Trại Cẩm Giàng trong ý tưởng
Nhiều người đã cho
rằng Trại Cẩm Giàng là cái nôi chính của Tự lực Văn đoàn
Hà Nội có hai ga xe lửa, ga chính là ga Hàng
Cỏ khá đồ sộ có nhiều tuyến đường đi khắp nơi, gia đình tôi ít dùng. Mỗi lần về
quê ngoại, gia đình tôi thường dùng ga phụ nhỏ hơn là ga Đầu Cầu, tên gọi như
vậy vì nhà ga nằm ngay đầu cầu Long Biên băng qua sông Hồng đến cảng Hải Phòng
cách đó đúng 105 km, và cũng băng qua trước cổng trại quê ngoại của bọn tôi là
trại Cẩm Giàng. Gọi là “băng qua” e không đúng sự thực vì mỗi khi xe lửa chạy
qua, là xì khói, hơi nước và bụi than cháy đỏ ngay vào mũi lũ trẻ bọn tôi đang
đứng khá sát đường sắt, “xem có sao không”. Cũng may là tất cả đều được “bà mụ”
(theo tin tưởng cổ truyền, bà mụ là nàng tiên tốt chuyên lo cho con nít) chăm
lo, nên không sao cả.
Xe lửa thường đông và sàn đầy rác, nhất là
thứ nước quết trầu đỏ như máu do các bà nhổ ra dơ dáy chẳng kém gì nước thuốc
lá do các vị cao bồi viễn tây nhổ sai ống nhố, tung tóe ra sàn quán rượu ngày
xưa. Bởi thế lên được toa xe là hai anh em, tôi và anh Duy Lam, dù chiều cao
còn lủn xủn, thường lẻn ra đầu toa ngồi trên bực lên xuống cho dễ ngắm cảnh và
nhẩy lên nhẩy xuống khi xe ngừng ở nhiều ga. Quen như thế rồi nên khi theo dân
Hà Nội di tản về miền quê tránh bom Mỹ ném quân Nhật rơi “lạc trúng đầu” mình,
tầu hỏa đông đến nỗi không còn chỗ đặt chân (hiểu theo nghĩa đen). Nhưng khi xe
lửa chuyển bánh, anh Lam hô tôi: “Nhẩy lên bám đi”, tôi cũng xẩy đại vào chùm
người đang bám lúc lỉu ở bậc lên xuống, chỉ níu được một tay lên thanh sắt và
một chân lên bậc gỗ. Cứ như thế tôi tòn teng một nửa người trong không gian qua
cầu Long Biên, nhìn xuống, chưa bao giờ thấy sông “gần” mình đến như thế. Đến
mỗi ga, người tị nạn lại xuống một ít nên đến ga trước ga Cẩm Giàng, tôi đã
kiếm được chỗ đặt đủ hai chân lên tàu. Khi tàu ngưng ở ga Cẩm Giàng, mẹ tôi
cười vui khi nhận ra hai đứa bám tàu bọn tôi, không trách cứ vì sinh trong một
gia đình có nhiều anh lớn chuyên làm việc gia đình qua mặt quan thuế, các anh
cách mạng chống Pháp, chống cộng sản..., bà quen với mọi hoàn cảnh hiểm nguy
rồi.
Bọn tôi đợi đến khi tàu tiếp tục chạy đi Hải
Dương, chia hành lý nặng cho người làm ở trại mang hộ, mấy mẹ con mới dắt díu
nhau đi bộ về, trên con đường mòn sát đường sắt, chắc chỉ đủ rộng cho một xe
hơi (cho đến khi trại bị san bằng, tôi chưa thấy một xe hơi nào chạy trên đường
này, giàu hay nghèo cũng đều đi bộ.) Chưa chi Lam đã nhẩy lên một đường ray,
giơ hai tay giữ thăng bằng trên đường sắt. Tôi không bắt chước ngay vì còn mỏi
mệt đã đeo tầu: từ nhỏ tôi vẫn yếu ớt về thể xác, nhậy cảm về tinh thần, hơn là
ông anh chỉ hơn có hai tuổi. Sự chênh lệch này đến bây giờ cũng thế, ở miền tây
bắc nước Mỹ tôi đã chống gậy và dùng xe lăn vì một massive
stroke, ông anh tôi nhờ tập yoga từ trong các trại cải tạo tập trung,
vẫn thỉnh thoảng trồng cây chuối cho bạn bè con cháu coi chơi.
Được một cái là quãng đường này không dài lắm,
chưa chi đã đến cổng trại và đây là một cái cổng hẳn hoi, không nhớ kiến trúc
sư nào đã vẽ kiểu hộ bà ngoại tôi: hai cột cao hai bên rộng đủ hai xe hơi đi
lọt, phía trên là hai then ngang kiểu Nhật hay một giàn gỗ kiểu Pháp, tôi không
nhớ vì lúc nào hầu như cũng phủ kín hoa lá ti-gôn, thứ hoa mầu hồng nhạt quyến
rũ nhưng ngắt xuống không dùng vào việc gì vì hoa quá nhỏ. Cô em họ con đầu
Thạch Lam, thường xuyên có mặt ở trại, cắt nghĩa cho tôi như vậy. Hai cánh cổng
lớn thường xuyên khóa bằng vòng xích khá lớn, kể như không mở bao giờ, ít ra
trong ký ức một chú bé con dưới 10 tuổi là tôi hồi đó. Bọn tôi ra vào một cổng
nhỏ ngay cạnh bụi tre đằng ngà váng óng ả, dưới dàn hoa ti-gôn. Và đến khi
Thạch Lam chết vì lao ở “nhà cây liễu” làng Yên Phụ, Hà Nội, bà ngoại tôi đón
mẹ góa con côi của ông về trại, cho ở căn nhà gạch mới xây hai phòng ở góc trại
sát mặt đường phía nhà ga, thì bọn tôi đi lối này, gần hơn và hợp với lũ trẻ
cháu bà hơn.
Sau cổng gỗ hoa ti-gôn và bụi tre vàng là lối
đi chính dẫn vào phía trong, lát gạch đỏ, hai bên trồng hoa tóc tiên, không
phải thứ tóc tiên leo lá lăn tăn hoa nhỏ đỏ chói, mà là thứ tóc tiên đất lá dài
rậm rạp, hoa hồng nhạt, nhô cao nên rắn thường đến ở và lột xác, cô em họ cắt
nghĩa vậy, và để chứng minh, nàng vạch cụm tóc tiên cho tôi thấy một thứ vỏ mầu
trắng trông dễ nể như xác con alien trong bộ phim Sci-Fi Mỹ -
do đó mỗi khi ngồi khu này, tôi thường xoay xở cho lưng cách một quãng luống
tóc tiên. Hai bên lối đi tóc tiên, bà tôi trồng mấy luống hoa hồng nhiều màu.
Lối đi gạch đỏ bỗng nhiên quẹo trái tới một bụi cây hoa tròn xoe như mâm xôi
trước khi lại quẹo phải tới một ngã ba: cứ đi thẳng sẽ tới tòa nhà chính của
trại, nhà bằng gạch trên một thềm cao nhiều bậc dẫn lên hàng hiên, hai bên bầy
hai con voi bằng sứ, chỗ ngồi thích thú của tôi. Và cũng là chỗ bà tôi đặt bộ
chỉ huy trại...
Bên phải là một nhà dọc kiểu Anh sáng, thẳng
góc vói tòa nhà chính lợp tranh dày cộp, vách bằng bùn trộn trấu quét vôi trắng
trên thềm đất cao, trông nổi bật hẳn lên trong khung cảnh thường ít màu của
đồng bằng miền Bắc. Một hàng hiên khá rộng bao kín tòa nhà này, có thể coi là
nhà khách của trại, chia làm ba phòng. Phòng đầu tiên hướng về cổng trại là
phòng khách đích danh với một bộ bàn ghế mây tre to tướng: nơi tu họp của các
bác, các chú và Tự lực Văn đoàn nói chung cùng thân hữu của họ, để uống trà
(nhiều nhất) uống cà phê và nhậu nhẹt đôi khi (thời kỳ này khu Tự lực ít nhậu
nhẹt so với lớp văn nhân bên ngoài và hậu chiến, và đôi khi có uống thật say
thì dẫn đầu lại là... bố tôi - buồn thay, tại sao sẽ kể sau - rồi mới đến Thạch
Lam, Đinh Hùng, Thế Lữ... Dĩ nhiên khu nhà khách những khi đó là off-limit cho
trẻ con và chú bé con là tôi có tò mò lắm, cũng chỉ đến ngồi trên trạc cây sấu
vườn trước nhìn vào và không hiểu gì cả về “thế giới người lớn” ồn ào kia. Tôi
nhớ mang máng là ít có “bóng hồng vào ra” những hội họp đó vì bà ngoại tôi từng
trải và nghiêm túc đứng chống một tay lên hông, oai phong lẫm lẫm trên thềm cao
nhà chính ngay kia. Sau này đi tu cạo đầu mặc đồ nâu sồng, bà mới bỏ dáng điệu
con nhà võ - bà là con gái một võ quan miền Quảng Nam được bổ nhiệm tới huyện
Cẩm Giàng này. Cha bà phụ tá cho một quan văn cùng quê nên sau này hai bên gả
con nhau, tạo ra một chi Nguyễn Tường mới trụ tại miền Bắc, sinh sôi nẩy nở ra
một lô con cháu ở nội dịa và ngọai quốc sau này.
Bên kia con đường dẫn vào nhà chính và thẳng
góc với nhà khách là “nhà ngang” ba gian, dĩ nhiên không khang trang và mỹ
thuật như nhà khách vì là nơi ở của người làm và lũ cháu đông đảo trong dịp giỗ
và tết – bà tôi cho dọn mọi đồ đạc ra ngoài, trải một lớp rơm dày và sạch, trên
trải chiếu, mỗi gian một gia đình và cấm lũ cháu không được vào trước khi trời
tối vì lũ cháu thành phố thường chui xuống dưới chiếu nghịch phá tan tành ổ
rơm. Chính ở nơi này tôi lần đầu tiên khám phá ra sự tái sinh mầu nhiệm của cây
cỏ: trong túi tôi có lẫn ít hạt thóc vì nhẩy vào sân phơi thóc, mẹ tôi bắt vứt
đi. Tôi dốc túi vào rãnh trước của nhà và quên đi cho đến sáng hôm chót thời
gian cư trú Cẩm Giàng, tôi ngạc nghiên và mê say sự mơn mởn của những cây thóc
non mới mọc, đến độ vớt ít cây từ bùn rãnh nước, nâng niu trên xe lửa mang về
Hà Nội.
Con đường xi măng chia nhà khách ở bên phải,
nhìn từ cổng vào, bên trái là một sân cỏ, sân bà tôi trồng một thứ cỏ thấp,
thường bị giẫm nát bởi các cầu thủ tí hon tranh nhau đá một thứ tròn tròn nào
đó – trong thời Đệ nhị Thế chiến không nhập cảng được những trái banh thứ thật.
Có buổi sáng được phát xôi ăn sáng trên bãi cỏ, một ông anh họ phát minh sáng
kiến vo tròn nắm xôi lại, dùng làm bi bắn chơi với nhau. Khi người lớn trông
thấy hét lên, một cậu vội phi tang hòn bi bằng cách đưa ngay lên miệng ăn nhồm
nhoàm; tôi thì khá hơn: phủi bớt đất và cỏ rồi mới bắt đầu ăn... Sát thềm tòa
nhà chính, bà tôi mới đầu trồng một cây trúc đào, lá thuôn cứng, hoa mầu hồng
đào rực rỡ, sau vì nghe nói lá trúc đào rất độc, sợ lũ cháu cái gì cũng nhấm
cũng ăn thử, bà cho chặt đi, thay thế bằng một cây liễu rủ rất quen thuộc cho
chi thứ 5 Nguyễn Thị Thế (mẹ của Duy Lam và Thế Uyên) và chi thứ 6 Thạch
Lam.
Bên trái tòa nhà chính là sân phơi thóc lát
gạch đỏ vuông vức có bầy một máy quạt lúa có trục quay tay khá nhậy, làm bằng
gỗ là chính. Gần đó là một đống hình chóp nhẵn nhụi mời gọi, tôi lập tức nhẩy
lên chơi trước khi chị Sập, người làm, kêu lên can đừng, vì đó là một đống phân
đang ủ cho hoai. Phọt, phọt! Cả hai chân tôi đã ngập trong phân... Chị Sập vội
giơ hai tay dang rộng bế tôi lên, cứu nguy. Dĩ nhiên sau đó phải tốn hơi nhiều
công sức tẩy uế, mới đưa tôi về tình trạng có thể chạy chơi được và điều đầu
tiên là loan báo các bạn đồng lứa về cái “bẫy nguy hiểm” trong sân. Không ngại
mùi hôi, lũ trẻ xúm xít coi chị Sập đang dùng bùn trát lại cho nguyên vẹn hình
chóp.
Bà tôi đuổi ma như thế nào: Chị Sập không
những chỉ là bạn cứu nguy tôi trong trường hợp vừa kể, mà còn là người hay
cõng, bế tôi đi coi chèo ở trên huyện hay đâu đó. Các cô người làm trẻ, không
cứ của trại Cẩm Giàng mà còn của bố mẹ tôi, hay bế, hay cõng tôi đi coi hát
chèo, vọng cổ... ở các nơi hơi xa. Tôi coi mà có hiểu gì đâu, chỉ thấy chiêng
trống um xùm trong tiếng hét tiếng khóc - lớn lên tôi mới phỏng đoán các cô
“mượn” tôi làm một thứ baby-sitter, escort... cho các cô đỡ bị
con trai chòng ghẹo.
Lần đó không hiểu sao bà chỉ gọi mẹ tôi về
trại gấp, đến nỗi phải đi chuyến tầu chiều, về đến nơi trại đã tối đen, không
phải là tối thường mà là tối đen xì đen ngòm. Phòng ngủ của bà ngoại chỉ có một
đèn dầu nhỏ soi lờ mờ chiếc giường trải nệm trắng. Bà ngồi trên giường và lũ
con cháu xúm xít trên chung quanh: lũ chúng tôi không chịu về ngay phòng ngủ như
thường lệ. Bà sắp kể chuyện ma, mà lại là ma đang viếng nhà bà, làm sao ngủ!
Lần này không có mục chân co lên giường vì sợ, chúng tôi vẫn phải ngồi trên sàn
đá hoa vì lệnh cấm không được leo lên làm bẩn tấm drap trắng vẫn duy trì, thậm
chí sờ một cái cũng không được. Bằng một giọng lúc bổng lúc trầm, bà kể có một
bầy ma ở đâu không biết, lạc lõng đến quấy phá hàng đêm, không cho bà ngủ, cứ
chạy đuổi nhau trên trần ầm ầm. Bà đã hai lần nhờ anh người làm to khỏe leo lên
thang, mở miếng vuông dẫn lên trên trần, soi đèn pin tứ tung, nhưng không thấy
gì. Im vắng được một lát, rồi khi anh Dự người làm xuống nhà dưới đi ngủ, mọi
sự lại ầm ầm. Gọi chị Sập lên ngồi canh, vô ích, lũ ma này coi bộ không sợ đàn
bà con gái... Sau cùng bà phải gọi một ông thầy bói nổi tiếng trong vùng tới
xem sao, và đúng như một tục ngữ “bói ra ma, quét nhà ra rác”, ông thầy
phán: đúng là có một lũ ma đói homeless mới đến cư ngụ căn nhà
này, phải mời thày pháp đến thôi. Mời thì mời, dễ thôi... Ngày
mai sẽ lập đàn cúng kiếng cho thầy pháp trổ tài bắt quỉ đuổi ma.
Không biết có phải sợ thày không đủ cao tay,
ma quỉ sổng ra bắt nạt người sống, bà cho gọi mẹ tôi về gấp. Mẹ tôi vốn cứng
bóng vía có tiếng. Bà không gọi các chú các bác vì sợ các con trai cười cho,
còn mẹ tôi là con gái, kể gì... Theo truyền thống, chuyện ma quái, thầy bói,
thầy pháp... vẫn là chuyện của đàn bà con trẻ.
Tôi không nhớ nổi các chi tiết cụ thể, chỉ
biết mọi sự được tổ chức tại căn phòng đối đầu với phòng khách của các ông, đèn
nến sáng trưng, chuông trống ầm ĩ, như vậy chưa đủ, thầy pháp còn có thể giơ
lên cao một trống nhỏ, đánh nhịp điệu đuổi quỉ, chắc thề, nghe không vui như
tiếng trống giao thừa của bố tôi đánh trên thềm hiên cao. Ông thầy mặc áo the
đen, tay giơ bắt quyết, miệng đọc những lời không biết tiếng mã tà ma ní chi
đó, thỉnh thoảng lại bắt quyết trên đầu con đồng là chị Sập, đầu phủ kín một
làn the đỏ, trông cũng bí mật lắm. Đến một lúc nào đó chị bắt đầu quay đầu,
trước nhẹ nhẹ, sau nhanh dần. Mọi người chung quanh xì xào: đồng nhập rồi, đồng
nhập rồi! Không khí nghiêm trọng: đã bắt được ma nhập vào chị Sập rồi, từ đó
ông thầy pháp đọc thần chú không ai hiểu, chị Sập trả lời ú ớ u ơ... cũng không
ai hiểu nốt, cả hai cứ như thế cho đến khi con đồng thăng, miếng the đỏ phủ
được bỏ đi, và chị Sập được bồi dưỡng giải lao.
Sau đêm thầy pháp điều đình với ma như thế,
không thấy bà tôi than phiền gì về chuyện ma quỉ trên trần nhà nữa. Đừng ai hỏi
tôi tại sao, vì tôi không biết, thật thế. Trước khi Pasteur dùng kính hiển vi
thô sơ nhìn thấy nhiều vi trùng lớn nhỏ bơi lội thoải mái trong một giọt nước,
không ai ngờ là có. Mắt chúng ta không trông thấy một sự vật gì, đừng vội khẳng
định là không có...
Bên cạnh tòa nhà chính là một sân gạch, bên
cạnh có một cây xương rồng to bự, vào mùa hoa nở màu vàng sậm thơm lừng cả khu
vực. Người lớn bảo những loài rắn độc rất mê mùi hoa cây này, lại gần phải coi
chừng. Tôi rón rén lại gần, chỉ thấy những chú thằn lằn xanh lè xông ra, ngóc
đầu lên nhìn tôi de dọa. Thế cũng đủ dễ sợ cho chú bé là tôi. Ở đầu sân gạch là
một cây mít, quả lúc lỉu bám vâo thân cây, thân chính có cột một tàu cau khô
dẫn nước mưa chảy vào một chum nước. Lần nào về trại, tôi cũng ghé thăm chum
nước mưa này, ngắm mấy chú cung quăng bơi lội tứ tung, dù thế người lớn vẫn
khẳng định là nước sạch uống được. Có lẽ hồi nhỏ Nhất Linh cũng đã nghiêng đầu
nhiều lần trên một chum nước như thế, thả vài hột muối trắng vào, coi chúng tan
biến như chưa bao giờ có – như đời một con người trên mặt tinh cầu trái đất
này.
Bà tôi xây một bếp đứng, có thể đun một lúc
nhiều nồi, kê một cái phản gỗ lớn để các bà ngồi làm cỗ. Phân nửa phía sau nhà
chính là một bể lớn tích trữ nước mưa đủ dùng quanh năm, mở về phía trong nhà
bếp cho an toàn người lấy nước về mùa mưa. Đi qua nhà bếp, một sân nhỏ, là đến
hàng rào dâm bụt ngăn với vườn sau, là nơi làm việc của anh lực điền Dự, trụ sở
chính là căn nhà tranh chứa cối và chày giã gạo. Đối với trẻ con thành phố, đây
là một cơ quan hấp dẫn, tôi đã có lần quanh quẩn cả buổi tại đây, coi anh Dự
đạp chầy xuống hố trước khi co chân lên cho chày bổ xuống cối gạo một tiếng rõ
to, chị Sập quì bên cối, xúc gạo lên. Cứ như thế đều đều. Đôi khi anh Dự chuyển
sang một hoạt động hào hứng hơn, như “ăn ong” chẳng hạn. Đây là công tác đàn
ông nguy hiểm, nên bọn trẻ và chị Sập chỉ được đứng trong nhà giã gạo, ngoài
tầm tấn công của đàn ong. Anh Dự làm một bó đuốc to, quấn thêm giẻ để tạo ra
nhiều khói hơn, cởi trần làn da nâu xì (tôi chưa có cơ hội thấy anh mặc áo),
đốt đuốc leo lên một cây cau. Ong vàng bay ra bao lấy kẻ tấn công, anh Dự quơ đuốc
xua ong. Sau cùng anh gỡ được tổ ong, tụt xuống mang vào cho “nàng” và lũ tôi
coi. Anh mở toang tổ ong cho thấy mật đang chẩy ứa ra, từng dẫy ong non trắng
lúc nhúc. Anh ra vẻ không quan tâm tới “nàng”, chị Sập bây giờ phải gọi là nàng
thôi - bất cứ phụ nữ nào đang yêu hay đang được yêu, đều phải gọi là “nàng”
hết, bất kể tuổi tác xấu đẹp - đang quẹt vôi lên những chỗ ong chích.
Anh Dự mời bọn trẻ nếm thử mật ong vườn nhà,
một vài ngón tay giơ ra, không có ngón nào của tôi, đến chiều anh Dự làm món
ong non chiên ròn mời mọi người ăn thử, trong những bàn tay nhô nhón một con ăn
thử và khen “cũng ròn đấy”, cũng vẫn không có tay nào của tôi: tôi không bạo ăn
bạo uống như nhiều người. Những món như ba ba, mối chúa nuốt tươi, càng bọ cạp
nướng, chuột ướp ngũ vị hương, rượu trộn máu đuôi rắn độc... tôi đều không biết
ăn, dù vào lúc đói dài người, đói kinh niên mãn tính trong các trại cải tạo tập
trung của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một chuyến về trại Cẩm Giàng về
sau, chỉ thấy một con chó vện thay cho con Mực ra đón sủa nhặng xị và những
người làm mới. Bà tôi cho biết anh Dự lấy chị Sập (có lẽ tên đúng là Thập, tôi
nói ngọng thành Sập chăng), đôi trẻ xin về quê đẻ con, sau đó không trở lại làm
nữa. Tan biến, mất tích vào cái đồng bằng nhân mãn thường xuyên, nghèo và đói
từ ngàn đời. Nhưng hai người đó được lấy nhau và sinh con đẻ cái, là một chuyện
tình có hậu hẳn hoi, và như thế “cũng tốt thôi”...
Miêu tả trại Cẩm Giàng như thế, là quên một
“nhân vật” quan trọng, là cái ao dài cách nhà khách một khoảng vườn nhiều hoa,
nhiều nhất là hồng, sói, ngâu. Ao người ta thường tròn, ao bà đào dài sát bờ
tre, lấy nhiều đất làm các nền nhà nên chứa dược nhiều nước tắm giặt, và bơi
tùm tùm cho lũ cháu. Một lối đi lát gạch, từ giữa nhà khách ra bờ ao có làm các
bực gạch cho dễ lên xuống, và chính lối đi này đã dụ một cô bé, con Nhất Linh,
chập chững đi theo và rớt tòm xuống, chết ở ao nhà. Lâu lắm rồi, tôi chỉ nghe
kể lại. Tháng 1 năm 1955, đứng trên bậc thềm toa xe lửa đưa tôi vào Nam, kẻ
cuối cùng của một dòng họ đông đảo di cư vào Nam, khi qua vùng trại Cẩm Giàng,
tôi cố nhìn kỹ nhưng không thấy trại năm xưa đâu hết. Chiến tranh, cách mạng đủ
loại đã quét hết, nhà cửa cũng như cây cối. Đứng nghiêng hẳn người ra khỏi toa
xe, cố nhìn, tôi chỉ thoáng thấy vết tích duy nhất là cái ao dài. Còn lại bao
nhiêu trở thành ruộng hết.
Xưa kia, lâu lắm rồi, có một bà góa trẻ và
nghèo nhưng quyết tâm nuôi đàn con ăn và học cho thành tài. Và không những
thành tài về học vấn mà còn thành danh về văn học nữa: những Nhất Linh, Hoàng
Đạo, Nguyễn Thị Thế, Thạch Lam, Tường Bách là con của bà, những Tường Hùng,
Nguyễn Tường Thiết, Nguyễn Tường Giang, Duy Lam, Thế Uyên, Đặng Thơ Thơ là cháu
nội và ngoại của bà. Khi còn nghèo phải thức khuya dậy sớm kiếm tiền nuôi các
con, bà có một lời nguyện: khi nào có đủ tiền sẽ mua đất làm nhà tít ngoài xa
để không ai chắn gió đồng nội của mình. Quả thực bà đã thực hiện được giấc mộng
ấy, nhưng rồi bây giờ, lúc này đây, gió đồng nội lại vi vu thổi trên phần ruộng
đất xưa là trại Cẩm Giàng của bà. Ruộng đất lại trở thành ruộng đất như
xưa.
Seattle, tháng 7. 1998
Thế Uyên
304Đen -
Llttm
No comments:
Post a Comment