Bánh mì đi qua đời tôi
Cái
tựa nghe thiệt… sến, nhưng đúng y chóc chuyện tôi muốn kể. Người ta có nhiều
bóng hồng, nhiều mối tình đi qua đời, còn tôi, mỗi giai đoạn cuộc đời lại có
hình bóng của một… ổ bánh mì, mới lạ!
Minh
Lê
Hồi tôi ba tuổi, nhà tôi ở trên lầu một căn nhà hai tầng của Ty Bưu
Điện. Tôi còn nhớ thang lên lầu bằng gỗ đen bóng, dẫn tới sảnh với một bên là
sân thượng nhìn ra biển và một bên là cửa dẫn vô phòng chính. Buổi tối, Ba tôi
hay nằm đọc báo trên cái đi-văng kê sát tường. Tôi “mượn” một cái chân của Ba
gác lên tường làm cửa cho tôi chui qua chui lại và tưởng tượng mỗi lần qua cửa
là tôi “du hành” vô một thế giới khác. Tôi có thể chơi say mê như vậy cả tiếng
đồng hồ, nhưng chỉ cần nghe tiếng chân ông anh tôi chạy bình bịch trên thang,
mũi tôi bắt đầu hít hà rồi tôi phóng xuống đất và la to: “A, bánh mì!” Câu này
rõ ràng đã “đánh thức” mấy chị tôi đang ngồi học bài bên bàn. Cả nhà cùng nhìn
ra cửa đúng lúc ông anh tôi xuất hiện và giơ cao bịch giấy dài thơm lừng trong
tay một cách đắc thắng: “Ai muốn ăn bánh mì thì đi làm mắm kho quẹt đi nghe.”
Chỉ mười phút sau, cái chảo nhỏ đựng mắm kho quẹt điểm tóp mỡ vàng ươm và ớt
xắt khúc đỏ au thơm điếc mũi đã được bưng lên. Sau khi mời Ba Má, và nhận được
câu “Ừ, con ăn đi” là mấy anh chị em xúm lại bên ổ mì dài giòn rụm, thi nhau bẻ
từng miếng chấm mắm. Ông anh tôi có tài dùng bánh mì quẹt tóp mỡ chính xác vô
cùng, mỗi phát bánh mì của ảnh là lượng tóp mỡ vơi thấy rõ. Các chị thì nhẩn
nha chấm bánh rồi dùng đũa gắp tóp, không quên gắp cho tôi vài miếng. Ổ bánh mì
lúc đó rất lớn, đặc ruột, vỏ bánh giòn, thơm mùi bột nướng. Tuổi thơ của tôi
trước 1975 đã đi qua cùng ổ bánh mì đó.
Rồi
tôi vô Sài Gòn học. Đối diện rạp Việt Long sau đổi thành Thăng Long ở đường Cao
Thắng có một con hẻm ngoằn nghèo. Đầu hẻm là xe bánh mì Tám Cầu. Nhà gần nên
tôi đi bộ ra đó, thò đầu vô cạnh chú Tám tỉ tê: “Cho con ổ mì thịt đi chú”. Chú
hỏi lại “Đủ thứ hả?” Nghe tiếng “dạ” của tôi xong là bàn tay chú thoăn thoắt
lấy ổ mì nóng từ lò than bên dưới, xẻ hai rồi trét bơ, patê, nhét thịt, chả,
hành ngò, đồ chua, rảy xì dầu, nhanh như một nghệ sĩ xiếc làm tung hứng. Mua
vài lần thành khách quen, Chú Tám rành hết nhà tôi mấy người, ai không ớt, ai
thích thịt mỡ hơn thịt nạc, ai thích bánh để nguyên hay cắt làm hai. Nhớ nhứt
những buổi tối cỡ chín giờ, mấy chị em đói bụng ra mua bánh mì thịt về, mỗi
người một khúc “thổi kèn”. Trời nó ngon làm sao, vỏ bánh giòn cắn vô kêu rộp
rộp, hòa cùng ruột mì dai dai đi với miếng thịt vừa nạc vừa mỡ đậm đà, vị bơ và
patê beo béo, thêm vị cay của ớt, thơm nồng của hành ngò, mọng nước của dưa leo
và chua ngọt của đồ chua. Rất nhanh ổ mì hết sạch chỉ còn cái giót mà bụng vẫn
thòm thèm, bỏ cái giót vô miệng nhai rôm rốp, vị bánh mì không hơi ngòn ngọt
như ăn đồ tráng miệng.
Nhưng
những năm cuối thập niên 1980, không phải lúc nào tôi cũng được ăn bánh mì Tám
Cầu. Đa phần là ăn theo các chị, hay lâu lâu nhín học bổng mua một ổ ăn đỡ
thèm. Tôi nhớ học bổng Đại học hồi đó là 18 đồng và 20 kg gạo đen. Tôi may mắn
vô được cổng Đại học, nhiều đứa bạn tôi phải ra đời sớm không phải vì học dở mà
vì… lý lịch. Sinh viên Đại học đa số là con cái gia đình cách mạng, vài người
là bộ đội giải ngũ, còn số ít con dân thường phải điểm rất cao mới đậu nổi.
Những ngày ấy, Sài Gòn rộng lớn và rực rỡ đến với tôi qua ổ bánh mì Tám Cầu,
nhưng xã hội cũng cho tôi một bài học rằng bánh mì không dễ có. Những đêm dài
vắng bánh mì Tám Cầu, tôi lắng nghe tiếng nhạc ABBA từ nhà hàng xóm: “I have a dream, a song to sing, to help me cope with anything.”
Tôi
đi làm, và tiếp tục học, vì “I have a dream” đã thức tỉnh trong tôi một giấc
mơ. Giấc mơ đó là “có thể ăn bánh mì Tám Cầu bất cứ lúc nào tôi muốn”. Sau này
tôi được như ý nguyện, nhưng khổ nỗi con đường đi làm lại ngược hướng bánh mì
Tám Cầu, nên sáng sáng, tôi ghé một xe bánh mì nhỏ ở đường Bà Huyện Thanh Quan,
ngang hông trường Gia Long, bây giờ là Nguyễn thị Minh Khai. Chị bán bánh mì
hiền, ít nói, rất sạch sẽ và cẩn thận. Con trai chị khoảng 18 tuổi hay phụ chị
bán. Có hôm vắng cậu, tôi hỏi thăm thì chị nói nó mắc đi học, nó đậu Đại học
rồi em à. Nhà nghèo học giỏi sẽ đậu và đủ tiền học các trường Đại học công, lúc
đó học phí và tiền ăn ở chưa là gánh nặng cho sinh viên (nghèo) như bây giờ.
Bánh mì của chị sạch và ngon, tôi thường mua một lúc hai, ba ổ chia các cô bé
trong phòng cùng ăn cho vui, nhưng tôi không nhớ rõ có gì đặc biệt, có lẽ vì
“nhiều thì hết quý”.
Những
năm đi xa, giờ ăn trưa tôi ghé tiệm Kiem Foei trong khu phố Tàu ở Rotterdam mua
một ổ bánh mì Suriname. Ổ bánh mì này dài cỡ bàn tay, vỏ mềm chớ không giòn,
trong bỏ thịt nướng chan nước sốt màu đỏ đậm, hơi ngọt, vài lát dưa leo và nhứt
là có trét thêm muỗng gừng ớt kiểu Suriname rất ngon. Bánh mì này pha bột gạo
nên mềm hơn bánh mì thường, đặc ruột nên hút được nước ngọt từ thịt và sốt, khá
nổi tiếng ở khu phố Tàu thời đó. Tôi ăn thấy ngon, nhưng vẫn nhớ bánh mì Tám
Cầu, bánh mì mắm kho quẹt. Nhiều khi cầm ổ bánh mì mà ước gì nó biến thành điếu
thuốc để mình ngâm nga: “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói
huyền bay lên cây.” (Chiều, thơ Hồ Dzếnh,
nhạc Dương Thiệu Tước) Khói chưa có mà mắt mình cay, mới lạ!
Có
dịp về Sài Gòn, tôi ghé Cao Thắng thăm bánh mì Tám Cầu. Chú Tám mất, con trai
chú Tám nối nghiệp gia truyền. Ảnh lớn hơn tôi mấy tuổi, học Đại học Bách khoa
ra trường đi làm một thời gian, rồi phụ cha bán bánh mì. Riết rồi thành nghiệp,
ảnh nói bán quen nên vui, không gặp khách quen cũng nhớ. Các cháu con anh chị
tôi vẫn ở căn nhà trong hẻm, tụi nó ra mua bánh mì, ảnh nhớ rành rọt đứa nào
con ai làm gì, lâu lâu tôi ghé, ảnh hỏi thăm đủ một vòng. Giờ ảnh nhớ cả chuyện
bạn đời tôi thích thịt nạc không ăn ớt nữa mới hay. Tôi mắng vốn ảnh chuyện
“bánh mì rỗng ruột”, ảnh cười trừ: “Giờ người ta thích vậy đó em, đặc ruột kêu
ăn ớn, biết sao giờ.” Ổ mì xẻ ra xẹp lép, ruột chẳng bao nhiêu, nên bản giao
hưởng mùi vị thiếu mất cái nền quan trọng là ruột mì dai dai chắc bụng. Bánh mì
đặc ruột của tôi ngày xưa giờ ở đâu?
Về
nhà quê, lâu lâu tôi vô Sài Gòn nhưng ở tận Bình Thạnh. Buổi sáng không dám
xông vào lớp sóng “trùng trùng xe máy” để tới bánh mì Tám Cầu, tôi tha thẩn tấp
vô một xe bánh mì nhỏ ở Tăng Bạt Hổ. Cô bán hàng cười rất tươi, mà thương nhứt
là cái giọng Sài Gòn chính hiệu: “Chị, bánh mì thịc hen chị?” Mua vài lần, tôi
thành khách quen. Bánh mì của em ngon rất thiệt thà, em kể em tự làm mọi thứ,
chỉ có bánh mì là mua. Bánh mì của em không đặc ruột, nhưng chắc nhờ các thứ
nhà làm hay sao mà tôi thấy thiệt ngon, không kém gì bánh mì Tám Cầu ngày xưa.
Em ly dị, bán bánh mì nuôi con gái và mẹ già, mà lúc nào tôi cũng thấy em cười,
hồn hậu và chân tình. Tôi bỗng thấy những nỗi buồn trong lòng tan đi theo nụ
cười của em. Cám ơn em đã giúp tôi “trả lại nắng trong tim, trả lại
thoáng hương thơm” để tìm lại “một cành hoa giữa tâm hồn”
(Đời gọi em biết bao lần, Trịnh Công Sơn).
Người
ta là thi sỹ, nhạc sỹ nên làm thơ viết nhạc kỷ niệm các mối tình. Tôi không có
hoa tay nghệ sỹ nên đành mượn tứ thơ người khác mà phỏng lại tặng các… bánh mì
của tôi: “bàn tay ta vừa lạnh, bánh mì nào hơ nóng, và giữ ấm đời ta, lưu
dấu bao hình bóng” (1) Cám ơn
bánh mì và những hình bóng sau bánh mì!
Minh
Lê (Suối Tiên, 3/2021)
(1) Phỏng thơ Trần Dạ Từ, “bàn tay mềm khói sương, tiếng hát nào hơ
nóng, và ai qua đời tôi, chiều âm vang ngàn sóng”, trích Thơ Cũ của Nàng. Vũ Đình Chương phổ nhạc thành Người đi qua đời tôi.
No comments:
Post a Comment