Friday, June 12, 2020

Đầu Còi Và Ngựa Cỏ - Cánh Cò


Đầu còi và ngựa cỏ

Những con ngựa cỏ xuất thân từ Mông Cổ chạy lệt phệt, phân vãi tứ tung trước quảng trường Ba Đình làm cư dân mạng một phen có dịp đùa vui trong những ngày sau dịch.

Người ta phân tích, phê phán và nhất là cười cợt Trung đoàn Kỵ binh mới thành lập chào mừng Quốc hội với những thông tin phần lớn cho rằng Bộ Công an sở dĩ tậu đám lừa này vì có thể chấm mút được. Bên cạnh đó một yếu tố khác rất quan trọng: Vì ngựa nhỏ con làm cho người cưỡi chúng có vẻ cao lớn hơn hẳn.

Những chú ngựa này nếu được mang lên Đà Lạt đứng cạnh với những con ngựa cỏ của đồng bào thiểu số ở xã Lát, Đạ Sar (Lạc Dương) thì người ta dễ cho rằng lính ông Tô Lâm đã mua giống ngựa này tại Đà Lạt chứ chả phải xa tận Mông Cổ như trong báo cáo tài chánh mà Bộ Công an sẽ giao cho đơn vị thanh toán. Giới nuôi ngựa ở Đà Lạt dùng tên ngựa cỏ để ám chỉ trọng lượng trung bình của một con ngựa trưởng thành chỉ khoảng từ 200–250 kg. Tuy thân hình chúng nhỏ nhưng lại dẻo dai, bền bỉ phù hợp để thồ hàng và kéo xe trên mọi địa hình hiểm trở.

Những chú ngựa cỏ ấy nếu dùng vào việc thồ hàng hay kéo xe cho khách du lịch như Đà Lạt đang làm có vẻ hợp lý hơn khi dùng chúng vào việc diễn hành hay chào đón các nhân vật tầm cỡ thế giới. Thế nhưng người ra vẫn bất chấp ý thức thẩm mỹ và hiệu quả thực dụng của chúng miễn sao đạt được mục đích khoe mẽ: Người ta có thì mình cũng phải có.

Tình chất khoe mẽ mà không hề bị quản thúc bởi luật pháp hay dư luận ấy không phải chỉ ở con ngựa mà chúng xuất hiện hàng vạn trường hợp ở người, mà thường là những người có bằng cấp, học vị.

Bên cạnh những chú ngựa cỏ ấy xuất hiện thêm một bộ óc còi làm cho câu: “cặp đôi hoàn hảo” trở thành sống động. Ngựa cỏ vì bản thân của chúng vốn nhỏ con muốn lớn cách nào cũng không được. Chúng không thể trở thành tuấn mã nhưng chúng có ích nếu biết đặt chúng vào đúng vai trò mà thượng đế đã đặt để cho chúng. Nhưng một bộ óc được xem là còi như một đứa trẻ thiếu dinh dưỡng thì do bản chất của người sở hữu bộ óc ấy. Bộ óc thiếu dinh dưỡng vì không chịu học hỏi, tư duy vốn là dưỡng chất để nuôi bộ não. Bộ não của một Phó Giáo sư Tiến Sĩ không thể thiếu kiến thức hàn lâm về vấn đề mà ông ta nghiên cứu, nhưng ở Việt Nam những người có học hàm học vị ngất ngưỡng lại làm những việc mà học sinh trung học thường làm không hề hiếm.

Trường hợp mới nhất là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” do PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên cùng với ThS Hà Thị Quế Hương biên soạn do ĐHQG Hà Nội xuất bản.

  
 

Cuốn sách này như nhiều cuốn khác nếu không ai phát hiện những sai trái của nó có lẽ là mầm loạn tiềm ẩn cho biết bao thế hệ sinh viên học sinh khi chính Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ra đỡ đầu qua việc xuất bản. Báo chí đã chỉ ra ít nhất 60 lỗi sai chính tả của cuốn sách khi bản thân nó là một cuốn tự điển chính tả, cuốn sách có nhiệm vụ hàng đầu là giúp sinh viên học sinh hay những ai quan tâm tới việc viết đúng chính tả lấy làm tiêu chuẩn học hỏi nhằm góp phần làm trong sáng tiếng Việt.

Cuốn sách là một thảm họa về giáo dục nhưng bản thân người viết sách lại là một thảm họa khác về văn hóa và nhân phẩm.

Ông PGS-TS Hà Quang Năng người chủ biên cuốn sách mạnh miệng với báo chí rằng đó không phải là cái sai của người biên soạn. Ông cho rằng “không có cách nào được coi là chuẩn tuyệt đối vì không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia

Để chứng minh ông cho rằng "xét sử", viết S là nằm ở trong mục S, được hiểu là xem xét lại lịch sử vì những tổ chức như NXB Giáo dục, NXB Từ điển Bách khoa, Văn phòng Chính phủ đều viết như vậy. Ông đồng thời cho rằng có thể rút ngắn nhóm từ mà không sợ sai lạc, chằng hạn như tài sản công là công sản, bảo hiểm Việt Nam là Bảo Việt…

Những giải thích như vậy càng chứng tỏ ông được giáo dục trong một guồng máy nếu không có trục trặc vì lý do chính thể cũng bại hoại vì những tư duy thiếu khả năng phân tích như ông. Nếu có học đúng như học vị của ông là một Phó giáo sư ắt hẳn ông phải khẳng định “Xét sử” là sai và không có cách nào biện hộ cho cách dùng cẩu thả như vậy. Riêng việc rút gọn chữ mà ông đồng tình thì ai cũng biết Bảo Việt là danh từ riêng, nó không thể đại diện cho bảo hiểm Việt Nam mặc dù người đặt ra nó có hàm ý như thế đề câu khách.

Khi ông viết: Xa trường thay vì Sa trường, Táng gia bại sản thay vì Tán gia bại sản, Xỉ nhục thay vì Sỉ nhục, Reo rắc thay vì Gieo rắc, Trừu mến thay vì Trìu mến…. thì ông đã lộ rõ sự “dốt hay nói chữ” chứ không phải có mục đích gì cao cả như ông ngụy biện.

Tài học của ông chỉ có thể cưỡi nhưng con ngựa cỏ mà ngao du, bởi nhưng chú ngựa này sẽ lấy làm vinh dự được chở trên lưng một bộ óc còi vì thiếu dinh dưỡng như ông. Nếu chúng có vãi phân đầy đường cũng bởi do càng ngẫm nghĩ cuốn tự điển của ông chúng càng khó nhịn.

 

Cánh cò

Rfa - BCT