Tuesday, February 25, 2020

Người Tàn Tật Và Thằng Nhỏ Bến Phà Mỹ Thuận - Thuyên Huy



Người Tàn Tật Và Thằng Nhỏ Bến Phà Mỹ Thuận

Tình tiết tưởng tượng, địa danh thật nhưng có thể không chính xác, tự dựng bối cảnh, viết để nhớ em tôi
 
 
 

    Chủ nhật tuần nào cũng vậy, hơn ba bốn tháng rồi, về làm việc ở Vĩnh Long, vẫn chưa “quen nước quen cái”, đi ra đi vô một mình một thân, căn nhà trong cư xá do tỉnh cấp lúc nào cũng “cửa đóng then gài”, vắng tưởng chừng như đôi khi tiếng nghe được tiếng muỗi lạc bầy trong ngày kêu, đám đàn anh “chức sắc” ai nấy đều có gia đình nên cũng không mấy khi gặp mà “trà dư tửu hậu”, thành phố thì chẳng có gì gọi là vui, ăn cơm tiệm dưới chợ ngày lại ngày qua riết rồi cũng chán, nên thử bỏ lên ngã ba đi Sa Đéc, ăn cơm bến phà Mỹ Thuận,  lên phà xuống phà như những lần theo xe đò ghé ngang Sài Gòn quê thăm nhà, thay đổi không khí chút đỉnh xem sao, mới đầu thấy có cái gì đó vui vui nhưng rồi thành thói quen lúc nào không biết.

    Băng qua bên này đường, đầu ngã ba, lấp lửng trưa, trời có phần nắng sớm, gió từ sông thổi lên lùa theo hơi nước râm râm mát rượi, trước khi vào cái quán cơm quen đầu dãy hàng tiệm bán đủ thức ăn, tôi thường thả bộ xuống tới tận bờ sông bên này bến phà, đứng chờ chuyến phà từ bên Cái Bè qua, nhìn xe nhìn người, la hét gọi nhau đầu trên xóm dưới, lòng thấy vui lây theo cái rộn rã, nhộn nhịp của chợ búa, nhất là ngang qua chỗ cái sạp nhỏ, dựng bằng mấy tấm ván lỡ và một rưỡi mái tôn che nắng cũ sét, khiêm nhượng dựa sát bên cạnh cái tiệm bán túi xách, nón khăn đủ loại đủ màu, có người đàn ông tàn phế, cụt mất một nửa chân trái, một nửa cánh tay trái từ cùi chõ xuống, khuôn mặt nám khô màu máu bầm một bên má phải, đội cái nón vải cũ rách vài chỗ che mắt và thằng bé trai độ ba bốn tuổi, thằng bé mặt mày sáng sủa, dễ thương, cười cười, ngồi bên cạnh anh ta, chắc là ba mình, bán chừng chục bịch bánh phồng tôm Sa Giang, bịch kẹo chuối, kẹo dừa, năm ba xấp bánh tráng dẽo, vậy thôi, hai cha con ngồi lặng thinh, nhìn ra đường chờ khách lên phà xuống phà, thỉnh thoảng thằng nhỏ quay qua anh nói gì đó, cứ nhìn thằng nhỏ là thấy thương thương làm sao, cho nên lần nào cũng như lần nấy, lên đây, cho dù nắng hay mưa, tôi vẫn phải đi xuống bờ bến phà, đứng ở một góc không xa, nhìn cho được nó, trên đường về cười một mình, không biết tại sao.

    Gần tới chỗ cái sạp, đứng khựng lại, người vẫn nối tiếp người đông nghẹt, cái sạp trống trơn, không thấy hai cha con thằng nhỏ, tôi ngó quanh ngó quất kiếm, đứng tần ngần trước đó một hồi lâu, người thưa thớt dần, bạn hàng cũng tạm không rao không chào gì nữa, lùi lại cửa tiệm bán túi xách hỏi bà chủ đứng nhìn mông lung ra đường, bà cho biết hai cha con không tới bán hai tuần nay, nghe như anh bị bệnh gì đó. Nghe qua, lòng bỗng dưng không yên, bụng cũng buồn theo không thấy đói, lo cho thằng nhỏ, nếu chỉ có hai cha con thôi thì thằng nhỏ ai lo, tôi gợi chuyện làm quen nhân thấy tiệm vắng khách, bà chị vui vẻ không gì phiền hà cho biết thêm về hoàn cảnh hai cha con, không nhìn tôi mà nhìn xa xa, thoáng chút buồn thấy đâu đó trong mắt.

    *

    Nhà tôi tạm có dư ăn dư mặc chút xíu, nhờ vào việc hùn hạp xe đò chạy đường Trãng Bàng - Sài Gòn với người bạn cũ, có chút thâm tình, đùm bọc nhau từ thời lang thang trên Xa Cam Hớn Quản, rồi sông nước Cai Lậy Trà ôn, trong những ngày ba tôi và chú còn trẻ. Căn nhà không lớn, chỉ có ba người ra vào, người ta xung quanh thì anh em đông, người này người kia, còn nhà tôi thì chỉ có mình tôi, đôi khi thấy vắng vẻ cũng buồn. Qua tết năm tôi lên lớp nhất tiểu học, ba tôi đi thăm hai vợ chồng cô ba Sen, bà con bạn dì gì đó của ông trên Thạnh Phước, Gò Dầu về, dẫn theo thằng nhỏ, tên Trà, quần áo sạch sẽ, mặt mày ngơ ngơ nhưng trông cũng sáng láng, có nốt ruồi son nhưng không đỏ lắm sát cánh mũi trái, dễ cảm tình, nhỏ hơn tôi chừng ba bốn tuổi.

    Ở trên chợ xã Thạnh Phước, không thấy cha mẹ của thằng Trà , nó sống lui cui với bà ngoại từ năm hai ba tuổi, nhà nghèo ở một góc xéo cuối làng, bà sinh sống bằng nghề đan rỗ đan thúng mướn cho người quen dưới chợ, không may bà bị bệnh nặng, bà con lân cận làng xã cố sức chạy chửa nhưng không làm sao hơn, bà qua đời, thương và tội tình cho thằng nhỏ, dù nhà có con đông nhưng vợ chồng cô ba Sen đứng ra nhận nó đem về nuôi gần hơn năm nay, nó dễ dạy, nên cả nhà ai cũng thương cũng mến. Trước ngày đưa ông Táo năm đó, sẳn dịp lên Gò Dầu làm một số giấy tờ, ba tôi ghé vào thăm gia đình cô ba Sen, nhắc cây mai chưng tết mà họ hứa cho, nghe tình cảnh thằng Trà, ông quyết định nhận nó làm con nuôi, Tết xong lên đón. Từ ngày đó, nhà có thêm người, mẹ tôi bận rộn hơn nhưng mà vui và cũng từ đó tôi có đứa em tên Trà, mới đầu thì sợ sệt, ngập ngừng, lạ nhà lạ chỗ nhưng rồi cũng quen, nó lòng vòng bên tôi “anh hai anh hai”, ba xin nó vào học lớp năm trường tiểu học Trãng Bàng, hai anh em đi về có nhau suốt năm sau đó, Trà cũng chịu khó học, chăm chú nghe tôi chỉ bài, chữ một chữ hai, ba mẹ tôi thì thôi, ông bà lo cho nó từng li từng tí, không nói gì ông bà, tôi thương nó không biết bao nhiêu.

    Ngoài chuyện học hành, thì ôi thôi còn bao nhiêu chuyện đánh đáo bắn bi, chọi gồng chọi trỗng, tạt lon, đá cá đá dế, cứ vậy mà anh em quấn quít bên nhau theo bốn mùa thu đông xuân hạ, mưa mù nắng chói.  Có lần ba tôi theo xe đò từ Sài Gòn về, mua cho Trà, một con gà con nhỏ xíu, nhỏ như trái chanh bên hông nhà, màu vàng nhạt thấy thương, hai anh em thả nó đi chập chửng trong nhà, ngồi lê ngồi lếch theo sau, cười khoái chí theo tiếng kêu chíp chíp, Trà cưng con gà tới mức, mẹ tôi cũng phải đành chịu, đi ngủ cũng ôm con gà để nằm kế bên, con gà thì ham đi hơn là ở yên một chỗ, thấy Trà làm bộ giận mà tức cười, hể thấy con gà kêu lên, Trà kéo tay tôi cho bằng được, không cần biết tôi đang làm gì, hết mẹ hết anh  nó đói bụng, nó đói bụng”.

    Rồi một ngày nọ, chiều đi học về, con gà nằm yên, gục đầu, không chạy lửng thửng ở ngạch cửa như mọi bữa, nó bỏ cặp, ngồi bệch xuống ôm con gà lên rờ đầu rờ lưng, miệng lầm thầm “anh hai anh hai”, hai anh em nhìn nhau bỗng dưng khóc sướt mướt, từ đó về sau cứ nhắc tới Trà là tôi không quên được chuyện này. Lên trung học, ở trọ nhà người quen, xa nhà nhớ ba mẹ nhiều không bằng nhớ Trà, đêm ngồi học bài mà cứ nghĩ tới nó, chắc là giờ này nó buồn lắm, ngày lại ngày qua cứ mong cho tới sáng thứ bảy cuối tuần, để kịp theo mấy người anh lớp trên, đón xe về Trãng Bàng thôi, tới nhà anh em gặp lại mừng muốn khóc, rồi thì về ăn tết, về nghĩ hè, mặc sức vui chơi thỏa chí, hết chỗ này tới chỗ kia, nguyên cả khu chợ quận, cứ như vây hết năm này qua năm khác.

*

    Qua năm đệ ngũ, Trà cũng bắt đầu lên lớp ba, nó học giỏi, hiền hậu, ít khi cãi vã, cho nên cô thầy ai cũng mến, nhất là đám bạn chung lớp, đứa nào cũng giành chơi với nó cho được, cả nhà tôi vui lây. Tình hình xóm làng bỗng dưng có phần lộn xộn, không yên hẳn như trước, có tiếng súng nổ lai rai, rải rác xa gần, xe đò lên xuống giờ giấc bất thường vì có quân du kích gì đó thỉnh thoảng ra đắp mô chận đường tại các khoảng đồng vắng, như chỗ khoảng nhà thờ họ Bình Nguyên chẳng hạn, cho nên hai ba tháng tôi mới về nhà một lần.

    Hôm tôi về thăm nhà giữa năm đệ ngũ, tôi chưng hửng, không thấy Trà chạy ra đón như những lần trước, thì ra Trà không còn ở với gia đình tôi nữa từ hơn hơn nửa tháng nay rồi, bữa cơm chiều đó, không những tôi buồn mà ba mẹ tôi cũng buồn không ít, ăn không muốn vô, ngồi nhìn quanh đâu đâu cũng nhớ nó, nhớ mà thương muốn khóc. Theo lời mẹ tôi, có hai vợ chồng còn trẻ, độ chừng trên hai mươi mấy, ăn nói thật thà, đi cùng với chị tư, con của bà cô Sen từ Thạnh Phước xuống nhà, vợ chồng này đem theo tờ giấy xác nhận của xã, chứng nhận là người ở đó trước đây và thằng Trà là con ruột của họ, chị tư cũng đưa thêm cái thư của dượng ba Sen. Hai vợ chồng xin nhận lại thằng Trà và tuy không muốn nhưng cũng không làm gì khác hơn được, ba mẹ tôi đau lòng giao lại con. Trà còn nhỏ quá, chưa biết ất giáp gì nên ai bảo sao nghe vậy, mẹ tôi sửa soạn một túi xách quần áo nặng và nhiều thứ khác mà Trà thường chơi ở nhà cùng một số tiền, gọi là phụ cho nó ăn bánh ăn kẹo, chiều đưa ba mẹ ruột thằng Trà ra bến xe, ba tôi đứng lặng thinh, mẹ thì ôm thằng nhỏ bùi ngùi khóc, mẹ ruột nó cũng sướt mướt khóc theo, xe chạy khuất lâu rồi ba nẹ vẫn còn đứng nhìn theo, ba tôi giờ này mới rưng rưng nước mắt. Thằng Trà đi rồi ba mẹ tôi buồn hết mấy ngày trời, không màng chuyện ăn uống “cơm canh lạnh tanh”, cho tới hôm tôi về, gia đình tôi xa thằng Trà từ ngày đó.

*

     Bận việc bầu cử, cứ đi hết xã này qua xã kia cả ngày nên mấy tuần sau mới rãnh rỗi. Chủ nhật tôi lên bến phà sớm, bạn hàng buôn bán, người đi đường đông nghẹt, chen chúc nhau như mỗi buổi sáng thường lệ, xe đò xe hàng nối đuôi chờ lượt xuống phà qua bên Cái Bè, còi xe inh ỏi, ồn ào, kéo lôi hành khách, từ bên này góc ngã ba đường, thấy cha con thằng nhỏ đã có ở cái sạp quen rồi. Len đám người dắt díu nhau, tay xách tay mang, nắng lên rực một trời, tôi đi nhanh xuống bờ, tới gần cái sạp, để nhìn rõ mặt hơn, chưa kịp hỏi mua gì, bà chị chủ tiệm bán nón túi đứng trước đã lên tiếng “đây nè, hôm bị bệnh, không thấy tới bán, có chú này nè, đến hỏi hăm đó”, tôi cười, thằng nhỏ ngó lên anh cũng ngước lên, cũng cái nón che đầu như trước, gật đầu chào, tôi giựt thót người, lặng đi chốc lát, khi nhìn thấy nốt ruồi son sát cánh mũi trái. Lựa hai ba bịch bánh phồng tôm, kiếm chuyện ngồi xuống bên hai cha con, hỏi qua hỏi lại chuyện này chuyện kia với anh và thằng nhỏ, một khoảng thời gian vừa đủ để nhìn chắc cái nốt ruồi son đó, biết anh đang ở ấp Mỹ Thuận, xã Tân Hội, Vĩnh Long, thằng nhỏ không nói nhiều, nhìn qua nhìn lại nhưng cũng biết một hai “dạ chú, thưa chú, cám ơn cám ơn”. Từ giã hai cha con, cám ơn bà chị chủ tiệm, tôi bỏ lên cái quán cơm quen ngay ngã ba ngồi nhìn xuống, chợt nhớ ra là quên hỏi tên anh, dĩa cơm để đó, không động đậy gì lâu rồi, tôi cứ nhớ cái nốt ruồi son, lẫm bẫm “thằng Trà đây sao”.

    Căn nhà tranh lụp sụp, mái miếng chắp miếng ngang, nằm gần cuối con đường đất mòn nhỏ, ngoằn ngoèo tính từ trên đường lộ hơi xa nhưng nhờ ông trưởng ấp Mỹ Thuận chở bằng xe Honda vô, nên tìm không khó lắm, tôi đi vào nhà, ông trưởng ấp bỏ trở ra ngoài cái quán nước nhỏ đầu ngõ chờ như đã hẹn.

    Trời sắp chiều, nắng vẫn còn sáng rực, ngồi xuống bên cạnh hai cha con trên cái giường tre, chiếc chiếu màu xanh dương bạc rách hai ba chỗ, nhà trống trước trống sau, không có gì khác ngoài cái giường tôi đang ngồi, cái tủ xiêu vẹo bằng cây không cửa đựng mớ quần áo lộn xộn, cái bàn chân thấp chân cao ở giữa và vài ba ghế ngồi, mớ chén bát, mấy cái nồi, để chẳng có lớp lang trên cái kệ kê bốn cục gạch bể hết phân nửa, để sau tủ, tất cả chỉ có vậy thôi, ở trước sân nhà bên kia, đám con nít chạy nhảy hò hét vang rân, thằng nhỏ ngó ra, không màng nhập cuộc. Tôi được ông trưởng ấp cho biết tên anh nhưng tôi muốn chính mình nghe anh nói, anh ngồi im một chút, tôi cũng lặng thinh chờ, không cầm được nước mắt, tôi bật khóc khi anh nói tên mình, tôi ôm lấy Trà và thằng nhỏ, hơn mười năm rồi, thấy hai người lớn khóc, thằng nhỏ cũng khóc theo.

    Rời Trãng Bàng ngày đó, về Thạnh Phước không lâu thì hai vợ chồng dắt con xuống Cần Đước, Long An, quê bên chồng, làm ruộng mướn cho một người quen do ai đó từ trên Thạnh Phước giới thiệu. Nhà nghèo cứ nghèo, Trà không còn đi học nữa, theo hai ba đứa nhỏ khác chăn trâu cho ngươi chủ ruộng, ngoài đồng, có lúc không còn chuyện gì để chơi để nói với nhau, mỗi thằng mỗi chỗ, Trà ngồi dưới gốc đám cây bình bác thường ngày, bên bờ con rạch nhỏ, lớn cái mương chút xíu, nhìn về hướng trời xa xa, chờ nắng tắt, lùa trâu về, buồn nhớ Trãng Bàng, buồn da diết. Cuối năm sau đó, qua tết, mùa gặt xong, một sớm mưa dầm, Trà và hai thằng bạn chăn trâu khác theo một người đàn ông lạ, đã thấy một vài lần đi qua xóm ấp, ngồi tàu đò dưới bến tàu chợ Long An đi Mộc Hóa.

*

    Sau ngày từ trung tâm chiêu hồi Vĩnh Long ra, thấy tình cảnh, tứ cố vô thân tội nghiệp, một bác nhân viên làm ở đó, giúp Trà tìm được chỗ ở tạm, ở nhà máy xay lúa, khúc gần bờ sông ngã ba Long Hồ của người quen, nhà ở đường Nguyễn Thái Học, ông chủ, bác Cần cũng là người tốt bụng, không những cho Trà có chỗ ở tại cái căn nhà thiếc nhỏ, gần nhà kho, trước chất bao cũ rách, giờ bỏ trống, bên hông nhà máy xay lúa, mà còn cho làm công nhân, cột bao, chất hàng và đôi ba chuyện lặt vặt khác. Trong đám mấy người làm ở đây, ai nấy đều vui tính, tử tế, có một cô gái duy nhất tên Hiền, trạc tuổi Trà, làm việc siêng năng cho nên ông thương lắm, cô không đẹp, dáng dấp nhà quê nhưng ăn nói nhỏ nhẹ, chậm rãi còn độc thân, ở đậu chung với hai ba chị em bán hàng ngoài bến xe chợ, trên ngã ba, xế nhà thờ chánh tòa, mấy anh khác đều có gia đình, mấy ngày đầu, vì Trà cũng độc thân, hai người tỏ ra e dè, chào hỏi phải phép vậy thôi nhưng rồi dần dần mấy anh bắt đầu chọc phá, cắp đôi cắp cặp, vậy mà mấy tháng sau, hai người phải lòng thương nhau.

    Bác Cần đứng ra làm một lễ cưới nhỏ, đơn giản cho Trà, Hiền, không có ai là khách, chỉ nhiêu đó mấy anh làm trong nhà máy xay lúa, bác nhân viên ở trung tâm chiêu hồi và vợ chồng bác, vậy đủ vui rồi. Hiền mồ côi cha mẹ rất sớm, được một người dì bà con xa nuôi, quê ở tận Cẫm Sơn, Cai Lậy, cho đến năm mười sáu mười bảy, thấy dì cực khổ quá, mặc dù Hiền cũng bương chải, cấy thuê gặt mướn, có hai ba cô gái bạn quen, rũ nhau đi Vĩnh Long tìm việc mong đở khổ hơn, Hiền theo họ từ đó, ba bốn tháng về thăm dì, tết năm nào cũng về lo cho mộ của cha mẹ, chôn không xa nhà người dì,  bà dì không đến được mà mừng cho cháu gái, cưới xong, bác Cần, gọi là cho mướn, nhưng chưa hề đòi tiền, miếng đất nhỏ đủ cất căn nhà tranh trên con đường đất nhỏ cuối ấp Mỹ Thuận. Hơn một năm sau, Hiền sinh con trai, thằng Hậu kháu khỉnh, dễ nuôi, Trà vui hết sức, nhà từ đó có tiếng cười và bà con chung quanh xóm nghèo có thêm chuyện mà chạy qua chạy lại, bồng bế chân tay, bà thương cô mến.

    Tháng Chạp, ngày đưa ông Táo năm thằng Hậu một tuổi, hai vợ chồng ẳm con về trên Cẫm Sơn thăm bà dì, cũng như những năm trước, về làm cỏ, làm đất mộ cha mẹ trước Tết. Ở chơi tới qua Tết vài ngày, trên đường về lại Vĩnh Long,  chiếc xe đò cũ kỹ chở khách từ Mộc Hòa về Cai Lậy, trên đó có vợ chồng Trà và thằng Hậu, bị trúng mìn ngay chỗ vừa qua ngã ba Cẫm Sơn, nỗ tung, cháy rụi, hàng chục người vừa bị thương vừa chết, xe GMC của lính từ trên quận, phối hợp cùng tàu hải quân đưa số người bị thương xuống bệnh viện Vĩnh Long. Hai vợ chồng bị thương khá nặng, thằng Hậu còn sống, bác Cần nhà máy xay lúa vào nhận thằng nhỏ đem về lo, chờ vợ chồng bình phục, nhưng không may, Hiền mất vài ngày sau, Trà bị cưa chân tay và trở thành tàn phế, cũng bác Cần, đem Hiền về chôn ở Long Hồ. Gần một tháng sau, rời bệnh viện, Trà ẳm con về lại căn nhà tranh ở Mỹ Thuận, chịu ơn bác Cần nhiều quá rồi, Trà từ chối lời bác bảo cứ ở làm lòng vòng chuyện lặt vặt trong nhà máy, thân tàn như vầy gây phiền hơn là tạo vui và với cây nạng gỗ hai cha con vui vẻ, dắt díu nhau mà sống bằng nghề bán kẹo bán bánh, sáng đi chiều về bên bến phà Mỹ Thuận từ đó.

*

    Sắp xếp mọi chuyên đâu đó, xin phép ông Phó tỉnh đàn anh nghỉ vài ngày để đưa hai cha con Trà về Trãng Bàng. Trước ngày đi tôi chở Trà tới nhà máy xay lúa để Trà từ giã mấy anh làm chung ở đó, thấy anh em bịn rịn, tay đỡ tay chống cái nạng, hôn hít thằng nhỏ Hậu mà xúc động khôn xiết, rồi trở qua nhà bác Cần, để cám ơn những gì bác đã lo, đã dành cho vợ chồng Trà, bác có gặp tôi một vài lần khi có việc gì đó ở văn phòng, biết mặt, chào nhau xa xa nhưng chưa nói chuyện gì, thấy tôi đi với cha con Trà vào nhà, hai vợ chồng chưng hửng, không ngờ, nhắc lại chuyện cũ, rồi hai anh em cám ơn những gì hai bác đã giúp, ra về hai bác theo tới cổng, một hai cứ từ chối không nhận mấy tiếng cám ơn, bắt tay bác lần nữa chào, trước khi lên xe, hai bác nói cùng một lượt, nhắc “khi nào rãnh mời ghé qua nhà ăn cơm chiều”, tôi gật đầu hứa, đở thằng nhỏ Hậu lên, nó quay lại vói lên ôm cổ bác gái “bà nội bà nội”, nghe mà rươm rướm nước mắt.

*

    Về Trãng Bàng, gặp lại Trà, ba mẹ tôi mừng quá đổi, mẹ tôi mừng mà khóc cả ngày, cứ “tội con tôi quá” từ nhà trước xuống nhà sau, còn thằng Hậu thì thôi, lặng xăng thơ ngây chạy qua chạy lại quanh nhà, miệng “dạ ông dạ bà”, hàng xóm chung quanh cũng thấy vui lây. Ba mẹ tôi có nhờ cô dượng ba Sen và mấy bác trên xã, dò la tin tức của cha mẹ ruột Trà khá lâu nhưng “biệt vô âm tính”.

    Tết năm sau về thăm nhà, thằng Hậu vào lớp năm trường quận, cái trường mà mười mấy năm trước Trà, ba nó cũng đã từng ngồi trong lớp học đó và hai anh em vẫn còn nhắc lại chuyện con gà không chịu ăn của một buổi chiều xa xưa, cười ngặt nghẻo.

Thuyên Huy   

No comments: