Saturday, May 26, 2018

Trư Cuồng (2) - Nguyễn Xuân Khánh


Trư Cuồng 2



 

Ngày … tháng…

Sáng sớm, vợ tôi bảo:

- Anh ơi! Hết gạo rồi. Anh cố xoay hai chục để em mua yến sắn cho con ăn.

Tôi gắt um lên:

- Ăn gì mà như thuồng luồng! Tháng này đã đong thêm hai yến mì mà vẫn thiếu. Giết ai ra tiền bây giờ?

Vợ tôi cũng cáu kỉnh:

- Ai ăn? tôi ăn à? Anh hỏi con anh ấy: đứa nào ăn? Nếu anh không muốn cho con ăn thì khâu mồm chúng nó lại.

Nghe tiếng vợ chồng tôi vặc nhau, lũ lợn tưởng đến giờ ăn, bỗng rít lên cả đàn. Giọng đồng ca lợn nghe mà nẫu ruột. Tôi còn chục bạc, hôm qua đã đi mua năm đồng bạc cua về làm mắm cho lợn ăn rồi. Vậy bây giờ xoay tiền ra sao? Vặc với tôi xong, vợ tôi hầm hầm dắt xe ra cửa. Tôi nhẫn nhục, quay ra sân, pha cám lợn. Và trong khi tôi cho lợn ăn, thì thằng con lớn của tôi cầm đàn ghi ta, hát một bài dân ca Pháp:

Xa em rồi, tim tôi sầu úa …

… Xa em rồi, chìm trong biển nhớ

Tiếng lợn đòi ăn, hòa với tiếng ghi ta nỉ non, nghe mới thật nẫu lòng. Tôi cho lợn ăn xong, vào nhà, thì thấy thằng con của tôi đã nằm dài đọc một cuốn sách triết học Ấn Độ: ”Nhất nguyên thế giới“; một cuốn sách rất siêu linh nói rằng ta và thế giới là một; có thể nói cuốn sách là một vết cắt rạch đôi sơn hà, nói lên cái khác giữa triết phương đông và triết phương tây, nói rằng triết phương tây băm vằm thế giới ra làm muôn mảnh để soi để ngắm; à… cũng có thể nói cuốn sách muốn ngụ ý tôi với lợn chẳng qua là một… Nhưng mà… Tôi còn đâu bụng dạ để suy ngẫm tới những lẽ đời thâm thúy đến như thế. Lòng tôi như đang trong cơn bải hoải. Tôi mệt mỏi bước vào nhà, nói như van xin với thằng con:

- Linh ơi! Mày không thấy sốt ruột sao? Giờ này, mà mày vẫn nằm dài đọc triết học sao?

Linh uể oải:

- Bố cứ yên chí.

- Yên chí! – tôi đai lại một cách chán ngắt.

Tôi bỗng buồn thiu, trèo lên gác xép, kéo chăn đắp, nằm dài để cho lòng dịu xuống để cho khuất mắt, để cho những bực bội lắng đọng, rồi hòa tan trong im lặng. Và tôi chập chờn, nửa mơ, nửa ngủ. Trong phút chập chờn đó, tai tôi bỗng vẳng nghe như thấy tiếng của Tám nói trầm trầm:

- Ta hãy sống như con lợn ỉ… Hãy chỉ biết ăn – Ăn toàn bèo cũng được.

Cứ ăn cho đến lúc cái bụng ta to bằng cái thúng, và thế là cảm giác no nê, thỏa mãn, hạnh phúc sẽ đến. Tuyệt đối chớ nên suy nghĩ, vì suy nghĩ là mầm tai ương … Đấy, lý thuyết sống bây giờ là thế.

- Anh định nói mỉa tôi sao? Thôi câm lặng đi hỡi anh chàng bẻm mép, hỡi triết gia lợn.

Và tôi bực dọc, ngồi nhỏm dậy. Không trông thấy thằng Linh đâu. Chắc nó cũng chán đọc sách rồi, và lại đi chơi rông dài với bọn bạn. tôi buồn. Buồn thì ra xem lợn ngủ – đó là thú giải trí của tôi.

Trong chuồng, ba con lợn ỉn mỡ màng, bụng căng như ba cái trống, đang cưỡi lên nhau mà ngủ. Ba con lợn dáng thỏa thuê phè phỡn, nằm tênh hênh ngáy pho pho. Ba con lợn đen và loang, nhưng lông thưa để lộ làn da bóng, mọng và hồng lên như quả bồ quân… Còn con lợn Bò – vét- đĩa thì thảm hại, răn rúm, lông xù vàng quạch, đang nằm phía dưới gần chỗ cứt đái, nó cố ghếch mõm vươn tới cái ổ rơm, mong hưởng một chút hơi ấm thừa.

A! Khá thật! Chú Bò – vét – đĩa đã quỵ luỵ và lân la để được phép nằm dưới chân bọn lợn ỉn rồi. Con lợn Bò dạo này đã có tí chút da thịt. Bụng nó bụng ngựa nhưng đã to phinh phính. Nó chịu khó “vét đĩa” thật. tôi quan sát và nhẩm ước lượng. Này đừng coi thường, có lẽ nó đã “vét đĩa” được mmột lượng thức ăn gấp đôi lần những chú lợn ỉn. Thức ăn thừa ở máng, trước khi nó về, mỗi bữa còn thừa rất nhiều, nay sạch sành sanh.

Tôi đang mải say sưa ngắm đàn lợn, bỗng thấy tiếng thằng Linh nói phía sau. tôi quay lại. Cậu sinh viên của tôi, từ dưới hồ lướt thướt bước lên, giọng tươi tỉnh:

- Này, bố xem … Con đã bảo là bố cứ yên chí. Bố tính, chừng này cua và ốc, có đáng giá hơn chục bạc không? Bốn cân ốc, mỗi cân đồng rưỡi, vị chi là sáu đồng. Gần trăm con cua cũng ngót nghét mười đồng.

Tôi lặng im, cúi đầu. Còn thằng Linh, sau khi thay quần áo, lại tiếp tục leo lên giường và quần nhau với ông triết học.

Ngày… tháng…

Ngày mồng một tết, vợ tôi đánh đổ nước mắm; mẹ tôi bảo đó là điềm xấu, quả nhiên dạo này vợ chồng tôi hay cãi nhau. Mẹ tôi thỉnh thoảng cứ hay nhắc lại, cho rằng nguyên nhân chính của những vụ lộn xộn eo óc là do Tết đổ nước mắm. Thằng Linh thì hài hước hơn bà, nó bảo năm nay là năm khỉ, loài nhăn nhó, năm của những gia đình lủng củng bê bối.

Vợ tôi đi làm suốt ngày, chiều tối về, lại sắn quần vào cuốc đất ở những chỗ đầu trâu mõm bò cuối hẻm, nơi có những ao tù đặc quánh nước cống, và những đàn muỗi vo ve như ong ngay cả ban ngày. Ở ruộng về, khi cả nhà ngồi vào mâm, thì vợ tôi lại đủng đỉnh gánh nước giặt rũ. Thành thử hôm nào cũng phải phần cơm bà ấy. tôi rất bực về chuyện này. Đi làm cả ngày chẳng nhìn thấy mặt chồng, mặt con; có bữa cơm là lúc gia đình tụ họp, lại còn đủng đỉnh, chẳng thèm ăn. Hết con lớn mời, lại con bé mời… Có lẽ cô không thiết đến cái gia đình này nữa?

- Tôi lăn xương, sả thịt ra đến thế này mà anh còn bảo tôi không thiết đến gia đình. Còn anh anh thiết đến ai? Lúc nào cũng lợn, lợn, lợn. Anh thử ngẫm xem, anh còn coi lợn hơn cả vợ anh nữa chứ.

Cái giọng dài ra của cô ấy, rồi khuôn mặt tái lại, rồi ánh mắt sáng lên lạnh ngắt làm không gian nhà tôi bỗng nhiên ắng lại rồi như sưng tấy lên. Nỗi bực bội bỗng nhiên dâng lên trong tôi. Nỗi bực bội làm lòng tôi run rẩy nhưng tôi cố kìm giữ, tôi cảm thấy nó nghẹn ngào trong họng. tôi lại leo lên gác xép nằm dài, mắt trừng trừng mở to nhưng chẳng thấy gì hết. Mẹ tôi im lặng, vợ tôi cũng im lặng, con tôi cũng im lặng. Không gian đầy quá, đầy ứ – đầy một cái gì đó mà tôi không hiểu, nhưng tôi cảm thấy nó rất vật chất. Có lẽ cả nhà tôi đều cảm thấy nó nên không ai dám cất lời. Có lẽ ai cũng sợ tiếng nói của mình, âm thanh của mình sẽ như một giọt nước, và chỉ cần một giọt nước nhỏ xíu ấy thôi là cái đầy ứ đó sẽ tràn. tôi thức trắng đêm, mắt trừng trừng nhìn vào miền tăm tối nhất của đêm đen bên trong tôi. Phải chăng tôi đang đi tìm tên gọi của cái ứ đầy đó. Tên ngươi là chi? Đêm đen trả lời tôi bằng tiếng rì rầm như sóng biển ru rím tôi vào giấc ngủ dịu dàng. Và tôi thở dài, nhắm mắt…

Ngày… tháng…

Tám, ông triết gia lợn đến thăm. Nhà nghiên cứu về lợn ngồi uống nước, trầm ngâm thỉnh thoảng lại liếc mắt nhìn quanh quẩn như suy ngẫm về một điều gì đó. tôi cũng ngồi trầm ngâm như anh. Bỗng nhiên, hình như Tám phát hiện được một điều gì đó. Thấy anh gật gù. Rồi anh nói một mình:

- Đúng rồi!

Tôi giật mình:

- Anh bảo đúng cái gì?

Tám ghé vào tai tôi, thì thào:

- Ô nhiễm!

- Anh bảo sao?

- Ô nhiễm – Tám vẫn nói khẽ.

- Tôi vẫn chưa rõ … – tôi nhíu mày hỏi lại. Còn giọng Tám thì có vẻ buồn rầu. Lần này anh nói với tôi rõ ràng hơn:

- Tôi bảo nhà anh bị ô nhiễm.

Tôi sửng sốt vì ý nghĩ có vẻ điên của Tám. Tám ngồi trầm ngâm thêm một phút, rồi hỏi như tra khảo:

- Nhà ta, có ai bị ốm không?

- Không.

- Quái thật! phải có chuyện gì đó …xảy ra mới đúng chứ. Anh nghĩ kỹ xem, ít lâu nay trong nhà có chuyện gì lạ không?

Tôi cười:

- Vợ chồng có chút to tiếng … nhưng ổn rồi.

Tám lắc đầu:

- Không phải chuyện ấy. Ý tôi hỏi có ai ốm không?

- Không – tôi ngạc nhiên về sự gặng hỏi của Tám. Tôi trả lời rứt khoát – Cả nhà đều khỏe cả

- Quái nhỉ!

Tám vẫn có vẻ không tin. Anh kéo tôi đứng dậy, xuống bếp rồi ra thăm chuồng lợn. Anh chê bai:

- Chuồng lợn của anh sát nhà quá.

- Đất hẹp, ai chả làm thế.

- Không có lợi đâu – Tám nhìn tôi, cầm tay tôi rồi nói ra vẻ quan trọng – Hoàng nên nghe mình. Nên chuyển chuồng lợn ngay ra chỗ khác.

Tôi cười mỉm:

- Anh định đặt hướng, tìm đất cho chuồng lợn như kiểu thầy địa lý tìm đất để mả?

- Chứ sao?

Tôi ngạc nhiên nhìn Tám không hiểu anh đùa hay thật. Vẻ mặt nghiêm túc của Tám làm tôi không thể nào nói đùa được nữa. tôi hiểu Tám đang quan tâm tới gia đình tôi thực sự tôi phải tìm lời giải thích cho bạn tôi yên tâm:

- Đã đành nuôi lợn sát nhà không vệ sinh, nhưng anh thử nhìn chuồng lợn của tôi… Sạch sẽ đấy chứ? Làm gì có mùi hôi vào nhà… Lúc nãy, anh nói ô nhiễm làm tôi sợ hãi quá… Anh cho rằng… mùi lợn ô nhiễm… nguy hiểm…

- Chứ sao! Nguy hiểm! Tám gật đầu công nhận.

Nhìn đôi mắt kì lạ của Tám, tôi lắc đầu không dám tranh cãi tiếp với anh chàng gàn dở ấy nữa.

Ngày… tháng…

Lĩnh lương hưu được trăm tám, tôi cắt ra một trăm đong cám bã cho lợn. Vợ tôi bảo:

- Con mấy hôm nay phải ăn sắn trừ bữa đấy. Phải để tiền đong thêm mì sợi cho chúng. Ăn sắn mãi là bủng beo ra đấy.

Tôi giảng giải:

- Em đừng lo. Chả mấy chốc đâu, chỉ ba tháng nữa sẽ có tiền bán lợn. Nuôi lợn phải cho nó ăn, thì cuối cùng mới có tiền em ạ.

Vợ tôi bĩu môi:

- Lúc nào cũng chỉ lợn với lợn. tôi nói thật, anh nên bán ngay cái lũ lợn quỉ quái ấy đi. Lúc nào cũng rú rít đòi ăn … Ôi! tôi nhức đầu … Mà không chừng nó lăn quay ra cả lũ … là đi đời bao nhiêu vốn liếng chắt bóp…

- Cô không tin tôi…

- Tôi tin anh ư? Cái ngữ học trò dài lưng tốn vải như anh mà nuôi lợn có lãi, thì xin cứ chặt đầu tôi đi.

Tôi mềm dẻo:

- Cô đừng nên bàn ngang. Người như tôi mà không nuôi nổi mấy con lợn thành công hay sao?

Vợ tôi có vẻ bực bội:

- Thế… anh định treo mồm lũ trẻ lên hết hay sao?

Giảng giải mãi không xong, tôi đâm bực nói ngang:

- Ừ! Cứ treo mồm hết chúng nó lên.

Vợ tôi lắc đầu:

- Anh điên rồ rồi! Anh quí lợn hơn con anh sao?

Mặt nóng bừng, tôi nói bừa:

- Đúng! Lợn quí hơn người.

Thế là vợ chồng tôi lại giận nhau. Cả ngày hôm nay, vợ tôi không thèm nói với tôi nửa lời. Cả lúc đêm xuống, vợ tôi cũng nằm quay lưng lại. Khi bóng đêm sụp xuống, đó là thời gian xoa dịu những cay cực đời người, đó là thời cơ để vá víu những rách nát vợ chồng. Nhưng đêm nay, bóng tối đôn hậu dịu dàng cũng chẳng xóa nổi giận dỗi vợ tôi.

Tôi nằm thừ, vắt tay lên trán. Rồi nghĩ miên man; rồi tự nhủ thầm: “Có thể ta thô lỗ quá chăng? Cục cằn nữa? Trước kia, có lúc nào ta như thế? Cái anh chàng thanh niên thanh nhã xưa kia đã biến mất tự lúc nào chẳng hay. Cái tế nhị xa xỉ đã hàng ngày đánh vật cùng cái thô nháp cường tráng để cuối cùng thua trận, nó lùi dần và chết chìm trong đêm dài vô thức, để thỉnh thoảng u ơ cựa dậy bằng những câu mỉa mai bất lực, hoằc bằng những trắng đêm thao thức sám hối, như tiếc nuối một cái gì đó không tên, không diện mạo, hoặc bằng những cơn rồ dại phi lý ngớ ngẩn…”

Tôi tự phân tích mình, tự đào sâu vào những kẽ nứt tâm hồn, tự nậy mở những vết thương mà thời gian đã cố đắp những mảnh da non mỏng manh vốn có hiệu lực phủ lên mắt ta một màng mờ giấc ngủ.

“Sao tôi cứ trong mắt ra như thế này hở trời! Sao tôi cực đến thế này hở trời? Hình ngục nan đào! tôi đã bị giam cầm bơ vơ trong một thế gian đông đúc. Chẳng ai thông cảm với tôi lúc này hay sao? Ngay cả vợ tôi, người bạn đường cũng quay lưng lại.”

Từ những suy nghĩ toan tính xa vời, đầu óc của tôi bay tới những đám mây mung lung chua chát, rồi cuối cùng trở về với những lo toan thường nhật.

“Ta trách vợ ta ư? Ta có lỗi, hay cô ta có lỗi, hay chẳng ai có lỗi? Người ta cho ta về hưu sớm. Thực ra, người ta chẳng muốn dùng ta nữa. Thời buổi đói kém, sáu chục đồng bạc hưu gày còm ấy, ta nuôi sao nổi bốn đứa con với một mẹ già. Nhìn đứa con út vêu vao, sớm đi học không cả bát cơm nguội, sao mà sót xa. Muốn kiếm tiền lắm chứ. Đã hết mọi sĩ diện. Hết mọi ảo tưởng, hết cả những ý nghĩ viển vông trong óc. Rất muốn làm một điều gì đó có ích, thiết thực. Muốn làm một nghề gì đó bằng trí óc; nhưng viết thì chẳng được, dịch cũng chẳng ai giao. Muốn làm một nghề gì đó bằng chân tay, nhưng sau ba mươi năm trời làm anh bộ đội và làm cán bộ, sự khéo léo của đôi tay đã hết rồi, mà bắt đầu học nghề thì quá muộn. Cũng có lúc muốn xuống đường, nghĩa là đi buôn, chạy áp phe, nhưng ba mươi năm trời ấy cũng biến ta thành một con người sơ cứng, ngây ngô quá đỗi, mình không còn đủ mềm dẻo, thớ lợ để thích ứng với một cuộc sống cạnh tranh, giành giật từng giây phút. Vậy thì nuôi lợn là kế sách cuối cùng. Người ta bảo những người thanh cao, càng lúc khốn khó càng biểu hiện sự thanh cao một cách toàn vẹn. Còn tôi, lúc khốn khó này, tôi đã trở nên thô tục, cục cằn. tôi không phải kẻ thanh cao; điều đó là hiển nhiên …

Trong giấc ngủ, vợ tôi bỗng thở dài. Tội nghiệp! Sao sống với anh, đời em lắm thở dài?

Đêm hôm ấy, tôi có một giấc mơ rất đẹp: giấc mơ lợn. tôi mơ thấy con lợn Bò của tôi biết nói. Nó lớn rất nhanh. Nó sừng sững trước mặt tôi như con bê. Nó chồm hai chân trước bíu lên cái gióng tre cũi lợn. Nó nói:

- Ông đừng lo. Ta ăn một miếng cám, ta trả một cục vàng. Ta sẽ lớn nhanh không thể tưởng tượng. Rồi ông xem. Ta sẽ đem lại cho ông nhiều tiền của… Và nhiều điều lạ.

- Sao lại điều lạ?

Tôi ngạc nhiên – Còn con lợn thì cuời. Giấc mơ lợn kỳ cục thật. Thật vô lý và ngây ngô, nhưng chí ít giấc mơ ấy cũng đem lại cho tôi một chút hy vọng, cũng xoa dịu được lòng tôi đôi phần.

Ngày… tháng…

Ai cũng khen con Bò – vét – đĩa lớn nhanh như thổi. Bao giờ nó cũng ăn đến phút cuối cùng và cũng “vét đĩa” sạch sành sanh. Và đặc biệt, thỉnh thoảng, mắt nó lại nhìn lấm lét. tôi chúa ghét lấm lét, nhưng tôi lại yêu con lợn Bò lấm lét của tôi. tôi yêu nó vì cảm thấy có lẽ nó là cứu tinh của gia đình tôi. tôi chăm chú quan sát cái sự lấm lét ấy, và phát hiện ra nhiều điều mới lạ. Mắt con lợn này đúng là loại mắt bò, thứ mắt lơ đãng, thơ ngây, có thể là dại dột nữa. Người Ấn Độ thường nói khen: “Cô con gái ấy có đôi mắt đẹp như mắt bò”. Vậy thì theo phép suy luận lô gích tam đoạn luận, mắt con lợn Bò của tôi ắt là phải đẹp. Thật là một nghịch lý, một đôi mắt đẹp mà lại biết lấm lét! à! Ghê thật! Con mắt lấm lét ấy cũng biết hận thù đấy. Có lúc tôi đã ghi nhận được những ánh căm thù trong mắt con Bò – vét – đĩa; là lúc tôi bắt đầu đổ thức ăn vào máng và ba con lợn ỉn hả hê tranh nhau nốc thức ăn, lúc ấy Bò – vét – đĩa đứng lặng im trong xó sỉnh tăm tối của mình và giương đôi mắt bò mở to ra mà nhìn, đồng thời rãi rớt trều ra quanh mõm. Những chú lọn ỉn cũng quái ác. Khi chúng đã no phềnh, và con Bò bắt đầu vét đĩa, thì mỗi chú ỉn, trước khi vào chỗ nằm, thể nào cũng phải đấm, dúi, cắn vài cái vào bụng, vào đầu hoặc vào tai con lợn Bò. Có thể đó chỉ là sự ra oai, sự cho biết lễ độ, sự phân rõ đẳng cấp, vì vậy, những cú đánh ấy thường không đau, ít tác hại. Vả lại, Bò ta cũng hiểu rõ thân phận của mình nên không bao giờ chống trả, do đó cuộc chung sống hòa bình trong đàn lợn của tôi vẫn tốt đẹp.

Ngày… tháng…

Người hàng xóm hơi xa của tôi là ông chủ lò (tiếng xưa), còn nói theo ngôn ngữ ngày nay, anh ta là ông quản đốc lò sát sinh. Một con người cao lớn, to béo như tây, đeo kính dâm mầu phớt hồng, mắt kính Pháp, gọng vàng tây chính hiệu, nói chung một cái kính rất mốt rất đắt. Anh ta ưa mặc quần soóc, mặc thế để khoe cặp đùi nhẵn nhụi, trắng hồng, mỡ màng. Anh ta đi một chiếc xe máy Pháp kiểu mới nhất. Lẽ dĩ nhiên anh ăn nói đàng hoàng, đối xử với hàng xóm rất đàng hoàng.

Anh đến chơi, đề nghị thằng Linh con tôi, giúp anh việc kèm cặp học hành cho đứa con thứ hai sắp sửa thi vào cấp 3. Anh rộng rãi bảo cùng tôi:

- Bác có cần mua tóp mỡ bồi dưỡng cho lợn không? Giá cung cấp. Chỉ vài đồng bạc một cân thôi. Ăn tóp mỡ, lợn sẽ lớn rất nhanh… Mà, nếu cần, tôi sẽ giúp bác mua cả phổi lợn nữa…

Thằng Linh hay tếu, nó cười to:

- Chú Hợi ạ, tóp mỡ thì cháu cũng thèm, chứ chả nói đến lợn.

- Được rồi! Nếu mày giúp chú, chú sẽ giả công bằng tóp mỡ.

Con tôi cười to. Và Hợi chìa tay ra:

- Thế nào? Xong chứ?

- Cháu xong ngay.

Hai chú cháu bắt tay. Cả nhà tôi cười ròn, đúng là ròn như tóp mỡ.

Thật tuyệt. Căn nhà của tôi lại sắp sặc mùi tóp mỡ lợn. Đêm nay, đi ngủ tôi còn mơ thấy mùi ngầy ngậy của những tảng tóp mỡ. Cuộc đời kỳ lạ thật! Ngày xưa, tôi đã làm nghề thầy giáo tư gia. Ngày đó, cậu gia sư phải đạo mạo nghiêm trang; đầu tháng, khi trả tiền, người chủ nhà khi xưa vẫn đặt tiền trong chiếc phong bì thơm phức và nói bằng một giọng thật khách sáo: “Gọi là có một chút ít để cậu tiêu vặt.”

Còn ngày nay, cuối tháng ông chủ sẽ đem chiếc cân ra, bốc nắm tóp mỡ lợn và cười nói oang oang:

- Tháng này chú trả công cho cháu ba cân tóp mỡ nhé. Thế nào? Muốn trả làm một kỳ hay hai kỳ?

Hoặc:

- Tháng này ít tóp mỡ quá. Thay thế một cân tóp mỡ bằng ba cân phổi tưoi nhé? Xong chứ?

Cứ tưởng tượng ra cái cảnh đặc biệt, kỳ dị ấy, đã thấy thú vị, và nụ cười đã bất giác nở trên môi.

Ngày… tháng…

Tôi đọc những trang bản thảo còn tản mạn, cuốn ”Bách Khoa Lợn” của Tám. Đó là cuốn từ điển viết theo chủ đề. Tám đã tạo ra những chữ hoàn toàn mới lạ như: Bái- trư – giáo, Trư luận, Trư học. Có lẽ vào thời buổi đói khát nên chữ Thịt lợn được tôi đọc trước tiên. Đây là một bữa cỗ ngôn ngữ, bữa cỗ trên giấy. Chúng ta gặp ở đây những chế phẩm của thịt lợn từ đông sang tây: những pa tê, dăm bông, xúc xích của người châu âu; rồi đến giò, nem, ninh, mọc của tổ tiên ta. Riêng giò chả đã có giò lụa, giò hoa, giò xào, giò chả cầy, chả quế, chả rán, chả nướng, chả băm viên, chả bì… tôi thật không ngờ riêng thịt lợn mà con người đã có hơn một trăm cách chế biến. Cái món tiết canh, thứ chế phẩm độc đáo có một không hai trên thế giới, thứ thức ăn Việt đã được nhiều người ưa thích nhất và cũng bị nhiều người lên án và ghê tởm nhất, đã được giáo sư Tám dùng bút xem xét kỹ lưỡng: “Có lẽ đây là món ăn sống nguyên thủy nhất, cổ sơ nhất của loài người từ thời hồng hoang còn sót lại chỉ riêng trên đất Việt. Tổ tiên chúng ta ngày xửa ngày xưa, khi săn bắt được con thú, đã biết sử dụng triệt để; có lẽ việc đầu tiên, khi con thú ngã xuống, là cắt cổ con vật và toàn thể bộ tộc thay nhau xô tới, áp mồm vào cổ con vật mà hút, mà nuốt cái dòng nước đỏ loè, mằn mặn, ngòn ngọt, âm ấm. Rồi việc đó được áp dụng cho cả con người, những tù binh, những kẻ bị hiến tế. Tổ tiên ta đã đốt lửa lên, đánh trống bập bùng, rồi nhảy nhót, rồi cắt cổ một tên tù binh nào đó và tất cả bộ tộc cũng xô vào mồm bám chặt lấy cổ tên giặc mà hút, mà rít, mà nuốt cho đến khi tên địch đờ đẫn và ngoẹo đầu xuống. Người Việt ta vốn là dân sành ăn, tinh tế trong ăn uống. Cái món ăn kiểu hút cổ họng đó chắc chắn bất tiện và thiếu đàng hoàng. Ra chốn đình trung, các cụ cần khề khà, cần rung đùi, cần chậm chạp vừa ăn cỗ vừa nghĩ mưu, nghĩ mẹo. Chính vì vậy nên nhân tiết canh, rồi lá húng, rồi lạc rang giã nhỏ được ra đời, để tạo ra món ăn có một không hai trên toàn vũ trụ.”

Khi đọc môn tâm lý học quản lý của người Nhật, tôi biết ở bên đó, ở nhiều xí nghiệp đều có “phòng hả giận” (desagressivity hall). Nguyên do là thế này, môn tâm lý học phương tây cho rằng trong mỗi con người đều có một bản năng thô bạo cuồng điên. Nếu không giải quyết, chất cuồng điên ấy sẽ tích tụ, và sẽ gây nhiễu loạn; vậy thì mỗi xí nghiệp, đều cần phải có “phòng hả giận”, đó là gian phòng trong đó có những găng bốc, những đao kiếm, những bao cát, những hình nhân; và người công nhân, sau giờ làm việc, hãy vào đấy mà đâm, mà chém, mà đánh bốc vào những bao cát, những con nộm để đến cuối cùng mồ hôi toát ra và tất cả nỗi bực bội của kiếp nhân sinh cũng hả theo.

Người Nhật quá sùng phương tây, họ quên mất ở phương đông, cụ thể là ở Việt Nam, còn có món tiết canh, một món ăn giải nhiệt, hả giận cực kỳ. Đông y có nói: Tiết vị hàn, mát, có thể giải nhiệt, chữa được chứng phong cuồng. Tôi khuyên người Nhật nên mở những quán tiết canh thay cho “phòng hả giận”. Sau giờ làm, người công nhân vào quán, ăn món ăn hả giận đó, mồm sẽ nhoe nhoét đỏ, và nỗi phiền muộn tích tụ cũng sẽ được tiêu tan…”

Tôi đọc xong mục tiết canh lợn, thấy ngồ ngộ, môi chợt nở nụ cười không cưỡng nổi. Và tôi bị hút vào cuốn Bách Khoa.

ĐẠM

Đạm là một loại thức ăn cực kì quan trọng để tăng trọng lợn. Trên thế giới, nhiều nhà khoa học đã vắt óc ra để giải quyết vấn đề đói đạm cho lợn. Người ta nghiền cá tạp nhạp để làm bột cá. Người ta cố tăng sản cây họ đậu để tạo ra nguồn đạm thay thế. Người ta nghĩ cách nuôi vi sinh vật trong cặn dầu hỏa để thu hái nguồn đạm động vật rẻ tiền…v…

Đó là những vấn đề người khác dã phát minh, tìm tòi ra.

Riêng tôi, tôi cũng đi sâu vào đạm, nhưng chỉ đi vào một nét rất nhỏ của vấn đề đạm.

Một hôm về quê, tôi được bà chị tôi kể lại cho nghe một câu chuyện: “Một chị xã viên nông nghiệp một buổi ra đồng về. Mọi khi, về đến đầu ngõ, chị bao giờ cũng nghe tiếng reo mừng của đứa con lên ba “A! Mẹ! Mẹ …” Hôm nay, về đến nhà, chị vẫn chưa nghe thấy tiếng con reo. Chị ngạc nhiên réo gọi: Tí ơi! Cu tí ơi! Gọi mãi chẳng thấy con thưa, chị cuống cuồng chạy ra giếng, rồi lội cả xuống ao tìm con, nhưng vẫn không thấy. Chị ra chuồng lợn, và bỗng phát hiện ra một điều kỳ lạ: con lợn lai kinh tế nặng trên một tạ của chị, mọi buổi chiều, khi chị ở ruộng về, vẫn rống gào đòi ăn, hôm nay lại nằm im ngoan ngoãn. Chị bỗng rùng mình, sởn hết gai ốc lên; chị nhìn vào chuồng lợn, thì thấy thằng cu Tí chỉ còn lại cái đầu lâu bị gặm nham nhở. Chị nông dân ngất đi, và người ta đã đem con lợn ra bắn chết.”

Tôi chợt loé nghĩ: “Có lẽ lợn thích ăn thịt người nhất.” Rất có thể, vì nhiều nhà khoa học cho rằng thịt người là loại thịt bổ nhất; nhiều bộ lạc ăn thịt người, sau khi được văn minh hóa cũng thú nhận thịt người rất ngon.

Ý nghĩ ấy cũng hay, nhưng làm cách nào để chứng minh được nó. Rất bí! Bởi vì lấy đâu ra thịt người để cho lợn ăn. Nghĩ mãi mới tìm ra được cách thực hiện. Tôi liên hệ với mấy bà hộ sinh và hàng ngày bỏ tiền ra mua nhau bà đẻ.

Nhau là thứ thịt người tốt nhất. Sau đó, tôi lại mua thịt bò để làm đối chứng. Tôi để hai máng thức ăn vào chuồng, một máng trộn thịt bò, một máng trộn thịt người. Con lợn lai của tôi ngửi hai máng thức ăn, và lập tức xô tới máng có thịt người ăn lấy ăn để.

Tiếp đó, tôi tiến hành một thí nghiệm thứ hai. Tôi lấy sơ ranh rút ở tĩnh mạch ra mười phân khối máu của chính tôi. Tôi để hai máng thức ăn, một bên trộn cá, một bên trộn máu người. Kết quả con lợn lại xô đến máng ăn có máu người.

Vậy có thể kết luận: “Trong các loại đạm, thịt người là loại đạm lợn thích ăn nhất”.

Tôi càng đọc càng bị lôi kéo vào những dòng ý nghĩ như ma ám của Tám. Những ý nghĩ như gàn như dại ấy phải chăng bắt nguồn từ những sợi rễ li ti nằm trong những miền đáy thẳm âm ti của ta. Nhưng phải chăng đó chỉ là những ý nghĩ bâng quơ? Tôi hút thuốc lá, lan man suy nghĩ để rồi càng ngày càng lạc vào thế giới rất thật mà lại hoang đường của những ý tưởng vừa như khoa học vừa như huyền thoại.

NGUỒN GỐC NGƯỜI

Tiến hoá luận của Darwin cho rằng thuỷ tổ loài người vốn là loài khỉ. Cổ sinh vật học và khảo cổ học đã chứng minh điều đó.

Người Trung Hoa chưa cần đến khoa học, cũng phát hiện ra điều đó trước mấy trăm năm so với phương Tây. Trong Tây du ký đã nói Tề Thiên Đại Thánh vốn là con khỉ, tu luyện mãi sau đã hoá thành người, tiếp nữa thành Phật (Phật là một loại người hoàn chỉnh nhất). Nhưng sách Tây du ký còn phát biểu thêm một mệnh đề nữa mà chưa ai để ý tới: Lợn cũng có thể trở thành người và Phật. Trư Bát Giới là một con lợn đã dần trở thành phật. Nói một cách khác đi: nguồn gốc loài người có thể là khỉ nhưng cũng có thể là lợn.

TÂY DU PHIẾM LUẬN

Phiêu Diêu Tử ngồi uống rượu cùng sư Vô Trụ. Khi bầu hồ lô ruợu đã cạn quá nửa, Phiêu Diêu lòng lâng lâng hỏi cùng thầy tăng:

- Xin giảng lẽ huyền diệu: Phật là gì?

Sư Vô Trụ nhắm mắt nói:

- Con lợn.

Phiêu Diêu Tử điềm nhiên:

- Xin nói thêm.

- Con khỉ.

- Còn gì nữa?

- Thằng đần.

Phiêu Diêu Tử nghĩ mãi chẳng ra, liền van nài:

- Tôi vẫn không hiểu, xin thầy tăng giảng rõ hơn.

Sư Vô Trụ từ từ mở mắt:

- Cả ba họp lại thành Phật.

Nói xong, sư lại nhắm mắt và lặng lẽ ngồi thiền, không nói thêm một lời. Phiêu Diêu Tử ngồi ngẫm nghĩ nhưng vẫn chỉ thấy mung lung. Ông uống hết bầu rượu thứ ba, ngoảnh nhìn vẫn thấy sư ngồi yên lặng. Họ ngồi ba ngày ba đêm, phơi thây cùng trời, đất, trăng, sao; một bên cứ uống, một bên cứ lặng lẽ. Phiêu Diêu Tử thả hồn vào cõi khôn cùng, đánh đu cùng nàng gió, đùa cợt nàng trăng, chân đi khấp khểnh và quên hết sự đời. Chính lúc ấy, chàng chợt hé nhìn vào cửa huyền vi. Chàng chợt cười ha hả mà rằng:

- Phải chăng lấy đôi vú đàn bà làm nậm rượu để uống cho đất trời nghiêng ngửa? Lấy cái thân xác trắng ngần để mà mê đắm, để mà xuất thần, hòa tan cùng trời đất. Mê đắm kiệt cùng sẽ đến bến bờ tĩnh lặng. Bên kia nó là cái tinh khôi nguyên thủy.

Phải chăng cái nộ khí xung thiên là cội nguồn vũ trụ. Ta phá trời, ta khuấy nước, ta đào cho đến miền âm ti tìm cho đến những sợi rễ tột cùng của lẽ vô thường. Và ta bỗng bưng mặt thương cho kiếp nhân sinh.

Hay là ta ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, thân lang thang như con phù du trôi nổi, bồng bềnh thả mặc con sóng, đói ta bứt quả rừng, khát ta uống nước suối, mệt ta ngả lưng trên đất, vui cùng trăng sao thuận cùng trời đất, mặc cho gió giăng buồm kéo ta khỏi bến mơ …

Sư Vô Trụ đột nhiên mở mắt. Phiêu Diêu Tử hỏi:

- Ông thấy sao?

- Kẻ đi đến nửa đường là kẻ trần tục. Kẻ đi cho đến cùng đường sẽ nhìn thấy Phật.

Cả hai nhìn nhau và bỗng cười ha hả. Rồi mỗi người một vò rượu, họ uống cho đến quay cuồng vũ trụ.

 

(Còn tiếp)

N.X.K.

Nguyễn Xuân Khánh

304Đen – Llttm -VV

No comments: