Mướn Vợ
Gia ngồi êm lặng trước cây đàn dương cầm. Những ngón tay
chàng đang đặt trên phím. Hơn mười lăm phút trôi qua. Rồi ba mươi phút. Vẫn
chưa nốt nhạc nào được rung động.
Chàng không muốn tính toán thời gian, chỉ muốn biết mình sẽ làm gì trong
những ngày sắp tới. Những ngày sẽ không có Hương Bình. Đã một tuần nay, Hương
Bình không có mặt trong nhà, và nàng sẽ không bao giờ có mặt trong nhà này nữa.
Giọng nói cứng rắn của Hương Bình quanh quẩn đâu đó.
- Anh hãy lo giấy tờ ly dị càng sớm càng tốt.
Em sẽ ra đi.
- Tại sao em nói với anh như thế?
- Xin lỗi anh. Đó là ý nghĩ thành thật nhất,
nếu nói khác đi là nói dối. Chúng mình đã sống giả dối suốt thời gian qua,
anh không thấy sự thiệt thòi cho cả hai sao?Không phải lỗi em, cũng không
phải lỗi anh, mình chỉ nên làm cái việc cần phải làm.
- Ly dị là cần thiết à?
- Chúng ta đâu có hơn một đời để sống? Anh
không thấy mình đang phí uổng cuộc sống sao? Cánh cửa hôn nhân chúng ta
bước vào, được mở bằng quyền lực của cha mẹ đôi bên. Sáu năm trời rồi,
mình có tạo được tình yêu và hạnh phúc chưa?Mình vẫn sống trong thế giới
riêng tư của mỗi người. Có lẽ anh cũng nhận biết như thế. Em tự hỏi, mình
được sinh ra để làm gì? Để sống cho mình hay cho người nào khác? Để làm
những gì mình muốn hay do người khác muốn? Tình yêu, hôn nhân đừng lẫn lộn
với tình yêu thương và kính trọng cha mẹ. Phản đối sự sắp đặt của những
bậc sinh thành không có nghĩa là bất hiếu. Xin các ngài, các ngài hãy làm
ơn cho chúng tôi sống theo sự lựa chọn của chúng tôi. Em đang hối hận đã
hoang phí khoảng thời gian sáu năm trong cuộc đời mình và cuộc đời anh
nữa.
Hương Bình nói nhiều lắm. Gia
chỉ im lặng. Nàng nói đúng. Sáu năm qua, họ đã sống như hai diễn viên trong một
cuốn phim và đạo diễn là những bậc có công sinh thành ra họ. Hai con người được
nhốt chung trong vòng lễ giáo của người xưa để lại. Cứ thế tiếp nối, thế hệ
trước cai trị thế hệ sau, không ai được tự làm chủ đời mình. Gia không hối tiếc
việc Hương Bình bỏ đi, nhưng một mình trong căn nhà khá rộng, chàng bị hụt
hẫng, thiếu vắng một thứ gì đó, chưa phải lúc.
Thẩn thờ đứng lên đậy nắp đàn
lại. Gia lấy viên Tylenol định uống cho bớt cơn nhức đầu. Tiếng chuông cửa reo.
Chàng bỏ viên thuốc xuống bàn, nhìn lại đồng hồ. Đã một giờ, có lẽ đây là chị
Lan, người đàn bà đến giúp việc trong nhà như đã hẹn.
- Chị Lan phải không?
- Dạ phải.
- Mời chị vô nhà.
Cánh cửa đóng lại sau lưng.
Chàng là một trong những người đàn ông may mắn được vợ chu toàn mọi thứ trong
nhà. Thoáng bối rối, Gia mở tủ lấy cuộn giấy lau và chai nước tẩy:
- Trước hết xin chị lau giùm tôi những cửa kính,
cả trong lẫn ngoài nhé.
- Dạ.
- Chị cứ tự nhiên làm việc, nếu có gì cần thì
hỏi tôi. Tôi sẽ … ơ mà… tôi phải ra ngoài một chút. Chắc cũng không có gì
cần hỏi.
Ở Victoria này, trời mùa hè
thật đẹp. Màu nắng đậm đà. Màu hoa nở tươi thắm. Đi tới đâu cũng thấy hoa. Nhìn
tới đâu cũng thấy hoa. Người ta trồng hoa khắp nơi, khắp chốn. Những giỏ hoa
treo lủng lẳng trên những cột điện ngoài đường. Những khóm hoa trồng rải rác
dọc theo lối đi. Hoa đầy ấp cả công viên, đủ màu, đủ loại. Sân trước và sau
được chàng vun sới những khóm hoa cúc. Đặc biệt là cúc tím. Không hẳn chàng
thích hoa cúc, nhưng chàng rất mê màu tím của nó. Màu tím dịu dàng, dễ thương.
Mấy người bạn phê bình: màu tím không phải là màu cho đàn ông. Gia chỉ cười,
không giải thích được.
Chàng lái xe chầm chậm dọc
theo bờ biển. thiên hạ đổ xô ra đây khá nhiều. Trên bãi cát, người ta nằm tắm
nắng. Những đứa trẻ chạy lăng xăng. Những đứa khác đang đắp một lâu đài bằng
cát ướt. Vài người lội trong nước. Nhiều nhóm người đang làm bửa ăn ngoài trời.
Lao xao. Nhộn nhịp. Gia muốn dừng lại, tự nhiên cảm thấy mình quá lẻ loi giữa
đám người có đầy đủ gia đình nên tiếp tục lái xe đi. Đến một chỗ vắng người vì
bờ biển có đá lởm chởm, Gia ngừng xe. Ngồi trên một tảng đá lớn, Gia hít thở
sảng khoái làn không khí có quyện lẫm mùi tanh tanh của rong rêu và mùi mằn mặn
của muối biển. Chàng phát hiện cơn nhức đầu đã tan biến lúc nào không hay. Viên
Tylenol chắc vẫn còn nguyên trên bàn. Nước biển trong suốt. Giữa những tảng đá
lồi lõm là mặt cát mịn ướt có chen những mảnh võ sò nâu nâu, xam xám. Những con
hải âu bay lượn. Thỉnh thoảng chúng nhoài mình xuống thật nhanh giống như
đang bị rơi. Khi đôi chân vừa chạm mặt nước, cái mỏ chúng đã mở toát ra rồi
ngậm ngay lại. Đôi cánh bung mạnh, vút thân hình chúng lên trời. Một con cá nhỏ
vô tội dính tòn teng và dẫy dụa nơi cái mỏ quặp cứng của chúng. Cứ thế, thay
phiên nhau, hết con này đến con khác. Thỉnh thoảng chúng giành giựt nhau, la
hoang hoác khiến con cá đứt làm hai đoạn rớt tòm xuống nước.
Mùa hè, ngày dài thêm ra. Ánh
nắng vẫn chói chang. Gia nhìn lại đồng hồ, đã hơn 5 giờ chiều. Tiếc nuối, Gia
vẫn phải vội vã lên xe trở về. Chị Lan đang rửa mấy cái chén.
- Xin lỗi chị Lan nghen, tôi nói đi một chút
mà hút mất tới chiều.
- Đâu có sao đâu. Lau xong mấy kiếng cửa sổ,
tôi chùi cái bếp và rửa mấy cái chén. Tôi định dọn dẹp lại tủ lạnh thì anh
Gia về tới.
- Thế nào tôi cũng phải nhờ chị giúp mấy việc
đó thôi. Chị làm rồi, tôi vui lắm. Nhưng mà này, chị Lan nghỉ tay, uống ly
cà phê nghen.
- Cám ơn anh Gia, tôi không uống cà phê buổi
chiều.
- Ồ, tôi nói vậy vì người Mỹ nói “coffee
break”. Chị uống ly sữa tươi, ăn cái bánh ngọt. Tôi lơ đãng hết sức, cứ để
chị làm việc suốt buổi, chị nghỉ tay chừng nửa tiếng không sao mà.
- Thôi anh Gia à, toàn những việc nhẹ trong
nhà, đáng gì đâu mà nghỉ.
- Sao vậy? Ai đi làm cũng có giờ nghỉ giải
lao, luật lao động chứ đâu phải luật của tôi, chị đừng ngại.
- Tôi chỉ muốn làm cho xong rồi về.
- Còn nhiều việc tôi phải nhờ đến tay chị
Lan. Mai chị trở lại được chứ?
- Dạ được.
- Vậy, chào chị Lan. Hẹn gặp lại chị ngày mai
nghen.
Gia đứng chờ tới khi chiếc xe
màu trắng của chị Lan khuất mất ở khúc đường cong mới đóng cửa. Ngồi trước đàn
dương cầm. Những ngón tay đặt lên phím, nhưng không phải muốn đánh đàn. Đây chỉ
là thói quen mỗi khi cần suy nghĩ. Gia đang suy nghĩ đến chị Lan…
Mở mắt. Gia thấy buổi sáng hãy
còn quá sớm. Pha ly cà phê… để trên bàn. Gia bước ra sân đi chậm một vòng chung
quanh nhà. Đám hoa cúc tím vẫn hiền lành, dễ thương. Lười biếng làm vài động
tác thể dục nhẹ trước khi trở vô nhà. Nửa tiếng sau chị Lan đến.
- Chị Lan uống cà phê nhé.
- Cám ơn anh Gia, tôi uống ở nhà rồi. Hôm nay
anh Gia muốn tôi làm việc gì trước?
- Nhờ chị lau giùm tủ lạnh và sắp xếp mọi thứ
trong nhà bếp. Cứ vậy đi nhá, tôi sẽ nghĩ tiếp.
Không chần chờ, chị Lan bắt
đầu dọn những thứ trong tủ lạnh ra ngoài. Có nhiều thứ bị hư, chị tự động bỏ
vào thùng rác. Gia vẫn ngồi ở bàn nhấp từng ngụm cà phê.
- Chị Lan làm việc này lâu chưa?
- Dạ, cũng hơn năm nay.
- Khá không chị?
- Bất thường lắm, khi quá nhiều làm không
kịp. Khi hơi ít, làm không đủ…
- Chị Lan có gia đình chứ?
- Tôi có hai cháu. Một trai, một gái.
- Như thế là hạnh phúc quá rồi, đủ cả trai
lẫn gái.
Gia miễn cưỡng đứng lên. Cuộc
đối thoại không dẫn đến nơi chàng dự tính. Một người đặt câu hỏi. Người kia đưa
câu trả lời, đơn giản, không hỏi lại. Chị Lan vẫn tiếp tục làm việc. Gia lại
ngồi trước cây đàn, bắt đầu bằng những nốt trầm, chậm. Quên cả thời gian.
Tiếng đàn ngưng đột ngột. Chị
Lan ngập ngừng:
- Tôi làm xong việc cách đây chừng mười lăm
phút. Tiếng đàn của anh Gia đã khiến tôi phải giữ im lặng… lắng nghe. Chợt
nhớ lại, tôi đến đây để làm việc, không phải đứng không … nghe đàn… xin
lỗi…
- Không… Không có gì đâu chị Lan. Chính tôi
cũng muốn chị nghỉ tay giây lát… vì tôi có chuyện này muốn nhờ… chị Lan
giúp giùm. Nếu không đồng ý, xin chị bỏ qua đừng phiền giận. Kìa, chị ngồi
xuống sofa đó… để bình tỉnh hơn..
Ngạc nhiên và ngại ngùng, chị
Lan chầm chậm ngồi xuống. Gia hít hơi thở thật sâu:
- Chuyện này bất đắc dĩ ghê lắm. Tôi chưa
biết phải bắt đầu ở điểm nào cho dễ hiểu. Thôi để tôi kể theo thứ tự một
bài luận văn… Nhập đề: Trong sứ sở văn minh, hiện đại này, câu nói: “cha
mẹ đặt đâu, con ngồi đó” nghe quá là lạc hậu, chậm tiến vô cùng. Thân bài:
Tôi kết hôn với Hương Bình cách đây sáu năm. Chúng tôi là hai đứa con đã
“ngồi” theo ý cha mẹ “đặt”. Tưởng dễ, nhưng cuộc hôn nhân chỉ có thể kéo
dài được ngần ấy.. vì không dễ như mình tưởng. Đưa nhau đi về tương lai
bằng con đường nào đây? Gần nhất và ngắn nhất chính là con đường đưa nhau
ra toà… Ly dị thì ly dị, chết ai đâu!! Vấn đề khổ tâm là ba má tôi sắp qua
đây thăm tôi. Nếu là chị thì chị nghĩa sao? Tôi rất thương ba má, tuổi gần
đất xa trời.Tôi không muốn ba má phải hối hận vì đã sai lầm khi quyết định
tạo dựng hạnh phúc cho con cái. Xin lỗi chị Lan, tôi kể lể hơi dài dòng. Hãy
nhìn tấm hình trên lò sưởi kia, chị có đồng ý là giữa chị với Hương Bình
có nét giống nhau như hai chị em không?
Chị Lan xoay qua nhìn, nhè nhẹ
gật đầu. Lấy hết can đảm, chàng nhìn thẳng vào mắt chị Lan:
- Từ điểm giống nhau đó, tôi chợt nghĩ ra một
ý kiến. Khi ba má tôi sang đây, tôi muốn… ơ mà…tôi muốn… mướn chị đóng vai
Hương Bình. Tôi sẽ trả tiền công theo thỏa thuận.
- Nghĩa là tôi phải giả bộ như tôi là… vợ…vợ
anh?
- Chị ngạc nhiên cũng đúng thôi. Người ta vẫn
đóng phim kia mà, có sao đâu? Tôi và chị sẽ là hai diễn viên duy nhất
trong cuốn phim ngắn, chỉ có… hai khán giả là ba má tôi. Tôi nghĩ mình
không cần tài nghệ… lắm.
- Nhưng mà… không biết tôi có làm được không?
- Dễ thôi. Miễn chị vui lòng giúp tôi. Quên
nữa, chị còn hỏi ý kiến anh ấy, phải không? Nếu cần, tôi sẽ đến gặp anh
ấy, giải thích rõ ràng. Tôi sẽ lấy danh dự hứa rằng đây chỉ là một màn
kịch bất đắc dĩ, không ý gì mờ ám hết. Giúp tôi nghen chị Lan.
- Anh ấy là ai vậy?
- Chồng chị.
- A… chỉ mình tôi vừa là vợ vừa là chồng.
- Ồ, xin lỗi chị. Tôi không biết. Thật tình
tôi không biết. Xin lỗi.
- Anh đâu có lỗi mà xin. Tôi cũng không có
lỗi để cho.
Gia phì cười: – Huề nhé.
Bây giờ chị nghĩ sao?
- Tôi nghĩ là… tôi sẽ vì tiền mà nhận việc.
Ba má anh không nhớ mặt con dâu sao? Hơn nữa, vợ anh trông trẻ hơn tôi.
- Chúng tôi du học đã hơn mười năm rồi, lần
đầu tiên gặp lại chắc gì ba má sẽ nhớ ra tôi, đừng nói chi đến con dâu chỉ
được thấy qua bằng hình.
- Thấy qua bằng hình?
- Chuyện kể ra nghe cũng ngộ nghĩnh lắm. Ngày
xưa, ở chợ Vị Thanh có hai người bạn rất thân. Một người muốn đi xa lập
nghiêp. Họ cắt máu hòa rượu uống và hứa hẹn, họ phải thành sui gia sau này
để tình thân còn gắn bó tới đời con, cháu. Hơn hai mươi năm qua. Chị Lan
biết sao không? Hai đứa tôi được gởi đi du học cùng một quốc gia, chung
một đại học. Chúng tôi quen biết nhau nhưng không hề đi xa hơn tình đồng
hương. Hương Bình có lối sống rất tự do, buông thả theo Tây phương. Không
thích chuyện bếp núc. Không thích chuyện con cái phiền toái. Tôi thì dung
hòa cả hai nếp sống, có lẽ nặng hơn bên Á đông mình. Tôi thích yên tỉnh.
Hương Bình thích tiệc tùng nhộn nhịp.
Bất ngờ thư gia đình gởi sang
nói: ba Hương Bình đang bịnh nặng, muốn hai đứa phải lập gia đình gấp…
cho ông mản nguyện nhắm mắt. Tính tình không hợp; tình cảm không có, làm sao
sống chung? Tuy nhiên, ước nguyện cuối cùng của người sắp từ giả cỏi đời đã
thắng… chỉ vì chúng tôi muốn làm những đứa con…hiếu thảo.
*
Ông bà Năm Thạnh gặp lại con
trai trong nỗi vui hạnh ngộ sau mười mấy năm xa cách cả một đại dương. Họ không
có nhiều lời để nói, chỉ cảm giác lâng lâng nửa quen thuộc, nửa lạ lùng. Nhờ
thế, hai diễn viên không bị một trở ngại nào. Gia xin nghỉ hai tuần, đưa ba má
đi thăm thành phố và những thắng cảnh quanh vùng. “Vợ chàng” với lý do phải đi
làm nên không thể cùng đi… cho dễ thở..!
Đêm nay, nơi phòng khách, ông
bà Năm Thạnh ngồi một bên, im lặng. Bên kia, Gia ngồi ép mình sát vào mép ghế
da dường như rộng lớn hơn. Mỗi người đang có mỗi ý nghĩ khác nhau chạy vẫn vơ
trong đầu. Trưa mai, chuyến bay lúc hai giờ sẽ cắt đứt nhịp cầu hội ngộ. Ba má
chàng trở về Việt Nam. Chị Lan trở vể… nhà chị. Gia sẽ trở về… với nỗi cô đơn
mỗi ngày trong căn nhà rộng lớn này. Hai tuần lễ nay, chàng đang quen dần với không
khí đầm ấm một mái gia đình. Chị Lan đóng vai một người vợ, một người con dâu y
như thật. Chị nấu những món ăn thuần túy quê hương, từ lâu rồi Gia không được
thưởng thức trong nhà này.
Bánh xèo nhân tôm, thịt. Miếng
bánh lấy ra khỏi chảo thơm phức mùi cà ri lẫn với mùi nước cốt dừa. Cá chiên
dòn dằm nước mắm chua cay, chấm với rau muống xào tỏi. Thịt gà xào xả ớt cay
cay, mằn mặn ăn với cơm không muốn ngưng đũa. Canh rau dền đỏ nấu với tôm khô,
ngọt dịu dàng… như người nấu!
Mấy đêm gần đây, Gia nằm, không
nhắm mắt được tới 2, 3 giờ sáng. Giấc ngủ muộn màng đưa Gia trở về những buổi
chiều tan học xưa. Mấy thằng bạn thân rủ nhau ra chợ. Ăn những cuốn bò bía
nóng, chắm tương ớt hòa với tương ngọt. Gỏi đu đủ bào trộn với khô bò cùng
những lá rau quế thơm nồng rãi trên mặt. Uống nước đá đậu đỏ, bánh lọt, nước
cốt dừa béo ngậy chạy lên tới óc o, chạy dài xuống xương sống. Gặp mấy cô thư
ký tan sở mặc những chiếc áo dài trang nhã, cũng ra chợ ngồi quanh hàng bà bún
riêu. Bọn chàng cũng chen vào vừa ăn vừa chọc ghẹo. Một cô bắc kỳ hay xin thêm
mắm tôm. Hai cô nam kỳ hay bỏ thật nhiều ớt. Có lần bọn chàng bị một cô đanh đá
mắng: “Mấy đứa con nít chưa rời ghế Trung học, bày đặt chọc người lớn. Đi
học có ôm theo chai sữa không vậy?”
Bây giờ Gia mới hiểu, cảm giác
thiếu thốn không diễn tả được chính là hình ảnh thân quen trên quê hương. Hương
vị đậm đà trong món ăn truyền thống. Kỷ niệm không thể bị thiêu hủy, chỉ bị mai
táng nơi tiềm thức… từ lâu rồi chàng không được quyền ôn lại. Thời sinh viên
độc thân, sống chung với đám bạn tây phương, ăn hamburgers, sandwiches, khoai
tây chiên. Lập gia đình với Hương Bình. Nàng chỉ biết nấu các món: thịt bò hầm
đậu tây, cà rốt. Gà lôi nhồi bánh mì khô nướng. Đùi gà chiên giòn. Bò bít tết.
Nếu xét tận cùng tâm tư, Gia vẫn là người còn mang dòng máu bảo thủ. Chàng
không thể yên tâm khi bị bắt buộc thích ứng với không khí gia đình theo lối tây
phương. Có lẽ đó chính là nguyên nhân trong suốt thời gian sống với Hương Bình,
cả hai đều không thể khỏa lấp nổi khoảng trống trong tình nghĩa vợ chồng.
Theo tâm lý, những món ăn quê
hương sẽ góp một phần không nhỏ trong hạnh phúc gia đình. Dù sao, nguồn gốc dân
tộc vẫn là căn bản của con người. Duy trì những món ăn dân tộc tức là duy trì
cái căn bản đó. Gia cứ nghĩ ngợi mông lung. Tự nhiên chàng ao ước, phải chi
cảnh này được kéo dài mãi trong căn nhà này.
Chị Lan từ sau nhà bếp bưng
lên một bình trà và bốn cái tách.
- Mời ba má uống trà. Anh uống trà nghen.
- Anh không uống trà đâu. Mấy đêm nay anh hơi
khó ngủ.
- Để em pha nước bông cúc, anh uống sẽ dễ ngủ
hơn.
Chị Lan rót trà chậm rãi, mắt
nhìn xuống bàn. Bà Năm cầm tách trà đưa lên môi từ từ nhấp, mắt kín đáo quan
sát cô con dâu.
- Để con vào thu xếp va ly cho ba má.
- Thôi con, má đã thu xếp xong hết rồi. Chỉ
còn vài thứ lặt vặt nữa thôi. Bây giờ má có một chuyện thắc mắc muốn hai
đứa con giải thích.
Sáu con mắt đỗ dồn vào bà Năm
chờ đợi.
- Chuyện gì đang xảy ra trong nhà này??
- Đâu có… chuyện gì… đâu má.
Gia trả lời ngập ngừng. Bà Năm
nhìn thẳng vào mắt cậu con trai trong lúc ông Năm lấy một điếu thuốc đưa lên
môi chậm rãi bật quẹt đốt. Chị Lan nhìn xuống chân mình.
- Hai đêm trước đây, vì nóng nực nên má mở
cửa sổ đứng cho mát. Trong bóng tối mờ mờ ngoài sân, má nhận ra hai vợ
chồng bây như thể đang đưa nhau ra đường. Giọng thằng Gia tuy nhỏ nhưng má
vẫn nghe được: “… Em.. ơ.. chị Lan về ngủ ngon. Chỉ còn vài ngày nữa thôi,
ba má tôi sẽ về lại Việt Nam, màn kịch của mình sẽ chấm dứt. Cám ơn chị…”
Còn gì.. gì nữa, nhưng một cơn gió mạnh ào qua làm át mất. Rồi vợ con lên
xe, con đi vô nhà. chiều hôm sau mới thấy vợ con về. Nghĩa là vợ con không
ngủ lại?
Ông Năm ngạc nhiên, nhưng vẫn
yên lặng với điếu thuốc trên tay, chờ đợi. Tiếng tíc tắc.. tíc tắc từ cái đồng
hồ lớn đặt ở góc tường, dường như bị chỉnh cho lớn hơn bình thường. Gia ngồi
đó, xấu hỗ, bối rối. Máu chảy dồn lên tới đỉnh đầu.
Chị Lan nhỏ nhẹ: – Anh
Gia!… Em nghĩ… mình nên nói sự thật.
Gia thở ra nghe cái phì: – Được
rồi. Để anh nói…
Ông bà Năm im lặng nghe. Gia
kết thúc:
- … mỗi đêm, chờ cho ba má vào phòng ngủ, vợ
con, ý quên, chị Lan lén ra về. Chiều hôm sau trở lại cho ba má tưởng vợ
con sáng đi làm sớm… xin ba má tha lỗi cho con…
- Mấy bữa nay má cứ khen thầm, thằng Gia thật
tốt phước, có được con vợ biết lo lắng đủ mọi chuyện trong nhà, vừa đi làm
nữa. Ngờ đâu…
Bà Năm bỏ lững câu nói, đứng
lên đi lại chỗ lò sưỡi chăm chú nhìn tấm hình Hương Bình. Ông Năm ấn điếu thuốc
vào gạt tàn:
- Con trai của ba đâu cần phải làm như vậy.
Mai mốt ba má trở lại Việt Nam, chị sui thế nào cũng biết vợ chồng con đã
thôi nhau. Ba má cứ khẳng định thấy vợ chồng con vẫn hạnh phúc. Chuyện tùm
lum ra. Con nghĩ coi, mặt mũi ba má sẽ đem cất vào đâu cho khỏi xấu hổ?
Thôi, nói thì nói vậy chứ ba má không trách con và cháu Lan. Ba là người
có trách nhiệm trong chuyện này. Ba không hiểu cuộc sống ở đây khác với
bên mình. Sống không hợp ý, phải thay đổi. Kéo dài khổ thêm. Hạnh phúc của
mình chứ đâu phải của ba má mình.
Ông Năm đốt điếu thuốc khác,
trầm ngâm. Gia là người vừa tỉnh ngủ. Chàng nhìn chị Lan chăm chú hơn. Cách
trang điểm nhẹ trên khuôn mặt; bộ quần áo đơn giản mặc trong nhà hòa hợp với
ánh đèn ấm cúngcủa phòng khách là một bức tranh đậm nét trong lòng chàng. Tự
nhiên chàng tưởng tượng đến một mái nhà tràn đầy hạnh phúc và một cuộc sống êm
đềm trôi. Chị Lan vừa bắt được tia nhìn dường như đang chiêm ngưỡng của Gia.
Chị đứng lên.
- Cháu xin hai bác tha lỗi và xin phép cho
cháu về.
Không ai nói tiếng nào. Chị
Lan đi vào phòng ngủ thu gọn mấy thứ cố tình “bày biện”. Lúc trở ra, ông bà Năm
không còn ở đó, chỉ có Gia đang đứng tần ngần như một kẻ xa lạ nào khác. Hai
người im lặng đi bên nhau ra cửa. Đến chỗ đậu xe, chị Lan đứng lại:
- Chúc anh Gia ngủ ngon.
- Có lẽ không được như lời chúc đâu. Tôi đã
không tìm được giấc ngủ nào ngon từ lúc màn kịch bắt đầu. Từ bây giờ lại
càng khó tìm hơn nữa khi màn kịch đã chấm dứt. Có lẽ sống trong kịch sẽ
hay hơn…
Gia thở dài sau câu nói lững
lờ. Chàng cúi nhìn bàn chân mình đang di đi di lại chiếc lá nằm dưới đất.
- Đâu còn gì nữa phải lo? Hai bác đã hiểu và
không trách móc gì hết.
- Nhưng… có một chuyện tôi muốn được chị hiểu
cho…
- Chuyện gì? Anh Gia nói đi.
Gia ngại ngùng như thể lần đầu
muốn nói tiếng yêu. Cố gắng nuốt xuống câu nói chàng muốn được thốt ra và được
nghe bởi người đối diện.“.. Tôi muốn được mướn chị Lan… làm vợ… trong suốt
phần còn lại của đời mình.”
Thế nhưng! Thời gian vẫn trôi.
Chị Lan vẫn đứng im chờ đợi… và chàng vẫn ngại ngùng, không thể tiếp tục cuộc
đối thoại dỡ dang…
Hồng Hoang
304Đen –
Llttm - VT