Cô Giáo Miền Nam, Học Trò Miền Bắc
Hơn 30 năm sau, họ mới gặp lại nhau
trên đất Hợp Chủng Quốc. Cô giáo nay đã già. Học trò cũng không còn trẻ nữa. Cô
dĩ nhiên không nhận ra trò, nhưng trò đã nhận ra cô. Và cô giáo Oanh bỗng nhớ
lại tất cả những ngày giờ tai hoạ.
…
– Các đằng ấy ơi, cho tớ chơi với!
Con nhỏ cố nở nụ cười thân thiện nhất
năn nỉ ba đứa bạn khác cùng lớp đang đánh đũa trước sân. Một đứa đang định tung
trái banh lên, bỗng dừng lại, che miệng cười khúc khích.
– Đằng ấy? Hí! Hí!
Đứa kia chanh chua hơn:
– Ậy, tụi “tớ” chơi dở lắm, không dám
chơi với “đằng ấy” đâu.
Cả bọn cùng cười xòa sau câu đùa của
đồng bọn. Đứa thứ ba có vẻ biết điều hơn một chút:
-Tụi tao chơi gần hết bàn rồi, để mai
rồi mày chơi chung nghe.
Con nhỏ buồn rầu quay lại. Nó biết
con kia chỉ nói lấy lệ mà thôi. Ngày mai tụi nó sẽ nói những câu tương tự, hay
cũng kiếm những cớ khác để từ chối không muốn auk h chơi chung. Đây không phải
là lần đầu tôi chứng kiến những đứa học trò trong lớp đồng lõa nhau cô lập Vân.
Nó là đứa học sinh miền Bắc đầu tiên trong lớp tôi của niên khóa 1976/77.
Nhớ lại sau hôm khai giảng niên khóa
mới được hai ngày, tôi đã giật mình lo lắng khi bỗng nhiên bị gọi lên Phòng
Giám Hiệu có chuyện cần! Chuyện gì? Đối với tình hình bây giờ, bị gọi lên văn
phòng riêng rẻ như lúc này là một dấu hiệu không tốt. Nhưng sau khi “tự kiểm
điểm”, tôi thấy mình không phạm điều gì sai nên cũng yên tâm đôi chút.
Mụ hiệu trưởng đón tôi niềm nở hơn
mọi ngày. Thấy tôi đi vào, một người đàn ông trong trang phục bộ đội với cái
nón cối trên bàn ngừng tay vấn thuốc đứng dậy chào. “Đồng chí” Trần Bình, theo
lời giới thiệu, là một cán bộ cao cấp từ Hà Nội đang trong thời gian công tác
dài hạn tại thành phố Sài Gòn. Vân là con gái ông ta. Con bé hôm đó mặc áo bà
ba trắng, quần satin đen, tóc dài và rậm kẹp lại gọn gàng phía sau … Nhìn Vân
lễ phép chào, tôi bỗng nghe bỗng nghe một chút xót xa. Quả là một xưởng đúc
tuyệt vời! Con nhỏ trông không khác chi một cô cán bộ tí hon. Màu sắc duy nhất
trên người con bé là đôi dép rỗ màu vàng nhạt. Đôi dép vẫn còn mới lắm.
Tôi dắt Vân về lớp và xếp ngồi bàn
đầu để có thể dễ dàng “chú ý giúp đỡ” như lời cha nó ân cần nhắn nhủ. Bỏ qua
những gì bên ngoài, nó cũng khá xinh xắn. Gương mặt bầu bĩnh tuy hơi đen, nói
thưa lễ độ. Tuy chán ghét mụ hiệu trưởng đến thậm tệ, không chút cảm tình với
người đàn ông trong bộ quân phục chuyên chính màu xanh ấy, tôi vẫn không thấy
có lý do gì để ghét bỏ Vân.
Nhưng, bốn mươi mấy học sinh trong
lớp tôi lại không nghĩ như vậy. Những ánh mắt kỳ thị ngày càng rõ rệt. Những
mái đầu xanh tụm năm tụm ba xì xầm bàn tán. Tôi nghe rõ một lần chúng gọi Vân
là “con bộ đội”, kháo nhau “coi chừng nó cho mày đi học tập cải tạo đó!” v.v và
vv… Vì thế mà đã gần tháng, con bé vẫn chưa hội nhập vào chúng bạn, mặc dù nó
cũng cố gắng lắm. Tôi tội nghiệp giùm Vân, nhưng cũng không trách được lũ học
trò còn lại. Xã hội và hoàn cảnh đã gieo vào đầu óc lũ trẻ thơ ngây những tư
tưởng nghi kỵ, oán ghét tất cả những người đã trực tiếp, hay có liên hệ đến sự
mất mát trong gia đình chúng. Tôi biết trong lớp có đứa cha là lính Cộng Hòa đã
hy sinh đền nợ nước. Một số khác là con em của sĩ quan hay công chức dưới chế
độ Sài Gòn cũ đang bị đi học tập cải tạo tại một vùng hoang vu nào đó, chưa rõ
ngày về.
Anh Hai tôi là đại úy Biệt Động Quân, cũng khăn gói quả mướp theo lời nửa dụ dỗ
nửa đe dọa của chính quyền nay đã hơn một năm. Tin tức duy nhất nhận được là
vài lá thư gởi về mà địa chỉ là một hòm thư vô nghĩa. Lá thơ theo một khuôn mẫu
nhất định như trăm ngàn cái khác, trấn an và động viên gia đình tham gia lao
động, triệt để thi hành chính sách của nhà nước. Chị dâu tôi mòn mỏi trông chờ.
Quỹ gia đình thu hẹp, chị phải dấn thân ra chợ trời chụp giựt, tráo trở để kiếm
tiền nuôi ba đứa con. Những lúc tôi sang thăm cháu là dịp chị mở bầu tâm sự.
Chị nguyền rủa, oán than không tiếc lời với thời thế đảo diên sâu bọ làm người
… ngay trước bọn nhỏ.
Cha mẹ đã vậy, con cái cũng dễ dàng
ảnh hưởng. Người lớn oán người lớn, thì trẻ con cũng… ghét trẻ con. Dĩ nhiên
những mái đầu thơ chưa đủ trí khôn để hiểu thế nào là độc tài, là đảng trị, là
mất mát tự do … Đầu óc lũ trẻ như những trang giấy trắng mà lớp cha anh đã vô
tình quệt vào một vết đen thù ghét, tị hiềm.
Tôi không ghét Vân như học trò tôi.
Trái lại là khác. Tôi biết nó đang bị cô lập và lạc loài giữa một môi trường xa
lạ. Nhưng mỗi lần nhìn Vân, tôi không khỏi liên tưởng tới mụ hiệu trưởng hợm
hĩnh, lúc nào cũng rình rập các giáo viên. Mụ cũng đi làm bằng áo bà ba trắng,
quần satin đen khuôn mẩu đó, ngồi bắt chân lên ghế salon trong văn phòng say
sưa giảng chủ nghĩa Mác-Lê. Tôi cũng thấy qua con bé, cha nó hôm gặp mặt. Mặc
dù ông ta vẫn lịch sự và nhũn nhặn, tôi cũng không khỏi mang tư tưởng đây là
người đã cướp đi tất cả tự do của toàn miền nam, trong đó có tôi. Không chừng
ông ta đã đối diện với anh tôi trong một trận chiến nào đó.
Vân học thua kém chúng bạn rõ ràng.
Những môn phải học thuộc lòng, con bé tương đối chu toàn một cách chăm chỉ.
Nhưng về toán số thì thật bết bát. Những bài toán đố đơn giản với trình độ học
sinh lớp bốn cũng khiến con bé ngồi cắn bút. Tôi cũng không rõ ngoài Bắc nó đã
học lớp mấy, nên khi lên gặp mụ hiệu trưởng, tưởng là sẽ tìm hiểu thêm trình độ
con bé để xếp lớp cho đúng. Ai ngờ mụ trừng mắt nhìn tôi:
– Chị bảo sao? Vân mà kém toán ư? Vô
lý thật. Nó là học sinh tiên tiến, và xong lớp hai ở Hà Nội rồi. Chị cũng biết
trung học ở miền Bắc ưu việt chỉ 10 năm thôi là đã tương đương với lớp 12 trong
này rồi (mụ hãnh diện). Nếu cứ học ngoài ấy, nó lên lớp ba, là phải bằng… lớp
năm trong này cơ đấy. Tôi xếp nó vào lớp bốn của chị để thử, rồi tính sau…
Mụ ngừng một chút lấy hơi, rồi tiếp:
– Chị có theo đúng chương trình
không? Tôi muốn xem lại giáo án của chị.
Trời ơi lý luận như mụ thật là độc
đáo. Bỏ qua trình độ của hai học sinh tốt nghiệp hệ 10 năm và 12 năm. Nhưng nói
một học sinh lớp hai miền Bắc đã tương đương với lớp bốn trong Nam, thì tôi
cũng đành chịu. Cơn tức giận trào lên, tôi định cãi. Nhưng câu cuối cùng của mụ
làm tôi chột dạ, ngậm bồ hòn nuốt xuống. Nói thêm với người đàn bà này chỉ vô
ích. Không chừng mụ lại ghép cho tôi tội phản động, bài bác chế độ … thì mất
việc. Đối với hoàn cảnh hiện nay, mất việc là không lao động, là kinh tế mới.
Thôi được, mụ là kẻ chiến thắng làm vua, tôi thua phải làm giặc thôi!
*
Chiến tranh đã qua, Nam Bắc một nhà
cùng nhau tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa. Những cái
loa thông tin nhai đi nhai lại một điệp khúc cằn cỗi và trơ trẽn. Chỉ một thời
gian ngắn, toàn miền Nam đã thấm đòn. Người ta bảo nhau trông thấy Văn Vĩ lái
xe Honda dạo mát Sài Gòn! Đi đâu tôi cũng nghe bàn tán về những chuyến đi danh
từ nói: Tàu 3 blocks, máy Yammar đầu xanh, đầu bạc v.v… Chỉ nghe và biết thế
thôi, tôi hiểu mình không có diễm phúc tham dự vì gia đình không đủ khả năng
tài chánh. Nếu có, ba mẹ tôi cũng phải ưu tiên cho hai đứa em trai đang tuổi
sắp đi nghĩa vụ quân sự. Tôi chuẩn bị tinh thần làm cái cột đèn bất đắc dĩ.
Một người bạn tù chung trại vốn là
bác sĩ quân y có chuyên môn nên được thả về trong đợt đầu tiên ghé qua báo tin,
anh Hai tôi đã ra đi vĩnh viễn. Mấy tháng trước, đúng một năm sau ngày tình
nguyện đi học tập cải tạo, anh và một số sĩ quan khác chung cảnh ngộ đã cùng
nhau đòi hỏi ban quản giáo nếu họ có tội gì hãy đưa ra tòa xét xử công bằng.
Tại sao lừa dối họ nói đi học tập có 10 ngày mà nay đã một năm trôi qua, ai
cũng để lại vợ dại con thơ không rõ cuộc sống thế nào, đem thân khổ sai lao
động trên những vùng rừng thiêng nước độc mà ngày về tăm tối mù khơi.
Kết quả nhóm sĩ quan đó bị kết tội
toan tính chống đối nhà nước, biệt giam với những hình phạt khắc nghiệt. Anh
Hai tôi vốn đang bị bệnh, thể chất suy yếu nên không kham nổi, ra đi về miền
vĩnh cửu. Anh mất đã mấy tháng rồi nhưng gia đình, cha mẹ, vợ con hoàn toàn
không hay…
Tôi lãnh nhiệm vụ qua báo tin dữ cho chị Hai, vì người bạn tù chỉ đến nhà ba mẹ
tôi nói vài câu ngắn rồi phải đi ngay. Tối hôm đó, mắt tôi quầng đỏ ấp a ấp úng
không thành lời. Chị vẫn bình tĩnh hỏi chuyện gì đã xẩy ra cho anh Hai? Tôi như
được mở khóa, khóc òa như đứa trẻ, kể lể. Chị ngồi bất động, không một phản
ứng. Nhìn chị, tự nhiên tôi cảm thấy rờn rợn. Người đàn bà trước mặt chỉ hơn
tôi hai tuổi mà như xa cách đến hai mươi năm. Chỉ hai năm trời tảo tần nuôi
con, nuôi chồng, đã tàn phá dung nhan chị đến độ tàn nhẫn. Nay niềm hy vọng
cuối cùng đã tắt. Chị ngồi yên hồi lâu, lẳng lặng đứng dậy bên giường ôm thằng
út lúc đó đang ngủ vùi vào lòng, xua tay ra hiệu cho tôi đi về. Tôi biết mình
không thể nói được điều gì thêm. Tất cả những lời an ủi hay khuyên nhủ lúc này
chỉ là vô nghĩa. Bước ra cửa, tôi quay lại nhìn và thấy giọt nước mắt đầu tiên
của chị rơi trên mặt thằng bé.
*
Hòa bình rồi mà súng vẫn nổ trên khắp
mọi miền. Đâu đó vẫn còn có kẻ ngã gục, còn tù tội, chống đối. Suốt hai mươi
năm nội chiến, gia đình tôi đã may mắn toàn vẹn. Anh Hai tôi là người duy nhất
trong gia đình chính thức cầm súng chiến đấu, nhưng đã trở về với mái ấm gia
đình sau lời kêu gọi đầu hàng của cấp lãnh đạo từ tháng tư năm ấy. Nay anh đã
nằm xuống, hy sinh trong muộn màng và tức tưởi. Sự ra đi của anh đã tác động
vào tâm lý tôi mãnh liệt.
Ngày Sài Gòn hoàn toàn rơi vào tay
Cộng Sản, gia đình tôi cũng như tất cả người miền nam dù biết là tương lai bất
định, nhưng dù sao cũng còn niềm hy vọng mong manh: hòa bình. Cộng sản hay quốc
gia, cũng là người Việt. Giải đất này từ bắc chí nam đã rách nát sau bao năm
chịu đựng bom đạn. Đã đến lúc mọi người dẹp hết hận thù, chủ nghĩa, để cùng
nhau hàn gắn.
Mọi hy vọng chỉ là cái bánh vẽ to
tướng. Dân miền Nam thấm đòn. Đã muộn rồi. Mỹ đã cút và Ngụy cũng đã nhào.
Chính phủ mới nắm chặt bao tử người dân qua chính sách hộ khẩu. Hàng ngũ công
an dày đặc khắp phố phường làm dân chúng hết đường cục cựa, chỉ còn âm thầm
chịu đựng và… nguyền rủa.
Đến bây giờ tôi mới biết thế nào là
căm hờn. Thời gian qua, tôi cũng như bao người khác, chán chường một cách thụ
động. Nhưng ngoài những mất mát chung, chế độ cũng chưa đụng chạm gì đến gia
đình tôi. Nhìn chung quanh, những gia đình với nhiều bất hạnh; những người mất
nhà mất cửa từ vùng kinh tế mới trở về thành phố lang thang đói khát không hiện
tại không tương lai.. tôi đã thấy thỏa mãn vì hoàn cảnh mình cũng còn sáng sủa
hơn bao người khác.
Tôi đã lầm. Sự yên ổn hiện tại của
mình chỉ là tạm thời. Chế độ sẽ không chừa một ai khi thời gian cho phép. Cái
chết của anh Hai tôi là phát súng khai hỏa đầu tiên. Tôi căm hờn nhìn những cái
nón cối, đôi dép râu, khẩu súng AK … những thứ tiểu biểu tượng trưng cho chế
độ.
Vân đập vào mắt tôi mỗi ngày qua cách ăn mặc và cái giọng Bắc Kỳ chua chua của
nó. Ôi đối tôi, con nhỏ này đã được nhào nặn từ lúc mới sinh ra. Đầu óc nó chắc
chứa đầy những …Bác, và đương nhiên khi lớn lên sẽ sẵn sàng chết cho Đảng. Trời
ơi, nó sẽ là một con nhỏ cộng-sản!
Trước kia tôi còn thông cảm, giúp đỡ Vân, nay tôi lại ngấm ngầm khoái trá nhìn
học trò cô lập “con bộ đội” này (?). Tôi biết mình đã nhỏ mọn và sai lầm khi tự
nhiên ghét bỏ Vân, nhưng cái chết của anh tôi như đám mây đen kịt che khuất mọi
suy nghĩ công bằng mà một người lớn, có học như tôi phải nhận rõ.
Có lẽ Vân cũng thấy sự thay đổi và
thắc mắc lắm. Người duy nhất trong lớp đối xử tốt với nó đã về hùa với đám đông
để nó một mình. Vân càng mặc cảm hơn khi biết mình thua kém bạn bè trong các
môn học. Đôi khi nhìn con bé ở lại trong lớp lơ đãng nhìn các đứa khác chơi đùa
ngoài sân trong giờ giải lao, tôi cảm thấy tội nghiệp. Nhưng rồi hình ảnh anh
tôi ngã gục nơi trại cải tạo nổi lên, tôi lại ghét nó thêm.
*
auk hi vào lớp độ nửa tiếng, tôi được
gọi lên Phòng Giám Hiệu. Thôi chết! Hậu quả đã đến như tôi lo sợ, nhất là hôm
nay Vân vắng mặt.
Sự việc bắt đầu từ tuần trước, khi
trong giờ sinh hoạt tôi chọn bài hát “Đêm Qua Em Mơ Gặp Bác Hồ” cho cả lớp cùng
ca. Thay vì câu “râu bác dài tóc bác bạc phơ”, hai ba cái miệng từ cuối lớp gào
lên “chân bác dài, bác đạp xích lô” tôi thấy Vân quay lại nhìn thằng Tùng to
giọng nhất. Thằng nhỏ không biết tai họa sắp tới, còn làm mặt xấu chọc Vân. Tôi
làm ngơ, vội vàng chấm dứt ngay giờ sinh hoạt và để ý Vân. Nhưng con nhỏ không
để lộ nét gì khác hơn ra ngoài mặt.
Một tuần qua, tôi hồi hộp sợ Vân lên
báo cáo mụ hiệu trưởng. Thằng Tùng chắc chắn bị đuổi học vì tội phản động. Ba
mẹ nó ở nhà dĩ nhiên gánh lấy hậu quả. Và tôi cũng bị rắc rối to, nhất là đã lơ
qua không xét đến.
Khi lên tới Phòng Giám Hiệu và nhìn
vào, tim tôi chùng xuống vì thấy Vân lấp ló trong đó. Niềm lo âu đã thành sự
thật! Không còn đường tháo lui, đành đẩy cửa bước vô. Tôi ngạc nhiên vì người
đứng dậy chào không phải mụ hiệu trưởng đáng ghét. Người đàn ông là cha của
Vân. Ông ta vẫn trong bộ quân phục màu xanh, cái nón cối để bên cạnh như lần
đầu gặp gỡ cách đây mấy tháng. Hắn đến đây để bắt tôi ư? Câu hát giễu vô ý thức
của một đứa trẻ có thể đưa đến kết quả nghiêm trọng như vậy sao? Tôi thực sự lo
sợ.
Cha của Vân không đi ngay vào vấn đề
như tôi nghĩ. Ông ta quanh co hỏi thăm tình hình nhà trường học sinh… đủ mọi
chuyện. Đôi khi đi vào chuyện cá nhân riêng tôi nữa. Hắn muốn gì đây? Định giở
trò mèo vờn chuột ư? Tự ái sùng sục nổi dậy đẩy lui niềm lo sợ lúc ban đầu. Tôi
thấy mình đang đối diện với một kẻ thù xảo trá. Hắn đã chiến thắng chúng tôi
bằng vũ lực, và nay đang muốn đánh gục tôi bằng tâm lý.Tôi ngang nhiên đối đáp
với tất cả niềm ấm ức bấy lâu chất chứa về phương pháp giảng dạy, chương trình,
giáo án v.v… và nhất là nhấn mạnh về trường hợp Vân không thể theo nổi các bạn
cùng lớp khác. Hắn kiên nhẫn nghe, thỉnh thoảng gật gù. Tôi hăng say bày tỏ tư
tưởng không chút e ngại. Tôi cảm thấy sung sướng. Ít ra tôi cũng một lần hiên
ngang đối diện với hoàn cảnh.
Khi tôi ngưng nói, người đàn ông nhìn
tôi thật lâu, và chậm rãi:
– Cám ơn cô đã cho biết những điều
vừa rồi. Quả thực tôi chưa bao giờ nghĩ đến … Dù sao, tôi đến đây hôm nay là để
cùng cháu Vân từ giã cô. Tuần tới tôi trở ra công tác tại Hà Nội và Vân sẽ theo
tôi ra ngoài ấy.
Câu nói thật bất ngờ làm tôi không
tin ở tai mình. Ông ta và Vân gọi tôi lên đây để từ giã, không phải để bắt mình
ư? Tôi quay sang nhìn Vân và nghe nó nói:
– Thưa cô, em xin chào cô.
Sự việc xẩy ra làm tôi hơi lúng túng.
Thì ra Vân không báo cáo gì về vụ thằng Tùng. Bỗng dưng tôi thấy hổ thẹn. Mình
đã ngờ oan, lại thêm đối xử không đẹp với Vân gần tháng qua. Tôi cảm thấy cay
cay ở mắt. Bỗng nhiên cái nón cối không còn nằm trên đầu của Vân nữa. Đôi dép
râu cũng trở lại nguyên hình đôi dép ny-lông màu vàng nhạt. Trước mặt tôi là
một học trò thơ ngây như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhân chi sơ, tính bản thiện.
Trong đầu óc của Vân có thể chứa đầy bác và đảng, đoàn và đội, nhưng tất cả
cũng chỉ vì nó lỡ sinh ra và lớn lên trong xã hội, trong một chế độ như vậy.
Hay đúng ra, Vân cũng như bao kẻ khác, là nạn nhân của chính sách “Vì lợi ích
mười năm trồng cây; vì lợi ích trăm năm trồng người” mà thôi.
Lần đầu tiên sau cái chết của anh
Hai, tôi trở về với bản ngã vô tư của mình. Đành rằng chế độ có nghiệt ngã, đó
là chuyện người lớn. Trẻ thơ ở đâu cũng chỉ là những trang giấy trắng. Nếu tôi
không thể tô xanh điểm hồng trên những trang giấy ấy, thì ít nhứt cũng không có
quyền bôi lọ bằng những giọt mực đen.
Vân đứng khép nép ở góc phòng, sau
lưng cha nó, ngượng nghịu cúi gầm mặt, thỉnh thoảng len lén nhìn tôi. Năm năm
trời làm nghề giáo, trường hợp học trò nghỉ học giữa niên khóa là chuyện đã xẩy
ra. Những lần ấy, tôi thường cảm động nắm tay chúng để nhắn nhủ, cầu chúc em
những lời sau cùng. Nhìn đứa học trò bé dại vì hoàn cảnh phải rời ghế nhà
trường, tôi thường bâng khuâng khi nghĩ rằng trong lớp từ đây sẽ thiếu vắng một
bóng dáng quen thuộc, giọng nói ngây thơ. Nhưng tôi cũng cảm thấy tâm hồn yên
ổn vì những ngày tháng qua đã hết lòng thương yêu, dạy dỗ chúng. Đối với Vân
lúc này, tôi thấy có sự thiếu sót, một món nợ ân tình với con bé. Tôi muốn chạy
lại ôm Vân vào lòng, quên đi tất cả những hận thù, bom đạn, chủ nghĩa…, tất cả
những gì đã chia cách hai chúng tôi.
Cha của Vân nhìn đồng hồ và đứng dậy:
– Đến giờ chúng tôi phải lên đường.
Xin chào cô.
Ông ta bắt tay tôi từ giã. Vân lẳng
lặng theo sau, nó lí nhí:
– Thưa cô em đi.
Cổ tôi nghèn nghẹn, muốn nói vài lời,
nhưng không thốt lên được, chỉ gật đầu.
Ra tới cửa, ba của Vân dừng lại, hơi
đắn đo một chút rồi nói:
– Tôi muốn thành thực khuyên cô một
điều. Những gì cô vừa nói với tôi, đừng nói thế với ai cả. Không thay đổi gì
được đâu. Với thời thế bây giờ, cô cũng biết…
Ông bỏ dở câu nói. Tôi gật đầu hiểu
ý, và nhìn hai cha con bước mau trên sân trường đầy nắng.*
Món nợ ân tình của cô giáo Oanh, nhân
vật xưng “tôi” từ đầu câu chuyện với cô bé Vân đó, đến hơn ba mươi năm sau mới
được trả, trên mảnh đất tự do có tên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này.
Cô học trò từ miền Bắc Xã Hội Chủ
Nghĩa đi lao động xuất khẩu tại Cộng Hoà Dân Chủ Đức. Năm 1989, khi bức tường
Bá Linh sụp đổ, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Âu, Vân
đã mau mắn xin ở lại xin tị nạn với nước Đức tự do nhân ái, không về Việt Nam
nữa. Ba năm sau, cô gặp một người Việt du lịch từ Hoa Kỳ sang, kết hôn, và di
dân theo chồng về Mỹ. Cô đang làm phụ tá văn phòng cho một bác sĩ Việt Nam ở
Cali.
Cô giáo Oanh ở lại Sài Gòn một thời
gian, cùng chồng là một sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa từng bị đi học tập
cải tạo. Hai vợ chồng và gia đình được chương trình HO đưa sang định cư tại
Cali 1991.
Cô nay đã già, hồi hưu, và đi khám
bác sĩ.
Hai người gặp lại nhau tại phòng mạch.
Cô dĩ nhiên không nhận ra trưò, nhưng trò đã nhận ra cô. Hai cô trò đã ôm nhau
mừng mừng tủi tủi sau hơn ba mươi năm xa cách.
Còn ông cán bộ Trần Bình?
Vân ngậm ngùi cho hay cha của cô đã
tử trận trong cuộc chiến biên giới 1979 với Trung Cộng. Mẹ của Vân đã dùng tất
cả tài sản dành dụm được chạy chọt cho Vân đi lao động sang Đông Đức, dặn dò
con gái tìm cơ hội đi luôn, nếu có thời cơ hãy đào thoát về miền tự do, đừng
bao giờ trở lại Việt Nam nữa.
Vân đã thành công. Cô đã là một công
dân Mỹ. Các con của Vân đều được sinh ra trên đất nước tự do này.
Về phần tôi, tác giả bài viết, may
mắn được cô giáo Oanh kể lại mối duyên gặp gỡ với cô học trò tên Vân.
Cô giáo Oanh đó, là chị của tôi.
TháiNC
304Đen – Llttm - tvvn
No comments:
Post a Comment