Saturday, February 22, 2020

Tên, Thứ, Hỗn Danh - Hồ Trường An


Tên, Thứ, Hỗn Danh
 
 
 

Một buổi sáng nọ, tôi đi mua sắm một ít thực phẩm tại hiệu tạp hóa ở khu Maubert Mutualité (Quận 5, Paris), bỗng có tiếng gọi:

– Có phải ông là cậu Ba Thiềng Đức không?Tôi quay lại. Một bà già co ro trong tấm áo măng-tô màu xám, hơi cũ, đầu trùm khăn san, cổ quấn khăn len màu rượu chát. Tôi vội hỏi:

– Thưa bà, chắc bà có gặp tôi lần nào chăng?

Bà ta kêu lên:

– Chèn ơi, bộ cậu nhìn không ra tui sao? Tui là cô Sáu Cầu Kè đây?

Cô Sáu Cầu Kè! Tôi nhớ ra rồi. Nhưng mà trải qua hai mươi năm, biết bao là thay đổi, đổi thay. Cô đã trở thành bà già. Còn tôi đã vượt qua chặng đường xuân xanh quá xa rồi. Xưa kia, tôi ở làng Thành Đức, một làng ở ngoại ô tỉnh Vĩnh Long. Vì có một ông huyện trấn nhậm ở đó tên Thành, nên dân chúng cữ tên và gọi là Thiềng Đức mãi tới bây giờ. Cầu Kè là làng kế bên, nối với Thiềng Đức bằng một khúc lộ đá xanh.

Cô Sáu Cầu Kè ngày xưa nổi tiếng khá xinh đẹp. Lúc đó tôi mới mười lăm, còn cô đã ngoài ba mươi tuổi. Kể ra, cô thuộc thế hệ song thân tôi. Đó là mẫu phụ nữ nửa chợ nửa quê, tóc xức dầu bông lài bóng loáng, chải kỹ rồi bới thành cái bí bo tròn tròn như trái cam, giắt một cây trâm nạm hột thủy tinh lấp lánh. Cô đeo bông tai cẩm thạch, đeo vòng cẩm thạch và vòng bánh ú bằng đồng, cổ đeo giây chuyền với miếng mề đay bằng cẩm thạch chạm hình một chùm nho, ngón tay cô đeo nhẫn nhận kim cương lấm tấm. Răng cô Sáu trắng trong, vậy mà cô lại bịt chiếc răng vàng ở bên mép và thích cười tít toát để khoe răng vàng làm duyên.

Tôi mời cô Sáu đi uống nước vì dẫu sao cô cũng là người đồng hương. Trong tiệm nước, cô chặm nước mắt:

– Cậu còn nhớ thằng Tính, con trai đầu lòng của tui không? Nó chết trong trại cải tạo rồi cậu à. Tụi Cộng Sản nào tha một sĩ quan cấp đại úy làm ở phòng tình báo, đã từng tham gia chiến dịch Phụng Hoàng? Còn con vợ nó cũng chết vì bịnh phù thủng ở vùng kinh tế mới, ven Quốc Lộ 13, Quận Chơn Thành, tỉnh Bình Long. Thằng con trai kế của tui gom hai đứa cháu mồ côi, rồi cùng tôi tháo thân vượt biển, rốt cuộc đến đây. Thằng Sự, con trai kế của tôi, cậu còn nhớ nó chớ? Hồi xưa, cậu ưa rủ nó vô vườn lùng hái ổi xá lỵ hoài đó mà.

Tôi gật đầu xác nhận. Cô lại kể tiếp:

– Từ năm 1968, tui xoay qua nghề bán thuốc tây, mướn bằng cấp cô dược sĩ Minh Tần ở ngoài chợ. Việc làm ăn tấn tới nên tiền bạc tui phủ phê. Tui sửa sang nhà cửa, mua sắm tủ, bàn hực hỡ. Chừng tụi Cộng Sản vô, con Tư Chèo Bẻo nó kẻ vạch với thằng cha huyện ủy sao đó. Tụi ôn binh đó đuổi mẹ con tui ra khỏi nhà, không kịp lấy cái khăn mà đội đầu.

Tư Chèo Bẻo! Tôi cũng nhớ ra rồi! Tôi kêu nhân vật đó bằng dì Tư, dì là em bà con xa của má tôi. Dì Tư Chèo Bẻo vào thời kháng Pháp cũng có tham dự vào đoàn thể Phụ Nữ Tiền Phong. Tên cúng cơm của dì là Kiệu, nhưng dì ghét cay ghét đắng cái tên đó như đàn bà ghét tình địch của mình. Theo dì, Kiệu dùng để đỡ chân người ta, chịu cảnh ở dưới đít dưới khu người ta. Bởi vậy dì chọn cho mình cái tên Ngọc Trâm để được ở để đầu trên tóc người ta. Nhưng dân chúng không kêu dì bằng Ngọc Trâm mà kêu dì bằng cô Tư Chèo Bẻo vì dì thích nói chuyện lăng líu suốt ngày như con chim chèo bẻo, toàn là chuyện đầu cua tai nheo nên ai cũng xem thường dì cả. Tư Chèo Bẻo có lưỡng quyền cao, hàm răng hơi hô, mặt không có điểm nào đáng làm thơ ca ngợi. Tuy vậy, dì kén chồng, thường bạ ai cũng tuyên bố:

– Tui coi vậy chớ khó tánh lắm. Cái thứ công tử bột ăn mặc quần áo ủi sắc lẻm, tóc chải bóng đừng có mong cầu hôn tui. Người chồng tương lai của tui phải là kẻ trượng phu mã thượng, “tóc lộng tơi bời gió bốn phương”.

Câu tuyên bố sặc mùi văn tiểu thuyết ba xu nên dì được dân trong xóm âu yếm tặng cho một cái tên kiều diễm khác: Tư Tiểu Thuyết.

Cô Sáu Cầu Kè nói:

– Con Tư hoạt động cho tụi Cộng Sản lâu rồi, khoảng 1948 gì gì đó. Bí danh của nó là cô Tám Hồ. Nghe nói trong tổ chức hoạt động ở vùng Long Hồ, nó đứng vào hàng thứ tám.

Tôi thở dài. Từ Tư Kiệu, xuyên qua Tư Chèo Bẻo, Tư Tiểu Thuyết rồi qua Ngọc Trâm, rồi đến Tám Hồ quả là giai đoạn trường kỳ khốc liệt, trên 30 năm.

Tôi cũng không quên cô Dược Sĩ Minh Tần. Đó là cô gái già khó tánh, hay bắt lỗi, bắt phải mọi người chung quanh. Cô có chứng bịnh gì không biết mà mắt cô trố, lòi ra ngoài hố mắt. Có lần cô đi chợ Vĩnh Long ăn bánh canh. Một thằng du đãng ghẹo cô:

– Cô nầy mắt lòi ra như mắt con cá thòi lòi. Coi chừng cô ơi, cô cúi xuống húp bánh canh, cặp mắt cô rớt vô tô nghe cái chũm bây giờ.

Vốn ghét cô kiêu căng, khó chịu nên dân vùng Cầu Lộ, cầu Bà Điều gọi cô là cô Chín Thòi Lòi.

Dân tỉnh tôi thường gọi nhau bằng thứ tự trong hàng ngũ anh chị em trong nhà như: cô Hai, cô Tư, cậu Chín, thím Mười, dì Út. Đôi lúc, dễ xác định cho dễ nhớ họ kèm cái tên vào thứ như: cậu Hai Luông, cô Ba Giỏi, chị Chín Thạnh, anh Mười Liễu… Thứ cũng thường đi kèm với địa danh người ở như cô Sáu Cầu Kè, cô Bảy Chợ Lách, anh Năm Long Hồ, cậu chín Cầu Vỹ, thím sáu Trà Ôn…

Với óc thực tiễn dân miền Nam cũng thích gọi cái thứ kèm theo nghề nghiệp của đương sự: Thằng Hai Lò Rèn, cậu Tư Thợ Nguội, dượng Chín Sốp Phơ, anh Chín Thợ Cưa, thằng Bảy Y Tá, thầy Năm Thông Ngôn, cô Út Mụ Vườn (mụ vườn là cô đỡ đẻ ở miệt vườn tược, rẫy bái).

Với óc trào lộng phong phú, người ta còn ghép thứ vào đặc tính của nhân vật: cô Hai Xí Xọn, cô Ba Chót Chét, thằng Năm Cà Chớn, con Bảy Lí Lắc.

Cô Hai Xí Xọn răng hư, phải trồng bốn cái răng vàng, nhà ở miệt Cầu Lầu, gần nhà máy chà gạo. Nhà cô thuộc nhà bánh ếch, trước nhà có trồng cây khế. Chính thằng Năm Cà Chớn đẹp trai kia đã nói cô trồng khế để chùi bóng hàm răng vàng. Cô chửi nó tắt bếp. Nó vẫn cười hề hề, vẫn giữ cái hỗn danh cà chớn như cũ, còn cô Hai Xí Xọn vì giận quá hóa ra dữ, bị gán thêm hỗn danh Hai Kiến Lửa… Cô phải cạy răng vàng trồng răng xương, rồi đi lấy chồng theo đạo Hòa Hảo ở Cái Vồn. Thằng Năm Cà Chớn còn dám chọc cô dược sĩ Minh Tần. Chính hắn nói mắt cô giống mắt cá thòi lòi chớ ai “dám trồng khoai đất nầy”? Năm Cà Chớn ve vãn được con Ba Lí Lắc, sau đó hắn lại mèo mỡ lung tung. Con Ba ghen quá, buồn rầu ngồi đâu tiu nghỉu đó nên bị gán thêm cái tên con Ba Bún Thiu.

Có cô nữ sinh học trường đầm tên Paulette, nhưng dân trong xóm không quen kêu tiếng Tây, nên kêu cô là cô Hai Bò Lết, rồi kêu thêm “Hai vừa bò vừa lết”. Lại có cô Năm Nguyệt Nga lấy chồng Tây đẻ thằng con tên Henri Mallet, nhưng thiên hạ gọi thằng Tây Ma Lè, hoặc thằng Hai Ma Lè…

Cô Năm Nguyệt Nga thích mặc áo dài cẩm quít nên bị gắn cho cái hỗn danh cô Năm Cẩm Quít. Cô Hai Ngọc Hạnh vào khoảng năm 1938, thích đi xe kiếng, một loại xe có cửa kiếng, do ngựa kéo, rất thịnh hành ở Sài Gòn. Cô bị dân trong xóm đổi lại là cô Hai Xe Kiếng và bị tặng luôn hai câu ca dao:

 “Bước lên xe kiếng đi viếng mả chồng
Mả chưa cỏ mọc trong lòng thọ thai”.

Cô Hai Xe Kiếng rủa:

– Tui mà gặp ai nói xấu tui, tui luộc nó như luộc ốc, luộc hột vịt lộn, đừng có chọc tui mà mang họa.

Một mặt cô hăm he, nhưng một mặt cô buồn cảnh góa bụa nên cô đi chùa dâng hương. Đến chùa cô gặp thầy sãi trắng trẻo có cặp mắt ướt rượt. Cô ve vãn, làm trành làm tréo thầy cách nào không biết làm thầy bỏ chùa cùng cô về làng Lộc Hòa trồng khoai mỡ, khoai môn, để tóc hoàn tục. Dân xóm đặt cho cô là cô Hai Thị Mầu.

Khi tôi trưởng thành, chị tôi rất thân thiết với cô Sáu Cầu Kè, được cô thố lộ tâm sự rất nhiều. Giữa cô Sáu Cầu Kè, và thầy Năm Thông Ngôn có một thiên tình sử khá tức cười. Số là thầy Năm làm thông ngôn (tức là thông dịch viên) cho quan chánh chủ tỉnh người Pháp, có ăn cơm tháng ở nhà ông Phán Dậu, gần nhà ông Kế Hiền Thoại, cha cô Sáu Cầu Kè. Thuở đó thầy trạc hai mươi lăm, cao ráo, trắng trẻo, cười tươi, nheo mắt tình tứ, ưa ăn nói pha lửng rất có duyên. Cô Sáu chưa bịt răng vàng, đẹp nõn nà, tóc bới xệ xuống vai, trên trán tóc chải uốn éo như sóng lượn ở Vũng Tàu. Trong vườn cô Sáu có cây chùm ruột sai trái. Đêm đêm, thầy Năm leo rào qua bẻ chùm ruột. Đêm nọ, cô Sáu tình cờ soi đèn ra vườn tìm chiếc kẹp tóc mà cô đánh rớt, bắt gặp thầy Năm đang leo trên cây chùm ruột. Cô liền hăm he:

– Thầy Năm ăn trộm chùm ruột hén? Tui mà la lên một tiếng là thầy có nước… đội quần thiên hạ.

Thầy Năm Thông Ngôn cười hệch hạc:

– Đâu mà có, cô Sáu. Tui đâu phải là đờn bà chửa mà thích ăn chua? Tui leo lên cây chùm ruột nầy để tìm ổ chim dòng dọc đó đa cô.

Cô Sáu xí một tiếng dài ra vẻ ghét bỏ lắm. Thầy Năm tuột xuống, túi quần thầy đầy nhóc trái chùm ruột, nổi cộm hẳn lên. Cô Sáu Cầu Kè nguýt:

– Thầy nói vậy thì có thằng Cuội hoặc con chó nó tin thầy. Nhìn túi quần của thầy cũng đủ biết rồi, khỏi cần dài dòng rồng rắn cho mệt.

– Cô Sáu à, có vài ba trái chùm ruột, cô nỡ nhiếc mắng tui cho đành sao cô Sáu?

Cô Sáu xỉa xói:

– Trái cây ở vườn nầy mất hoài, không thầy thì còn ai vô đây? Mặt mày sáng láng bảnh trai như vầy mà học nghề leo tường, xé rào, chui lỗ chó mà không biết nhục. Thầy không thích ăn chùm ruột thì bẻ chùm ruột cho con mèo thầy ăn. Biết đâu nó chẳng ốm nghén, chẳng thích ăn chua?

Thầy Năm Thông Ngôn nói:

– Cô Sáu ơi, chùm ruột chua có một, còn cô chua cho tới mười, cô Sáu à. Cô xài xể tui, cô mang tiếng chanh chua, có lợi ích gì cho cô đâu.

Hai đàng cãi cọ nhau. Cô Sáu nổi giận xông tới đè thầy Năm xuống, móc chùm ruột ra, toan tri hô lên. Nhưng thầy Năm năn nỉ:

– Cô Sáu không nên, cô à. Cô đè tui như vầy, nếu chuyện nầy đổ bể ra cô cùng mang tiếng chớ chẳng không. Cô nên để tui ra về. Sáng mai, tui sẽ qua nói phải quấy với ông thân cô.

Cô Sáu hậm hực rút lui. Rồi không hiểu từ đó về sau, hai đàng giàn xếp cách nào không biết mà tụi nhỏ trong xóm đồn là cả hai thường hẹn nhau ra vườn làng. Lại nữa, chuyện cô Sáu đè thầy Năm cũng do cô tiết lộ với cô Hai Xí Xọn vốn là bạn thân cô. Rồi đó, từ những cái miệng thèo lẻo, chuyện đó lan rộng ra. Câu vè khôi hài được trở thành câu đồng dao:

“Cô Sáu Cầu Kè đè thầy Năm Thông Ngôn
Thầy Năm Thông Ngôn hôn cô Sáu Cầu Kè”.

Cô Sáu bỗng dưng biếng ăn, biếng ngủ, mắt trõm lơ. Cô Hai Ngọc Hạnh tức là cô Hai Xe Kiếng, thuở đó chưa góa bụa, xầm xì với con Ba Lí Lắc:

– Mầy thấy gì không, Ba? Trái cổ con Sáu nhảy thoi thóp, lông mày nó dựng đứng, con đó ốm nghén rồi, Ba à.

Con Ba Lí Lắc ỏn ẻn:

– Hèn chi, chị Sáu ăn chua dễ sợ. Hết ăn xoài sống tới ăn me, ăn cốc, ăn khế, ăn dưa cải cả cây. Chưa đã đời, chỉ còn uống thêm giấm, uống nước hèm nữa.

Cô Sáu một hôm hẹn thầy Năm ở Cù lao An Thành. Cô cùng thầy ngồi chiếc tam bản rồi bơi vào đám lau sậy bít bùng. Cô khóc bắt đền:

– Tại anh ráo trọi hết. Anh dỗ ngọt, dỗ mặn nên em mới xiêu lòng, mang của nợ trong bụng. Bây giờ nó lớn cỡ con cá lòng tong. Hai tháng sau nó lớn như con cá rô mề, rồi lớn cỡ con cá sặc rằn, rồi bự bằng con cá vồ… Rồi nó càng lúc càng nở bề dài lẫn bề ngang tới lúc nó bực cỡ bắp vế, cỡ con cá bống tượng. Anh mà không tính vuông tròn cho em, em mua giây luộc thắt cổ liền hoặc em mua thuốc chuột tự tử cho mát thân…

Thầy Năm Thông Ngôn ứ hự, ngồi buồn hiu.

Ông Kế Hiền Thoại, cha cô Sáu, sợ để lâu tiếng xấu đồn càng lớn, càng rộng, nên mời thầy Năm lại, nói phải quấy sao đó nên ít lâu sau, cô Sáu trở thành vợ của thầy Năm.

Thầy Năm tuy ứ hự khi bị cô Sáu rúng ép cưới gấp, nhưng khi sống cuộc đời lứa đôi rồi thì thầy hạnh phúc tràn trề. Cô Sáu chiều chồng như chiều vong, nhưng khi cô nổi cơn ghen thì phải biết: Cô dữ còn hơn bà Chằn Lửa, hơn quỷ La Sát. Cô hăm he chồng nghe ớn óc:

– Tui mà bắt được anh tò tí tí te với con nào thì hai đứa sẽ coi tui ra tay. Tui lụi cả hai rồi đem nướng như nướng cá trê, tui xé cả hai ra trộn gỏi, tui luộc cả hai như luộc bắp, luộc khoai, tui bằm cả hai rồi vò viên như bằm thịt bò…

Thầy Năm chờ sự tăng trưởng của cái bào thai trong bụng vợ. Vậy mà bụng của cô Sáu vẫn mềm vẫn thon, chứa không lọt con cá ròng ròng bé tí teo chớ đừng nói là cá lòng tong. Mãi bốn tháng, cái bụng của cô cứ xẹp lép. Thầy hỏi cớ sự, cô cười mơn:

– Em có chửa hồi nào đâu. Nhưng nếu em không dùng kế mọn rúng ép anh cưới em gấp thì anh cứ ngâm tôm hoài, chẳng chịu tính tới…

Thầy Năm bực mình:

– Hồi nào, tui muốn em đừng có mang bầu, chớ bây giờ tui trông ngày trông đêm mà sao cái bụng của em chẳng có biến chuyển gì ráo? Hay em là thứ cây độc không trái, gái độc không con? Em sượng ngắt như trứng gà không trống, em chai ngắt như con ong thơ…

– Vô duyên nà. Tính ra từ lúc mình lén lút vụng trộm với nhau cho tới thành vợ thành chồng mới có sáu tháng thôi mà anh rống, anh la đòi em đẻ gấp. Dòng họ em, bà nào bà nấy đều đẻ sai như chuột bạch, như cá bống trứng. Anh chớ lo.

Ông chánh chủ tỉnh đổi về Tây. Tình nhân của ông bà cô Ba Chót Chét không được mang theo. Dân trong tỉnh thường hát:

“Chiều chiều, ông Chánh về Tây
Cô Ba ở lại lấy thầy Thông Ngôn
Thông ngôn, ký lục bạc chục không màng
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay”.

Cô Ba Chót Chét đây tên là Khế. Khi sanh ra cô, mẹ cô từ ngoài vườn chạy vào nhà, tới gốc cây khế liền xổ cô ra. Do đó mà bà đặt tên cô là Khế. Cô Ba Khế buồn về cái tên xấy háy của mình. Cô ân hận là má cô không chạy kịp tới gốc cây mai, cách cây khế không xa để đẻ ra cô, để cô có cái tên Mai đẹp đẽ với chị em trong vùng. Do đó, khi làm tình nhơn của ông Chánh chủ tỉnh, cô ấy tên là Pauline Tuyết Mai. Cô uốn tóc, mặc áo đầm, giồi phấn tô son, xức dầu thơm. Chiều chiều, cô ngồi xe mui trần, phô trương khuôn mặt trang điểm tỉ mỉ, quần áo rực rỡ, nữ trang choáng lộn. Gặp ai quen biết cô cũng khoe khoang nhà cửa, gấm lụa, hột xoàn, nữ trang của cô. Bởi đó, không ai thèm kêu cô là Pauline Tuyết Mai, mà họ gọi cô là cô Ba Chót Chét.

Cô Sáu Cầu Kè, từ khi ông Chánh về Tây, cô sợ cô Ba Chót Chét mượn chồng mình xài đã đời mới chịu trả hoặc cướp sống chồng mình luôn nên cô quyết định khượi cái răng vàng, trồng răng xương và nhứt là cô phải uốn tóc. Khi từ tiệm uốn về tới nhà, cô giả bộ nói với mẹ chồng:

– Con đi lại tiệm gội đầu, họ gội bằng thuốc gì không biết mà tóc quăn queo, cháy hoe hoe. Con liền bắt đền họ. Họ cắt bỏ tóc cháy, rồi uốn quăn kỳ cục lắm nên con khóc ướt cả khăn mùi xoa.

Cô mở bóp loay hoay tìm khăn tay. Bà mẹ chồng cản lại:

– Thôi thôi, đủ rồi. Cô đem khăn nhúng nước rồi về trình cho tui phải không? Tui già, có hai thứ tóc trên đầu mà con dâu tui muốn ló mòi qua mặt tui chớ.

Bà mẹ chồng háy nàng dâu một cái thật bén, rồi ứ hự ra chiều bất mãn lắm. Bà than:

– Tóc đang dài, suông đuột mà nó nỡ đành cắt ngắn rồi uốn quăn queo như “xà lách soong,” như mấy cái bùi nhùi chùi nồi chùi chảo !…

Cô Sáu Cầu Kè giờ đây không còn giữ một chút hình ảnh cũ nào trong nhân dạng, trên khuôn mặt, trừ cách nói chuyện mộc mạc và bộc trực. Thời gian đã làm cho mặt cô dùn da ổi, mắt cô mờ, lưng cô còng, vai cô rút. Đây là hình ảnh một bà già lưu lạc và đau khổ.

Tôi hình dung lại thuở cô còn thanh xuân, với khuôn mặt trái soan, nước da trắng mịn, hàm răng trắng trong như hột dưa leo, có một thời có chiếc răng bịt vàng bên mép để cô khoe duyên với các cô gái miệt vườn. Đó là thời kỳ tại tỉnh tôi, trên khúc lộ từ cầu Cái Cam đến chợ Vĩnh Long, xe thổ mộ bắt đầu chạy từ năm giờ sáng, tiếng nhạc ngựa rung leng keng, vó ngựa khua dòn dã trên mặt nhựa. Đó là thời kỳ máy móc chưa thạnh hành dầu ở nơi thị tứ hoặc chốn phồn hoa. Một thời kỳ thanh bình, mọi người an ổn làm ăn, hưởng thú thanh nhàn, không thể mường tượng nổi chuyện chiến tranh, giết chóc. Thời kỳ đó cô Sáu Cầu Kè, cô Hai Chót Chét, cô Năm Cẩm Quít, cô Hai Xí Xọn tối tối rủ nhau ra chợ Vĩnh Long xem cải lương, khi ra về thì đốt đuốc, rồi thì thào bàn tán về đào kép, rồi cùng xác nhận: “Hát bội hành tội người ta” hoặc “mê cải lương, ốm lòi xương xườn, xương sống… ”

Hồi đó nào ai biết ba cái tiếng “giờ giới nghiêm,” nào ai biết những tiếng “tuần tiễu”, “gõ cửa xét nhà”. Dân chúng sợ chăng là hình ma bóng quỉ trong các câu chuyện kể, nhứt là chuyện Quỉ Vương ra đời là có nắng lửa, mưa dầu, có đày ải, chết chóc. Và Quỉ Vương đó, ngày nay còn có một tên nữa là Cộng sản.

Nước Việt Nam mình đã trải qua một cuộc nội chiến thảm khốc hơn cảnh nắng lửa mưa dầu suốt 20 năm. Và rốt cuộc, Quỉ Vương đã chiếm miền Nam. Biết bao người trôi giạt ra biển để tìm đất tạm dung. Bây giờ, người miền Nam mới rõ những trận pháo kích, phóng tiễn còn độc dữ hơn nắng lửa mưa dầu gấp trăm ngàn lần.

Thầy Năm Thông Ngôn vào năm 1945 khi Việt Minh lên nắm chính quyền, bị họ bắt xử tử vì thầy bị gán vào tội Việt gian, giao hảo với thực dân Pháp. Cô Sáu Cầu Kè trải qua 30 năm góa bụa, rồi cuối năm Ất Mão 1975, lại khóc thêm cái chết của đứa con đầu lòng. Người đàn bà khả ái và vui tánh đó chịu hai lần tai ương tang tóc, sống hai chặng đời lịch sử.

Nhân dịp đó, tôi nhắc tới cô Ba Chót Chét, cô Sáu Cầu Kè cất giọng hậm hực:

– Mèn đéc ơi, cái con đĩ Chằn ăn trăn quấn, con đĩ Hà Bá Long Vương đó làm giao liên cho tụi Cộng sản từ hồi năm 1960. Bí danh của nó là chị Mười Vinh, không hiểu nghĩa là gì. Giờ đây, nó làm chức gì lớn lắm trong hội Phụ Nữ tỉnh mình.

Tôi lại nghĩ đến thân thế mình. Thuở còn là học sinh trường tỉnh, người trong xóm gọi tôi là cậu Ba Thiềng Đức vì tôi chẳng có sự nghiệp, chức tước chi, tiểu sử trơn lu… Khi tôi viết báo ở Sài gòn, lâu lâu về thăm quê, thiên hạ gọi tên là cậu Ba Nhựt Trình, vì viết báo há không phải là một nghề hay sao?

Sau ngày 30.4.75, tôi lại về thăm quê, không nghề ngỗng, không nơi nương tựa, chỉ vác cái miệng đi ăn chực từ nhà quen nầy tới nhà quen nọ. Nhưng không ai nỡ gọi tôi là cậu Ba Thất Nghiệp, cậu Ba Ăn Chực, cậu Ba Cà Nhổng, cậu Ba Cà Chớn… Họ niềm nở tiếp đón, đùm bọc tôi. Và nếu tôi tháo vát, có thể giãi nắng dầm mưa ở chợ trời thì họ sẽ gọi tôi là cậu Ba Chợ Trời. Đằng này tôi cứ vác miệng đi ăn chực. Họ đành gọi tôi là cậu Ba Thiềng Đức như xưa. Thời cuộc làm cho cái hỗn danh tôi trẻ lại, trở về nguyên thủy, tuy tâm hồn tôi già đắng, già hôi, mệt mỏi vô cùng trên các khúc quanh của lịch sử tang thương.

Tôi nhìn cô Sáu Cầu Kè, mường tượng lại khuôn mặt trẻ trung của cô khoảng thời gian 1948 đến năm 1960 xa xưa. Tôi yêu mến biết bao những tên Hai Luông, Mười Liễu, Sáu Cầu Kè, Bảy Chợ Lách, Bảy Y Tá… Họ là đồng bào, đồng hương của tôi, tượng trưng cho lớp người hiền hòa, chất phác, cần cù. Tôi đã gặp họ Ở các tiệm nước khách trú, ở chợ nhóm, ở các lễ kỳ yên có hát bội, hát tiều, hát quảng giúp vui. Họ cần mẫn làm ăn, yêu nơi sanh quán. Thế mà giờ đây, trước làn sóng đỏ phủ trùm đất nước, họ trôi giạt về đâu?

Tôi cũng yêu cái tên Tư Kiệu, Ba Khế, yêu hơn cái hỗn danh của họ là Tư Chèo Bẻo, Ba Chót Chét hoặc yêu thêm cái biệt hiệu Ngọc Trâm, Pauline Tuyết Mai của họ nhưng quả tình tôi sợ lắm cái bí danh Tám Hồ, Mười Vinh mà Đảng đã ban cho họ. Cũng bởi những cái bí danh đó, cô Sáu Cầu Kè và tôi lạc loài trên đất Pháp, gặp nhau để cùng khóc dĩ vãng trong một tiệm cà phê tại khu Maubert Mutualité.

Hồ Trường An

304Đen – llttm -dsc

No comments: