Saturday, February 29, 2020

Người Mẹ Thứ - Nguyễn Ngọc Hoa


Người mẹ thứ
 

 

Ngôi nhà An Cựu của mẹ nằm giữa một thửa đất rộng gần chân núi Ngự Bình. Hàng rào chung quanh là những cây chè mọc hoang đan vào các bụi cẩn (hoa dâm bụt) với những đóa hoa giống như cái lọng màu đỏ và chen lẫn với các bụi ngũ sắc với những bông hoa nhỏ nhiều màu sắc và trái tròn nhỏ xíu dính với nhau thành chùm. Vườn tược trống trải, mẹ dự định trồng cây ăn trái ở phía trước và lập vườn rau ở phía sau để thu hoạch hoa màu làm lợi tức gia đình.

Không tới một tuần mà anh Quang đã tụ tập chơi đùa với bọn trẻ con cùng trang lứa trong xóm. Trong lúc anh được phục lăn và tôn làm đầu nêu bày trò chơi, tôi bị chê là ngu ngơ khờ khạo. Bọn này hái trái ngũ sắc chín màu đen dụ tôi ăn; tôi ăn vào nhả phụt ra ngay vì không ngon lành gì cả (dì Cúc chê “chim cũng không thèm ăn trái nớ”) và bị trêu chọc vì gọi cây hoa bằng cái tên ở ngoài làng,

“Lêu lêu, bông ngũ sắc mà kêu là bông gia tô. Quê òm (quê quá chừng)!”.

Buổi sáng, anh dẫn tôi chạy lên núi để luyện phi hành, tức là lướt đi như bay như các hiệp sĩ trong truyện võ thuật hay kiếm hiệp. Chạy lên núi đã khó – mệt và mỏi chân, nhưng chạy xuống lại càng khó hơn – giữ sao cho đừng đổ dốc ngã chúi dập mặt. Anh nói khi đạt đến mức thượng thừa, mỗi ngày hiệp khách có thể đi ngàn dặm như không.

Buổi chiều, hai anh em luyện phi thân tức là nhảy vọt lên.  “Sách” dạy khi đầy đủ công phu chỉ cần nhún chân một cái là nhảy qua tường cao hay bay lên nóc nhà. Ở góc vườn sau không ai nhìn thấy, anh đào một cái hố đường kính chừng một thước và ban đầu sâu chừng ba tấc. Đứng dưới hố, không cong chân (ở đầu gối), và ráng nhảy lên mặt đất. Sau khi “thành công” ở độ sâu này, lại đào sâu hơn, và cứ thế mà tiếp tục.

Thỉnh thoảng chúng tôi lên hai hòn núi nằm hai bên núi Ngự Bình, Tả Phù và Hữu Bật.  Tôi lượm thạch anh và đá lửa ở chân núi đem về trữ trong “kho tàng bí mật” chôn giấu sau hè nhà. Anh Quang dẫn “quân” lên hòn Hữu Bật tập diễn màn vua Quang Trung lập đàn tế cáo trời đất và lên ngôi hoàng đế trước khi tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh.

Khi vở kịch hoàn tất, anh nghiêm giọng hô lớn,

“Quân ba… a… ay!”.

“Dạ… ạ… ạ”,  bon trẻ dạ rân lên.

“Cầm cu cho tau đá… ái… ái”, anh cười kha khả.

Bọn “lâu la”rú lên cười hãnh diện và cùng nhau vỗ tay hát,

Hai vợ chồng,

Hông vợ chài.

Đổ bánh khoái.

Hái rau răm.

Nằm với nhau.

Địt cái tôộng!

Anh tôi nghe không thuận tai, dạy các bạn hát bài đồng dao Quảng Bình về vợ chồng,

… O một mình, không đặng
Tui một mình, không đặng
Gió ngoài biển dồn vô
Mây trên trời cuốn lại
O với tui cũng cuốn lại …


Những trò chơi loang toàng của chúng tôi không qua nổi đôi mắt dì Cúc, nhưng dì không la mắng mà còn giúp đỡ và che chở khi cha hỏi tới. Cha thường ngủ đêm trong đồn dưới Truồi ít khi về nhà nên chúng tôi ít gặp và không lo bị “ăn da bò”.

Giúp mẹ lo việc nhà cửa và săn sóc bốn anh em tôi (mẹ vừa có thêm thằng Triết), dì được mẹ tin cậy. Anh Quang không ưa dì nhưng chỉ dám lén uốn éo đóng trò bắt chước dì nói giọng Huế,

Eng ăng noái chi mà lạ rứa, mầng người ta dị bấc chết mà nõ biết ôốc dôộc!” (“Anh ăn nói gì mà lạ vậy, làm người ta thẹn muốn chết mà không biết xấu hổ!”).

Một hôm, tôi thấy đứng chơ vơ bên đường lên núi một cây hoa quỳ cao chừng hai thước với những cánh hoa màu vàng rực rỡ chung quanh đài hoa. Đóa hoa đẹp quá, tôi bẻ cả cây đem về đưa mẹ xem. Mẹ vốn không ưa cây dại ngoài đồng,

Quăng đi, đem về làm chi cho nhớp (dơ) nhà?”.

Tôi mang hoa tặng dì Cúc. Dì cảm động, lấy chai bia không đổ nước vào cắm hoa để trên đầu giường, và giải thích,

“Cây ni còn kêu là bông hướng dương có gốc ở bên Châu Mỹ. Những cọng bông nhỏ lấm tấm trong đài hoa lớn lên thành hột ăn ngon lắm”.

“Dì ăn thử chưa?”, tôi tò mò.

“Nghe rứa chớ có mà ăn”, dì xoa đầu tôi cười rúc rích.

Mỗi chiều thứ Năm, dì xin phép mẹ đưa tôi đi xem hát bội ớ trường hát Ba Tuần (tức là rạp Đồng Xuân Lâu) ở Ngã Giữa (hay đường Gia Long). Xem hát xong, dì ghé quán Bà Cửu Ới mua cho mẹ gói thuốc Cẩm Lệ, tiệm Hồng Thuận lấy cho anh Quang và thằng Sáng gói mè xửng hoặc hộp kẹo gương, và chợ Đông Ba tìm cho thằng Triết món quà nhỏ như cái lục lạc hay con chim bằng vải treo trên nóc nôi. Chú “thợ ăn” thì no nê với quà bánh xực liên tục từ khi tới rạp hát cho đến lúc ra về.

Dì thích nhất tuồng “Quan Vân Trường Phò Nhị Tẩu” diễn tích Quan Vũ hộ tống hai bà chị dâu, vợ người anh kết nghĩa là Lưu Bị, trên đường lưu lạc. “Con mọt sách” đã thuộc lòng các truyện Tàu mà tựa đề mang thêm hai chữ “Diễn Nghĩa”như Phong Thần, Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, v.v. và hăng hái kể lại cho dì nghe những sự tích trong truyện. Tôi khám phá ra một điều không ai biết: dì có khả năng nhận thức lẹ và nhớ dai lạ lùng, như nghe đọc tên thuốc hay địa danh bằng tiếng Pháp một lần là nhớ mãi và lặp lại đúng giọng, nhưng lại không biết đọc hay biết viết.

Biết tôi ham đọc truyện, dì kiếm về cho tôi nhiều sách cũ, phần lớn mất cả bìa trước lẫn bìa sau nhưng trang đầu ghi lời yêu cầu của chủ nhân,

Chơi hoa chớ để hoa tàn,

Xem sách chớ để sách tan nát bìa.

Tôi học cách cắt giấy cứng làm bìa, dùng đinh đục lỗ, và dùng kềm cắt dây kẽm làm kim đóng sách để đóng sách lại và cất giữ. Nhờ vậy, tôi có cả thư viện truyện tình cảm xã hội như Bên Dòng Sông Trẹm của Dương Hà, truyện trinh thám như Con Tàu Máu và Chiếc Thuyền Ma của Phi Long, truyện võ thuật như Hỏa Thiêu Thiếu Lâm Tự và Thần Long Đại hiệp, v.v.

Truyện trinh thám và võ thuật không hiểu sao thường bị bỏ dở nửa chừng và không có kết cuộc. Nhưng không hề gì, dì  Cúc giúp tôi dệt thêm phần cuối, thêm mắm thêm muối cho đến khi thấy câu chuyện kết thúc vừa ý – người hiền gặp lành, và kẻ ác đền tội. Với phương pháp “viết truyện miệng”, dì là cô giáo Việt văn đầu tiên và giỏi nhất trong đời tôi.

Dì hay kể lể tâm sự với tôi mà không sợ bị tiết lộ sang người thứ ba vì thằng Bé không có ai để kể lại, mà có kể cũng chẳng ai thèm nghe. Dì là dân Huế chính cống, sinh ra và lớn lên ở vùng

Đông Ba Gia Hội hai cầu,

Ngó về Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Chùa Diệu Đế tọa lạc bên bờ sông Gia Hội (hay còn gọi là sông Đông Ba).

Mồ côi cha từ thuở bé, dì theo mẹ vào Lăng Cô mở quán tạp hóa rồi gặp cha và thương tài “ông quan một” lớn hơn dì tám tuổi.  Cha thành thực cho biết đã có vợ và ba đứa con ở ngoài làng và ngỏ ý muốn hỏi cưới dì làm vợ hai đúng lúc bà mẹ lâm bịnh nặng sợ không qua khỏi.  Bà giục dì, lúc ấy mười chín tuổi, nhận lời cầu hôn để có nơi nương tựa sau khi bà ra đi.

Đám cưới chạy tang được tố chức đơn giản với sự chứng kiến của các bạn đồng ngũ của cha. Sau khi mẹ mất, dì bán nhà cửa và giao hết tiền bạc cho cha. Từ đó, dì coi mình là một phần gia đình cha và nguyện phục tòng và giúp mẹ nuôi nấng các con. Dì mong ước một điều,

Răng ông Trời cho dì đẻ đứa con gái. Có công chúa đứng giữa tứ hổ tướng là bốn anh em bây là nhà mình có phước nhứt hạng”.

Nhân thu xếp các món đồ trong rương, dì hãnh diện lấy cho tôi xem tờ “giấy giá thú” cha làm lúc cưới dì,

“Cha nộp giấy ni trong đồn, ăn lương dì là vợ thứ cùng với mẹ là vợ chánh và mấy đứa bây là con”.

Đó là tờ “Giấy Sống Chung” đánh máy trên giấy trơn không có tiêu đề, đại khái cho biết cha và dì thỏa thuận sống chung với nhau; cha ký tên bên dưới và dì điểm chỉ một bên.  Tôi đọc đi đọc lại mà không thấy chữ “giá thú,” “chồng,” hay “vợ thứ” đâu cả. Dì ngạc nhiên,

Răng con đọc lâu rứa, có chi lạ không?”.

“Dạ không, có mấy chữ khó mà con không hiểu”, tôi ngập ngừng và thấy mắt cay cay.

Vậy mà lâu nay tôi cứ ngỡ dì thực sự là thứ mẫu – mẹ thứ – của anh em tôi.

Tội nghiệp dì quá đi thôi!

 

Ngày 18 tháng Mười Một, 2013

Nguyễn Ngọc Hoa

304Đen - llttm

No comments: