Tuesday, December 15, 2020

Những Con Đường Mất Tên Ở Huế - Võ Hương Phố

 

Những Con Đường Mất Tên Ở Huế




 

Tôi sinh ra và lớn lên tại Huế. Quê nội tôi ở Kim Long, nơi xảy ra một giai thoại vui để có câu ca dao trong văn học Huế “Kim Long có gái mỹ miều, Trẩm đi Trẩm nhớ, Trẩm về Trẩm thương…”. Quê ngoại tôi là thôn Vĩ Dạ, có “Nắng hàng cau nắng mới lên”, “Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” Nhà ba mẹ tôi, tôi cùng anh chị em ở đó, trong Thành Nội Huế. Nơi mà con đường chính chui qua cánh cổng nội thành lớn ở phía Đông Thành Nội, chạy dài qua dãy nhà ngói đỏ nâu êm đềm, kín đáo, lặng lẽ, nhưng chất chứa những đổi thay điêu linh, chứng kiến những lớp sóng hưng phế dập dồn vào mảnh đất giang sơn cẩm tú cố đô.

Khi tự mình quay lui nhìn về một thời xa xưa tại Huế, nhớ đến những ngày giờ cùng năm tháng đi qua theo đời mình, tôi lại miên man với một nỗi niềm riêng hầu như không dứt. Kỷ niệm vẫn luôn là phần thưởng dành tặng cho những ai luôn nhìn về quá khứ. Với tôi, khi nhớ về Huế, nhớ đến những gì được tôi cho là đẹp, là thật Huế không nơi nào sánh bằng, và tôi vẫn muốn nuôi nấng trong tim thì… Huế đang bước từng bước nhẹ trở về trong tôi.

Lần đầu tiên trở lại thăm Huế, tôi cứ nghĩ về một chốn cũ thân ái của tôi – những nơi chốn nhiều màu sắc và thơm ngát những hương vị Huế – sẽ biến mất hay đã phát tán theo mười phương ngũ hướng như những hạt phấn thông vàng trong những chiều gió chướng. Nhưng, thế mà đó, vẫn là một hiện diện, vẫn là một thản nhiên hiện hữu để lạnh lùng thay đổi. Những thay đổi làm lòng tôi phải chùng xuống, chùng lại những cảm giác thật lặng lẽ như những sợi dây đàn cổ từ lâu không được so phím lại.

Thời gian dù đã đi qua, nhưng kỷ niệm vẫn ở lại. Nhớ thương Huế là chuyện về Huế, chuyện về một kinh thành cổ nhiều mưa nắng, lụt lội, hạn hán, học trò, các mệ hoàng phái, kinh sử, ngày đơm tháng kỵ, nớ nớ, răng răng, mô tê chi rứa… và, đáng nhớ nhất là những con đường đã được nhắc tên một cách… rất đặc trưng Huế. Ôi, biết mấy cho vừa để nói ra đây. Thôi thì trước hết là những con đường xưa ở quê nhà mà tôi đã từng đi qua, từng sống cùng. Qua những đổi thay theo từng thời thịnh hay suy, những con đường đó vẫn là những con đường đã in sâu vào ký ức của người Huế riêng tôi và từng người Huế tuỳ theo xúc cảm của mỗi ai. Những con đường hồi ức này đã có từng số phận riêng mang, thấp thoáng vẽ đẹp kỳ bí hay lây lất nhuốm đau vì những con sóng đổi dời mà tôi đang muốn nói cùng bạn đây.

Những con đường có tên chính thức đã được vào sổ sách văn khố, nhưng những cái tên phụ lại đựợc đặt thêm trên cửa miệng của người con riêng của Huế. Vâng, phải là người Huế ở trong vòng thành phố của Huế mới là con Huế. Ra khỏi vòng thành trên dưới khoảng 10km thì không là con Huế, âm hưởng ngôn từ lại là không phải là tiếng Huế ngọt ngào thanh tao và Huế… rặt. Người con Huế phải uống nước sông Hương từ cửa nguồn A Sầu. Giòng nước lớn này chảy xuôi, mạnh, và ngọt mát đổ về thành một nhánh sông lớn uốn khúc, mềm mại chạy về thành phố, chui dưới gậm cầu Tràng Tiền, rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Và những cái tên gọi thêm cho những con đường quen thân như là những sản phẩm sinh sôi nảy nở từ những cái giản dị, sâu lắng, bình dân, quý phái, nôm na, tượng hình, và dễ nhớ. Bất cứ ai ở lâu với Huế, cũng biết đến những con đường đầy dấu tích đã ghi sâu trong tim mình khi được hỏi tên, vô hình chung nhiều lúc người ta lại như quên cái tên chính hay ho của nó.

* Đường Đoát. Thời đi học, trung hay đại học, tôi thường đi bộ, dù nhà ở trong Thành Nội, tôi thích đi ngược qua con đường Đoát, bên kia sông, bên lưng Bệnh Viện Huế. Thật sự tên đường là Trưng Trắc nhưng vì hai bên đường trồng toàn những cây Đoát, cao, lá tỏa rộng bóng mát, trái từng chùm như chùm cau nhỏ. Vậy đó, gọi ngắn là đường Đoát cho nó tiện, lại hay. Một cái nhớ rất thi vị từ thời con nít: quanh quẩn trên đoạn đường Đoát lọt thỏm vòng cong, tôi với một số bạn cùng xóm tụ tập, lê la đến lượm những trái đoát khô rụng bên đường đập bể ra để lấy hột bên trong ăn như hạt đậu vị béo ngậy, ngọt ngọt. Thời đại học, lại có quán cà phê Góp Gió ở góc đầu đường Đoát, là nơi hội tụ giới sinh viên, giới văn nghệ sĩ, không khí quán trang nhã có tính văn học. Tôi cũng thường hay lui tới quán cùng một người bạn ở trường Luật để thưởng thức ly trà đá Lipton có hương vị trái cây ướp thêm vào. Nay hỏi một người già, hay người cùng trang lứa với tôi, vẫn nhớ. Nhưng các con, em, hay người từ miền khác vào sinh sống, dạ thưa O, tui không biết đường Đoát là ở mô. Vì, con đường có hai hàng Đoát chạy dài nghiêm trang nhưng thơ mộng ngày xưa nay đã biến hình thành một vườn chơi cho trẻ em với những đu, tuột, xe lửa chạy… Những cây Đoát chỉ còn lại trong những gạn lọc trí nhớ của tôi và cái tên mới của con đường đã không làm tôi quên đi những kỷ niệm xa xưa trên con đường này.

* Đường Phượng Bay. Tên thật là Đoàn Thị Điểm, đi ngang qua cổng thành vào Đại Nội. Hai bên đường thẳng tắp hàng phượng vỉ đỏ rực lửa hạ vào mùa hè. Cơn gió nhẹ thổi qua, hoa phượng đỏ bay như mưa rơi. Và “Mưa Hồng” đã ra đời do cảm tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước 75. Con đường được thêm tên riêng rất hay, nhưng khi được nhắc đến, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên ở Huế, thì đã là một đề tài… hóm hỉnh. Vì sao?

Đêm xuống, con đường không có đèn đường, luôn tối thui như đêm ba mươi (trừ những đêm trăng )không thấy bàn tay lật ngữa, vì những tàng cây phượng rậm rì, tỏa rộng, che cả đám sao trên trời. Đây là một thế giới lý tưởng cho những cặp tình nhân tình tự trong bóng đêm đồng lỏa. Thì thầm, quấn quýt, say đắm bên những gốc cây, bờ cỏ ướt mịn sương đêm. Sau này, biến chuyển năm 75 đã đem về cho Huế những con người không phải Huế, thì con đường này còn là nơi chốn cho cả hành nghề… nghiệp dư. Tội nghiệp cho những linh hồn cung phi trinh nữ trong cung cấm Đại nội sát vách cổng thành phải che mặt lại. Tôi và một vài cô bạn đã nghịch ngợm đi thăm cái “chợ tình ” trong bóng đêm trên con đường phượng bay này một lần bằng chiếc xe đạp mini và cây đèn pin nho nhỏ. Thầm nghỉ mình vô duyên, lại con nít quá. Nay, con đường đã có hai hàng đèn vàng, hàng cột đèn quý phái như ở Paris. Thành phố Huế nay đã thành nơi chốn cho Tây về tham dự trong ngày lễ hội Văn hoá Festival.. Những quán cà phê tre trúc đẹp lãng mạn, ánh đèn màu nhấp nháy trong đêm, quán nước mía mọc dọc hai bên đường, và nhất là hàng phượng đỏ đã già không còn hoa bay trong gió để thành cơn mưa hồng. Không còn ai nói đến tên đường Phượng bay nữa, chỉ mình tôi. Tôi nhắc lại để cho tôi nhớ về một kỷ niệm vui của thời mới lớn, và cho những ai đã từng có lần bước vui trên xác hoa phượng hồng rực nở suốt con đường mang tên một loài hoa mùa hạ ở Huế.

* Đường Dốc Nam Giao. Thật ra là đường mang tên Lam Sơn. Đường có con dốc cao cũng là con đường chính đi ngang qua ngôi chùa lớn nhất Huế: chùa Từ Đàm. Bên cạnh còn có chùa Thiên Minh nhỏ hơn nhưng sang đẹp và thêm một số ngôi chùa nhỏ. Cuối con đường dốc dài là Đàn Nam Giao, nơi mà hàng năm các vị Vua triều Nguyễn đến làm lễ tế trời đất cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Người dân Huế thích gọi tên con đường này bằng cái di tích lịch sử hơn nên hay nói với người phu xích lô: “cho tui về dốc Nam Giao”, và khi leo dốc thì người phu xe phải xuống xe rồi cong người đẩy xe có khách đang ngồi trên xe. Khách thấy thương cho thêm tiền. Ngày nay, phương tiện đi lại đa số bằng xe gắn máy, hình ảnh rất ấn tượng của người phu xích lô nhoài mình đẩy xe có khách ngồi, trèo dốc Nam Giao dưới cơn mưa dầm xứ Huế như chìm dần vào những giọt nước nhạt nhoà của cơn mưa nhỏ đổ nhẹ xuống vai những tài xế xe thồ, hoặc cơn mưa lớn trút mạnh trên chiếc lưng trần láng bóng của những chiếc taxi.

Đêm xuống, những ánh đèn ẩn ẩn hiện hiện, chập chờn ma quái từ những ngọn đèn dầu xách tay của những người đàn bà với nách thúng hột vịt lộn lùi trấu ấm đi dọc con đường dốc, hay ngồi lấp lững bên vệ đường. Khách đi chơi về khuya, dừng xe, ngồi xổm xuống bên thúng trứng, bảo bà bán trứng soi bên ngọn đèn dầu chọn cho đúng cái trứng tiêu chì. Trong đêm khuya, gió từ sông thổi lên lành lạnh, lá phượng lá me rì rào trong từng tán lá dày rậm đen đặc, bí ẩn. Tôi vài lần đã cùng bạn ngồi bên lề đường, cạnh thúng trứng ấm và cây đèn dầu lung linh ánh sáng vàng nhạt trong bóng đêm khuya đen thẩm, húp chút nước ấm ấm ngọt lịm từ cái trứng, lắng hồn để nghe nhè nhẹ được cái hương vị về đêm của Huế thấm dần vào trái tim người Huế của mình. Nhưng thôi, đêm nay nếu bạn về Huế thăm con đường lên dốc Nam Giao, tiếng nhạc dội vào tai, ánh đèn điện nhấp nháy muôn phía, hai hàng lề đường về đêm bổng thành phiên chợ đêm ẩm thực huyên náo. Ngọn gió từ sông Hương không còn ru xào xạc hàng cây lá bên đường Lê Lợi và không còn thổi mát qua con đường có con dốc cao kiêu hảnh “hoàng triều”… của Huế đô..
Tôi tản bộ trên con đường xưa trong một đêm về lại Huế, dừng chân một chút ở góc đường ngang qua trường Luật, rồi trãi dài hồi ức theo con đường kỷ niệm này. Nay chỉ còn đọng lại trong tôi màu đen của đêm, tiếng rao bán hột vịt lộn lạc lỏng chơi vơi, và một nỗi thất thoát âm thầm về con đường khả ái mang tên một địa danh của thành phố cổ kính. Nhưng tôi vẫn mãi mãi giữ lại trong tôi một con dốc cao nhiều dấu ấn lớn, đẹp nhất trong đời tôi để cứ có cảm giác: “Vượt dốc Nam Giao theo mẹ lên chùa.”
* Đường Hàng Bè. Là tên gọi riêng cho con đường Huỳnh Thúc Kháng. Đặc điểm là con đường này chạy suốt theo bờ sông ngay mé bên trung tâm phố Huế, có nhiều bến đò nhỏ, và bến lớn nhất là Bến Vạn Tượng. Đây cũng là con đường dài một chiều từ phố đổ về vùng phụ cận, muốn trở lên lại để về phố thì xe cộ cũng phải theo con đường một chiều ngược lại có dãy phố sang trọng, sầm uất thời xưa trước 75, và được mang tên của nhà chí sĩ cách mạng thời Pháp thuộc: Phan Bội Châu. Nay tôi chỉ muốn nói đến con đường Hàng Bè, nằm bên một nhánh sông nhỏ của con sông Hương đổ về phía tả ngạn của thành phố Huế. Hai bên con đường là hai thế giới nhỏ hoàn toàn cách biệt nhau về lối sống, sinh hoạt, và con người. Trên đường bộ, dãy lầu cao, cửa tiệm san sát bán đồ vật liệu xây dựng, phòng mạch nha bác sĩ, mấy tiệm kem có máy lạnh sang trọng, và là nơi chốn của giới thương gia giàu có. Dưới sông, với cuộc sống chật hẹp chập chờn trên sông nước ẩn náu dưới những con đò nhỏ như những căn nhà nhà lợp lá vòng cung, nho nhỏ, bập bềnh nỗi tại chổ, san sát nhau như kết lại thành một xóm. Do vậy người Huế thường gọi những xóm đò này là vạn đò.
Con đường hàng Bè trước 75 đã là một nơi chốn tấp nập thuyền, đò, xe vận tãi, xe ba gác, xe xích lô… đủ loại phương tiện chuyên chở trên bộ hoặc dưới thủy. Vô hình chung được xem như là một Bến cảng bỏ túi của thành phố. Ngoài những chuyến đò lớn chở vật liệu xây dựng như cát, sạn, gạch, đá… còn có những đám tre, nứa được kết lại thành từng bè lớn thả trôi trên nước được đem về từ các vùng thôn quê phụ cận để bán. Và danh từ Bè đã vô hình chung được đặc tên cho con đường một chiều ở phố Huế.
Nhưng, người dân Huế khi nói đến tên đường Hàng Bè thì lại muốn nhắc đến một nơi chốn đặc biệt xa xưa trước 75. Chế giểu hay thích thú, công khai hay che giấu, nhận chịu hay từ chối… thì cũng đã một thời hiện diện trên kinh thành cổ kính Huế. Xóm vạn đò đường Hàng Bè đã là một xóm Yên Hoa trên nước.
Người Huế có cái thú thanh lịch là ngủ trên sông. Thường là vào những đêm hè trăng rằm sáng, gió lả lơi ru ngủ, chiếc thuyền có mái che thả trôi lơ lửng giữa giòng trên mặt nước sông Hương óng ả ánh trăng. Cái thú hưởng mát trên sông trong một đêm trăng cho những gia đình phú quý, hay cho những tao nhân mặc khách, văn thi nhân cùng nhau đối ẩm, xướng hoạ… thì quả là một cái thú chơi cao cấp của người Huế xưa. Nhưng, nếu đi vào thế giới của những vạn đò bồng bềnh trên nước, bên một khoảnh bờ sông vắng, hay bên một đoạn mé sông dài chạy dọc theo con đường phố thị sầm uất thì Huế đô lại ngầm công nhận một nơi chốn để bán Hoa cho những khách xa nhà, cho những người lính viễn chinh dừng chân trong một đêm về phép để say tình cùng các mỹ nhân của vạn đò. Và vạn đò Hàng Bè đã đi vào huyền thoại của Huế, như khi ta nghĩ về một xóm Khâm Thiên Hà Nội xưa, hay một Đại Thế Giới ở Sài gòn thời khởi đầu.
Tiếng “Ngủ đò” đã được người Huế nói đến như một trêu chọc đầy ẩn ý, nhưng hình như cũng gây những thích thú, thôi thúc đầy ấn tượng cho các vị nam nhân Huế. Riêng chúng tôi, thời nữ sinh áo dài trắng, tóc thề ngang lưng, chiếc nón bài thơ được mạ cột cho chiếc quai nón bằng nhung đen, đi học bằng chiếc xe đạp mi ni. Mỗi lần đạp xe đạp đi học về, phải đi về con đường một chiều hàng Bè đó, thì cứ cúi đầu đạp nhanh như sợ ma đuổi, mắt nhìn lén lút dưới vành nón xem thử những con đò chở tình mặt mũi như thế nào… Ô, hình như có những chiếc rèm hoa màu mè diêm dúa, loáng thoáng bóng dáng các kiều nữ đò xỏa tóc dài với chiếc áo cánh phin nõn trắng. Ơ! Chi mà lạ rứa! Chàng chiến binh nào đó trên núi rừng chiến tuyến về phép thăm gia đình, ngơ ngác như Mán lạc về kinh, tình cờ đi bộ ngang qua vạn đò, thế là mụ mẹ mìn đò chạy ra níu áo níu tay như nợ đòi để dẫn vào… chiến trường tình ái. Và nhất là chúng tôi cứ sợ mấy mụ chào hàng hoa ngồi bên bờ đá, trên chiếc ghế nhỏ, tay phe phẩy chiếc quạt giấy… rồi vẩy luôn cả bọn nữ sinh trong trắng ngọc ngà như chúng tôi.
Gọi là để làm sạch thành phố hiện nay, thì những vạn đò bên sông về đêm đã biến mất theo giòng đời mới. Còn chăng là những lẫn lút trong bóng đêm của Huế. Vườn hoa, bụi cây, bãi cỏ trong công viên cạnh bờ sông thầm khóc nhớ đến số phận bẽ bàng của những chiếc đò giao tình vội vã trên sông Hương. Và đường Hàng bè còn đó nhưng cái tên dần không còn trong hồi ức của những chàng trai Huế ngày nào. Còn chăng là dãi sương khói trên sóng tóc các cụ .
* Đường Hàng Me. Khi nhắc đến đường Hàng Bè, tôi lại nhớ đến đường Hàng Me. Con đường trồng toàn cây Me. Những cây me già dần trở thành cây cổ thụ, lá me dày cho bóng mát và bóng đêm đen thẳm. Nhà cửa hai bên nho nhỏ, thấp thấp như lẫn vào bóng đen của hàng cây me. Đêm đến những cành me già đầy lá làm tối đen cả con đường nhỏ dẫn tới một khu vực gọi là Xóm Mới gần Sân Vận Động Huế. Thời của ba mẹ tôi, vùng đất xóm mới này có nhiều người đàn bà lấy chồng Tây nên người ta còn gọi họ là Me Tây, và lần hồi cũng trở thành một xóm yên hoa nỗi tiếng với cái tên Hàng Me. Con đường này ngày xưa hình như mang tên Phạm Ngũ Lão. Tôi chỉ nhớ chuyến đò ngang qua sông từ chợ Đông Ba đổ bến Hàng Me . Bến sông êm vắng đầy lau sậy mọc hoang, không có bậc tam cấp, khách đi đò phải xắng ống quần lên mà lội vào nước để trèo lên hoặc xuống khỏi con đò. Sau này, ngôi khách sạn Hương Giang, rồi bên cạnh là Century, cả hai đều có kiến trúc đồ sộ, sang trọng, rực rỡ, tọa lạc dọc bến sông Hương thơ mộng nằm đối diện con đường Hàng Me đã làm thay đổi bộ mặt con đường nhỏ âm u, cô tịch và không còn bến nước hoang vu chờ khách ngày nào.

Sau lần trở lại thăm quê gần đây, khi tôi đi vào con đường nhỏ ngày nào, hình như tôi đã lạc vào trận đồ bát quái với những khách sạn cao ngất, chen chúc nhau phô vẽ hiện đại hóa bên cạnh là san sát hàng quán, shop bán đồ lưu niệm dành riêng cho khách ngoại quốc. Du khách quốc tế và quốc nội qua lại nhỡn nhơ trên con đường Hàng Me xưa nay bổng thành con phố lớn thanh lịch, sang trọng ngăn cách với tầng lớp bình dân người Huế. Dù con đường đã có tên mới nhưng biệt danh của nó vẫn là những chữ còn đọng lại hương vị chua cay trên môi các bà cụ Huế xưa khi nhắc nhở về một làn hương phấn trên con đuờng Hàng Me của Huế.

* Đường Chè Chùa. Mùa hè Huế nóng rát da, cây rủ lá, con đường chảy nhựa như bốc khói, ve kêu rộn rã trên các con đường. Các quán chè ngọt ngào đã là nơi cho bầy ong học sinh, sinh viên bu vào. Có một quán chè trước mặt một ngôi chùa nhỏ, trên con đường chạy dọc theo bờ của một nhánh sông Hương vùng Đập đá mang tên Nguyễn Công Trứ đã là nơi tụ điểm mát và ngọt cho giới trẻ Huế vào những ngày hạ nóng khát khô. Và tên con đường dần dần có thêm một tên riêng rất thoát tục nhưng gợi ý là đường Chè Chùa. Nhớ ngày nào bọn nữ sinh chúng tôi khi chưa nghĩ hè, tan lớp, hay thỉnh thoảng cúp cua các giờ học phụ, kéo nhau đến quán Chè Chùa, đụng trận với đám nam sinh cũng đang tìm chút ngọt bồi bổ thêm cho những ngày học thi. Bọn nhỏ thi nhau chén… đủ các loại chè Huế mát lạnh, ngọt dịu dàng hương vị của Huế, lại vừa túi tiền tiêu vặt của học sinh, vừa có dịp cho lũ trẻ đá lông mi làm quen nhau. Con đường Chè Chùa nho nhỏ, loang lở vì mưa nắng và do những trận lụt hàng năm, “Trời hành cơn lụt mỗi năm”, đã là một nơi chốn thân quen, gần gụi, và chúng tôi đã đi qua bằng những chiếc xe đạp học trò trên những tháng ngày hè thanh xuân rộn rã tiếng ve. Những ly chè thơm ngọt và mái chùa cổ nhỏ đã làm nên cái tên riêng cho một con đường của Huế xưa. Không một người dân Huế nào vào thời ấy không biết và không một lần ghé qua.

Về thăm quê, tôi cố tình tìm lại cho mình thêm một con đường có tên trong cuốn sách kỷ niệm của tôi, chợt thấy lòng bâng khuâng nhớ mênh mang. Hình như tôi đã mất nó. Từ lúc nào, quán cà phê, quán ăn mọc lên như trong khu rừng nấm, tiếng xe gắn máy át tiếng ve kêu, quán chè xưa lạc loài trong chập chùng quá khứ. Ngôi chùa nhỏ nay là một ngôi chùa lớn oai nghi, lộng lẩy. Và con đường Chè Chùa vẫn là một con đường, vẫn còn mang một cái tên nguyên thủy sách vở của nó.

* Đường Áo Trắng. Tôi không còn nhớ nỗi tên con đường nhỏ này, dù mình đã từng mỗi ngày thời áo trắng Đồng Khánh, ôm cặp sách vào ngực, đứng dưới tàn cây Long nảo cao của con đường rậm bóng mát này cùng đám đông bạn cùng trường đợi giờ mở cổng vào trường. (Thời trước 75, học sinh trường này chỉ được phép ra vào cổng bên hông, cổng lớn chính giữa chỉ dành cho giáo sư và nhân viên trường, quan khách…)

Con đường này nhỏ, toàn cây cao, không một mái nhà thường dân trú ngụ lại là một con đường biên giới rất nên thơ giữa hai ngôi trường nam và nữ nỗi tiếng Huế. – Đồng Khánh và Quốc Học – Bên hông trường nữ nhìn qua bên hông trường nam, ngăn cách bởi một con đường, những kỳ bí của hai thế giới tuổi ngọc chỉ là những cái vẩy tay, nheo mắt, nháy nhó chọc ghẹo của cái “thứ ba học trò” qua khung cửa sổ lớp học trên hai dãy lầu đối diện nhau. Và khi tiếng chuông reo tan trường, thế giới bên nữ sinh đã mở rộng, không còn kỳ bí khi đàn thiên nga trắng ùa tung ra khỏi chiếc cổng trường giam giữ. Áo dài trắng ùa ra khỏi lớp học. Áo trắng, quần trắng, nón lá trắng ra khỏi cánh cổng trường mở toang. Áo trắng xuống đường dịu dàng tha thướt, trắng tinh khôi như một dòng suối trắng trên đoạn đường biên giới. Khách nam nhân ngẫn ngơ nhìn, mơ màng say say trong “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong” và tên riêng cho con đường được thành tên Đường Áo Trắng.

Sau 75, ngôi trường nữ đã mất đi tên của vị vua hiền hòa muốn theo tây học và trường được đổi tên thành tên của hai vị nữ vương anh hùng đất nước. Trường không còn là thế giới riêng biệt của những con thiên nga áo trắng. Màu trắng chiếc áo dài lộng gió bay bay qua cầu Trường Tiền, hay tô trắng xóa những con đường học trò ngày xưa nay được thay thế chiếc áo sơ mi ngắn cụt ngũn. Áo nữ sinh bên cạnh áo nam sinh, mộng không bay ra khỏi cửa lớp mà ngồi bên cạnh mình trong tiếng “Vùng lên…” hoặc “Rừng núi dang tay nối…” Trời hỡi! Nam nữ thọ thọ bất tương thân! Áo Trắng ơi! “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi… cho tôi tìm lại”.

Con đường Áo Trắng khi tôi về tôi có đi qua lại. Tiếng guốc khua trên lề đường, giòng suối trắng thơ ngây cuồn cuộn khi tan trường, chiếc nón quai nhung cúi che nụ cười e ấp, nghịch ngợm như còn đâu đây trong đám rong rêu ký ức. Chiếc xe chở tôi đến góc đường như ngập ngừng dừng chân cùng cảm xúc dâng tràn trong tôi. Tôi dặn người tài xế taxi cố đi chầm chậm để may ra tôi còn có nhớ, có tìm thêm được chút nào thêm về con đường đã gắn bó đời nữ sinh áo trắng ngày nào của thế hệ chúng tôi. Hình như tôi có nghe lại được tiếng gió reo qua hàng cây Long nảo cổ thụ, và đã chợt thấy ẩn ẩn hiện hiện một màu áo trắng lướt qua trong sương chiều. Đến nay tôi vẫn không biết đến tên chính của con đường, và cũng không muốn biết thêm tên mới thay của nó.

*** Người Huế bình dân tính vốn chân thành dễ thương, hiền hòa và ngây ngô đầy ấn tượng trong cách đặt tên những con đường, ngay cả tên của những đứa con yêu của mình. Như đẻ con trai thì đặt tên là Trai hoặc là Đực cho tiện kêu, đẻ con gái thì đặt tên là Gái hay Bướm cho khỏi lộn con trai, ghét ông Cai làng đi thâu sưu thuế thì đặt tên Cai để la con cho bỏ ghét, hận mụ chủ nợ đi đòi nợ mình thì thì đặt tên con là Đòi để mắng con trả thù… Bà chị cả của tôi được mệ Nội tôi đặt tên trong giấy khai sinh, cái tên của một loại trái cây: Thơm ngon… như múi Mít. Khi hỏi mệ vì sao đặt tên này cho cháu Nội gái, mệ cứ nói: “Mít thơm hơn và cũng được để lên bàn thờ cúng”. Chị cả tôi đã bao lần ngậm bồ hòn mà khóc vì cái tên mình, lại có họ Võ nên bị bạn bè trêu chọc, nghiệt nhất, chị ấy lại là hoa khôi của một trường trung học tư thục thời đó, đám nam sinh theo chị như cái đuôi. Sau này, khi theo chồng định cư tại Mỹ, để trả thù cái tên mệ Nội đặt, lấy được quốc tịch Mỹ, chị đổi tên ngay và chọn cái tên đẹp của một vị công nương trẻ đẹp nhất của Hoàng Gia Anh.

* Đường Cầu Lòn. Nhắc tới công nương, tôi lại nhớ tên một con đường khác ở Huế mang tên một vị công chúa nước ta ngày xưa. Công chúa Huyền Trân đã bị vua cha gã cho vua Chiêm để đổi lấy sính lễ là 2 Châu Ô và Lý của nước Chiêm thành theo kế hoặch hòa hiếu Việt- Chiêm. Đường Huyền Trân Công Chúa.

Con đường chạy dài từ nhà ga xe lửa Huế lên đến vùng vườn trái cây Long thọ, Nguyệt Biều. Đường này gần nhà ga Huế có đoạn phải đi lòn dưới khúc cầu sắt của tàu lửa đi qua trên cao, thế là người bình dân gọi tên nôm na là đường Cầu Lòn. Cái tên ngắn nhưng đầy tượng hình. Từ tên một công chúa cao sang được vua Chế Mân hết dạ yêu thương, dân Chiêm hết lòng kính mến, chuyển ngang qua tên Lòn, thật ngộ nghĩnh, gợi hình, và bình dân. Đây chỉ là cái tên riêng của một con đường.

Tôi vẫn còn nghe cái tên quen thân ấy khi đi ngang qua ngắm nhìn lại chiếc cầu Lòn cũ kỹ nho nhỏ, bên cạnh là chiếc cầu lớn xinh đẹp vừa mới xây thêm. Chiếc cầu mới toanh bắc ngang qua khúc sông song song với chiếc cầu sắt đen cổ xưa Bạch Hổ cũng đủ làm nên một nét chấm lớn để phai mờ dần ấn tượng về một tên đưòng khi ta về và đi lại trên đoạn đường đã có cái tên riêng ngộ nghĩnh đáng nhớ.

* Đường Cồn Hến. Con đường này là một nhánh đường nhỏ đi lạc ra của con đường lớn mang tên Thuận An. Tên này rất đúng nghĩa của nó vì chạy dài từ cái đập chắn nước Đập Đá, ngang qua thôn Vĩ Dạ, thẳng về tận cửa biển nghỉ mát Thuận An. Nay tên đường đã đổi thành tên của một con người. Con đường Thuận An thật dài này có một đoạn đường ngắn ghé vào một cồn đất nhỏ giữa nhánh sông Hương chạy dọc theo làng Vĩ Dạ, đã được dân trong vùng gọi là đường Cồn Hến. Ốc đảo Cồn Hến là địa điểm nỗi tiếng của món Cơm Hến độc đáo với vị ngọt của những con Hến được vớt lên từ dưới lòng sông Hương, những ruộng bắp Cồn trái ngon ngọt, vàng ngậy mà không một nơi nào sánh được vì đã được trồng bên bờ sông của giãi đất cồn ấy.

Con đường đất nhỏ này đi qua chiếc cầu gỗ để vào giãi đất nỗi trên sông. Người dân vùng này hiền hoà, sống thu mình trên cồn Hến như một ốc đảo nhỏ có cây trái mật ngọt, và có tiếng chuông chùa ngân nhẹ khi hoàng hôn về trên sóng nước. Khi được đám sinh viên học sinh Huế khai phá, con đường này dần đần ngập đầy dấu vết của những bước chân học trò cúp cua tìm về những trái bắp luộc chín vàng óng, những ly chè bắp lịm ngọt vị tự nhiên, những tô cơm hến cay xé trong mùi thơm của chút ruốc Huế bay nhẹ nhàng trong những quán lá, quán tranh thô sơ đầy tiếng nói cười nho nhỏ. Thiên nhiên và con người như quyện mình vào nhau cùng sông nước của cồn đất thơ mộng, êm ả này.

Lạ chưa! Tôi lại chỉ nhớ ray rứt về chừng đó. Hay dư âm những lần hẹn hò đầu tiên e ấp dưới vành nón lá học trò tại chốn này đã làm rung lại nhịp tim đập trong tôi? Còn hình bóng đơn sơ của con đường đất nhỏ? Chiếc cầu gỗ lung lay, rầm rập theo những bước chân học trò? Đám ruộng toàn hoa bắp lay? Ôi, nay tôi lại đi qua thăm Cồn Hến trên chiếc cầu xi măng? Những quán hàng thanh lịch đồ sộ có bảng hiệu, rồi con đường lại có thêm cái tên lạ hoắc với tôi. Thôi mất rồi! Tên gì cũng được, miễn sao hãy giữ lại cho tôi những ly chè bắp ngọt ngào hương xưa, đọi cơm Hến cay xé nồng nàn cùng giãi đất cồn nho nhỏ thơ mộng nhiều dấu tích ngày tháng học trò.

* Đường Ngả Giữa. Người Huế gọi nôm na là vậy vì nó ở giữa hai con đường lớn Trần Hưng Đạo và Huỳnh Thúc Kháng, và vì nó ở giữa ngay trung tâm phố thị Huế. Tên thật của con đường là Phan Bội Châu. Nay đã bị đổi tên bằng tên một nhân vật sử sách mới nào đó, cũng họ Phan, mà thú thật đến nay bản thân tôi đã chưa một lần lục tìm trong văn khố đất nước để tìm hiểu. Chắc tại cái tính thủy chung, hoài cổ của tôi.

Con đường chính này dù ngắn nhưng là một hấp dẫn cho khách thương trường của thành phố, đã nổi tiếng là chủ nhân của một dãy phố sầm uất, thanh lịch, sang trọng nhất Huế. Con đường mà hàng ngày tôi đã đi về cùng màu áo học trò ôm cặp sách trước ngực ngẫn ngơ nhìn, rồi thèm thuồng, ao ước. Phải, học trò thì làm răng mà đụng tới những xấp gấm lụa là Hồng Kông bóng bẩy đắt tiền, những đôi giày, hộp son phấn, những chiếc áo thời trang thương hiệu được chưng trong những chiếc tủ kính bóng lộn của dãy phố giàu có này. Ôi, còn nhiều nữa… những tiệm giày với thương hiệu cuả Ý, tiệm mỹ phẩm và áo quần thời trang, tiệm uốn tóc, tiệm chụp hình sang lộng lẩy ảnh người mẩu, tiệm bán TV, máy nhạc, nhà hàng ăn quốc tế cấp cao, nhà sách văn hoá và nhất là có một tiệm ăn rất độc đáo, chiếm ngôi vị độc nhất về món Dê và Bò tái ở Huế.

Trời hởi! Dãy phố và con đường yêu thích của tôi đâu rồi. Bởi vì cái tên đường đã đổi, như thay đổi cả một linh hồn và thân thể. Con đường phố thị này bổng thành một chốn tấp nập, san sát những tiệm… đồ đồng, những vật dụng trang bị cho lễ lược chùa chiền, bàn thờ tại gia, tủ lạnh, máy móc, đồ phụ tùng xe máy và xe đạp… Ôi thôi, một tan tác như hành hình, tra tấn trái tim tôi. Tôi vốn là người của shopping thời trang, nay lại bắt tôi về lại để đi qua cái thế giới mới thờ phượng, chuông mỏ đèn thờ của người dân Huế vốn nổi danh sùng đạo nhất nước của tôi. Một mất mác lớn cho riêng tôi, nhưng thật ra là một trong những cái mất chung cho một thành phố cố đô thanh lịch được mệnh danh là hội đủ Văn, Thể, Mỹ.

* Đường Cột Cờ. Cái tên rõ ràng và tượng hình nhất vì nó là con đường chính của thành phố có kỳ đài phất phới lá cờ của nước suốt ngày tháng năm. Đoạn đường này đã từng là chứng nhân của bao lần thay đổi lịch sử đất nước qua những lần lá cờ quốc gia được thượng lên và hạ xuống. Người dân Huế thường nhắc tới tên đường Cột Cờ hơn là tên chính của nó. Thật ra chỉ là một khúc đường của con đường lớn Trịnh Minh Thế có bến xe xuyên tỉnh cùng tên và nhất là đi qua cửa Ngọ môn để vào cung cấm Đại nội.. Đoạn đường này như một địa phận dành riêng cho những buổi diễn hành trọng thể trong những ngày lễ lớn của quốc gia và những sự kiện trọng đại của triều đình và dân chúng ngày xưa.

Vùng đất của đoạn đường Cột Cờ đối diện hoàng thành, nơi có bến Phu Văn Lâu “Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm…” Vua đã ngự để hóng mát hay câu cá, bàn chuyện cơ mật cùng cận thần để rồi ”Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non”, nay bổng thành một khoảng đất lớn rộng của vườn hoa thành phố. Mùa xuân, Tết Âm lịch về, khoảnh đất kỳ đài quốc cấm ngày xưa lại trở thành một chợ Hoa xuân trùng trùng điệp điệp đủ loại hoa cúc, hoa mai… hoa xuân, đông nghẹt khách mua hoa sắm Tết trong mấy ngày đầu xuân. May thay! Người con dân Huế vẫn còn lại được chút gì quốc hồn trong chốn náo nhiệt hương hoa của cố đô.

* Đường Trại Tình Thương. Tên khai sinh của con đường là Đào Duy Từ, hay còn gọi là đường Hòa Bình. Vùng đất nuôi ngựa ngày xưa của triều đình Huế, sát khuôn viên dãy thành của Đại nội, ngăn cách bởi con đường này. Sau thời kỳ hoàng phế, vùng đất trống trở thành vùng đất hoang ẩm thấp, mùi hôi phảng phất, không người canh tác. Chính quyền đương nhiệm cho xây thành những dãy nhà nhỏ thấp như những dãy trại, lều bằng xi măng cho những người dân nghèo, gia đình cô nhi tử sĩ được làm chủ. Cái tên Trại Tình Thương từ đó ra đời và gắn liền với con đường. May mà con đường trước đây có một ngôi trường trung học cấp hai cũng tên gọi là Đào Duy Từ và sau này trở thành trường trung học cấp hai kỹ thuật của chế độ mới.

Hình như không còn ai nghĩ đến tên con đường đầy tính thương xót của con đường này, vì nó đã được đổi tên mới để quên đi một quá khứ đau buồn. Những dãy nhà tội nghiệp thủ phận nghèo khó, đã im lìm lặng lẽ về đêm trên con đường vốn ẩm thấp lũ lụt ngày xưa chỉ cầu xin một chút tình thương miễn phí. Thì nay, dãy biệt thự cao tầng, hàng quán xôn xao tấp nập về đêm trên con đường Trại Tình Thương nay đã có một tên mới và cư dân sống ở vùng đó lại nhỡn nhơ kiêu hảnh về giá trị của một mặt bằng kinh tế. Thật rõ câu “Vật đổi sao dời”.

*** Có những con đường lớn ở thành phố Huế tuy không bị đổi tên như Mai Thúc Loan, Đinh Tiên Hoàng, Chi Lăng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Duy Tân… nhưng lại có những thay đổi lớn lao tự bản thân nó theo thời thế tạo, theo làn sóng hội nhập, theo những biến chuyển kinh tế dồn dập đến mức độ không thể dừng lại, và con người phải theo vết xe lịch sử lăn bánh. Sự mất hay còn vẫn là nguyên lý của thượng đế. Con đường nhà tôi ở, con đường nhà bạn ở, con đường có ngõ vắng đầy hoa Mai vào Xuân, con đường đầy phượng đỏ rộn tiếng ve mùa hè, con đường đi qua nhà người yêu có cành sầu đông, cây trứng cá đong đưa trong gió đông bên cửa sổ, con đường cùng chúng bạn đi qua để tìm tới… những hàng quán rồi dẩm trên xác lá đầu thu khi sắp trở lại trường. Những con đường chính là những sản phẩm thời cuộc rõ ràng nhất để thấy sự đổi thay. Những mất còn của cuộc đổi dời nhiều lúc làm ta bàng hoàng như tỉnh giấc sau một cơn mơ kỳ lạ. Ai cũng đã thấy lại và đã từng cất tiếng: “Ôi, cái đường này bửa nay lạ ghê, nhìn không ra cái ngõ đi vào nhà mình ngày xưa…” Và, khi nhận ra ta muốn trở về tìm lại cái gì mình đã xa thì hãy biết rằng: Ta đã mất.

Cơ man nào là những con đường trên vạn nẻo đã bị mất tên, thay hình đổi dạng, dù đẹp xấu hay nhiều kỷ niệm để làm ta nhớ. Những gì thân thuộc đầy dấu tích yêu thương hay ghét bỏ của những con đường ta đã đi qua, đã sống cùng nó hoặc mang theo trong trí nhớ còn tùy thuộc vào lòng mình hướng về một nơi chốn gọi là Cố Hương, dù biết rằng: “Quê Hương là ở trong ta”.

 

Võ Hương Phố

304Đen – llttm - tvvn

No comments: