BẢN DI CHÚC BI THẢM
Đầu tiên là triệu chứng khó thở kéo dài nhiều giờ. Đó là
điều khó hiểu với một người sức khỏe có thể gọi là sung mãn như ông. Bác sĩ
riêng đã loại trừ ngay cái bệnh buộc phải i-zô-lê ( biệt lập), hoành
hành bởi con vi trùng mang tên một nhà bác học Đức. Nơi ông ở cũng chưa đến nỗi phải suốt
ngày đeo mõm chó cả khi ra đường lẫn ở trong nhà như thành phố Bắc Kinh mù mịt
bụi khói mà ông thường thấy trên phim ảnh. Song song với khó thở, trên thân thể
ông bắt đầu xuất hiện những vẩy nến hình vây cá, thoáng nhìn tưởng như sản phẩm
của tục xăm mình đời xưa hay thói vẽ trang trí thời nay. Những phác đồ điều trị
của những bác sĩ giỏi nhất từ thành phố lẫn trung ương đều dẫn đến những kết
luận chất chứa ưu tư. Một người bạn học thuở cởi truồng tắm sông tới thăm để
nhờ vả một suất công chức cho con trai, bất ngờ thấy ông ngáp ngáp mà không kịp
che giấu thì kinh hoảng kêu lên:
- Bác làm sao thế?
Ông vội lấy lại ngay phong độ quen
thuộc của một quan chức đương quyền. Trước vẻ hối lỗi ra mặt của ông bạn đã vô
tình chứng kiến khoảnh khắc không đẹp của người mình đang phải xin xỏ, ông cuời
độ lượng:
- Không sao. Chúng mình cũng đều sắp
bước vào tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” rồi còn gì. Tức là nghe tai này đưa sang
tai kia.
Cả hai đều cuời to làm cho câu đùa
thêm sự thâm thúy, tăng thêm tình thân mật bỗ bã. Nhưng, giá như ông bạn đừng
thêm lần nữa vô tình nhắc tới bộ phim Người cá của Liên Xô mà hai người từng
xem thời chiếu bóng ngoài bãi. Ông bạn về rồi, ông chìm đắm trong hồi ức tuổi thơ xót thương cho nhân vật người cá bị bọn
xấu săn đuổi, bắt mò ngọc trai cho chúng, để rồi không còn khả năng thở trên
đất liền được nữa, phải vĩnh viễn chia lìa người yêu và sống trong lòng biển…
Tình xót thương đó chìm không sủi tăm có lẽ bắt đầu từ ngày ông cùng thế hệ được
giáo dục mối căm thù vĩ đại, và sau đó tiếp tục bị bắn phá tả tơi suốt hành
trình chinh phục quyền lực. Dù sao ông cũng biết ơn người bạn nhắc
ông nhớ
đến cái thùng nước trong xà lim mà cậu thanh niên Ich-chi-an bị nhốt vào đó. Ông gọi đứa cháu nội
đích tôn mười tuổi vào. “Hình như có lần cháu muốn nhà mình có bể cá vàng?”-
“Vâng! Ông hứa với cháu lâu rồi mà”- “Ừ. Bây giờ ông sẽ thực hiện lời hứa.
Nhưng… Bể cá đặt trong phòng ông nhé, để hai ông cháu ta cùng ngắm. Ông cũng
thích cá lắm”.
Bể cá to hai ngày sau đã xuất hiện
theo ước nguyện. Nó không đặt trong phòng khách như thông lệ của các ngôi biệt
phủ thời nay nhưng cũng chẳng làm bà chủ và các thành viên gia đình thắc mắc,
vì đó là ý muốn của đại lão gia quyền uy. Ông còn cầy cục nhờ một người bạn
quan chức Hà Nội lùng mua bằng được bộ tranh dân gian Hàng Trống Lý ngư vọng
nguyệt mà theo bạn ông kể lại, việc này cũng khó gần như mò trăng dưới nước.
Nể ông, người bạn đã tìm đến một nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian, ông này lại
dẫn tới một vị buôn tranh, thế rồi, cặp tranh quý gói trọn tinh thần yêu vốn cổ
dân tộc chỉ sau một tuần đã chình ình trong phòng ông, bên trên bể cá.
Chú bé thiếu gia đã sung sướng đến mê mẩn, vì những con cá vàng đủ đực đủ cái
đang bơi lội tung tăng kia mới là kẻ biết chia sẻ cùng nó trong lâu đài bí hiểm
với những người lớn thoắt ẩn thoắt hiện lúc nào cũng mang vẻ mặt nghiêm trọng
chứa đựng những mưu mô, toan tính căng thẳng.
Thế nhưng niềm vui của cậu bé mau
chóng bị ô nhiễm, khi một lần đi học về, nó vào phòng, thấy người ông đáng kính
đang vùi cả đầu vào trong bể cá tranh hít thở không khí trong nước với những
con cá vàng tội nghiệp quẫy đuôi tuyệt vọng tứ phía. Nó hét lên như tường nhà
đổ sập, vì hoảng hốt hơn là thương ông hay lo cho số phận mấy con cá.
Phải tới khi thằng bé bíu hai tay đu
vào vào người ông gào khóc, ông mới chợt tỉnh, giật đầu ra khỏi bể cá. Nước bắn tung tóe vào người
thằng bé, rải ướt tấm thảm nhung mà bình thường ông rất chăm chút giữ gìn. Ông
giật mình vì sự bất cẩn quá đáng lý ra không được phép: mọi ngày đi làm về, ông vẫn khóa cửa,
phòng khi cơn nghiền ô xy trong nước trồi lên như bão tố. Còn ra thể thống gì
nữa: tranh hít nước với mấy con cá nhép. Nhưng… nó là đứa trẻ con, lý giải thế
nào chẳng được, bịp cũng chẳng sao, bởi mục đích mới là quan trọng, phương tiện
đâu đáng kể!
Ông hối tiếc là đã không dành thời
gian để đọc truyện cổ tích để có cảm hứng lý giải sự kiện trên theo hướng huyền
thoại. Tuy thế, bản năng làm cha làm ông cũng đã được phát huy tối đa: ông kể
lại câu chuyện phim Người cá – bằng trí nhớ lõm bõm và thiên lương bẩm sinh của
mình, rồi giải thích: ông muốn thử xem cảm giác của Người cá sau nhiều ngày bị
tách rời môi trường con người ra sao thôi… Ông còn gài sẵn một lý thuyết nhỡ
sau này mọi chuyện vỡ lở, thằng cháu đỡ bất ngờ: đó là chuyện khoa học viễn
tưởng cháu à, nhưng thế giới ngày nay đã cho thấy, không ít chuyện viễn tưởng
đã trở thành hiện thực…
Thằng bé bị thôi miên trong câu
chuyện Người cá tới độ quên phứt hình ảnh kỳ dị của ông lúc nãy, ngẩn ngơ tưởng
tượng một con người cô độc bơi dưới đáy đại dương.
Nhưng sự cố trên đã không bị hòa tan
trong muôn việc ngớ ngẩn tầm phào hoặc biến mất giữa đời thường, nó trở thành
sự kiện bí mật được truyền tai của các thành viên trong nhà, ô sin, đầu bếp,
làm vườn. Bắt đầu từ việc thằng bé đòi bố tìm trên mạng internet bộ phim cũ Người
cá để xem đi xem lại dăm lần. Rồi sau khi cao hứng xi-nê mồm lại cho mẹ nghe,
nó nhắc tới chuyện ông chui đầu vào bể cá. “Con biết bịa chuyện từ lúc nào
thế?”- “Con thề không có bịa. Hôm nào bố mẹ rình xem”.
Tò mò vốn là đặc tính của trẻ con.
Nhưng rình mò là thói quen chẳng hay ho gì của những người lớn trong nhà đã lây
sang thằng bé. Và chuyện chui đầu vào bể cá, cộng với những dấu hiệu kỳ lạ xuất
hiện ở ông chủ đã không còn là chuyện hư thực nữa, đã là sự thực kinh hoàng
buộc người ta phải làm quen: ông đang từng ngày từng giờ biến thành một con Cá
lớn mà ngư dân vùng này những năm trước đây còn nhìn thấy hoặc bắt được.
Từ ngày xin nghỉ dưỡng bệnh, ông đã
tự thiết kế căn phòng riêng thành một pháo đài, đề phòng sự đột nhập bất ngờ
của vợ con, các cháu và người phục vụ. Ông cho làm một cái bể cá ngoài phòng
khách, ngoài những con cá cũ chuyển ra còn có cá hề Nê mô theo yêu cầu của
thằng cháu. Còn bể cá trong phòng, ông nhờ một đàn em thân tín tới kê hộ vào
một chỗ kín đáo (Ông không ngờ thằng này đã rỉ tai con vợ chuyện về ông, rồi
chuyện loang tới khắp cơ quan ai cũng biết).
Khi cửa mở ra, mọi người sẽ chỉ thấy
bộ bàn ăn mà theo lệnh ông, nguời mang đồ ăn chỉ đem vào đặt rồi phải quay ra
ngay, cả khi lấy bát đũa bẩn cũng thế. Ông lụi hụi lôi tấm bình phong bằng gỗ
quý khảm ngà voi được biếu năm ngoái đang chờ dịp để biếu sếp cao cấp, mang đặt
ở phía trái căn phòng. Đó là nơi ông náu thân nhìn ra khi có người tới. Dạo
này, đôi chân ông đã bị thu ngắn rõ rệt và mềm oặt, đi lại cực kỳ khó khăn,
nhiều lúc phải di chuyển bằng cách lết người. Khổ nhất là khi vào toa-lét. Lẽ
ra phải đặt một đôi nạng đặc biệt. Nhưng đôi tay ông cũng đang dần teo đi, dúm
dó, theo hình chiếc vây cá. Chả lẽ còn phải đặt làm cả đôi tay giả?
Tranh thủ khi chưa biến mất đôi tay,
ông nén đau kiểm lại những gói tiền to như cục gạch hay những phong bì giá trị
bằng mấy cái cục gạch mà người ta, chủ động hay vô tình để lại phòng làm việc
của ông tại tư gia. Thì đã có lúc nào rảnh rỗi để ngắm nhìn cho thỏa các đồ
trang sức quý giá, những đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác mà ông có
được nhờ lao tâm khổ tứ (chứ không phải âm mưu) chinh phục người này (chứ không
phải quỵ lụy) dạy bảo người khác (chứ không phải trừng trị) trong sự nghiệp
công quyền mà cấp trên đã lựa chọn ông một cách xứng đáng nhờ vào lý lịch đỏ
chót và truyền thống gia đình cách mạng nòi.
Ý thức cảnh giác chợt đến với ông
trọn vẹn trong những ngày kỳ dị khó hiểu này. Ông bí mật gọi điện cho thằng
cháu yêu (ông đã cho nó một chiếc điện thoại di động xinh xắn để liên lạc với
ông). Ông nhờ nó đi mua bộ đục của thợ nề. Khốn khổ cho thằng bé, bị bố phát
hiện ra bộ đồ nghề này trong ngăn bàn học. Nó chưa học được thói dối trá của
người lớn, tái mặt khi bố tra hỏi.
Ông con trai hùng hổ tới phòng bố.
“Ông sai cháu nó mua mấy thứ này làm gì?”. Sau bức bình phong, ông thiểu não
bằng giọng rin rít: “Thì để bố luyện đôi tay cho cứng cáp thôi mà…”. “Thế ông
đục tường hay đào nền nhà?”. Ông bỗng nổi xung lên: “Đào cái mả mẹ chúng mày
ấy! Đồ bất hiếu bất mục!”. Ông con ngán ngẩm ném choang bó búa đục giữa nền
nhà. “Tùy bố, bố muốn làm gì thì làm. Chỉ là chúng con lo cho bố thôi…”.
Thế là đi tong một ý đồ hay ho. Chả
là, ông đánh hơi đựơc một cuộc đả hổ diệt ruồi nào đó sẽ diễn ra nay mai. Ông
cần tìm cách chôn giấu của nả làm vốn riêng cho tuổi già. Đồng tiền liền khúc
ruột mà. Vậy là âm mưu của ông đã bị thằng quỷ sứ vô tình bóc mẽ. Nó đã phá của
ông biết bao là tiền của trong lần đi học nước ngoài mà ông sĩ diện bảo hàng
xóm là “đi bằng học bổng toàn phần”. Mấy năm ở xứ châu Âu đắt đỏ, nó tranh tài
vung tay đốt xô nhà táng với các quý tử đỏ phương bắc, chẳng biết có lọt vào
đẳng cấp nào không song đã kịp trở thành một truyền nhân xuất sắc của Đông
Joăng. (Ông biết đến tên tuổi anh chàng sát gái trời Tây nọ qua tay thư ký ủy
ban xuất thân là giáo viên văn hết lộc gõ đầu trẻ lại bén duyên hoạn lộ). Vớt
vát được cái chứng chỉ mác ngoại, nó về nước, ông phải chạy vạy tốn kém không
kể xiết để nó được vào chân trưởng phòng một ngành béo bở, kiếm chác sao cho
kịp hòa vốn trong lúc chờ đợi cơ cấu mới cho cán bộ nguồn lớp trẻ.
Cũng may trời thương nên nó đã biết
chí thú làm ăn theo hướng dẫn của ông, lấy vợ sinh con, và ông đã có kẻ nối dõi
tông đường. Dù kiến thức khoa học lượm lặt từ trời Tây về chưa được nắm tay, về
mặt thủ đoạn quan trường xem ra nó có thể vượt qua ông. Nhưng về mặt đạo đức
tiền bạc, cần phải thử thách nhiều, nó có máu trăm ngàn đổ một trận cười như
không trước gái đẹp thừa hưởng từ dòng giống nhà ông.
Đúng lúc đó, vợ ông đi qua, bĩu môi ứ
một cái rõ to: “Kệ ông ấy! Đang tu nhân tích đức đấy mà!”. Lần đầu tiên biết rõ
tình cảnh khốn nạn của ông, bà ta tới đứng trước phòng ông khóc hờ như ông đã
về nơi chín suối. Bà ta đang tuổi hồi xuân, xét về khía cạnh đó thì chưa phải
là nỗi lo lắng lớn nhất của ông. Bà ta đã bí mật đi lại với những kẻ ham của lạ
nào cấp trên của ông, ông thừa biết song đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Làm to
chuyện ra, thiên hạ lại có cớ xiên xẹo: đã đem vợ làm bậc thang tiến thân mà
còn cay cú. Lại tự chặt cầu của mình. Không khéo biến ông thành kẻ nuôi ong tay
áo.
Nhiều vụ đưa – nhận hối lộ là do bà
ta đứng ra thay ông. Cũng không ít vụ, bà ta dám qua mặt ông để mặc cả với hai
bên – đối tác và ông. Lòng tham của một người đàn bà ít nhiều có nhan sắc khi
đã thức tỉnh bản mặt kim tiền thì thực là hỏa ngục đối với những người liên
quan. Nhưng hỏa ngục ở đây lại có gương mặt của những giá đồng Mẫu Thượng
thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải…
Mấy năm qua, bà ta đã lên thác xuống
ghềnh khắp các phủ đền Bắc – Trung – Nam, còn tự lập một đền Mẫu ngay tại nhà
và làm thủ lĩnh một đám đông con nhang đệ tử cuồng nhiệt. Chủ yếu là bằng tiền
của ông chứ đâu phải lá đa nhặt ngoài đường hay ăn mày Phật – Mẫu. Toàn bộ tầng
tư của tòa lâu đài là thế giới riêng của bà ta, và chắc hẳn có một căn buồng
riêng dành đón lũ tình nhân hờ mà từ nay trở đi, ông chỉ có thể bái vọng từ
dưới lên.
Thôi kệ, có lẽ ông phải tập Thiền tự
bây giờ. Đâu rồi nhỉ, cuốn sách tập Thiền người ta tặng năm nảo năm nào đang ẩn
náu ở đâu rồi? Phải bảo thằng cháu lục khắp xó xỉnh để tìm bằng được. Nhưng cái
ý chí của những người mong lấy sức mạnh tĩnh tại nội tâm làm chủ ngoại giới vừa
xuất hiện cổ vũ ông thì cũng là lúc ông cảm thấy những cơn đau buốt khắp tứ chi
đang đến thời kỳ kịch liệt. Sự bàng hoàng kinh sợ ban đầu qua đi, ông dần dà
thấm thía nỗi đau bởi tâm can dày vò, lấn át nỗi đau thể xác. Những kẻ hàng
ngày xun xoe bợ đỡ ông để được ông chú ý nâng đỡ, từ ngày biết ông lâm cái nạn
vô phương cứu chữa thì mịt mù tăm cá. Vì đâu mà ta nên nông nỗi này? Trời –
Phật ở xa quá, mà bao năm nay ông có thèm ngó ngàng gì tới các Ngài đâu, thậm
chí còn phỉ báng như một kẻ vô thần đầu bảng, mong Phật Trời cứu giúp chỉ là ảo
tưởng.
Cũng may là có một người trần còn có
lòng thương đã giúp ông trong đận gieo neo này: ông lão làm vườn cho nhà ông
theo buổi. Thường ngày, có bao giờ ông hạ cố nhìn tới một kẻ lao công hạng dưới
đáy như lão, đừng nói tới trò chuyện để hiểu gia cảnh, tâm tư nhau. Đứa cháu
đích tôn dường như cũng bằng trực cảm trẻ thơ nhận ra tấm lòng ông Bụt ở lão
làm vườn. Những việc ông nhờ nếu quá sức của nó, nó liền chạy tới nhờ ông Bụt.
Như việc mua đồ đục tường gạch và xi măng. Như việc mua một ống bơm nước nhỏ từ
bể cá tới miệng ông cùng cách vận hành thuận tiện nhất đối với một người mà
chuyện đi lại và xử dụng mọi vật dụng đã tựa cực hình…
Lần đầu tiên, ông có vẻ khó chịu,
ngượng ngùng trước ông lão tình nguyện đến giúp, ông từ việc trở mình ngồi dậy,
bón cháo, thấm từng chiếc khăn đẫm nước lên mặt đến những việc khó khăn vất vả
trong nhà vệ sinh. Nhưng, ông không nhận thấy bất cứ một sự ghẻ lạnh, khinh
ghét, ghê sợ nào từ ánh mắt cử chỉ lão, ngoài một thoáng ngạc nhiên ban đầu để
rồi sau đó thay thế bằng niềm xót thương, sản phẩm nguyên thủy nhất của lòng
nhân từ.
Ông bắt đầu láng máng nhớ lại những
câu chuyện, những lời ca của bà năm xưa đưa võng ru cháu kể về lẽ đời quả báo,
tham thì thâm, người tốt được đền bù kẻ xấu bị trừng phạt ra sao… Lần đầu tiên,
sau bao năm tháng dài ngầu đục tham vọng không từ thủ đoạn gì để có nhiều tiền
và leo lên từng nấc thang quyền lực, ông mới được sống trong không khí trong
lành giản dị của tình người.
Ông lão làm vườn khắc khổ, ít nói ít
cười, làm cái việc do thằng bé nhà chủ nhờ vả như một sứ mệnh, không hề cò kè
đòi hỏi công xá. Khi ông chủ rụt rè dúi hai tờ 100 ngàn đồng vào tay lão, lão
giật tay ra như phải bỏng, nhìn lên ngơ ngác. “Tôi lĩnh tiền làm vườn rồi ông
ạ. Xong vườn, chưa hết giờ, tôi giúp ông thôi”.
Lâu lắm, giờ đây ông mới ước ao được
trào nước mắt cho vơi nỗi cô đơn và biểu lộ lòng biết ơn chân thật. Nhưng đôi
mắt ông đã dần biến thành mắt cá, chỉ có thể mở thao láo cả khi sống lẫn lúc
chết, và các dòng máu trong người ông đã gần lạnh tanh như máu cá mất rồi.
Muốn khóc mà không sao khóc được phải
chăng cũng là một nỗi đau đớn tinh thần đáng kể trong sự trải nghiệm tả pí lù
của cuộc sống mà tới tận hôm nay ông mới cay đắng nhận ra? Hai tuần lễ liền,
lão làm vườn, như một quản gia trung thành tận tụy đã giúp cho ông-người-cá bớt
đi bao nỗi nhọc nhằn khổ sở trong việc Tồn Tại với tư cách một Sinh vật-Người.
Một buổi chiều tối, lão mang khay
đựng cháo vào phòng ông chủ. Con trai ông và mấy ô sin đã ngán làm việc này, và
có bữa đã quên, để ông nhịn đói. Mặc dù dạ dày cùng lục phủ ngũ tạng đã bị teo
đi, bị lấp gần hết bởi các bong bóng, ông vẫn còn chút cảm giác sinh học cuối
cùng này của con người. Sau khi lão cho ông chủ mút mát được ít cháo bí ngô
(cũng do lão cầy cục nấu bằng lá khô vun trong vườn), lão nhẩn nha kể tiếp về
gia cảnh mình. Chuyện bà vợ mất vì ung thư, chuyện hai thằng con trai đã hy
sinh ở chiến trường thì ông đã kể. Còn chuyện thằng cháu trai độc đinh của lão,
thê thảm quá, giờ lão mới kể, khi thấy tâm tư của ông chủ bớt xáo động trước cơ
thể mới, và xem ra đã có vẻ biết quan tâm đến người thấp kém hơn mình, dù chỉ
để san sẻ nỗi đau…
Nó mồ côi cha năm bảy tuổi. Mẹ nó bỏ
ra thành phố với người đàn ông khác. Lão phải gà trống nuôi cháu. Khi nó học
hết cấp hai, lão không còn khả năng cho nó học tiếp nữa, đành cho theo lão lên
thuyền câu mực kiếm sống qua ngày. Rồi nó cũng trở thành một chàng trai vùng
biển lực lưỡng. Vì giỏi bơi lội và sức khỏe tốt, nó được một công ty du lịch
tuyển vào làm hợp đồng, chuyên giúp khách du lịch mạo hiểm lặn đáy biển. Nó say
công việc lắm. Tối về nhà, nó thường kể cho ông nội nghe không biết chán về
những rạn san hô, những đàn cá và muôn loài sinh vật kỳ lạ dưới biển. Nó đã thổ
lộ với lão: nó muốn học bổ túc hết cấp ba, sau đó xin vào học ngành Hải Dương
học, theo gợi ý của một du khách cảm phục lòng yêu biển của nó và hứa tạo điều
kiện giúp nó thực hiện mơ ước.
Nó đã cầy cục xin, mượn biết bao là
sách liên quan tới biển đảo: lịch sử, văn hóa, du lịch, kinh tế Biển, những thương cảng sầm uất của quốc gia Đại
Việt… Lão đã thuộc tên nhiều cuốn sách nó mang về: Bảo tồn đa dạng sinh học dải ven bờ Việt
Nam, Luật Biển Việt Nam, Kể chuyện Biển Đảo Việt Nam, Hoàng
Sa-Trường Sa là máu thịt của Việt Nam, Lý Sơn đảo du lịch lý tưởng… Lão đang
nhờ nó chọn đọc và giảng giải từ mấy cuốn sách mà theo lão nghĩ rất cần thiết
đối với lớp người cùng đinh như lão. Tối đó, lão chờ nó về để đọc nốt cuốn
Hoàng Sa-Trường Sa nghiên cứu từ sử liệu Trung Quốc. Mâm cơm lão để phần, nó
không buồn động đũa bát, mặt nặng như chì. Gặng hỏi mãi, nó mới thốt lên nặng
nhọc, như mếu: “Chết hết rồi”. “Cái gì chết?”. “Biển chết rồi… Các rạn san
hô…Các con cá… Các con sò… Chết cả rồi…”. Nó ôm mặt khóc rưng rức. Chỉ hôm sau,
cá chết nổi lên trắng xóa dọc biển hàng chục cây số, cả trên bờ lẫn dưới nước…
Lão kể đến đó thì chợt dừng lại khi thấy vẻ
mặt nhăn nhó của ông chủ. “Đau xót quá! Đau xót quá!”. Ông chủ thốt lên. Lão
làm vườn nghĩ rằng mình đã tìm được sự đồng cảm, nên hăng hái kể tiếp những
diễn biến sau đó làm chấn động vùng biển quê lão và gây nên cả một cơn bão tâm
tư khắp nước… Lão nghĩ đúng, nhưng lão không thể biết cảm thán của ông chủ chỉ
chân thực trong giây phút đó, còn trong những ngày bi thảm của biển hơn tháng
trước, tâm tư ông nghiêng nặng về mối lo quyền lực sẽ bị lung lay…
Lời lão kể đầm nước mắt khiến ông chủ cũng
phải ngậm ngùi: Ngay hôm cá chết hàng loạt, thằng bé rủ hai người bạn mặc đồ
lặn xuống biển. Chúng nó nhìn thấy một ống xả khổng lồ dài khủng khiếp chạy
ngầm từ Tổng công ty X chọc thẳng tận đáy biển. Xung quanh và bên dưới ống xả,
màu nước biển chỗ vàng khè chỗ đen tựa hắc ín, khắp một vùng rộng quanh đó
không còn sinh vật nào sống sót, tảo biển và san hô cũng thâm xịt cả. Chúng vội
ngoi lên trong nỗi kinh hoàng chưa từng gặp trong đời. Hai đứa sau đó gặp nhà
báo và quan chức môi trường kể chuyện, rồi biến đi đâu mất, gia đình, bè bạn không
ai biết mảy may tin tức.
Còn cháu lão lê về tới nhà mặt đã xám ngắt.
Nó nôn thốc nôn tháo ra mật xanh mật vàng pha lẫn một thứ nhầy có màu sắc kinh
dị. Đưa tới bệnh viện thì nó tắt thở, bác sĩ nói nó đã bị nhiễm độc rất nặng…
“Trời đất ơi, sao số phận nghiệt ngã lại
rơi trúng cháu lão làm vườn tử tế này!”. Sau khi bật ra lời cảm thán, ông đang
lựa lời an ủi lão thì thằng cháu đích tôn đột ngột phá tan sự nặng nề. Hóa ra,
nó đã ở trong phòng ông từ bao giờ và nghe được hết mọi chuyện.
- Hai ông ơi, thế liệu người có chết nữa
không ạ?
Ông nghệt mặt ra. Lão làm vườn cũng ngắc
ngứ. Nếu là mọi khi, ông sẽ chỉnh thằng bé về cách xưng hô: không thể nói gộp
hai ông như vậy, vì thế là xóa nhòa đẳng cấp giữa ông và người lao công thấp hèn.
Nhưng một ý vụt đến tựa phần thưởng muộn mằn đối với ông: bản di chúc đang
viết, ông sẽ thêm vào phần phân chia tài sản: dành một khoản lớn cho quỹ học
bổng ngành Hải Dương học, một khoản nhỏ cho lão làm vườn…
- Ông nội ơi, cháu ra biển tắm đây.
Ông thở hắt. Lão làm vườn vội đưa ông cái
khăn đẫm nước đắp vào mặt. Ông gần như gào lên giữa cơn nghẹn thở:
- Không được! Chưa được đâu cháu! Cháu
không nghe chuyện vừa kể à? Biển nhiễm độc nặng rồi… Cá voi còn chết nữa kìa…
- Nhưng mấy hôm trước cháu thấy ti vi đưa
hình ông và mấy bác cơ quan ông xuống tắm biển mà…
Ông á khẩu. Mắt cá đã trợn càng lồi hơn.
Ông phải giải thích cho nó hiểu sự thật, trước mặt ân nhân của ông nhưng cũng
là nạn nhân của sự dối trá mà ông là một trong những kẻ đại diện…
Lão làm vườn nhìn thằng bé như nhân vật
trong cổ tích. Nhà lão không có ti-vi để chứng kiến cảnh ông chủ đáng kính cùng
mấy người thân tín xuống biển tắm rồi ăn cua cá biển ngon lành trước ống kính
máy quay. Nếu xem được, vốn là người thật thà lương thiện, chắc lão sẽ bật dậy
kêu thật to: “Đừng ăn, đừng tắm. Biển đang rất độc! Sao lại làm thế!”.
Nhưng, người không hề có ý định đùa dỡn
hoặc lừa bịp ai là cháu trai lão đã chết bất đắc kỳ tử. May sao, lão chưa có
thời giờ để nghĩ tới cùng như vậy. Cảm thấy đã lưu lại quá lâu và hưởng quá
nhiều tình thân của ông chủ, lão xin phép về: “Hôm nay là ngày làm tuần của
cháu tôi. Nhưng nếu cần gì ông chủ cứ bảo cậu nhỏ đây ới một câu là tôi sang
ngay”. Lão lật đật quay về.
Niềm lưu luyến cảm động của ông chưa kịp
trào lên thì đã bị thằng cháu cắt đứt:
- Ông ơi! Báo chí nói là biển sạch rồi,
cháu đi tắm đây. Sao cháu lại không làm theo lời ông…
Nói xong, không chờ phản ứng của ông nội
cá-người, thằng bé chạy vụt ra khỏi nhà. Ông run lên, chính xác là giãy đành
đạch lên giường, thân mình đã phủ kín vây cá.
Bố mẹ nó đi vắng. Bà nó thì đang nhảy múa
trên lầu thượng. Ông phải làm gì để ngăn thằng bé lại? Nhờ hệ thống loa đài ư?
Nhưng liệu thằng bé có chịu nghe? Lời nói và hình ảnh ông hãy còn rõ rành rành
kia kìa…
Ông muốn như ảo thuật gia David Copperfield
mà không đủ bản lĩnh. Nhưng biển đang ngắc ngoải chết thì bản lĩnh của ảo thuật
gia cũng chẳng để làm gì…
Khốn khổ cho cháu ông. Biển đã chết rồi,
bao giờ mới sống lại? Và thằng con trời đánh của ông, liệu có đủ tình yêu thương
và trách nhiệm để chăm cho kẻ nối dõi tông đường?
Trong những giây phút cuối cùng thoát khỏi
phận người để trở thành một con cá đích thực, ông đã cố níu kéo tình cảm cao cả
của một con người: số phận và tương lai của đứa cháu.
Nếu lát nữa nó quay về, ông sẽ bảo nó viết
thêm mấy dòng vào di chúc: “Sau khi tôi chết đi, nếu xác tôi được hỏa táng thì
tuyệt đối không được rắc tro xuống Biển. Chưa làm được gì để cứu Biển thì xin
đừng làm Biển bị ô nhiễm thêm nữa…”.
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Hà Nội, những ngày Biển chết dọc miền
TrungNgười chuyển bài - HNTN
No comments:
Post a Comment