Những ký
ức về cuộc sống Sài Gòn xưa trước 75: Cho tôi lại ngày nào…
Trước 1975 tại Sài Gòn (và cả miền Nam), nếu tôi
nhớ không nhầm, có thời gian mà tất cả các loại xe hơi đều bị bắt buộc phải
phết sơn màu vàng lên 1/3 phía trên của mặt kính 2 đèn trước, với dụng ý ngăn
các bác tài khi pha đèn ban đêm sẽ làm bớt chói mắt người hay xe chạy ngược
chiều. Lại nữa, nơi các ngã tư gần mọi bệnh viện đều có treo bảng “Cấm nhấn
còi” để giúp các bệnh nhân ở đó được nghỉ ngơi thực sự. Rồi các xe đỗ trên các
phố cũng đều phải tuân theo bảng “Ngày chẵn lẻ”.
Tất cả xe taxi – Lúc đó là loại 4 chevaux – đều sơn
tuyền một màu xanh hoặc nửa vàng nửa xanh, nhằm giúp khách nhận biết từ xa để
gọi mà không nhầm với mọi thứ xe chạy “dù” khác. Của đáng tội, thời ấy còn lạc
hậu, tôi còn nhớ mỗi khi ngồi trong xe mà muốn mở cửa bước xuống, thì người ta
đã không tìm thấy tay nắm đâu cả mà phải cầm vào một sợi dây thép căng hết bề
ngang cánh cửa để kéo thật mạnh. Ấy thế mà những chiếc taxi cũ kỹ ấy vẫn đã làm
nên một phần chân dung Sài Gòn thuở ấy. Chúng phải có phần đèn hộp bắt chết
trên mui xe, mà về đêm, hộp đó sẽ sáng lên.
Xe buýt cũng phải sơn một màu đặc trưng để dễ phân
biệt với các loại xe đò chạy tuyến dài. Ví dụ như khi đó, tại gần khu Bà Quẹo,
vẫn có bến xe buýt vàng (Gọi là tô-buýt vàng) mà nếu muốn cầm lái, tức là khi
họ rong ruổi mà ngồi sau lưng họ sẽ là sinh mệnh của mấy chục người vô tội, các
bác tài phải trải qua bao nhiêu năm mướt mồ hôi mới giật được bằng chuyên dụng.
Từ 18 – 20, anh đã có thể học và thi lấy bằng xe 4 chỗ; sau đó vài ba năm, mới
lên được một hạng, rồi cày vô-lăng thêm vài năm nữa, mới cho sờ tới xe tải nhẹ
dưới 1 tấn, lại phải thêm vài niên, mới đủ sức lên xe tải lớn hơn chứ chưa nói
là cho phép lái xe chở khách. Còn muốn lấy dấu “khửa” để lái xe đò thứ thật,
tài xế ít nhất cũng đã trên dưới 40, tức là vào độ tuổi hết “máu” mất rồi, chả
còn mấy hứng thú gì trong chuyện nhấn ga vượt ẩu.
Chuyện đó cũng rõ ràng hệt như chuyện nơi các ngã
tư, mọi loại xe đều phải dừng sau “đường đinh”, là phần kẻ vạch sơn trắng dành
cho người đi bộ. Anh cứ thử đỗ sai làn, hay vượt vạch kẻ xem?
Ngày ấy, người ta còn nhớ vẫn có cụm từ “Nhà thuốc
gác” để chỉ các pharmacie bán thường trực, khác với “nhà thuốc Tây” chỉ mở cửa
vào một số giờ cố định trong ngày và dù là “gác” hay không, trước tiệm nào cũng
phải có một hộp đèn vuông có in hình một chữ thập treo lồi hẳn ra ngoài mặt
tiền – Chữ thập này không nhất thiết phải nguyên màu sơn đỏ khi đèn tắt, mà có
thể là màu xanh lá cây sẫm nữa, nhưng dứt khoát khi thành phố lên đèn, từng hộp
đèn mang ký hiệu quy định ấy cũng phải sáng lên, cho khách đi từ xa biết chỗ mà
tìm tới. Tôi nhớ, khi ấy gần như tất cả đều là nhà thuốc tư, mà hình như tiệm
nào cũng đều có cửa sắt kéo cả. Còn tiệm nào bán thuốc Bắc thì đều có chữ
“Đường” ở cuối tên (Vĩnh Sanh Đường, Thiên Hòa Đường, Thông Tán Đường, Tín Nhân
Đường) rất đặc trưng kiểu người Hoa như trong các phim quyền cước, với các ô
ngăn kéo đựng thuốc đã sấy khô nằm sau quầy, từ sát đất chất lên tới trần nhà,
còn trên mặt quầy thì nào là cân, là bàn dao cầu, là các vuông giấy dầu hay
giấy bản màu vàng có in sẵn chữ Nho trên đó. Nó cũng đặc trưng như khi người ta
đi trên phố, thấy nhà nào có treo trước cửa kính của mình một cái ống đèn hình
trụ đứng với hai màu trắng đỏ, mà khi cắm điện vào, thấy các vạch hai màu ấy
quay theo hình trôn ốc vĩnh cửu, là biết nhà ấy mở tiệm uốn tóc cho phái đẹp.
Người ta khi rủ nhau mở tiệm vàng là phải có chữ
“Kim” đứng đằng trước tên tiệm (Kim Hưng, Kim Xuyến, Kim Hoàng, Kim Thẩm, Kim
Ngân, Kim Hoa…) giống như mở tiệm vải là phải có chữ “Tân” (Tân Hòa, Tân Hương,
Tân Mỹ…) hoặc các tiệm hủ tíu mì, qua mấy chục năm đánh chết cũng phải có chữ
“Ký” ở đuôi (Phát Ký, Huỳnh Ký, Sanh Ký, Nguyên Ký…) trước khi kết bằng hai từ
“Mì gia” mà nếu gọi đủ, phải là “X ký mì gia” gì đấy thì nghe mới ra mùi “Trú
khách”.
Những cái tên làm người ta nhớ nôn nao, như Trưng
Vương hay Gia Long là giúp nghĩ ngay tới những tà áo dài trắng (và tím) tinh
khôi trước mọi cổng trường nữ sinh. Như Võ Trường Toản hay Pétrus Ký là quần
xanh áo trắng quanh các cánh cổng thép nan hoa, che từng khuôn viên mấy trường
nam sinh luôn rợp bóng phượng đỏ ối cả mùa Hè. Còn Colette hay Saint-Exupéry là
phải nhớ ra, các bức tường dài quét vôi màu đỏ không thể lẫn vào đâu được của
mấy ngôi trường Tây chắc chắn là dành cho con nhà giàu, mà số thầy cô người
Pháp dạy ở đó chiếm đến một nửa. Họ sống ở mấy tòa nhà sơn màu cà-phê sữa thanh
nhã, mặt tiền có kẻ ô, cao 4-5 tầng, gọi là “khu chuyên gia” nằm quanh khu sân
quần trên đường Bà Huyện Thanh Quan, gần ngã tư Phan Đình Phùng thuở ấy.
Kỷ niệm với bản thân tôi ở trường Saint Ex là thầy
Alain Pesqué cao tới 1,85m, rất đẹp trai, dạy Math Moderne ngày xưa, tức là dạy
Tân Toán học, khác với Math Classique, là Toán Cổ điển. Còn là thầy Albert
Moreau dạy Sử Địa thế giới (Khi đó học sinh học cả Sử Địa Việt Nam, do thầy cô
người Việt dạy, và Sử Địa năm châu do thầy người Pháp dạy), ông có biệt tài
xuất chúng là không cần dùng compas, mà vẽ Quả đất bằng phấn ngay trên bảng,
trăm cái đều tròn xoe như nhau hệt đúc khuôn. Còn là thầy Jean Baud chỉ cao có
1,68m mà tát rất đau, khi học trò quên vở Science Naturelle (Vạn vật học). Còn
là cô Stéphanie Meyer dạy Français cũng khẻ tay đau điếng người khi trò không
thuộc bài, trong khi phía Văn chương Việt lại có một cô giáo khác. Phải đi qua
tất cả những thầy cô ấy tại Saint Exupéry suốt 2 năm 6ème hay 5ème trước khi
sang Marie Curie, vào 4ème.
Ký ức không hề mờ nhạt nơi những gì chính mình
biết, hoặc chỉ biết loáng thoáng nơi các trường Tây khác, dù chính cống hay chỉ
“giả cầy”, như Fraternité (Gọi là trường Bác Ái) trên đường An Dương Vương ngày
đó, như Aurore (Rạng Đông) mà tôi đi hết tiểu học trên phố Phan Đình Phùng, như
Couvent Des Oiseaux hay Jean Jacques Rousseau. Ký ức càng không mờ nhạt đi khi
mình đi qua thời tiểu học vào những năm 1950 – 1960, học chung với hai anh em
nhà Tạ Thạch và Tạ Thái, con ông Tạ Ký lúc đó là thầy giáo dạy Toán tại trường
Pétrus Ký, mà cũng là một nhà thơ, cùng trong làng cầm bút và là bạn với bố
tôi. Nếu để đo về độ khá giả của gia đình bạn bè học cùng trường, tôi sẽ không
quên mất Lê Thị Đạt, vẽ rất đẹp mà học cũng rất giỏi, con bà chủ tiệm bánh mì
Hà Nội nức tiếng phố Nguyễn Thiện Thuật; hay Trần Thu Trang, con bà chủ tiệm
bánh mứt Bảo Hiên Rồng Vàng khét tiếng nơi phố Gia Long – Cửa Bắc.
Những kỷ niệm ấy đến giờ vẫn nồng nàn như tên các
rạp hát, cứ nhớ đến Rex là phải nhớ Omar Sharif, Julie Christie hay Géraldine
Chaplin trong Docteur Zhivago; nhớ tới Eden là nhớ Đại Sát Tinh với Vương Vũ,
Tiêu Dao và Điền Phong; nhớ Việt Long là nhớ Django không cầu nguyện của Franco
Nero; hay nhớ Victorama Quốc tế là nhớ Liz Taylor, Richard Burton cùng Rex
Harrison trong Cléopâtre. Nhớ từng lần ngồi xe taxi cùng ông bô mình ra khu
trung tâm, ăn bò kho ở tiệm bà Phạm Thị Trước hay nhai nhồm nhoàm bánh
pâté-chaud ở nhà hàng Xinh Xinh, rồi khi lớn hơn, chạy xe đạp ra phố Lê Lợi,
ngồi chơi cùng thằng bạn nghèo để bán giúp nó từng tờ nhạc Tinh Hoa Miền Nam
hay từng quyển nhạc in ronéo lem nhem, bày trên cái sạp bằng tre gấp, dựng
trước cửa rạp Mini Rex hay trước cửa tiệm bán đồ lưu niệm Vân Anh khét tiếng
thuở nào. Nhớ rằng mình vẫn sướng hơn bao bạn bè cùng trường, còn có cha mẹ đầy
đủ, được ăn học tử tế, biết chút ít ngoại ngữ dắt lưng, trong khi chúng nó phải
từ trường tốt, lui về trường nghèo vì cha mẹ hết tiền. Và chúng nó phải kiếm
sống hàng ngày, bán nhạc, bán sách cũ quanh khu Khai Trí, bán thuốc lá trước
cửa rạp Casino mà không ít lần, mình đi xem phim lại thấy chúng vất vả đứng đó,
chìa tay thu tiền từ từng điếu thuốc thơm bán lẻ.
Nhớ từng ngày ngồi nhìn thành phố lên đèn trong
tuổi thanh niên, qua ô kính cửa La Pagode hay Givral, nhất định lắc đầu khi mấy
thằng bạn lớn hơn, huých khuỷu tay vào cạnh sườn mình, chìa cho mình từng điếu
More màu nâu thon dài. Mà cũng không cưỡng mãi được, tuổi 22 là biết cầm điếu
thuốc Bastos Luxe đầu đời.
Nhớ cả tiệm Cảnh Hưng cho thuê sách nằm đối diện
trường Rạng Đông mà bà chủ tiệm, và nhất là ông chồng bà ấy, thuộc vanh vách
từng tựa sách nằm ở đâu, ngăn kéo nào, tầng kệ nào trong bát ngát cả chục nghìn
quyển chất chật cứng cả mặt tiền tiệm. Nhớ những tối thầm đọc Duyên Anh và Kim
Dung trong màn, nhớ cả lần ngu ngốc hỏi ông già nghĩa của từ “Đốn mạt” là gì
khi đọc trộm quyển Anh hùng đốn mạt của Nguyên Vũ để bị xơi đòn quắn đít. Nhớ
cả những bạn văn lẫy lừng của ông già mình ghé nhà chơi, như Nguyên Sa, Vũ
Hạnh, Minh Quân, Võ Phiến và cả Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn.
Nhớ cả những cây xăng có vòi bơm bánh xe, gắn đứng
giữa hai trụ xăng, phải lấy tay mình quay cây kim hơi về số theo ý muốn rồi từ
tốn ngồi xuống, mở nắp vòi, lắp đầu bơm vào săm để cho nó tự bơm, khi nào nghe
kêu cái “keng”, đủ hơi, là máy tự động ngừng. Rồi nhớ cả chiếc Vélo Solex của
ông già mình, do đi nhiều quá, bị xóc trên yên cũng quá nhiều qua các ổ gà, ông
đã bị sai cột sống.
Nhớ những château d’eau (Tháp nước xây bằng
bê-tông) là đặc trưng của Sài Gòn thuở đó mà theo thời gian, chúng biến mất
theo các ngôi nhà cao tầng. Nhớ các vòi nước phun, người ta ra đó giặt quần áo
hay gánh nước vào từng đôi thùng tôn vuông mà quẩy về nhà. Rồi nhớ cả mùi thuốc
phiện mà ông Tư thợ mộc, làm liên gia trưởng hồi ấy, đêm đêm vẫn thầm đốt bên
bàn đèn, loang qua cửa sổ nhà bên mà vào nhà mình. Nhớ những mầu áo cũ, cặp
kính cũ của vài cô bạn trẻ đầu đời. Nhớ cả làn lông măng sẫm mầu nằm trên mép
của Khánh Ly, mặc áo dài, đi chân đất, hát nhạc Trịnh tại sân trường đại học.
Bà Mai Liên đọc chương trình thời sự trên màn hình
chiếc TV National 19 inch; bà Túy Hồng với các vở kịch trồi lên từ ngày cũ; bà
Kiều Hạnh với chương trình Tuổi xanh; ông Lê Văn Khoa với chương trình Thế giới
của em; ba bốn anh em nhà họ Phạm với ban Hợp ca Thăng Long; tòa soạn tờ Bách
Khoa của ông Lê Ngộ Châu trên phố Phan Đình Phùng; các bức minh họa kiệt xuất
của họa sĩ Phạm Tăng, rồi các bức vẽ chân dung tuyệt tác theo kiểu cubisme của
họa sĩ Tạ Tỵ; vở kịch Khói lửa Kinh thành của Lâm Ngữ Đường qua bản dịch của Vi
Huyền Đắc. Nhớ cả dáng gầy của nhà văn Nguiễn Ngu Í khi ngồi uống cà-phê với bố
tôi để cùng tranh luận không bao giờ có hồi kết về một thứ tiếng Việt kiểu mới
do ông ấy sáng tác. Nhớ từng nốt nhạc mà ông bác Phạm Duy đàn lên từ bài Giọt
mưa trên lá… Và nhiều nữa. Nhiều nữa như từng chữ quá tuyệt trong bài Back To
Soriento mà ông ấy đã chuyển lời. Nhớ cả từng bức ảnh đen trắng của 2 bậc thầy
Nguyễn Cao Đàm và Trần Cao Lĩnh.
Nhớ từng chiếc bánh tôm trong tiệm kem Mai Hương
trên phố Lê Lợi, từng ly nước mía Viễn Đông nơi góc phố Pasteur, từng trang báo
Salut Les Copains với Stone và Éric Charden hay Sylvie Vartan trên đó. Nhớ bài
Le seul bébé qui ne pleure pas hay Laisse aller la musique thấm đầy tính tự sự
trên từng cuộn băng cassette Anna quen gọi nôm na cho dễ nhớ. Nhớ cả cái bóng ma
đi lang thang trong nghĩa địa mà người ta dàn dựng trên TV với giọng đọc rền rĩ
“Tôi chết vì ma túy” nghe rợn cả tóc gáy ngày ấy. Nhớ bộ ria mép của Trần Quang
dẫu nó không dày và trứ danh như của Omar Sharif… Nhớ cái đầu trọc của Yul
Brynner trong The Magnificent Seven (Bảy tay súng oai hùng), và nhớ dáng gầy
không giống ai của Audrey Hepburn cùng cái cằm nổi tiếng với hố lõm vào của
Kirk Douglas… Nhớ mang máng cả những người thực ra chẳng cần nhớ làm gì như
Hoàng Đức Nhã, người đã tìm đủ cách để rũ sổ bố tôi từ Nha Báo chí Phủ Tổng
thống.
Tại sao tôi đang ở trong những ngày này, mà lại
không nhớ gì mấy về chúng cả, để cứ phải ăn mày vào một thời từng quá cũ và xa?
Tại sao bây giờ, mình cứ nhớ chỉ về những bức bối thực tại, mà lại phải bấu rất
đau vào chuỗi ngày cứ ngỡ đã phôi pha rất lâu?… Tại sao?
Đâm ra lại như nghe loáng thoáng đâu đây, giai điệu
buồn bâng khuâng từ bài Kỷ niệm:
“Cho tôi lại ngày nào,
Trăng lên bằng ngọn cau,
Me tôi ngồi khâu áo,
Bên cây đèn dầu hao…
Trăng lên bằng ngọn cau,
Me tôi ngồi khâu áo,
Bên cây đèn dầu hao…
Cha tôi ngồi xem báo,
Phố xá vắng hiu hiu,
Trong đêm mùa khô ráo,
Tôi nghe tiếng còi tàu…”.
Phố xá vắng hiu hiu,
Trong đêm mùa khô ráo,
Tôi nghe tiếng còi tàu…”.
Để thấy mình hệt như một con ốc bò thầm trên đường
trăng.
TRINH ANH KHOI
No comments:
Post a Comment