Thursday, December 3, 2020

Dọc Đường Quảng Trị - Ngọc Thủy

 Dọc Ðường Quảng Trị

 





Phò Trạch – Phong Ðiền
những người chiến sĩ, trên sông núi
hồn xác giờ đâu? đang ở đâu?
có thể đã tan cùng cát bụi?
hay là đang quyện gió mây đây?
(n.t.)

 

Ra khỏi thành phố Huế là con đường dài ngút mắt màu xanh của đồng ruộng núi non. Con đường quốc lộ I thênh thang đã từng ôm dấu chân những người lính chiến, chuyên chở bao linh hồn đã khuất từ chiến cuộc hôm qua. Lòng tôi bỗng dưng nao nao hồi hộp như nghe có tiếng ai gọi bên đường, nhưng nhìn quanh quất chỉ thấy cát bụi đang cuốn vồng sau lưng, phía trước là dãy Trường Sơn nhập nhòa màu lam tím thẫm xa xa. Tầm mắt tôi đi qua những khu vườn cây lá đang đứng lặng buồn cùng đất nghèo sỏi đá với vẻ hiền hòa an phận. Hóa ra con đường này dẫn đến Quảng Trị, một nơi tôi chưa từng đặt chân đến bao giờ nhưng vẫn thấy rất gần gũi thân quen với những địa danh, bởi nơi đây từng là địa đầu hỏa tuyến với những trận đánh ác liệt để đương đầu chặn đứng cuộc xâm lăng của Cộng quân Bắc Việt cách đây hơn ba mươi năm về trước. Lúc ấy tôi còn nhỏ, được sống an lành nơi thành phố Sài Gòn. Vòng đai an ninh được che chắn bảo bọc bằng sự chiến đấu và hy sinh dũng cảm của những người lính Quốc Gia miền Nam. Tôi không được biết gì nhiều về chiến cuộc thời gian lửa đạn đó, nhưng tôi có nghe qua để thuộc nhớ và yêu quý những cái tên Ðông Hà-Quảng Trị-Thừa Thiên-Ái Tử-La Vang-Mỹ Chánh-Cam Lộ-Gio Linh… với biết bao sự khốc liệt, oai hùng mà tôi cảm thấy rất xúc động và hãnh diện về những địa danh ghi lại những chiến công lừng lẫy ấy như tôi từng hãnh diện tự hào về những bài Quốc sử thời Lý-Trần-Lê-Nguyễn…có những trận Bạch Ðằng-Ðống Ða-Mê Linh-Vân Ðồn-Chi Lăng-Nhật Tảo-Ba Ðình…

Từ Huế ra Quảng Trị theo dọc đường quốc lộ I năm xưa cũng đã ghi lại những trận đánh hào hùng của Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa như: Hạ Lào-Lam Sơn, A Lưới-Khe Sanh, Cổ Thành Quảng Trị, A Shau, Mỹ Chánh-Hải Lăng…

Mắt tôi vừa chạm đến hai chữ Phong Ðiền khi xe vừa tiến vào thị xã này, tôi liền nhớ ngay đến câu chuyện Một Thời Ðể Nhớ mà tôi đã viết về trận phản phục kích lẫy lừng của Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên Thủy Quân Lục Chiến đã xẩy ra ở cầu Phò Trạch năm 1966.

Trên xe, ngoài một số người đang ngắm cảnh hai bên đường như tôi, một số đang ngủ gà ngủ gật vì sáng thức sớm để khởi hành nhanh, trong đó có Vũ là người hướng dẫn viên cho đoàn. Tôi vội đứng dậy, đi xuống cuối lòng xe lay lay Vũ, anh chàng bừng mắt dậy ngơ ngác, tôi liền hỏi: Vũ ơi, đoạn đường này có đi ngang qua cầu Phò Trạch không vậy? Vũ nhíu mày suy nghĩ: Ơ… Vũ cũng không biết, chị Thủy có cần gì không? Tôi nói mau: Nếu có đi ngang qua cầu Phò Trạch, Vũ vui lòng ngừng xe cho chị xuống để chụp ở đó một tấm hình. Chị cần chuyện đó, em giúp được không? Vũ suy nghĩ vài giây rồi trả lời: Ðược chứ, Vũ sẽ nói anh Thành ngừng lại chỗ nào chị muốn xuống. Chị đã có sẵn máy chụp hình chưa? Như cái máy, tôi bước lên vài hàng ghế, chỗ anh chị Phương-Nhẫn ngồi, hỏi ngay: Một lát nữa, xe ngừng, anh Phương có thể chụp giúp hộ tôi mấy tấm hình được không? Những người bạn đồng hành của tôi sốt sắng nhận lời ngay khiến tôi mừng quá vì không ngờ hôm nay lại có dịp đi ngang những nơi chốn mình đã từng viết qua nhưng thực sự chưa lần nào được đặt chân tới bao giờ. Tôi vội vàng đi nhanh lên hàng ghế trên, ngồi sau lưng Thành, người tài xế trẻ tuổi lúc nào cũng sẵn nụ cười hiền lành trên môi. Vừa chăm chú theo dõi hai bên đường vì thực sự, cả tôi lẫn Thành đều không ai biết cầu Phò Trạch nằm ở đâu, có trên đoạn đường sắp đi tới hay không, vừa chuyện trò mưa nắng với Phi Nga, người bạn ở Pháp về kinh đô ánh sáng Ba Lê.

Quận lỵ Phong Ðiền khá rộng với nhiều ấp xã, thôn Ðại Lược, làng Ðồng Xuyên, Mỹ Xá…. Những lũy tre xanh vươn mình trong nắng vẫn không che giấu được vẻ cằn khô của miền Trung nắng cháy, khó nghèo dù có phá Tam Giang chảy xiết dòng nước đổ dài từ bờ biển phía Ðông. Tôi phóng tầm mắt qua bên kia dòng phá Tam Giang, nhớ tới những câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên mà mường tượng đến bước quân hành của những người lính chiến đã từng gian khổ nơi đây:

chiếc trực thăng bay là mặt nước
như cơn mộng nhanh
phá Tam Giang, phá Tam Giang
bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát
cát hôn mê, nước miệt mài trôi
ngó xuống cảm thương người lỡ bước
trời nước mênh mông, thân nhỏ nhoi
phá Tam giang, phá Tam Giang
nhớ câu ca dao sầu vạn cổ:
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn!
(Tô Thùy Yên)

 

Xe chạy bon bon trên đường trường quốc lộ. Qua nhiều xóm làng, kênh rạch, cánh đồng xanh cùng những bãi cát dài trơ trụi. Ðây rồi, cây cầu dài phía trước có lẽ là cầu Phò Trạch. Tôi khẽ đập vai Thành: Thành ơi, xem kỹ có phải cây cầu này là Phò Trạch thì ngừng cho tôi xuống nhé. Tới gần, tấm biển xanh lớn kẻ chữ trắng nổi: Cầu Phò Trạch. Lý Trình KM 794+394. Chiều Dài: 124.8m. Chiều Rộng: 12m. Xe ngừng lại ngay đầu cầu. Tôi gọi anh Phương nhờ đem máy hình theo rồi nhẩy xuống xe vì biết tất cả các loại xe không được phép ngừng nơi đây nên phải vội vàng. Tôi đưa mắt ngó quanh. Ðây là chiếc cầu đúc mới, được xây ngoài mặt lộ sau này. Còn chiếc cầu sắt cũ phía trong, nơi Tiểu Ðoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến Trâu Ðiên bị Việt Cộng phục kích với một lực lượng và kế hoạch quy mô gồm một Tiểu đoàn 800 chính quy cùng du kích địa phương thuộc đơn vị H99 trang bị nhiều vũ khí đại bác, đại liên, súng cối v.v… bố trí dài 3 cây số, mai phục sẵn hai bên đường từ nửa đêm trước vì biết tin Tiểu Ðoàn 2 TQLC sẽ khởi hành từ Huế ra tăng phái cho Sư Ðoàn I Bộ Binh ngoài Quảng Trị-Ðông Hà vào rạng sáng ngày 29 Tháng Sáu, 1966. Thế là tôi cũng từ Huế vượt qua ba mươi cây số trên dọc đường số I để đến được nơi xẩy ra trận đánh kinh hoàng nhưng cũng thật lẫy lừng ngay bên cầu Phò Trạch cách đây đúng ba mươi tám năm, cũng vào một buổi sáng đầy ánh nắng vàng tươi như hôm nay. Thật không ngờ, với những cảm xúc đang dâng cao đến nghẹn ngào trong tôi. Cách hai năm về trước cũng vào khoảng thời gian này, tôi bắt đầu đặt bút viết nên câu chuyện tưởng nhớ về vị Tiểu Ðoàn Trưởng TÐ 2 TQLC Lê Hằng Minh đã anh dũng hy sinh tại nơi này (29/6/66). Giờ đây trước mặt tôi, chiếc cầu sắt cũ kỹ rỉ sét nằm chơ vơ bên con rạch nhỏ, không người, xe qua lại từ nhiều năm qua.

Lặng lẽ âm thầm. Nhưng đó là dấu tích đã ghi lại chiến công cùng những cái chết oai hùng mà thời gian không bôi xóa được. Cảnh vật còn nguyên như đang sống dậy từng phút giây hùng tráng. Lùm cây cổ thụ cao che bóng mát bên đường cũng đã thấm bao dòng máu đổ. Không biết ngày đó chú Minh đã ngã xuống bởi viên đạn xé nát lồng ngực nằm ở đoạn đường nào. Chắc chú chẳng ngờ, có một đứa bé chú gặp lúc tám tuổi nay đã lớn lên với gần bốn mươi năm sau, đang đứng đây tìm lại hình ảnh chú hiên ngang chiến đấu cùng quân giặc năm nào. Trong một thoáng ngắn, những hình ảnh tôi đã dựa vào các lời kể của những người trong cuộc hoặc liên quan, tài liệu báo chí để viết dựng lại những diễn tiến trận đánh trong câu truyện ‘Một Thời Ðể Nhớ’ chợt hiện lên rõ từng chi tiết. Kìa, đường rầy xe lửa phía bên kia, nơi giặc chờ sẵn để phục kích, đoàn xe của Tiểu Ðoàn Trâu Ðiên vừa tới, đạn từ trong bắn ra xối xả như tên. Nhưng vị tiểu đoàn trưởng TÐ 2 đã cùng với các đồng đội chiến hữu không hề nao núng, quyết tiến xung phong, hàng hàng lớp lớp như vũ bão, người và đạn phản công lại chớp nhoáng như gươm bay. Quân địch rơi rụng thảm thương, vội chém vè chạy lui về phía núi Cận Sơn. Nhưng các lực lượng TQLC Mỹ, Thiết Giáp và Tiểu Ðoàn 5 Nhẩy Dù đã kịp thời truy quét sạch. Dãy đồi trọc phơi mình trước mắt tôi, hóa ra cũng có lúc là sự thật để đối diện thật gần. Ai đi ngang đoạn đường này có còn nhớ và biết chăng, vùng đất xám hoang vu kia đã từng thấm trộn bao xương máu của những người chiến sĩ đã đổ xuống cho quê hương dân tộc được tự do yên vui.

Dòng nước dưới chân cầu vẫn lặng lờ trôi chảy. Cảnh bỗng trở nên buồn hiu hắt trước ánh nắng soi chiếu quá tỏ tường lên mảnh đất nghèo cằn khô chưa đủ sức nuôi dưỡng ruộng đồng tươi tốt phì nhiêu.

Gió im lìm không lay động nổi hàng cây rung tiếng lá. Nhưng sao lòng tôi quá đỗi xao động, bàng hoàng. Tôi ngó tới ngó lui, mắt muốn thâu nhìn tất cả. Nhưng rồi cũng phải bước nhanh lên xe, sợ mọi người phải chờ lâu dù biết tất cả đều kiên nhẫn dành cho tôi nhiều thông cảm.

Thôi từ biệt những người chiến sĩ đã ở lại nơi này năm xưa. Ðất thiêng sẽ giữ lại hồn linh các vị để sớm có một ngày cùng muôn dân nước Việt dựng lại lá cờ Tổ Quốc thân yêu rạng rỡ bay trong ánh nắng huy hoàng tự do.

Lòng dấy lên bao cảm xúc đến nghẹn ngào, tôi nhớ đến những câu thơ đã viết tặng vị tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 2 Trâu Ðiên TQLC cùng những vị anh hùng đã hy sinh tuổi trẻ cùng xương máu cho xứ sở Việt Nam:

xin rót xuống đây lòng biển cả
lòng người chan chứa một niềm tin
rằng mai đất nước mình tươi thắm
Huế dựng uy nghi một tượng đài
trong khói nhang thơm trùm quá khứ
bao người Vị Quốc đã Vong Thân!
(n.t.)

 

Ngọc Thủy

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/ccb-chuyen-ke-ve-mot-chien-si-anh-hung-cua-qlvnch-trung-ta-le-hang-minh/

 

 

No comments: