Đứa Em Tội Nghiệp
Một buổi chiều đầu tháng năm, chị em chúng
tôi đang ở nhà, ba má đi vắng, xe Công An tới đậu ngay trước cổng, bao vây
quanh nhà và lục soát rất kỷ đồ đạc trong các phòng. Chúng tịch thu một số bản
thảo do ba tôi viết, phần nhiều là hồi ký và những suy nghĩ cũa ba tôi về cuộc
đời tù đày, về triết lý chính trị, về chế độ bắt ông ngồi tù hơn bảy năm.
Chúng hỏi chị em chúng tôi về những người khách hay đến nhà, những người và
những nơi ba tôi thường lui tới. Nghi là chúng có thể bắt ba tôi như vẫn thường
xảy ra, Quỳnh nhanh chân chạy ra cầu Kinh, chờ ba má tôi về, báo cho biết và
dặn ba má tôi đừng về nhà nữa.
Ba má ở lại nhà một bà thầy bói mà má tôi quen thân, gần chợ Thị Nghè. Chỉ có
tôi là chị cả được lên thăm. Ba má tôi quyết định trốn đi, chỉ còn một cách là
vượt biên theo đường giây của người hàng xóm vừa đi lọt hôm tết. Ba má tôi định
đem theo cả hai đứa út nhưng tôi cản lại, chỉ cho một đứa. Cuối cùng thì bé Hí
được đi còn bé Bi ở lại với chị em chúng tôi. Khoảng cuối tháng Sáu, Diễm, em
gái tôi, ở Mỹ gọi điện thoại về báo cho biết là ba má đã tới Bidong. Chúng tôi
quá mừng. Thế là ba tôi thoát khỏi tù tội Cọng Sản một lần thứ hai nữa. Nhưng
bây giờ tất cả gánh nặng đổ lên đầu tôi vì tôi là chị cả.
Khi Diễm gọi về, chúng tôi được gọi ra Bưu Điện Saigon để chờ nghe điện thoại.
Nghĩ lại mà tức cười. Tôi chỉ vừa nghe: ỏAlô! Diễm đây!õ là Diễm khóc nức nở.
Tôi vội vàng la to lên ỏHà đây! Hà đây Diễm ơi!õ Rồi tôi cũng khóc, cả mấy em
tôi, đứa nào cũng giành lấy ống nghe, gọi tên và khóc. Chúng tôi chỉ nghe được
có mấy tiếng “Ba má đến Bidong rồi”, thế thôi! còn lại toàn là khóc. Chị em
chúng tôi xa nhau thế mà đã năm năm, vắng tiếng, vắng hình mà chị em chúng tôi
thì thương nhau lắm, đứa nào vắng nhà một ngày thôi cũng đã nhớ đã thương,
huống gì năm năm trời đằng đẵng.
Niềm vui gặp gở qua thật nhanh. Ở nhà vắng ba má, nhà vắng vẻ lạ lùng. Nhìn cái
gì cũng nhớ ba má cả. Ngoài sân, trong nhà, sau bếp, trên lầu, chỗ nào cũng
nhớ, cũng thấy có ba má. Ba má ngồi chỗ này, ba má ăn chỗ này, ba má nằm chỗ
này, ba má ở chỗ này… Chỗ nào cũng thấy ba má. Nhớ ba má và nhớ Hí không tưởng
được.
Ba ngày sau ngày đầu tiên, xe Công An lại đến. Lần này không xét nhà nhưng
chúng hỏi kỹ ba má đi đâu, đi bao giờ, đi bao lâu về. Chị em chúng tôi nói liều
là về Quảng Trị thăm ngoại bệnh. Ngoại già lắm rồi, hơn 90 tuổi. Nói vậy cho có
lý. Tháng đầu thì sợ, sợ ba má vượt biên bị bắt, nhưng nhờ ơn trên…
Tháng Sáu tháng Bảy, xe Công An đến liền liền. Chúng hỏi đi hỏi lại là ba má đi
sao lâu về, hỏi địa chỉ của ngoại ở Huế. Tôi nói dối là ngoại ở quê, chúng tôi
xa Huế từ hồi nhỏ xíu, không rõ. Nghe nói các bạn của ba như chú V. Chú S. đều
bị bắt cả, chú T. thì bị đánh chết trong tù. Cuối cùng, Công An biểu tôi về
Trung gọi ba má vào, chúng dụ là chỉ hỏi chuyện ba má thôi. Tôi nói là chị cả,
không đi được, bỏ em không ai coi sóc, tụi nó toàn là con gái. Công An bèn bắt
thằng em trai tôi, Bảo Long, biểu ra ngoài Trung gọi ba má về. Chúng tôi cũng
chẳng lo vì bây giờ biết ba má ở Bidong rồi.
Mấy hôm trước cô tôi xuống thăm, không nói gì, chỉ khóc. Cô tôi rất mau nước
mắt và rất thương ba tôi. Cô tôi dặn là coi chừng tụi nó sẽ xét nhà, tịch thu
nhà, có gì quí thì lo cất. Tôi và thằng em trai cạy miếng gạch bông trong phòng
ăn, lấy mấy lượng vàng lận vào lưng. Sau lần bị đánh tư sản và sau bao nhiêu
lần vượt biên bị bắt, bị gạt, của cải ba má cất dấu chỉ còn lại chừng đó. Nghĩ
mà thương ba má quá, một đời vất vã dành dụm, bỗng tài sản đi như nước chảy.
Công An phường lại đến tìm thằng em trai tôi, buộc phải đi Trung tìm ba má về.
Tôi sợ thằng em trai tôi dám bị bắt lắm. Công An bắt nó để ba má tôi trốn ở đâu
đó phải về. Nhân dịp chú Sáu, chú Mười ở Cà-Mâu lên thăm, hai ông là người tổ
chức cho ba má tôi đi, tôi lại biểu thằng em tôi đi. Sau mấy lần ngần ngại, nó
nghĩ là ba má đã đi rồi, trong nhà chỉ có nó là trai, còn lại toàn là chị em
gái nên nó không muốn đi. Nhưng sau lần Công An gọi nó qua phường, đe dọa, biểu
phải khai rõ ba má trốn ở đâu, còn không thì sẽ qui cho nó tội ngoan cố, bao
che phản động làm thằng bé sợ quá. Hôm sau, 3 giờ sáng, tôi đưa nó ra bến xe
Miền Tây, cho nó về Cà Mau theo đường giây cũ của ba má mà đi vượt biên.
Tội nghiệp thằng nhỏ ở cả tháng dưới ruộng mới đi được. Nó mà chịu ở ruộng lâu
như thế là nó sợ Công An lắm chứ cậu ta vốn dĩ là con trai độc nhứt của gia
đình có tới sáu chị em gái, đẹp trai, con nhà giàu, cả nhà ai cũng cưng, ăn
diện dữ lắm, chưa bao giờ phải khổ cả. Cũng tội nghiệp cho nó nữa: Ghe nó tấp
vào đảo Redang, nghe nói chỉ cách Bidong có một hòn đảo vậy mà nó bị kéo ra
khơi. Nó phá ghe để vào đất liền, lại bị kéo ra. Nó xin người ta cho nó vào
Bidong, bập bẹ mấy tiếng Anh “My parents are on Bidong, let me come there”
nhưng cũng bị đẩy ra. Ba lần như thế, nó cố đến với ba má mà không đến được.
Cuối cùng nó bị đẩy qua Indo. Bây giờ thì nó thui thủi một mình ở trại tỵ nạn
Galang.
Công An thấy vắng luôn thằng nhỏ, lại truy riết tới. Ngày nào Công An phường
cũng gọi tôi lên hạch hỏi, lấy cung, bắt làm tờ khai, kiểm điểm. Những thằng
Công An này thường đến uống cà-phê nơi quán tôi, để xã giao, tôi không tính
tiền. Vậy mà bây giờ chúng làm mặt lạ. Tính tôi đã lì, lại ỷ mình là đàn bà con
gái, tôi lại lì hơn. Ngày nào tôi cũng làm kiểm điểm giống ngày nào. Công An
tức lắm. Vã lại, tôi cũng muốn chọc tức mấy thằng này. Ba má và Bảo đi rồi, còn
lại năm chị em gái, chúng nó làm gì được? Chúng dọa tịch thu nhà vì nhà má tôi
đứng tên. Tôi dọa lại tôi sẽ dẫn các em ra trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố
khiếu nại. Chúng nó thách. Dù sao thì án chưa xử, chưa tịch thu nhà được, nhưng
nếu khi xử, dù xử khiếm diện ba má, chúng cũng sẽ lấy nhà vì luật lệ ở trong
tay chúng. Chúng viện cớ quán cà-phê má tôi đứng tên, tịch thu môn bài, đóng
cửa. Thật xui, quán mở chưa được mười hôm thì ba má trốn đi. Nhưng chị em tôi
cũng chưa đói. Bảo đi ngay gốc nên tốn chỉ hơn một cây, còn Diễm ở Mỹ, nghe chị
em tôi ở nhà loe ngoe với nhau, gởi tiếp mấy thùng quà, đủ tiêu chán. Có điều
chị em chúng tôi buồn lắm. Bỗng dưng gia đình ly tán, ba má một nơi, chị em mỗi
đứa một nơi. Chúng tôi không tổ chức party mỗi kỳ sinh nhật nữa. Mấy năm sau
khi ba ở tù về, ba má cho mở party nhảy đầm. Ba má nói ỏĐể cho các con được
vui!õ Ba má chỉ cấm không được làm ồn ào quá lắm, Công An lưu ý, còn ba má thì
bắt ghế giả bộ ngồi chơi trước cổng, canh chừng Công An để “các con được vui!”
Tình hình thế này thì chị em chúng tôi cũng phải đi thôi, không thể ở được nữa.
Chúng nó ghim nhà tôi kinh quá, ỏbao vây kinh tếõ kỷ quá. Không cho bán càphê
là chị em chúng tôi ngồi không tối ngày. Công An cứ gọi tôi hoài, cảnh cáo là
đi xa phải xin phép. “Không thì khó khăn đấy.” Đó là lời chúng đe dọa.
Chú Sáu, chú Mười lại lên. Sợ Công An, tôi gởi họ bên nhà cậu mợ, bàn với họ
cách cho chị em chúng tôi đi. Bi nhỏ không kể, bây giờ còn bốn chị em, không đủ
tiền ghe tàu cho tất cả. Tuy nhiên, nếu đưa vàng trước cho chủ ghe tổ chức thì
đủ, nhưng nếu không đi được thì coi như mất vàng. Tôi suy đi tính lại thật kỷ:
Ba má đi đường này, Bảo cũng đi đường này, an toàn. Chú Sáu và chú Mười thật
thà, đáng tin. Chỉ sợ gặp xui. Dù gì thì cũng phải liều thôi, như câu bà nội
hay nói đùa mà nay thành ra thật: ỏMột liều ba bảy cũng liều, cầm như con trẻ
chơi diều đứt dây.õ Diều đứt dây là coi như… không dám nghĩ tiếp. Chị em chúng
tôi tới đường cùng rồi, đi thì may ra thoát còn không đi thì coi như chết cứng
ở đây.
Từ khi ba má đi rồi, Bi tội lắm. Nó không chơi với trẻ con hàng xóm nữa, chỉ
chơi một mình. Đang ngồi, tự nhiên nó thừ ra, mắt nhìn vào đâu đâu, rồi Bi
khóc. Hỏi, Bi nói: ỏBi nhớ ba má và Hí lắm.õ
Đúng ra Tân Long là út. Tân sinh năm 1972. Mười hai năm sau, khi ba tôi đi ở tù
về, vừa đúng 49 tuổi. Má nói đàn ông 49 tuổi xui lắm, nếu má sinh một đứa nữa
thì sẽ xả xui cho ba. Vì vậy, năm đó, để xả xui cho ba, má tôi sinh liền hai
đứa. Cả nhà, và cả bà con nữa, ai cũng cười. Hai đứa nhỏ này cách chị nó, đứa
áp út những 12 năm, trong khi chị em chúng tôi cách nhau đều đều chỉ có 2 năm.
Hai đứa bé sinh đôi, lớn lên, ăn, chơi, ngủ với nhau nên thương nhau lắm. Vậy
mà bây giờ Hí thì đã đi, chỉ còn lại thui thủi một mình Bi. Nó rất người lớn,
không nhỏng nhẽo như trước, mỗi ngày đôi ba lần nó thờ thẩn nhìn đâu đâu, nghĩ
đâu đâu, rồi khóc, cũng khóc một mình, không quấy rầy các chị. Tôi nghiệp, nó
không còn cái vui hồn nhiên của trẻ thơ nữa. Năm tuổi đầu, Bi đã biết buồn đau
vì những ly tán, xa cách, nhớ nhung và âm thầm chịu đựng. Bi không còn bắt
chước các chị gọi đùa tôi là ỏHà ỏcheõ (ke)õ nữa (vì tôi gầy lắm), không gọi
“Bảo xún” (vì Bảo sún răng). Bi gọi đúng tên, nghiêm chỉnh. Nó mất đi cái tính
vui vẻ, đùa nghịch. Có khi nghe một bài hát quen, nó bỗng gọi tôi: “Hí biết hát
bài này, nó có hát đấy”. Tôi nhớ hai đứa nhỏ rất thích bài Ali Baba. Mỗi khi
quán càphê mở bản nhạc nầy ra, tôi thấy Bi thờ thẩn, nhớ nhung. Nó thường nhớ
những kỷ niệm khi hai đứa nhỏ sống với nhau. Bi chỉ còn một thú vui duy nhất,
chơi trò chơi điện tử. Đôi khi đưa Bi đi chợ, qua chỗ có trò chơi điện tử, nó
nằng nặc xin hai trăm đồng để vào chơi. Tôi đứng ngoài chờ. Nhìn cái lưng nhỏ
bé của nó đang ngồi chung với đám con trai trên dưới hai mươi tuổi mà tức cười.
Vậy mà chơi lúc nào nó cũng ăn. Mấy đứa trong phường mỗi lần thấy Bi, nói với
nhau: “Con bé đó, nhỏ vậy mà chơi điện tử hay vô cùng.” Bi giống chị em chúng
tôi, đứa nào cũng thông minh.
Mấy đêm trú nơi cửa biển chờ vượt biên, nó đã khôn lại khéo. Nó bảo là đi gặp
ba má phải mặc quần áo đẹp cho ba má thương, lại còn chuẩn bị đem quần áo sang
cho Hí. Nó nói là gặp Hí sẽ không gọi mày tao nữa, gọi là em Hí, xưng là chị
Bi, để khỏi bị người ta mắng là mất dạy. Buổi chiều hôm trước khi ra biển, tôi
nhờ bà chủ nhà mua cua về luộc ăn. Đòi ăn cái càng cua, Bi nói: “Đưa cái miệng
cua cho Bi” khiến mấy chị em tôi cười. Đêm ra đi, Bi tắm rửa, soi gương, chải
tóc, lấy rái tai, thay quần áo đẹp. Bi chuẩn bị đi thăm ba má kỷ đến thế.
Khi xuống ghe, ghe có mui, Vũ Long bồng Bi ngồi trong cùng. Chúng tôi ngồi ở
ngoài. Vì vậy, khi ghe lật, Vũ và Bi kẹt trong mui, không văng ra khỏi ghe như
mấy chị em. Mọi người bám vào ghe. Tôi đứng trên lưng ghe, lạy lục, van xin,
người ta chui vào ghe cứu các em tôi. Quỳnh, Tân lên được trên lưng ghe, còn
tỉnh. Khi lôi được Vũ ra ngoài thì nó bất tĩnh rồi, bụng đã phình lên vì uống
nhiều nước. Vì bất tĩnh nên Vũ không giữ được Bi, Bi chết trong tay Vũ.
Người ta vớt mấy chị em chúng tôi đưa lên ghe lớn. Vũ được hút nước, làm hô hấp
nhân tạo, cả tiếng đồng hồ sau mới tỉnh lại. Mấy chị em ôm nhau mà khóc sướt
mướt, thương Bi quá, và thương thân nữa. Thương Bi nhiều nhất. Vượt biên dễ sợ
quá, kinh hoàng quá, ghê gớm quá! Chúng tôi ở trên ghe chờ suốt đêm hôm đó, qua
hết ngày hôm sau để người ta tìm xác Bi. Nếu tìm được, tôi sẽ nhờ chủ tàu đem
Bi về chôn, chúng tôi tiếp tục đi. Đến Bidong không có Bi biết ăn nói với ba má
ra làm sao?! Nếu không tìm được xác Bi, chúng tôi sẽ quay về, cố tìm xác em để
chôn em vào đất cho được ấm áp. Tội nghiệp cho đứa em bé nhỏ của tôi, âm thầm
chịu đau đớn vì ly tán, vì thương nhớ, âm thầm đi vào cõi chết, không một tiếng
khóc đau đớn, không một tiếng than cho số mệnh, không một lời nhỏng nhẽo, một
cái chào tay giã từ, nhớ lời Vũ Long nói, Bi chỉ kêu lên mấy tiếng “Ba ơi, má
ơi” trước khi nước tràn vào ngập cả mui ghe.
Chiều hôm đó, không tìm được xác Bi, người chủ tàu đem ghe ra đón mấy chị em
chúng tôi về. Ngày ra đi vui tươi, hy vọng bao nhiêu thì ngày về buồn bả và đau
đớn bấy nhiêu! Năm chi em gái đã thiếu một đứa nhỏ nhất, bé bỏng nhất, dễ
thương nhất.
Ba giờ sáng, người chủ ghe đón tàu đò cho chúng tôi về Cà-Mâu. Chúng tôi sẽ ở
lại đó chờ tìm xác Bi, chôn cất xong, chúng tôi mới về Saigon. Nhà chắc không
còn. Chúng tôi khóa nhà đi đã hơn mười ngày. Công An đang ghim nhà tôi, thấy
vắng, chắc chúng sẽ niêm phong. Nhà không còn, tiền bạc cũng không còn, chúng
tôi sống bằng gì bây giờ. Nhưng vì thương em, thế nào chúng tôi cũng phải về.
Người ta bọc xác Bi trong một cái áo mưa nylon, đóng vội cái quan tài bằng sáu
miếng ván thuyền, chôn ở một khu rừng nào đó, tại một cửa sông nào đó … Bi nhỏ
bé của tôi, Bi dễ thương của tôi, Bi “sinh sau đẻ muộn”, Bi đến muộn màng trong
gia đình mấy chị em chúng tôi, Bi ra đi vội vàng trong gia đình mấy chị em
chúng tôi, và rồi Bi đã nằm lại đó, ở một cửa sông, giữa một khu rừng đước hoang
dại, cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo. Ôi, Bi yêu dấu; tội nghiệp cho Bi của tôi biết
bao nhiêu!
&
Sáu tháng sau, tôi nhắn người chủ tàu lên, đưa tôi về bốc mộ cho em. Ngày đi,
có Vũ Long đi theo, phòng khi tôi bị ngất xỉu vì đau đớn. Tôi về ở lại nhà
người chủ tàu. Bốn giờ sáng, tôi, Vũ Long, người chủ tàu và hai người làm công
chèo thuyền ra cửa sông. Tôi ngồi trên ghe, nghĩ đến đứa em bé nhỏ tội nghiệp
mà nước mắt cứ tuôn ra ròng ròng. Tôi thấy Vũ Long cũng lau nước mắt. Hai chị
em âm thầm khóc. Gần tới cửa sông, ghe rẻ vào một con rạch. Đi càng xa, rạch
càng nhỏ dần, hai bên là rừng hoang. Sợ Công An, người ta đã đưa em tôi vào
đây, chôn dấu một cách lén lút, vội vàng. Ngôi mộ được đánh dấu bằng hai cọc
cây: Một cao đằng đầu, một thấp đằng chân. Đầu em tôi quay về hướng nam, hướng
đảo Bidong, nơi ba má tôi đang sống trong trại tỵ nạn. Không biết vô tình hay
cố ý, người ta đã chôn em tôi hướng về phía ba má tôi. Đất mềm và ướt, chỉ cuốc
một chốc, tiếng cuốc đụng nhẹ vào nắp hòm một tiếng cộp nhẹ, tiếng dội nhẹ đập
thẳng vào tim tôi. Tôi kêu lên hai tiếng “Bi ơi” và khóc nức nỡ. Vũ cũng khóc.
Tôi cố chồm tới để cố nhìn vào quan tài nhưng người chủ ghe giữ tôi lại, bảo
tôi khóc nhỏ, sợ Công An, du kích nghe thấy, tìm tới thì bị bắt cả đám. Một lúc
sau, quan tài được đưa lên mặt đất, ván còn nguyên, chưa mục. Tôi lại nhoài
người tới để xem em tôi nằm trong hòm nhưng người ta lại không cho. Tôi ngoan
ngoãn ngồi yên. Tôi nghĩ tới nỗi đau đớn khi nắp hòm cạy ra và Bi nằm yên lặng
trong đó. Tôi nhắm mắt và cố nghĩ tới ba má. Nghĩ tới ba má sẽ vơi đi những nỗi
khổ đau…
Ba má ơi! Nếu con đưa được em về thì coi như con đã làm tròn phần nào bổn phận
đối với ba má. Con tưởng là con đem em đi cho ba má được gặp em, cho ba má đỡ
nhớ, đỡ thương, cho ba má được gần gủi đứa con ăn sau chạy dọi bé nhỏ tội
nghiệp mà ba má thương lắm, cho hai chị em sinh sau muộn màng được gặp nhau,
được ăn uống vui đùa cùng nhau. Ngờ đâu hôm nay con lại đưa em về, cũng lén lút
như khi đưa em đi. Người ta đang sắp những lóng xương, đốt xương nhỏ bé tội
nghiệp của Bi vào cái rương thiếc con đã mua sẵn. Khuôn mặt dễ thương ấy, bàn
tay bàn chân nhỏ nhắn ấy, giờ đây chỉ cò lại những cái xương vô tình, còn đâu
da dẻ hồng hào trắng muốt của em.
Ba má kính yêu,
Hí phiêu
bạt của chị Hà,
Con đã lén lút đưa em về, và lại một lần nữa
lén lút đem chôn em bên mộ bà nội. Con đã khấn trước mộ: “Nội ơi! Bây giờ ba má
đi xa mà em thì côi cút. Con đưa em về ở với nội, gởi cho nội gần gủi hôm sớm
để nội chăm sóc cho em, để em vui đùa với nội. Tối tối, nội sẽ hiện lên ngồi
trên mộ, em sẽ bắt chí cho nội như mẹ con Cúc Hoa ngày xưa. Đến khi gà gáy
sáng, em và nội sẽ về lại cõi âm. Có lẽ em sẽ hỏi bao giờ thì ba má về thăm
nội, thăm em. Nội cứ liệu mà trả lời cho em khỏi buồn!
Ba má kính yêu,
Hí phiêu
bạt của chị Hà
Sau khi
chúng con về, nhà đã bị tịch thu nên chị em chúng con không về nhà cũ nữa. Nhà
không còn mà chị em cũng không muốn trở về lại căn nhà dấu yêu và quá nhiều kỷ
niệm ấy! Để sống, chúng con phải chạy trốn kỷ niệm. Ba má tha lỗi cho chúng
con.
Tết vừa
qua, chỉ có bốn chị em chúng con ở với nhau, nhớ ba má, nhớ Hí, nhớ Bảo, nhớ
Diễm vô cùng. Nhiều đêm bốn chị em nằm ôm nhau
mà khóc. Con khóc ít nhất vì con là chị cả, nhưng con cũng ngủ sau cùng khi các
em khóc nhiều, mệt và ngủ thiếp đi, cũng vì con là chị cả.
Một năm
sau ngày ba má đi, nhiều sóng gió quá mà chị em chúng con thì cô quạnh quá. Ba
bị ở tù Cọng Sản 7 năm, vắng ba còn có má. Bây giờ thì vắng cả ba lẫn má.
Một năm
qua, một năm kinh hoàng, đau khổ và cô đơn. Kinh hoàng, con không sợ vì chị em
chúng con sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, đã quá quen với
bao nỗi kinh hoàng. Kinh hoàng vì năm ngàn người bị giết ở Huế hồi tết Mậu
Thân, lúc gia đình mình còn ở ngoài ấy, con mới 5 tuổi; kinh hoàng vì ngày 30
tháng Tư, con mới mười ba tuổi. Đau khổ, con cũng không sợ, vì con chấp nhận
triết lý Phật giáo, ỏĐời là bể khổ, nhưng chị em chúng con rất sợ cô đơn. Xa ba
má, chúng con rất cô đơn. Tất cả chị em chúng con đều sợ cô đơn. Ba má nhớ thư
Diễm viết về khi nó ở Bidong năm 1984 không: “Tối qua, lúc ba giờ, giật mình
thức dậy, cảm thấy bơ vơ và nhận thấy một cách rõ rệt và đau đớn rằng giờ ba má
đã xa rồi, các em đã xa lắm rồi. Mai đây và dài lâu nữa, con một mình sống cuộc
đời của kẻ tha huơng, biết bao giờ con mới gặp lại ba má và các em…”
Giờ thì “ba má đã xa lắm rồi!”, đang lạc loài
nơi đất khách, lưu đày nơi xứ lạ, sống đời vong quốc. Bốn chị em chúng con ở
đây, ngay trên quê hương mình, cũng đang chịu kiếp lưu đày. Lưu đày ngay chính
trên quê hương mình, đó là câu của Saint Exupery mà ba thường nói khi còn ở
nhà. Bây giờ mấy chị em sống côi cút với nhau lại càng thấm thía lời ba nói,
đau xót cho ai bị lưu đày ngay chính trên quê hương mình.
Hôn ba
má và Hí ngàn vạn cái.
Hà Long
Hoàng Long Hải
304Đen –
Llttm - VT
No comments:
Post a Comment