Wednesday, June 24, 2020

Đường Đi Không Đến - Hiếu Chân


Đường đi không đến
 
 

 Xin mượn nhan đề cuốn bút ký nổi tiếng của cố văn sĩ Xuân Vũ (1930-2004) để bàn chuyện con đường của nước Việt Nam cộng sản hiện thời.

Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) sắp tổ chức đại hội 13 vào đầu năm tới, và theo thông lệ, hiện nay là thời điểm họ sắp xếp nhân sự cấp cao – nghĩa là chia ghế lãnh đạo cho các quan chức trung thành – và đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chính sách của đảng sẽ trình ra trong đại hội. Đường lối thì cứ bổn cũ soạn lại vì bao năm nay bất chấp tình hình trong nước và quốc tế thay đổi chóng mặt, đảng đâu có nghĩ ra được điều gì mới, quanh đi quẩn lại cũng chỉ Marx-Lenin-Hồ Chí Minh, với những tuyên bố sáo rỗng rặt tính lừa mị.

Một ví dụ, tuần trước, ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương ĐCSVN, nói trước các viên chức tuyên huấn của đảng rằng, “Lộ trình phát triển đất nước ta thời kỳ quá độ là thế nào là vấn đề rất vướng, chưa rõ, lâu nay chưa làm được và cần tiếp tục nghiên cứu.”

“Có lần nào Tổng Bí Thư Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: ‘Bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội?’ Tổng bí thư nói chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ (lên chủ nghĩa xã hội) là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ,” ông Phú nói, và cho biết, đây là vấn đề sẽ cố gắng tập trung làm rõ trong thời gian tới, theo tường thuật của báo Thanh Niên hôm 10 Tháng Sáu.

Không thể không bật cười khi đọc những phát biểu như vậy. Đã có vài vị trí thức lên tiếng phản biện ông Phú, như Giáo Sư Nguyễn Đình Cống, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Chu. Nhưng có lẽ do sống ở trong nước nên các vị này ngại, không muốn nói thẳng nói thật, do đó chưa đối đáp trúng vào trọng tâm ý kiến của ông Phú, cũng là đường lối của ĐCSVN.

Ai cũng biết, ĐCSVN, từ năm 1954 ở miền Bắc, và từ năm 1975 trên cả nước, đã “kiên trì” ép cả dân tộc “đi lên chủ nghĩa xã hội,” bây giờ, mấy chục năm sau, lại nói lộ trình này “rất vướng, chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu” “có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội!” Thế là thế nào? Hóa ra mấy chục năm nay các ông các bà dẫn nhân dân đi đâu không ai rõ, đến đâu không ai biết?

Thực ra, các ông bà ấy biết cả đấy! Sự sụp đổ của Liên Xô – nơi khai sinh ra cái gọi là chủ nghĩa xã hội từ năm 1917 – cùng với sự tan rã của khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu cuối thập niên 1980 đã phơi bày thực chất của cái gọi là chủ nghĩa xã hội chỉ là một chế độ độc tài đảng trị, ngược lại cuộc tiến hóa của loài người. Có nhiều thông tin hơn người dân bị bưng bít tứ bề, chắc chắn các ông các bà trong ĐCSVN biết rõ sớm muộn cái chủ nghĩa xã hội mà đảng tôn thờ cũng sẽ bị vất vào sọt rác của lịch sử, sớm chừng nào tốt chừng ấy, đất nước càng đỡ thiệt hại chừng nấy.

Thế nhưng, tại sao ĐCSVN vẫn cố bám lấy cái bánh vẽ chủ nghĩa xã hội, bám lấy những tín điều cũ kỹ và lạc hậu của Marx-Lenin-Hồ Chí Minh để làm khổ cả dân tộc? Tại sao vẫn cứ khăng khăng lùa cả dân tộc đi theo con “đường đi không đến” ngược lại với trào lưu chung của cả nhân loại.

Giáo Sư Nguyễn Hưng Quốc ở Úc có một câu trả lời ngắn gọn mà vô cùng chính xác: “Như thế là kiên định hay ngu dốt? Thật ra, tôi nghĩ, họ [ĐCSVN] không kiên định và cũng không ngu dốt. Họ chỉ lưu manh. Tự thâm tâm, họ biết tỏng cái gọi là chủ nghĩa xã hội ấy chỉ là một ảo tưởng. Họ chỉ sử dụng cái chiêu bài ấy để bảo vệ quyền lực độc đoán và quyền lợi vô tận của họ. Vậy thôi.”

***

Từ năm 1986, trước xu thế sụp đổ không gì cưỡng nổi của khối xã hội chủ nghĩa và tình trạng đó kém triền miên trong nước do những chính sách kinh tế sai lầm và nguồn lực bị hút vào cuộc chiến tranh chiếm đóng ở Cambodia, ĐCSVN đã chuyển sang một mô hình lai tạp không giống ai: Kết hợp chế độ chuyên chế độc đảng và công an trị của chủ nghĩa cộng sản với sự phát triển kinh tế theo kiểu tư bản hoang dã mà Hà Nội gọi bằng cụm từ mỹ miều nhưng tối nghĩa là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Thân phận của người dân Việt Nam dưới ách cai trị “hai tròng” này là hết sức cùng khổ và bế tắc, sách báo đã nói nhiều. Một mặt, người dân luôn nơm nớp lo sợ guồng máy công an vô nhân tính của chế độ, một mặt phải vắt kiệt sức lực làm lụng để đóng hàng trăm thứ thuế và lệ phí vô lý mà lúc nào cũng có thể bị bọn tư bản đỏ câu kết với nhà cầm quyền tước đoạt tài sản, phương tiện sinh sống, nhất là đất đai, nhà cửa.

Vụ tấn công vào thôn Hoành giết ông lão Lê Đình Kình và bắt giam 27 người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành Hà Nội, ngay trước Tết Âm Lịch là một minh chứng cho thực trạng tăm tối dưới chế độ “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế ĐCSVN đã biến chất thành một tổ chức tội phạm mafia, thao túng toàn bộ tài nguyên quốc gia để làm giàu cho túi tiền của một số quan chức lãnh đạo, sử dụng súng đạn và nhà tù để trấn áp và tiêu diệt những ai có thể cản trở con đường nắm quyền và nắm tiền của họ.

Nhưng trước khi tìm hiểu thêm, cần xét ngọn ngành, cái mô hình lai tạp mà Việt Nam đang áp dụng, con đường thâu tóm tuyệt đối quyền lực và tài nguyên mà ĐCSVN đã được sao chép của Trung Quốc, bản thân ĐCSVN không đủ trình độ để “sáng tác” ra một thứ lý thuyết hổ lốn như vậy.

Lo sợ trước sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản ở Liên xô và Đông Âu, những con cáo già chính trị ở Trung Nam Hải đã chế biến ra món lẩu thập cẩm gọi là “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc.” Đó là kết hợp chủ nghĩa dân tộc Đại Hán, chế độ độc tài cộng sản, và chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Trung Quốc từng bước mở cửa kinh tế nhưng vẫn duy trì chế độ độc tài độc đảng và từ chối mọi giá trị tự do dân chủ mà họ cho là sản phẩm đặc thù của phương Tây. Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn năm 1989, không ai ở Trung Quốc còn dám đề cập tới việc cải tổ chính trị nữa, dù khát vọng tự do dân chủ vẫn sôi sục trong dân chúng.

Với Hội Nghị Thành Đô năm 1990, ĐCSVN đã rắp tâm nhập cảng mô hình Trung Quốc và đi theo sự dẫn dắt của Bắc Kinh, lòe bịp người dân rằng đó là chủ nghĩa xã hội. Trong mấy chục năm gần đây, xã hội Việt Nam ngày càng tỏ rõ là một bản sao thu nhỏ, ở trình độ lạc hậu hơn của xã hội Trung Quốc, gần như Trung Quốc làm chuyện gì thì một thời gian sau Việt Nam cũng làm y chang như vậy ở mức độ kém cỏi hơn.

Quan hệ giữa hai nước Việt-Trung bị thoái hóa thành quan hệ giữa hai đảng cộng sản, với “phương châm 4 tốt, 16 chữ vàng” và “đại cục” mà ĐCSVN thường xuyên tụng niệm như một thứ thần chú. Không nắm được điều này sẽ không thể giải thích được vì sao Hà Nội luôn nhu nhược trước mọi hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, vì sao người Trung Quốc tung hoành ngang dọc trên lãnh thổ Việt Nam, thực hiện đủ loại tội ác mà không hề bị trừng phạt.

Những người lãnh đạo ĐCSVN cố ý giấu người dân rằng mô hình “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc” một thứ vỏ bọc hoa hòe hoa sói che giấu bản chất thật là chủ nghĩa dân tộc Đại Hán mà thứ nọc độc này mâu thuẫn trực tiếp với quyền sống của dân tộc Việt Nam ở mảnh đất phương Nam mà Trung Quốc luôn tìm cách chiếm đoạt hoặc khống chế.

***

Trở lại câu chuyện của ông Phùng Hữu Phú và đường lối của ĐCSVN, có thể nói ngay rằng, con đường của đảng chính là con đường đi theo Trung Quốc, chấp nhận làm một nước chư hầu, một phiên thuộc của chủ nghĩa Đại Hán để duy trì quyền lực và quyền lợi của đảng và của giới đảng viên cao cấp.

Người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, tất nhiên không chấp nhận sự lệ thuộc đó, đã có nhiều người lên tiếng đòi cải cách chính trị, đòi đa nguyên đa đảng, đòi tam quyền phân lập… cho nên ĐCSVN bằng mọi cách phải dập tắt mọi sự phản kháng, dù đó là tiếng hô khẩu hiệu chống Trung Quốc của người trẻ biểu tình trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội, hoặc tiếng góp ý rụt rè của những người đấu tranh dân chủ trên các mạng truyền thông. Họ đồng thời tung hỏa mù, đôi khi giả vờ “yêu nước” nhưng thực chất ý đồ của họ thì không giấu giếm mãi được trong kỷ nguyên thông tin hiện nay.

Những người lãnh đạo ĐCSVN như ông Trọng, ông Phú thừa biết, con đường của đảng là trái với xu thế tiến hóa của thế giới, ngược với vận mệnh dân tộc và sớm muộn cũng sẽ đi vào ngõ cụt nhưng càng bế tắc họ càng giẫy giụa, càng cắn xé nhân dân để mong kéo dài sự tồn tại của đảng, quyền lực và quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm họ. Ở Trung Quốc cũng vậy và ở Việt Nam càng như vậy: Sự theo dõi, đe nẹt, đàn áp người dân ngày càng khốc liệt, chưa biết ở đâu là điểm dừng.

ĐCSVN sắp tổ chức đại hội lần thứ 13. Theo tập quán của nhiều nước, người ta tin số 13 là con số “xui xẻo.” Rải rác trong nước đã có những lời dự báo, đại hội 13 sẽ là cuộc hội cuối cùng của đảng, sau đó nó sẽ bị đào thải. Mong sao đó là sự thực

Hiếu Chân/Người Việt

 

 

 

No comments: