Nhân nghĩ về Khái Hưng
Khái Hưng đã chết như thế nào? Từ rất lâu, mỗi lần
gặp lại tên Khái Hưng, tôi lại nghĩ đến điều đó và cùng lúc tôi vẫn muốn biết
Khái Hưng, cùng Tự-lực văn-đoàn,cũng như tất cả những người ở thế hệ Khái Hưng
đã làm cách mạng như thế nào, họ đã nghĩ gì, làm gì. Họ đã hoạt động trong giai
đoạn kháng chiến giải phóng dân tộc ra sao?
Tại sao Cộng sản thủ tiêu Khái Hưng? tôi nhớ câu
thơ ấy của Thanh Tâm Tuyền. Khái Hưng đã bị thủ tiêu, điều ấy đã chắc. Hồi còn
nhỏ ở Hà-nội, đọc một tờ tuần báo vào khoảng năm 1950 gì đó tôi có được thấy
trong một thiên hồi ký, không nhớ tên tác giả, không nhớ rõ tên thiên hồi ký,
tôi chỉ nhớ thiên hồi ký mô tả lại những ngày tù tội của các chiến sĩ quốc gia
bị V.M. bắt giam, trong thiên hồi ký có một đoạn tác giả cho biết đã gặp Khái
Hưng trong một trại giam ở Việt Bắc, tác giả cho biết lúc đó Khái Hưng ốm yếu,
bị đi kiết vì bị hành hạ và cuộc sống đầy ải của nhà tù, rồi Khái Hưng chết ở
đây, những chiến sĩ quốc gia, những bạn của Khái Hưng đã đẵn tre làm phên quấn
xác Khái Hưng thay quan tài và an táng trong một khu rừng ở Đại-từ, những điều
này tôi nhớ mơ hồ lắm và cùng đó hình như tác giả còn nói ngày Khái Hưng chết
là 17-11 năm 1947. Tôi không nhớ rõ, nhưng trí óc tôi còn mường tượng nên viết
ra, nó không nhằm cung cấp chính xác một tài liệu, mà tôi chỉ muốn ghi lại
những điều mà trong tâm tưởng tôi hai chữ Khái Hưng vẫn có lúc nhớ đến.
Trong thời gian làm tờ Văn Nghệ tại nhà in ở đường
Cô Bắc tình cờ tôi được nghe truyện về Khái Hưng, người nói chuyện giới thiệu
là một người cháu về đằng bà Khái Hưng, người này nói chính ông đã gặp Khái
Hưng lần cuối vào ngay buổi chiều cán bộ V.M. bắt Khái Hưng dẫn đi, bọn cán bộ
này là một thứ du kích tự vệ xã, Khái Hưng mặc quần áo thường, mang theo một
chiếc chăn dạ màu cứt ngựa, người kể truyện gặp Khái Hưng ở đầu làng, Khái Hưng
có nét mặt rầu rầu buồn bã mỉm cười và giơ tay chào. Sau đó, người nói chuyện
bảo dù rất kín, mấy tên du kích đã lộ ra rằng họ bỏ Khái Hưng vào bao bố đâm
chết rồi quăng xuống sông.
Không hiểu ngoài những điều mơ hồ, không có gì làm
bằng chứng kia, còn có những điều nào khác được kể về cái chết của Khái Hưng?
Có điều Khái Hưng đã chết. Khái Hưng đã chết thực và tác phẩm cuối cùng của
Khái Hưng -theo như ghi chép- để lại cho chúng ta là tác phẩm Băn khoăn, trước
khi Khái Hưng bước vào đoạn đường tranh đấu cách mạng cùng các bạn, cùng toàn
dân để giải phóng dân tộc và Khái Hưng đã chết trong cuộc tranh đấu đó.
Nghĩ về cái chết của Khái Hưng, cùng lúc tôi nghĩ
đến cái chết khác của các chiến sĩ quốc gia kéo theo sự thất bại của những
người quốc gia trong lúc đối đầu với Cộng-sản, tôi muốn tìm hiểu và rút ra từ
đó những nguyên nhân đưa đến hoàn cảnh lịch sử đương thời mà với chúng tôi buộc
phải có trách nhiệm. Trở về khung cảnh, những hoạt động của sau năm 1901 khi
Đông-Kinh Nghĩa-thục phải ngưng hoạt động, sau năm 1924 chiến khu Yên-thế của
Hoàng Hoa Thám bị tan, sau năm 1930 Nguyễn Thái Học bị chết ở Yên-báy, Tự-lực
văn-đoàn với Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ ... hoạt
động trên mặt trận báo chí, văn chương không phải chỉ là để làm báo, làm văn
chương, mà những công việc của nhóm đã chứng minh rõ, họ chỉ dùng văn chương
báo chí để hoạt động cách mạng, hay nói khác đi, nhẹ hơn, đúng hơn dùng văn
chương báo chí cho một vận động cải cách xã hội theo tinh thần Tây-phương. Những
gì đã được viết ra trên báo Phong Hóa, báo Ngày Nay, cùng các tác phẩm đã minh
chứng điều này. Sau bao nhiêu năm bế môn tỏa cảng, người Tây-học, người trí
thức mới của thế hệ 1930 đã nhận thấy sức mạnh của Tây-phương, cụ thể là nền đô
hộ của người Pháp, người trí thức mới nhận ra sự bại trận, nô lệ của mình: xã
hội ta lạc hậu, tinh thần Nho-giáo suy đồi, hủ lậu, dân ta cực khổ thất học,
với quá nhiều tệ đoan, mê tín. Họ thấy rõ muốn thoát cảnh lệ thuộc trước hết
phải nâng cao dân trí, cải cách xã hội. Và họ đã làm. Các tác phẩm văn chương
của Tự-lực văn-đoàn đã đóng một vai trò lớn trong công việc này: mô tả tranh
chấp mới cũ, đề cao đời sống mới. Trên căn bản chấp nhận tinh thần tự do, dân
quyền của những nhà tư tưởng đã làm thành cuộc cách mạng tư sản 1789 của Pháp.
Lý thuyết gia chỉ đạo của Tự-lực văn-đoàn là Hoàng Đạo đã viết: Mười điều tâm
niệm, Nhất Linh đã viết Đoạn tuyệt, Khái Hưng đã viết Nửa chừng xuân. Trên
phương diện xã hội đã đưa ra phong trào Ánh Sáng. Sau cùng Tự-lực văn-đoàn
thành đảng Hưng Việt hoạt động cách mạng, kéo liền theo đó, Khái Hưng chết.
Nhất Linh bỏ ghế bộ trưởng chạy sang Tầu, Hoàng Đạo chết ở Tầu, Tú Mỡ, Thế Lữ ở
lại với Cộng-sản, còn một mình Nhất Linh bơ vơ, lạc lõng ở Miền Nam đề cao văn
chương vượt thời gian không gian, và với chính bản thân chọn cái chết chống lại
chế độ Ngô Đình Diệm.
Suốt một lịch sử kéo dào ba mươi năm, trong đó liên
tiếp 20 năm chiến tranh trên quê hương chúng ta, nếu đổ tội cho cái vận nước
mình khốn khổ, khốn nạn thì không nói làm gì nữa, nhưng nói đến trách nhiệm của
những ai tự nhận như một chiến sỹ quốc gia thì chúng ta phải nhận chúng ta đã
thua, chúng ta phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc với hiện tình, và từ đó phải
nhận định: từ những vận động của thế hệ 1930, qua cuộc kháng chiến giải phóng dân
tộc đến nay, cuộc cách mạng phải có của chúng ta vẫn chưa chấm dứt, vì chúng ta
vẫn chưa có một mẫu người mới, một xã hội mới được xây dựng trên một ý thức hệ
Việt mới. Có phải tôi đã nói lông bông lang bang, vì tôi đang viết những gì về
Khái Hưng không? Có thể phải mà cũng có thể không vì tôi đã nghĩ đến nó khi nhớ
lại những điều Khái Hưng đã viết, và cái chết của Khái Hưng để lại cho tôi. Và
vì tôi, chính tôi, đang có những vấn đề đặt ra: văn chương với xã hội, văn
chương với cách mạng, sự liên hệ của người cầm bút với xã hội, quê hương và
nhất nữa khi đặt mình là nhà văn tôi phải làm gì? Có văn chương nghệ thuật
thuần túy không?
Trong số các tác phẩm của Khái Hưng, cuốn được ghi
cuối cùng là Băn khoăn, cuốn sách hình như đã được viết ngay vào lúc đầu những
hoạt động cách mạng của tác giả cùng với lúc Nhất Linh viết cuốn Bướm trắng.
Tôi vẫn tự hỏi: tại sao giữa tác phẩm và đời sống tác giả lại không có một chút
liên hệ nào như vậy. Tại sao Nhất Linh và Khái Hưng lại viết được hai tác phẩm
thuần túy như thế vào giữa lúc họ bắt đầu hoạt động cách mạng. Có thực Băn
khoăn và Bướm trắng đã được viết lúc ấy hay đã viết từ trước mà mãi lúc đó mới
in ra?
Hơn nữa Nhất Linh đã viết Đôi bạn, và tôi nhớ có
đọc được một vài số báo nào đó Khái Hưng viết truyện Xiềng xích rõ ràng là
những tác phẩm liên can mật thiết đến tư tưởng và đời sống tác giả trong xã hội
đương thời ấy.
Băn khoăn của Khái Hưng muốn nói là "băn
khoăn" của ai? Của Cảnh chăng? Cậu sinh viên trường luật học giỏi đã hai
mươi nhăm tuổi đang yên ổn học hành... nhưng sang năm thứ ba một hôm như chợt
lởn vởn trong đầu chàng câu hỏi: "Học để làm gì, và đỗ để làm gì?"
Rồi câu hỏi trở thành ám ảnh dòng dã hàng tháng, ám ảnh kỳ cho tới khi nẩy ra
câu trả lời mới thôi. Câu trả lời ấy là: "Học để chẳng làm gì ráo. Đỗ cũng
chẳng ích lợi gì cho chàng, cho tương lai của chàng." Rồi chàng lý luận ầm
ỹ trong thâm tâm để tìm nguyên tắc, quan niệm, ý nghĩa của sự sống, của đời
mình. Luận lý cho tới lúc đến một kết cục chán nản, đau đớn. sống không mục
đích, đời là vô vị[1]. Cảnh không học nữa, và mới bắt đầu một cuộc phiêu
lưu, dấn mình vào cuộc sống chơi bời. "Muốn thì được" Cảnh thường
nói. Mà khi người ta giàu như Cảnh thì người ta lại càng dễ được cái người ta
muốn. Vì thế mà ngay đêm hôm ấy Cảnh đã trở nên tình nhân người yêu của bạn.
Khi đã phạm tội, hai người ngỏ với nhau những ý riêng caủ mình rồi ôm nhau cười
ngất.
- Đối với bọn chúng ta chả còn cái gì chúng ta cho
là thiêng liêng nữa.
- Rõ em khéo nói kiểu cách!... Và ở cái thời gian
khoa học này, đến thần thánh cũng đã mất hết thiêng liêng đối với lòng tín
ngưỡng thành kính của người đời, thì còn cái gì đáng gọi là thiêng liêng nữa.
Họa chăng chỉ có cái tính xác thịt, cái thú vui hiện tại đáng gọi là thiêng
liêng cho một cái gì"[2].Rồi Cảnh yêu Lan Hương, rồi yêu Hảo, ăn chơi, đánh
bạc, bán cả nhà của bố cho, sau chót bỏ đi, đi đâu, phải chăng đó là cái
"băn khoăn" Khái Hưng muốn nói?
Hay cái "băn khoăn" đó là cái "băn
khoăn" của ông Thanh Đức, xuất thân từ một gia đình buôn bán, cai thầu,
kinh doanh, và ông đi theo con đường ấy, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền, đến
mỏ, đến đồn điền, cho ngay tới khi đang đánh bạc với một người tình mà ông đã
say đắm theo đuổi nghe nói đến cơ hội làm giàu cũng rũ áo đứng lên ngay. Hoằng,
người đang ngồi cùng chiếu bạc đã phê phán:"Kim tiền! Trời ơi! Kim tiền!
Kim tiền làm cho người ta quên hết ghét, yêu, thù, tức để chỉ nghĩ đến nó, chỉ
nhớ đến nó, chỉ chạy theo một nó. Kim tiền vạn tuế! Sống mãi trong xã hội này,
thì một ngày kia tôi điên thật."[3]
Chừng như với ông Thanh Đức tiền có thể mua được tất, mua người này một đêm,
mua người kia một đêm, mua nhà, mua mỏ, mua nhân nghĩa danh vọng. Như vậy ông
Thanh Đức "băn khoăn" cái gì, "băn khoăn" vì không lấy được
Hảo chăng?
Hay cái "băn khoăn" đó là "băn
khoăn" của Hảo, con gái độc nhất của bà án, giàu có, trẻ đẹp, 20 tuổi sống
một cuộc đời nhung lụa với bên cạnh vô số bậc thượng lưu trí thức, vô số thanh
niên tân học tán tỉnh, một người mà bố con Thanh Đức cùng yêu, cùng muốnchiếm
đoạt mà cuối cùng lại lấy một người khác. Phải chăng "băn khoăn" bày
tỏ tâm trạng lưỡng lự khi lực chọn trước vô số người trước mặt mình của Hảo?
Ba nhân vật Cảnh, ông Thanh Đức, cô Hảo là chính
trong câu chuyện "băn khoăn" của Khái Hưng. Thời gian của tác phẩm
ngắn ngủi, khởi đầu từ lúc có tin ông Thanh Đức muốn tục huyền cho tới khi cô
Hảo, người con gái mà ông Thanh Đức theo đuổi, báo tin lấy ông huyện Tô thì
chấm dứt.
Khung cảnh xã hội "một đời nhiễu loạn, vô gia
đình giáo dục, vô gia đình luân lý"[4], đưa thanh niên đến nhận định "sinh ra ở đời
để mà sung sướng, để mà thỏa mãn, chớ không phải để khổ sở; để than phiền, hay
để theo đuổi một mục đích viển vông nào."[5] Khung cảnh của một xã hội thượng lưu với rượu, với
cà-phê rum ngây ngất, với những canh bạc không nghĩ đến ăn thua; với một phút
quyết định đã đủ phương tiện để rời Hà-nội đi Sầm-sơn tắm biển, rồi từ Sầm-sơn
đi Hải-phòng coi chớp bóng, ngủ với gái, với sinh viên luật thấy chẳng cần phải
thi đỗ, với bác sĩ có bịnh viện giao cho người phụ trông nom, với những cô gái
mà tất cả các bạn đều là tình nhân chung chăn chung gối, chán người này đổi
người khác, một xã hội mà ngay trong đó đã có người phán xét... "thấy đám
thanh niên sống không mục đích, hay với mục đích độc nhất là sự chơi bời phóng
lãng thì em ghê sợ... cho họ quá, và tiếc cho họ nữa... Những bực thanh niên
trí thức như anh Đoan em mà chịu khó làm việc, làm việc với lòng tín ngưỡng
thì... hay biết bao, có ích cho đồng bào biết bao?"[6].
Những nhà luân lý đã từng nói đến những truyện của
Sagan thời hậu chiến vô luân, mà có ai nhớ đến rằng, chính đời sống vô luân,
cảnh chồng chung vợ chạ, cảnh đề cao thú vui xác thịt đã có trong tác phẩm Khái
Hưng từ thời tiền chiến ở Việt Nam.
Trình bày câu chuyện Băn khoăn của Khái Hưng tới
đây, tôi ngưng lại để trở về nhận định tôi đã đưa ra: vì sao người trí thức
Tây-học đã thất bại trong giai đoạn vừa qua khi lãnh đạo tranh đấu.
Lớp trí thức mới sinh ra sai khi tinh thần Văn-Thân
khởi nghĩa đã hết, sau khi lớp trí thức Nho học đã tàn, và người Pháp đã mang
văn hóa Tây-phương vào đào tạo một lớp người mới. Từ tình thế lụn bại của tinh
thần quốc gia đó, người trí thức Tây-học chạy theo ngay, hạ bệ cái cũ một cách
tàn tệ, kịch liệt, và cái mới chói lòa trước mắt làm họ không nhìn thấy gì nữa.
Họ du nhập đơn phương, không lựa lọc, không nhìn chính vào mình. Họ lên án nhà
Nho câu nệ khuôn bó theo Khổng-học, thì chính họ lại bước theo con đường đó để
đến với Tây-học, và tạo ra một lớp trí thức mất gốc, rơi vào cái thực trạng mà
cuốn Băn khoăn của Khái Hưng đã phản ảnh. Với lớp người như thế, với tư tưởng
như thế, họ làm sao không thất bại, phải chăng, đó chính là điều "băn
khoăn" của Khái Hưng?
Lỗi lầm của lớp trí thứ Tây-học từ ngay lúc đầu đã
gây ra, đưa đến hiện trạng này, và ngày nay,lớp thanh niên mới,với bài học cũ
của lịch sử, đã nhận ra chưa trách nhiệm của mình từ ngay trên căn bản tư tưởng
trong cuộc dấn thân mà họ phải thực hiện. Hay họ đang tiếp tục đi trên con
đường mòn nối dài khi xưa mà họ cố tình làm ngơ như không biết?
Nhưng tôi vẫn tự hỏi: vì sao giữa lúc bước chân vào
cuộc tranh đấu cách mạng mà Khái Hưng lại viết được Băn khoăn? Không hề có ảnh
hưởng giữa đời sống và tư tưởng tác giả với tác phẩm sao?
11-1964
Văn, số 22, ngày 15-11-1964, trang 33-39
[1] Băn khoăn, Khái Hưng, bản in lần thứ ba, Phượng
Giang, Sài-gòn, 1958, trang 16
[2] Sách đã dẫn, trang 44.
[3] Sách đã dẫn, trang 268.
[4] Sách đã dẫn, trang 13.
[5] Sách đã dẫn, trang 50.
[6] Sách đã dẫn, trang 86.
No comments:
Post a Comment