Lẩn thẩn chuyện Saigon: Chuyện Một-
Tô phở ngày 30 tháng tư
Ngày 30 tháng tư. Cả nước nghỉ mừng ngày thống nhất. Tôi thấy những tấm
‘paneaux’ lớn người ta dựng trên nóc các building ở vòng xoay ngả sáu Phù Đổng
đối diện Starbucks. Một tấm “nổi bật” đập hẳn vào mắt tôi cái cảnh chiếc xe
tăng Trung Cộng húc đổ cánh trái cửa cổng dinh Độc Lập. Hẳn là đâu đó ở trên
khấp dải đất này, người ta đang đọc diễn văn chúc tụng ngày và những người có
công thống nhất đất nước. Và cũng chắc chắn là bên kia bờ Thái Bình Dương, số
người Việt lưu vong đang khóc ngày Quốc Hận. Đất nước tôi vẫn là hai nửa đối
kháng kể từ hiệp định Genève năm 1954. Chỉ khác là bây giờ biên giới không còn
là vĩ tuyến 17.
Hôm nay ngày 30 tháng tư tôi đi ăn phở. Chính xác hơn là đi ăn phở Tàu
Bay!
Tôi đến quán trên đường Lý Thái Tổ kế nhà thờ Nam Hà, đối diện bệnh viện
nhi đồng. Hai quán kề sát nhau cùng chung một bờ tường đều kẻ chữ: Phở Tàu Bay.
Quán sát hẻm -là vị trí nguyên thủy của phở Tàu Bay năm xưa- với nhân viên phục
vụ mặc áo vàng. Quán bên cạnh: áo xanh. Cả hai đều ghi rõ dưới bảng hiệu: Phở
Tàu Bay Chính Gốc. Hoặc Quán Cũ không chi nhánh gì gì đó!
Như ngày xửa ngày xưa khi tôi nằm khểnh đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim
Dung. Ở những chương đầu, tôi không biết phe nào: Kiếm Tông hay Khí Tông mới là
đại diện cho chính phái Hoa Sơn? Giờ đây tôi cũng hoang mang chẳng rõ quán nào
là quán của ông chủ có chiếc mũ phớt của lính tàu bay thời đệ nhị thế chiến?
Gần nửa thế kỷ trước, có rất nhiều sĩ quan VNCH đã phải lựa chọn, phải
quyết định vận mệnh của mình trong đường tơ kẽ tóc để rồi hoặc ở trong trại cải
tạo hoặc ở Port Chaffee. Bây giờ đây, tôi đứng trước hai tiệm phở Tàu Bay kề
sát nhau. Cả hai đều kẻ bảng phở Tàu Bay chính gốc. Tôi phải quyết định một lần
trước khi được …ăn phở chính gốc!
Trong một tích tắc, chẳng hiểu vì lý do gì, chẳng biết là đã suy nghĩ ra
sao, chỉ sau vài giây ngần ngừ, tôi bước hẳn vào quán bên phía bên tay phải.
Quán hẹp và ngắn. Chỉ một hai bước sải là đến chân cầu thang dẫn lên
lầu. Khách ngồi chật tầng dưới. Tôi bước tiếp lên cầu thang và chợt gật mình vì
khuôn mặt quen quen. Chừng như một phản xạ, tôi quay người chìa tay cho một
người đàn ông áo thun trắng quần khaki vàng sậm với một bao da ở thắt lưng: Ông
có phải là ông Khang? Chính xác! Người đàn ông vui vẻ trả lời. Khuôn mặt cởi mở
bừng lên với một nụ cười hiền lành.
Ông Khang bắt tay tôi và có vẻ hơi ngỡ ngàng trong ánh mắt bởi tôi không
có vẻ gì là khách quen của ông hay của ba ông ngày xưa. Ít ra là bằng cái đánh
giá đầu tiên qua số tuổi.
Nhưng ông không hỏi. Ông mời tôi lên lầu vì khách đã đầy ở tầng dưới và
chúc tôi ăn ngon miệng.
Tôi ăn lại tô phở Tàu Bay của gần nửa thế kỷ trước. Tô phở ngon. Thơm.
Nhưng tôi ăn lại kỷ niệm nhiều hơn ăn phở. Tô phở không có giá theo cả nghĩa
đen lẫn nghĩa bóng. Người Bắc xưa lúc di cư vào Nam chỉ ăn rau muống chứ không
ăn giá!
Tôi ngày ấy chỉ là cậu học trò nhỏ ngày ngày đạp xe ngang qua tiệm phở
ngửi mùi thơm từ tiệm bốc ra. Hiếm họa năm thì bảy lượt tôi mới có chút tiền
còm mẹ cho để đường hoàng bước hẳn vào tiệm kêu tô phở. Thành thật mà nói, tôi
không tài nào nhớ được cái hương vị của phở Tàu Bay ngày xưa. Tôi nghĩ tôi ăn
lại đúng cái hương vị cũ qua khuôn mặt của ông chủ quán. Ông chính là nhãn hiệu
cầu chứng tại tòa của phở Tàu Bay gia truyền Saigon xưa!
Chỉ đến khi tôi mua mấy tô mang về cho mẹ và cô em gái, ông Khang mới
đến ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi ông về chuyện hai tiệm Tàu Bay kề vai sát
cánh với nhau. Và ông điềm đạm kể cho tôi chuyện gia đình ông. Chuyện của sự
vui vầy sum họp Bắc Nam sau 21 năm chia cắt. Chuyện của những người anh em ông
từ phía bên kia vĩ tuyến 17 vào Saigon. Chuyện của sự chia cắt không ở biên
giới địa lý mà là ở sự cắt chia của trái tim.
Tôi cảm ơn ông vì đã chia sẻ chuyện nhà cho tôi. Và từ biệt ông.
Ông Khang nhã nhặn bắt tay tôi từ biệt. Ông dặn hâm nước dùng riêng
trước khi đổ vào tô bánh và thịt. Ông gọi taxi trước cho tôi, và cho một chú bé
xách hai cái bọc nhựa chứa những tô mang đi ra tận taxi. Ông chẳng nhớ tôi đâu.
Làm sao ông nhớ được chú bé gần nửa thế kỷ trước chỉ đạp xe ngang tiệm phở của
ông? Ông chỉ đối xử đặc biệt với tôi vì tôi "biết" tiệm phở của Ba
ông, và giờ là của ông.
Ông kể quán bắt đầu "lộn xộn" kể từ khi 3 người con từ miền
Bắc vào nhận họ hàng vào những năm 80. Và kết quả ông Khang là người thua cuộc.
Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bố ông di cư vào Nam năm 54 mang theo tiệm
phở. Và ông mặc nhiên là người miền Nam, phía thua cuộc. Những người anh em của
ông từ bên kia vĩ tuyến 17 vào dành được phần nhà sát hẻm, khiến ông trở thành
người thua cuộc lần thứ hai. Ông kể bằng cái giọng Bắc quen thuộc của những
người di cư tôi từng biết vào những năm xưa ở Bảy Hiền, ở xứ đạo Nam Hà trên
đường Lê Văn Duyệt. Giọng ông đều đều trải đời với cái nhẫn của kẻ thua cuộc.
Tôi nhìn ông cảm khái. Có chút chạnh lòng khi nhớ lại những tháng ngày
sau 75 tôi cũng bị đối xử phân biệt vì là con cái của sỹ quan VNCH. Người Cộng
Sản đối xử công bằng với những người thua cuộc không phân biệt già trẻ lớn bé.
Tôi tuy là trẻ con nhưng lại là con của phía những người thua cuộc. Ông Khang,
may mắn hơn tôi, bố ông chỉ bán phở. Nếu không chắc cũng tàn đời trong trại cải
tạo rồi.
Vậy thì bây giờ đây tôi cho bạn biết: quán sát hẻm, áo vàng là quán của
phía thắng cuộc. Thắng cuộc hai lần theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quán còn lại
dĩ nhiên là phía thua cuộc. Bạn chọn vào quán nào theo ý thức hệ của bạn là tùy
hỉ. Tôi không muốn lên gân. Chỉ là một tô phở thôi mà. Có gì đâu bạn nhỉ?
Tôi cũng không vơ đũa cả nắm. Đã có nhiều kẻ thắng cuộc vỗ ngực (xưng
danh) "đỉnh cao trí tuệ". Và cũng có kẻ thắng cuộc ngồi tỉnh táo viết
sách đúc kết những đúng sai của chính mình. Cũng có một vị cảm khái trong ngày
30 tháng tư là "cũng có triệu người buồn". Đã bao năm trôi qua. Đã
bao nhiêu dâu bể, bao nhiêu nướ chảy qua cầu. Cả thế giới đều biết đến cái
thông thái "đỉnh cao trí tuệ" ấy rồi. Nói làm gì nữa thêm thừa. Bạn
cứ tự đúc kết và rút ra kết luận cho chính mình.
Tôi đi giữa nắng Saigon ngày 30 tháng tư. Tôi thấy phố. Tôi thấy cờ.
Nhưng tôi không thấy mưa sa như người Trần Dần năm xưa. Chỉ thấy tràn căng mầu
nắng chan hòa. Thứ nắng khỏe mạnh của xứ nhiệt đới. Nắng. Nắng chói kinh thành.
Nắng chói lọi Saigon thành phố phương nam một thời là kinh thành của Việt Nam
Cộng Hòa cũ.
Tôi đi ngang nhà thờ Nam Hà. Và nhớ lại những ngày sau 30 tháng tư gần
nửa thế kỷ trước. Những thanh niên với băng đỏ trên cánh tay hăm hở dồn những
đống sách vun cao châm lửa đốt trong sân nhà thờ. Lửa bốc thành ngọn khét mùi
da thuộc của những bìa sách quí. Tôi nhớ đến lửa cháy ở kinh thành Hàm Đan 2000
năm xưa. Sách Xuân Thu nói là Hàm Đan cháy suốt ba tháng ròng. Và các sử gia
chép vào sách những chuyện phần thư khanh nho của Tần Thủy Hoàng, người có công
thống nhất cả một đất nước Trung Hoa mênh mông rộng lớn.
Bạn đừng lo. Cứ nhìn lại 2000 năm lịch sử đi. Có triều đại nào tồn tại
vĩnh viễn đâu? Chỉ tồn tại một lịch sử. Và lịch sử sẽ phán xét hết thảy từ
những chuyện ở cấp quốc gia đến tận cấp …phường! Những ai bán nước những ai
thương dân. Ai là "ngụy" ai là đạo tặc.
Con cháu Việt nhiều trăm năm sau sẽ đọc sử và biết những bậc anh hùng,
những kẻ lưu xú vạn niên.
Chuyện Hai- Cafe Saigon và QB
Dù bạn ở phía triệu người vui hay ở phía triệu người buồn, chuyện bạn
tìm đến một cái quán nào đó trong muôn vàn quán xá ở Saigon để uống một ly cà
phê mừng ngày thống nhất hay để suy tư tưởng niệm chuyện lịch sử là khả năng có
thể xảy ra. Tôi xin hầu bạn một chuyện vui chứ không nửa vui nửa buồn như
chuyện trên. Và dĩ nhiên là bài này cả hai phía triệu người vui triệu người
buồn đều thấy hay hoặc dở như nhau. Không phân biệt chính kiến hay ý thức hệ.
Và muốn thanh thản đón ngày mới bằng cách đơn giản là ngồi bên ly café
ngắm ngày lên với nhau, bất kể là phía thắng cuộc hay thua cuộc một cách bình
đẳng, bạn phải cất kỹ ý thức hệ của bạn vào trong cặp, phía thắng cuộc chớ có
tinh tướng theo cái kiểu đánh đuổi “mỹ ngụy”, phía thua cuộc cũng đừng cay cú
vì Mỹ bỏ rơi đồng minh gì gì đó nữa. Ta
ngồi lại với nhau. Đơn giản là hai người Việt. Ta thiệt thòi quá nhiều vì quyền
lợi kinh tế và chính trị của các nước khổng lồ Mỹ Nga Trung Hoa rồi.
Bên ly café, cái bình đẳng ấy tôi nghĩ là
dễ dàng. Tôi không dám mơ cái bình đẳng ấy trong chính trị. Và chắc là phải vài
thế hệ con cháu nữa ta mới thủ đắc được nền dân chủ thực sự với ba quyền Hành
Pháp Lập Pháp Tư Pháp độc lập, và một tổng thống Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn
Tấn Dũng nào đó do dân bầu lên, đẹp trai cao ráo như ông Clinton hay Obama!
Còn chuyện Hàm Đan và cung A Phòng trong sách Xuân Thu Chiến Quốc, sách
ấy tôi đọc từ bé và hẳn là kể lại thiếu chính xác. Tôi biết tôi thiếu cái chính
xác vô tư của một sử gia. Bạn bỏ qua cho.
Mai Xuân Vỹ
Người chuyển bài – HNTN
No comments:
Post a Comment