Friday, November 24, 2017

Nát Ruột Mà Không Đau - Đậu Nữ Vệ


Nát ruột mà không đau

 


Thân tặng những người cầm bút

 

    Chị quyết định xuống xe về thị trấn Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, để thăm một người bạn. Người mà chị ghé thăm lần này là người đàn ông làm nghề viết. Nhuận bút ít, nên anh bỏ nghề để mở quán cà phê, nơi chính ngôi nhà bố mẹ anh để lại, nằm sát con lộ đông đúc người qua. Năm mươi tuổi, sống một mình, vừa chủ quán, vừa tiếp viên. Người vợ anh cưới về đã bỏ ra đi cùng với cô con gái nhỏ ? Anh không ý thức được đứa bé kia là con của anh hay là con riêng của vợ anh. Điều này có trời mới biết ? Anh cũng không định nghĩa được vì sao cô ta lại chấp nhận lấy anh rất dễ dàng ? Có lúc anh lờ mờ hiểu rằng cô ta lấy mảnh đất anh đang sống làm chồng chứ không phải là anh! Cuộc sống cằn cỗi, èo ọt lặng lẽ trôi đi. Mảnh đất vàng sát con đường lộ không được cày xới đúng hướng vẫn nằm ì ra đó. Anh nảy sinh ý tưởng buôn bán sách cũ. Họa may có nhà văn nào đi tìm mua chính tác phẩm của mình là anh lời to. Anh mua tất cả các cuốn sách có tên nhà văn từ nổi tiếng đến mờ mịt. Quan chức bây giờ không có thì giờ để đọc sách, họ còn phải lo nhiều việc cho dân ! Kẻ không lo được cho dân thì bận tìm cho mình các điểm tắm hơi, mát xa xoa bóp. Cậu ấm cô chiêu đưa nhau đến vũ trường, động lắc để nhảy nhót và đua xe. Nông dân bận kiếm chút cơm, tí mắm. Thanh niên, trẻ em ở nông thôn tham chăn trâu, giữ bò, làm đất, gặt hái, cắt cỏ phụ giúp gia đình. Thanh niên thành phố bận rộn với bạn bè, nhậu nhẹt, cà phê cà pháo. Những người thích đọc sách đang gồng mình trên các giảng đường, học chính khoá, học thêm!

Sách bán ra chẳng ai mua! Nhà văn đói!

 
Khổ thân các bà đồng nát oằn mình lên để gánh sách từ muôn nẻo đổ về. Nhiều nhất vẫn là sách thu gom trong các gia đình quan chức, giàu có, trí thức ở thành phố! Không bán đi để cho chật nhà sao? Sách cũ nhưng vẫn còn mới, vì chưa ai giở trang nào. Nhiều cuốn có lời đề tặng rất nắn nót, kèm theo chữ ký trân trọng của nhà văn. Họ bán cho anh mỗi cuốn vài ngàn đồng, vẫn có lời cho người thu gom đồng nát, vì họ mua theo cân, giá phế liệu. Người đáng thương nhất vẫn là các nhà văn. Bỏ công ra hàng năm trời, thức đêm, trăn trở, vận động hết chất xám để viết ra một cuốn tiểu thuyết, tập truyện ngắn, đem đến nhà xuất bản thẩm định, biên tập, xét duyệt, cấp phép, rồi mới được in. Lệ phí xuất bản, tiền in, thuế giá trị gia tăng khi in, thuế giá trị gia tăng phát hành, giá thành mỗi cuốn lên tới vài chục ngàn đồng chứ không ít. Quen biết thì phải gửi tặng, lại tiền bưu điện chuyển đi. Thời đại bây giờ thành phố dùng bếp ga, bếp điện, chẳng ai dùng giấy nhóm lửa như ngày xưa. Cầu tiêu dùng loại giấy này sẽ tắc! Giá như họ xé ra gói ớt bột, hạt tiêu, thêm tí chút gọi là phục vụ cộng đồng cho đỡ tủi mặt, còn hơn nằm chỏng gọng ở quầy bán sách cũ chờ ngày tái chế hoặc nuôi lũ gián và mối mọt.

 
Chị tần ngần đứng trước nhà anh và tự hỏi lòng xem có tác phẩm nào của chị trong mớ sách hỗn độn kia không? Chị tưởng tượng ra cuốn sách có lời đề tặng và chữ ký của chị nằm trong quầy sách cũ nào đó ở Hà Nội? Chị nín thở đến căng cứng người lại.

 
Anh vồn vã đón chị, pha cho chị ly cà phê. Chị nhờ anh tìm cho cuốn sách của nhà văn quá cố mà chị rất ngưỡng mộ. Trải qua một cuộc xào xáo, lục tìm thì ôi chao ! Cuốn sách của chị có đầy đủ chữ ký và lời đề tặng, hiển hiện ngay trước mặt ! Chị oà khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc !./.

 
Đậu Nữ Vệ

Người chuyển bài - HNTN

No comments: