ăn năn hối hận, hứa với Đảng sẽ đổi mới
tư tưởng, sẽ chuyển hướng sáng tác. Nếu anh chịu tuân hành nghiêm chỉnh pháp
lệnh của nhà nước thì chác chắn anh được trả tự do đúng thời hạn. Thuốc đây hãy
xài tạm hầu phục hồi sự minh mẫn cho trí óc. Đừng khí khái hão mà chuốc họa vào
thân làm khổ cho vợ con. Ngộ biến tòng quyền là cách xử lý khôn ngoan của người
biết tùy thời lựa thế mà sống, anh ơi! Gầy còm tong teo như anh chịu đòn sao
thấu… Nguyễn Mạnh Côn đã thẳng thắn trả lời: “Ông cứ việc báo cáo lại với chúng
nó về tất cả những gì tôi nói. Tôi không tôn thờ cái chủ nghĩa Cộng sản mà tôi
đã dí xuống chân ấy được. Tôi không bẻ cong ngòi bút, tôi không làm văn nô
được. Đừng hòng dùng á phiện mà lung lạc tôi.” Việc gì phải đến đã đến. Nhà văn
của chúng ta đã tự sát.
Bằng cách nào, không nghe rõ chi tiết. Chỉ biết,
trước ngày anh quyên sinh, anh gặp Trưởng Trại mà hỏi y: “Cách Mạng công bố là
chỉ giam tôi có thời hạn. Sao đã qúa hạn mà không thả?” tên cai ngục cười gằn
và bảo: “Nói dễ nghe nhỉ? Mày ngoan cố quá, cứng đầu quá mà. Mày đã nhận tội
đâu mà đòi nhà nước tha cho mày”.
Kẻ thù chưa kịp hạ thủ thì anh đã chết rồi. Anh đã
chết vinh và bảo toàn được tiết tháo và danh dự của kẻ sĩ. Là một kẻ sĩ uy vũ
bất năng khuất anh đã không “lạc đường vào lịch sử” như một nhân vật của một
truyện anh viết. Trái lại anh đã đi thẳng vào lịch sử với tư cách của một chiến
sĩ tiền phong chống Cộng trên mặt trận văn hóa.”
Nguyễn Mạnh Trinh.
No comments:
Post a Comment