Tuesday, December 15, 2020

Lời Tạ Lỗi Sau 40 Năm - Thaygiaolang

 

Lời tạ lỗi sau 40 năm





 

Trường Quốc Quang, còn được gọi là trường Tiều, ngôi trường tiểu học khang trang nhất chợ Bãi Xàu thời bấy giờ. Trường là dãy nhà lầu 2 tầng, bê tông, cốt thép, nóc bằng, xung quanh sân trường tráng xi măng sạch sẽ. Bàn ghế đủ cho học sinh ngồi thoải mái, có quạt trần chạy re re, thổi luồng gió mát trong những ngày nóng bức là món quà xa xỉ trong giai đoạn khốn khó thời bao cấp. Văn phòng trường tọa lạc tại căn phòng đầu tiên của tầng dưới, tầng trên có hội trường rộng rãi chứa được vài trăm người, hay dùng để hội họp, hoặc tổ chức văn nghệ.

 

Khuôn viên trường thông thoáng, phía trước là cái sân bóng rổ to đùng và ngôi chùa Bà Thiên Hậu bề thế là nơi cho lũ trẻ chạy nhảy, trốn tìm, luồn lách trong những ngõ ngách của chùa vào giờ ra chơi.

 

Sở dĩ người ta gọi trường Tiều chắc do người Tiều xây dựng, hay hầu hết học trò biết nói tiếng Tiều. Thật vậy, các bạn trong lớp trai hay gái đứa nào cũng “úa úa … lứ lứ” chứ không “mầy tao… mây tớ” như trường Việt. Sau khi tan trường, học trò Việt ra về, học trò Tiều ở lại học thêm một giờ tiếng quan thoại do ông thầy người Tiều dạy. Hình như là thầy Diệu. Bọn học trò cứ chọc ghẹo, gọi thầy là ông Xì Dầu. Chắc là thầy thích ăn xì dầu chăng?

 

Nó có cái may mắn có mẹ làm cô giáo, nên mẹ dạy trường nào, nó học trường đó cho tiện đưa đón. Năm lớp ba, mẹ nó chuyển về dạy trường Tiều nên nó cũng theo mẹ về trường Tiều học lớp ba với cô Lợi, người bạn thân của gia đình, mẹ nó gọi thân mật là chế Ba, nhà ở xóm Bà Lèo, qua cầu Bà Thủy quẹo tay phải. Lên lớp bốn nó học với cô Yến. Nhà cô phía bên kia cầu Thạnh Lợi có trồng mấy cây me ngọt mà thỉnh thoảng nó lân la trước nhà chờ cô dúi cho mấy trái me ngọt như món quà đặc ân hiếm có. Lũ học trò rất sợ cô vì cô rất nghiêm khắc. Trong giỏ xách cô lúc nào cũng có cây thước gỗ dài độ gang tay, dày, cứng, nặng. Bữa nào cô cũng chắp tay sau lưng dạo một vòng kiểm tra bài tập, trò nào quên làm, thì xin mời xòe bàn tay ra, cô khẻ 3 cái đau điếng đến mấy ngày sau vẫn còn ê.

 

Rồi lên lớp năm nó học với ông thầy. Phòng học lớp năm phía trên lầu sát hội trường. Cuối lớp học có cánh cửa thông vào nhà kho và thông luôn qua phía sau sân khấu của hội trường. Thầy lớp năm ốm, cao, mực thước, đặc biệt là kiến thức của thầy mênh mông. Trong giai đoạn tình hình xã hội tối đen như mực, tin tức chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân và cái loa văn hóa thông tin đầu chợ đều đều phát thanh 5 giờ sáng, 5 giờ chiều mỗi ngày oang oang đinh tai nhức óc. Không biết thầy nghe ngóng ở đâu mà thầy biết nhiều chuyện bên Tây, bên Tàu, kể cho học trò nghe để bài học bớt nhàm chán. Có lúc thầy say sưa kể về hành trình đoạt huy chương vàng Toán quốc tế của Lê Bá Khánh Trình, khi thì thầy sôi nổi với bài toán tính quỹ đạo lên cung trăng của khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh. Ông Vinh đã rời khỏi VN từ năm 1962, sao thầy cũng biết rất rõ về quá trình học hành và thành đạt của ông nơi xứ người. Thầy dạy toán cũng giỏi, dạy văn cũng hay. Trong một lần dạy thơ lục bát thầy minh họa bằng truyện Kiều, chỉ dạy cách niêm luật gieo vần, sau đó thầy yêu cầu mỗi em sáng tác liền cho thầy 2 câu lục bát. Bạn Trần Thống Đ, một trong những tay quậy ngất trời ngồi ở dãy bàn cuối lớp liền nhanh nhẩu đọc: “Anh hùng đội nón quay thung/ Ngồi trong thùng “C...” giương cung bắn ruồi”. Cả lớp cười rần, thầy tấm tắc khen thông minh, nhạy bén, biết áp dụng luật “bằng trắc” thầy vừa mới dạy.

 

Trong mắt của nó, thầy là biểu tượng của kiến thức; thầy khơi dậy niềm đam mê học hành cho nó, đứa trẻ mới lớn trong hoàn cảnh khốn cùng mà nhiều đứa trẻ cùng trang lứa bỏ học, lang thang đầu đường xó chợ. Thầy rất khéo léo đưa vào bài giảng những giá trị nhân văn, lịch sử của miền Nam đã mất. Giáo án của thầy vắng bóng ngôn từ xu nịnh, cường điệu, tự tôn, tự hào của kẻ chiến thắng như trong sách giáo khoa. Bởi vậy, với đầu óc non trẻ, nó đặt nơi thầy trọn niềm tin tưởng – tin tưởng thầy và nó “cùng phe”.

 

Cuối năm lớp năm, trong giờ văn, thầy đề nghị: “để hưởng ứng phong trào thi đua… mỗi em về nhà lập một bàn thờ “cha già dân tộc”, làm đơn giản thôi, chỉ cần lư hương và tấm hình là được.”

 

Nó nghe nhói lòng, như niềm tin bấy lâu nay bị phản bội. Cả lớp im phăng phắc, không ai thắc mắc gì lời đề nghị của thầy. Nó, nổi máu anh hùng, đưa tay lên phản đối. Thầy ôn tồn giải thích vì yêu cầu của ban giám hiệu, vì chỉ thị của phòng giáo dục, vì phong trào thi đua … Nó không chấp nhận lời giải thích của thầy mà nó chốt lại vấn đề bằng câu nói gắt gỏng: “Thầy thích thì thầy cứ thờ. Em không thích, em không thờ. Không ai có quyền ép buộc ai phải thờ ai mà họ không thích.” Không khí lớp học nặng nề, mặt thầy đanh lại trong vài phút, rồi chuyển đề tài qua môn học khác. Tan trường, thầy bảo nó nán lại. Thầy viết vội bức thư, bảo đưa cho mẹ và nói thầy mời mẹ ngày mai đến trường gặp thầy và thầy hiệu trưởng.

 

Cuộc đời nó là những chuỗi ngày buồn vì ba nó bị lưu đày biệt xứ nơi núi rừng Việt Bắc xa xôi. Nhưng hôm nay là ngày buồn hơn hết vì nó mất luôn chút niềm tin còn rơi rớt lại trong cái xã hội mà người ta tranh nhau từng lít dầu, chai nước mắm. Thầy cô giáo có đức, có tâm còn lại không nhiều. Số vào tù, số đi vượt biên, số khác bỏ nghề để mưu sinh. Thầy cô giáo mới, thuyên chuyển từ miền ngoài vô, hoặc muốn lập công, ghi điểm, hoặc mới được "tập huấn” phải lên gân, phải cường điệu, phải gồng mình để xứng đáng với khẩu hiệu "hồng hơn chuyên". Và nó buồn vì nó không biết tin ai nữa.

 

Được sinh ra làm con nhà giáo không phải điều may mắn như người ta nghĩ, mà nó luôn mang trên mình một gánh nặng, áp lực xã hội, phải nói năng, cư xử, học hành cho đúng chuẩn mực là con nhà giáo. Ai nói sai không dám cãi vì hay bị dọa “mầy hỗn tao méc mẹ mày.” Bị bọn trẻ cùng trang lứa trêu chọc cũng không dám đối đầu vì lỡ nổi giận đánh nhau thì bị mang tiếng “con cô giáo đi đánh lộn”. Nó như mất đi một phần tuổi thơ, không được hồn nhiên, vui chơi, la cà, mạo hiểm, đánh đấm cho thỏa chí tang bồng của thằng con trai mới lớn. Nó ngán nhất là mỗi lần thầy cô giáo nhắn gởi với mẹ nó về những sai phạm của nó trong trường học.

 

Lần này ông thầy gởi thư mời mẹ nó lên trường gặp thầy hiệu trưởng, chắc là chuyện “động trời”, và nó phải no đòn. Trên đường về, nó miên man nghĩ tới những lằn roi rát đít, những lời đay nghiến của mẹ nó sau bữa cơm chiều. Càng nghĩ nó càng giận ông thầy. Sao ổng làm chi to chuyện?

 

Về nhà, đưa mẹ nó bức thư, bà đọc xong, không la rầy gì nó, cũng không hỏi thêm chuyện gì xảy ra. Ngược lại bà còn tỏ ra an ủi, ngọt ngào, dọn cơm cho nó ăn, bảo nó nghỉ ngơi, tối nhớ học bài chuẩn bị cho ngày mai.

 

Chuông reng, học trò túa ra về. Nó ngồi lại ghế đá ngoài hành lang chờ mẹ nó họp với thầy trong văn phòng. Nó hồi hộp chờ chừng 30 phút mà tưởng như dài vô tận. Nó đoán già đoán non chắc là sẽ bị đuổi học, ít nhất một tuần, hoặc phải viết bản kiểm điểm, hoặc phải xin lỗi thầy, hoặc bị phạt lao động quét sân, quét lớp…

 

Trên đường về nhà, nó ngạc nhiên, mẹ nó không nói gì về buổi họp, cũng không hỏi thêm nó bất cứ điều gì về rắc rối vừa qua. Bà chỉ khuyên nó cố gắng học hành, nói chuyện bâng quơ, và muốn nó đi cùng bà ra Bắc thăm ba nó một lần. Mẹ nó không nói gì, thì nó cũng im. Ngu sao hỏi tới hỏi lui lỡ bị la rầy thì sao!!!! Hai mẹ con cùng im lặng, mỗi người có lý do riêng.

 

Rồi mùa hè đến, nó giả từ ngôi trường tiểu học thân yêu. Lẽ ra là một kỷ niệm đẹp của tuổi thơ nếu không có sự kiện “lập bàn thờ cha gia dân tộc”. Nhưng thôi, nó bỏ lại sau lưng những muộn phiền của trường tiểu học, bước tiếp học trường cấp 2 gần ngã ba. Hình ảnh người thầy lớp năm cũng dần phai mờ trong tâm trí non nớt của đứa trẻ 12. Bổng một hôm mẹ nó báo tin ông thầy lớp năm đi vượt biên rồi, nghe nói định cư bên Úc. Đón nhận tin vui của người quen đến được “bến bờ tự do” lẽ ra nó sẽ hớn hở hỏi tiếp, đi hồi nào, đường dây nào, chuyến đi suôn sẻ không, có bị hải tặc cướp bóc gì không, nhưng nó rất dửng dưng, cười khẩy và nói thầm trong bụng: ”mới mấy tháng trước lên gân cho cố, lập công cho cố, bây giờ cũng bỏ của chạy lấy người”. Nặng nề hơn nữa, nó nghĩ ông thầy đạo đức giả, sống không thật lòng.

 

Rồi dòng đời cứ trôi, nó học xong trung học, vượt biên, xây dựng cuộc đời mới nơi xứ người. Nó cũng làm thầy. Tình cờ một hôm có đứa học trò hỏi nó làm sao phân biệt được quy tắc tam suất thuận và nghịch, làm nó nhớ lại bài học ông thầy lớp năm đã dạy cho nó 40 năm về trước. Bây giờ nó đem kiến thức đó ra dạy lại cho học trò của nó. Bỗng nhiên lòng nó bất an, muốn biết rõ ngọn nguồn câu chuyện năm xưa. Nó hỏi mẹ nó về buổi họp phụ huynh năm 1981, mẹ nó chậm rãi trả lời: “Thầy không có ý làm khó gì mình. Thầy rất hiểu và thương hoàn cảnh khó khăn nhà mình lúc đó. Ba con đang ở tù ngoài Bắc. Thầy sợ bọn tai mắt nghe con phát biểu đụng chạm tụi nó nặng quá, nó báo cáo lên phòng, lên huyện thì má gặp rắc rối, có thể bị cho nghỉ việc. Thầy muốn bảo vệ mình đó thôi. Thầy muốn má khuyên con thận trọng lời nói kẽo gặp rắc rối”.

 

Nó ngớ người khi nghe mẹ nó nói. Tại sao phải đợi 40 năm, hơn nửa đời người chớ ít ỏi gì. 40 năm nó trách oan thầy nó. 40 năm nó mất niềm tin và khinh thường tiếp những thầy cô giáo khác theo nguyên lý quy nạp trong toán học. Bây giờ nó ân hận. Nó mong một lần được gặp thầy để nói lời tạ lỗi. Lời tạ lỗi muộn màng!

 

20/11/2020

 

Thaygiaolang

danlambaovn.blogspot.com

 

 

No comments: