Lai
Lịch Một Tấm Ảnh
Tấm
hình sinh viên Việt Nam xuống đường ở Paris, Pháp, ngày 27 Tháng Tư, 1975.
Lời Giới Thiệu: Bức ảnh của Nhiếp Ảnh Gia Trần Ðình Thục, một sinh
viên du học tại Pháp, chụp vào ngày 27/4/75 trước khi Saigon thất thủ ba ngày,
đã được nhà văn Huy Phương dùng làm ảnh bìa cho cuốn “Ngậm Ngùi tháng Tư” xuất
bản năm 2014, được đặt tên là “Paris Ðể Tang.”.
Trong buổi Ra Mắt Sách ngày 27/4/2014, ông Trần Ðình Thục đã được mời làm
diễn giả, và ông đã kể lại vì sao tấm ảnh này đã được chụp và chụp lúc nào với
tất cả tâm tình của ông.
Tôi cũng không ngờ, khi chụp tấm hình
anh chị em sinh viên Paris vào một ngày cuối Tháng Tư, 1975, ngày mà họ cấp
bách làm một cuộc xuống đường qua các dãy phố thành phố Paris, để ủng hộ miền
Nam Việt Nam và tưởng nhớ tới những chiến sĩ thân yêu đang hy sinh trong giai
đoạn mịt mù khói lửa này, lại là một tấm hình lịch sử, đánh dấu sớm ngày tang
thương của đất nước. Chỉ sớm trước có 3 ngày.
Phải, trước đó, ròng rã suốt Tháng
Ba, hình ảnh trên TV cho thấy người dân Ðà Nẵng chạy loạn, hình ảnh các chiến
trận hoang tàn, rồi cuộc rút lui chiến thuật bỏ đứt vùng cao nguyên, rồi việc
Tổng Thống Thiệu từ chức, v.v… đã dồn dập chiếm trọn giờ tin tức trên đài
truyền hình, khiến cho người sinh viên Việt, sống xa quê nhà có cảm tưởng như
đang ngồi trên lửa bỏng.
Tổng Hội Sinh Viên tại Paris do anh
Trần Văn Bá làm chủ tịch lúc đó, đã quyết định phải làm một cái gì để nâng đỡ
tinh thần bên quê nhà, mong ước chuyển về bên ấy chút tâm hiệp với các chiến sĩ
đang khốn đốn vì bom lửa đạn. Họ, những người sinh viên thuộc vùng Paris và
những vùng lân cận Orsay-Antony, Nanterre, đã kêu gọi nhau cùng tổ chức “Một
Ngày Cho Quê Hương.”
Trước tiên, phải là một cuộc xuống
đường để ủng hộ miền Nam.
Ngày 27 Tháng Tư, mọi người hẹn nhau
tại Cư Xá Sinh Viên Quốc Gia trên đường Bertholet. Cư xá là một khách sạn 7
tầng, Hotel Lutèce, được sinh viên âu yếm gọi là Nhà Lý Toét, nằm ngay trong
khu La Tinh, trung tâm của các ngôi trường đại học lớn của thủ đô Paris
Hotel Lutèce được chính phủ VNCH thuê
dài hạn từ nhiều năm, để những sinh viên tá túc trong những năm đầu khi họ từ
Việt Nam qua Paris du học, giống như một ký túc xá.
Sinh viên đồng lòng thúc đẩy anh em
xuống đường trong tinh thần tưởng nhớ những chiến sĩ đã hy sinh tại quê nhà để
bản thân mọi người được tiếp tục trau dồi việc học nơi xứ người.
Từng thước vải đen được trải ra,
những dòng chữ “Vinh Danh Các Chiến Sĩ Ðã Nằm Xuống Cho Tự Do,” “Miền Nam Tự Do
Bất Diệt,” “Ngày Ðại Tang,” v.v… được viết bằng tiếng Pháp, chữ trắng trên nền
vải đen.
Mỗi người tự chít cho mình vành khăn trắng
trên trán, phần để nói lên tâm nguyện của mình, phần để nhận diện nhau, tránh
sự trà trộn trong lúc diễn hành của những phần tử “không quốc gia,” muốn phá
hoại.
Ðúng 3 giờ trưa, anh em sinh viên bắt
đầu cuộc tuần hành trong thầm lặng qua các dãy phố của Quận 5, khu đại học.
Biểu ngữ được giương cao, bát nhang, lá quốc kỳ màu vàng ba sọc đỏ được căng
rộng bốn góc, dẫn đầu cuộc tuần hành dài cả trăm người.
Hoàn toàn trong im lặng, không hoan
hô, đả đảo. Một sự chịu đựng đầy tôn nghiêm và trật tự. Khởi đầu đoàn người bắt
đầu đi từ đường Gay Lussac, một đại lộ sát nách với Ðiện Panthéon, nơi chôn cất
những vĩ nhân của nước Pháp như Voltaire, Victor Hugo, Marie Curie, v.v… Họ đi
dọc xuống tới vườn Luxembourg, rồi quẹo mặt ra đường Boulevard St. Michel, đi
ngang trước cửa trường La Sorbonne, ngôi trường Văn Khoa và Luật Khoa nổi tiếng
của Paris. Ðoàn người qua chiếc cầu Pont St. Michel, sau đó đổ ra đại lộ Rivoli
rồi trực chỉ nhắm công trường La Concorde đi tới.
Chữ La Concorde có nghĩa là “Ðồng
Tâm.” Anh em sinh viên, những đứa con của miền Nam, đang thực sự hướng về quê
nhà, đang thực sự đồng tâm chia sẻ nỗi điêu đứng của đất nước trong giai đoạn
tàn tạ khốn đốn này.
Bên đường, tiếng la lối của nhóm
thiên tả cũng nhiều, tiếng khích lệ từ những người lớn lái xe qua “sao không
làm sớm hơn?” cũng không ít.
Anh chị em sinh viên vẫn âm thầm tiến
bước. Ban báo chí của tổng hội trao tay cho những người qua đường những tờ bươm
bướm in bằng máy roneo nói lên tình trạng của một nước tự do nhỏ bé đang bị cả
khối cộng sản phụ nhau lấn chiếm.
Cuộc tuần hành, không có giấy phép
của Tòa đô chính. Tình trạng đất nước đang ở giai đoạn khẩn trương, không còn
thì giờ để xin phép qua thủ tục hành chánh rườm rà. Vả lại đơn xin chắc chắn
cũng sẽ bị Tòa Ðại Sứ Bắc Việt và cánh tả Pháp thiên Cộng phản đối, ngăn chặn.
Bởi vậy phải tính chuyện liều mạng tổ
chức một cuộc tuần hành chớp nhoáng, trong trường hợp bị chặn lại, cũng sẽ có
tiếng vang trong giới báo chí, vẫn sẽ có những phản ứng thuận lợi về hình ảnh
hiền hòa của một miền Nam đang bị xâm chiếm, trái ngược với những thỏa hiệp
trong Hiệp Ðịnh Paris đã được ký kết ngay tại thành phố này.
Cuộc tuần hành tuy không hợp lệ,
nhưng lại là một thành công. Thành công ở chỗ đã không bị giải tán trong suốt
lộ trình. Cơ quan công lực thành phố Paris thấy những khuôn mặt sinh viên trẻ
Việt Nam tuần hành đông đảo, nhưng nghiêm túc, trong trật tự, không la hét, đập
phá nên họ lẳng lặng theo sát, cuối cùng, cấp trên của họ đã tiếp xúc thẳng tại
chỗ với người đại diện của Tổng Hội Sinh Viên là anh Trần Văn Bá. Sau khi đã
biết rõ chủ đích ôn hòa và lộ trình của đoàn người, chính họ lại đích thân hộ
tống đoàn tuần hành, giúp giải tỏa những khúc kẹt xe do cuộc xuống đường gây
nên để giao thông có thể tránh và rẽ qua những hướng khác, một cách nhã nhặn êm
thấm.
Tôn chỉ của xã hội Pháp là “Liberté –
Égalité – Fraternité” (Tự Do – Bình Ðẳng – Nhân Ái) quả thật đã được tôn trọng
một cách dân chủ.
Riêng đối với niềm tin của những con
dân đất Việt, hồn thiêng sông núi, vong linh các chiến sĩ của tiền nhân, hình
như đã chứng giám và hỗ trợ cho lòng thiện tâm của lớp trẻ, nên màn đầu của
chương trình “Một Ngày Cho Quê Hương” đã có được một cuộc tuần hành êm ả, thành
công.
Màn sau của cuộc biểu tình đã được dự
trù là sau khi đã tới được công trường La Concorde rồi, sinh viên sẽ tới ngay
trước cổng Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, nằm tại một góc của công trường La Concorde (cuối
đường Rivoli) để phản đối chính sách Mỹ đã dồn miền Nam vào hoàn cảnh tang
thương hiện tại.
Nhưng khi đoàn sinh viên tới sát khu
Tòa Ðại Sứ Mỹ, thì nhân viên công lực Pháp, có sĩ quan cao cấp hiện diện, đã
chặn đoàn biểu tình lại. Họ nhã nhặn nói: “Chúng tôi không thể để các bạn tới
gần hơn nữa.”
Tôn trọng luật lệ xứ người, anh chị
em sinh viên đã dàn hàng ngang tại một góc công trường La Concorde, chênh chếch
đối diện với Tòa Ðại Sứ Mỹ, trang nghiêm làm nghi thức tưởng niệm các chiến sĩ
và cất cao bài quốc ca miền Nam để kết thúc cuộc biểu dương tấm lòng chia sẻ
nỗi đau thương với đất nước.
Tiếng hát của 300 người trẻ tuy đông đảo nhưng nghe vẫn như mất hút, lạc lõng bơ vơ giữa cái không gian bao la của một công trường rộng lớn. Lạc lõng bơ vơ như than phận côi cút của một mảnh đất nhỏ bé đang bị bỏ rơi, nằm bên kia quá nửa vòng trái đất.
Ðoàn biểu tình sau đó kéo nhau từng
nhóm nhỏ về tụ tập tại trường Chính Trị Kinh Doanh của trường Ðại Học Assas,
nằm bên hông vườn Luxembourg. Giảng đường to lớn của trường đại học có khuynh
hướng thân hữu này luôn luôn rộng mở cho những người con của miền Nam tự do.
Tại đây, anh chị em sinh viên của cả ba
khu đại học đã làm một đêm không ngủ, có hội thảo, có ca hát. Những bài hát quê
hương, tranh đấu được anh em sinh viên tự hát an ủi nhau trong giờ phút khốn
đốn của miền Nam nước Việt.
Ba ngày sau, đâu ngờ, Sài Gòn thất
thủ.
Thôi rồi,
thế là mất hết, mất Sài Gòn, mất quê hương, mất luôn ngày về của lớp trẻ vẫn
hằng mơ ước một ngày có thể đóng góp phần trí tuệ của mình cho quê hương thân
yêu miền Nam./-Hết
Trần Đình Thục
304Đen –
Llttm - MT
No comments:
Post a Comment