Thursday, May 9, 2024

Bà Ngoại Tôi - Huyền Chiêu

 

BÀ NGOẠI TÔI

 

Bà Ngoại tôi đẹp lắm. Bà đẹp đến nổi khi tôi ra đời bà đã già, người chỉ còn da bọc xương, mắt đã mù, tôi vẫn nhận biết bà là người rất đẹp. Nét đẹp của bà vẫn còn lưu dấu trên làn da trắng mịn, trên sóng mũi cực kỳ thanh tú nghiêng xuống đôi môi sang trọng. Đôi bàn tay của bà có những ngón thon dài thật quí phái dù chúng đã phải suốt bao năm tháng làm lụng vất vả.

Huyền Chiêu

(Tưởng nhớ bà và ngôi chùa Cát cổ kính, nay đã không còn)




 

Gác chuông chùa Cát năm xưa

Bà Ngoại tôi họ Ngô. Bà là con gái của ông Tổng Thuận Mỹ, một ông Tổng giàu có và oai phong lẫm liệt. Ông cố tôi mỗi khi ra đường đầu đội nón chóp bạc, râu ba chòm bay phơ phất theo vó ngựa hồng. Trên đường ông đi, trẻ nhỏ chạy vội vào nhà, không dám đứng nhìn, chó không dám sủa bậy. Vào mùa cày, những con trâu lì lợm nhất nghe ông thét một tiếng liền vội vàng kéo cày chạy băng băng.

Năm ấy bà ngoại tôi 16 tuổi, mảnh khảnh, xinh xắn như cô tố nữ trong bức liễn treo trước bàn thờ. Ông ngoại tôi một lần đi đàn hát ở nhà một người quen ở Thuận Mỹ, nhìn thấy bà tôi và từ đó tim ông như bị ai bóp nghẽn. Thật là điều không tưởng khi ông cố tôi đã đồng ý gả cô con gái yêu cho chàng nho sinh xóm Rượu.

Bà tôi sợ cha mình chết khiếp. Bà nói: “hồi đó trong nhà không ai dám cãi lịnh của ông Cố”.

Ông Ngoại tôi được ở rể hai năm để chứng tỏ mình là người chồng đáng tin cậy. Đó là những ngày đẹp nhất, hạnh phúc nhất của ông tôi. Ông đã chinh phục được mọi người, từ ông bố vợ khó khăn, uy quyền đến những đứa trẻ trong nhà. Tất cả mọi người đều yêu quí ông, gần gũi với ông. Trừ một người. Người đó là bà tôi.

Bà kể: “Lúc ấy bà còn nhỏ lắm, bà chưa muốn làm vợ, làm mẹ bà cứ muốn sống yên trong nhà của mình.”

Một tối, giữa khuya bà tôi thức dậy rón rén mở cửa đi về chỗ có người chồng tương lai đang nằm ngủ, tay cầm một gáo nước lạnh. Đứng cạnh bộ ván nghe tiếng ông thở đều, bà yên trí ông đang ngủ say. Chậm rãi, bà tôi đưa tay rót gáo nước xuống bộ ván rồi nhẹ nhàng lui gót. Bà tôi ngây thơ cho rằng ngày mai cái tin xấu về một chàng rể có tật đái dầm sẽ lan ra khắp nhà, khắp xóm, khắp làng và khi ấy ông tôi chỉ còn nước xấu hổ bỏ về xóm Rượu. Bà không biết rằng đối với ông tôi làm cho người khác phì cười là chuyện bình thường và vì thế ông tôi vẫn cố thủ không bỏ chạy đi đâu cả.

Năm bà tôi 18 tuổi, ông tôi cưới bà tôi về xóm Rượu. Cả chợ Dinh kéo xuống xem mặt cô dâu xinh đẹp. Ông tôi tận tụy làm cho bà tôi nở những nụ cười tươi vui. Hạnh phúc rồi cũng đến. Bà tôi sinh cho ông 8 người con.

Ông tôi không sống được nhiều bên người vợ hiền và những đứa con mà ông yêu nhất trên đời. Ông lìa xa khá sớm cõi đời mà ông đã gieo rắc rất nhiều niềm vui, tiếng cười.

Thời ông bà tôi còn trẻ, cuộc sống của người nông dân tuy đạm bạc nhưng yên bình. Sau khi ông tôi qua đời thời cuộc đã khác đi rất nhiều và người nông dân ngày càng khốn khó. Kiệt sức mắt bà tôi mờ dần rồi không còn ánh sáng. Tôi thương bà tôi lắm. Hình như tâm hồn bà luôn ngập tràn tình yêu thương. Tình yêu thương bà dành cho mọi người cứ như con suối mùa xuân chan chứa. Vậy mà bà đã không còn có thể nhóm lên một bếp lửa hồng để nấu cho các con, các cháu một nồi cơm dẻo.

Năm tôi lên sáu, lên bảy tôi thường được dẫn bà tôi đi chùa Cát. Chùa Cát là một ngôi chùa bé nhỏ nhưng là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất của Ninh Hòa. Chùa Cát được xây trước thời gian xây lăng bà Vú. Như vậy tính đến nay chùa cũng đã gần 300 tuổi. Chùa Cát nằm ở đầu gò Muồng gần sông Dinh và cách Chợ Dinh không đầy 500 mét. Ngày ấy thương thuyền từ bên Tàu sang có thể từ bến theo sông Dinh lên tận chợ Dinh. Các lái buôn vẫn thường đến chùa Cát khấn trời Phật độ cho họ được thuận buồm xuôi gió, đi đến nơi, về đến chốn. Và mỗi lần đến chùa họ thường cúng cho chùa nhiều tượng Phật. Bà tôi nói: “Chùa cát tuy nhỏ nhưng là ngôi chùa có nhiều tượng Phật nhất ở Ninh Hòa”.

Mỗi khi bà tôi lạy Phật nơi chính điện, tôi vẫn thường đứng núp sau một góc cột nhìn say mê hàng trăm pho tương Phật. Tôi vẫn nhớ nụ cười hể hả của các ông Di Lặc, nét trầm tư của các tượng Thích Ca, tia nhìn đầy yêu thương của các tượng Quan thế Âm. Nhưng tượng Phật gây ấn tượng nhất cho tôi là pho tượng của một ông Phật gầy ốm, đen đúa với nét mặt đầy đau thương. Pho tượng kỳ lạ ấy bà tôi gọi là tượng ông Lo Đời. Cuộc đời sẽ làm cho ta tiều tụy đến thế sao, tôi lo sợ thầm nghĩ.

Cũng có khi tôi lang thang nhặt hoa sứ rụng trong sân chùa.Kiến trúc của chùa Cát thật giản dị nhưng quang cảnh chùa vô cùng u tịch bình yên. Tôi thích nhất hai cái gác chuông trước chùa nơi mà tiếng chuông chùa Cát đã hàng trăm năm vang vọng.

Bà tôi qua đời năm tôi 18 tuổi. Trước khi ra đi bà còn đưa bàn tay thon dài, gầy guộc sờ lên khuôn mặt tôi như muốn giữ lại trong trí nhớ hình ảnh đứa cháu gần gũi nhất với bà. Cách đây mấy năm, một lần nhớ bà tôi về thăm chùa Cát và tôi đau lòng như thấy bà tôi chết đi một lần nữa. Ngôi chùa Cát bé nhỏ, cổ kính, u tịch năm nào đã bị xô ngã để xây lên một ngôi chùa hoàn toàn mới. Tôi nghe nói để xây mới chùa Cát hàng trăm triệu đồng đã được huy động từ trong nước lẫn ngoài nước. Ngôi chùa mới đã làm cho tôi vô cùng thất vọng với những bức tường đá rửa, với nền gạch bông không phù hợp chút nào với kiến trúc chùa chiền. Điều khó hiểu nhất là hai cái gác chuông nay đã được xây kín như hai cái xà lim và mái ngói vãy rêu phong đã được thay mới bằng ngói tây đỏ chót.

Điều đau đớn, mất mát nhất của chùa Cát là không còn đâu những pho tượng Phật năm xưa. Chùa Cát bây giờ đối với tôi không còn hồn, lẫn xác. Chùa Cát coi như đã chết. Di tích còn sót lại của chùa Cát là mấy cội bông sứ già đứng trầm tư.

Tôi muốn rơi nước mắt vì nhớ bà và tiếc cho ngôi chùa Cát cổ kính, u tịch năm nào.

Huyền Chiêu

304Đen – llttm- sgtc

 

No comments: