Hồi ức tháng Tư : TÔI VỀ (
Phần III)
Một hôm
nhân lúc rãnh rỗi tôi đạp xe qua cầu Rạch Ông xuống chợ Dương bá Trạc, dưới Dạ
Nam Cầu Chữ Y để thăm bạn cũ, bất ngờ có tiếng gọi đàng sau: Thầy! Thầy !
Tôi quay lại
thấy một em gái tuổi 15, 16 chạy lại níu xe tôi, tôi ngạc nhiên, em vội bảo: Em
tên Trang là học trò cũ của thầy đây mà, thầy còn nhớ em không ? Tôi đáp:
Không, thầy không còn nhớ vì đã gần 4 năm từ giã mái trường , đi cải tạo …
Em ngắt lời : Em biết thầy đi cải tạo với vài thầy
khác nữa, hôm nay gặp lại thầy em mừng lắm. Em mời thầy lại chỗ nầy. Nói xong
em tắp vào một tiệm phở trong chợ, kêu một tô phở đặc biệt mời tôi ăn . Tôi đứng như trời trồng, kinh ngạc không dám
tin vào mắt mình. Thời “bao cấp” khó khăn, nhiều gia đình không có cơm ăn áo mặc
có ai dám bỏ ra một số tiền tặng không cho người khác dẫu đó là thầy cũ của
mình? Hàng xóm láng giềng, bạn cũ còn không dám tiếp xúc với tôi, sao em lại
can đảm mời tôi ăn phở? Trong tim em ắt
còn có tình người giữa cảnh đời ô trọc . Thấy tôi do dự em thúc giục: Thầy ăn
đi thầy! Tôi ngồi xuống nuốt từng cọng phở mà nghe nghèn nghẹn trong họng, tôi
nuốt không trôi, hai hàng nước mắt tuôn ra tự lúc nào tôi cũng không biết. Em
bé VN ơi! Trái tim em tuy nhỏ mà tấm
lòng của em cao cả quá, làm sao tôi trả hết? Em sợ tôi mất tự nhiên nên bỏ qua
cửa hàng bên cạnh. Viết tới đây mặc dù gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn không cầm
được nước mắt. Độ 15 phút sau tôi ăn xong định đứng dậy trả tiền thì em cũng từ
ngoài bước vào nói: Em trả tiền xong rồi thầy, còn đây là hai ổ bánh mì em gởi
biếu con thầy, chúc thầy bình yên mạnh khỏe! Tôi nói cám em rồi bước ra khỏi tiệm.
Lúc đó nhà
tôi nghèo lắm, tôi cải tạo mới về, không có việc làm, vợ cũng không ai mướn sai
vặt, tôi nghĩ suốt đời cũng không đền ơn đáp nghĩa được nên không xin địa chỉ
cũng không hỏi rõ tên họ em để tìm kiếm về sau. Sau khi qua Mỹ, có điều kiện,
muốn tìm em để nói lời cám ơn, tặng quà trả nghĩa nhưng hỡi ơi, vật đổi sao dời
gần 40 năm làm sao tôi tìm cho được? Tôi nghe áy náy trong lòng mỗi khi nhắc tới
nghĩa cử cao đẹp của em. Em bé ơi bây giờ em ở đâu? Cuộc đời em thế nào? Em có
sung sướng hạnh phúc? Cầu mong em được như thế!
II. TỪ GIÃ QUÊ HƯƠNG
Chánh sách
cải tạo của đảng và nhà nước CSVN đưa ra gây bất ngờ cho dân chúng miền Nam. Dạo
đó người dân miền Nam chưa hiểu thế nào là cải tạo. Tưởng rằng đi học đâu đó
vài tuần rồi về ai ngờ có người 17 năm cũng chưa về, mà thực chất là đi tù !
Chuyện trong tù cải tạo nhiều người đã nói rồi tôi không bàn nữa. Thành phần
quân dân cán chánh chế độ cũ gánh chịu nhiều đau thương mất mát không sao kể xiết
nhất là anh em bị đày ra Bắc. Có khi tù bị dân quân ném đá vì cho rằng tù là
thành phần ác ôn, uống máu, hãm hiếp phụ nữ v.v. Lâu dần khi thấy và hiểu ra,
dân chúng nhìn người tù cải tạo dưới góc độ khác, họ không còn thù hằn và ác cảm,
trái lại họ thương người tù ốm o gầy còm vác cây, phá rừng, đắp đập, cày ruộng… Thỉnh thoảng người tù lại tặng ( một
cách lén lút) một vài viên thuốc trị bịnh ngặt nghèo cho dân. Một trường hợp đặc
biệt bác sỹ cải tạo đi đỡ đẻ cho vợ cán bộ! Dân chúng thấy người tù sao hiền
quá , dễ thương và tội nghiệp, họ không uống máu ai cũng chẳng chửi thề bậy bạ,
họ rất lịch sự và hiểu biết. Từ từ cán bộ, vệ binh cũng bớt gay gắt, sắt máu với
tù cải tạo…
Đầu
năm 1980 bỗng rộ lên tin đồn Mỹ sẽ bốc cải tạo sang định cư tại nước thứ ba,
gia đình cải tạo bừng lên sức sống và hy vọng. Từ trong quán cà phê cho tới
ngoài chợ người ta thầm thì úp mở về tin động trời nầy. Thực hư không ai biết,
nhưng người ta vẫn hy vọng. Người tù cải tạo tự trút bỏ mặc cảm tội lỗi ( do bị
gán ép), hòa mình vào xã hội, được bà
con thương mến, danh dự được phục hồi. Nhiều người giàu có đi tìm cải tạo để kết
thân, kết hôn, hy vọng được đi Mỹ. Cải tạo không còn bị khinh khi ngược đãi.
Gió đã đổi chiều! Khoảng năm 1987 nhà nước CSVN ra thông báo chánh thức cho
phép những người cải tạo 3 năm trở lên được đăng ký đi Mỹ. Đầu năm 1990 chuyến
bay đầu tiên cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhứt chở những người tù cải tạo
sang định cư tại Huê Kỳ.
Tôi cũng ra đi theo chương trình HO năm 1992, bỏ lại
quê hương yêu dấu, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời tỵ nạn chánh trị, chấm
dứt những ngày đen tối trên quê hương Việt Nam.
Nguyễn Cang ( Apr. 15,
2024)
1 comment:
Cám ơn Anh Cang . Bài anh viết đọc cảm động quá.
Post a Comment