Bi chừ bên nớ ra răng?
"Đảng và Nhà nước luôn trân
trọng những đóng góp, tấm lòng hướng về đất nước của bà con kiều bào ta trên
toàn thế giới." - Nguyễn Phú Trọng
Từ lâu, tôi vẫn nghe thiên hạ nói
ở đâu có khói ở đó có dân Tàu. Mới đây, tôi mới biết thêm rằng chỗ
nào có người Tàu thì cũng có luôn cả người Việt nữa. Hôm rồi, tôi
mới gặp một người đồng hương ở Viêng Chăn. Nhìn cái nón lá là biết
đúng đồng bào của mình rồi, muốn sáp lại nói chuyện chơi nhưng bà
chị ngó bộ không vui (đang “tâm tư” thấy rõ) nên đành thôi vậy.
Rời thủ đô nước Lào, tôi quá
giang xe tải xuôi Nam. Tài xế dừng bánh ở Paske - một phố thị đông
đúc, nơi giao lưu của sông Xe Don và Mê Kong - và nói tỉnh queo (y như
thiệt) rằng “chỉ cần quẹo phải ngay nơi con đường phía trước chút
xíu thôi là sẽ thấy khách sạn liền.”
Tôi đeo ba lô lội bộ gần hai cây
số giữa trưa (nắng như đổ lửa) mà không gặp nhà trọ, guest house, phòng
ngủ, motel hay hotel gì ráo trọi. Mồ hôi nhỏ giọt long tong từ gáy
xuống lưng như đang bị mắc mưa. Chợt thấy quán ăn, tôi tắp vô liền.
Lúc này mà không có cái gì uống (ngay) chắc chết, chết chắc!
- Sao lại không!
Ôi, thiệt là mừng muốn chết
luôn. Xin tạ ơn Chúa/Phật. May mà có bia, đời còn dễ thương. Lào,
cũng như Miến - có thể - thua kém thiên hạ về tất cả mọi mặt nhưng
Beerlao và Mayanmar Beer thì bảo đảm nếu không nhất (chắc) cũng nhì
Châu Á.
Tôi đang “trầm tư” về bia bọt thì
chợt có một thiếu nữ tay phải cầm một cây quạt và xâu mực khô, tay
trái xách một cái lò than nhỏ, đến đứng ngay cạnh bàn. Xâu mực và
lò than, giữa trưa hè hầm hập, làm cả quán như nóng thêm lên vài
độ... nhưng chiếc nón lá tả tơi cùng ánh mắt (cũng buồn thiu) của
người đối diện khiến lòng tôi dịu xuống.
Lại thêm một người đồng hương
nữa. Ở đâu có khói nơi đó có người Việt mình mà!
- Việt Nam hả?
- Dạ.
- Quê ở đâu?
- Nghệ An.
- Em qua lâu chưa?
- Dạ lâu.
- Tết rồi có về không?
- Dạ không.
- Chú qua lâu chưa?
- Mới thôi.
- Bi chừ bên nớ ra răng?
Câu hỏi thiệt bất ngờ nên khiến
hơi bối rối. Tôi rời Việt Nam lâu lắm rồi (trước khi cô gái bán mực
này mở mắt chào đời chắc cũng phải cỡ chục năm là ít) nên làm sao
biết được “bi chừ bên nớ ra răng”?
Sự lặng im bất chợt của tôi,
tiếc thay, đã gây ra chút ngộ nhận vô cùng đáng tiếc. Có lẽ em nghĩ
rằng tôi không muốn mua hàng và cũng không muốn tiếp tục trò chuyện
nên lặng lẽ quay lưng, bước nhanh ra khỏi quán.
Tôi ngồi chết trân!
Tôi muốn gọi em lại, muốn mời em
ngồi chơi một lát, muốn nói với em đôi lời... nhưng chả hiểu sao cứ
như kẻ bị chôn chân tại chỗ. Tôi nhìn theo dáng em đi khuất mà không
dưng cảm thấy áy náy, bất an và buồn muốn khóc luôn.
Tôi rất ít máu địa phương. Tôi
thành thực yêu mến tất cả mọi người, bất kể là ai. Tuy thế, nói
thiệt tình (với đôi chút xấu hổ) tôi vẫn thấy mình có phần trân
trọng (hơn) khi gặp được đồng bào.
Vậy mà tôi vừa làm cho một
người đồng hương, một cô gái nhỏ mình, phải buồn bã quay lưng. Tôi
giận tôi hết sức.
Khi hỏi “bên nớ ra răng” - có lẽ
- em chỉ muốn biết xem thành phố quê hương (Nghệ An) của mình “bi chừ”
ra sao? Có chi thay đổi nhiều không? Mọi người vẫn bình an chứ?
Em ơi, đất nước chúng ta “ra răng”
là điều tôi cũng rất quan tâm nhưng chưa bao giờ được tường tận lắm,
nói chi riêng đến Nghệ An - nơi mà tôi chưa đặt chân đến lần nào! Đã
thế, những thông tin về quê em mà tôi được biết lại (thường) hoàn toàn
trái ngược với nhau.
Khi tôi vừa sinh ra đời, vào
những năm đầu của thập niên 1950 (lúc cuộc cách mạng vô sản vừa mới
thành công ở nửa nước V.N) thì Nghệ An sắp trở thành... thiên đường -
theo như hứa hẹn của một vị cán bộ địa phương:
“Chúng ta, toàn dân tộc ta, toàn giai
cấp ta, toàn Đảng ta đã lạc quan đánh giặc thắng lợi, bắt địch phải kí với ta
hiệp định Genève. Như thế là kẻ địch đã phải công nhận chính phủ nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà là một chính phủ đàng hoàng đứng ngang hàng với tất cả các
chính phủ trên thế giới. Lạc quan đánh giặc xong, chính phủ ta, Đảng ta, toàn
dân tộc ta, toàn giai cấp ta lại lạc quan xây dựng đất nước không kém gì các
cường quốc trên thế giới... Nhà của ta ở hiện nay sẽ phá sạch sành sanh, phá
sạch không còn một dấu vết gì của nghèo nàn lạc hậu. Tất cả mọi nhà đều xây
thành nhà cao tầng. Từ nhà đi ra đồng có ô tô đưa đi. Làm ruộng mệt mỏi thì
ngừng tay xem xi-nê...” (Võ Văn Trực. Cọng Rêu Dưới
Đáy Ao. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Công Ty Văn Hoá & Truyền
Thông Võ Thị, 2007. Bản điện tử do talawas chủ nhật thực
hiện).
Những lời hứa hẹn kể trên, tuy
nghe có vẻ hơi quá “lạc quan” nhưng đã trở thành hiện thực - theo
tường thuật của tác giả Võ Hoài Nam, báo Dân Trí:
“Thành phố đã trở mình thay da đổi
thịt thật sự! Nhà cao hàng chục tầng chót vót, nhà 4, 5 tầng như đan cửi. Cửa
hiệu, hàng quán nhan nhản sáng đèn với những bảng quảng cáo sặc sỡ đủ các loại.
Công sở hoành tráng. Ga Vinh, Bến xe Vinh…cũng khác hẳn ngày xưa. Hàng cây xanh
ven đường cắt tỉa gọn gàng bắt mắt. Đường phố rộng mở thênh thang và nhiều hơn
trước, với những tên phố lạ hoắc mà tôi chỉ biết đọc và để đọc mà thôi! Xe máy
đủ loại sắc màu nội ngoại nườm nượp hoa cả mắt! Ô tô xịn ngoại quốc bóng nhoáng
lướt nhẹ trên đường phố...”
Thảo nào mà liên tiếp trong
nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đều có tổ chức lễ dâng bánh chưng nặng
hàng ngàn ký lô để tri ân thân mẫu bác Hồ.
Thảo nào mà liên tiếp trong
nhiều năm qua tỉnh Nghệ An đều có tổ chức lễ dâng bánh chưng (nặng
hàng ngàn ký lô) để tri ân thân mẫu bác Hồ và tổ chức bắn pháo hoa
tại Quảng Trường Hồ Chí Minh để mừng Đảng, mừng Xuân.
Em gái bán mực khô mà tôi gặp
trưa nay - tiếc thay - đã không có cái “diễm phúc” được tham dự vào
những màn trình diễn hoành tráng ấy. Em không phải kẻ duy nhất bị
bỏ quên hay bị đứng ngoài mấy cuộc vui chơi, lễ lạc, hay những “bữa
tiệc đời” của tỉnh Nghệ An.
Ở Lào, cũng như ở Thái, tôi đã
gặp vô số những thanh niên và thiếu nữ Việt Nam đang tha phương cầu
thực y như em vậy. Họ lầm lũi đi sau những chiếc xe kem, xe nước dừa,
xe bán trái cây... Họ tất bật suốt ngày trong những quán ăn nóng
bức. Họ nhễ nhại mồ hôi giữa những công trường ngập nắng. Tất cả
nếu không phải là dân Nghệ An thì cũng quê... Hà Tĩnh!
Trong danh sách 200 người trúng
cử Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá XII, rất nhiều
người (hơn hai mươi vị) cũng đều quê quán ở Nghệ An hay Hà Tĩnh.
Dường như có sự trùng hợp, và tương đồng, giữa số lượng quý vị đảng
viên “trúng cử Trung Ương” với đám con dân địa phương phải sống đời
phiêu bạt!
Chỉ tay của các em, chắc chắn,
đều có đường xuất ngoại nhưng (e) thiếu đường may mắn. Tuy thế, nghĩ
cho cùng, các em vẫn còn may hơn nhiều người còn ở lại tại làng quê.
Báo Tuổi Trẻ Online vừa ái ngại cho hay:
“Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài
chính xuất cấp không thu tiền 1.566 tấn gạo hỗ trợ tỉnh Nghệ An để cứu đói cho
nhân dân trong thời gian giáp hạt... Được biết, việc xuất cấp gạo cứu đói này
xuất phát từ đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An, có sự nhất trí của ba bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư.”
Nghệ An vừa bắn pháo hoa, vừa
tổ chức đủ thứ lễ lạc/tiệc tùng, vừa lái những chiếc “ô tô xịn
ngoại quốc bóng nhoáng,” và vừa xin cứu đói. Nghệ An ngày nay, nói nào
ngay, chỉ là hình ảnh của một Việt Nam thu nhỏ. Em ơi, từ phương xa,
làm sao chúng ta biết được “bi chừ bên đó ra răng!”
danlambaovn.blogspot.com
No comments:
Post a Comment