Một thời
mê sách
Sau khi Sài Gòn bị đổi chủ, ngoài
chính sách kinh tế mới, bắt học tập cải tạo, đánh tư sản, người dân Miền Nam
còn chịu nỗi đau buồn khác: là phải đốt bỏ những sách báo phim ảnh “văn hoá đồi
truỵ, tàn dư của Mỹ Nguỵ”. Nên khi tôi vừa mới lớn, biết đam mê đọc sách
thì không có nhiều sách để đọc. Cũng may, nhờ những người còn giữ lại sách mà
chúng tôi đã có một thời say sưa với niềm vui đi mượn sách, đổi sách.
Tôi và nhỏ bạn thân cùng xóm, đã có
những tháng ngày không quên, gia nhập vào đội quân đi lùng sách. Hễ nghe đồn ai
có sách gì, chúng tôi tìm đến, nếu mình có sách thì thương lượng “đổi truyện”,
đôi bên cùng có lợi, sau vài ngày đọc xong thì trả lại. Còn kiểu khác, là khi
chúng tôi không có sách để đổi, thì đành phải làm… mặt buồn, năn nỉ ỉ ôi, để
được mượn sách. Trong trường hợp này, người cho mượn thường dễ mủi lòng, nhưng
khắt khe, yêu cầu phải đọc nhanh để họ còn cho người khác mượn. Ðôi khi, chúng
tôi còn liều lĩnh, đem cuốn sách đang đổi hay đang mượn để… đổi tiếp với người
khác. Mỗi lần như thế, chúng tôi rất căng thẳng hồi hộp, không phải vì phải đọc
gấp gáp hơn thường lệ, mà sợ bị phát hiện “bắt cá hai tay” thì coi như… “uy
tín” bấy lâu gầy dựng sẽ tan theo mây khói!
Lắm hôm chúng tôi còn phải chịu khổ
sở, “dầm mưa dãi nắng” mới mang được sách về nhà. Trời nắng thì không sao, chớ
khi mưa đổ, chúng tôi phải nhét sách vào dưới áo, cưng như cưng trứng hứng như
hứng hoa. Chúng tôi ướt cả người thì không sao, miễn che được sách, chạy hối hả
về nhà, sách lỡ bị ướt chút đỉnh thì ngồi hong khô từng trang, rồi mới dám đọc.
Vì hiếm hoi, không có sự lựa chọn,
tôi đã đọc tất cả các sách mượn được, từ các cuốn Tuổi Hoa, những câu chuyện dễ
thương với những hình bìa xinh xắn qua nét vẽ ViVi, sách Tự Lực Văn Ðoàn, cho
đến sách “sến sẩm” Quỳnh Giao, những chuyện tình đẫm nước mắt dở dang, và cả
những cuốn rất “nặng ký” so với lứa tuổi học sinh mới lớn: Vĩnh Biệt Tình Em
(Doctor Zhivago), Một Thời Ðể Yêu Một Thời Ðể Chết, Gió Ðông Gió Tây, Vũ Ðiệu
Trong Bóng Mờ, Túp Lều Của Chú Tom, thậm chí loại sách khô khan như “Quẳng Gánh
Lo Ði” của Nguyễn Hiến Lê, tôi cũng đọc luôn (có chữ là đọc à!).
Nhớ lần cùng chị hàng xóm đạp
xe giữa trưa nắng, vòng vo các con hẻm quanh co, mượn được hai tập Cuốn
Theo Chiều Gió. Chị ấy lớn hơn tôi tám tuổi, vì thế chị phải “hy sinh”
đọc…ngược, là đọc cuốn hai trước để cho tôi đọc cuốn một, sau khi tôi đọc xong
thì đổi lại cho chị ấy đọc cuốn một. Chiều nào tôi cũng cơm nước vội vàng, rồi
bắc ghế ra sân dưới giàn hoa giấy, sung sướng nuốt từng con chữ, đêm đêm còn mơ
màng nhớ Scarlett, Ashley, Rhett Butler và trang trại Tara ở Atlanta, mong đến
hôm sau ngủ dậy đọc tiếp.
o O o
Trong nhà tôi lúc ấy, các anh chị lớn
cũng còn lưu giữ lại một số sách báo cũ, tôi nhớ nhất cuốn “Việt Nam Thi Nhân
Tiền Chiến” và “Con Nai Tơ”.
Nếu như các cuốn sách khác tôi phải
đọc vội vàng, thì cuốn “Con Nai Tơ” là sách ở nhà nên tôi được thong thả nghiền
ngẫm, và nó mang đến cho tôi một khung trời đẹp như tranh, hạnh phúc bình yên
trong một khu rừng nước Mỹ, có vài gia đình với cuộc sống thiên nhiên bốn mùa
hấp dẫn. Nhân vật chính là Cu Tý, sống với ba và má. Ba nó trong một buổi đi
săn đã mang về một con nai tơ (con nai mẹ đã chết vì cứu mạng ba Cu Tý). Rất
nhiều chi tiết trong cuốn sách thật tuyệt vời, tôi không nhớ hết vì đã quá lâu,
chỉ nhớ cảm giác đã từng khóc, thương cả con nai và Cu Tý. Trong truyện còn có
gia đình nhà Phó Lém siêu quậy. Cảm phục thay dịch giả đã chọn cái tên quá hay
cho gia đình này!
Anh tôi rất quý cuốn Con
Nai Tơ, bìa đã sờn cũ, anh dán băng keo cẩn thận. Khi đưa tôi đọc, anh dặn,
không được đem vào mùng đọc rồi ngủ quên sẽ làm rách sách, nên tôi nghe lời,
đọc xong bỏ dưới chiếu thẳng thớm mới dám ngủ.
Rồi anh T, bạn của anh tôi xin
mượn cuốn sách vì nghe anh tôi và bạn bè nói nhiều về Con Nai Tơ. Anh
ta học hành tàm tạm, anh tôi đậu đại học thì anh ta rớt, anh tôi chơi đàn
guitar trong ban nhạc của phường thì anh ta thuộc loại “anh ca không hay, anh
đàn nghe cũng dở”, nhưng anh ta là người “cơ hội trở cờ”, té nước theo mưa kiếm
lợi cho bản thân. Nể tình bạn cùng xóm, anh tôi không thể từ chối chuyện cho
mượn sách. Khổ nỗi, nhà anh ta buôn bán lộn xộn, cuộc sống không nề nếp, muốn
tìm một cây viết một cuốn vở trong nhà đó cũng khó. Và thế là anh ta làm
mất Con Nai Tơ. Mấy anh chị tôi vừa tiếc vừa giận, nhưng đâu
thể nào bắt đền anh ta. Còn tôi sau này hễ nhìn thấy anh ta gái gú nhậu nhẹt,
đi làm thì thượng đội hạ đạp để tiến thân, tôi lại… nổi cơn xót xa cho Con
Nai Tơ đã từng nằm trong tay của anh ta!
Tự dưng tôi nhớ khi còn ở trại tỵ
nạn, mỗi tối đến giờ giới nghiêm, tôi và cô bạn chui vào mùng mở máy cassette
(loại nhỏ nghe bằng batteries), nghe băng nhạc Thái Thanh, càng về khuya nghe
càng chơi vơi, thấm thía. Có lần chú kia ở sát vách thì thào vọng qua:
– Cô Loan ơi, cô làm ơn mở lớn chút
xíu để tôi nghe rõ cô Thái Thanh ca, được không?
– Ủa, chú cũng mê Thái Thanh hả, hồi
nào giờ con đâu biết nà!
– Chẳng giấu gì cô, tôi vốn mắc chứng
…mất ngủ, mà giọng hát cô Thái Thanh lại làm tôi dễ…buồn ngủ!
Thà rằng cứ nói thật như chú này, tôi
chẳng tiếc gì mở Thái Thanh cho chú ấy nghe ké, bên này chúng tôi thả hồn theo
lời ca tiếng nhạc, bên kia vách chú ấy chữa được bệnh mất ngủ, cũng tốt mà!
Ðằng này, anh ta mượn sách để “theo phong trào” hoặc “thích thể hiện”, thì chỉ
làm hư bột hỏng đường.
Những năm sau, chính quyền cộng sản
Việt Nam bắt đầu nới lỏng với văn hoá văn nghệ, (vì họ biết rằng càng cấm dân
càng mê, như nhạc Vàng nhạc Bolero uýnh hoài không chết), một số hiệu
sách cho thuê rải rác mọc lên. Tôi cũng có hai địa chỉ quen thuộc ở Ngã Năm Gò
Vấp và Ngã Tư Bình Hoà gần chợ Bà Chiểu. Ðến đây cũng vui lắm, chủ tiệm chỉ bày
ra một số sách cũ thời trước 1975 và cả sách sau này, kể các sách dịch, tôn
giáo, triết học, nói chung là đủ thể loại. Nhưng nếu khách quen muốn hỏi một
vài tựa sách hiếm quý, “quốc cấm” như Mùa Hè Ðỏ Lửa của Phan Nhật Nam, Dải Khăn
Sô Cho Huế của Nhã Ca hay sách Doãn Quốc Sỹ, Lệ Hằng… thì chủ nhà vẫn có thể
lên gác tìm ra hoặc hứa sẽ liên hệ với những nguồn “bí mật” và hẹn khách trở
lại vào ngày khác.
Bảo Huân
o O o
Bao nhiêu năm đã trôi qua, thời đại
công nghệ bùng nổ, chúng ta có thể tìm đọc bất cứ loại sách nào trên internet,
thư viện mạng, ebooks…nhưng tôi vẫn có một tủ sách trong nhà. Ðó là những cuốn
sách mà bạn bè bên Việt Nam thỉnh thoảng gửi tặng vào những dịp lễ Tết, sinh
nhật. Cũng có nhiều cuốn tôi mua mỗi khi qua Nam California, nhà sách Tự Lực.
Tôi vẫn ngắm tủ sách của mình, rồi lấy ra từng cuốn, nhìn bìa sách là nhớ mình
đã mua khi nào và nhớ cả nội dung: bộ sách Xuân Vũ kể chuyện vượt Trường Sơn,
bà già trầu Hồ Trường An với chuyện Nam kỳ dông dài lê thê mà dzui hết biết,
Vĩnh Hảo thầy cựu tu sĩ bàng bạc những mẩu chuyện Phật Giáo vương vấn bụi trần,
tạp chí Hợp Lưu, tạp chí Văn Bút…
Và chẳng hiểu sao, tôi vẫn không thể
ngồi dán mắt vào computer hay ebooks đọc truyện. Tôi vẫn gắn bó trung thành với
thói quen từ bao lâu nay, là tìm những phút giây thong thả, buổi tối cuối tuần
vào phòng với cuốn sách, trùm mền ấm áp, (nhất là khi bên ngoài trời Canada
tuyết rơi lả lơi), rồi nhẹ nhàng mở từng trang sách, nghe mùi thơm của giấy mới
(và cả mùi giấy cũ), mà thả hồn vào thế giới văn chương, khóc cười buồn vui
theo nhân vật, để mà nhớ mà thương.
Ai nói tôi thời buổi này còn đọc sách
kiểu quê mùa, cổ lỗ sĩ, tôi chịu! Ai nói tôi không cập nhật theo thời đại văn
minh điện tử, tôi cũng chịu! Ai nói tôi hổng giống ai, tôi cũng vẫn chịu, vì
tôi cũng… chẳng muốn giống ai!
KL – Edmonton 11.2020
Kim Loan
304Đen – llttm - dsc
No comments:
Post a Comment