Monday, July 16, 2018

Trong Cơn Dông Mùa Hạ - Thái Sinh



Trong cơn dông mùa hạ
 
 

I.

Thành ngồi xuống một tảng đá nhìn về bản bản Na Ngo chìm trong mờ mịt khói sương mà lòng trống rỗng, không biết mình vui hay buồn. Vậy là đã một năm học trôi qua, anh được phòng giáo dục điều về đây dạy thay cho cô giáo Trâm nghỉ đẻ từ ngày mười hai tháng chín năm ngoái. Phòng ở của anh nằm sát lớp học, cách một bức vách thưng bằng nứa sơ sài, mùa mưa mùn giun đùn dưới gậm giường từng đống.

Khi về đây nhận lớp anh rùng mình vì phải đối mặt với sự cô đơn trong những tháng ngày tới. Đã ngoài ba mươi tuổi, chuyển qua vài trường, anh chưa thấy nơi nào heo vắng như nơi này, ông trưởng phòng giáo dục khi trao quyết định bảo anh: Cậu dẫu sao còn có điều kiện hơn nhiều người khác. Mình đảm bảo chỉ để cậu ở đấy một năm. Thế nhé…

Bản Na Ngo hiện chỉ còn mười sáu hộ gia đình nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi bị vây bọc bởi một bên là hồ Nậm Ngừn, một bên là vách núi Hua Ngò. Bản chuyển lên đây được gần chục năm sau khi hồ thủy điện Nậm Ngừn tích nước. Trước đây bản có hơn năm chục nóc nhà, nhưng vì ruộng không đủ nước nên những người dân bản địa đã chuyển đi hết, chỉ còn những hộ lên khai hoang từ cuối thế kỷ trước. Bởi thế, bản giống như một ốc đảo, nhưng ở đây vẫn có một lớp ghép cho hơn chục đứa trẻ học lớp một, hai chưa thể vượt dốc Hua Lanh đến ngôi trường bên kia núi được.

Gần lớp học có hai nhà hàng xóm, nhà chị Hòa ở phía trên cạnh cây trám đen, còn nhà chị Miên trên đường xuống hồ Nậm Ngừn hàng ngày anh phải xuống hồ gánh nước, rửa rau, giặt giũ. Cả hai người đàn bà này đã có chồng, nhưng chẳng mấy khi thấy chồng họ ở nhà. Chồng chị Hòa nghe nói là người mê gà chọi, quanh năm suốt tháng anh ta ôm gà đi chọi khắp nơi, thi thoảng mới đảo qua nhà một lượt, đấy là khi anh ta đã hết tiền. Họ có một cậu con trai học lớp sáu trường bán trú, một tháng cậu bé mới về nhà một lần. Thành thử chỉ có mình Hòa ở nhà. Hôm anh đến qua nhà chị mượn con dao chẻ lạt buộc lại vách lớp học bị gió thổi tung, chị ta thành thật bảo anh:

- Nhà tôi còn có mấy con dao, anh làm xong cứ để lại mà dùng. Ở gần hồ nhiều gió quá, mùa đông gió lạnh phải biết. Thiếu gì anh cứ lên đây tôi cho mượn, vừa mới đến chắc còn thiếu nhiều thứ lắm…

Anh mỉm cười:

-Cảm ơn chị, tôi cũng chẳng biết thiếu thứ gì nữa. Thôi cứ hẵng biết thế chị ạ.

Chị Miên hơn chị Hòa hai tuổi, có hai con. Đứa con trai đầu cũng học lớp sáu trường nội trú, còn đứa con gái thì đang học lớp hai, con bé gầy nhách lần đầu tiên nhìn thấy anh mắt tròn xoe, anh cúi xuống lấy khăn lau mũi cho nó. Anh hỏi:

-Nhà em ở đâu?

Con bé chỉ tay về phía hồ có ngôi nhà nhỏ xíu nằm khuất lấp dưới vô vàn những cây ổi găng.

-Nhà em kia thầy ạ.

Anh theo nó về nhà, ngôi nhà thấp lè tè không khóa, cửa rả tanh bành chả khác gì nhà hoang.

-Bố mẹ em đi làm đâu cả rồi? Anh hỏi. Con bé cúi xuống nó đáp lí nhí:

-Bố em không ở nhà, còn mẹ em thì đi đào sắn bên ngoài hồ kia…

Vừa lúc đó thì nghe tiếng Miên gọi í ới dưới bến:

-Trang à, xuống giữ giùm mẹ mấy bao tải sắn cho khỏi lăn xuống hồ này…

Nghe thế, anh cùng con bé chạy vội xuống giúp chị khuân những bao tải sắn mới dỡ từ thuyền lên bờ. Chị hỏi anh:

-Anh có phải là thầy giáo vừa đến dạy thay cô Trâm không?

-Đúng vậy, tôi tên là Thành. Chị nghe ai nói tôi về đây thay cô Trâm?

Miên lấy tay áo lau những giọt mồ hôi trên trán, nhìn anh, đôi mắt long lanh mỉm cười:

-Cả bản được nhà trường thông báo anh về đây từ mấy hôm rồi. Chúng tôi lo quá, nếu không có giáo viên thì đám trẻ con lít nhít ở bản này phải gửi ra ngoài trường lớn để học. Chúng bé tí thế kia, ăn uống, ngủ nghỉ thế nào? Lo lắm anh ạ. Nghe tin anh về đây dân bản chúng tôi mừng lắm. Bây giờ anh về đi, tự tôi mang những tải sắn lên nhà được…

Thành xốc bao tải sắn nặng trịch lên vai:

-Chị để tôi khuân giúp, tôi vốn là dân quê, ở nhà tôi vẫn thường giúp mẹ tôi làm những việc như thế này…

Tối ấy Thành ngồi lặng lẽ bên ngọn đèn dầu soạn bài, tháng chín ở trên núi lại gần hồ trời đã lạnh, anh phải lấy quyển vở che cho ngọn đèn bớt gió. Anh nghe nói phải mấy năm nữa ở Na Ngo mới có điện. Thật không thể nào hiểu nổi người dân hy sinh ruộng vườn, nhà cửa cho công trình thủy điện mà đã gần chục năm nhà máy đóng điện rồi, nhưng dân ở đây vẫn sống trong tăm tối. Người ta giải thích: Na Ngo ở phía thượng hồ, nếu kéo đường điện mất mấy cây số, chỉ có mười sáu hộ, chi phí quá lớn. Nên người ta chưa tính đến kéo điện tới đây chờ Chương trình điện quốc gia.

Thành khêu ngọn đèn to hơn một chút, soạn bài xong anh toan bước ra ngoài thì bất chợt Miên đứng ngay trước cửa phòng, chị đặt rá sắn vừa luộc bốc khói nghi ngút lên mặt bàn:

-Bây giờ tôi mới làm xong việc, mời anh nếm thử mấy củ sắn non. Tháng mười sắn mới đẫy củ, nhưng lũ lợn rừng trên núi xuống dũi tung hết cả. Nếu không dỡ sớm thì chúng ăn hết. Vả lại, đang là mùa giáp hạt cũng phải dỡ về một phần ăn, một phần cho lợn gà…

Nghe thế tự nhiên Thành thấy cay cay trong mắt, nhớ lại chiều nay nhìn con bé Trang gầy nhách giờ anh mới hiểu ra. Chưa kịp hỏi thì Miên thành thật:

-Chuyển lên đây mỗi khẩu được chia hơn sào ruộng, vụ mùa trời mưa thì cấy được, còn vụ xuân chẳng lấy nước ở đâu mà cấy. Trên núi mỗi sào cũng chỉ thu được tám chín mươi cân thôi anh ạ, thành ra chẳng đủ gạo ăn…

-Ông xã nhà mình đi làm ăn xa, mỗi tháng cũng phải gửi về cho mẹ con chị vài ba triệu chứ?

Chị ngửa cổ cười khanh khách:

-Nếu thế thì mẹ con tôi chả phải chui rúc trong cái lều lụp xụp kia. Mà nói tới lão ấy làm gì, chỉ khi ốm lê ốm lết thì lão mới về với mẹ con tôi, còn bây giờ chẳng biết ở bãi vàng hay cánh rừng nào đó.

Nói xong câu ấy chị quay mặt vào bóng tối như thể giấu một nỗi buồn sâu thẳm mà chẳng muốn nói ra.

Thành nhón một mẩu sắn, bảo:

-Tôi vừa ăn tối xong, khi nào thèm tôi xuống xin chị mấy củ.

-Đã bao nhiêu ngày tháng mấy mẹ con tôi cứ thui thủi với nhau, muốn có người nói chuyện lắm. Chắc anh ngại chứ gì? Vậy thì tôi về đây…

Thành thở dài nhìn theo bóng chị biến nhanh vào bóng tối. Mặt hồ sương đã giăng mờ mịt, những ánh đèn của những người đi thả rọ tôm trông như ma trơi, tiếng ếch nhái từ dưới hồ vọng lên inh uôm, buồn đến nẫu ruột.

II.

Trên núi trời lạnh hơn dưới thung lũng, nên vụ mùa cũng gặt muộn độ nửa tháng. Những cơn gió heo may bắt đầu thổi, nhà trường cho học sinh nghỉ mùa một tuần, Thành định tranh thủ mấy ngày nghỉ xin phép về thăm mẹ. Gia đình anh nằm bên bờ sông Thao đối diện với thành phố Yên Bái. Đó là vùng nửa đồi nửa núi, ruộng và bãi bồi nằm dọc sông, phía sau là đồi rừng.

Anh là con út của gia đình có ba chị em. Bố anh mất vì bị chó dại cắn khi anh mới lên hai, thành ra mẹ anh một mình nuôi cả ba chị em. Anh không thể quên những mùa đói hoa cả mắt, ngồi trong lớp học mà tay chân cứ run lấy bẩy. Bởi thế anh và người anh trai cố học để thoát cảnh nhà nông. Chị gái anh chả được học hành nên lấy chồng gần nhà, còn anh trai sau khi học xong thì lên tận Lai Châu công tác rồi xây dựng gia đình ở đó thi thoảng mới về, nên anh trở thành người giữ bát hương tổ tiên.

Mẹ anh nhắm cho anh cô y tá làm ở trạm y tế gần nhà, anh thấy cũng phải, mình dạy học xa tít tận huyện vùng cao, đến hè và tết mới về nên cần có người chăm sóc mẹ già. Hai người định cưới vào dịp tết năm ấy, hai nhà đã định ngày ăn hỏi, ngày cưới và thông báo cho tất cả mọi người. Nhưng chả hiểu vì sao khi người bạn cũ của cô gái từ miền Nam ra, thì cô ấy điện cho anh nói mấy lời vắn tắt: Anh tha lỗi cho em, thực lòng em không muốn như thế khi chúng ta chưa ràng buộc nhau về pháp lý cũng như tình cảm. Em nghĩ vợ chồng là cái duyên. Thôi, chúng mình chia tay nhau khi chưa ràng buộc gì cả…

Tết năm ấy Thành có về nhà nhưng không ra khỏi cửa, mùng ba anh đã lên trường, mãi sau anh mới biết cô ấy quay trở lại với người bạn cũ yêu từ thuở học trò, cô bỏ việc ở trạm xá vào Nam theo người tình. Anh không trách gì, như thế lại hay. Anh cảm ơn cô ấy, vì cô đã dám vượt lên mọi định kiến để đến với người mình yêu, không thể sống suốt đời gượng ép với người mà mình không yêu.

Tự vấn mình như thế, nhưng từ bấy đến nay Thành đã trải qua mấy cuộc tình, nhưng anh luôn tự hỏi: Họ có yêu mình thật không? Chính vì thế mà mọi cuộc tình đều tan vỡ.

Bây giờ anh chỉ nghĩ đến mẹ, mong được chuyển vùng về sống gần mẹ để đỡ đần mẹ khi bà gặp lúc trái gió trở trời. Bởi thế, anh không nề hà đi bất cứ trường nào, hy vọng lời hứa của ông trưởng phòng giáo dục sẽ là hiện thực.

Nhà trường thông báo các lớp học đóng ở đâu thì các thầy cô giáo sẽ giúp dân gặt hái ở đó. Thành xin phép nghỉ ba ngày về thăm nhà, buổi tối anh đang chuẩn bị đồ đạc để mai đi sớm, thì Hòa đến, chị đứng tần ngần bên ngoài cửa, khiến anh hơi giật mình:

-Có việc gì chị hỏi tôi thế?

-Dạ – Hòa ái ngại – Bất đắc dĩ tôi mới đến nhờ thầy. Nhà tôi có bốn sào lúa đã được gặt, nhà thì neo người mà nhờ thì chẳng được ai, vì đang là vụ gặt. Bởi thế tôi đến nhờ thầy giúp cho hai buổi. Tôi phải nhờ thêm chị Miên nữa, gặt không nhanh trời mưa xuống lúa mọc mộng là hỏng ăn. Lão chồng tôi vô dụng không còn gì để nói. Suốt năm suốt tháng đi đá gà, giống như người dưng ở nhờ thôi…

Thành ngần ngại một lát rồi bảo:

-Tôi định về thăm cụ già mấy hôm, nhưng chị nhờ thì tôi ở lại giúp chị vài buổi cũng được.

-Cảm ơn thầy, tôi về đây…

Sáng hôm sau Thành dậy sớm, anh nấu cơm ăn no mới đi làm. Vốn sinh ra từ làng quê, anh biết công việc cày cấy, gặt hái vô cùng nặng nhọc, đói thì không thể làm nổi.

Ruộng nhà Hòa ở mé bên kia đồi, là ruộng mới vỡ hoang nên cây lúa thấp lè tè chỉ cao hơn đầu gối. Lúa gặt ra đập ngay tại ruộng trong chiếc thùng gỗ, gặt đến đâu đập tới đó, tiếng đập lúa bì bùm vang động khắp cánh đồng. Thằng Tùng con trai Hòa đang học lớp 6 về giúp mẹ khuân những bó lúa cho anh đập. Nó vừa khuân lúa vừa đuổi bắt những con châu chấu xâu vào một cọng cỏ thành một xâu dài rồi vơ rác đốt một đống lửa nướng những con châu chấu đó.

Khói xanh rì lan tỏa khắp cánh đồng, mùi châu chấu nướng thơm lừng, anh cùng thằng bé vặt từng con ăn ngon lành. Trong khi đó Hòa và Miên vừa gặt vừa nói chuyện rôm rả lắm, thỉnh thoảng họ lại nhìn về phía anh để lộ bộ ngực trần đầy lông lá, cười rúc rích. Qua câu chuyện của họ anh biết đó là hai người bạn thân nhau từ thuở bé. Thằng Tùng hỏi anh:

-Quê thầy gọi con này là con châu chấu hay cào cào. Nhiều đứa ở lớp em gọi con đầu vuông là con cào cào, gọi con đầu nhọn là con châu chấu, nghe chúng cãi nhau cứ loạn cả lên. Gặt xong em và thầy đi đào chuột đồng nhé…

-Ngày xưa hồi ở nhà thầy cũng đi săn chuột đồng, một lần thò tay vào hang chuột suýt bị rắn cắn nên sợ đến bây giờ.

Thằng Tùng cười rung cả hai bả vai, tay đập xuống mặt ruộng:

-Em cũng sợ rắn lắm, nên phải hun khói chờ nó chạy ra mới đuổi bắt, không dám thò tay và hang đâu.

Hai người đàn ông dồn thóc vào các bao tải vác về nhà xếp lên hè, ngày đầu gặt đập được hơn hai sào mới chỉ được chín bao thóc, lại lắm hạt lép tính ra mỗi sào chỉ được khoảng tám mươi cân là cùng.

Sáng hôm sau Miên sang bảo Hòa:

-Bà Vượng và ông Cán vừa trên nương về, nói rằng nương sắn nhà chị bị đàn lợn rừng về phá tanh bành. Đã dỡ non được một phần ba, nay lợn phá nốt thì xót ruột quá. Thôi em và thầy giáo gặt cố ngày hôm nay là xong, chị phải lên tranh thủ dỡ nốt số sắn còn lại…

Hòa khua khua cái liềm trên tay :

- Chị bận thì thôi vậy, em đành phải cố thôi…

Số lúa còn lại chẳng còn là bao, sau khi gặt đập xong trước khi mặt trời khuất núi, Thành về nhà vội vàng nấu cơm. Sau khi cơm cạn, anh vần vào đống tro nóng rồi xách đống rọ tôm ra hồ. Kể từ khi về Na Ngo anh học được cách đánh rọ tôm, trước là để cải thiện bữa ăn, còn lại anh phơi khô gửi về cho mẹ và những thầy cô giáo ở khu trường chính.

Mùa này tôm tìm hang chuẩn bị trú qua mùa đông đang tới gần, chúng chỉ đi ăn lúc chạng vạng, đang giữa tháng có trăng nên chúng đi ăn thưa hơn.

Anh không có thuyền nên đánh gần bờ, khi trăng lên một lúc thì anh lên bờ, vừa về tới nhà thay xong bộ quần áo chuẩn bị bữa cơm tối thì Hòa sang:

-Tôi làm cơm rồi thầy giáo ạ, nhà chẳng có ai, chỉ mình tôi và cháu Tùng, thầy sang ăn với mẹ con tôi cho vui. Cũng là mừng cơm mới…

-Tôi nấu cơm rồi, chị chẳng phải bày vẽ như thế.

-Cháu Tùng cũng muốn thầy sang ăn cơm với nó, nói chuyện cho vui. Bao nhiêu năm nay nhà chỉ có hai mẹ con, lão chồng tôi về một nhoáng là đi ngay. Lão mê gà chọi hơn cả vợ con. Chán chẳng buồn nói, nói ra thì cãi nhau…

Nghe thế anh đành bất đắc dĩ theo chị về nhà. Trăng giữa tháng vằng vặc, chị Hòa diện chiếc áo màu nõn chuối cổ rộng mỗi lần chị cúi xuống ánh trăng soi rõ bộ ngực đồ sộ màu đồng hun, khiến người anh nóng ran vội nhìn sang chỗ khác. Chị gắp thức ăn cho anh, suốt bữa nói những chuyện đẩu đâu mà anh chẳng biết, thằng Tùng ăn nhếu nháo hai bát cơm, vội chạy theo bọn trẻ đang nhí nhéo ngoài cổng. Anh cũng vội buông đũa đứng dậy, Hòa kéo anh ngồi xuống:

-Thầy ăn vậy thì đói mất. Tôi nấu ăn vụng về quá phải không? Nếu không có thầy giúp thì mẹ con tôi phải gặt cả tuần mới xong. Chị Miên cũng hoàn cảnh như tôi, lão chồng chị ấy theo đám đào đãi vàng quanh năm suốt tháng ở trên rừng, hễ về tới nhà là om sòm. Chúng tôi bảo nhau: Giá như hai thằng đàn ông ấy chết quách đi cho chúng mình đỡ khổ…

Hòa ôm ghì lấy vai Thành khóc hu hu, khiến anh phải gỡ vội bàn tay chị ra:

-Thôi chị đừng khóc nữa, tôi sợ lắm…

Thành bước ra khỏi nhà chị đi như chạy. Anh vô cùng hoảng sợ mà không hiểu điều gì vừa xảy ra. Anh không về phòng mà đi thẳng ra phía bờ hồ ngồi xuống một tảng đá nhìn ra mặt hồ rộng mênh mông lóng lánh ánh trăng. Từng đàn cá mương đuổi nhau đớp ánh trăng tí tách, còn những con cá quả thi thoảng lại tung mình lên khỏi mặt nước ũng oẵng, đám cá măng thì rẽ sóng đuổi lũ cá mương rào rào, ven bờ những con tôm càng búng nước tanh tách…

Anh thật sự không hiểu điều gì vừa diễn ra, càng không hiểu Hòa đã nói với anh những gì. Một nỗi buồn chợt dâng lên xâm chiếm tâm hồn anh, lúc này anh thấy nhớ và thương mẹ vô cùng. Trăng đã mờ sau những màn sương trắng đục dâng lên từ mặt hồ, anh ngồi như thế không biết bao lâu cho đến khi thấy đôi vai lành lạnh sương đêm anh mới đứng lên trở về căn phòng của mình.

Thành lặng lẽ bước trên con đường nơi hằng ngày anh vẫn xuống hồ. Cỏ dưới chân ướt sũng sương đêm, tiếng côn trùng rỉ rả buồn thê lương, một ngôi sao đổi ngôi rạch một vệt sáng phía sau đỉnh núi Hua Ngò. Lúc này chắc đã khuya lắm rồi trong bản không còn nhìn thấy một ánh lửa, tất cả đều uể oải mệt rũ chìm sâu vào trong giấc ngủ.

Khi qua nhà Miên chợt anh nghe tiếng hát rì rầm vẳng ra từ trong sân nhà chị, Thành dừng lại vạch mấy cành ổi găng nhìn vào thì thấy chị ngồi bên hiên nhà mặt ngửa lên vầng trăng đang nhòa nhợt trong sương hát một bài gì đó. Chị hát chỉ đủ một mình chị nghe, giọng hát buồn đến nẫu ruột. Anh cố lắng nghe nhưng không nghe được câu gì nên vội vã bước nhanh như một tên kẻ trộm sợ chủ nhà bắt được.

Sáng hôm sau trời còn mờ đất, khi Thành chưa kịp trở dậy thì Miên đã tới gõ cửa:

-Thầy Thành à! Thật bất tiện quá tôi phải gọi thầy lúc này. Tối qua tôi tới phòng thầy hai lần nhưng không gặp. Sang nhà cái Hòa hỏi thì nó bảo thầy ăn cơm ở nhà nó nhưng về rồi. Tôi chẳng biết tìm thầy ở đâu nên bây giờ đến sớm…

-Có việc gì thế hả chị Miên ơi?

-Dạ! Là cũng tới đây nhờ thầy giúp tôi nhổ cho hai buổi sắn, đám lợn rừng phá tợn quá. Đang mùa gặt chẳng nhờ được ai cả, đành sang nhờ thầy…

-Được chị ạ – Anh nói vọng ra – Chị cứ về đi, chờ tôi một lát tôi đi đổ mấy cái rọ tôm về rồi đi ngay.

-Thế thì tốt quá, anh chọn một số con to mang đi nhé, trưa nay ăn cơm ở trên nương, tôi nấu cơm ở đó tối mới chèo thuyền về.

Thành trở dậy vội ra hồ cất những rọ tôm thả đêm qua. Sang thu lũ tôm chẳng đi ăn đêm mấy, bù lại những con tôm bắt được đều là những con to. Anh xẻ một nửa mang theo.

Hai người nhổ cật lực, gần trưa thì Miên xuống hồ múc nước đem vào gốc cây nổi lửa nấu cơm, còn anh thì cho sắn vào các bao tải vác ra xếp gần mép nước, chiều đưa lên thuyền.

Mặt trời gần đứng bóng thì Miên bảo anh dừng tay nghỉ ăn cơm, canh nấu bằng rau rừng còn tôm thì xâu vào nướng. Miên bóc từng con tôm đặt vào chiếc lá dong cho anh, chị hỏi:

-Hôm qua thầy ăn cơm nhà cái Hòa có ngon không? Con bé kho cá khéo nhất bản này đấy.

Thành đặt bát cơm xuống, anh cũng chẳng nhớ bữa cơm tối qua ăn ở nhà Hòa có gì, mà cứ ám ảnh bởi bộ ngực đồ sộ màu đồng hun của Hòa hiện lên trong ánh trăng, nhất là khi chị ta ôm ghì bờ vai anh khóc, anh vội đáp:

-Cơm chị Hòa nấu ngon lắm, cả thức ăn cũng ngon…

-Con bé khéo tay thật đấy – Miên thở dài – Còn tôi thì vụng về quá phải không? Vậy nhá, cơm tôi nấu, tôm anh bắt, nên anh phải ăn thật no nhé. Cũng chỉ nhờ anh nốt ngày mai thôi, còn bao nhiêu tôi tự nhổ. Lúa nhà tôi cũng đã chín rồi, gặt muộn tý cũng chẳng sao. Chứ không dỡ nhanh số sắn này thì lũ lợn rừng phá hết…

Ăn cơm xong anh chui vào lùm cây gần bờ hồ, trải lá nghỉ trưa. Đã lâu anh không làm việc nặng, nên bây giờ mới thấm mệt. Giấc ngủ đến quá nhanh, chợt nghe như có tiếng người đập nước dưới hồ ùm oàm làm anh tỉnh giấc, anh nhìn qua kẽ lá. Trời ơi, Miên đang trần truồng vỗ nước. Người đàn bà ba mươi sáu tuổi đã hai con nhưng dáng thon lẳn, ngực căng như trái dừa thây lẩy. Anh dụi mắt, chưa bao giờ anh nhìn thấy dáng một phụ nữ khỏa thân đẹp đến thế, chị vỗ nước rồi co người nhảy xuống hồ ngụp lặn mềm mại như nàng tiên cá, yểu điệu như vũ nữ dưới làn nước hồ trong vắt.

Thành như không thể chịu nổi, bản năng của người đàn ông đã ngủ quên trong anh bao năm trỗi dậy, anh ngồi dậy toan đứng lên thì anh chợt rùng mình nhớ ra mình đang là giáo viên cắm bản. Anh nhắm nghiền mắt lại đổ mình xuống đám lá cây dưới lưng, thầm thì: Không! Không được làm thế…

III.

Thành còn nhớ khoảng tháng nữa thì đến tết, hôm ấy từ trường trở về Na Ngo, từ xa anh nhìn thấy một người đàn ông ôm một con gà lông đỏ tía đi loanh quanh bên lớp học, anh đoán ra ngay đó là chồng Hòa. Nhìn gương mặt anh ta đần độn chẳng ra đàn ông mà cũng chẳng ra đàn bà, đôi mắt thì hùm hụp, khi thấy anh đôi mắt ánh lên vô cùng mừng rỡ:

-Anh giáo đã về, tôi đợi thầy hai tiếng rồi đấy…

-Có việc gì mà anh đợi tôi thế?

-Tôi muốn khoe với anh là ngày mai tôi sẽ đem con gà này đá một trận quyết tử với đám thằng Hải “vổ” dưới thị trấn. Nó đặt cược cả trăm triệu, nó chưa biết rằng con này từng tung hoành ngoài thành phố nên mới ngạo mạn như vậy. Thầy có biết tý nào về gà chọi chứ?

Thành lắc đầu:

-Tôi chẳng biết gì về chọi gà cả.

Anh ta tặc lưỡi:

-Làm trai phải biết đá gà, không chơi đá gà thì phí cả đời trai. Thôi, tôi đi đây…

Anh nhìn theo người đàn ông ôm con gà chọi vừa đi vừa vuốt ve bộ lông và nói chuyện lầm rầm với con gà như nói chuyện với người bạn tri kỷ. Anh nhệch miệng cười nhớ lại cái đêm nào Hòa ôm ghì lấy vai anh và bộ ngực đồ sộ của chị hiện lồ lộ dưới ánh trăng.

Cũng dịp ấy sau đó vài hôm, chồng Miên cũng từ trên núi xuống, anh ta kéo thêm mấy người bạn xăm trổ đầy người về nhà giết gà uống rượu. Thành được mời đến nhưng từ chối mãi mà không được. Chồng Miên có cái tên nghe ngang ngang: Bường. Khi đã ngà ngà Bường giương đôi mắt đỏ đọc nhìn anh giọng hơi gằn:

-Ông Thành này, tôi nghe mọi người nói ông tới đây dạy thay cô Trâm nghỉ đẻ. Mọi người trong bản ai cũng khen ông dạy đám trẻ tận tình. Không những thế ông còn tận tình giúp những người đàn bà có chồng đi làm ăn xa. Tốt! Rất tốt. Vợ tôi nói thế có đúng không?

-Tôi chưa giúp ai cả, có lẽ vợ anh quá lời. Tôi muốn làm tròn bổn phận của người thầy giáo ở nơi cắm bản…

-Thôi ông đừng quá khiêm tốn. Tôi xin được chúc ông một chén và ông nên nhớ cho: Mọi cái đều có giới hạn, bước qua giới hạn là phiền lắm đấy, không còn đường về đâu. Đám giang hồ đào vàng như chúng tôi ai cũng tự biết lãnh địa của mình, bước sang lãnh địa của người khác là đổ máu…

Nhìn những tia máu vằn vện trong con mắt của Bường, Thành biết đó là lời đe dọa. Thực tình mấy tháng về đây dạy học, anh chưa làm điều gì khiến anh phải sợ. Đặt chén rượu xuống chiếu, Thành đáp:

-Tôi còn mấy việc phải làm nên xin phép các anh, mong mọi người thông cảm…

Khi bước ra ngoài cổng, Thành còn nghe tiếng Bường chửi theo:

-Mẹ thằng ngu, nếu nó giúp cho con vợ mình cái khoản ấy thì mình còn phải cảm ơn hắn. Đằng này, không hơn gì một thằng hoạn…

IV.

Tháng năm bắt đầu vào mùa mưa, những đám mưa dông kéo từ trên núi Hua Ngò tràn xuống, mưa trải rộng khắp các triền núi, người dân Na Ngò đua nhau ra đồng cày ruộng gieo mạ làm mùa. Chỉ còn tháng nữa là nghỉ hè, chín tháng dạy học ở đây sắp kết thúc.

Đêm nào cũng có mưa dông, những cơn dông mùa hạ dồn dập ập tới bất kể lúc nào, nhất là chiều tối và ban đêm. Hình như ở trên núi cao có nhiều dông lốc hơn thì phải. Chiều nào Thành cũng nhìn về phía núi Hua Ngò nhìn những đám mây màu mận chín để đoán xem đêm nay có dông lốc không rồi anh mới đi ngủ. Nhưng anh không thể ngờ tới trận dông lốc đêm ấy lại kéo từ phía hồ Nậm Ngừn lên.

Bầu trời đen kịt, gió thổi từng cơn giận dữ, lớp học của anh dựng ở lưng chừng núi, vách thưng bằng nứa nên gió thổi ào qua thông thống, anh chỉ phải buộc lại mấy cái cánh cửa, sợ gió thổi mất. Gió như bầy ngựa hoang gào rít qua mái lớp học nghe u u, ngôi nhà nhỏ bé rung lên bần bật, nếu không chằng chống bằng cây rừng từ đầu mùa mưa, chắc đã đổ từ trận dông lốc đầu tiên.

Mưa và gió mỗi lúc mỗi to, trời tối đen, sấm chớp nhì nhằng xé rách màn đêm nghe inh tai nhức óc. Thành đang hí húi buộc lại cánh cửa phòng ngủ thì Hòa từ đâu hốt hoảng đội gió mưa tới, giọng khẩn thiết:

-Thầy giáo giúp tôi với, nhà tôi sắp đổ rồi…

Anh không ngần ngại chạy theo Hòa. Trong ánh chớp nhì nhằng Thành nhìn thấy ngôi nhà nhỏ bé của Hòa chao đảo. Anh vội vác cây chống bốn bề, khi cảm thấy chắc chắn anh mới bước vào ngôi nhà sũng nước. Hòa sợ, run bần bật ôm lấy anh, ấp bộ ngực đồ sộ vào anh giọng hoảng loạn:

-Thầy giáo thương tôi thì đừng bỏ tôi trong cái đêm mưa bão này nhé. Lạy giời hãy cho tôi ở bên thầy trong đêm mưa dông này, tôi sợ lắm…

Anh cúi xuống nhìn vào mắt Hòa, đôi mắt long lanh hiện lên trong ánh chớp sáng lóa. Bàn tay Hòa cứ ghì chặt lấy anh khiến anh không thể gỡ ra nổi, giọng khẩn thiết:

-Thầy đừng đi, tôi sợ lắm…

Chợt như bừng tỉnh sau tiếng sét kéo dài trên đỉnh núi Hua Lanh, anh vùng ra khỏi cánh tay vạm vỡ của Hòa:

-Không, tôi phải về xem lớp học có bị sao không. Nhà chị chằng chống như vậy là chắc chắn lắm rồi…

Khi anh vừa về tới cửa phòng thì Miên đội mưa tới, giọng hốt hoảng:

-Thầy giáo giúp tôi kéo chiếc thuyền lên bờ kẻo sóng đánh đứt dây chìm xuống hồ mất.

Thành lách qua cánh cửa đan bằng nứa vào nhà lấy chiếc đèn pin chạy theo Miên xuống hồ. Con thuyền nan dài hơn ba mét bị nước ngập hơn nửa, lúc này như chiếc lá cây bị sóng giật nghiêng ngả, khiến sợi dây néo bị căng ra như sắp đứt. Anh đưa chiếc đèn pin cho Miên bảo:

-Chị soi cho tôi để tôi đổ nước ra mới kéo lên được…

Hai người vật vã với mưa bão một lúc lâu mới kéo được chiếc thuyền lên bờ, họ lật úp chiếc thuyền xuống mặt đất đóng cọc bốn bên. Mệt không thể tả nổi, Miên bám vào vai anh lê từng bước, Thành xốc một tay qua nách chị, họ bám vào nhau đi hổn hển trong cơn mưa đang dần ngớt. Nước mưa khiến quần áo Miên dính chặt vào người, một thân hình chắc lẳn trong vòng tay anh. Thành chợt nhớ trưa nào Miên khỏa thân đập nước ùm oàm dưới hồ, người phụ nữ ba mươi sáu tuổi đẹp như thiên thần. Rồi đôi mắt vằn máu của Bường khiến anh rùng mình. Anh bảo: Nào đi nhanh lên, cơn dông mới lại sắp đến rồi đấy…

Miên mền oặt trong cánh tay anh:

-Tôi mệt và lạnh lắm, tay chân run hết cả lên rồi. Anh giúp tôi về nhà nhóm lửa để tôi sưởi cho lại người anh nhé…

V.

Chiều ấy, anh đang soạn nốt bài giáo án thì nghe tiếng ồn ào ngoài đầu lớp học nên chạy ra. Miên vai vác bừa dắt con trâu mượn của nhà bà Cán đang ngược dốc ra đồng, Hòa từ trên nhà đi ra, họ gặp nhau ở đầu lớp học. Giọng Hòa té tát:

-Sáng nay chị buộc trâu bò kiểu gì mà để trâu lội phá nát nửa ruộng mạ mới gieo của nhà tôi thế?

Miên đặt cái bừa trên vai xuống chống nạnh:

-Ai nói cho cô thế?

-Mấy người trong bản đều bảo vậy, bà cứ thử ra mà coi…

-Cô đừng hồ đồ vu oan giá họa cho người ta nhé!

-Nhưng tôi hỏi bà, lúc nghỉ trưa bà có buộc trâu cạnh ruộng mạ nhà tôi không?

-Có! Nhưng nó không lội xuống ruộng mạ nhà cô.

-Thì bà cứ ra đó mà xem. Chỉ mắt mù mới không nhìn thấy…

Nghe thế, Miên cảm thấy lộn tiết, chị dí chiếc roi bừa vào mặt Hòa:

-À, thì ra cô bảo tôi mù hả?

Hòa xấn tới, dí bộ ngực đồ sộ vào mặt Miên :

-Bà muốn đánh tôi hả? Thì đây, bà cứ đánh tôi xem nào…

Thế là hai người lăn xả vào nhau, họ túm áo, kéo tóc nhau ghì xuống mặt đất, giọng người nào cũng the thé thật đáng sợ.

Thành không thể nào hiểu nổi, anh giậm chân:

-Tôi xin các chị, có việc gì mà phải ầm ĩ lên thế?

Nghe tiếng Thành, hai người phụ nữ càng trở lên hung hãn hơn. Họ ôm nhau lăn tròn trên mặt đất, cấu xé nhau tơi bời như thể muốn làm nhục nhau trước mặt Thành. Chưa bao giờ anh thấy những người đàn bà lại đánh nhau dữ dội như thế, áo xống rách tả tơi, máu me đầy mặt.

Anh không thể đứng nhìn mãi cảnh cấu xé nhau như vậy nên xông vào kéo hai người đàn bà ra, ôm Miên không cho Hòa xông vào cào cấu. Hòa dạng chân xỉa những ngón tay lấm đất về phía Miên:

-Rồi bà sẽ biết tay tôi…

Nói rồi Hòa sụp xuống khóc như mưa:

-Trời ơi sao khổ cho cái thân phận đàn bà chúng ta thế?

Miên gỡ bàn tay Thành ra, chị bước về phía Hòa đặt bàn tay lên vai cô bật khóc:

-Chị xin lỗi em. Ôi chúng ta đều là những người đàn bà khốn nạn – Quay sang phía Thành giọng Miên giận dữ – Anh hãy đi đi, năm học kết thúc rồi, anh không còn việc gì ở đây nữa…

Thành chống gối đứng lên, anh khoác chiếc ba lô lên vai, nhìn lại một lần cuối về phía bản Na Ngo, thầm mong đêm nay không có cơn giông nào kéo đến từ trên núi Hua Ngò hay từ mặt hồ thủy điện Nậm Ngừn thổi tới…

 

Yên Bái 6/6/2016

Thái Sinh

304Đen – Llttm - VV

 

No comments: