Thursday, July 19, 2018

Cảm Xúc Khi Đọc Bài Thơ "Mẹ Tôi Chiếc Xuồng Ba Lá Nhỏ" Của Thuyên Huy - Nguyễn Cang & Vu Lan Nhớ Mẹ - Triều Phong Đặng Đức Bích


CẢM XÚC
KHI ĐỌC BÀI THƠ "MẸ TÔI CHIẾC XUỒNG BA LÁ NHỎ" CỦA THUYÊN HUY





    Tác giả Thuyên Huy sáng tác nhiều bài thơ trữ tình về tình yêu quê hương đất nước và con người mà nổi bật nhất là những bài thơ nói về tuổi thơ, đọc nghe cảm động bùi ngùi vì những hình ảnh đó gần gũi với tuổi thơ của chúng ta. Xin trân trọng giới thiệu bài thơ trên cùng bạn đọc:

Mẹ Tôi Chiếc Xuồng Ba Lá Nhỏ
(Nhớ mẹ, chiếc xuồng và bến đò nghèo Long Chữ - Tây Ninh)

 
Chèo chiếc xuồng con ba lá nhỏ
Mẹ đưa con ra tận bến đò
Con lên tỉnh học mùa Sim nở
Bếp chiều mẹ từ đó buồn so

 
Những sáng lạnh đông thôi nhóm lửa
Nhớ con mẹ chỉ biết nhìn sông
Áo bạc vai màu bông súng úa
Xuồng con mẹ lủi thủi ngược giòng

 
Chiều tan trường học về nhà trọ
Nhớ mẹ nhớ khói bếp chiều buông
Nhà người tiếng ai cười đâu đó
Mở trang tập viết những chữ buồn

 
Rồi mẹ cũng già theo năm tháng
Đôi tay gầy guộc đếm tuổi đời
Chiếc xuồng cột lững bờ mương cạn
Đèn nghèo leo lét bóng chiều rơi

 
Một sáng mưa dầm thưa mái dột
Mẹ bỏ con đi bỏ mái chèo
Còn ai mà hẹn mai hẹn mốt
Nghẹn ngào xuồng ba lá khóc theo

 
Mùa này cũng mùa Sim tím nở
Đặt lên mộ mẹ những nụ đầu
Bên bếp hiên chiều con nhóm lửa
Mẹ về con kể chuyện ngày sau.

 
Thuyên Huy
(Một sáng mưa dầm ngang qua xóm quê Lake Boga 2017)

   

    Những bài thơ nói về người mẹ chúng ta có nhiều lắm vì mỗi người sinh ra đều có một người mẹ. Người mẹ hiện diện trong mỗi con người chúng ta, theo ta mãi mãi cùng năm tháng. Đọc những bài thơ, những hồi ức về mẹ khiến ta bùi ngùi xúc động nhớ mẹ vô cùng, nhất là khi mẹ đã mất.  Dù nơi góc bể chân trời dù đang ngược xuôi kiếm sống, ta đôi khi nhớ mẹ, bất chợt muốn dừng lại một phút để kéo lùi thời gian, quỳ gối bên mẹ nói lời xin lỗi : Mẹ ơi ! Con xin lỗi mẹ, con sai rồi ! Xin mẹ tha thứ cho con! Bài thơ "Mẹ tôi chiếc thuyền ba lá nhỏ " là một trong những bài trên.

Mở bài tác giả giới thiệu người mẹ quê đưa con đi học bằng chiếc thuyền ba lá nhỏ, một hình ảnh hiếm thấy nơi quê nghèo của một làng xả thuộc quận Gò Dầu tỉnh Tây Ninh nơi tác giả sống những ngày thơ ấu với người mẹ trẻ cô đơn. Mỗi người trong chúng ta đều có một bà mẹ vĩ đại trong lòng, hình tượng nầy vẫn tồn tại mãi cho dẫu mẹ có mất đi nhưng bóng dáng của mẹ vẫn khắc mãi trong tim. Người mẹ của tác giả(TH) đưa con lên tỉnh học bằng chiếc xuồng nhỏ bên dòng sông Vàm Cỏ Đông thật thi vị, cảm động  nhưng qua đó ta cũng hình dung được cảnh sống của người dân quê Việt Nam dẫu nghèo cùng cực cũng ráng nuôi con để sau nầy đở vất vả tấm thân không như mẹ bây giờ. Từ đó nơi quê nhà người mẹ sống quạnh hiu, khói lam chiều như mang theo hình ảnh của mẹ. Lời thơ bình dị mang âm hưởng ca dao như rót vào hồn thơ tác giả thêm bùi ngùi tha thiết:

 
Chèo chiếc xuồng con ba lá nhỏ
Mẹ đưa con ra tận bến đò
Con lên tỉnh học mùa Sim nở
Bếp chiều mẹ từ đó buồn so.

Hình ảnh bà mẹ quê Việt Nam có cuộc sống đơn sơ bên giàn giậu thưa mái tranh nghèo, nuôi một đàn con dại cũng được nhạc sĩ Phạm Duy miêu tả thật sinh động đầy màu sắc và ấn tượng :

 
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu
Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon.
(Bà Mẹ Quê/Phạm Duy)

Bất chợt có những đêm về im vắng mỗi người trong chúng ta khi nhớ về mẹ, chắc không cầm được nước mắt. Ta nhớ mẹ, nhớ những khi mẹ đi chợ về, ra đứng ngóng ngoài ngõ đợi mẹ để được mẹ cho vài viên kẹo ngọt hoặc miếng bánh tráng mè, ôi sao thích quá :

"Bỗng dưng chợt nhớ quê nhà
Nhớ giàn mướp đắng nhớ quà mẹ mua
Ước gì bé lại như xưa
Để mong đi chợ mẹ mua chút quà".
(Nhớ/Phan Trần)

Đọc tiếp 4 câu đoạn II, ta ngậm ngùi xúc động khi nghe tác giả tả hình dáng cử chỉ mẹ sau khi đưa con đi học xa:

Những sáng lạnh đông thôi nhóm lửa
Nhớ con mẹ chỉ biết nhìn sông
Áo bạc vai màu bông súng úa
Xuồng con mẹ lủi thủi ngược giòng.

Tác giả biết mẹ không còn nhóm lửa khi đông về lạnh giá nữa. Ngày trước mỗi sáng mùa đông mẹ thường đốt lửa rơm cho con hơ ấm trước khi đến trường vì nhà nghèo không có áo ấm cho con mặc. Đốt lửa hơ ấm cũng là cách giải quyết hay, chứng tỏ mẹ thương con vô bờ bến ! Bây giờ con đi rồi mẹ không còn đốt lửa nữa. Những ai từng sống nơi quê nghèo Việt Nam mới thông cảm và hiểu được việc làm nầy của mẹ:

Những sáng lạnh đông thôi nhóm lửa
Nhớ con mẹ chỉ biết nhìn sông
Áo bạc vai màu bông súng úa
Xuồng con mẹ lủi thủi ngược giòng.




 Tác giả, như có thần giao cách cảm, thấy mẹ đang ra bến đò nhìn dòng sông mà nhớ tới con, lo cho con không biết bây giờ ra sao, con có bịnh hoạn gì không có yên tâm học hành không? Bao nhiêu nỗi lo trong lòng. Bóng dáng mẹ hiền nhạt nhòa trong chiếc áo bà ba bằng vải thô hoen màu bông súng úa, mẹ đang chèo thuyền trở về nhà khi nắng chiều vừa tắt. Mẹ đi trong cô đơn buồn lay lất trên dòng sông nước chảy ngược ! Tại sao lại đi ngược dòng, phép ẩn dụ được sử dụng tài tình, một dụng ý của tác giả cho ta thấy người mẹ gặp dòng nước ngược khó chèo mà còn ngụ ý mẹ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, mẹ phải tranh đấu với nghịch cảnh đầy cam go vất vả. Trạng từ "lủi thủi" sử dụng rất đắc vị nói lên sự riêng lẻ một mình chống chọi với bão táp phong ba trong nỗi buồn mênh mang của người mẹ.

Thế mới biết lòng mẹ bao la biết chừng nào. Nghe mấy lời ca từ và nhạc điệu trong bài "Lòng mẹ" của nhạc sĩ Y Vân ta mới thấy hết tấm lòng của người mẹ Việt Nam:

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,
Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào,
Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.
Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu.
Tình Mẹ yêu mến như làn gió đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ.
Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ.

   
Đoạn III là tâm trạng của tác giả:

Chiều tan trường học về nhà trọ
Nhớ mẹ nhớ khói bếp chiều buông
Nhà người tiếng ai cười đâu đó
Mở trang tập viết những chữ buồn.

Đoạn nầy tả nỗi nhớ thương của tác giả đối với mẹ mình. Những buổi chiều khi đi học về nằm một mình trong phòng trọ, hồn nghe cô đơn quạnh vắng, nhớ mẹ vô cùng. Tác giả nhớ nhiều thứ lắm, trước hết là nhớ mẹ sau đó nhớ khói bếp sau hè bay tỏa trên mái nhà tranh chuẩn bị cho buổi cơm chiều. Trong lúc miên man nghĩ về mẹ bỗng có tiếng ai đó cười vang khiến lòng tác giả chùng xuống, buồn tê tái, tác giả TH muốn tìm quên lãng bằng cách viết vào trang vở những dòng kỷ niệm nhưng sao lời văn chứa toàn nỗi buồn vì " Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"( Nguyễn Du).

Đoạn IV chứa nội dung tập trung cao nhất của bài thơ, với nhiều tình tiết diễn biến trạng thái tâm lý đem đến cho tác giả nhiều buồn đau khôn xiết :

 
Rồi mẹ cũng già theo năm tháng
Đôi tay gầy guộc đếm tuổi đời
Chiếc xuồng cột lững bờ mương cạn
Đèn nghèo leo lét bóng chiều rơi

 
Một sáng mưa dầm thưa mái dột
Mẹ bỏ con đi bỏ mái chèo
Còn ai mà hẹn mai hẹn mốt
Nghẹn ngào xuồng ba lá khóc theo.

Dòng đời cứ lặng lẽ trôi nhanh , mới đó mà mẹ đã già theo ngày tháng. Bàn tay mẹ trở nên gầy guộc, chai cứng theo tuổi đời. Sức khỏe mẹ đã suy giảm, cánh tay không còn mạnh để chèo thuyền nữa. Chiếc ghe buộc lững bên bờ mương cạn, mằm trơ ra đó, nó cũng già đi theo thời gian, cũng mệt mỏi không còn ra sông, giống như chủ nhân của nó vậy! Phép so sánh được sử dụng thật khéo léo làm nổi bật tuổi già và sự mệt mỏi của mẹ. Từ ngữ "cột lững" diễn tả tình trạng chiếc thuyền: cột lững là cột hờ, cột không chắc. Chủ ghe không còn dùng nữa nên để mặc cho nó ra sao thì ra.

Câu thơ: "Một sáng mưa dầm thưa mái dột", trời mưa báo hiệu một biến cố đột ngột sắp xảy ra đó là mẹ tác giả ra đi về nơi cõi vĩnh hằng. “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi”(ca dao). Tác giả xúc động mạnh kêu lên : "Mẹ bỏ con bỏ cả mái chèo" ! Thế là hết, còn gì nữa đâu! Trời xanh tím ngắt một màu tang tóc! Từ đây không cón ai đưa đón con nữa, không còn nghe câu hỏi: ngày mai con có về thăm mẹ không? Chiếc xuồng ba lá cũng buồn theo, cũng rơi nước mắt cho cảnh biệt ly nầy! Tác giả đã nhân cách hóa chiếc thuyền như một người bạn biết thông cảm và chia sẻ nỗi đau của tác giả!

Đoạn kết:

Mùa này cũng mùa Sim tím nở
Đặt lên mộ mẹ những nụ đầu
Bên bếp hiên chiều con nhóm lửa
Mẹ về con kể chuyện ngày sau.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhân một chuyến đi thăm phong cảnh ở xóm quê Lake Boga, Úc Châu năm 2017, tác giả nhìn cảnh mà nhớ mẹ nhớ quê nhà lúc nhỏ ở Việt Nam, chạnh lòng viết nên những vẩn thơ đầy cảm xúc. Nơi đây mùa nầy cũng là mùa sim tím nở, TH nhớ mẹ mất vào mùa hè khi hoa sim tím nở rộ, tác giả mang tro cốt sang tận Úc Châu chôn cất, rồi đốt nhan cúng mẹ, cắm lên mộ những nụ sim tím đầu mùa. Trở về nhà TH đốt lữa bên mái hiên để nhớ mẹ nhớ mái hiên nhà ngày xưa, lâm râm khấn vái: mẹ hãy về đây chứng giám lòng thành kính của con dâng lên mẹ. Đoạn thơ nầy TH không nói rõ hài cốt của mẹ chôn cất tại đâu để có thể đặt lên mộ mẹ những nụ sim tím đầu mùa. Ẩn ngữ trong thơ văn có thể là dụng ý của tác giả nhằm gây thắc mắc và chú ý nơi người đọc, là một nét đặc biệt trong nghệ thuật sáng tác thi ca. Tôi đưa ra hai giả thuyết: thứ nhất TH đem tro cốt của mẹ sang Úc Châu nơi tác giả đang sống. Giả thuyết thứ hai là TH đang đứng bên bờ hồ Lake Boga, đưa mắt nhìn ra xa thấy cạnh hồ là một cánh đồng cỏ có nhiều hoa sim tím đang mở rộ nên cảm tác bài thơ nầy. Tác giả tưởng tượng như đang đứng trước mộ phần của mẹ ở quê nhà nên nhẹ tay bứt mấy bông sim tím đặt lên mộ mẹ, sau đó nhóm lữa, đốt nhang cầu nguyện mẹ về để nghe tác giả kể chuyện tang thương dâu bể, cuối cùng vượt biên sang Úc thành công. Câu chót: "Mẹ về con kể chuyện ngày sau", câu nầy ý nói xin mẹ hãy về đây con nói cho mẹ nghe: bây giờ con không còn ở quê nghèo Việt Nam nữa ! Thời cuộc đã đưa đẩy con sang Úc Châu xây dựng cuộc đời mới, cháu con an cư lạc nghiệp sống đời ấm no hạnh phúc, không còn vất vả như ngày xưa nữa mẹ ơi! Rất tiếc mẹ không còn sống để hưởng phước với con cháu, Mẹ ơi!

    Mỗi người đều có quyền tự hào về người mẹ vĩ đại của mình. Dẫu mẹ là một người nhà quê hay mẹ là người thành thị, tất cả đều đáng kính trọng tôn vinh. Mẹ nhà quê cũng là mẹ, nuôi ta bằng dòng sữa mẹ, bằng con cá bó rau, vất vả ngoài đồng hay gánh gạo bán hàng rong quanh xóm chỉ để nuôi con, lo cho con có đươc cái ăn cái mặc, còn nếu mẹ bạn là người thành thị thì cũng thương con, lo cho con, cũng vất vả trăm đường. TH mô tả người mẹ bình thường ở nhà quê, tác giả không nói rõ những việc làm cực nhọc của mẹ mà chỉ phát họa vài nét bằng 4 câu thơ ở đoạn giữa đã nói lên sự vất vả cực nhọc của mẹ trong suốt năm tháng dài kiếm sống bên bờ sông với chiếc xuồng ba lá nhỏ khiến ta bùi ngùi cảm động thương cho bà mẹ cô đơn đi giữa cuộc đời mà cũng thương cho chính mình:

Rồi mẹ cũng già theo năm tháng
Đôi tay gầy guộc đếm tuổi đời
Chiếc xuồng cột lững bờ mương cạn
Đèn nghèo leo lét bóng chiều rơi.

Đoạn kết TH muốn nói với mẹ rằng nhờ công đức của mẹ mà con mới có được ngày hôm nay, tiếc rằng mẹ không còn sống để hưởng cái phúc nầy! Trong bài tác giả không đưa ra một lời nhắn nhủ nào cho độc giả hay cho thế hệ đi sau nhưng ta ngầm hiểu TH muốn gởi đi một thông điệp rõ ràng là hãy thương mẹ thật nhiều lo cho mẹ thật đầy đủ khi mẹ còn sống vì lỡ mai kia khi mẹ ra đi bất ngờ thì có muốn lo cho mẹ cũng không còn cơ hội nữa !

Đọc xong bài thơ tôi cảm thấy nhớ mẹ tôi vô cùng, tự dưng nghe mắt cay cay niềm thương nhớ mẹ. Mẹ ơi!!!
Cám ơn tác giả đã gợi cho tôi niềm cảm hứng để viết lên những lời chân thành nầy đối với mẹ Việt Nam.

 
Nguyễn Cang (13/7/2018)

*Xin giới thiệu quí thân hữu một thi hữu mới kết: Triều Phong Đặng Đức Bích, hiện cư ngụ tại Sạnjose, CA, tác giả quyển  sách Tuyển Tập Thơ Đường Bình Định ( nhiều tác giả) in tại Sanjose năm 2015.

Sau đây là bài Lễ Vu Lan nhớ mẹ của tác giả. 

Anh Bich cho biết sau khi đọc bài bình thơ TH, anh có cảm hứng làm bài thơ trên.
Nguyẻn Cang


 
VU LAN NHỚ MẸ     

Chiếc võng đong đưa Mẹ mắc giăng
Ngoài kia mùa hạ nắng khô cằn
Lòng già trĩu nặng thương con cháu    
Tóc bạc da mồi sớm héo nhăn
Dưỡng dục ơn sâu lòng khắc nhớ
Sinh thành nghĩa nặng dạ thân oằn
Bông hồng dâng Mẹ ngàn hoa thắm
Thương Mẹ biển, trời có thấu chăng ?

Triều Phong Đặng Đức Bích


 

No comments: